Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Pháp Y Tần Minh: Người Giải Mã Tử Thi

Chương 10-2: Vụ án thứ mười – Giáng Sinh tĩnh lặng Phần 2

Tác giả: Tần Minh
Chọn tập

Đến nhà xác, chúng tôi đều choáng váng. Năm đó huyện Thanh Hạ còn chưa xây xong phòng giải phẫu thi thể, khắp nhà xác tối om, im ắng. Mãi tới khi chúng tôi vào phòng giữ xác mới nghe được chút âm thanh phát ra từ tủ đông giữ xác. Trong phòng giữ xác cũng không có đèn, ánh trăng chiếu xuyên qua cửa sổ, không hề là ánh trăng lãng mạn mà chỉ mang thêm chút cảm giác âm u trầm mặc.

“Có thể tìm ra biện pháp chiếu sáng nào không?” Sư phụ hỏi. Nói chung điều kiện thiết yếu nhất khi giải phẫu thi thế chính là có đủ ánh sáng.

“Có hai biện pháp, một là dùng đèn lớn trên nóc xe khám nghiệm, rất sáng nhưng một thùng dầu chỉ có thể chiếu trong bảy tiếng đồng hồ, hiện giờ chỉ còn nửa thùng dầu thôi.” Bác sĩ Thiệu của phòng pháp y huyện Thanh Hạ nói, “Ngoài ra có thể ra ngoài giải phẫu, nối dây điện để bật một bóng đèn, nhưng độ sáng có hạn.”

“Ba tiếng đồng hồ chắc chắn không lo xong việc, nối dây điện đi, tốt nhất là tìm bóng có số Watt lớn, sau đó dùng đèn khám nghiệm cầm tay phụ trợ việc chiếu sáng.” Sư phụ vừa nói, vừa ra bãi đất trống sau phòng giữ xác để tìm nơi có thể đặt một chiếc giường lớn đủ cho ba thi thể.

“Ba tiếng chắc chắn không xong.” Bác sĩ Thiệu nuốt nước miếng. Ý sư phụ là: Đêm nay đừng mong được ngủ.

Rất nhanh sau đó, một chiếc đèn đơn giản được bác sĩ pháp y địa phương cùng nhân viên thu thập chứng cứ dựng lên, dùng đèn trên công trường để chiếu sáng, rất sáng nhưng cũng rất nóng. Vừa lúc đó, thi thể cũng được lái xe của nhà xác đưa đến.

“Không còn việc gì nữa đúng không? Không còn thì tôi đi đây.” Người quản lý nhà xác ngáp dài nói.

“Tìm cho tôi một chiếc giường đặt vừa ba thi thể đi, như vậy thì không cần ngồi xổm giải phẫu.” Sư phụ nói.

“À, chờ chút.” Quản lý nhà xác tỏ vẻ nôn nóng, “Ngày mai giải phẫu không được ư? Sao phải cần gấp như vậy, cũng đã 12 giờ rồi.”

“Thân nhân của người chết nhất định sẽ không chờ được.” Sư phụ trầm giọng nói.

Ba thi thể nhanh chóng được đặt ngay ngắn lên giường. Vừa kéo miệng túi đựng thi thể ra đã thấy mùi khét của thịt cháy tràn ngập khắp không gian bãi đất trống. Tuy rằng dạ dày tôi đã trống rỗng từ lâu, nhưng cứ nghĩ đến bữa thịt nướng ăn lúc tối là dịch vị lại trào lên.

“Trước hết cần xác định những người này bị chết cháy hay chết rồi mới bị đốt xác, việc này là mấu chốt để xác định tính chất vụ việc.” Sư phụ hẳn là muốn khảo sát kiến thức của tôi, hỏi “Chết cháy và bị đốt cháy sau khi chết có gì khác nhau?”

“Xem độ bỏng trên da, xem phản ứng sinh hoạt, xem có nốt hồng, mụn nước hay không.” Tôi nghĩ chuyện nhỏ này sao có thể làm khó được tôi. Tuy rằng tôi phản ứng rất nhanh, nhưng bị mắng cũng nhanh không kém.

“Dốt! Than hóa rồi còn nhìn phản ứng sinh hoạt gì nữa?” Sư phụ nói.

“Em còn chưa nói xong mà.” Tôi không phục lắm, “Quan trọng là phải xem đường hô hấp của người chết có dấu vết khói bụi không.”

“Ừm, còn phải xem đường hô hấp và phổi có bị tổn thương do nhiệt hay không. Đồng thời phải xem có triệu chứng trúng độc oxit carbon không.” Sư phụ nhấn mạnh, “Rất nhiều người chưa kịp hít phải khói bụi trong đám cháy đã bị trúng độc oxit carbon dẫn đến tử vong, như vậy cũng có thể bị nhầm lẫn thành bị đốt xác sau khi chết.”

Tôi gật đầu, đưa tay chạm vào một thi thể. “Rắc”. Lại một mảnh da bị đốt cháy rơi xuống, để lộ ra mô thịt đỏ tươi, dưới ánh đèn sáng rực trông vô cùng kinh khủng.

“Xem thi thể mấy đứa trẻ trước đi, dễ trước khó sau.” Sư phụ nói, đi đến bên thi thể hai đứa trẻ, bắt đầu khám nghiệm sơ bộ ngoài da. Tuy rằng da bề ngoài đã bị than hóa toàn bộ, nhưng bước khám nghiệm này vẫn không thể thiếu. Khám nghiệm bên ngoài cũng như giải phẫu thi thể đều không phát hiện ra dấu vết bị ngoại thương. Tôi dùng kẹp kẹp lấy khí quản, đồng thời dùng dao giải phẫu đã được làm sạch nhẹ nhàng cắt khí quản trẻ con non nớt ra. Vách khí quản rất mỏng, không ngờ bên trong toàn là khói bụi, tổn thương do nhiệt cũng rất rõ ràng.

“Rõ là bị thiêu cháy khi còn sống!” Tôi kinh ngạc nói.

Sư phụ đứng bên cạnh cau mày không nói lời nào. Bỗng thầy đột nhiên nghĩ tới điều gì đó, dùng dao phẫu thuật nhanh nhẹn cắt da đầu của đứa trẻ ra. Da đầu của đứa bé đã bị cháy đến không còn nguyên vẹn, lại còn rất giòn. Hiện tại đã không thể phân biệt dưới da đầu có bị sưng hay không, nhưng sau khi cắt da đầu ra chúng tôi phát hiện xương sọ của đứa trẻ này đã vỡ vụn, vài mảnh xương sọ dính chặt lên da đầu, chúng rơi ra khi sư phụ bóc tách da đầu, lộ ra tổ chức não trắng đỏ lẫn lộn.

“Đầu có ngoại thương!” Bác sĩ Thiệu nói.

“Không phải đâu.” Tuy rằng tôi chưa từng gặp dạng thi thể bị cháy như thế này, nhưng kiến thức căn bản vẫn không thể sai, “Trong sách nói, thi thể bị đốt cháy thường xuất hiện hiện tượng xương sọ vỡ nát, là do sau khi bị đốt xương sọ bị giòn hóa, não phình lên mà tạo thành.”

“Đúng vậy, đối với loại thi thể bị thiêu cháy tới mức này, nhất là thi thể trẻ nhỏ, thường sẽ có hiện tượng xương sọ nứt vỡ, thậm chí là vỡ nát.” Sư phụ cũng đồng ý với quan điểm của tôi, “Nhưng từ màu sắc của tổ chức não thì hẳn là có ngoại thương.”

Sư phụ đối chiếu phần não hơi đỏ, cẩn thận quan sát dấu vết nứt vỡ của xương sọ. Đột nhiên mắt thầy sáng lên: “Tôi đã nói rồi, đây căn bản không phải là hỏa hoạn ngoài ý muốn.”

Nghe sư phụ nói vậy, chúng tôi đều chụm đầu vào nhìn.

Sư phụ dùng kẹp chỉ vào một trong rất nhiều đường gãy trong mảng xương sọ vỡ nát, nói: “Các anh xem, đường gãy xương này hướng vào bên trong. Chúng ta đều biết, với các thi thể bị thiêu cháy, hiện tượng xương sọ vỡ hình thành do giòn hóa, phình trướng, đường gãy xương đều hướng ra ngoài, tuyệt đối không thể lõm vào trong, đúng không?”

Chúng tôi đều gật đầu. Sư phụ nói tiếp: “Đường gãy này hướng vào trong, trong tổ chức não lại xuất huyết, không có tổn thương đối xứng do va đập, như vậy chỉ có thể là vết thương do tác động lực trực tiếp từ bên ngoài tạo ra.”

“Ý ngài là đứa trẻ này bị đánh ngất, sau đó mới bị thiêu sống?” Bác sĩ Thiệu hỏi.

“Đúng vậy, nếu tôi đoán không sai, đứa bé kia cũng có tình trạng giống như vậy.” Sư phụ bảo.

Chúng tôi nhanh nhẹn tiến hành giải phẫu thi thể đứa trẻ còn lại, đúng như sư phụ suy đoán, trong khí quản toàn là khói bụi, toàn thân không có ngoại thương, nhưng trên xương sọ cũng có những đường gãy xương lõm vào trong.

“Xem ra hung thủ rất tự tin.” Sư phụ nói, “Trước tiên hắn khiến lũ trẻ mất khả năng chống cự, sau đó thiêu chết chúng, cũng không hề lo lũ trẻ có thể sống lại. Vậy nên tôi cho rằng chất dẫn cháy là xăng dầu gì đó, hắn trực tiếp tưới xăng lên trên người bọn trẻ.”

“Chẳng phải lúc trước ngài nói nơi châm lửa là ở giữa phòng sao?” Bác sĩ Thiệu hỏi.

“Đúng vậy, chỗ đó hẳn là đặt thùng chứa chất dẫn cháy, cũng là điểm châm lửa, lửa sẽ lan đến thi thể trong nháy mắt.” Sư phụ nói, “Chúng ta cần quay lại hiện trường xem xét đống tro tàn đó.”

Sư phụ ngẩng đầu nhìn tôi, tôi đang ngẩn người trầm tư. Sư phụ lập tức hiểu được suy nghĩ của tôi: “Sao hả, còn chưa tin đây là án giết người? Vậy chúng ta khám nghiệm thi thể của người lớn, có lẽ sẽ có thu hoạch bất ngờ.”

Với thi thể lão Hạ, chúng tôi lại càng khám nghiệm cẩn thận. Sau khi mở lồng ngực ông ấy ra, tôi lờ mờ phát hiện phổi của ông ấy không giống phổi hai đứa trẻ, không hề có hiện tượng nội thương do bỏng. Tôi cầm dao giải phẫu chuẩn bị cắt khí quản ra. Sư phụ ngăn tôi lại, nói: “Thận trọng một chút, móc lưỡi đi.”

Móc lưỡi là tên gọi tắt chúng tôi thường dùng, chính là từ cổ cắt lấy phần lưỡi trong khoang miệng ra, sau đó có thể tách toàn bộ nội tạng ra khỏi thân thể. Biện pháp này thường vận dụng khi tiến hành khám nghiệm bệnh lý học pháp y1], cần cắt lấy nội tạng, mang chẩn đoán dưới kính hiển vi.

Tôi hiểu ý sư phụ, thấy ấy muốn quan sát cẩn thận tình trạng trong cổ họng lão Hạ. Tôi cầm dao phẫu thuật cắt dọc theo cằm của thi thể, sau đó từ cổ họng đưa vài ngón tay vào khoang miệng, móc lưỡi ra, rồi cắt đứt phần vách mềm sau họng, thuận lợi lấy lưỡi ra ngoài.

Sư phụ mỉm cười gật đầu, tỏ vẻ hài lòng với thủ pháp thuần thục của tôi.

Tôi tách đường hô hấp trên và phổi ra khỏi lồng ngực, kinh ngạc phát hiện ra trong cổ họng lão Hạ không hề có chút khói bụi hay vết bỏng.

“Nhìn đi, đây là chết rồi bị đốt xác. Trong khí quản có thể sẽ rất sạch sẽ.” Sư phụ nói.

Dù sao sư phụ cũng đã có kinh nghiệm phong phú. Khi mở khí quản ra, quả nhiên toàn bộ vách khí quản đều sạch sẽ, không có gì khác thường.

Tôi nâng tay lên, dùng đầu vai quệt mồ hôi trên trán, thở phào nhẹ nhõm, nói: “Sư phụ nói chuẩn quá, đúng là án giết người.”

Tuy da đầu lão Hạ cũng bị thiêu trụi, nhưng xương sọ không bị đốt cháy nghiêm trọng, cũng không bị vỡ nát. Sau khi cắt da đầu ra, chúng tôi phát hiện trên xương sau đầu phía trái và đỉnh chóp bên trái có vài nơi lõm vào, bên trong càng tổn thương nặng hơn.

“Giống với kiểu tổn thương của bọn trẻ.” Sư phụ nói, “Là dùng vật tày đập vào đầu.”

Để phát hiện thêm nhiều dấu vết, tôi dùng gạc cẩn thận lau xương sọ lão Hạ, muốn lau sạch màng xương, mong dễ dàng quan sát hình thái gãy của những vết lõm đó, biết đâu có thể suy đoán ra công cụ gây thương tích.

Sư phụ cũng đã tính toán trước, thầy trầm tư trong chốc lát, nói với bác sĩ pháp y đứng bên cạnh: “Tổn thương não dẫn đến tử vong cần một thời gian nhất định. Nhìn tình hình, hẳn là đầu tiên hung thủ đột nhiên tấn công lão Hạ, khiến ông ấy ngã xuống hôn mê, sau đó kéo ông ấy vào hiện trường vụ cháy, đặt lên trên giường. Trong quá trình này, lão Hạ vì tổn thương não nghiêm trọng mà tử vong, nhưng lũ trẻ chỉ ngất đi thôi. Bởi vậy khi lửa bốc lên, lão Hạ đã chết cùng lũ trẻ còn sống như hôn mê đều bị thiêu cháy.”

Mọi người gật đầu. Như vậy có thể giái thích tại sao trong cùng hiện trường vụ cháy lại vừa có chết cháy, vừa có chết rồi mới đốt xác.

Khi sư phụ tiến hành phân tích vụ án, dường như tôi có phát hiện mới. Tôi nhận lấy đèn cầm tay từ nhân viên thu thập chứng cứ, dùng đèn pin chiếu thẳng vào vết gãy lõm trên xương sọ lão Hạ. Lúc này màng xương đã được tôi lau sạch sẽ, lộ ra mảnh xương trắng ởn và đường gãy lõm rõ ràng.

Đột nhiên mắt tôi sáng lên, nói: “Sư phụ, thầy xem đây là cái gì!”

(1) Bệnh lý học pháp y là một nhánh của bệnh lý học, chủ yếu vận dụng trong chẩn đoán các vụ tử vong bất ngờ, phân tích sự liên quan giữa vết thương và bệnh tật, Giải phẫu pháp y cắt lấy mô nội tạng, qua các thao tác cố định, tách nước, cắt nhỏ, nhuộm màu, chiết xuất, quan sát tế bào và tổ chức kết cấu dưới kính hiển vi, từ đó chẩn đoán tình trạng bệnh tật của người chết.

Chọn tập
Bình luận
× sticky