Hãy thử nghiệm một cách khoa học và nghiêm túc cho đến khi bạn chứng thực được với bản thân rằng Trí huệ Vô lượng của tiềm thức luôn hưởng ứng hoàn toàn với những suy nghĩ trong ý thức của bạn.
Nhiều nhà khoa học sáng tạo của tiềm thức. Edison, nhất trong lịch sử đã nhận ra tầm quan trọng đích thực Marconi, Einstein cùng nhiều nhà khoa học khác từng vận dụng tiềm thức để đạt đến sự thấu suốt và nắm được “bí quyết” sáng chế những thành tựu vĩ đại trong khoa học. Khả năng phát huy sức mạnh của tiềm thức chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu lỗi lạc.
Một trong những sự kiện gây ngạc nhiên nhất minh chứng cho điều này đã từng xảy ra trong cuộc đời nhà hóa học lừng danh Friedrich von Stradonitz. Ông đã miệt mài suốt một thời gian dài vật lộn với các cuộc nghiên cứu để tìm hiểu cấu trúc hóa học của phân tử hydrocacbon benzen. Rõ ràng, một phân tử benzen được tạo nên từ sáu nguyên tử cacbon và sáu nguyên tử hydro, nhưng các nguyên tử ấy đã liên kết với nhau như thế nào? Stradonitz đã rất đau đầu với vấn đề đó nhưng mọi nỗ lực của ông dường như chẳng đi đến đâu.
Bỏ ra bao nhiêu công sức mà không tìm ra kết quả cho nghiên cứu của mình, cảm thấy chán nản và mệt mỏi, Stradonitz xếp cất toàn bộ vấn đề này vào tiềm thức. Không lâu sau đó, một hôm khi ông đang đợi xe buýt đến Luân Đôn, thì bất chợt tiềm thức rọi vào ý thức ông một tia sáng chớp nhoáng. Trong tâm trí Stradonitz xuất hiện hình ảnh một con rắn đang tự cắn đuôi của nó và cứ thế quay tròn như một vòng pháo hoa nhỏ. Thông điệp từ tiềm thức này đã khơi gợi trong ông ý tưởng chuyển nghiên cứu của mình sang một chiều hướng khác. Và cuối cùng, chẳng bao lâu sau ông đã đạt được kết quả mà ông hằng mong mỏi. Ông đã xác định được cách các nguyên tử liên kết với nhau hết sức độc đáo theo mạch vòng; ngày nay chúng ta vẫn gọi là vòng benzen.
Nikola Tesla là một nhà khoa học tiên phong và xuất sắc trong lĩnh vực điện từ. Cuộn Tesla trưng bày trong các bảo tàng khoa học luôn được trẻ em yêu thích chính là một trong những phát minh của ông. Đó là một quả cầu kim loại có tích điện, khi ai đó chạm vào quả cầu, tĩnh điện sẽ làm cho tóc tai người đó dựng đứng lên. Tesla cũng đã tiến hành nghiên cứu về khái niệm bức xạ. Những ý tưởng của ông về vấn đề này cho đến nay vẫn được xem là một cuộc cách mạng trong khoa học.
Tesla là người đã vận dụng sức mạnh của tiềm thức với niềm tin mãnh liệt. Mỗi khi nảy ra một ý tưởng phát minh mới hoặc một hướng nghiên cứu mới, ông lại hình dung nó thật kỹ càng trong trí tưởng tượng của mình rồi sau đó gửi gắm những hình dung đó vào sâu trong tiềm thức. Ông biết tiềm thức sẽ tái dựng và cho ý thức biết về tất cả mọi điều cần thiết để có thể tạo ra sản phẩm thực tế. Bằng cách âm thầm suy ngẫm để có thể làm cho mọi thứ được hoàn hảo hết mức có thể, ông không cần phải lãng phí thời gian vào việc hiệu chỉnh những khiếm khuyết phát sinh. Ông có thể trình bày trực tiếp với những kỹ thuật viên cộng sự một mô hình sản phẩm đã hoàn thiện trong đầu mình.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết: “Lần nào cũng vậy, các máy móc do tôi sáng chế đều vận hành đúng y như tôi đã hình dung về nó trong đầu. Trong suốt hai mươi năm, hoàn toàn không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào.”
Giáo sư Louis Agassiz của Đại học Harvard là một trong những nhà tự nhiên học người Mỹ lỗi lạc nhất thế kỷ 19. Ông đã khám phá ra sức mạnh to lớn của tiềm thức trong giấc ngủ của mình. Sự kiện dưới đây được kể lại trong tiểu sử của Agassiz do người vợ góa của ông viết lại:
Suốt hai tuần liền, ông cố gắng nhìn thấu được những dấu vết của một con cá hóa thạch còn ẩn giấu trong một khối đá tự nhiên nhưng không có kết quả. Mệt mỏi và bế tắc, ông đành gác bỏ công việc qua một bên, để cho nó ra khỏi tâm trí mình. Rồi không lâu sau đó, một lần ông chợt bừng tỉnh khi đang ngủ vì tin chắc rằng mình vừa nhìn thấy con cá hiện ra với tất cả những đường nét vốn còn khuất lấp trong khối đá. Nhưng khi ông cố lưu giữ và nắm bắt hình ảnh đó thì con cá vuột thoát khỏi tâm trí ông. Tuy vậy, sáng sớm hôm sau, ông vẫn đến vườn Jardin des Plantes, nghĩ rằng khi ngắm nghía, quan sát khối hóa thạch biết đâu sẽ có điều gì xuất hiện và có thể khai thông nhãn quan của ông. Nhưng vô ích, những đường nét của con cá vẫn mờ mịt như từ trước đến giờ. Đêm tiếp theo, ông lại nhìn thấy con cá lần nữa, nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn. Khi ông thức dậy nó lại biến mất khỏi trí nhớ của ông như lần trước. Với hy vọng trải nghiệm tương tự có thể lại xảy ra lần nữa, đêm thứ ba ông đặt cây bút chì và tờ giấy cạnh giường trước khi đi ngủ.
Vậy là khi gần sáng, con cá lại xuất hiện trong giấc mơ của ông, thoạt đầu chỉ là những nét lờ mờ, rồi sau cùng, hình ảnh ấy rõ nét đến độ ông chắc chắn đã nhận diện được những đặc tính động vật học của nó. Vẫn đang ở trạng thái nửa mê nửa tỉnh, trong bóng tối dày đặc, ông phác họa lại những đặc tính ấy lên tờ giấy để cạnh giường. Sáng hôm sau, ông ngạc nhiên nhìn thấy bản phác thảo được vẽ ra trong đêm thể hiện được đầy đủ những đường nét của con cá hóa thạch mà ông đã ngỡ như là không bao giờ có thể xác định được. Ông vội vã đến vườn Jardin des Plantes, và dựa vào bản phác thảo ấy, đục bỏ bề mặt khối đá để lộ ra hóa thạch hoàn hảo của con cá vốn bị bao bọc trong đá. Khi lộ ra hoàn toàn, con cá ấy trông giống hệt như hình ảnh trong mơ mà ông đã phác thảo lại; nhờ đó mà ông có thể dễ dàng phân loại nó.
Trong những năm 1920, tiến sĩ Frederick Banting, bác sĩ và nhà nghiên cứu lỗi lạc người Canada, đã chú tâm nghiên cứu tác hại của bệnh tiểu đường đối với sức khỏe người bệnh. Lúc bấy giờ, y học vẫn chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu nào để kìm hãm căn bệnh này. Tiến sĩ Banting đã bỏ ra rất nhiều thời gian làm thí nghiệm và nghiên cứu y thư quốc tế về đề tài này, nhưng dường như mọi lối đi ông bước vào chỉ dẫn tới ngõ cụt.
Một đêm nọ, kiệt sức sau một ngày dài nỗ lực nhưng vẫn hoài công, ông đã thiếp đi. Trong khi đang ngủ say, tiềm thức bỗng mách bảo ông hãy trích lấy chất cặn trong tuyến tụy đã bị thoái hóa của một con chó. Mách bảo ấy cuối cùng đã giúp ông khám phá ra chất insulin, rồi từ đó giúp cứu chữa được cho hàng triệu bệnh nhân.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng tiến sĩ Banting đã chủ tâm theo đuổi vấn đề của ông trong một thời gian dài, khao khát tìm ra được một giải pháp, một hướng giải quyết, và tiềm thức của ông đã hưởng ứng theo khao khát ấy một cách rất tự nhiên.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng sẽ đạt được kết quả mình cần chỉ trong một sớm một chiều. Kết quả có thể sẽ không đến ngay lập tức, nhưng đừng vội nản lòng! Hãy kiên trì đưa vấn đề đó vào tiềm thức mỗi đêm trước khi đi ngủ, cứ như là bạn chưa từng làm vậy bao giờ.
Hơn nữa, nếu như bạn vẫn cảm thấy có gì đó trì hoãn trong việc tìm ra một giải pháp, có thể là bởi vì chính bạn đang nghĩ rằng vấn đề bạn đưa vào tiềm thức này là một vấn đề hệ trọng và cần phải có nhiều thời gian mới giải quyết được. Điều này thực chất cũng không có gì là đáng ngạc nhiên. Chúng ta thường bị cám dỗ để tin rằng những vấn đề của chúng ta là khó khăn. Mà nếu không khó khăn thì chúng đâu còn là vấn đề nữa, phải không? Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm cơ bản của chúng ta. Tiềm thức của bạn vốn là phi thời gian và phi không gian. Tốt hơn hết là bạn hãy đi ngủ với niềm tin mãnh liệt rằng bạn đã có đáp án ngay lúc này. Đừng tự mặc định rằng còn phải đợi câu trả lời ở tương lai. Hãy có một lòng tin mạnh mẽ rằng kết quả sẽ đến. Hãy mạnh dạn xác tín ngay bây giờ, khi bạn đang đọc quyển sách này rằng đã có sẵn một câu trả lời và một giải pháp hoàn hảo dành cho chính bạn.
Hãy cảm nhận niềm vui và sự thư thái khi nhìn thấy trước được những thành tựu mà bạn mong mỏi. Bất kỳ hình ảnh tưởng tượng nào bạn có trong tâm thức thực chất chính là những điều bạn kỳ vọng hoặc dấu hiệu của những gì chưa được nhìn thấy.
Việc các nhà khoa học trầm tư suy ngẫm về những đền đài, những hóa thạch cổ đại… có thể tái hiện sống động những cảnh tượng trong quá khứ ngay ở thời hiện tại. Trong việc này, chính tiềm thức đã hỗ trợ cho họ.
Khi bạn bối rối, lầm lẫn hay hoang mang và tự hỏi mình lúc này nên quyết định ra sao, hãy nhớ rằng vẫn có một sự dẫn dắt từ nội tâm sẽ đưa đường chỉ lối cho bạn trên mọi hành trình, mách bảo với bạn những kế hoạch hoàn hảo và cho bạn thấy con đường bạn nên đi.
Bạn nên biết một điều quan trọng là tiềm thức của bạn còn chứa đựng trong đó cả kho ký ức chung về mọi điều từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Các nhà khảo cổ nghiên cứu những di chỉ khảo cổ và vô số công cụ của con người thuộc các nền văn hóa cổ xưa có thể sử dụng nhận thức với trí tưởng tượng phong phú của mình để tạo ra những ích lợi kỳ diệu trong công việc. Tiềm thức có thể giúp họ tái dựng những quang cảnh cổ đại, khiến cho những gì thuộc về một quá khứ đã lùi xa có thể hiện ra trở lại hết sức sống động. Khi xem xét những mảnh vụn của tòa nhà cổ và nghiên cứu đồ gốm, các mẫu tượng, những công cụ và vật dụng gia đình từ các nền văn minh xa xưa, các nhà khoa học có thể xác định được những vật dụng ấy đã được tạo ra như thế nào, khi nào và vì sao, thông qua ngân hàng dữ liệu chung của tâm thức phổ quát của loài người.
Sự tập trung cao độ và sự tưởng tượng rất quy củ của các nhà khoa học có thể đánh thức sức mạnh ngầm ẩn trong tiềm thức. Và sức mạnh ấy giúp cho nhà khoa học có được khả năng lợp lại chính xác mái nhà đã đổ nát của một ngôi nhà cổ xưa và còn dựng lại quanh đó vườn tược, hồ nước, vòi phun. Các hóa thạch động vật cổ được gắn lại những đôi mắt, gân, cơ bắp và chúng như có thể di chuyển, kêu gào sống động trở lại. Quá khứ tái sinh trong hiện tại và chúng ta biết rằng tâm thức là phi thời gian và phi không gian. Thông qua sự tưởng tượng quy củ, có kiểm soát và định hướng, bạn có thể trở thành bạn đồng hành với các nhà tư tưởng có đầu óc khoa học và sáng tạo nhất mọi thời đại.
Khi phải thực hiện điều mà bạn nghĩ sẽ là một quyết định khó khăn, hoặc khi bạn không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình, hãy lập tức nghĩ về nó theo một chiều hướng tích cực. Nếu vẫn còn đang sợ hãi và lo lắng thì bạn chưa thực sự suy nghĩ, bởi suy nghĩ đích thực vốn không e sợ bất kỳ điều gì.
Đây là các bước để vận dụng một kỹ thuật đơn giản nhằm nhận được sự định hướng từ tiềm thức về bất kỳ vấn đề nào:
Để nhận được sự định hướng từ tiềm thức thì cách đơn giản nhất lại chính là cách hữu hiệu nhất. Tôi sẽ kể cho bạn biết chuyện đã xảy ra với mình. Trước kia, tôi từng đánh mất một chiếc nhẫn quý giá vốn là vật gia truyền của gia đình. Tôi cố gắng tìm kiếm nó khắp nơi nhưng không thể nào tìm ra và tôi hết sức lo lắng, buồn bã.
Đêm đó, tôi thử trò chuyện với tiềm thức giống như cách tôi vẫn trò chuyện với mọi người. Trước khi thiu thiu ngủ, tôi thì thầm với nó: “Mày biết hết tất cả mọi điều mà. Chắc hẳn mày biết chiếc nhẫn đó hiện đang ở đâu, và giờ hãy cho tao biết đi!.”
Sáng ra, khi vừa thức giấc, tôi chợt nghe có tiếng nói văng vẳng bên tai: “Hỏi Robert đi!.”
Thật là lạ lùng, tôi nghĩ vậy. Người duy nhất mang tên Robert mà tôi có thể nghĩ ra là cậu bé chín tuổi hàng xóm cạnh nhà tôi. Làm sao cậu bé có thể biết được chiếc nhẫn đang ở đâu cơ chứ? Tuy vậy, tôi vẫn quyết định nghe theo tiếng nói của trực giác bên trong.
Tôi gặp Robert ở sân sau nhà cậu. Tôi tả lại chiếc nhẫn cho cậu bé nghe rồi hỏi:
– Cháu có trông thấy nó không vậy?
Cậu bé trả lời:
– Ồ, dạ có! Hôm qua, cháu vô tình nhặt được chiếc nhẫn trong bụi rậm khi đang chơi trốn tìm. Cháu không biết nó của ai cả nên cháu đem để trên bàn học. Cháu định treo một tấm bảng thông báo về nó, nhưng rồi quên mất.
Bạn thấy đấy, rõ ràng là tiềm thức sẽ luôn đáp lời bạn nếu bạn thực sự tin tưởng vào nó.
Hugo R. là chàng thanh niên đã tham dự thường xuyên các buổi thuyết giảng của tôi ở Los Angeles. Anh ta đã chia sẻ với tôi một trải nghiệm của anh về sức mạnh của tiềm thức. Chuyện là cha anh đã đột ngột qua đời và không kịp để lại di chúc. Tuy nhiên, chị anh cho biết cha họ từng nhắc tới việc làm di chúc và còn bảo chị rằng ông đã cố hết sức để đối xử công bằng với mọi người.
Hugo nghĩ rằng nếu cha anh chết mà không để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia theo luật định, nhưng nếu làm thế thì có thể sẽ không đúng như nguyện vọng của cha anh. Hơn nữa, những phí tổn pháp lý sẽ làm cho tài sản của cha anh hao hụt đi nhiều. Các anh chị của anh đã tìm kiếm khắp nơi mà vẫn không sao tìm ra được bản di chúc đó. Họ bắt đầu nghi ngờ chẳng biết bản di chúc đó có tồn tại hay không.
Bấy giờ Hugo bỗng nhớ lại những gì anh đã từng học về việc vận dụng sự hỗ trợ của tiềm thức. Thế là trước khi đi ngủ, anh nói chuyện với tiềm thức của mình: “Bây giờ, mình sẽ cho tiềm thức biết mình mong mỏi điều gì. Tiềm thức chắc chắn biết chúc thư của cha ở đâu và sẽ tiết lộ cho mình bí mật đó.” Rồi anh gói gọn mong muốn đó của mình trong chỉ một từ: “Đáp án.” Anh cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần, như một lời ru thầm thì và rồi chìm vào giấc ngủ với từ “Đáp án” vang vọng trong tâm thức.
Sáng hôm sau, Hugo thức dậy, trong lòng có một nỗi thôi thúc khác thường nhắn bảo anh hãy đến một ngân hàng nọ ở khu thương mại Los Angeles. Anh hết sức ngạc nhiên về điều này. Phải chăng cha anh từng nhắc với anh về ngân hàng này? Hay phải chăng anh đã vô tình nhìn thấy một lá thư do ngân hàng gửi đến trong hòm thư của cha? Anh không biết! Nhưng anh biết chắc rằng mình phải làm sáng tỏ linh cảm này. Vậy là buổi sáng hôm đó anh đi đến ngân hàng. Cuối cùng, một viên chức ngân hàng đã xác nhận rằng có một hộp ký gởi an toàn trong hầm cất giữ ghi tên người cha quá cố của anh. Khi chiếc hộp được mở ra, anh nhìn thấy bên trong là bản chúc thư mà anh và gia đình vẫn đang tìm kiếm.
Những gì bạn nghĩ trước khi ngủ có khả năng khơi gợi nguồn sức mạnh tiềm tàng bên trong bạn. Giả sử bạn đang tự hỏi liệu có nên bán ngôi nhà của mình, mua một số cổ phần nào đấy, kết thúc một mối quan hệ cộng tác, chuyển đến New York hay vẫn ở lại Los Angeles, hủy bỏ khế ước hiện thời hoặc ký kết một cái mới… hãy làm thế này: Ngồi im lặng trong ghế bành hoặc ngay tại bàn làm việc trong văn phòng của bạn cũng được. Nhớ rằng luôn có một quy luật tác động và một quy luật phản ứng phổ quát trong thế giới tinh thần của chúng ta. Quy luật tác động chính là suy nghĩ của bạn, còn quy luật phản ứng là sự hưởng ứng từ tiềm thức của bạn. Tiềm thức có đặc tính phản ứng và phản thân, đó là bản chất tự nhiên của nó. Tiềm thức có khả năng phản ứng, đáp trả, hồi báo lại những gì nó nhận được. Tiềm thức cũng tuân theo những quy luật tương ứng và luôn hưởng ứng một cách hài hòa. Khi suy ngẫm cách hành động đúng đắn, bạn sẽ tự động nhận được những phản ứng hoặc hưởng ứng từ bên trong chính mình, cũng là sự định hướng hoặc câu trả lời từ tiềm thức của bạn.
Để có được sự định hướng, cách đơn giản là cứ âm thầm suy nghĩ về những hành động đúng đắn. Làm như vậy nghĩa là bạn đang vận dụng Trí huệ Vô lượng trong tiềm thức đến độ nó bắt đầu tác động được đến bạn. Từ đó, định hướng hành động của bạn sẽ được minh triết chủ quan bên trong bạn, vốn toàn trí, toàn thức và toàn năng, chỉ thị và kiểm soát. Quyết định của bạn nhờ thế sẽ luôn luôn đúng đắn. Cần nhớ rằng sẽ chỉ có hành động đúng đắn khi bạn ở trong tình trạng bức bách chủ quan phải làm được điều đúng đắn. Tôi dùng từ bức bách vì quy luật của tiềm thức chính xác là sự bức bách.
Bí quyết để có được sự định hướng hoặc hành động đúng đắn là dành hết tâm lực nghĩ về câu trả lời đúng đắn cho đến khi bạn cảm nhận được có sự hưởng ứng từ bên trong bạn. Sự hưởng ứng có thể là một cảm giác, một nhận thức nội tâm hay một linh cảm choáng ngợp nào đó mà nhờ thế bạn nhận thức được rằng bạn biết. Bạn đã vận dụng sức mạnh tới độ nó bắt đầu chi phối bạn. Và khi ấy bạn không thể thất bại hoặc sai lầm khi hành động theo sự dẫn dắt của minh triết chủ quan bên trong bạn. Bạn sẽ tìm thấy sự thoải mái và bình yên trong mọi cách thức và lối đi.
Tiềm thức của bạn sẽ trả lời cho bạn thông qua nhiều cách thức khác nhau mà đôi khi chính bạn cũng không hề biết. Có thể nó đưa bạn đến một hiệu sách và chọn cho bạn một cuốn sách có câu trả lời về thắc mắc của bạn, hoặc cũng có khi bạn vô tình nghe được một cuộc nói chuyện đề cập đến lời giải đáp cho khúc mắc của bạn. Những câu trả lời có thể đến thông qua vô số con đường mà đôi khi bạn không thể ngờ tới.