Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phút Dừng Lại Của Người Thông Minh

Chương 9: Cứu Mạng

Tác giả: Atul Gawande

Mùa Xuân năm 2007, ngay khi danh mục kiểm tra trong phẫu thuật của chúng tôi mới hình thành, tôi đã thử áp dụng trong các ca mổ do tôi phụ trách. Tôi làm thế không phải vì tôi nghĩ nó cần thiết, mà vì tôi muốn chắc rằng nó có thể sử dụng được. Và tôi cũng không muốn là kẻ đạo đức giả. Chúng tôi dự định giới thiệu danh mục đó ở tám thành phố trên khắp thế giới. Vậy thì tôi phải tự sử dụng nó trước. Nhưng tôi có nghĩ rằng danh mục kiểm tra sẽ tạo ra nhiều khác biệt trong các ca mổ của tôi không? Không. Còn trong chính các ca mổ của tôi? Làm ơn đừng bắt tôi trả lời.

Thật xấu hổ, song tôi đã trải qua một tuần phẫu thuật mà nếu không có sự hướng dẫn của danh mục kiểm tra, chúng tôi có thể đã bỏ sót một vài điều. Ngay mới tuần trước thôi, chúng tôi đã phát hiện ra ba vấn đề trong năm ca mổ.

Tôi có một bệnh nhân chưa được tiêm kháng sinh mà đúng ra phải được tiêm trước lúc mổ. Đây là một trong những lỗi phổ biến nhất của chúng tôi. Việc ê kíp gây mê xao nhãng là lẽ thường, vì con người ta khi nhớ khi quên. Họ tìm mãi không ra ven để tiêm, và có một cái màn hình đang rò điện. Lúc ấy, y tá ngưng mọi người lại để thực hiện danh mục kiểm tra Trước khi mổ.

– Kháng sinh được tiêm trong vòng 60 phút trước khi mổ? – Tôi đọc to mấy dòng ở tấm giấy dán trên tường.

– Ồ, đúng rồi, uhm, vâng, tôi sẽ làm ngay. – Bác sĩ gây mê đáp.

Chúng tôi chờ một phút để thuốc bắt đầu ngấm trước khi bác sĩ phụ mổ đưa con dao cho tôi.

Một bệnh nhân khác lại không muốn sử dụng kháng sinh. Cô nói kháng sinh khiến cô bị rối loạn tiêu hóa và nhiễm nấm Candida – bệnh nhân hiểu rõ những lợi ích của kháng sinh. Rủi ro nhiễm trùng vết thương trong ca mổ đặc biệt của cô ấy là thấp – khoảng chừng 1% – và cô chấp nhận rủi ro này. Nhưng sử dụng kháng sinh là thói quen (khi chúng tôi không bị các vấn đề khác làm xao nhãng) đến mức chúng tôi suýt hai lần tiêm mà không hề chú ý đến những dị ứng của bệnh nhân. Lần thứ nhất là trước lúc gây mê và chính cô phát hiện ra.

Lần thứ hai là sau khi gây mê và danh mục kiểm tra đã phát hiện ra. Khi chúng tôi đi loanh quanh trong phòng lúc tạm ngưng trước khi mổ, để đảm bảo không ai còn lo lắng điều gì nữa, y tá đã nhắc mọi người không sử dụng kháng sinh. Bác sĩ gây mê tỏ vẻ ngạc nhiên. Trước đó, bà đã không tham gia cuộc hội ý của ê kíp và định tiêm kháng sinh cho bệnh nhân.

Một trường hợp khác liên quan đến người phụ nữ đang ở độ tuổi 60 cần cắt bỏ một nửa tuyến giáp vì có nguy cơ ung thư. Bệnh nhân đã chia sẻ với chúng tôi về các vấn đề sức khỏe. Bệnh nhân cũng từng nghiện thuốc lá nặng, nhưng đã bỏ được vài năm trước. Có vẻ thuốc lá đã không để lại ảnh hưởng nào đáng kể. Bà có thể đi thang bộ hai tầng lầu mà không bị hụt hơi hay đau ngực. Nhìn chung là trông bà khá ổn. Tôi nghe phổi thì không có tiếng ran. Hồ sơ bệnh án không có chẩn đoán liên quan đến phổi. Nhưng khi gặp bác sĩ gây mê trước ca mổ, bà chợt nhớ là đã bị khó thở sau hai ca mổ trước đây và cần phải thở oxy tại nhà trong vài tuần. Có một ca, bà phải ở lại trong khu săn sóc đặc biệt.

Vấn đề này khá nghiêm trọng. Bác sĩ gây mê biết chuyện đó, còn tôi thì không, cho đến khi chúng tôi thực hiện danh mục kiểm tra. Đến phần nêu lên các vấn đề cần quan tâm, bác sĩ gây mê nhắc tôi nên dựa vào những vấn đề hô hấp trước đó của bệnh nhân để lên kế hoạch theo dõi lâu hơn sau ca phẫu thuật dự tính sẽ ra về trong ngày này.

Vậy là chúng tôi quyết định rằng bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện để theo dõi thêm. Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị mọi thứ để cho bà thở với ống xịt thuốc trong lúc mổ và cả sau khi mổ, nhằm ngăn ngừa những rắc rối liên quan đến hô hấp. Điều đó đã chứng tỏ có hiệu quả tuyệt vời. Bệnh nhân không hề cần thở oxy sau đó.

Dù chúng tôi đã rất quen thuộc với một dạng phẫu thuật nào đó, nhưng bệnh nhân của mỗi ca lại khác nhau. Danh mục kiểm tra giúp chúng tôi phát hiện ra các vấn đề về dị ứng thuốc, các trục trặc thiết bị, sự nhầm lẫn về thuốc men, sai sót trong các nhãn dán lên mẫu sinh thiết gửi đến khoa nghiên cứu bệnh học. Danh mục giúp chúng tôi đưa ra những kế hoạch tốt hơn và chuẩn bị chu đáo hơn cho bệnh nhân. Nếu không có danh mục kiểm tra, tôi không chắc là chúng tôi có thể mắc bao nhiêu lỗi và đã gây nên những hậu quả gì.

Có một trường hợp tôi biết chắc danh mục kiểm tra đã cứu sống bệnh nhân. Đó là ông Hagerman (chúng ta sẽ gọi ông như thế) 53 tuổi, có hai con và là giám đốc điều hành của một công ty địa phương. Tôi đã đưa ông vào phòng mổ để chuẩn bị cắt bỏ tuyến thượng thận bên phải vì có một khối u bất thường phát triển bên trong gọi là u tế bào ưa chrom. Các khối u kiểu như của ông là vô cùng hiếm gặp. Chúng tiết ra chất adrenalin nguy hiểm và có thể khó cắt bỏ. Nhưng trong những năm gần đây, ngoài chuyên môn phẫu thuật tổng quát, tôi còn đặc biệt quan tâm và tìm hiểu về phẫu thuật nội tiết. Tính đến nay, tôi đã thực hiện khoảng 40 ca phẫu thuật cắt bỏ khối u thượng thận mà không để lại biến chứng nào. Vì thế, khi ông Hagerman đến gặp tôi để kiểm tra khối u lạ kỳ ấy, tôi khá tự tin và khẳng định tôi hoàn toàn có thể giúp được ông ta. Tôi giải thích là luôn có rủi ro biến chứng, mà rủi ro nguy hiểm nhất là cắt phải tĩnh mạch chủ – mạch chính đưa máu chảy về tim – có thể gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa mạng sống. Nhưng tôi cam đoan với ông là khả năng ấy rất thấp.

Tuy thế, một khi bạn ở trong phòng mổ, rắc rối có thể xảy ra hoặc không. Và với ông Hagerman, tôi đã gặp phải rắc rối.

Tôi đang thực hiện ca mổ nội soi cắt bỏ khối u. Tôi quan sát các thiết bị trên màn hình thông qua máy quay mà chúng tôi đã đưa vào cơ thể bệnh nhân. Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ. Tôi có thể nâng gan lên và ở phía xa bên dưới, tôi phát hiện thấy một khối u màu vàng sậm, mềm, giống như lòng đỏ của quả trứng đã luộc chín. Tôi thận trọng tách khối u ra khỏi tĩnh mạch chủ. Việc này không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Khi gần như toàn bộ khối u đã được lấy ra, tôi đã làm cái điều mà tôi chưa bao giờ làm trước đó: tôi cắt phải tĩnh mạch chủ!

Đây đúng là một thảm họa. Giống như tôi đã đâm một lỗ ngay tim bệnh nhân. Máu chảy ồ ạt. Sau khoảng một phút, gần như toàn bộ máu của bệnh nhân đã chảy vào ổ bụng. Tim ngừng đập. Tôi lập tức rạch một vết mổ lớn để mở lồng ngực và bụng nhanh nhất, rộng nhất có thể. Tôi cầm lấy quả tim bệnh nhân trong tay và bắt đầu ép – một hai ba ép, một hai ba ép – để giữ cho máu chảy về não. Bác sĩ phụ mổ giúp tôi giữ áp suất trên tĩnh mạch chủ để làm chậm dòng máu chảy. Nhưng nắm chặt trái tim bệnh nhân trong những ngón tay mình, tôi có cảm tưởng như trong đó đã không còn chút máu nào.

Tôi nghĩ thế là hết. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đưa ông Hagerman còn sống ra khỏi phòng mổ. Tôi giết ông ấy mất rồi.

Nhưng chúng tôi đã lướt qua danh mục kiểm tra lúc đầu ca mổ. Khi đến mục tôi có nhiệm vụ dự đoán ê kíp nên chuẩn bị bao nhiêu máu cho bệnh nhân, tôi nói: “Tôi không nghĩ bệnh nhân sẽ mất máu nhiều. Tôi chưa bao giờ để bệnh nhân mất hơn 100 ml máu”. Chắc chắn ca này cũng vậy. Nhưng tôi cũng nói thêm là do khối u ở sát ngay tĩnh mạch chủ nên xét về lý thuyết, việc mất máu nghiêm

trọng vẫn có thể xảy ra. Y tá dựa vào ý này để kiểm tra xem đã có đủ bốn đơn vị máu dự trữ sẵn trong ngân hàng máu hay chưa, như thể chúng phải có sẵn – “phòng khi cần”, theo như cô ấy nói.

Xem lại mới thấy lượng máu đó vẫn chưa có sẵn trong ngân hàng máu. Vậy là ngân hàng phải chuẩn bị bốn đơn vị cho chúng tôi. Và chỉ bằng bước đơn giản này, danh mục kiểm tra đã cứu mạng ông Hagerman.

Việc sử dụng danh mục kiểm tra thường xuyên đã trở thành kỷ luật và đã tác động mạnh lên chúng tôi. Trong số những người có mặt trong phòng khi bắt đầu ca mổ gồm bác sĩ gây mê, y tá gây mê, bác sĩ phụ mổ, y tá phụ mổ, y tá tuần hoàn, sinh viên y khoa, tôi chỉ mới có dịp làm việc với hai người, và tôi có quen biết bác sĩ phụ mổ. Nhưng khi chúng tôi tự giới thiệu – “Atul Gawande, bác sĩ phẫu thuật”, “Rich Bafford, bác sĩ phụ mổ”, “Sue Marchand, y tá” – bạn có thể cảm nhận được mọi người trong phòng mổ đang nhanh chóng vào tư thế sẵn sàng. Chúng tôi xác nhận tên bệnh nhân được ghi trên chiếc vòng tay nhận dạng và tất cả chúng tôi đều biết tuyến thượng thận nào sẽ được cắt. Bác sĩ gây mê khẳng định ông không có vấn đề bất thường nào cần bàn bạc trước lúc bắt đầu. Các y tá cũng vậy. Chúng tôi đảm bảo bệnh nhân đã được tiêm kháng sinh, một tấm mền ấm đã được phủ lên người bệnh nhân, đã cho ông mang giày ống được bơm phồng nhằm ngăn ngừa các cục máu đông. Lúc bước vào phòng mổ, chúng tôi như những người xa lạ. Nhưng khi con dao mổ chạm vào da bệnh nhân, chúng tôi đã là một ê kíp.

Kết quả là khi tôi làm rách tĩnh mạch chủ và gây ra một thảm họa, mọi người vẫn giữ được thái độ điềm tĩnh. Y tá tuần hoàn gọi báo động yêu cầu thêm người trợ giúp và, gần như ngay lập tức, lấy máu từ ngân hàng máu. Bác sĩ gây mê chầm chậm truyền từng đơn vị máu vào cơ thể bệnh nhân. Các yêu cầu lần lượt được đưa ra: trợ lý mang vào thêm thiết bị theo yêu cầu của tôi, bác sĩ phẫu thuật mạch mà tôi muốn đã đến phòng mổ để hỗ trợ bác sĩ gây mê tìm thêm đường truyền tĩnh mạch, ngân hàng máu được thông báo tình hình… Sự phối hợp của cả nhóm đã cho tôi và bệnh nhân những phút giây quý giá. Cuối cùng, hơn 30 đơn vị máu đã được truyền cho bệnh nhân – gần gấp ba lần lượng máu ông có lúc ban đầu.

Tay tôi vẫn liên tục ép tim cho ông. Áp lực máu thể hiện trên màn hình chứng tỏ rằng tim đủ sức giữ cho máu tiếp tục tuần hoàn. Bác sĩ phẫu thuật mạch và tôi có thời gian tìm ra cách hiệu quả để kẹp vết rách của tĩnh mạch chủ. Tôi có thể cảm nhận được tim bệnh nhân bắt đầu tự đập. Chúng tôi đóng vết mổ lại. Ông Hagerman đã sống sót.

Tôi không thể làm bộ là bệnh nhân đã thoát khỏi hiểm nghèo một cách bình yên. Tình trạng huyết áp thấp kéo dài đã làm hại thần kinh thị giác và khiến cho ông gần như bị mù một bên mắt. Ông phải dùng máy hô hấp trong nhiều ngày sau đó và phải nghỉ làm việc vài tháng. Tôi bị dằn vặt không nguôi vì những gì tôi đã bắt ông phải chịu. Dù tôi đã xin lỗi ông và tiếp tục công việc thường nhật của mình, tôi cũng phải mất một thời gian dài mới bình tâm trở lại để bắt tay vào các ca phẫu thuật mới. Tôi không thể thực hiện ca mổ cắt tuyến thượng thận nào mà không nghĩ đến trường hợp của Hagerman. Mà như thế lại tốt. Thậm chí, tôi đã cố cải tiến kỹ thuật mổ với hy vọng đưa ra nhiều cách tốt hơn nhằm bảo vệ tĩnh mạch chủ và ngăn không cho trường hợp tương tự như vậy xảy ra thêm một lần nữa.

Nhưng không chỉ có thế. Nhờ ca mổ của Hagerman mà tôi lại càng biết ơn những gì một danh mục kiểm tra có thể làm. Tôi không muốn nghĩ đến hậu quả xấu nhất có thể xảy ra với ca mổ ấy. Tôi không muốn nghĩ đến việc phải bước ra ngoài, tới khu vực chờ của gia đình bệnh nhân và giải thích với vợ ông rằng chồng bà ta đã chết.

Cách đây không lâu, tôi có nói chuyện với Hagerman. Ông vừa bán công ty cũ của mình và đang chuyển hướng sang một công ty khác. Ông chạy bộ ba ngày một tuần, thậm chí còn tự lái xe.

– Tôi phải cẩn thận với những “điểm mù”. Nhưng tôi có thể xoay xở được. – Ông mỉm cười.

Ông không hề tỏ vẻ cay đắng hay giận dữ. Và điều đó thật đáng nể. Ông chỉ một mực nói rằng mình là người may mắn. Tôi hỏi liệu tôi có thể mang câu chuyện này kể cho người khác không.

– Được chứ, – ông trả lời. – Tôi sẽ rất vui đấy.

Bình luận