Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Papillon – Người Tù Khổ Sai – Tập 1

Chương 5: Xuất phát

Tác giả: Henri Charrière

Đến sáu giờ sáng có lệnh chuẩn bị xuất phát. Mấy người tù cấm cố đến đưa cà-phê cho chúng tôi, rồi bốn viên giám thị đến gặp chúng tôi với những chỉ thị cuối cùng. Hôm nay họ mặc đồ trắng, súng lục vẫn đeo bên hông. Hàng khuy trên cái áo trắng muốt của họ Óng ánh vàng. Một người trong bọn họ có ba cái lon vàng hình chữ V trên ống tay áo bên trái, trên vai không thấy phù hiệu gì.

– Các phạm nhân, các người sẽ ra hành lang từng hai người một. Mỗi người sẽ tìm lấy bị đồ đạc của mình, tên có đề trên nhãn. Hãy cầm lấy bị và lùi sát tường, mặt quay ra hành lang, bị để ngay trước mặt.

Phải mất đến hai mươi phút chúng tôi mới xếp hàng xong dọc hành lang, bị để trước mặt.

– Cởi áo quần ra, gấp lại cho gọn và lấy hai ống tay áo ngoài buộc lại thành bó.. Được rồi. Thằng kia nhặt mấy bó áo quần để vào trong phòng giam… Bây giờ mặc áo quần mới vào, quần đùi mặc trước, rồi đến áo lót dệt kim, rồi quần sọc, áo blouson, đi tất và đi giày… Xong chưa?

– Thưa ông giám thị xong rồi.

– Tốt. Để cái áo va-rơi len ở ngoài bị phòng khi trời mưa hoặc khi nào lạnh thì mặc vào. Vác bị lên vai bên trái. Từng hai người một, nối đuôi nhau theo tôi.

Viên giám thị đeo lon đi trước, hai người kia đi hai bên, người thứ tư đi sau cùng, cứ thế đoàn người bước ra phía sân. Không đầy hai tiếng đồng hồ, tám trăm mười người tù khổ sai đã hàng lối chỉnh tề. Họ gọi tên bốn mươi người trong đó có tôi và Louis Dega cùng với ba người vượt ngục bị bắt lại là Julot, Galgani và Santini. Bốn mươi người này được xếp thành hàng mười. Mỗi hàng có một viên giám thị đi kèm bên cạnh người đứng đầu hàng.

Không có xiềng, không có khóa. Ở phía trước, cách chúng tôi ba thước, có mười viên cảnh binh xếp hàng thẳng quay mặt về phía chúng tôi. Họ cầm súng trường lăm lăm trong tay, đi giật lùi trước mặt chúng tôi trên suốt chặng đường, mỗi người được một viên cảnh binh khác dẫn đường bằng cách kéo dây nịt vai. Cổng lớn của pháo đài mở ra và đoàn người từ từ xuất phát. Trong khi chúng tôi ra khỏi pháo đài, có nhiều cảnh binh cầm súng trường hay tiểu liên đi theo cách đoàn người khoảng hai mét. Một đám người tò mò đông như kiến được bọn cảnh binh ngăn ra hai bên: họ biết có chuyến tàu đi đày, nên kéo nhau ra xem.

Đi được khoảng nửa đường tôi nghe có tiếng huýt sáo khe khẽ qua kẽ răng từ trên cửa sổ một ngôi nhà lầu đưa xuống. Tôi ngẩng đầu lên thì trông thấy Nénette vợ tôi và một người bạn của tôi là Antoine D. đứng ở một khung cứa sổ; ở một khung cứa sổ khác tôi lại trông thấy Paula, bà vợ của Dega và bạn của bác ta là Antoine Giletti. Dega cũng đã nhìn thấy họ, và thế là chúng tôi vừa di vừa dán mắt vào hai khung cửa sổ ấy cho đến lúc không còn nhìn được nữa mới thôi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy vợ tôi, và cả Antoine bạn tôi nữa: về sau anh ta sẽ chết trong một trận oanh tạc ở Marseille.

Đoàn người đi hoàn toàn im lặng, không có ai nói gì. Dù là tù nhân, là giám thị, là cảnh binh hay là công chúng hiếu kỳ, ai nấy đều không dám làm kinh động cái giờ phút thực sự bi đát ấy, khi mà mọi người đều hiểu rằng đoàn tù một ngàn tám trăm người này sắp vĩnh viễn từ giã cuộc sống bình thường. Chúng tôi lên tàu. Tốp bốn mươi người đầu tiên được đưa xuống hầm tàu, nhốt vào một cái chuồng xung quanh có bốn hàng chấn song sắt rất lớn. Trên chấn song có một cái biển bằng các-tông. Tôi đọc thấy: “phòng số 1, 40 người thuộc loạt rất đặc biệt. Cần cảnh giác thường xuyên và nghiêm ngặt”. Mỗi người được nhận một cái võng cuốn chặt lại. Xung quanh có rất nhiều vòng dính vào chấn song để treo võng.

Có ai ôm hôn tôi: đó là Julot. Cậu ta thì biết rõ cảnh này lắm, vì cách đây mười năm cậu ta cũng đã đi một chuyến như thế này. Không ai có thể hiểu tình hình hơn nữa. Julot nói với tôi:

– Đến đây nhanh lên. Treo bị lên cái vòng mà cậu định dành để treo võng. Chỗ này gần hai cái cửa thông hơi kia, bây giờ thì đang đóng, nhưng ra khơi họ sẽ mở, cho nên chỗ này dễ thở hơn bất cứ nơi nào khác trong chuồng.

Tôi giới thiệu Dega với anh ta. Chúng tôi đang nói chuyện thì thấy một người bước tới, Julot liền giơ tay ra chặn lại và nói: “Nếu cậu muốn sống cho đến lúc cặp bến thì đừng bao giờ đến gần chỗ này. Hiểu chưa?” – “Hiểu rồi”, người kia nói. – “Cậu có biết tại sao không?” “Có” – “Thế thì xéo đi”. Hắn bỏ đi, Dega rất mừng khi được chứng kiến cuộc biểu dương sức mạnh này, và cũng không giấu giếm điều đó: “Có hai cậu, tôi sẽ có thể ngủ yên”. Julot đáp: “Có hai đứa chúng tôi, bác ở đây còn an toàn hơn ở trong một cái villa trên bờ biển có một khung cửa sổ mở”.

Chuyến vượt Đại tây dương đã kéo dài được mười tám ngày. Chỉ có một sự cố duy nhất: đêm nọ, một tiếng kêu lớn làm mọi người thức giấc. Một người tù đã chết, một con dao lớn cắm vào giữa hai vai. Con dao đâm từ phía dưới lên, xuyên qua võng trước khi đâm xuống lồng ngực. Đó là một vũ khí đáng kinh sợ, dài hơn hai mươi phân. Lập tức, hai mươi lăm hay ba mươi viên giám thị chĩa súng lục hay súng trường vào chúng tôi, quát:

– Tất cả, cởi hết ra, nhanh lên!

Mọi người hối hả cởi áo quần. Tôi hiểu rằng họ sắp khám xét chúng tôi. Tôi để con dao mổ dưới bàn chân phải (lúc bấy giờ tôi không đi giày đi tất gì cả), đứng nặng về chân trái nhiều hơn vì lười dao tuy đặt ngửa vẫn làm cho gan bàn chân phải của tôi đau. Tuy vậy bàn chân phải của tôi cũng lấp hết chiều dài của con dao mổ.

Bốn viên giám thị đi vào chuồng và bắt đầu lục soát giày và áo quần của tù nhân. Trước khi vào họ đã để vũ khí ở bên ngoài, và người ta đã đóng cửa chuồng lại sau lưng họ, nhưng từ bên ngoài người ta vẫn quan sát chúng tôi, các họng súng chĩa thẳng vào chúng tôi. Có tiếng một viên chỉ huy nói: “Hễ đứa nào nhúc nhích là chết ngay”. Trong cuộc lục soát họ phát hiện được ba con dao, hai cái đinh đóng sàn nhà mài nhọn, một cái dùi xoáy ốc mở nút chai và một cái plan bằng vàng. Sáu người được lệnh ra khỏi chuồng, mình vẫn trần truồng. Viên chỉ huy trương của đoàn áp giải là thiếu tá Barrot cùng đến với hai bác sĩ quân y và viên thuyền trưởng.

Khi mấy người cảnh binh đã ra khỏi chuồng, mọi người đều mặc áo quần trở lại, không cần đợi lệnh. Tôi đã giấu được con dao mổ vào chỗ cũ. Bọn giám thị đã lùi về phía cuối gian hầm tàu. Đứng giữa là Barrot, còn mấy người khác đứng cạnh cầu thang. Trước mặt họ, sáu người tù trần truồng xếp hàng ngang đứng nghiêm.

– Cái này là của tên này, viên cảnh binh đã chỉ huy cuộc lục soát vừa nói vừa cầm lấy con dao, tay chỉ vào chủ nhân của nó.

– Đúng, của tôi đấy.

– Tốt, – Barrot nói. – Người này sẽ tiếp tục chuyến đi trong xà-lim gần hầm máy.

Chủ nhân của mấy cái đinh mài nhọn, của cái dùi xoắn, của mấy con dao, lần lượt được chỉ ra và mỗi người đều thừa nhận sở hữu của mình. Vẫn trần truồng, họ bước lên thang gác, mỗi người có hai viên cảnh binh kèm hai bên. Ở giữa sàn tàu chỉ còn lại một con dao và cái plan bằng vàng; đứng trước hai vật này chỉ còn lại một tù nhân. Hắn còn trẻ, hai mươi ba hay hai mươi lăm tuổi là cùng, người to cao, một mét tám mươi là ít thân hình cân đối như một lực sĩ điền kinh, đôi mắt màu xanh lơ. Viên cảnh binh cầm cái plan bằng vàng đưa ra trước mặt hắn, nói:

– Cái này của mày phải không?

– Vâng, của tôi.

– Ở trong có những gì? – Thiếu tá Barrot cầm lấy cái plan nói.

– Ba trăm bảng Anh, hai trăm dollars và hai viên kim cương năm carats.

– Được để xem. – Ông ta mở cái plan ra.

Vì đứng quanh ông ta có nhiều người cho nên chúng tôi không trông thấy gì mà chỉ nghe ông ta nói: “Đúng. Tên mày?”

– Salvidia Romeo.

– Mày là người Ý?

– Thưa ông vâng.

– Mày sẽ không bị phạt vì cái plan, nhưng sẽ bị phạt vì con dao.

– Xin lỗi, con dao không phải của tôi.

– Đừng nói thế, tao đã tìm thấy con dao này trong giày của mày, – viên cảnh binh nói.

– Con dao không phải của tôi, xin nhắc lại.

– Thế thì tao nói dối phải không?

– Không, chẳng qua ông nhầm.

– Thế thì con dao của ai? – Thiếu tá Barrot nói. – Nếu không phải của mày thì phải là của một người nào chứ?

– Nó không phải của tôi, chỉ có thế thôi.

– Nếu mày không muốn bị luộc trong căn xà-lim đặt trên nồi súpđe, thì nói đi: con dao của ai?

– Tôi không biết.

– Mày giỡn mặt tao đấy à? Con dao dấu trong giày của mày mà mày không biết là của ai? Mày cho tao là thằng ngốc sao? Một là của mày, hai là mày biết ai để nó vào đấy. Trả lời đi.

– Nó không phải là của tôi và tôi không có bổn phận nói ra cho các ông biết nó là của ai. Tôi không phải là mật thám. Mặt mũi tôi thế này mà các ông nhìn ra thành một thằng canh tù hay sao?

– Giám thị, khóa tay thằng này lại. Mày sẽ phải trả một giá đắt cho cái thái độ vô kỷ luật hỗn láo của mày.

Viên chỉ huy đoàn áp giải và viên thuyền trưởng bàn bạc gì với nhau một lúc. Viên thuyền trưởng ra một mệnh lệnh gì đó cho một viên thủy thủ trưởng, hắn liền đi lên boong. Một lát sau một thấy thủ người Bretagne to như ông hộ pháp bước xuống, tay xách một cái xô bằng gỗ đựng đầy nước biển và một sợi dây thừng to bằng cổ tay. Họ trói người tù vào bậc cuối cùng của cầu thang, ở tư thế quỳ Người thuỷ thủ nhúng sợi thừng vào xô rồi từ từ dùng hết sức mạnh đánh lên mông, lên sườn và lên lưng người tù đáng thương. Không một tiếng kêu nào buột ra khỏi miệng anh ta, trong khi máu chảy đỏ lòm từ đôi mông và từ bên sườn anh ta. Không khí đang im phăng phắc, thì từ chuồng giam bỗng phát ra một tiếng hét phản đối:

– Quân khốn nạn!

Thế là mọi người lập tức la ó: “Quân giết người Thật bỉ ổi? Rõ thối tha!” Bọn cảnh binh quát: “Im ngay! Nếu không sẽ bắn xả vào cả lũ chúng mày?” Nhưng chúng càng dọa, chúng tôi càng hét to hơn.

Bỗng viên chỉ huy trưởng hô:

– Phun hơi vào?

Mấy người thủy thủ vặn hai cái bánh xe gì đó, và những tia hơi nóng phụt vào chuồng chúng tôi mạnh đến nỗi trong khoảnh khắc mọi người đều phải nằm rạp xuống. Những tia hơi nóng đều được phun ngang tầm ngực bọn tôi. Một nỗi kinh hoàng ghê gớm bao trùm lên cả cái tập thể của chúng tôi. Những người bị bỏng không đám kêu. Họ phun hơi trước sau cũng không đến một phút mà cũng đã làm cho mọi người khiếp đảm.

– Ta hy vọng rằng những kẻ cứng đầu đã hiểu ra chứ? Hễ lôi thôi một chút là sẽ nếm mùi hơi nóng. Hiểu chưa? Đứng dậy!. Chỉ có hai người bị bỏng thật sự. Họ được đưa ra bệnh xá. Người bị đánh bằng thừng được đưa vào chuồng trở lại với chúng tôi. Sáu năm sau anh ta sẽ chết trong một chuyến cùng vượt ngục với tôi.

Trong mười tám ngày vượt biển, chúng tôi có đủ thì giờ hỏi han để biết ít nhiều về cảnh sống ở nhà tù khổ sai. Sau này chúng tôi mới biết là không có gì giống với những điều chúng tôi đã hình dung, mặc dầu Julot đã cố gắng hết sức để cung cấp tài liệu cho chúng tôi Chẳng hạn, chúng tôi biết rằng Saint-Laurent- du-Maroni là một cái làng ở cách biển một trăm hai mươi cây số, nằm trên bờ con sông Maroni. Julot giảng giải cho chúng tôi:

– Làng này là nơi đặt nhà trừng giới, trung tâm của trại tù khổ sai. Việc phân loại tù được tiến hành ở trung tâm này. Những người bị đày biệt xứ được đưa thẳng đến một nhà trừng giới gọi là Saint-Jean cách đấy mốt trăm mươi cây số. Những người tù khổ sai được phân loại ngay ra thành ba khối:

“Khối thứ nhất gồm loại rất nguy hiểm; sẽ được gọi tên ngay khi mới đến và nhốt vào các phòng giam của khu trừng giới trong khi chờ đợi được đưa đến quần đảo Salut. Họ bị giam ở đấy đến khi mãn hạn hoặc đến khi chết. Quần đảo này ở cách Saint-Laurent năm trăm cây số và cách Cayenne một trăm cây số. Quần đảo gồm có ba đảo, một là Royale; đảo lớn nhất là Saint- Joseph, nơi đặt nhà tù cấm cố của trại khổ sai; cuối cùng là đảo Quỷ, đảo nhỏ nhất. Tù khổ sai không đến đảo Quỷ, trừ một vài trường hợp ngoại lệ rất hiếm hoi. Những người được đưa đến đảo Quỷ đều là tù khổ sai chính tri. “

“Kế đến là loại nguy hiểm bậc hai: họ sẽ ở lại trại Saint-Laurent và sẽ được đưa đi làm những công việc canh tác và trồng vườn. Mỗi khi cần, người ta lại phái họ đến những trại khổ sai đặc biệt gay go: Trại Forestier, Trại Charvin, Trại Cascade, Vịnh Đỏ, Cây số 42 được mệnh danh là trại Tử thần”.

“Cuối cùng là loại bình thường; họ được phân việc ở ban quản trị, ở các nhà bếp, được giao làm công việc quét dọn trong làng hay trong trại, hoặc được dùng vào những công việc của xưởng máy, xường mộc, xưởng may, hay làm thợ sơn, thợ rèn, thợ điện, thợ nhồi đệm, thợ giặt, v.v… “

Vậy giờ G là giờ cặp bến: nếu tù nhân được gọi tên và dẫn vào phòng giam riêng, thì như thế có nghĩa là sẽ bị giam ở quần đảo, không còn chút hy vọng nào có thể vượt ngục. Chỉ còn lại một cách duy nhất là mau mau tự gây thương tích, xẻ đầu gối hay rạch bụng ra để vào bệnh viện và tính chuyện vượt ngục từ đấy. Bằng bất cứ giá nào cũng phải tránh cho được cái cơ mầu bị đưa ra quần đảo. Cũng còn có một cơ hội nữa, là nếu chiếc tàu có nhiệm vụ đưa tù nhân ra đảo bị trục trặc, thì phải đút tiền cho người y tá. Người này sẽ tiêm một mũi tinh chất terebenthin vào một khớp xương, hoặc luồn một sợi tóc tẩm nước đái vào thịt để cho chỗ ấy nhiễm trùng sưng tấy lên. Hoặc giả người y tá sẽ đưa lưu huỳnh cho anh hít, rồi nói với bác sĩ là anh “sốt 40”.

Trong mấy ngày chờ đợi ấy, phải tìm cách vào bệnh viện bằng bất cứ giá nào. “Nếu anh không bị gọi riêng ra, mà được xếp chung với những người khác trong các lán của trại, thì anh có thì giờ để hành động: Trong trường hợp đó, không nên tìm một công việc ở bên trong trại. Phải đút tiền cho viên kế toán để có được một chân đổ rác hay quét dọn trong làng, hoặc được phái đến làm ở xưởng cưa của một thường dân làm thầu khoán ở đấy.

Những khi đi ra khỏi trại để đến nơi làm việc và mỗi tối trở về trại, người ta có thì giờ bắt liên lạc với những người tù mãn hạn hiện còn ở trong làng hay với những người Tàu, để họ chuẩn bị cho anh vượt ngục. Phải tránh những trạm ở quanh làng: ở đấy rất chóng chết; có những trại trong đó không một người nào sống được quá ba tháng. Đi làm trong rừng rậm thì phải chặt đủ mỗi ngày một mét khối gỗ.

Tất cả những tài liệu quý báu này, chúng tôi đã được Julot truyền đạt dần dần trong suốt cuộc hành trình. Riêng cậu ta thì đã sẵn sàng. Cậu ta biết rằng với tư cách tù nhân vượt ngục bị bắt lại, cậu ta sẽ được đưa thẳng vào xà-lim khi tàu cặp bến. Cho nên cậu ta thủ sẵn một con dao rất nhỏ, dao nhíp thì đúng hơn, dấu trong plan. Khi tàu cặp bến, cậu ta sẽ lấy dao ra rạch đầu gối. Khi xuống tàu cặp ta sẽ vờ vấp ngã trên thang trước mặt mọi người. Cậu ta dự tính là sẽ được khiêng thẳng từ bến vào nhà thương. Mọi việc sẽ diễn ra đúng phắt như vậy.

Bình luận
720
× sticky