Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tây Du Ký

Chương 24: Vạn Thọ sơn, Trấn Nguơn cầm cố hữu Ngũ Trang am, Hành Giả trộm nhơn sâm

Tác giả: Ngô Thừa Ân
Chọn tập

Ba thầy trò đương đọc bài kệ, xảy nghe trong rừng có tiếng kêu lớn rằng:

– Sư phụ ôi! Cứu tôi với! Từ rày sắp ới tôi không dám nữa đâu.

Tam Tạng hỏi:

– Phải Ngộ Năng kêu đó phải không?

Sa Tăng thưa:

– Phải.

Hành Giả nói:

– Em đừng nói tới nó làm chi, chúng ta đi cho rãnh.

Tam Tạng nói:

– Tuy nó khờ dại mặc lòng, song vị tình Bồ Tát ngày xưa, cứu nó một phen kẻo tội nghiệp.

Sa Tăng gánh đồ, Hành Giả dắt ngựa. Ba thầy trò đồng vào rừng kiếm.

Nói về thầy trò vào rừng, thấy Bát Giới bị trói dưới gốc cây, kêu la vang rên siết! Hành Giả cười rằng:

– Chàng rễ ôi! Sao chừng nầy chưa dậy mà lạy thầy, và tạ mai nhơn trưởng tộc? Hỡi còn giả ngộ hay sao? Ủa! Nói vậy thì mẹ vợ với vợ trói chàng rễ mà khảo đó chăng?

Bát Giới thấy Hành Giả kêu ngạo, thì hổ thẹn trăm bề! Ðau cho mấy cũng không la, phải cắn răng mà chịu đỡ.

Sa Tăng thấy tội nghiệp quá, nên chẳng nỡ lòng, liền để gánh đồ, lại mở dây cho Bát Giới.

Bát Giới hổ thẹn không dám ngó lên. Liền quỳ lạy thinh không, chẳng biết ai mà vái. Hành Giả hỏi:

– Ngươi biết vị nào hiện ra mà thử đó chăng?

Bát Giới nói:

– Tôi hôn mê bất tỉnh nên không biết ai.

Hành Giả đưa lá thiệp ra.

Bát Giới coi càng hổ thẹn.

Sa Tăng thấy Bát Giới mắc cỡ, nực cười nói cợt rằng:

– Nhị ca cũng khá lắm mới cảm động bốn vì Bồ Tát, giúp việc hôn nhơn.

Bát Giới nói:

– Sư đệ đừng nhắc chuyện đó làm chi nữa. Từ nầy sắp tới chẳng dám làm nhăn, cứ quảy gánh theo thầy cho tới Phật.

Tam Tạng khen rằng:

– Nói như vậy mới phải.

Hành Giả thỉnh thầy lên ngựa, dắt ra đường cái đồng đi.

Ăn gió nằm mưa, trèo non lặn suối, xảy thấy hòn núi rất cao.

Thiệt là,

Hoa nở hoa tàn đầy đãnh núi,

Mây qua mây lại quảng đầu non.

Tam Tạng ngồi trên ngựa mừng rỡ nói rằng:

– Ðồ đệ, ta từ đi Tây Phương đến nay thấy nhiều non nước, không thấy núi nào cảnh tốt như vầy, có khi gần tới chùa Lôi Âm. Phải sửa sang cho đàng hoàng, mà ra mắt Phật Tổ.

Hành Giả cười rằng:

– Sửa soạn chi gấp vậy?

Sa Tăng hỏi:

– Thưa đại ca đây tới Tây độ còn cách bao xa?

Hành Giả nói:

– Kể từ Ðông Ðộ qua Tây độ cách mười muôn tám trăm dặm đường. Nay đi mười phần mới đặng một.

Bát Giới nói:

– Biết đi mấy năm cho tới.

Hành Giả nói:

– Ước sức hai em đi hơn mười mấy ngày cũng tới. Còn ta thì một ngày vừa đi vừa về năm chục lần, mà mặt trời chưa lặn. Chớ như thầy thì hết đợi hết trông!

Tam Tạng hỏi:

– Ngộ Không, ngươi nói ta đi mấy mươi năm mới tới?

Hành Giả nói:

– Thầy đi từ nhỏ cho tới già, già rồi trẻ lại một ngàn lần như vậy cũng chưa tới Tây Phương. Phải chi thành tâm, ngó lại Tây pương gần tới.

Sa Tăng nói:

– Chỗ nầy tuy không phải chùa Lôi Âm, song cũng chỗ thần tiên chi đó?

Hành Giả nói:

– Phải. Ðây là non tiên cảnh thánh, chúng ta đi chậm chậm mà xem hoa.

Nói về trong núi Vạn Thọ, có am Ngủ trang. Trong am ấy có một ông tiên, tên là Trấn Nguơn Tử, hiệu riêng là Dữ Thế Ðồng Quân. Trong vườn có một vật báu. Nguyên trước khi mới có trời đất, thì sanh ra cây nầy. Gọi rằng Thảo huờn đơn, lại kêu là nhơn sâm quả. Ba ngàn năm mới nở bông, ba ngàn năm mới có trái, ba ngàn năm nữa trái ấy mới chín cây. Gần cả muôn năm, mới có ba mươi trái. Hình như con nít mới đẻ ba ngày, có đủ tay chân, ngủ quan không thiếu. Nếu ai có phước, hửi một cái sống đặng ba trăm sáu mươi năm, ăn đặng một trái thì sống bốn muôn bảy ngàn tuổi.

Ngày kia Nguơn Thỉ thiên tôn mời Trấn Nguơn lên cung Di lạc mà nghe giảng đạo. Các tiên nhóm lại rất đông. Còn Trấn Nguơn đại tiên có bốn mươi tám người đệ tử tu luyện gần thành,đồng dắt theo nghe giảng, để hai người ở lại coi động, là hai đứa học trò nhỏ hơn hết, tên Minh Nguyệt với Thanh Phong.

Thanh Phong đã đặng một ngàn ba trăm hai mươi tuổi.

Minh Nguyệt mới một ngàn hai trăm tuổi mà thôi.

Khi Trấn Nguơn đại tiên gần đi có dặn rằng:

– Ta đi rồi ít ngày, có người quen của ta là Ðường Tam Tạng ghé đây. Nguyên ở Trường An vâng lệnh đi thỉnh kinh Tây độ, đừng thấy thầy sãi mà đem dạ dễ ngươi. Phải hái trái nhơn sâm mà đãi Tam Tạng.

Hai đạo đồng thưa rằng:

– Người không đồng đạo thì chẳng bàn luận làm chi, ấy là lời Khổng Tử. Mình theo đạo Lão Tử, sao lại quen với thầy chùa?

Trấn Nguơn đại tiên nói:

– Chúng bây không biết. Thầy ấy nguyên là đệ tử thứ nhì của Phật Tổ, ở tại Tây Phương, hiệu là Kim Thiền tử năm trăm năm trước ta đi coi hội Vu Lan, có quen biết với nhau, như tình bằng hữu. Nay tuy Kim Thiền tử đầu thai làm Tam Tạng, ta lẽ quên cựu ngãi hay sao? Song đem trái nhơn sâm cho Tam Tạng ăn, đừng cho lũ đồ đệ hay; vì chúng nó là học trò ăn cướp.

Hai tiên đồng vâng lệnh, đều ở lại giữ am.

Nói về bốn thầy trò Tam Tạng đương dạo núi non, ngó thấy trong vuông tre có lầu đài rực rỡ. Ði lần tới cửa ngỏ, coi tợ cảnh tiên cõi phật.

Thiệt là:

Lặng lẽ rất yên lòng đạo đức,

Trống không chi nhộn việc người đời.

Tam Tạng xuống ngựa, ngó bên tả cửa núi, có một tấm bia.

Trong bia có mười chữ lớn rằng:

Vạn thọ sơn phước địa, Ngủ trang quán động thiên.

Nghĩa là:

Ðất sanh non Vạn thọ, Trời trổ viện Ngũ trang.

Tam Tạng thấy chữ Viện, liền nói với học trò rằng:

– Ðây là am viện của đạo sĩ, cũng như kiểng chùa Thiền. Hãy đi vô mà coi thử? Hành Giả nói:

– Phải.

Bốn thầy trò đồng bước vào. Thấy đôi liển dán cửa ngỏ rằng:

Trường sanh bất lão thần tiên phủ,

Dữ thiên đồng thọ đạo nhơn gia.

Nghĩa là:

Còn mãi không dời nhà đạo đức,

Sống hoài chẳng thác viện thần tiên.

Hành Giả cười rằng:

– Ông đạo nầy hay nói lối. Trên cửa cung Ðâu Suất là chỗ ông Thái Thượng, cũng không viết liển xất như vầy.

Bước vào cửa trông thấy hai đạo đồng ra nghinh tiếp. Thưa rằng:

Xin mời vào nghỉ.

Tam Tạng thấy hai đạo đồng, tinh thần tợ nước, cốt cách khác thường. Liền mừng rỡ đi theo vào am ấy. Thấy giữa am thờ bức tượng, có hai chữ Thiên Ðịa mà thôi. Ðể lư hương vàng trên bàn án đỏ.

Tam Tạng thấp hương làm lễ, rồi hỏi hai đạo đồng rằng:

– Am Ngủ trang ở cỏi Tây Phương. Sao chẳng thờ Tam Thanh Tứ đế, các vị tinh quân? Lại thờ chữ Thiên Ðịa?

Tiên đồng cười chúm chiếm mà rằng:

– Tôi không dám nói giấu sư phụ Thầy tôi thờ chữ Thiên là phải còn thờ chữ Ðịa là vì tình. Có lẽ nào thờ mấy ông ấy!

Tam Tạng hỏi:

– Vì cớ nào vậy?

Tiên đồng nói:

– Tam Thanh là bằng hữu của thầy tôi. Tứ Ðế thầy tôi cũng quen lắm. Còn mấy vị sau là kẻ dưới tay của thấy tôi, mà phụng thờ sao phải?

Hành Giả nghe qua cười dài rồi nói rằng:

– Tưởng có một mình Lão Tôn hay nói ma, chẳng ngờ đồng lữ cũng vậy!

Tam Tạng hỏi:

– Vậy chớ lịnh sư ở đâu?

Thanh Phong thưa rằng:

– Thầy tôi đi nghe Nguơn Thỉ giảng kinh, vì có giấy mời hôm trước.

Hành Giả nghe nói cứ việc cười hoài.

Tam Tạng biểu ba người đi ra gánh đồ và dắt ngựa vào. Rồi mượn nồi vút cơm khô mà ăn đở.

Ba người ấy đi hết.

Thanh Phong dâng trà cho Tam Tạng.

Minh Nguyệt hỏi rằng:

– Thầy phải hiệu là Ðường Tam Tạng, qua thỉnh kinh bên phật hay chăng?

Tam Tạng nói:

– Phải! Sao Tiên đồng biết đặng tên tôi?

Thanh Phong nói:

– Khi thầy tôi ra đi có dặn rành… Nên tôi mới biết. Vậy xin thầy ngồi nghĩ, đặng tôi hái trái đem dâng.

Nói rồi hai đồng tử vào phòng. Một người cầm cái móc vàng, một người bưng cái chậu đỏ. Trong chậu lót nhiều khăn tơ lụa cho êm. Ðồng ra vườn nhơn sâm mà hái. Thanh Phong cầm móc vàng leo lên cây giựt xuống.

Minh Nguyệt đứng dưới gốc, giơ chậu đỏ hứng hai trái nhơn sâm.

Hái rồi đem ra dâng cho Tam Tạng mà nói rằng:

– Chúng tôi ở Sơn lâm cồn cạn không có vật chi mà đãi thầy. Xin dâng hai trái nầy, cho sư phụ dùng mà uống nước.

Tam Tạng ngó thấy hai trái ấy, thì run lập cập và ngồi dang ra xa ba thước, mà nói rằng:

– Bạc ác thì thôi! Năm nay mùa màng đặng lắm, làm sao đến nỗi ăn thịt người? Ðó là hai đứa con nít mới sanh chưa đặng ba ngày. Sao lại biểu tôi ăn mà uống nước? Thanh Phong nghe nói nghĩ thầm rằng:

– Ông Hòa Thượng nầy thai phàm mắt thịt, nên không biết trái nhơn sâm.

Minh Nguyệt thưa rằng:

– Trái nầy gọi là nhơn sâm quả, ở trên cây sanh ra.

Tam Tạng rằng:

– Ðừng có nói xàm. Lẽ nào cây lại sanh người đặng? Không ai ăn mà ép, hãy dẹp cho mau.

Hai người thấy Tam Tạng một hai không chịu ăn, túng phải bưng vào phòng mà thương nghị.

Thanh Phong nói:

– Ðường Tăng không biết trái nhơn sâm. Thôi, anh em mình chia nhau mà hưởng. Minh Nguyệt nói:

– Phải. Bởi vì trái nầy để dành lâu không được. Nếu lâu nó hết giải, thì chết cứng như thây ma, ăn chẳng ngon mà lại không bổ. Tại thầy ấy vô phước, nên anh em mình mới đặng nhờ.

Nói rồi mỗi người ăn một trái.

Nói về Bát Giới nấu cơm trong nhà bếp, cũng dựa bên đạo phòng, lóng tai nghe hai người đồng tử hối nhau: Lấy móc vàng mâm đỏ mà hái nhơn sâm.

Sau lại nghe nói:

– Ðường Tăng không biết trái nhơn sâm. Thôi, anh em mình chia nhau mà hưởng. Bát Giới nghe nói thèm chảy nước giải, ước phải chi có một trái mà ăn.

Xãy thấy Hành Giả dắt ngựa tới, buộc trên nhánh cây.

Bát Giới ngoắt lia ngoắt lịa.

Hành Giả bước tới, Bát Giới nói rằng:

– Ðây có một món bữu bối, anh biết hay không?

Hành Giả hỏi:

– Bữu bối gì ở đâu?

Bát Giới nói:

– Anh biết nhơn sâm quả hay không?

Hành Giả nói:

– Tuy ta chưa thấy, mà nghe người nói: Nhơn sâm quả là Thảo huờn đơn, nếu ăn nó thì sống lâu lắm. Mà ở đâu có bây giờ?

Bát Giới nói:

– Hai đạo đồng dâng hai trái cho thầy. Thầy không biết là trái nhơn sâm; chẳng hề động tới. Hai thầy khốn nạn quá. Phải chi thầy không hưởng, thì nó hiến cho mình. Té ra hai đứa đem nhơn sâm vào phòng, nuốt ọt với nhau hết trọi! Chúng ta không đặng một miếng, cũng nên hái trộm mà ăn.

Hành Giả nói:

– Chuyện ấy dễ như chơi, để ta đi hái.

Nói rồi liền chạy.

Bát Giới niu lại nói rằng:

– Tôi nghe nó nói phải lấy móc vàng mới hái đặng, mình phải sắm cho sẳn sàng. Hành Giả nói:

– Ta hiểu rồi.

Liền tàng hình vào phòng, không thấy đạo đồng ở đó. Ngó quanh ngó quất. Thấy trên song có móc một cây móc vàng dài ước chừng hai thước, lớn bằng ngón tay cái mà thôi. Trên có cái vòng bằng nhung, dưới cán có củ tỏi, chắc Kim bích là vật nầy. Vì có vòng để móc vào mà giựt. Lấy rồi ra cửa sau ra tới vườn huê, đi khỏi vườn huê tới vườn rau cải, đi khỏi vườn cải thấy có cửa ngăn. Mở cửa ngăn ra, thấy một cây Ðại thọ.

Thiệt là: Cây thơm bát ngát, lá rậm diềm dà, coi cho kỹ thì lá như lá chuối, cây cao ngàn thước, đo giáp vòng 70 thước dư.

Hành Giả đứng dưới gốc ngó lên thấy nhánh bên nam có một trái, coi như đứa con nít, sau đuôi có cuốn dính trên nhánh cây. Chân tay đều cử động. Lắc đầu nhăn mặt, nghe xa xa như tiếng khóc la.

Hành Giả mùng quýnh nói:

– Thiệt ta chưa từng thấy!” Nói rồi nhảy dựng lên cầm móc vàng mà giựt. Thấy rụng xuống một trái, nhảy bổ theo liền. Kiếm hèn lâu không đặng.

Hành Giả nói:

– Dầu nó có cẳng, chạy cũng nội khoản nầy. Vì cớ nào mà kiếm hoài không đặng! Chắc là Thổ Ðịa giữ vườn, không cho ta hái trộm, nên lén giấu đi.

Nghĩ rồi liền bắt ấn, niệm thần chú ám tự, thâu Thổ Ðịa tức thì.

Khi ấy Thổ Ðịa đến làm lễ hỏi rằng:

– Ðại Thánh đòi tiểu thần tới, có dạy chuyện chi?

Hành Giả nói:

– Ngươi há không biết Lão Tôn là ăn cướp tổ hay sao, năm xưa ta ăn trộm bàn đào, uống vụn ngự tửu, lại ăn cắp thuốc Linh đơn, chẳng ai dám chia của tang với ta hết thảy. Giá gì nay ta lén hái một trái nhơn sâm quả, mà ngươi chặn lận của ta? Vả chăng trái ấy ở trên cây, chim cũng ăn, dầu ta ăn một trái lại can chi? Cớ sao ta mới làm rớt xuống đây, lẽ nào ngươi giựt ngược?

Thổ Ðịa nói:

– Xin Ðại Thánh miễn chấp tiểu thần, sự ấy rất oan cho tôi lắm! Bửu bối ấy là vật Ðịa tiên, còn tôi là quỷ tiên lấy làm sao đặng? Chẳng những là cầm không đặng, thiệt vô phước chưa đặng hưởng lần nào.

Hành Giả nói:

– Nếu ngươi không lấy. Cớ gì rớt xuống liền mất đi?

Thổ Ðịa nói:

– Ðại Thánh biết nó là vật trường thọ. Mà chưa rõ nó có kị ngũ hành.

Hành Giả nói:

– Nó kị những vật gì?

Thổ Ðịa nói:

– Trái nầy gặp hơi vàng thì rụng, cây đụng đến thì khô, gần lửa thì cháy đen, rớt xuống đất thì lặn mất. Nên phải dùng đồ vàng mà móc nó, nếu để gần hơi cây thì mất nước, ăn cũng không hay, nếu muốn ăn thì để nó vào đồ sành, chế nước lạnh vào thì tan ra nước mà uống. Tuy đất nầy bốn muôn bảy ngàn năm, cứng hơn sắt, dùi khoan không phủng, mà nó chun xuống như chơi. Bởi vậy ăn nó thì sống lâu lắm.

Hành Giả không tin lời ấy, lấy thiết bảng đập xuống đất, nghe kêu một tiếng, thiết bảng dội lên mà đất không có dấu!

Hành Giả nói:

– Kỳ lắm, kỳ lắm! Làm ngươi bị rầy oan rầy ức, thôi ngươi trở về đi.

Thổ Ðịa vâng lời biến mất.

Khi ấy Hành Giả tính ra kế. Liền cầm móc leo lên, một tay móc nhơn sâm một tay kéo áo ra hứng, bọc đặng ba trái, chạy riết về trù phòng, nói với Bát Giới rằng:

– Của nầy không phải của riêng, nếu ăn lén Sa Tăng thì dở lắm. Hãy kêu một tiếng cho mau!

Bát Giới ngoắt Sa Tăng vào nhà bếp.

Hành Giả dở bọc hỏi rằng:

– Em biết vật gì đó hay không?

Sa Tăng nói:

– Ấy là nhơn sâm.

Hành Giả nói:

– Thiệt hay lắm, em đã biết trái nhơn sâm, khi trước ăn tại đâu mà rõ?

Sa Tăng nói:

– Tôi tuy chưa ăn nó, mà hồi làm Quyện Liêm đại tướng, thường thấy các tiên ngoài biển đem dâng cho Ngọc Hoàng, song chưa ăn đặng. Ðại ca cho tôi xin một chút, đặng nếm cho biết mùi!

Hành Giả nói:

– Không cần xin một chút làm chi, cứ ba anh em mỗi người một trái.

Bát Giới lấy một trái, nhấp vào cái rồi nuốt, lật đật không kịp nhai.

Liền hỏi rằng:

– Sư huynh sư đệ, hai người ăn nó ra làm sao?

Hành Giả nói:

– Ngươi ăn trước hết thảy, còn trở lại hỏi ai.

Bát Giới nói:

– Tôi ăn mau quá, chẳng biết có hột hay không? Tôi nhấp sơ rồi nuốt trọng. Anh ôi! Hễ làm ơn thì làm ơn cho trót. Kiếm thêm một trái nữa, tôi ăn thủng thẳng cho biết mùi.

Hành Giả nói:

– Bụng ngươi tham không cùng, biết bao nhiêu cho đủ? Mình cũng có phước lắm mới ăn đặng một trái nầy. Thôi thôi đã đủ rồi, đừng có đòi nữa.

Nói rồi đứng dậy lấy Kim bích quăng vào lỗ song.

Còn Bát Giới cứ cằn nhằn cẳn nhẳn nói hoài, cũng có bấy nhiêu chuyện.

Vừa lúc hai đạo đồng trở lại đạo phòng, nghe Bát Giới cằn nhằn:

– Ăn trái nhơn sâm uổng miệng quá! Phải được một trái nữa ăn mới biết mùi.

Thanh Phong nghe nói nghi rằng:

– Minh Nguyệt! Em nghe hòa thượng mỏ dài nói đó không? Giống gì mà phải được một trái nữa ăn mới biết mùi. Khi thầy đi có dặn rằng: Phải phòng lũ học trò ăn cướp. Có khi nó hái trộm nhơn sâm chăng.

Minh Nguyệt ngó ngoái lại nói rằng:

– Không xong rồi anh ôi! Cây kim bích sao rơi xuống đất? Mình ra vườn xem thử thể nào.

Hai người đi ra thấy cửa vườn đã mở, coi đếm lại còn có hai mươi hai trái.

Minh Nguyệt nói:

– Nó hết thảy là ba mươi trái, thầy hái hai trái chia nhau mà ăn, lại còn hái hai trái mà đãi Tam Tạng, thì còn hai mươi sáu trái rõ ràng sao mất hết bốn trái, chắc là các sãi trọc ăn cắp rồi. Thôi cứ vô nhiếc Ðường Tăng thì ra mối.

Nói rồi hai người vào chỉ mặt Tam Tạng mà mắng trọc ơi trọc hỡi hơn một hồi, Tam Tạng nghe không hết mới hỏi rằng:

– Chuyện chi mà Tiểu đồng rầy dữ vậy?

Thanh Phong nói:

– Thiệt là ngươi điếc, người ta mắng nhiếc mà không nghe, ăn vụn trái nhơn sâm, mà không cho người ta nói!

Tam Tạng nói:

– Tôi có biết trái nhơn sâm ra làm sao! Xin chớ nói oan mang tội.

Minh Nguyệt nói:

– Tôi đem cho thầy ăn thầy nói in đứa con nít, mới đó đã quên lững hay sao?

Tam Tạng nói:

– Mô Phật, thấy trái đó đà thất kinh hồn vía, tôi nào dám động tới đâu, xin đừng nói tôi ăn vụn vật nầy mà mang tội.

Thanh Phong nói:

– Tuy thầy không ăn, ngặt học trò thầy nó ăn vụng.

Tam Tạng nói:

– Có khi phải đó. Thôi đừng có rầy, để tôi hỏi lại, như quả nó ăn cắp, bắt nó lạy mà chịu lỗi với hai ông.

Tam Tạng liền kêu ba người đồng lên biểu.

Sa tăng nói:

– Không xong rồi, chắc sự nhơn sâm đã lậu!

Hành Giả nói:

– Mắc cở chết đi mà thôi! Chịu tiếng ăn vụng, xấu hổ biết dường nào, chi bằng chối phứt cho xong, không tang án gì mà sợ?

Bát Giới nói:

– Phải phải, ai chịu án ăn vụn làm chi.

Ba anh em bàn luận rồi, đồng đi ra một lượt.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky