Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thần Chết Trong Rừng

Chương 10

Tác giả: Brigitte Aubert

– Chào Elise, ngủ ngon chứ?

Tôi giật mình tỉnh giấc. Chắc là tôi đã đếm được đến 3255 con cừu rồi và giờ tôi vẫn còn chưa hoàn toàn tỉnh táo.

-Thời tiết thật là tuyệt vời. Đúng là một ngày mùa thu thật sự. – Hélène vừa nói vừa mở các cánh cửa sổ.

Tôi không hiểu vì sao Hélène lại mất thời gian để mở và đóng cửa sổ như vậy, vì với tôi thì nó chẳng thay đổi được gì cả.

Có tiếng chuông cửa.

-A, có ai đó gọi cửa. Tôi sẽ quay lại ngay thôi.

Nhanh lên, bởi vì tôi đang rất buồn đi tiểu đây này. Giọng một người đàn ông và tôi đang căng tai ra để nghe ngóng. Đó là Florent Gassin.

-Xin lỗi đã làm phiền cô vào lúc sớm thế này, nhưng tôi có một vài câu hỏi cho cô và cả chồng cô nữa.

-Chồng tôi đã đi rồi, anh ấy đưa Virginie đến trường trước khi đi làm.

-Thôi vậy, không sao. Cũng không phải là việc công nhưng tôi muốn biết liệu cô có nghe thấy những tiếng đồn là Sophie Mogoin có một mối quan hệ…

-Anh có dùng cà phê không?

-Ồ… không, cảm ơn.

-Mời anh ngồi. Xin lỗi anh, tôi bận một chút. Tôi sẽ quay lại ngay.

-Ồ… vâng…

Sau đó Hélène chạy vào phòng tôi.

-Bô đây. Điều tra viên Gassin đang ở đây, tôi không biết phải làm sao nữa, anh ta muốn biết liệu Sophie có… Cô có cho rằng tôi nên nói với anh ta không.

Tôi giơ ngón trỏ lên. Hélène đẩy cái bô vào.

-Lát nữa nhé.

Cô nói rồi quay trở lại phòng khách.

-Giờ thì tôi có thể nói chuyện với anh.

-Về Sophie Migoin…, – Gassin bắt đầu. Có thể thấy rõ là anh ta đang bối rồi.

-Sự thực thì tôi có nghe nói về chuyện đó…

-Thế là đúng như vậy?

-Tôi nghĩ là đúng. Thật ra, tôi có nghe thấy cô ấy nói chuyện điện thoại với một người đàn ông, họ có nói về một cuộc hẹn nào đó…

-Cô có biết đó là ai không?

-Không. Nhưng nếu mà tôi có biết đó là ai thì tôi cũng sẽ không nói với anh. Sophie đã chết, Stéphane cũng vậy, không cần phải khơi lại mọi chuyện.

-Cần phải chứng minh rõ ràng liệu Sophie Migoin có phạm tội hay không. Cô không nghĩ thế à?

-Tôi không thấy chuyện đó liên quan đến Sophie.

-Thẩm phán tõ ra không được thuyết phục lắm với việc tự tử của ông Migoin. Bà ấy muốn chắc chắn là đó không phải là cái chết bị dàn dựng nhầm làm cho ông ta phải chịu trách nhiệm về hàng loạt vụ giết người này.

Cái bà thẩm phán này không ngờ nghệch đâu đấy nhé. May là còn có bà ta!

-Thế còn lá thư mà Stéphane đã để lại?

-Lá thư, đúng, theo tôi không thể không nhắc đến điều đó. Đó cũng là điều mà cảnh sát tư pháp nghĩ. Bức thư đó đã được đánh máy, bằng cái máy chữ mà anh ta thường dùng để thảo thư từ công việc, do vậy nó đã được đánh máy trước khi anh ta đi, và giấy là loại giấy anh ta thường dùng, chữ ký cũng là của anh ta.

Thư được viết bằng máy chữ! Thay đổi rồi đây! Một người như Stéphane lại ngồi đánh máy bản thú tội của mình?! Chỉ có những người lao động trí óc mới làm thế. Tôi cố hình dung ra Stéphane ngồi bỏ nấp chiếc bút mực mạ vàng của mình và chăm chú viết lên một tờ giấy kẻ ô vuông.

-Tại sao anh lại kể với tôi những chuyện đó?

-Có vẻ như chuyện đó có liên quan đến cô. Dù sao thì con trai cô…, tôi xin lỗi, tôi muốn nói là… con của chồng cô…

-Renaud đã chết, ông thanh tra ạ. Không gì có thể làm nó quay trở lại được nữa. Tôi chán tất cả những chuyện này lắm rồi. Những điều tôi cần, đó là sự yên ổn mà thôi.

-Nhưng sự yên ổn chỉ có được khi có được sự thật, sự thật sẽ xoa dịu nỗi đau…

-Anh nghĩ gì về sự thật? Đôi khi biết còn đau khổ hơn là không biết, nhất là khi sự thật đó rất phũ phàng. Và sự thật mà anh vừa nói với tôi là không thể chịu được.

-Cô có thể đồng ý kiến với bà thẩm phán, nhưng tôi không cho là nó đã được xác minh.

-Anh đã xong chưa? Tôi còn có việc phải làm.

Gassin nói, giọng ấp úng… Dù sao thì anh ta còn trẻ và xin lỗi, anh ta chỉ làm vướng chân mà thôi.

-Được thôi, tôi không muốn làm phiền cô.

-Xin chào ông thanh tra.

-Tạm biệt cô, tôi…

Cửa ra vào đóng sầm. Có tiếng di chuyển ồn ào:

-Đồ bẩn thỉu! Toàn một bọn thối thây bẩn thỉu! Hãy để cho tôi yên! Mẹ kiếp, mẹ kiếp! Cầu cho tất cả chúng nó tự đánh vào đầu nhau!

Hélène vừa gào thét vừa khua đập vào đồ đạc. Còn tôi, tôi chẳng tin vào bất kỳ sự cứu giúp nào cả, tôi đang nằm dài trên giường như một con sư tử biển bị mắc cạn. Tôi còn nghe thấy cô ấy khua khoắng thêm một lúc, rồi không nghe thấy gì nữa. Chắc là cô ấy mệt lả. Cơn giận dữ tạm lắng, nỗi buồn phiền cũng tạm lắng. Việc đó đối với tôi thật quá khó khăn, khi tôi biết được mình không thể kêu khóc, không thể cào lên trên má, gãi đầu gãi tai hay đập phá đồ đạc. Thật khó khăn biết bao thì không thể được mệt mỏi, không thấy buồn phiền…!!! Thật khó khăn khi thấy mình cô đơn, bị giam cầm trong trí óc vẫn hoạt động, vẫn không ngừng ghi lại những suy nghĩ, những hình ảnh, những lời nói.

Sự yên tĩnh quay trở lại. Trong im lặng, tôi bỗng nghe thấy một tiếng rên cứ đều đều vang lên, một tiếng rên khe khẽ, đau đớn và tôi hình dung ra Hélène hai tay ôm đầu, rên rỉ vì đau đớn nửa như một con thú bị thương nửa như một đứa trẻ không thể tự vệ. Thật là xúc động khi biết được nỗi đau thầm kín của ai đó. Tôi nuốt nước bọt. Tiếng rên rĩ vẫn phát ra không ngừng mà lại còn to hơn, mạnh hơn, rõ ràng hơn rồi đột ngột trở thành tiếng nức nở khàn khàn, một thứ tiếng nức nở cụt ngủn như xé rách cổ họng, rồi không nghe thấy gì nữa.

Có tiếng bước chân, tiếng cánh cửa mở ra. Nước chảy. Chắc hẳn cô ấy đang vốc nước lên mặt. Nước ngừng chảy. Những bước chân tiến lại phía tôi.

-Anh ta đi rồi. Họ vẫn tin rằng Stéphane là hung thủ, chỉ có bà thẩm phán là vẫn nghi ngờ. Những chuyện này thật rối ren. Tôi lại trông thấy chúng tôi cách đây bảy năm, khi chúng tôi quyết định đến sống tại đây. Sự yên ổn, cảnh nông thôn, cuộc sống điền viên… Thật ngu ngốc.

Có vẻ như Hélène ngừng lại suy nghĩ một chút, sau đó cô nói tiếp:

-Cô biết không, tôi luôn tự hỏi con trai tôi sẽ làm gì khi nó lớn. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi luôn hình dung ra nó bên bánh lại một chiếc thuyền buồm, tóc nó bay trong gió…

“Con trai tôi”, cô ấy có vẻ rất gắn bó với thằng bé như thể nó là con đẻ của cô ấy vậy.

-… và cũng lúc đó, tự đáy lòng mình, tôi có một linh cảm, một linh cảm khủng khiếp về một điều bất hạnh. Cũng có thể là vì đó là một đứa bé trai. Bọn con trai thường hay chết hơn con gái, vì chúng yếu ớt, mỏng manh dễ vỡ hơn. Đúng thế đấy, tôi luôn luôn lo sợ cho nó, lo sợ như thể có điều tồi tệ gì đó luôn rình mò nó, một điều gì đó có hại cho nó luôn ẩn nấp trong bóng tối. Và rồi điều tôi lo sợ đã trở thành sự thật. Người ta đã đánh cắp nó khỏi tôi.

Cô ngừng lại hít thở sâu, việc đó làm cho cô yên tâm trở lại.

-Rồi sẽ có một ngày, người ta sẽ phải có lúc lúng túng, khó khăn trong cuộc sống. Người ta có thể làm được gì chứ? Chẳng ai có thể định đoạt được số phận của mình, đúng không? Nhìn lại cô đi, chắc cô chưa bao giờ hình dung ra điều gì sẽ xảy đến với mình. Cái thị trấn này chỉ mang lại những bất hạnh, đó là sự thật. Chúng tôi cần phải ra đi. Paul nói là chúng tôi không thể. Anh ấy lo lắng không thể tìm được một công việc tốt như thế. Anh ấy thà bán linh hồn mình còn hơn là kiếm được ít tiền hơn. Anh ấy không để ý thấy đấy thôi. Tôi tin là tự đáy lòng mình, tôi ghét anh ấy. Đúng vậy, có một lúc nào đó tôi tin là mình yêu một người nào đó và rồi bỗng nhận ra mình căm ghét người đó. Không phải lúc nào cũng như vậy đúng không? Mấy giờ rồi nhỉ? Thật điên rồ, thời gian trôi qua thật nhanh khi người ta chẳng có hy vọng gì. Nào, tôi sẽ thay quần áo cho cô.

Giờ thì cô ấy còn hát lẩm nhẩm nữa, một dáng vẻ mà tôi chưa từng nhận thấy, linh hoạt và cứng cáp, vừa hát cô vừa mặc quần áo cho tôi một cách vụng về. Chắc là tôi phải nặng và trơ ì như tôi vốn là vậy. Tôi cố gắng làm cho mình nhẹ đi. Tiếng hát rì rầm cố tạo ra vẻ đang vui vẻ của cô ấy thật đáng thương. Thế đấy, tôi đã được mặc xong quần áo. Và chúng tôi sang phòng ăn.

Bữa trưa thật rầu rĩ, ủ ê với phần còn lại của món khoai tây nghiền và những miếng cá đông lạnh. Tôi không thấy đói lắm. Hélène vẫn không nói năng gì, cô cứ vừa lầm rầm hát cái giai điệu khó chịu đó vừa tống cái thìa vào miệng tôi. Tôi cảm thấy những động tác của cô ấy rất mạnh mẽ, căng thẳng và tôi luôn có cảm giác là cô sẽ làm tôi bị đau. Tôi cố nhai thật nhanh để kết thúc cái công việc nặng nhọc này càng nhanh càng tốt. Không có pho mát cũng chẳng có tráng miệng gì cả. Chỉ có mỗi cà phê, nhưng rất đặc, cà phê đen, nồng và quá nóng. Tôi bị bỏng mà chẳng thể phản ứng gì được. Và, hấp, lên đường.

Tôi nóng lòng mong cho cô Yvette mau khỏi bệnh để có thể trở về nhà mình. Nhất là sau khi biết được Paul coi tôi như gián điệp, tôi lại càng trông chờ cô ấy trở về. Xe đẩy bỗng dừng lại đột ngột. Lại có chuyện gì nữa đây?

-Hélène! Mình đã định gọi cho các cậu.

Ra là cô nàng hoàn hảo, tức Claude Mondini, đang nói nhỏ và rất nhanh:

-Sáng nay một viên thanh tra đã đến nhà hỏi mình về cuộc sống riêng tư của Sophie… Đương nhiên là mình trả lời là mình không biết gì hết. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, đúng không? Cứ mỗi lần mình nghĩ đến những điều mà họ buộc Stéphane là mình lại không ngủ được nữa. Jean-Mi bắt mình phải uống thuốc. Thật là kinh khủng, kinh khủng!

Sau đó cô nói to hơn:

-Ra là cậu đang chăm sóc Lise đấy à?

-Bà Yvette đang bị bong mắt cá chân…

-À đúng rồi, thế mà tớ quên mất đấy. Nhiều chuyện xảy ra như thế, rồi còn chủ nhật nữa, có trò “đi tìm kho báu” của bọn trẻ con ở Saint-Jean nữa cứ. Nên đến đấy lắm, chắc chắn là tuyệt vời đấy. Nói mình nghe xem nào, nếu như mọi người muốn, mình có thể đưa Elise đi dạo và trả cô ấy về cho cậu ở thư viện?

-Tại sao lại không chứ? Cô có thể đi dạo một chút, phải không Lise?

Đi dạo với cả cái máy nói này ư? Không, cảm ơn. Tôi không giơ ngón trỏ để trả lời.

-Có thể cô ấy buồn ngủ đấy. Này, mình nhờ cậu trông cô ấy một lúc. Cảm ơn nhé. Mình phải đi đây, mình bị muộn rồi. – Hélène nói vội.

Trời ơi, cứuuu… tôi với…

-Elise à? Elise, lêu lêu, tôi đây. Claude đây, cô nghe thấy tôi chứ?

Tôi đành phải giơ ngón trỏ lên.

-Chúng ta sẽ đi dạo một chút! Vào lúc trời không mưa thế này. Với lại tôi cũng muốn đi bộ một tí, tôi cảm thấy căng thẳng quá… Hélène trông có vẻ suy sụp, trông cô ấy già đi đến chục tuổi. Tối hôm qua Jean-Mi có gặp Paul, anh ấy rất lo lắng cho Hélène. Anh ấy sợ là cô ấy sẽ làm cho anh ấy bị trầm uất mất thôi… Cứ nghĩ đến Stéphane là người bạn tốt nhất của họ, và anh ta… rồi thằng bé Renaud đáng thương… cả những đứa bé khác nữa chứ… Phải công nhận là tôi đã nhìn thấy anh ta sau tay lái chiếc break màu trắng mà không cần phải nghi ngờ lấy một giây… Theo cảnh sát nói thì đó là chiếc xe mà ông chủ thầu xây dựng thường dùng để đến công trường. Anh ta cũng đi xe đó thì đó cũng là chuyện bình thường thôi. Ở mấy cái công trường đó bẩn lắm, nên anh ta sẽ không phải ngày nào cũng rửa xe Benjamin đâu… Viên thanh tra nói với tôi là họ đang khám xét tỉ mỉ chiếc xe đó, nhất là cốp xe… Jean-Mi không cho tôi nói về chuyện đó, anh ấy nói rằng tôi quá mẫn cảm, nhưng chẳng có gì phải giấu cả. Cả Sophie tội nghiệp nữa… vì cô ấy mà tôi phải nói dối đấy.

Thì thầm đầy kịch tính:

-Đúng, tôi có thể nói với cô chuyện này. Tôi biết là cô ấy có một ai đó.

Tôi có lý! Lại một lần nữa tôi có lý. Nào, kể cho tôi nghe chuyện đó đi nào!

-Có một lần tôi trông thấy cô ấy ngồi trong xe của mình, trong rừng, sau khu Futaie. Tôi đến đó để nhận bãi đất cho cuộc đua xe đạp địa hình Rameaux. Lúc đó chắc khoảng ba bốn giờ chiều gì đó. Đầu tiên tôi nhận ra chiếc xe đỗ sau một lùm cây và ngay lập tức tôi nghĩ đó có thể là một đôi tình nhân. Thế là đương nhiên tôi trở nên kín đáo hơn. Sau đó tôi nhận ra chiếc 205 của Sophie. Tôi chẳng nghĩ gì xấu cả, nhưng chuyện ấy làm tôi thấy kỳ lạ lắm, hệt như rùng mình vậy, cô thấy đấy… Nắng chiếu vào cửa kính nên chẳng trông thấy gì bên trong cả. Đáng lẽ thì tôi phải đến chào cô ấy… nhưng có một điều gì đó đã cản tôi lại, chắc là do bản năng, thật dở hơi cái trực giác của tôi, và đúng vào lúc đó, cửa xe sau mở ra và anh ta bước xuống xe, vuốt lại tóc, rồi anh ta đi tiểu vào một gốc cây, tôi thấy chuyện đó cũng bình thường thôi! Dù sao đi chẳng nữa thì anh ta đã làm chuyện gì với Sophie, trong cái xe đóng kín ở đó? Tôi không muốn nói xấu về người đó cùa Sophie đâu, nhưng cũng có lúc người ta không thể không rút ra kết luận chứ, phải không nào? Thế là lúc đó tôi không dám động đậy gì nữa, đương nhiên rồi. Anh ta lại ngồi vào xe, cô ấy nổ máy và họ đi mất ngay bên cạnh tôi mà không trông thấy tôi, vì lẽ tôi đang ngồi xổm trong đám cây tầm ma[1], tôi không nói với cô về những vết bỏng rát mà tôi phải chịu đựng đâu, nói tóm lại là tôi đã trông thấy họ ở rất gần, Sophie đang cười khoan khoái và anh ta với vẻ mặt thỏa mãn thú tính. Tôi chưa bao giờ nghĩ vậy về anh ta.

[1] Một loại cây có hoa nhỏ màu lục nhạt, lá to màu xanh có khía răng, phủ lông nhỏ chưa một chất lỏng gây rát.

Nhưng anh ta là ai mới được chứ, mẹ kiếp?

-Tôi không nói gì với Jean-Mi cả vì không muốn làm anh ấy lo lắng, nhưng dần dần chúng tôi ít gặp gỡ họ. Xem như tôi không đồng lõa với hành động của họ. Khi tôi nghĩ đến điều đó, Sophie và Manu, thật là điên rồ…

Manu? Cô ấy nhắc đến Manu? Nhưng anh ta đến đó làm gì cơ chứ? Không phải Manu đâu, mà là Paul đấy. Cô lầm rồi!

-Còn Betty đáng thương cứ muốn lắp đầy sự trống trải tinh thần bằng tiền ấy, cô ấy nên theo dõi anh chồng của mình thì hơn. Tôi cứ hay nghĩ là anh ta có đôi mắt sắc của Raspoutine[2] với một bộ râu đen… ôi ôi. Ôi tôi nói nhiều quá, nói nhiều quá, chắc là tôi làm cô chán lắm…

[2] Grigori Yelimovich Raspoutine (1869-1916) là một nhân vật trong lịch sử Nga, bị coi là mê hoặc và tư thông với hoàng hậu Nga, dùng phép thuật trị được bệnh loãng máu cho hoàng tử, sau đó tự tạo ảnh hưởng lớn với gia đình này và dần dần lũng đoạn chính sách hoàng gia Nga.

Không hề, cô làm tôi thích thú đấy! Nào tiếp tục đi!

Nhưng không, Claude lại nói với tôi về cây cối, nào là lá rụng, nào là mùa đông sắp đến, vỏ củ hành tây báo hiệu cái lạnh, rồi thì chuyện chiến tranh ở Nam Tư, nạn đói ở châu Phi, lại đến những người khó khăn khi thu dọn quần áo thuốc men, nhiều người bị lạnh, mất cảm giác… Còn tôi, tôi cứ nhắc đi nhắc lại “Manu và Sophie, Sophie và Manu” như một “câu thần chú” đã mang đến cho tôi sự Tiết lộ.

Sau ngày hôm đó, tôi mong được yên thân và tôi nóng lòng được trở về nhà, càng mong hơn nữa khi tôi biết Paul coi tôi là tên gián điệp. Thế là hết những trò mân mê sờ soạng trong đêm. Paul thân mến còn có những mối bận tâm quan trọng hơn? Thật may là tối hôm qua cô Yvette đã gọi điện báo là cô ấy thấy đã khỏe hơn và sẽ đến đón tôi chiều mai bằng ô tô cùng với không ai khác hơn là Guillaume. Ở đây, mọi chuyện còn tệ hơn, Paul và Hélène không ngớt cãi cọ. Hélène cứ nốc thuốc an thần và sau đó thì Paul lại kêu ca. Anh ta cứ lặp đi lặp lại là cô ấy cần phải đi khám bác sĩ. Còn tôi thì bị nhốt trong phòng ăn. Virginie thì cứ xem tivi và ra vẻ như không thấy chuyện gì xảy ra vậy.

-Virginie! Vặn nhỏ tivi đi! – Paul hét lên.

Con bé lại vặn âm thanh to lên. Tôi cảm thấy cái tivi sắp nổ đến nơi.

-Con không nghe thấy bố nói gì hả? Vặn nhỏ cái tivi khốn kiếp ấy đi!

Chẳng có phản ứng gì cả. Chim cánh cụt vẫn tiếp tục gào thét trước mặt Người dơi.

-Chúa ơi! Con coi thường bố à?

-Ái, thả con ra! Mẹ ơi, mẹ ơi!

Bốp, bốp, hai cái tát. Virginie bắt đầu hét lên như một cái còi. Bực tức, Hélène can thiệp:

-Thả con bé ra, đồ khốn nạn, tôi cấm anh động vào con bé. Anh không có quyền!

-Ăn nói cẩn thận đấy, Hélène!

Rắc rối rồi đây. Chắc là anh ta đã thả Virginie ra, vì tôi nghe thấy nó sụt sịt trong một góc phòng.

-Tôi muốn nói gì thì tôi cứ nói, anh không làm tôi sợ được đâu!

-Làm ơn thôi đi!

Tôi “trông thấy” họ đứng đối mặt với nhau, lỗ mũi phì ra, môi mím chặt lại, tái xanh như tất cả các đôi vợ chồng trong cơn tức giận. Sau đó, Paul phá vỡ trận chiến:

-Mẹ kiếp, tôi đi đây.

-Paul! Anh đi đâu?

-Cô bận tâm đến chuyện đó cơ à? Hãy quan tâm đến coi gái cô đi!

Cửa đóng sầm.

-Mẹ ơi!

-Con yêu, mẹ đây…

-Khi nào thì chúng ta ăn cơm hả mẹ?

-Con vào trong bếp xem, có bánh pizza đấy.

-Con có thể vừa ăn vừa xem Người dơi không ạ?

-Được, nếu con muốn, nhưng đừng làm bẩn đấy nhé.

Thế là kết thúc trận chiến. Virginie ngồi ăn bánh pizza vừa sụt sịt. Tôi cảm thấy ai đó ở sau lưng mình. Hélène đang nắm lấy xe đẩy và đẩy tôi vào trong bếp.

-Cô có muốn uống chút bia không?

Ngón trỏ. Đồng ý ngay, một cốc bia ướp lạnh…

Tiếng mở nắp chai, rồi bia được rót vào trong cốc, tôi nuốt nước bọt, cứ như là đang ở quán bia vậy. Kế đó là bia chảy mát lạnh trong cuống họng của tôi, đã một năm rồi tôi chờ đợi ngụm bia lạnh như vậy…

Hélène cho tôi uống thêm chút bia, sau đó tôi nghe thấy tiếng cô ấy uống bia.

-Paul nói có lý, tôi dùng quá nhiều thuốc. Nhưng đó là vì tôi không thể ngủ được. Tôi chán ngấy việc cứ lăn qua lăn lại trên giường rồi lại nghĩ đến những chuyện đó. Tôi có cảm giác tưởng rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi bị đi chệch hướng, như người ta vẫn thường nói thế đấy. Chắc là cô có nghe thấy chúng tôi cãi cọ với nhau…

Tôi không giơ ngón tay.

-Cô biết không, tôi sẽ nói với cô điều này, tôi chưa từng nói với ai cả. (Cô hạ thấp giọng). Paul không phải là bố đẻ của Virginie.

Chỉ còn thiếu điều tôi bị nghẹn họng vì bia.

-Khi tôi gặp anh ấy cũng là lúc tôi sinh Virginie. Anh ấy cưới tôi, chấp nhận con bé và hứa sẽ chăm sóc con bé như con đẻ của mình vậy. Anh ấy đã giữ lời hứa. Tôi hay văng tục, tôi biết, như lúc nãy ấy… Virginie không biết anh ấy không phải là bố nó, tôi không nói gì với cháu cả. Dù gì thì ông bố kia nó cũng sẽ chẳng bao giờ trông thấy mặt đâu. Cô uống thêm bia nữa không?

Có. Chúng tôi cùng uống bia.

-Quá lâu rồi, mọi chuyện… đã là quá khứ rồi. Lúc đó tôi còn trẻ và thật ngu ngốc. Cô biết đấy, thời thơ ấu của tôi không dễ dàng gì. Ồ, không như cô nghĩ đâu, một môi trường rất tốt, nhưng bố tôi không phải là người dịu dàng, cô hiểu tôi muốn nói gì chứ? Còn mẹ tôi… bà chẳng dám có ý kiến gì cả, vì bà sợ. Bà uống rượu để quên. Bà đã chịu bị đánh đập trong ba mươi năm liền. Khi bố tôi chết thì đó thật sự là một sự giải thoát đối với bà. Nhưng bà cũng không thoát được bao lâu. Sáu tháng sau thì bà chết vì ung thư. Hệt như trong kịch ấy! Mẹ tôi không phải là người duy nhất phải chịu đựng những trận đòn đâu. (Giọng cô trở nên cay độc, mỉa mai). Tôi luôn nhớ lại bố tôi rất trang nghiêm – ông là bác sĩ mà – còn tôi và mẹ tôi thì nhợt nhạt, xanh xao bên trong những bộ quần áo cắt may khéo léo… Tại sao tôi lại kể với cô những chuyện này nhỉ? À đúng rồi, để cho cô biết là khi tôi gặp Tony – giá mà tôi có thể đoán trước được… tôi lại bị một số triệu chứng của căn bệnh đau đầu này rồi, tôi có thói quen là hễ tôi nói về bố mẹ mình hay về Tony là tôi lại nhức đầu. Nhưng thôi muộn rồi, tôi phải cho Virginie đi ngủ đây. Uống thêm chút bia nữa nhé?

Tôi giơ ngón trỏ. Tôi nuốt bia mà không để ý đến cái chất lỏng có bọt ấy cả. Ra là thế, hóa ra Paul không phải là bố đẻ của Virginie. Thế thì… thay đổi được gì nào? Chẳng gì cả. Thế còn Tony… anh ta đã làm những gì để mà Hélène phải nói về anh ta như vậy? Chắc là anh ta cũng đánh đập cô ấy? Anh ta ở đâu? Trong tù chăng? Không, tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết mất rồi.

Liệu họ có chắc chắn là Virginie không biết gì hết không? Bọn trẻ con thường hay biết nhiều chuyện hơn chúng ta tưởng lắm. Dù sao đi chăng nữa thì những ngày tôi ở đây không phải là vô ích. Tôi đã biết khá nhiều chuyện để mà nghiền ngẫm trong tám ngày tới. Tôi thấy chán ngấy khi nghĩ đến cái gia đình tư sản với ông bố tàn ác này…

Hélène quay lại sau 10 phút:

-Xong rồi. Có một phóng sự nói về Colombia, cô muốn xem không?

Tôi giơ ngón trỏ. Sao lại không chứ? Nó sẽ thay đổi những ý nghĩ của tôi. Nào là địa ngục xanh, rồi là sự thống nhất loại bỏ ma túy, hay đỉnh núi Andes, vân vân… nhưng tôi vẫn thích một “phóng sự” đầy đủ về người bố đẻ của Virginie hơn.

-Xin chào! Ôi, trông cô tuyệt vời quá! Chào Hélène! Mọi chuyện ổn chứ? Cô không phải làm quá nhiều việc chứ?

Yvette! Yvette của tôi! Nào, tôi phải ôm hôn cô ấy thôi!

-Không, không có chuyện gì cả. Thế còn bà, mắt cá chân bà sao rồi? – Hélène hỏi lại.

-Ổn rồi, dù sao thì cũng thật là vớ vẩn…

-Thế còn ông Guillaume?

-Ông ấy đang ở trong xe, cô có thấy đàn ông họ thế nào không, lúc nào cũng vội vội vàng vàng…

-À… thôi đừng để ông ấy phải chờ, tôi chuẩn bị xong đồ dùng của Elise rồi.

-Cô trông có vẻ mệt mỏi đấy Hélène ạ. Cô có chắc là cô không phải làm quá nhiều việc không?

-Không, không… chỉ là lúc này tôi ngủ hơi kém thôi… Để tôi đưa mọi người ra nào.

Tôi được đẩy ra ngoài, tôi vui mừng được về nhà, nhưng hơi tiếc một chút khi không còn ở trong cái gia đình này nữa, nhất là khi tôi thấy Hélène sắp sửa tiết lộ với tôi những bí mật hồi hộp.

Tôi được đưa vào trong xe break, còn xe đẩy thì được đặt ở phía sau.

-Chào Elise!

Giọng nói vui vẻ của ông Guillaume. Ông nắm lấy tay phải của tôi để bắt tay.

-Lúc nào cô cũng xinh đẹp như vậy!

Rồi những tiếng cười, những lời nói cử chỉ tử tế, tạm biệt, hẹn gặp lại, rồi thì cảm ơn nhiều, sẽ gọi điện cho nhau, vân vân… Chúng tôi lên đường về nhà. Cô Yvette lập tức bắt lấy cơ hội để kể cho tôi những ngày cô ở nhà chị em họ của cô ấy. Tóm lại chẳng có gì phải nói cả.

___ ___

Thời tiết lạnh giá, phải bật lò sưởi lên. Cô Yvette đang tháo bộ tản nhiệt ra, kiểm tra nồi hơi, vừa nguyền rủa ông Trời và thời tiết khắc nghiệt. Cô thay cho tôi chiếc sơ mi vải ướt mồ hôi bằng áo pull. Tôi đang lờ mờ nghe bản tin thời tiết thì đột nhiên phát thanh viên nói: “Ngày mai 13 tháng Mười ,mặt trời mọc vào lúc…”. 13 tháng Mười! Đã một năm rồi. Ngày mai của một năm trước, tôi đã đẩy cánh cửa kính ở Belfast. Ngày mai của một năm trước, Benoît của tôi… Đã một năm trời tôi bị biến thành một người chết vẫn còn sống… Liệu có thể như vậy không? Liệu thời gian có thể trôi nhanh quá như vậy không? Tôi có cảm giác như mình chỉ vừa mới thoát ra khỏi cơn hôn mê. Không, đã có nhiều việc xảy ra từ hồi đó đến giờ: những đứa trẻ bị chết, những cuộc gặp mặt với mọi người, mùa hè trôi qua rất nhanh… Não bộ của tôi không ngừng kêu ro ro như một cái tua bin vậy. Bây giờ, tôi muốn cử động được. Nếu tôi có thể động đậy cái ngón trỏ đáng ghét này thì chắc chắn tôi sẽ có thể làm được nhiều việc hơn. Một năm, thế là đủ rồi! Bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ không suy nghĩ nữa, tôi sẽ hành động!

Nên tin rằng mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Cô Catherine đang hết sức ngạc nhiên:

-Bà biết không này, bà Yvette? Tôi có cảm tưởng là thỉnh thoảng cơ bắp của cô ấy lại căng cứng… không, tôi thề với bà đấy, cứ như là cô ấy đang gồng lên vậy. Bà lại đây mà xem.

Giá mà cô biết được cháu đang căng những cái cơ ấy lên, giá mà cô biết được cháu đã huy động hết năng lượng để mà căng hết những cái cơ hỏng hóc này, cháu đã cố đến đứt cả hơi ra đây này.

-Đấy bà sờ đi, đây này. Tôi cần phải báo cho ông Raybaud. Tôi thì tôi thấy nó tốt hơn nhiều rồi.

Cố gắng đó làm tôi mệt nhừ. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa. Cô Catherine cao to chẳng nghĩ đến việc lau mồ hôi cho tôi. Cô kêu toáng lên:

-Người ta đã tìm thấy máu trong cốp xe của Stéphane.

-Vậy sao?

-Vâng. Sáng nay họ thông báo thế ở trên radio mà. Máu nhóm AB, trùng với nhóm máu của thằng bé Massenet.

-Thế thì chắc là anh ta đã giết thằng cu Michaël trong căn lều đó rồi mang xác nó ra sông? – cô Yvette hỏi như là đang bị kích động cao độ.

-Tôi không biết gì hơn, họ chỉ nói thế thôi. Họ vẫn đang tìm kiếm. Lại còn cả những vết máu nhóm O nữa, trùng với nhóm máu của Mathieu Golbert. Hình như Stéphane cũng thuộc nhóm máu O, nên tôi thấy vụ này phức tạp lắm đấy…

Nghĩ mà xem nhé. Giả sử, tôi chỉ nói là giả sử thôi nhé, giả sử Stéphane vô tội thì có nghĩa là hung thủ đã dùng xe của anh ta. Điều đó có nghĩa là anh ta biết rõ hắn đến mức có thể cho hắn mượn xe, nhưng với lý do gì? Tôi lại quay trở lại chuyện người tình của Sophie. Anh ta là Paul hay là Manu? Hay là tất cả bọn đàn ông trong cái thị trấn này? Sao lại không chứ?

-Nào, cố nữa lên nào, Elise, căng ra, căng ra nào…

Vậy đấy, tôi lại mải đắm trong suy nghĩ nên quên mất huy động hết sức lực của mình. “Căng ra, căng ra…”, cô ấy thật khỏe. Tôi có cảm giác mình như một cái thanh treo ri đô vậy.

Màn “tra tấn” cuối cùng cũng kết thúc. Tôi lại có thể hít thở chầm chậm. Một chút yên tĩnh. Cô Yvette đã cho cái nồi hơi hoạt động, tôi nghe thấy tiếng nước chảy ồng ộc trong ống. Nếu giả thiết của tôi là người tình của Sophie đúng là hung thủ thì tại sao không phải là Manu? Nhưng nếu đó là Manu thì tại sao Virginie lại phải giữ im lặng? Nếu là Paul thì tôi còn hiểu tại sao, vì con bé vẫn nghĩ Paul là bố đẻ của nó, chứ nếu là Manu thì tôi không hiểu? Tôi thấy mình đang đặt giả thiết về những quan hệ vớ vẩn giữa Manu và Virginie. Lập luận không được chắc chắn lắm. Người ta có thể tưởng tượng ra bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, cần phải công nhận là trong thị trấn này đang có một kẻ nào đó đội lốt một người bình thường nhưng thực ra lại là kẻ có khả năng giết và làm biến dạng bọn trẻ con. Đó chính là điều điên rồ hơn cả những điều tôi có thể tưởng tượng ra. Như Benoît đã từng nói: “Tất cả đều tồn tại, tất cả đều có thể xảy ra, chỉ cần đọc báo mà thôi”.

Tôi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết trinh thám và tôi tự cho mình là một thám tử không chuyên. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất mà tôi đã có thể đọc trước khi “tham gia cuộc thi Hoa hậu thực vật” kể về cuộc điều tra của FBI về một tên giết người thuộc bệnh lý: nếu tất cả bọn giết đều hành động bởi những xung năng không thể cưỡng lại được thì có kẻ biết chính xác những việc chúng làm và thấy hứng thú khi lừa phỉnh được cảnh sát và những người khác, trong khi kẻ khác lại quên ngay được tội ác của chúng và có thể thề thốt ngay được là chúng vô tội. Đó là một phần khác trong con người chúng, một phần không biết được trong ý thức của chúng đã phạm tội. Tuy nhiên, tôi phỏng đoán là Stéphane đã bi giết bởi chính hung thủ, trong một kế hoạch chính xác của hắn. Do đó tôi cần phải xem xét liệu hung thủ có hoàn toàn biết rằng hắn là một trong số hai loại tội phạm thuộc bệnh lý kia không. Như vậy thì hắn không chỉ là một kẻ bệnh hoạn, mà còn là một kẻ đồi bại muốn thấy chúng tôi gặp rắc rối, một kẻ đồi bại muốn thưởng thức nỗi sợ hãi của tôi. Và tại sao đó không phải là một kẻ xấu muốn khống chế Virginie?

Tôi thấy xấu hổ với những suy nghĩ của mình.

Nhưng…

Có tiếng chuông cửa.

-Xin chào ông thanh tra. Chúng tôi ở đây. Chúng tôi vừa mới về.

Tôi cảm thấy giọng cô Yvette có gì đó phản đối. Rõ ràng cô không hề có thiện cảm với ông Yssart đáng thương này. Về phần tôi, tôi vui vì ông ấy đến thăm.

-Xin chào cô.

Tôi giơ ngón tay.

-Tôi ở trong bếp nhé. – cô Yvette vừa đi ra khỏi phòng vừa nói.

-Xin lỗi cô vì lại đến gặp cô một lần nữa mà không báo trước, nhưng vì hoàn cảnh…

Nói ngắn gọn đi nào.

-Chắc hẳn cô có theo dõi tiến triển của vụ việc?

Ngón trỏ.

-Cô cũng biết là chúng tôi đã tìm thấy máu trong xe của Stéphane Migoin?

Ngón trỏ.

-Sau khi phân tích, có vẻ như là những vết máu cũ nhất là của Michaël Massenet và những vết mới nhất là của Mathieu Golbert. Ngoài ra, nhân viên bãi xe của trung tâm thương mại đã khẳng định với chúng tôi là anh ta đã nhìn thấy một chiếc xe to kiểu break màu trắng rời bãi đỗ xe trùng với thời gian Mathieu Golbert bị giết. Anh ta không nghi ngờ ai đó hay Migoin là hung thủ. Giả thiết khác duy nhất có thể là có ai đó đã đi xe của anh ta hay chính xác hơn là xe của công trường mà anh ta không biết. Hoặc là có một người nào đó quen thân với anh ta sử dụng chiếc xe đó. Chỉ huy công trường đã có bằng chứng ngoại phạm, số công nhân cũng thế. Vậy tôi sẽ hỏi cô một câu hỏi thôi: Sophie Migoin có người tình đúng không?

Ngón trỏ.

-Cô có biết anh ta không?

Tôi giơ ngón trỏ nhưng lại cong một nửa lại.

-Tốt. Tôi sẽ liệt kê ra những cái tên. Cô hãy giơ ngón tay lên khi cô nhận ra ai mà cô cho là đúng. Jérôme Leclerc. Jean-Michel Mondini. Luc Bourdaud. Christian Marane. Manuel Quinson.

Ngón trỏ.

-Nào, nào. Rõ ràng là cô luôn được thông tin rất đầy đủ. Tôi không hề phí thời gian khi đến thăm cô. Cô chính là cô Marple của chủ nhà[1] trong khu này đấy! Vấn đề là Manuel Quinson vắng mặt trong vụ giết thằng bé Golbert. Lúc đó anh ta đang trong thời kỳ thực tập ở Paris. Suốt cả ngày anh ta ở trong văn phòng của công ty cùng với hai mươi lăm cán bộ cấp cao khác. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để kiểm tra chung cư ngoại phạm của những người xung quanh gia đình Fansten, quanh Virginie và cả cô nữa. Vì tôi không nghĩ là hung thủ chỉ có thể nằm trong một phạm vi hạn chế thôi. Những người duy nhất thực sự có khả năng phạm tội là Jean-Michel Mondini, Paul Fansten và Jean Guillaume. Đấy là ba người theo tôi có liên quan, nếu tôi có thể dám chắc như vậy. Tất nhiên là không loại trừ người đã chết là Stéphane Migoin. Tôi hiểu, cô có vẻ bối rối. Thật khó chịu khi phải xét xem một trong số những người thân thiết của cô có thể là tên bệnh tâm thần nguy hiểm hay không. Thực ra thì cuộc điều tra sắp kết thúc. Chúng tôi sắp buộc phải kết tội Migoin vì tất cả đều để lọt một tên tội phạm kinh khủng nhởn nhơ ngoài kia. Tôi có ý muốn là, – ông ta tiếp tục với giọng ung dung, – có nên đi trú đông ở một nơi khác, ở nhà chú cô chẳng hạn. – Tất nhiên là do cô tự quyết định. Đấy, cuộc nói chuyện của chúng ta làm tôi rất hài lòng. Tôi không làm phiền cô nữa.

[1] Một nhân vật thường xuyên xuất hiện trong truyện trinh thám của Agatha Christie (Anh).

Có một quan niệm kỳ cục trong các cuộc nói chuyện, nhưng thôi, không cần phải để ý đến.

-Tạm biệt cô, hẹn gặp lại. Xin chào bà! – ông nói vọng vào bếp nhưng không được trả lời.

Cửa ra vào đóng lại. Tôi vẫn đang ngồi đây, lật đi lật lại ba cái tên ở trong đầu. Jean-Mi, Paul, Jean Guillaume. Một người trong số họ. Đang tự do. Paul! Tất cả đều buộc tội phạm

Giá mà tôi không bị tù hãm trong cái xe đẩy này, giá mà tôi vẫn còn là tôi thì tôi sẽ lục lọi quá khứ của họ vì tôi tin chắc là từ đó sẽ tìm ra đáp án. Người ta không thể bỗng dưng trở thành một kẻ giết người điên loạn được. Jean-Michel Mondini, thật là kỳ cục… Nhưng sau rốt, chính vợ anh ta đã kể với tôi là Sophie có quan hệ với Manuel. Thế nếu cô ấy nói dối thì sao? Nếu Sophie đã ngủ với Jean-Mi thì sao?

-Cô đang nghĩ đến những bài tập vận động đấy à? – cô Yvette hỏi, kéo tôi ra khỏi suy nghĩ.

Cô Catherine để lại cho tôi hàng loạt bài tập cần luyện tập, ba lần mỗi ngày trong nữa giờ. Phải tập trung vào cơ thể của mình, từng phần từng phần một và cố gắng cảm nhận nó, thấy rõ sự tập trung ở ngón chân, bắp chân, đùi… và ở mỗi bài tập, phải cảm nhận được máu, cơ bắp, da và truyền xung lượng: “Cử động”. Nào, tập luyện thôi!

Bình luận