Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sững Sờ Và Run Rẩy

Chương 8

Tác giả: Amélie Nothomb

Tôi mê cái trò hỏi đáp siêu thực này vì nó đã bất ngờ đưa Fubuki lên chín tầng mây. Xét cho cùng thì đó là giây phút hết sức cảm động.

“Bão tuyết thân mến ơi, giá ta có thể, bằng cái giá rẻ mạt này, làm công cụ cho mi được thăng hoa, thì xin mi chớ ngại, hãy cứ tấn công ta bằng những bông tuyết buốt giá và dữ dội, bằng những cơn mưa đá sắc nhọn của mi đi. Những đám mây của mi thật vô cùng cuồng nộ. Ta chấp nhận được chết mất xác trong vùng núi nơi những đám mây của mi trút cơn cuồng nộ. Ta xin nhận hàng ngàn giọt băng giá dập vùi, ta chẳng mất gì. Đó là một màn trình diễn tuyệt đẹp nếu mi cần gọt đẽo lớp da của ta bằng những cú chửi rủa. Mi bắn đạn giả. Bão tuyết thân mến, ta không chịu bịt mắt trước vụ hành quyết của mi, vì từ lâu lắm rồi ta đã mong chờ nhìn thấy niềm vui trong mắt mi.”

Tôi tin chắc là cô ta đã thỏa mãn hết sức vì cô ta hỏi một câu mà tôi cho chỉ là hình thức:

– Vậy sau đây cô định làm gì?

Tôi không định nói với cô ta về những bản thảo mình đã viết. Tôi thoái thác bằng một câu trả lời tầm thường:

– Tôi có thể đi dạy tiếng Pháp.

Cấp trên của tôi bật cười vẻ khinh thường.

– Dạy học! Cô ư! Cô nghĩ mình dạy học được!

Hỡi bão tuyết quỷ quái, ngươi thật chẳng bao giờ hết đạn dược.

Tôi hiểu là cô ta sẽ hỏi lại điều này. Vậy tôi sẽ chẳng dại gì trả lời cô ta rằng tôi đã có một bằng dạy học.

Tôi cúi đầu.

– Cô nói phải đấy, tôi vẫn chưa ý thức hết hạn chế của mình.

– Đúng vậy. Thực ra thì cô có thể làm nghề gì?

Tôi phải đẩy cô ta tới mức hân hoan tột đỉnh.

Trong nghi lễ hoàng gia Nhật Bản ngày xưa, có một quy định là khi tâu lên Hoàng đế phải thể hiện vẻ “sững sờ và run rẩy”. Tôi vẫn rất mê nghi thức này. Nó hợp biết bao với trò chơi của các diễn viên trong những bộ phim về các Samourai, khi họ thưa gửi với thầy của mình, giọng lạc đi vì sự tôn kính tới mức siêu nhiên.

Thế là tôi mang mặt nạ của kẻ sững sờ và tôi bắt đầu run rẩy. Tôi đưa mắt run sợ nhìn đôi mắt của người phụ nữ trẻ và tôi lắp bắp:

– Cô có nghĩ người ta muốn tôi hót rác không?

– Được! – Cô ta nói với vẻ quá nhiệt thành. Cô ta hít một hơi rất mạnh. Tôi đã thành công.

Sau đó tôi phải đệ đơn xin thôi việc lên ông Saito. Ông ta cũng hẹn gặp tôi trong một phòng làm việc trống không, nhưng khác với Fubuki, hình như ông ta không thoải mái lắm khi có tôi ngồi đối diện.

– Tôi sắp hết hạn hợp đồng và tôi lấy làm tiếc phải thông báo với ông là tôi không thể ký tiếp.

Mặt ông Saito nhăn nhúm lại. Vì tôi không tài nào hiểu được nét mặt ông, tôi lại tiếp tục tiết mục kịch:

– Công ty Yumimoto đã cho tôi vô số cơ hội để tôi chứng tỏ khả năng của mình. Tôi biết ơn công ty mãi mãi. Thật tiếc là tôi không thể tỏ ra xứng đáng với vinh dự mà tôi đã được ban.

Thân hình còm nhom của ông Saito cựa quậy vẻ căng thẳng, ông có vẻ rất bối rối về những gì tôi đang nói.

– Cô Amélie…

Mắt ông nhìn quanh khắp phòng, cứ như chúng có thể giúp ông tìm ra từ gì đó để nói. Tôi thấy thương cho ông.

– Ông Saito?

– Tôi… chúng tôi… tôi rất lấy làm tiếc. Tôi thực sự không hề muốn là mọi việc lại diễn ra như thế này.

Việc một người đàn ông Nhật xin lỗi thực sự có lẽ chỉ xảy ra một lần trong cả thế kỷ. Tôi hoảng hốt trước việc ông Saito lại thấy xấu hổ với tôi đến vậy. Nhất là khi ông chẳng có lỗi gì trong việc tôi cứ ngày một tụt sâu hơn.

– Ông không có gì phải tiếc cả. Mọi việc đã diễn ra đúng như nó phải thế. Thời gian làm việc trong công ty của các ông đã dạy cho tôi rất nhiều điều.

Và việc này thì quả thực tôi không nói dối.

– Cô có dự định gì không? – ông Saito hỏi tôi với nụ cười hết sức căng thẳng và tử tế.

– Ông khỏi phải lo cho tôi. Chắc tôi sẽ phải tìm được việc gì đó thôi.

Tội nghiệp ông Saito! Chính tôi lại phải đi an ủi ông. Dù có chút chức vị trong công ty nhưng ông vẫn chỉ là một trong hàng ngàn người Nhật, vừa là nô lệ vừa là đồ tể vụng về của cái hệ thống mà chắc chắn ông không hề yêu quý song cũng không bao giờ dám chối bỏ, vì yếu đuối và thiếu óc sáng tạo.

Giờ đến lượt ông Omochi. Cứ nghĩ đến cảnh phải ngồi một mình với ông ta trong phòng làm việc của phó chủ tịch là tôi đã sợ chết khiếp. Tôi đã nhầm:

Ông phó chủ tịch hết sức vui vẻ.

Ông ta trông thấy tôi và thốt lên:

– Cô Amélie!

Ông ta nói theo kiểu tuyệt vời của người Nhật khi muốn khẳng định sự tồn tại của một người nào đó bằng cách kêu tên của anh ta lên.

Ông ta nói, miệng nhồm nhoàm. Dựa vào thứ âm thanh phát ra từ miệng, tôi cố đoán ông ta đang ăn món gì. Hẳn phải là một món sền sệt, dính nhằng, cái món ta phải dùng lưỡi liếm răng đến mấy phút cho hết dính. Song không phải là caramen vì không đủ dính trên vòm miệng. Không thể là mứt cam thảo vì quá béo. Không thể là bánh marsham-low vì quá dày. Bí ẩn.

Tôi bắt đầu trò lải nhải mà giờ đã được gọt giũa gọn gàng:

– Tôi sắp hết hạn hợp đồng và tôi lấy làm tiếc phải thông báo với ông là tôi không thể ký tiếp.

Tôi không trông thấy hộp thức ăn ông ta để trên đùi, khuất sau chiếc bàn làm việc, ông ta nhồi thêm một miếng vào miệng: những ngón tay béo múp che lấp cái miếng ăn to đùng mà ông ta ngấu nghiến khiến tôi không thể nhận thấy cả màu của nó. Tôi tức quá đi mất.

Lão béo chắc nhận thấy tôi đang tò mò về món ăn của lão nên mới để cái hộp ra trước mắt tôi. Tôi sững sờ nhìn món sôcôla có màu phơn phớt lục.

Tôi lúng túng ngước nhìn ông phó chủ tịch vẻ e dè:

– Sôcôla sao Hỏa phải không ạ?

Lão ta bắt đầu rú lên cười. Lão nấc lên từng hồi giật cục:

– Kassei no chokorêto! Kassei no chokorêto!

Có nghĩa là: “Sôcôla sao Hỏa! Sôcôla sao Hỏa!”

Tôi thấy đây là một cách tiếp nhận kỳ lạ việc tôi xin thôi việc. Và tôi thấy hơi khó chịu với cơn cười đầy cholesterol kia. Mỗi lúc nó một hăng và tôi tưởng tượng tới cảnh một cơn nhồi máu cơ tim sẽ quật ngã lão ngay trước mắt tôi.

Tôi sẽ giải thích ra sao với nhà chức trách đây? “Tôi đến báo thôi việc và thế là ông ta lăn ra chết.” Chẳng ai trong công ty Yumimoto chấp nhận nổi một bản tường trình như vậy: tôi thuộc loại nhân viên mà nếu có thôi việc thì mọi người chỉ thấy vui mà thôi.

Còn về chuyện sôcôla màu lục thì sẽ chẳng có ai tin. Không ai chết vì một miếng sôcôla, dù nó có màu diệp lục. Giả thiết về một vụ ám sát xem ra dễ tin nhất. Mà tôi thì có lẽ không thiếu động cơ.

Tóm lại, bây giờ phải cầu mong sao cho ông Omochi đừng chết, vì nếu không tôi sẽ là thủ phạm lý tưởng.

Tôi chuẩn bị tung ra hồi kế tiếp để cắt ngay cơn cười cuồng phong này thì lão béo nói:

– Đây là món sôcôla trắng trộn dưa xanh, một món đặc sản của Hokkaido. Ngon lắm. Vị của chúng giống hệt món dưa Nhật Bản. cầm lấy, thử đi.

– Không, xin cám ơn.

Tôi thích ăn dưa Nhật, nhưng thực sự thấy phát ớn khi nghĩ cái vị này lại trộn với vị sôcôla.

Chẳng hiểu vì lý do gì, việc tôi từ chối lại khiến ông phó chủ tịch nổi cáu. Lão ta lịch sự ra lệnh thêm lần nữa:

– Meshiagatte kudasai.

Có nghĩa là: “Xin mời cô nếm thử.”

Tôi từ chối.

Lão bắt đầu đổi giọng dần:

– Tabete.

Nghĩa là: “Ăn đi.”

Tôi từ chối.

Lão ta hét lên:

– Taberu!

Có nghĩa: “Nuốt ngay!”

Tôi từ chối.

Lão nổi giận:

– Này, chừng nào còn chưa hết hạn hợp đồng thì cô phải tuân lệnh tôi!

– Tôi ăn hay không thì ảnh hưởng gì đến ông?

– Láo! Cô không được phép căn vặn tôi như thế! Cô phải làm theo lệnh tôi.

– Nếu tôi không y lệnh thì làm sao nào? Bị tống ra cửa ư? Thế càng tốt.

Một thoáng sau, tôi thấy mình đã hơi quá đà. Chỉ cần nhìn vẻ mặt ông Omochi là hiểu rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Bỉ và Nhật Bản đang có nguy cơ bị lung lay.

Xem chừng ông ta sắp lên cơn nhồi máu cơ tim. Tôi nhún mình:

– Tôi xin lỗi.

Ông ta lại vẫn còn đủ hơi để gầm lên:

– Nuốt đi!

Đây là cách xử phạt tôi. Liệu ai có thể tin rằng ăn sôcôla màu lục là một hành vi mang tính chính trị quốc tế?

Tôi chìa tay ra phía hộp đồ ăn và nghĩ là ở vườn địa đàng, mọi việc chắc cũng diễn ra như vậy: Eva không hề muốn ăn trái táo cấm, song một con rắn béo phì bỗng lên cơn điên loạn bạo tàn bất thình lình và không thể giải thích nổi, đã ép nàng quy phục.

Tôi bẻ một miếng hình vuông màu lục nhạt và đưa lên miệng. Chính cái màu xanh nhợt này làm tôi thấy sợ. Tôi nhai và xấu hổ nhận thấy món này không hề tồi.

– Ngon thật, – tôi đành nói.

– Ha! ha! Sôcôla sao Hỏa ngon hả?

Lão ta đã thắng. Mối quan hệ Nhật-BỈ lại trở nên tốt đẹp.

Sau khi nuốt xong nguyên nhân mối bất hòa, tôi lại tiếp tục trò diễn của mình:

– Công ty Yumimoto đã cho tôi vô số cơ hội để tôi chứng tỏ khả năng của mình. Tôi biết ơn công ty mãi mãi. Thật tiếc là tôi không thể tỏ ra xứng đáng với vinh dự mà tôi đã được ban.

Thoạt tiên ông Omochi hơi sửng sốt, bởi chắc chắn đã quên hẳn lý do tôi tới gặp, sau đó ông ta bật cười.

Tôi ngây thơ tưởng rằng mình nhún nhường vì thanh danh của họ, tự hạ thấp mình như vậy để không trách cứ họ điều gì, thì họ sẽ phản ứng lịch sự theo kiểu: “Có chứ, có chứ, cô xứng đáng!”

Ấy vậy mà tôi diễn thuyết tới lần thứ ba mà vẫn không hề có sự bác bỏ nào. Fubuki thì còn lâu mới đặt vấn đề nghi ngờ về sự thiếu khả năng của tôi, còn muốn khẳng định thêm là trường hợp của tôi nghiêm trọng hơn thế nhiều, ông Saito thì bối rối về khổ ải của tôi tới mức không nghĩ đến chuyện những lập luận tự hủy hoại mình của tôi có căn cứ hay không. Còn ông phó chủ tịch thì không những ông ta chẳng biết nói gì trước những lập luận của tôi, mà còn tiếp nhận chúng với một cơn cười nhiệt tình nhất.

Nhận ra điều này khiến tôi nhớ lại lời của André Maurois(5): “Đừng nói quá xấu về mình: người ta sẽ tin bạn đấy.”

Gã phàm ăn lôi trong túi ra chiếc khăn tay đề lau nước mắt vì cười, và hỉ mũi. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì đây là một hành động hết sức thô bỉ ở Nhật. Chẳng lẽ tôi đã trở nên hèn kém tới mức ông ta có thể hỉ mũi ngay trước mặt tôi mà không hề xấu hổ?

Sau đó, ông ta thở dài:

– Cô Amélie!

Ông ta không nói gì thêm. Tôi kết luận là việc coi như xong với ông ta. Tôi đứng lên chào và quay ra mà không nói gì thêm.

Chỉ còn phải gặp Thượng đế.

Tôi chưa bao giờ giống người Nhật như lúc trình lên ngài chủ tịch đơn xin thôi việc. Đứng trước ông, tôi thật sự bối rối, và trên mặt lộ một nụ cười bị co rúm lại bởi từng cơn nấc nghẹn.

Ông Haneda tiếp tôi hết sức tử tế trong gian phòng làm việc rộng và sáng trưng của ông.

– Tôi sắp hết hạn hợp đồng và tôi lấy làm tiếc phải thông báo với ông là tôi không thể ký tiếp.

– Tất nhiên. Tôi hiểu cô.

Ông là người đầu tiên nhận xét về quyết định của tôi với tình người.

– Công ty Yumimoto đã cho tôi vô số cơ hội để tôi chứng tỏ khả năng của mình. Tôi biết ơn công ty mãi mãi. Thật tiếc là tôi không thể tỏ ra xứng đáng với vinh dự mà tôi đã được ban.

Ông phản ứng ngay lập tức:

– Không phải thế, cô biết rõ mà. Việc cộng tác của cô với ông Tenshi chứng tỏ cô có khả năng tuyệt vời trong những lĩnh vực phù hợp.

Chà, cuối cùng thì cũng có người biết điều đó!

Ông thở dài nói thêm:

– Cô không gặp may, cô vào công ty không đúng lúc. Tôi đồng ý để cô đi, song cô nên biết rằng nếu một ngày cô đổi ý, thì công ty vẫn luôn chào đón cô. Chắc hẳn ở đây không phải chỉ có tôi là nhớ đến cô.

Tôi tin là ông ta nhầm ở điểm này. Nhưng dù sao tôi vẫn rất xúc động, ông đã nói với thái độ ân cần tới mức tôi gần như cảm thấy buồn khi nghĩ tới việc phải rời bỏ công ty này.

Năm mới đến: ba ngày nghỉ theo truyền thống và bắt buộc. Một khoảng thời gian nhàn hạ như vậy có cái gì đó khiến người Nhật choáng váng.

Trong ba ngày và ba đêm, thậm chí không được phép nấu nướng. Người ta ăn đồ nguội được chuẩn bị trước và được chất đầy trong những chiếc hộp sơn mài tuyệt đẹp.

Trong số những đồ ăn ngày lễ tết này, có món omochi: loại bánh gạo trước đây tôi rất khoái ăn. Song năm nay, vì những lý do liên quan đến tên riêng, tôi không nuốt nổi.

Khi đưa một miếng omochi vào miệng, tôi chắc chắn là nó sẽ thét lên: “Cô Amélie!” và bật cười ùng ục.

Sau khi nghỉ lễ, tôi chỉ còn ba ngày làm việc ở công ty. Cả thế giới đang đau đáu dõi mắt về Cô-oét và chỉ nghĩ tới ngày 15 tháng Giêng.

Còn tôi thì đau đáu về cánh cửa sổ toàn kính ở phòng vệ sinh và chỉ nghĩ tới ngày mùng 7: ngày làm việc cuối cùng của tôi.

Sáng ngày mùng 7 tháng Giêng tới, tôi không thể tin nổi. Tôi đã chờ đợi biết bao cái ngày này. Tôi cảm giác như mình đã ở công ty Yumimoto từ hơn mười năm nay.

Cả ngày tôi nhốt mình trong những phòng vệ sinh của tầng thứ bốn tư, trong một không khí tu hành: tôi thực hiện từng cử chỉ nhỏ nhất với vẻ nghiêm trang của một tăng lữ. Tôi gần như còn tiếc là đã không thể kiểm chứng lời của một nữ tu dòng Carmen thời trước: “Trong dòng tu Carmen, ba mươi năm đầu là giai đoạn khó khăn nhất.”

Khoảng mười tám giờ, sau khi rửa tay sạch sẽ, tôi đi bắt tay vài người. Đó là những người mà bằng nhiều cách khác nhau đã cho tôi hiểu rằng họ coi tôi như một con người. Bàn tay của Fubuki không có trong nhóm này. Tôi rất tiếc vì thực ra tôi không hề có chút hận thù gì với cô ta: chỉ vì tự trọng mà tôi ngăn mình không đi chào cô ta. Sau này, tôi thấy mình thật ngốc: chỉ vì tự trọng mà bỏ lỡ việc được chiêm ngưỡng khuôn mặt đặc biệt ấy thì quả là tính toán sai nhầm.

Vào mười tám giờ rưỡi, tôi quay lại tu viện dòng Carmen lần cuối. Phòng vệ sinh nữ vắng tanh. Ánh sáng xấu xí từ chiếc đèn tuýp không ngăn tôi cảm thấy se lòng: bảy tháng của đời tôi? không; bảy tháng của quãng thời gian tôi tồn tại trên hành tinh này – đã trôi qua ở đây. Chẳng có gì đáng hoài niệm về nó. Vậy mà tôi vẫn thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng.

Theo bản năng, tôi đi ra phía cửa sổ. Tôi gí trán vào tấm kính và biết rằng tôi sẽ rất nhớ chỗ này: không phải ai cũng được ngự trên thành phố từ tầng thứ bốn mươi tư cao ngất.

Cánh cửa sổ là ranh giới giữa ánh sáng khủng khiếp và bóng tối đáng yêu, giữa những ngăn phòng vệ sinh và cái vô tận, giữa vệ sinh và cái không thể lau chùi, giữa cái giật nước và bầu trời. Chừng nào còn có những cánh cửa sỗ thì người nhỏ bé nhất trên trái đất sẽ còn phần tự do.

Tôi thả mình trong khoảng không lần chót. Tôi nhìn thấy thân thể mình rơi xuống.

Sau khi đã thỏa mãn cơn khát lao mình qua cửa sổ, tôi rời tòa nhà của công ty Yumimoto. Mãi mãi không bao giờ trở lại.

Vài ngày sau, tôi quay về châu Âu.

Ngày 14 tháng Giêng năm 1991, tôi bắt tay vào viết một bản thảo có tựa đề là Vệ sinh kẻ sát nhân.

Ngày 15 tháng Giêng là hạn tối hậu thư của Mỹ dành cho Irak. Ngày 17 tháng Giêng, nổ ra chiến tranh.

Ngày 18 tháng Giêng, ở phía bên kia của hành tinh, Fubuki Mori tròn ba mươi tuổi.

Thời gian vẫn trôi đi theo thói quen cũ kỹ của nó.

Năm 1992, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi được xuất bản.

Năm 1993, tôi nhận được một bức thư gửi từ Tokyo. Nội dung bức thư như sau:

“Cô Amélie,

Xin chúc mừng cô.

Mori Fubuki.”

Tôi cảm thấy vui khi nhận được bức thư này. Song nó có một chi tiết làm tôi vui hơn cả: bức thư được viết bằng tiếng Nhật.

Chú thích:

(1) Hãy nhớ ngươi rồi cũng có lúc phải chết.

(2) Georges Bernanos (1888-1948): nhà văn Pháp, người đã thể hiện nỗi ám ảnh tội lỗi của nhân loại trong tác phẩm đầu tay của mình.

(3) Dòng tu thiên về nhập định, Georges Bernanos có một tác phẩm mang tên Dialogues des Carmélites (Đối thoại giữa các nữ tu sĩ dòng Carmen).

(4) Friedrich Nietzsche (1844-1900): Triết gia Đức.

(5) André Maurois (1885-1967): Nhà văn Pháp.

Bình luận