Xưa tại đô thành Oechalie trên đảo Eubée có một nhà vua nổi tiếng vì tài bắn cung trăm phát trăm trúng. Khắp đất nước Hy Lạp từ miền núi hẻo lánh cho đến miền biển đông vui cứ nhắc đến cái tên Eurytos là mọi người đều biết. Chẳng những thế người ta còn kể cho chúng ta nghe nào cuộc đi săn ấy nhà vua nói sẽ bắn được bao nhiêu con mồi thì khi kết thúc, y như rằng, đếm đủ từng ấy, nào trong một cuộc tỉ thí, vui chơi với bạn bè, nhà vua đã đoạt được bao nhiêu vò rượu vì đã hơn tất cả các tay thiện xạ, bắn ba lần trúng cả ba con chim đang bay… Chính Eurytos là người đã được Amphitryon bố dượng của Héraclès mời về dạy cho cậu con trai của thần Zeus vĩ đại này tài nghệ bắn cung. Một tài năng như thế chỉ có thể do thần thánh ban cho, còn người trần chắc chắn rằng không thể nào luyện tập đến mức siêu việt như vậy. Chính vị thần Apollon, Người Xạ thủ danh tiếng trong thế giới thần thánh, đã truyền dạy cho Eurytos tài bắn trăm phát trăm trúng ấy. Eurytos có nhiều con, nhưng được nhà vua yêu quý nhất là chàng trai Iphitos nổi danh vì đức tính trung thực, ngay thẳng, và cô gái Iole nổi danh vì đẹp đẽ, nết na. Nhưng Iphitos nổi danh thì chẳng cô gái nào đến để xin cầu hôn. Còn Iole nổi danh vì tài sắc, đức hạnh thì lại là nơi hội tụ của biết bao chàng trai rấp ranh… làm rể. Nhà vua chỉ còn cách kén rể bằng một cuộc thi bắn. Kẻ nào chiến thắng được nhà vua trong cuộc tỉ thí thì được là kẻ bị… trúng mũi tên vô hình của vị thần Tình yêu-Éros.
Héraclès tới đô thành Oechalie sau khi hết hạn làm đầy tớ cho Eurysthée. Nhiều trang anh hùng tham dự cuộc thi đấu song đều bị loại. Đến lần Héraclès, chàng thắng vị vua thiện xạ một cách oanh liệt. Song Eurytos không gả Iole cho Héraclès. Nhà vua nói rằng một kẻ đã phải mang thân đi làm nô lệ cho Eurysthée trong mười hai năm thì không thể xứng đáng là người chồng của Iole. Như vậy Eurytos chẳng những đã nuốt lời hứa, một hành động đối với người Hy Lạp xưa là đáng tội chết, mà lại còn xúc phạm đến danh dự của Héraclès. Đang trong bữa tiệc, Eurytos cùng với các con đứng lên phỉ báng Héraclès, ra lệnh đuổi chàng ra khỏi cung điện và tệ hại hơn nữa, bắt chàng phải rời ngay khỏi đô thành Oechalie. Héraclès dằn lòng ra đi vì chàng không thể trả thù được trong lúc này, hơn nữa chàng đã đem lòng yêu mến nàng Iole xinh đẹp. Chàng trở về Tirynthe với nỗi nhớ nhung, buồn bã cùng với nỗi oán hận, uất ức.
Bẵng đi một thời gian, chẳng rõ bao lâu, một hôm Iphitos đến đô thành Tirynthe. Héraclès tiếp đãi chàng nồng hậu như truyền thống quý người trọng khách của con dân đất Hy Lạp. Iphitos thuật chuyện cho Héraclès biết sứ mạng của mình trong cuộc hành trình này. Chuyện như sau: Vua cha Eurytos vừa bị mất một vụ trộm rất to, cả đàn gia súc bị mất mà không rõ ai lấy. Một mất mười ngờ, Eurytos nghi Héraclès là thủ phạm vì Héraclès trả thù nhà vua đã không gả Iole. Nhưng Iphitos quyết không tin lời cha. Chàng tin rằng một người anh hùng vĩ đại và cao thượng như Héraclès không bao giờ trả thù bằng cách ấy. Chàng quyết tâm đi tìm đàn bò, phanh phui ra sự thật để thanh minh cho người anh hùng con của thần Zeus, và Tirynthe là một chặng đường trong cuộc hành trình của chàng.
Thật ra thủ phạm vụ trộm này là Autolycos con trai của thần Hermès và nàng Chioné. Cha cai quản nghề trộm cắp thì con cũng là một người thừa kế xứng đáng nghiệp cha. Autolycos lại có biệt tài biến hóa mình thành con vật này, con vật khác, cho nên y đã múa tay hành nghề thì người trần phàm tục của chúng ta chỉ có chịu mất chứ đừng hòng gì tìm lại được.
Nghe Iphitos thuật chuyện, Héraclès càng thêm cảm phục người con trai trung thực và ngay thẳng này. Hai người chuyện trò với nhau xem ra rất tâm đầu ý hợp. Một hôm, Héraclès cùng Iphitos lên bờ thành cao dạo chơi. Đây là một lũy thành xây trên một ngọn núi cao rất hiểm trở để ngăn chặn giặc. Đang đi chơi bình thường bỗng Héraclès nổi cơn điên. Đầu óc chàng quay cuồng, những chuyện uất ức cũ bỗng đâu hiện ra rõ mồn một trong trái tim: chuyện bị khước từ hôn nhân với Iole, chuyện bị sỉ nhục, bị đuổi khỏi bữa tiệc, v.v. Thế là Héraclès túm lấy Iphitos nâng bổng lên rồi ném từ mặt thành cao xuống đất. Iphitos chết thê thảm. Thật ra thì Héraclès không có tội mà Héra mới là người có tội. Nữ thần vẫn căm ghét đứa con riêng của chồng mình và nàng đã làm cho nó hóa điên.
Tuy nhiên, Héraclès vẫn là kẻ phạm tội giết người. Và đã phạm tội là phải chịu một hình phạt. Riêng đối với thần Zeus, thần cũng chưa đến nỗi mất hết cả ý thức về danh dự và sự liêm sỉ để bênh vực trắng trợn cho hành động sát nhân của con mình. Thần không thể dung thứ một hành động nhơ nhuốc như vậy. Thần không bao che cho đứa con mình, đứa con đã giết một vị khách đến thăm với tất cả lòng kính trọng, hơn nữa, vị khách ấy lại đang vì danh dự của chủ nhân mà dấn thân vào một hành trình đầy gian lao nguy hiểm. Zeus quyết định trừng phạt: giáng một căn bệnh khủng khiếp xuống Héraclès. Và thế là từ đó trở đi, Héraclès bị bệnh tật giày vò dai dẳng làm cho gầy yếu xanh xao, kiệt sức hẳn đi. Chữa chạy mãi không khỏi. Héraclès cố gắng chống gậy lần đi từng bước đến đền thờ Delphes để cầu xin thần Apollon một lời chỉ dẫn. Nhưng cô đồng Pythie ở đền Delphes không truyền đạt lời cầu khẩn của chàng lên vị thần Ánh sáng và Chân lý, hơn nữa lại còn đuổi chàng ra khỏi đền thờ vì cho rằng một kẻ giết người như chàng đặt chân vào đền thờ là làm ô uế chốn thiêng liêng. Tức giận, Héraclès ra về, nhưng chàng phải trả thù cái thói khinh người. Chàng lấy luôn cái ghế ba chân và mang đi. Thần Apollon bất bình, bèn hiện ra bắt Héraclès phải trả lại. Héraclès cãi, không chịu trả. Đã tức giận lại càng thêm tức giận, Apollon xông vào đánh Héraclès. Cuộc xung đột nổ ra ác liệt. Nhưng Héraclès chỉ là một người trần đoản mệnh, dù sức khỏe có hơn người cũng không thể nào đánh thắng được một vị thần bất tử. Vả lại, chàng vẫn còn là người đang đau yếu đâu còn sức lực mà đương đầu với một vị thần thiện xạ. Thần Zeus không muốn để cho đứa con yêu quý của mình chết nên đã ra tay can thiệp. Từ đỉnh Olympe cao ngất, thần vẫy tay đồn gọi mây mù và giáng xuống một đòn. Luồng sét của thần Zeus giáng xuống, đánh vào khoảng đất trống giữa hai địch thủ, biểu lộ sự không hài lòng của thần như can ngăn hai người, đòi hai người phải chấm dứt xung đột. Hai người con của Zeus bèn hòa giải với nhau. Lúc này một cô đồng Pythie mới lên tiếng phán truyền cho Héraclès biết quyết định của thần linh: Héraclès phải bán mình làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale trong ba năm. Tiền bán được đem bồi thường cho nhà vua Eurytos coi như để chuộc lại lỗi lầm đã giết Iphitos. Thế là Héraclès sau mười hai năm làm nô lệ cho nhà vua Eurysthée vừa mới được tự do, bây giờ lại phải làm nô lệ ba năm nữa, và lần này làm nô lệ cho một người đàn bà: một nữ hoàng! Còn Eurytos, nhà vua bội ước và kiêu căng, quyết không nhận số tiền bồi thường. Ông ta quyết nuôi giữ mối thù với Héraclès.
Omphale là một nữ hoàng góa bụa ở đất Libye. Cuộc sống cô đơn đã là một điều đáng buồn đối với nàng nhưng điều đau buồn hơn là đất nước luôn luôn bị giặc cướp quấy nhiễu, phá phách. Việc giao lưu trao đổi ngừng trệ vì các đường đi lối lại chẳng chỗ nào yên lành. Omphale mong mỏi ngày đêm có người đến giúp đỡ.
Mua được người anh hùng Héraclès làm nô lệ, nữ hoàng Omphale có một báu vật trong tay. Song nàng chẳng biết tài năng của chàng và chẳng biết sử dụng chàng. Vua Eurysthée thì hành hạ chàng bằng những việc cực kỳ khó khăn, oái oăm, còn nữ hoàng Omphale thì hành hạ chàng bằng những công việc cực kỳ tầm thường, cực kỳ “phụ nữ”. Nàng bắt chàng phải ăn mặc như người nữ tỳ, phải hàng ngày ngồi quay xa, dệt vải, xe sợi, guồng len… hoặc khá hơn nữa thì bắt chàng đi đội nước, giặt giũ và nấu ăn. Còn Omphale thì mặc y phục của chàng, khoác tấm da sư tử lên người, bỏ vương miện trên đầu thay bằng mũ đầu sư tử, đeo cung giắt gươm, và hăng hái hơn nữa là bắt chước Héraclès nâng cây chùy lên cho trọn bộ. Nhưng cây chùy của Héraclès đâu phải là lông cánh chim hồng!
Tuy nhiên Héraclès cũng làm được vài việc hữu ích hơn những việc kể trên. Trước hết ta phải kể đến việc chàng trừng trị bọn cướp Cercopes. Đây là một loại người lùn, đúng hơn phải gọi chúng là một giống quỷ lùn chuyên sống bằng nghề cướp đường. Bọn này cướp giật rất nhanh và biến đi cũng rất nhanh. Do người chúng lùn, bé cho nên rất dễ ẩn nấp, chui luồn, vì thế bắt chúng không phải dễ. Hôm đó Héraclès đi chơi. Đi một hồi lâu chàng thấy mệt bèn tìm một cây có bóng mát nằm nghỉ. Nơi đó cách đô thành Éphèse không xa. Nằm lâu, chàng ngủ thiếp đi. Lợi dụng lúc đó, lũ cướp bèn tính chuyện làm ăn. Chúng bảo nhau lấy toàn bộ vũ khí của chàng vì ngoài vũ khí ra chàng chẳng có vàng bạc, châu báu gì. May thay giữa chừng chàng tỉnh giấc. Chàng kịp thời tóm bắt được cả lũ. Chàng bèn trói hai tay hai chân chúng rồi lấy một cái đòn xuyên qua giữa hai chân gánh về. Lũ quỷ lùn Cercopes đầu dốc xuống đất, chân chổng lên trời, kêu khóc van xin chàng tha tội. Héraclès nghe thương tình lũ người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm ấy, liền sỉ mắng chúng một hồi rồi cởi trói tha cho chúng.
Sau đó Héraclès đem quân đi trừng trị những người Libye ở xứ Iton. Những người này đã từng kéo quân sang đánh phá vương quốc Libye của nữ hoàng Omphale và bắt triều cống hàng năm. Héraclès đánh cho chúng đại bại, phải hàng phục. Chàng ra lệnh xóa bỏ lệ triều cống và san bằng toàn bộ đô thành của chúng. Chàng lại còn giết một con mãng xà ác hại giống như con Hydre ở hồ Lerne năm xưa, tuy không kinh khủng ghê gớm bằng. Nữ hoàng Omphale hết sức cảm phục người anh hùng Héraclès đã giúp cho những công việc ích nước lợi dân như vậy. Còn việc Héraclès trừng trị tên Silée ta cũng phải nhắc đến. Silée là một gã nông dân trồng nho. Hắn có một cánh đồng nho khá rộng. Khách bộ hành nào đi qua khu vườn nho của hắn, vì vườn của hắn chạy dài theo hai bên đường, là hắn xông ra chặn đường, bắt về làm nô lệ. Những người này hàng ngày phải làm việc cật lực trên cánh đồng nho của hắn. Khi kiệt sức không còn làm việc được nữa, hắn giết đi cho đỡ phải nuôi. Héraclès đi qua vùng này. Tất nhiên là một tên Silée, chứ mười tên Silée cũng không bắt nổi chàng.
Cũng trong thời gian làm nô lệ cho Omphale, Héraclès còn tham gia vào cuộc săn con lợn rừng Calydon, một cuộc săn thu hút khá nhiều anh hùng, dũng sĩ. Chàng còn tham gia vào cuộc viễn chinh sang phương Đông của những người Argonautes do Jason khởi xướng.
Có chuyện kể: Omphale muốn làm nhục người anh hùng nên mới bày ra cái trò bắt chàng phải ăn mặc y phục của phụ nữ và làm những công việc lặt vặt không tên trong nhà. Nhưng có người lại kể do chiến công của Héraclès đã giúp ích cho nữ hoàng Omphale nên nữ hoàng đem lòng cảm phục và đã giải phóng cho chàng và bắt chàng phải… làm chồng. Vì quá yêu Héraclès nên nữ hoàng thỉnh thoảng bắt chàng phải trải qua những thử thách như vậy cho… vui! Và cũng là để thử xem người anh hùng của mười hai kỳ công có đáng mặt anh hùng không trước những “thử thách” của nàng.