Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thức Tỉnh Mục Đích Sống

Chú Thích

Tác giả: Eckhart Tolle

[1] Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh: Giám Đốc và là người sáng lập Trung Tâm Khám Phá Chính Mình (Virginia, Hoa Kỳ). Website: www.center4selfdiscovery.org/ttkpcm.html. Email: [email protected]

[2] Nhà huyền học (mystic): Những người thực tập tâm linh chuyên chú trọng đến một khía cạnh chuyên biệt như: kinh nghiệm trực tiếp về Thực Tại Tối Hậu, hoặc hợp nhất với Thượng Đế. Thực Tại Tối Hậu là thứ thực tại mà ta thường không thể tiếp xúc bằng suy tư, lý luận hay qua các giác quan thông thường. Phương pháp thực tập của nhà huyền học là một phương pháp tự thể nghiệm thực tại một cách sinh động bằng trực giác để đạt đến sự cảm thông với sự vật, hoặc một đối tượng của công trình quán chiếu tâm linh mà không qua quá trình lý luận hay phân tích của trí năng.

[3] Học cách sống như một bông hoa: Đó là sống an nhiên, không đắn đo, suy tính. Là hiến dâng mùi thơm, vẻ dẹp, sự mong manh và trong trắng của một bông hoa, đồng thời bạn cũng hiến tặng những thiên khiếu sẵn có mà bạn có thể chưa nhận ra ở mình. Chúa Jesus cũng thường nói với học trò của ngài: “Các con hãy nhìn những bông hoa huệ ở ngoài cánh đồng kia. Chúng chẳng loay hoay, mà cũng chẳng nhọc nhằn”.

[4] Bài pháp vô ngôn: Tức là bài thuyết pháp trong im lặng của Đức Phật trên hội Linh Sơn khi Ngài im lặng đưa một bông hoa lên nhìn và mỉm cười đưa mắt nhìn khắp thính chúng mà không thuyết giảng gì cả. Chỉ khi ánh mắt của Đức Phật nhìn đến ngài Ca Diếp thì ngài Ca Diếp liền mỉm cười hiểu ý của Đức Phật, vì ý của Đức Phật hôm đó là chỉ muốn nhắc học trò của mình về cái “tánh thấy” luôn hiện hữu ở trong mình qua nhãn thức. Do đó Đức Phật liền công bố trước dại chúng: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm nay trao truyền cho Ma Ha Ca Diếp”! Đa số chúng ta không nhận ra tự “tánh thấy”, một trong những biểu hiện của Phật Tánh, nên tâm ta thường bị cuốn theo trần cảnh, chạy theo những dường nét, hình dáng, khuôn mặt… mà chúng ta nhìn thấy trong đời sống. Đây là trạng thái “quên mình, chạy theo vật”, đánh mất “tánh thấy” chân thật ở trong mình.

[5] Hình tướng: Một thuật ngữ trong Thiền có thể tương đương với danh từ hình thức hoặc hình thái, tức là sự biểu hiện một cái gì đó thành một cái gì mà ta có thể hình dung, nhìn thấy, hoặc khái niệm được. Một đóa hoa, một ý nghĩ, một con người… là những hình tướng mà ta có thể nhìn thấy, hoặc khái niệm được.

[6] Hoa vẫn là một biểu tượng, qua hình tướng, những gì thiêng liêng, cao quý nhất: Có lẽ Quách Thoại (1930-1957) đã cảm nhận được điều này khi viết bài thơ: Thược Dược Đứng im bên hàng dậu Em mỉm nụ nhiệm mầu Lặng nhìn em kinh ngạc Vừa thoáng nghe em hát Lời ca em thiên thâu Ta sụp lạy cúi đầu.

[7] Cái không có hình tướng: Hình tướng là những gì biểu hiện ra thành một vật (một cánh hoa, một ý nghĩ, cảm xúc, con người…) mà ta có thể tạo thành một khái niệm ở trong ta. Cái không có hình tướng tức là Vô Tướng, tức là bản chất sâu lắng, không hình tướng của ta; cội nguồn của tất cả mọi vật.

[8] Nhất Thể: Tính đồng nhất, không thể chia cắt của mọi vật.

[9] Tâm: Theo Phật giáo, Tâm là gốc của mọi vật.

[10] Tự đồng nhất mình với hình hài vật chất và những trạng thái tâm lý khổ đau của mình: Vì không biết bản chất không hình tướng, vô sinh, bất diệt ở trong ta, do đó chúng ta có thói quen rất sai lầm khi ta cho rằng “Tôi chính là cơ thể này”, hay cho rằng mình là những ý nghĩ tiêu cực, những biểu hiện tình cảm nhất thời như sợ hãi, khổ đau, giận dữ, buồn bã… thường phát sinh ở trong mình. Câu “Nhận giặc làm con” của Hòa thượng Thích Thanh Từ thường dạy cũng là có ý như vậy. Chúng ta tưởng lầm những suy nghĩ lăng xăng ở trong đầu là mình và bị chúng lôi kéo phải làm theo, tạo nên những hậu quả tiêu cực, những nghiệp báo xấu.

[11] Thoát ra khỏi tình trạng tự đồng nhất mình với hình tướng: Hình tướng có thể là những thứ bên ngoài như tài sản, địa vị trong xã hội, tiếng tăm, thân thể của mình, … Vì không tự biết bản chất vô hình tướng, không sinh, không diệt ở trong mình, chúng ta thường có thói quen vô thức tự đồng hóa mình với những hình tướng không bền vững đó.

[12] Bản ngã: Tức là ấn tượng sai lầm của bạn về tính xác thực của một cá thể, một con người biệt lập ở trong bạn; “con người” không hề có thực này luôn cảm thấy sợ hãi, xa lạ, tách biệt với mọi người và với thế giới chung quanh. Bản ngã chỉ biết lo toan cho riêng mình. Bản ngã chỉ xuất hiện khi đầu óc bạn bận rộn chạy theo những suy tư, lo lắng xảy ra liên miên ở trong lòng mình. Nhưng khi bạn im lắng lại và tâm không vướng chút suy tư nào thì bản ngã ấy cũng không còn hiện hữu ở trong bạn nữa.

[13] Ramana Maharshi (1879-1950): Một trong những phương pháp mà Ramana thường thực tập và dạy học trò của ngài là phương pháp tự vấn, tức là tự đặt câu hỏi cho mình mỗi khi ta có sự vướng mắc hay khó khăn với một vấn dề gì. Ví dụ bạn rơi vào một trạng thái mê đắm (hay giận dữ, khổ đau) về một điều gì, thì bạn thường có ấn tượng rằng có bản ngã, có “một con người” ở trong bạn đang cảm thấy mê đắm “cái này” và bạn cảm thấy bị cuốn hút, muốn đồng hóa mình với cảm xúc mê đắm đó và bạn thường không thể cưỡng lại được, phải làm theo những gì cảm xúc đó sai khiến. Những lúc như thế, bạn thử tập để cho tâm mình yên lắng lại và tự quan sát cảm xúc đó và đặt một câu hỏi cho mình: “Ai đang cảm thấy mê đắm?”. Rồi bạn tiếp tục lần theo ấn tượng về Cái Tôi này để đi vào sâu bên trong tâm thức của mình, đi mãi vào trong cho đến khi nào bạn không còn chỗ để đi nữa thì bạn sẽ thấy rằng “Ồ, không có ai ở trong này cả!”. Cái Tôi ấy, con người mà bạn tưởng là có thực đó chỉ là một ấn tượng, không hề có thật! Lúc đó bạn sẽ tỉnh thức Vô Ngã là gì.

[14] “Trầm luân là khi bạn cả tin vào một ý nghĩ”: Câu nói của ngài Ramana quả là một tiếng sấm lớn thức tỉnh bạn ra khỏi thế giới của suy tư và mê mờ. Một ý nghĩ tự nó không phải là một vấn dề, vì ý nghĩ chỉ là một biểu hiện, một cái gì xảy ra ở trong tâm thức của con người, như một đợt sóng vừa gợn lên trên bề mặt của dại dương; khổ đau và trầm luân là khi bạn cả tin vào ý nghĩ ấy, nhất là một ý nghĩ: “Tôi chỉ là một cá thể, một con người biệt lập với mọi người và với mọi thứ chung quanh tôi”. Đó là lý do Thiền dạy ta hãy có ý thức những gì đang xảy ra ở trong đầu mình, để không cả tin vào những ý nghĩ tiêu cực, những cảm xúc lo sợ miên man, không có chủ đích thường nảy sinh ở trong đầu mình.

[15] Sự tha hóa, vô minh cố hữu: Mỗi người trong chúng ta bẩm sinh thường cảm thấy xa lạ, cách biệt với Thượng Đế, với cội nguồn. Đó là sự tha hóa cố hữu ở trong ta. Nhưng đó chỉ là cảm giác mê mờ của bản ngã, là sai lầm đầu tiên, và từ sai lầm nguyên thủy đó, nó là nghiệp căn chính đưa chúng ta đi vào những sai lầm và khổ đau khác.

[16] Cách nghĩ của mỗi con người: Bẩm sinh trong mỗi người chúng ta là lối suy tư dựa trên những kinh nghiệm mà bạn đã biết trong quá khứ. Khi nghe một điều gì, bạn không thực sự lắng nghe hay cho phép điều mình đang nghe thấm vào trong mình, mà bạn bận rộn đi tìm câu trả lời, hoặc lo đối chiếu với những điều mà bạn đã biết trong quá khứ. Nếu điều bạn nghe phù hợp và quen thuộc với những gì bạn đã biết thì bạn chấp nhận “Ồ, điều này dúng!”. Ngược lại, nếu đây là một điều gì bạn chưa từng nghe thì bạn sẽ nhanh chóng bác bỏ: “Không” và bạn cho đó là một điều sai, một cái gì mà bạn không thể chấp nhận được. Có thể bạn không nhận ra rằng: “Ồ, điều này mình không biết là thực hay không”, hoặc “Mình chưa từng nghe ai nói như vậy từ trước đến giờ!”. Do đó, bạn ít có cơ hội để học thêm được điều gì mới lạ. Chân lý có đến “gõ cửa” với bạn thì bạn cũng không thể mở cửa lòng mình để chào đón chân lý, vì bạn luôn bị sai khiến bởi thói quen suy tư so sánh, phân biệt sai lầm như trên. Hơn nữa, những điều mà bạn “biết” trong quá khứ lại là những điều hầu như luôn luôn sai lầm vì những hiểu biết đó thường đi qua lăng kính lệch lạc của bản ngã ở trong bạn. Do đó tiêu chuẩn ước định của bạn về một điều gì bạn vừa nghe là dúng hay sai được đo lường với một cái gì mà bạn đã biết trong quá khứ, và thước đo ấy là công cụ vốn đã sai lầm từ căn bản..sup

[17] Cách bạn nhìn đời sống: Trong chiều sâu tâm thức, mỗi người chúng ta có một cảm giác xa lạ, tách biệt với đời sống và với môi trường chung quanh. Đây là cách nhìn sai lệch của bản ngã, là gốc rễ của mọi vấn đề.

[18] Sự chuyển hóa cơ bản trong nhận thức của mình: Là cảm nhận một cách sâu xa rằng “Ồ, thế giới này và tất cả mọi thứ chính là tôi; không thể tách rời nhau”. Dĩ nhiên điều này phải là một thực chứng về tâm linh, chứ không thể là điều mà bạn đạt được bằng suy tư hay lý luận suông.

[19] Sự tha hóa của trí năng: Một trong những biểu hiện của sự tha hóa và khổ đau này là không muốn có mặt với những gì đang xảy ra trong phút giây này. Mặc dù bạn đang trong giờ đi làm ở công ty, nhưng bạn thực không cảm thấy hứng thú gì trong những công việc mà bạn phải làm. Bạn tránh né công việc hoặc chỉ trông đến giờ tan sở. Nhưng thái độ làm việc này làm cho công việc mỗi ngày của bạn trở thành một cái gì bất đắc dĩ, một sự lưu đày. Cho đến khi bạn có thể tìm được một công việc gì khác thú vị hơn, thì đây là công việc mà bạn đang làm, và trong lúc này, công việc này là công việc đang giúp bạn và gia đình bạn có lợi tức để sinh sống. Do đó, bạn muốn vượt qua sự tha hóa này và thực tập để buông bỏ thái độ chống đối ở trong mình vì đó chỉ là biểu hiện của bản ngã: Luôn chống đối những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Khi đang ở công ty, bạn tập chú tâm vào những việc mình đang làm; khi ở nhà, bạn chú tâm vào những việc bạn cần làm ở nhà; được như thế, bạn sẽ tiếp xúc được với niềm vui khi bạn làm những công việc đó.

[20] Những giới hạn của suy tư: Vì bản ngã là một lăng kính lệch lạc về cách chúng ta nhìn đời sống nên suy tư của chúng ta qua bản ngã thường phiến diện và đầy sai lầm. Bạn thử kiểm chứng lại mỗi ngày những ý kiến của mình về những điều mình nghĩ về chuyện này, chuyện nọ, hoặc người này, người nọ, … thì bạn sẽ thấy những tri giác ấy thường méo mó và dầy sai lầm. Và vì hiểu sai vấn đề, bạn thường tự làm khổ mình, làm khổ những người chung quanh.

[21] Củng cố thêm vị thế suy tư của mình: Là xây dựng và bảo vệ cho vị thế suy tư, tức là quan điểm và cách tư duy của bạn, cách bạn nhìn cuộc đời.

[22] Hoặc là bị diệt vong hoặc vượt qua được những giới hạn của điều kiện sống của mình bằng một bước nhảy vọt lớn trong quá trình tiến hóa: Tức nguyên lý “Cùng tắc biến, biến tắc thông” của Dịch học. Nếu nhân loại vẫn không ý thức được tính băng hoại trong cách chúng ta nhìn đời sống, cách chúng ta đối xử với nhau, trong cách chúng ta khai thác và hủy hoại thiên nhiên, … thì chúng ta không thể tránh được viễn cảnh rằng địa cầu có nguy cơ bị hủy diệt.

[23] Thứ lý luận và tư duy mang đầy tính chấp ngã: Tức lối suy tư, cư xử từ chỗ sai lầm khi cả tin rằng “Có bản ngã, có một con người, một cái “Tôi” riêng rẽ, tách biệt, không dính gì đến người khác và thế giới chung quanh”.

[24] Van Gogh (1853-1890): Họa sĩ thiên tài người Hà Lan, dù lúc sinh thời ông không được người ta công nhận. Trước khi ông bị bệnh và mất, chỉ trong vòng 10 năm, Van Gogh cho ra đời gần 2.000 họa phẩm.

[25] Bị ý nghĩ chi phối và chiếm hữu: Ý nghĩ là một cái gì xảy ra tự nhiên ở trong đầu bạn, như bong bóng trên mặt nước, như mây xuất hiện ở trên bầu trời. Ý nghĩ tự nó không phải là vấn đề; khổ đau chỉ xảy ra khi bạn cả tin vào những ý nghĩ này, tự đồng nhất khi cho rằng mình chính là những ý nghĩ đó. Đó là lúc bạn bị chi phối và chiếm hữu bởi ý nghĩ.

[26] Chỗ rộng thoáng, sâu xa ở trong bạn: Tức là từ chỗ nhận ra được bạn chính là Đời Sống, là tất cả những gì đang biểu hiện ở khắp mọi nơi trong vũ trụ và bạn cũng chính là Vô Tướng, Cội nguồn của mọi vật.

[27] Làm một chứng nhân đứng đằng sau, im lặng quan sát tất cả những gì đang xảy ra: Đây là bước thứ nhất trong thực tập của bạn, trong đời sống hàng ngày, luôn tập làm một chứng nhân im lặng quan sát những ý nghĩ tiêu cực gì đang xảy ra ở trong đầu mình, nhất là ý nghĩ: “Tôi chỉ là một cá thể tách biệt với mọi người và với thế giới chung quanh”. Khi bạn vừa nhận ra có ý nghĩ tiêu cực vừa phát sinh ở trong đầu mình thì bạn chỉ thực tập quan sát để không cả tin hoặc có thái độ phản ứng với ý nghĩ đó. Bước thực tập quan trọng thứ hai là bạn tự đặt cho mình câu hỏi: “Ai là người đang cảm thấy như vậy?” và giữ sự chú tâm của mình vào câu hỏi này một cách liên tục. Như một người cầm câu, nhìn vào câu hỏi này như đang nhìn vào cái phao của cần câu, im lặng nhưng có ý thức, chờ đợi mà thư thả, thong dong. Bạn làm được như thế, thì không bao lâu, sẽ có một điều kỳ diệu xảy ra ở trong bạn. Sự tỉnh thức này sẽ làm trôi đi hết tất cả những khổ đau ở trong bạn.

[28] Niềm vui tràn ngập và một sự an bình ở nội tâm: Trạng thái này xảy ra một cách tự nhiên khi bạn hoàn toàn có mặt với những gì đang hiện diện trong phút giây hiện tại, tâm không bị lôi kéo bởi những suy nghĩ, lo sợ vẩn vơ.

[29] Nhận thức sáng tỏ: Trong Thiền thường nói đến kinh nghiệm satori, tức là phút giây tỉnh thức. Trong khoảnh khắc đó, nhận thức của bạn bỗng sáng bừng lên và bạn hiểu rõ những điều mà mình đang chiêm nghiệm.

[30] Thoát ra khỏi lối suy nghĩ thúc bách, bó buộc: Tức là cảm giác buồn khổ, chán nản, thường xuyên ở trong trạng thái lo âu, xao xuyến, băn khoăn, mà không thể thư giãn hay nghĩ đến chuyện gì khác.

[31] Thói quen tích lũy kiến thức trong đời sống: Chúng ta có thói quen tích lũy kiến thức trong mọi chuyện từ học hành, dọc sách báo, xem phim ảnh, … Ở đây ta không nói đến chuyện bạn cần học một kỹ năng gì đó cần thiết cho công việc mà bạn đang làm, hay thích tìm hiểu một điều gì mà bạn cảm thấy thú vị. Ta đang nói về tình trạng “thích học chỉ để tự hào rằng mình có kiến thức nhiều hơn người khác; học mà không sử dụng được những điều mình đã học”, vì kho kiến thức tích lũy ấy không giúp gì được cho bạn.

[32] Tôi vô thức loay hoay cố đi tìm chính mình qua những vật tôi sở hữu đó: Ở trong ta có khuynh hướng rất mạnh nhưng vô thức để xác định chính mình, muốn biết bản chất chân thật của mình là gì. Nhưng vì không biết bản chất chân thật của mình, do đó chúng ta đi tìm mình qua những vật ta sở hữu, qua sự thành đạt trong nghề nghiệp, địa vị xã hội, …

[33] Tự đánh mất mình trong mớ đồ vật đó: Vì ta tự đồng hóa một cách vô vọng không phải chỉ với một thứ, mà với tất cả mọi hình tướng mà ta có thể nhìn thấy, hoặc khái niệm được, do đó ta tự đánh mất mình trong những thứ đó.

[34] Đó là số phận không lối thoát của bản ngã: Vì bản ngã tức là tự đồng hóa với hình tướng, do đó bản ngã không bao giờ có thể thoát ra được tình trạng tự đồng hóa này.

[35] “Phải có nhiều hơn nữa”: Là nhu yếu bó buộc, không thể cưỡng lại được của bản ngã ở trong bạn. Bản ngã không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì bạn đang có mà luôn muốn có nhiều hơn nữa.

[36] Sự Hiện Hữu của chính tôi: Khi có sự yên lắng ở trong lòng, bạn sẽ cảm nhận được trong dôi mắt mình đang toát ra một sự có mặt im lặng nhưng sáng tỏ. Trong trạng thái này, bạn nhận biết mọi sự chung quanh với cảm giác ung dung tự tại, không hề nao núng, không băn khoăn, hoàn toàn im lắng nhưng rất hài lòng và hạnh phúc với mọi chuyện mà sự hài lòng và hạnh phúc này không bị lệ thuộc vào một điều kiện gì ở bên ngoài, bạn không cần phải sở hữu, có thêm một thứ gì để cảm thấy hạnh phúc. Vì trạng thái có mặt trong im lặng này quá hiển nhiên, nên bạn thường không nhận ra Sự Có Mặt quý báu này.

[37] Bạn vướng mắc vào một ý nghĩ rằng “vật ấy là của Tôi”: Hãy tưởng tượng bạn đang xin ngồi uống nước và nghỉ chân trước hàng hiên của một căn nhà ở một miền đồng quê. Bỗng dưng bạn nghe tiếng chân chạy dồn dập như tiếng của một bầy thú đang chạy rầm rập về phía bạn. Trong chốc lát thì bạn nghe như có tiếng va chạm của những chiếc sừng thú chạm vào những thanh tre, va vào đồ dạc. Và trong chớp mắt, bạn nhìn thấy những con bò đang chạy tung lên, húc gãy và dẫm lên những liếp tranh cũ và bàn ghế, đồ dạc trong căn nhà tranh mà bạn đang ngồi nghỉ chân. Có vài con bò vẫn còn bị vướng mấy tấm màn cửa và những liếp tranh trên đầu, che mất hướng nhìn. Nhưng chúng vẫn cứ chạy trối chết về phía trước và băng ngang trước mặt, nơi bạn đang ngồi. Cảnh tượng ấy xảy ra nhanh quá và bạn bỗng cảm thấy muốn bật cười lên thành tiếng vì quang cảnh thật lạ lùng và khôi hài ấy. Nhưng khi bạn quay nhìn bên cạnh thì thấy người chủ nhà đang mếu máo vì căn nhà tranh nghèo nàn của bác vừa bị đàn bò ấy húc ngã. Không lâu thì bạn lại nghe tiếng thở hổn hển của một người đàn ông khác đang chạy đến. Khi bạn nhìn rõ mặt thì bác ta bỗng la hớt hãi: “Có ai nhìn thấy đàn bò sáu con của tôi vừa chạy ngang qua đây không?”. Bác chủ bò ấy cũng không cười được, vì đàn bò sáu con của bác bây giờ không biết đang ở dâu. Riêng bạn thì bạn cảm thấy không có vấn đề gì cả vì: Bạn không sở hữu cả hai thứ ấy.

[38] “Nếu ai đó muốn lấy chiếc áo mà anh em đang mặc, thì anh em hãy cởi và cho họ luôn chiếc áo khoác mà anh em đang mặc ở bên ngoài”: Điều này không có nghĩa rằng ai muốn lấy đi một vật gì của bạn, thì bạn cũng không có phản ứng, hay không biết tự bảo vệ cho mình. Nó chỉ ngụ ý rằng một khi trong tâm ta có tự do, không còn bị ràng buộc vào những thứ mà ta đang có, thì nhỡ khi có chuyện gì không may mà những thứ đó bị mất di, ta cũng không quá quay quắt, hay khổ sở vì sự mất mát đó.

[39] Những biểu hiện ngốc nghếch của bản ngã ở trong mình: Hãy để ý những phản ứng căng thẳng, lo sợ của bạn khi đợi tàu ở sân ga, ở bến xe, … những khi rất dông người đợi tàu như bạn, bỗng dưng bạn cảm thấy xao xuyến và nảy ra ý nghĩ “Ồ, tôi cần phải lên được chuyến tàu này”, hoặc “Tôi phải kiếm được một chỗ ngồi tốt”, không còn nghĩ đến ai khác ở chung quanh.

[40] Nếu xem bản ngã là vấn đề của riêng mình, thì bạn chỉ tạo thêm cho chính bạn một vòng xiềng xích khác của bản ngã: Vì cái mà bạn dùng để đối phó với bản ngã cũng chính là bản ngã.

[41] Một nhu yếu có tính nghiện ngập: Khi bạn rơi vào thói quen nghiện ngập thì bạn thường tin một cách vô thức rằng: “Có một thứ gì đó ở ngoài kia sẽ cứu Tôi”. Bạn mong khi bạn sở hữu, hoặc kinh nghiệm, … cái đó, nó sẽ làm cho bạn thỏa mãn và đầy đủ, lấp đầy sự trống vắng ở trong mình. Cái đó có thể là ma túy, bài bạc, rượu chè, chuyện gối chăn, thức ăn ngon, tài sản, … Thực ra, không có một cái gì ở bên ngoài bạn có thể mang lại tự do và giải thoát chân thật cho bạn. Chỉ khi nào bạn nhận ra được bản chất chân thật của mình thì điều này chắc chắn sẽ giúp cho bạn thỏa mãn và đầy đủ, không còn cảm thấy thiếu thốn và trống vắng ở trong lòng. Mặt khác, giúp dỡ cho gia đình và những người chung quanh bạn mà không vì lợi ích cá nhân là điều bạn có thể làm; điều này sẽ đem lại cho bạn một niềm vui sâu sắc và bền vững hơn những thứ mà bạn đang nghiện ngập. Do đó giúp dỡ người khác có thể là một lẽ sống mới của bạn, vì nó giúp bạn vượt lên trên bản ngã, vượt lên trên những suy tư, lo lắng hạn hẹp về bản thân mình.

[42] Những khuôn mẫu cư xử bó buộc, bị định đặt, bị điều kiện hóa: Ví dụ trong một quan hệ luyến ái, bạn trông đợi người kia phải làm những cử chỉ chăm sóc bạn như cha mẹ bạn đã chăm sóc cho nhau trong gia đình của bạn. Nên khi người kia không làm như bạn mong đợi thì bạn dâm ra trách móc, hờn giận. Bạn không nhận ra rằng bạn chưa hề nói cho nhau hiểu những nhu yếu riêng tư này, và người kia không thể đoán ra là bạn cần những cử chỉ chăm sóc như vậy. Mặt khác, bạn và người kia đến từ hai nếp sống và văn hóa gia đình rất khác nhau nên cách biểu lộ yêu thương cũng khác nhau. Trong gia đình bạn, âu yếm, chăm sóc qua chuyện nấu những món ăn ngon cho người mình thương, nói lời dịu đàng, chiều chuộng nhau, … có thể là cách biểu lộ thương yêu trong gia đình bạn, trong khi ở gia đình của người kia thì chưa chắc dấy là cách để bày tỏ tình yêu. Nên muốn có sự hiểu biết và cảm thông nhau bạn cần phải tìm hiểu sở thích, cá tính và cách biểu lộ yêu thương của mỗi người.

[43] Bản năng tình dục: Sự thúc đẩy vô thức, không cưỡng lại được giữa đàn ông và đàn bà để đi tới kinh nghiệm tình dục. Một phần của sự thúc đẩy này là nhu yếu truyền giống của loài người, phần khác tình dục là cách để hai bên diễn đạt nhu yếu được gần gũi, yêu thương. Thật vậy, tình dục là một kinh nghiệm mãnh liệt nhất trong đời sống vì ngoài tất cả 5 giác quan chính (mắt, tai, mũi, lưỡi, sự xúc chạm của cơ thể) đều đã dính vào, nó còn thu hút luôn cả 3 phần còn lại: ý thức, bản ngã và tiềm thức của con người. Trong kinh nghiệm tình dục, ta cảm thấy tràn đầy sức sống, có sự chú tâm cao độ vào Giây Phút Hiện Tại. Những khổ sở, căng thẳng, … trong người dường như bỗng tan biến di, và ta cảm thấy phục hồi được sự quân bình. Kinh nghiệm tình dục khiến ta tạm thời quên đi gánh nặng của bản ngã, đưa ta đến một khoảnh khắc của trạng thái tĩnh lặng, dễ chịu vì trong giây phút cực độ của khoái cảm, tâm ta rộng thoáng, không vướng bận chút suy tư nào. Nhưng đây chỉ là một kinh nghiệm khoái lạc rất ngắn ngủi. Tình dục là một nhu yếu bình thường của cơ thể nhưng thường trở thành một sự nghiện ngập và là lẽ sống duy nhất của một số người. Trong chiều sâu của sự nghiện ngập này là một niềm tin sai lầm rằng: “Tôi chính là thân thể này!”. Ta tưởng rằng sự dòi hỏi của thân thể là sự dòi hỏi của chính mình, vì vậy ta tự động tìm cách thỏa mãn nhu yếu ấy, bất kể hậu quả của nó.

[44] Đối với những người đó, đời sống được xem như chỉ là để hoàn tất bản năng giới tính của mình: Tức là quan niệm sai lầm của nếp văn hóa ấy rằng đàn ông sinh ra chỉ là để phục vụ bản năng dục tình, còn đàn bà chỉ là để lấy chồng, sinh con, đẻ cái.

[45] Anorexia – bệnh biếng ăn vì những người mắc bệnh này cả tin vào ý nghĩ: “Tôi béo quá!”. Đây là một căn bệnh về tâm lý vì người bệnh quá cả tin vào ý nghĩ không xác thực về cơ thể của họ. Họ bị niềm tin sai lạc ấy ám ảnh và họ luôn cố gắng làm thế nào để có một cơ thể nhỏ nhắn, gọn gàng hơn – tức là quan niệm về cái dẹp của họ – làm như thế là để được người khác ưa thích, chấp nhận họ. Họ không ý thức được tình trạng hiện thời trong cơ thể của mình bây giờ. Cơ thể họ bây giờ có thể chỉ còn da bọc xương, nhưng trong đầu họ vẫn nghĩ: “Tôi béo quá!”, do đó họ không thiết gì đến chuyện ăn uống.

[46] Có khả năng cảm nhận được cơ thể của họ từ bên trong: Tức là có mặt đầy đủ để cảm nhận được sự sinh động của cơ thể bên trong, cơ thể năng lượng của mình.

[47] Thế giới hữu hình và vô hình: Đạo Phật có danh từ Sắc và Không. Sắc là thế giới hữu hình, của tất cả các hiện tượng mà ta có thể nhìn, nghe, ngửi, xúc chạm, khái niệm được. Còn Không tức là thế giới vô hình, không biểu hiện mà ta không nhìn thấy được. Nhưng cả hai lồng vào trong nhau, và trong bản chất, cái này chính là cái kia và ngược lại, không thể có cái này mà không có cái kia, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là điều Đức Phật nhắc đến trong Bát Nhã Tâm kinh.

[48] Tự đồng nhất mình với những suy tư và lo nghĩ miên man: Trong đầu chúng ta thường phát sinh những ý nghĩ liên miên, từ một ý nghĩ này chúng ta bắt sang một ý nghĩ khác, liên tục, không ngừng nghỉ, lôi cuốn hết năng lực và sự chú tâm của ta. Nhưng một ý nghĩ nảy sinh ở trong tâm thức bạn không phải là vấn đề; vấn đề là khi bạn cả tin vào ý nghĩ ấy và lại vô thức khi cho rằng “ý nghĩ này là của tôi”, “tôi là ý nghĩ này” và bạn bắt đầu làm theo những gì ý nghĩ ấy muốn bạn làm. Bạn rất ghiền suy tư và bao nhiêu năng lực của bạn đều trút vào dòng suy nghĩ miên man ấy. Tương tự như thế, trong tâm thức bạn cũng luôn phát sinh những cảm xúc lo sợ, khổ đau, giận dữ, … và bạn nhanh chóng tự đồng hóa mình một cách vô thức với những cảm xúc này và trở thành chúng, khiến cơ thể bạn bắt đầu có phản ứng như co rúm lại khi cảm thấy sợ hãi, khổ đau hay ray rứt, … khi có một cảm giác giận dữ.

[49] Lối suy nghĩ lặp đi lặp lại: Lối suy nghĩ đã trở thành những rãnh mòn trong tâm thức của chúng ta, chúng lặp đi lặp lại mà ta không thể nào cưỡng lại được. Ví dụ thói quen suy nghĩ miên man. Bạn để ý thì sẽ nhận ra rằng hầu hết những suy tư loại này là những suy nghĩ lặp đi lặp lại rất hao tổn tinh thần và năng lực của bạn. Khi bắt gặp mình đang rơi vào thói quen này, bạn hãy trở về chú tâm vào hơi thở và không cả tin vào những ý nghĩ đó để tránh việc tiếp tục bị cuốn theo dòng suy tư không chủ đích này.

[50] Những khuôn mẫu suy tư và tình cảm bó buộc ở trong bạn: Ví dụ khi bạn nghĩ về một người nào đó, vợ/chồng hay người yêu cũ của mình, thì bạn luôn cay đắng hoặc nghĩ rằng: “Hắn là một kẻ khốn kiếp, một gã sở khanh”, … Bạn không nhận ra rằng, đây là một thói quen bó buộc trong suy tư của bạn, nghĩa là bạn không thể suy nghĩ được một điều gì khác ngoài những định nghĩa tiêu cực về người đó. Bạn giảm thiểu một con người có chiều sâu vô tưởng, thành một ý nghĩ đơn diệu, một ý nghĩ tiêu cực mà chắc rằng người khác không hề nghĩ như bạn về người đó; hoặc chính bạn cũng đã không hề nghĩ như thế khi bạn đang còn quan hệ hoặc chung sống với người đó.

[51] Descartes (1596-1650): Triết gia, nhà văn, nhà toán học, nhà vật lý người Pháp.

[52] Cội rễ của bản ngã: Tức lối suy tư, cư xử từ chỗ có bản ngã, có một con người, một cái “Tôi” riêng rẽ, tách biệt, không dính gì đến người khác và với thế giới chung quanh.

[53] Jean Paul Sartre (1905-1980): Nhà hiện sinh, triết gia, văn hào, nhà phê bình người Pháp.

[54] Ta chỉ là một nạn nhân do hoàn cảnh, do người khác, do số phận… hay do ông Trời đã tạo ra: Đó là tâm thức nạn nhân mà bạn thích tự đồng hóa mình vào đó. Từ đó bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả, trái lại còn đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác, … đã gây khổ cho bạn. Khi bạn cả tin rằng nguyên nhân làm cho bạn khổ là một cái gì nằm ở bên ngoài thì quả thực bạn không thể có năng lực gì để chuyển đổi tình trạng. Có lẽ bạn muốn tiếp tục nghĩ như thế vì bạn không muốn chịu trách nhiệm cho khổ đau, cho tình trạng khó khăn của mình. Nhưng những khó khăn của bạn chỉ có thể thay đổi khi bạn thay đổi thái độ của mình một cách toàn diện: “Vâng, đây là lỗi của tôi. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những khó khăn và khổ đau này”, và bỗng dưng bạn tiếp xúc được với năng lực lớn lao của đời sống; bạn bây giờ có thể làm tất cả những gì mình cần làm để thay đổi tình trạng.

[55] Bản ngã sẽ nhanh chóng tìm ra cho nó một hình tướng khác để thay thế: Vì bản chất của bản ngã là tự đồng hóa với một cái gì đó để củng cố cho tư cách, để xác định sự hiện hữu mơ hồ của chính nó, do đó, nếu bạn đánh mất một quan hệ với người này thì bạn sẽ nhanh chóng tìm ra một quan hệ với người khác để thay thế. Nếu bạn không sở hữu được thứ này thì bạn sẽ tìm ra một thứ khác để bạn mua, hoặc sở hữu.

[56] Bản ngã của bạn rất cần là nó vẫn là một thực thể tách biệt: Bản chất của bản ngã là cảm giác cách biệt với đời sống và với mọi người chung quanh. Do đó, nhu yếu căn bản của bản ngã bạn là được làm một thực thể tách biệt với đời sống để nó tiếp tục được sống còn. Đây là một xung đột lớn trong nội tâm của bạn, vì bạn thì rất muốn hòa nhập với mọi người và với đời sống, nhưng bản ngã của bạn thì lại muốn điều ngược lại. Do đó bạn cần sáng suốt để nhìn sâu vào mỗi ý nghĩ khi chúng phát sinh ở trong mình: “Đây là một ý nghĩ của bản ngã, hay đây là một ý nghĩ của tôi?” để không bị lưu đày trong thế giới của bản ngã. Hoặc bạn có thể tự hỏi: “Điều mà ý nghĩ này muốn đã đến từ một chỗ sợ hãi hoặc lo lắng (tức là của bản ngã) ở trong tôi hay nó đã đến từ một chỗ trong sáng, rộng thoáng (tức là từ bản chất chân thật của mình)?”.

[57] Chúng ta thường trở nên uất hận hay cay đắng: Khi có sự chia lìa trong quan hệ yêu đương, có lẽ bạn trở nên uất hận hay cay đắng vì phải đối diện với những nhu yếu chưa được thỏa mãn ở trong mình, những nỗi sợ hãi, đau đớn vì bạn cảm thấy mình bị phụ bạc, bị bỏ rơi và bạn đem lòng oán hận, hoặc nhỏ nhen với người kia. Bạn có thể thốt lên những lời nói đầy ác ý và có những thủ đoạn xấu xa được đem ra sử dụng mà không chút e dè. Nhưng bạn không chỉ là một nạn nhân, một con người bị phụ rẫy, bị bỏ rơi, vì thực ra bạn lớn hơn tất cả những biểu hiện đó. Bạn là Cái-Vô-Hạn muốn kinh nghiệm thế nào là giới hạn nên đang giả vờ, đang đóng vai là một con người để có thể kinh nghiệm thế nào là khổ đau, là sợ hãi, là thèm khát, là uất hận, là đắng cay và tất cả những vai trò này không phải là bản chất chân thật của bạn.

[58] Cái tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn: Tiếng nói ồn ào, ở trong đầu bạn, luôn chê bai người này, phán xét người kia, … là tiếng nói của bản ngã ở trong bạn. Bạn chỉ cần nhận ra “Ồ, đó chỉ là tiếng nói của bản ngã” và không cần phải làm theo những gì tiếng nói ấy muốn bạn làm.

[59] Những vật sở hữu của bản ngã: Những thứ như tài sản, đất dai, danh tiếng, địa vị xã hội, sắc dẹp, ý nghĩ, cảm xúc… là những thứ tự thân chúng không thể làm cho bạn khổ. Bạn chỉ khổ khi mà khái niệm sở hữu phát sinh ở trong đầu và bạn cả tin vào khái niệm này thì tài sản bây giờ trở thành là tài sản “của Tôi”, đất dai trở thành là đất dai “của Tôi”, địa vị xã hội, sắc dẹp, ý nghĩ, cảm xúc… sẽ trở thành địa vị xã hội, sắc dẹp, ý nghĩ và cảm xúc… “của Tôi”. Và từ đó, lo sợ sẽ phát sinh vì những vật ấy có thể mất mát hoặc hư hao.

[60] Khi ta chỉ trích hay phê phán người khác: Tức là ta đang phê phán chính mình. Giả sử nếu người khác phê phán rằng: “Bạn chỉ là một kẻ ích kỷ!”, thì nguyên bản đầy đủ của ý nghĩ ấy của họ là: “Nếu tôi mà là bạn và tôi hành động như bạn thì tôi quả là một kẻ ích kỷ”. Nhưng toàn bộ câu nói này đã được rút ngắn lại, chỉ còn lại phần cuối: “Tôi quả là một kẻ ích kỷ”, nhưng chữ “Tôi” để nói về chính họ, đã được người đó phóng chiếu ra bên ngoài và trở thành một điều gì nói về một người khác, nói về “Bạn”, do đó câu nói của họ trở thành: “Bạn chỉ là một kẻ ích kỷ!”.

[61] Khi bạn phản ứng mạnh với những gì tiêu cực mà bạn nhìn thấy ở người khác: Thì đây là một dấu hiệu rất tốt để bạn nhìn lại xem, bạn có đang phản ứng một cách vô thức với những gì tiêu cực tương tự mà bạn đang có ở trong bạn, nhưng bạn chưa ý thức được?

[62] Không phản ứng với những cư xử khiếm khuyết, đượm nhiều tính chấp ngã ở người khác: Tiếp xúc với một người mà bạn đã từng có quan hệ trong quá khứ có thể tạo nên những phản ứng thù nghịch, hay tiêu cực ở người đó qua thái độ hoặc lời nói khiếm nhã đối với bạn. Điều duy nhất mà bạn có thể làm là không phản ứng với họ qua ý nghĩ, lời nói hay hành động của bạn. Ngay cả khi bạn không trao đổi hay nói năng qua lại gì với người đó, sự im lặng ấy của bạn cũng nằm trong thái độ không phản ứng từ phía bạn vì bạn hiểu rằng đó không phải là bản chất chân thật của họ. Người đó đang phản ứng, cư xử với bạn từ một chỗ thiếu sáng suốt, vì họ vẫn còn đang cảm thấy bị tổn thương và ám ảnh bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cho nên bạn sẽ thấy rằng phản ứng lại với người đó là một điều không cần thiết. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Một cuộc khiêu vũ luôn cần phải có sự tham dự của hai phía”. Nếu người đó muốn tạo thêm xung đột và bi kịch trong phút giây này, nhưng bạn thì sáng suốt và không còn muốn tham dự vào những bi kịch này thì chỉ cần một bên: bạn không tham dự thì cũng đủ để làm cho mọi xung đột chấm dứt. Một, hai, hay ba lần tiếp xúc với nhau mà bạn luôn chọn để không phản ứng thì bạn sẽ thấy mọi chuyện tự nhiên êm lắng lại. Bạn đang cải thiện quan hệ với người đó mà không cần phải hành động gì cả.

[63] Tính chấp ngã tập thể: Tính chấp ngã của tập thể có thể được biểu hiện qua niềm tự hào của một quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, … để lôi kéo những người có nhu yếu đi tìm một tư cách, bản ngã của mình qua thói quen tự đồng hóa họ với một đoàn thể chống lại một đoàn thể khác. Những người phát-xít Đức trong Thế chiến thứ hai là một ví dụ điển hình về tính chấp ngã của tập thể, họ cho rằng chủng tộc của mình – người Đức – là một chủng tộc siêu dẳng, đưa đến nhu yếu muốn tiêu diệt những chủng tộc mà họ cho là thấp kém hơn.

[64] Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có mặt ở nơi này: Đây là một thái độ chống đối với những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Hãy tưởng tượng rằng vì một lý do nào đó, bạn đang bị nhà chức trách tạm thời giam giữ. Thay vì chấp nhận rằng “Ồ, mình đang bị bắt giam” và tìm một chỗ ở trong phòng giam để nghỉ ngơi, … như những người khác ở trong phòng giam đang làm, thì trái lại, bạn căng thẳng, đi đi lại lại trong phòng giam. Vì bạn đang có thái độ chống đối, rằng chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có mặt ở nơi đây. Thực ra, nên hay không nên thì bạn vẫn đang bị bắt giữ, bạn không thể tranh cãi gì được về hiện thực này và có muốn ở đây hay không, bạn cũng phải ở đây, ở trong phòng giam đêm nay. Chống đối những gì đang có mặt là thái độ làm cho bạn đớn đau, khổ sở. Khi đã chấp nhận tình trạng, bạn có sự sáng suốt và không gian để làm những gì bạn cần làm (gọi cho người thân, viết đơn kháng cáo, …) để giúp mình thoát ra khỏi tình trạng.

[65] Đối với bản ngã thì kẻ thù lớn nhất của nó chính là phút giây hiện tại, tức cũng chính là đời sống: Đời sống của bạn luôn luôn xảy ra trong giây phút này, và giây phút này là thứ duy nhất mà bạn sở hữu, và làm những gì bạn cần làm. Bạn đang ở sở làm? Có những công việc đang cần bạn làm nhưng bạn không cảm thấy hứng thú gì trong công việc mình đang làm? Nhưng công việc này có phải đang giúp bạn nuôi sống bản thân và gia đình bạn? Chỉ cần bạn tôn trọng và chú tâm đến mỗi công việc thì bạn sẽ cảm thấy rất dễ chịu và thú vị khi làm những công việc này. Do đó chống lại phút giây hiện tại, tức là chống lại chính đời sống.

[66] Nhiều lúc, rõ ràng bản ngã của bạn thực không muốn có một sự thay đổi gì cả, nhờ thế nó còn tiếp tục có dịp để than vãn: Giả dụ bạn có một cô bạn đang có vấn đề với chuyện thiếu tự tin, làm điều gì cũng luôn chạy đến hỏi bạn. Còn bạn thì lại vừa thích làm cố vấn cho cô ấy, đồng thời lại thích than vãn với người khác rằng: “Cô ấy thực không có một chút tự tin nào cho chính mình, một chuyện cỏn con gì cũng không biết giải quyết, phải luôn chạy đến hỏi Tôi!”. Một hôm, cô bạn ấy khoe với bạn rằng cô ta bây giờ đang thực tập Thiền vì muốn vượt qua được vấn đề thiếu tự tin của cô. Bạn nghe tin vui nhưng trong lòng lại không cảm thấy mừng rỡ như lẽ ra phải có, rằng: “bạn mình đang làm một điều hay, có thể giúp ích cho cô ấy”. Vì biết dâu, nếu cô bạn thực sự thay đổi thì bạn sẽ không còn được cô ấy tìm đến để tham vấn nữa và quan trọng hơn là bạn không còn cớ để than phiền về vấn đề thiếu tự tin của cô ta.

[67] Một khuôn mẫu bó buộc: Ví dụ, bạn là một người khá thành đạt, quen quyết định mọi việc từ trước đến giờ. Khi bước vào một quan hệ luyến ái thì bạn vẫn theo thói quen cư xử đó và cho rằng lối cư xử ấy không có gì sai trái, vì nó đã từng giúp bạn thành công trước đây. Nhưng để có sự hòa điệu trong quan hệ luyến ái, bạn cần nhận ra và thực tập làm khác đi thói quen này.

[68] Bạn chính là cái phần nhận ra tiếng nói đó: Nhận thức này giúp bạn biết mình không phải là tiếng nói ồn ào, luôn vang vọng đó, nên bạn không để tâm hoặc làm theo những lời xúi giục, phê phán, chê bai của bản ngã.

[69] Có một sự nhận biết: Đây cũng là bản chất chân thật, vô hình tướng của bạn.

[70] Thực tập được như thế, bạn sẽ thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã: Bản ngã của bạn như một gã nịnh thần mà bạn thường thấy trong những vở tuồng xưa. Nếu bạn là một vị hoàng đế thiếu sáng suốt, không biết những gì đang xảy ra ở trong tâm mình thì bản ngã của bạn sẽ dụ hoặc, và tâng bốc bạn, … và xúi giục bạn làm theo những điều xằng bậy mà gã nịnh thần ấy rủ rỉ vào tai bạn suốt ngày đêm. Khi thì bản ngã lại giả vờ nó là bạn, nó lấn lướt và la mắng bạn như một kẻ quyền thần đang thao túng, lộng quyền.

[71] Những lối hành xử cũ hay những thói quen suy tư ở trong bạn vẫn có thể còn tồn tại và sẽ tái diễn trong một thời gian nữa: Khi bạn nhận ra “Ồ, mình thường rơi vào thói quen rượu chè say sưa khi trong lòng có điều gì khổ tâm”, biết rằng đây là cách bạn tránh né những nỗi khổ ở trong mình, tuy nhiên, thói quen uống rượu sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa vì quán tính. Điều bạn cần làm là giữ cho ý thức mình được sáng tỏ rằng: “Tôi là một người có vấn đề nghiện ngập với rượu bia”, có ý chí muốn thực tập để vượt thoát khỏi thói quen này và không để mình rơi vào thái độ buông xuôi, không làm gì cả với những thói quen tiêu cực ở trong mình.

[72] Mỗi khi những thói quen cũ này bị nhận diện: Tức là khi thói quen ấy vừa phát sinh, bạn ý thức rằng “Ồ, thói quen cũ của mình đang phát sinh đây” và không tự đồng hóa, cho rằng thói quen đó chính là mình tức là bạn vừa nhận diện được một thói quen cũ. Điều này sẽ làm cho thói quen ấy suy yếu dần. Bạn có thể dùng phương pháp này để vượt qua những thói quen mà bạn nhận ra ở trong mình và muốn vượt qua.

[73] Một người thường xuyên ở trong trạng thái “chống đối một điều gì”: Đây là nhu yếu sống còn của bản ngã. Chống đối là nhiên liệu giúp cho bản ngã tiếp tục sống còn. Ví dụ, tuy chúng ta đã bước sang thế kỷ thứ 21, nhưng một người Do Thái đã từng sống trong những trại tập trung của phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai vẫn tiếp tục nghe người bạn cùng trại giam với mình thời ấy than phiền về sự tàn ác của những người lính Đức thời đó, như thể điều đó vẫn còn đang xảy ra trong lúc này. Cho nên có lần ông đã thắng thắn nói với bạn mình: “Ồ, 60 năm đã trôi qua, thế mà tụi lính Đức vẫn còn giam cầm được anh!”. Ý muốn nói là người bạn ấy bây giờ đã không còn bị giam cầm nữa, nhưng ông ta vẫn còn bị ám ảnh bởi quá khứ, như thể ông ta vẫn còn đang ở tù.

[74] Lòng oán hận về một chuyện đã qua của một tập thể có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ: Trong lịch sử của một dân tộc, ta không thể tránh được sự đổi thay của những thể chế lúc này hay lúc khác, làm sao để ta ý thức rằng: “Ồ, tôi đang mang lòng oán hận một điều gì xưa cũ đã xảy ra 100 năm, hoặc 200 năm về trước!”. Quả thực, quá khứ là một điều đã xảy ra và chúng ta không thể xoay ngược bánh xe thời gian để thay đổi được quá khứ. Nhận thức đó giúp bạn buông bỏ lòng oán hận, trở về để sống với phút giây hiện tại, với những điều kiện hạnh phúc mà bạn vẫn còn đang có. Lòng oán hận của bạn đối với người khác không thể làm tổn thương được họ – những người mà bạn nghĩ là đã làm cho bạn điêu đứng, khổ sở. Trái lại, lòng oán hận sẽ làm tổn thương chính bạn, là chất cường toan thiêu đốt bạn, những người thân của bạn và môi trường chung quanh bạn trong phút giây này..sup

[75] Lối suy nghĩ đầy tính ám ảnh như thể chuyện ấy là một điều gì vẫn đang còn xảy ra: Đây là hội chứng về tâm lý, một căn bệnh về tâm thần mà phương Tây gọi là Post Traumatic Stress Disorder, viết tắt là PTSD, tức là sự Căng Thẳng và Ám Ảnh Tâm Lý của một người sau khi đã đi qua một kinh nghiệm kinh hoàng, trong đó có sự chấn thương trong cơ thể hoặc tinh thần. Một người bị tai nạn xe hơi, bị giam cầm, hãm hiếp, hoặc bị người khác hành hung, hiếp đáp, la mắng, nói nặng lời, … đều có thể gây ra hội chứng PTSD. Điều cần làm ở đây là xác nhận rằng người ấy có triệu chứng PTSD, có sự Căng Thẳng và Ám Ảnh Tâm Lý của một người đã trải qua một biến cố tâm lý. Điều cần làm là giúp cho người đó nhận thức rằng ở trong họ có những cảm giác sợ hãi, giận dữ, u sầu, … qua biến cố đó, rằng chuyện ấy là một biến cố có thể xảy ra cho bất kỳ ai chứ không phải riêng một cá nhân nào. Điều quan trọng là không quy lỗi cho ai trong biến cố này. Người ấy cần thổ lộ những gì đang ám ảnh họ, tiếp xúc và hóa giải những cảm xúc ấy, và hóa giải những suy luận, diễn dịch không xác thực về biến cố ấy, … giúp cho họ nhận thức rằng đó chỉ là những ám ảnh tâm lý đã thuộc về quá khứ vì trong giây phút này, không có chuyện gì dáng sợ đang xảy ra cho họ hoặc cho người thân của họ cả. Hiểu, chấp nhận và tha thứ cho những gì đã xảy ra là cách duy nhất để họ hóa giải vết thương của quá khứ.

[76] “Hãy tha thứ cho kẻ thù của anh em”: Trong lịch sử, ta biết Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) là một danh tướng đời nhà Trần. Ông sinh ở làng Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tuy mang mối thù lớn của cha mình, Trần Liễu, khi cha ông trối trăng: “Con phải vì cha mà lấy được thiên hạ, nếu không thì dưới suối vàng, cha chết cũng không nhắm mắt” nhưng ông đã gạt thù riêng trong gia tộc để một lòng lo phò vua, giúp nước. Ba lần giặc Nguyên Mông kéo đến xâm lấn nước ta, ông 3 lần đều đánh bại chúng. Về sau khi triều chính đã suy vi, Hưng Đạo Đại Vương có thừa tài ba, mưu chước và binh lực để trả thù cho cha, soán đoạt ngôi vua, nhưng ông vẫn một lòng yêu nước, thương dân. Ông đã từng đem lời cha ông trăng trối để dò ý Yết Kiêu và Dã Tượng, thì hai cận thần thân tín trong gia đình của ông đã thưa rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan lớn mà không có lòng trung hiếu”. Hưng Đạo Đại Vương quả là một con người không bị ràng buộc bởi bản ngã, bởi quá khứ, bởi những oán thù của gia đình.

[77] Cơ cấu chính của bản ngã trong cách suy tư của con người: Là cách nhìn sai lầm và phân biệt rằng có “Tôi” và có “những cái không dính gì đến Tôi”; trong đó những người khác và mọi thứ đều xoay quanh “Tôi”. Đây là một cách nhìn sai lầm từ gốc rễ vì ý niệm về “Tôi” chỉ là một ý niệm sai lầm, không hề có căn cứ trong thực tại; “Tôi” chỉ là một ấn tượng không xác thực về một con người không có thật ở trong bạn. Cách nhìn này gây nên tất cả những thống khổ ở trong bạn. Muốn vượt qua cơ cấu này, bạn có thể thực tập để buông bỏ tất cả những ý nghĩ dính đến một cái “Tôi”, hoặc “của Tôi” khi chúng phát sinh ở trong tâm thức bạn. Hãy dập vỡ cơ cấu sai lầm này khi trong bạn có sự căng thẳng vì một ý nghĩ vừa chớm lên ở trong đầu bạn rằng: “Chết, Tôi sẽ trễ tàu”, hoặc “Tôi sẽ không có một chỗ ngồi tốt”, hoặc “Tôi phải bước lên chuyến tàu này tối nay”, … khi bạn đang đứng xếp hàng đợi lên tàu để đi xa. Ý nghĩ này không phải là vấn đề, chúng chỉ trở thành là vấn đề khi bạn cả tin vào ý nghĩ ấy, đến độ bạn tin rằng có một con người tách biệt với đời sống và với mọi thứ chung quanh; con người ấy đang tìm mọi cách để bước lên tàu, con người ấy có thể dẫm lên những người chung quanh vì, trong phút giây khẩn cấp ấy, con người xa lạ ấy ở trong bạn không thể liên hệ được với đời sống và những người chung quanh.

[78] Bảo vệ cái ảo tưởng về mình: Bản ngã là một điều gì không có thực, không bao giờ hiện hữu. Cho nên ta chỉ đang bảo vệ cho một ảo tưởng về mình. Thực ra, bạn không phải là người đang đứng ra để bảo vệ, mà đó chính là bản ngã ở trong bạn, nó là cái đang đứng ra để cố bảo vệ cho ảo tưởng về sự xác thực của chính nó. Khi không còn bản ngã ở trong bạn thì làm việc, lái xe, nghỉ ngơi, ăn, ngủ, làm tình, … và những hoạt động khác trong đời sống của bạn vẫn xảy ra, mà có khi còn trôi chảy hơn trước nữa vì giờ đây không có một cái Tôi tách biệt, không còn cái bản ngã nặng nề, đầy khổ đau luôn muốn tranh giành công lao trong những hoạt động đó qua ý nghĩ như: “Hãy nhìn xem, chính Tôi làm những việc ấy dấy nhé!”; hoặc thái độ xác định quyền sở hữu về những thứ như xe cộ, nhà cửa, tài sản, đất dai, ngay cả vợ chồng, con cái… kiểu như: “Những thứ đó là của Tôi hết thảy!”.

[79] Tính Nhất Thể với đời sống: Tính nhất thể hay nhất như là tính chất như nhau, bất nhị, không khác biệt giữa bạn với toàn thể, với tổng thể của đời sống. Trong một cơ thể, tay chân, và tất cả các bộ phận trong cơ thể của bạn có tính nhất thể, là một với bạn, và cũng chính là bạn. Nhìn rộng hơn trong đời sống, những người khác, muôn thú, đất đá, cỏ cây cũng có tính nhất thể với bạn.

[80] Một khuôn mẫu phản ứng bó buộc trong tình cảm: Mỗi lần có chuyện bất hòa trong quan hệ của bạn với người yêu, với vợ hay chồng của mình, … bạn cảm thấy rất khổ sở vì không được người kia đối xử với bạn một cách tôn trọng và hòa ái? Bạn nghĩ: “Tại sao em lại đối xử tệ với anh như vậy?”. Thực ra, không ai có thể đối xử với bạn tệ bạc cả, nếu bạn không cho phép họ. Một người chỉ nhận chịu sự đối xử khiếm nhã (như nói nặng lời, khinh rẻ, chửi mắng, hoặc bị đánh dập, bức hiếp, …) mà vẫn để cho tình trạng đó kéo đài vì tự thân người đó đang có một khiếm khuyết, một nhu yếu hay một nỗi sợ hãi nào đó mà họ không muốn đối diện và vượt qua. Nếu bạn nghĩ: “Tôi mà có phản ứng chính đáng thì cô ấy sẽ không cho tôi chạm vào người của cô”. Thực ra, bạn cần chuyện ấy bao nhiêu thì người kia cũng cần chuyện ấy nhiều như bạn, hoặc có lẽ còn cần nhiều hơn bạn nữa, nhưng thông thường bạn là người chịu thua trước. Do đó, tình trạng đối xử khiếm nhã, lấn lướt nhau trong quan hệ của bạn cứ tiếp diễn. Nếu bạn muốn xây dựng một quan hệ mà hai bên đều đối xử với nhau trong tinh thần tương kính thì bạn phải thực tập để vượt qua nhu yếu này. Vì đây là cái làm cho bạn dễ đàng nhượng bộ, đánh mất tư cách của mình. Khi bạn đã vượt thắng được thói quen này ở trong mình, bạn có thể giúp cho người hôn phối của mình giỏi hơn, xây dựng sự thành thật và lòng tương kính trong quan hệ giữa đôi bên..sup

[81] Vô Ngã: Tức là không có bản ngã, không có một cái “Tôi” tách biệt với đời sống và với mọi người chung quanh. Chúng ta luôn mang một ấn tượng rất mạnh rằng có một cái “Tôi”, có một bản ngã ở trong mình. Ấn tượng ấy ăn sâu trong tâm thức và thẩm thấu vào tất cả những gì bạn nghĩ, nói, hay làm. Bạn làm mọi thứ để chiều chuộng, làm vui lòng, phục dịch cho con người không có mặt mũi, không có thực ấy. Bạn loay hoay với chuyện sinh kế, sống còn vì bạn sợ rằng “Tôi” sẽ chết đói, “Tôi” sẽ mất việc, “Tôi” sẽ mất đi những gì “Tôi” trân quý… Nhưng bạn chưa bao giờ thực sự gặp mặt, hay tìm ra “con người ấy” ở trong bạn cả. Chắc chắn rằng bạn không thể nào cho người khác giáp mặt với “con người ấy” ở trong bạn, hoặc để bạn giới thiệu với một người khác rằng: “Ồ, đây, xin giới thiệu anh, đây là bản ngã của tôi”. Khổ đau không phải là một cái gì dễ chịu, nhưng bạn có thể chịu được. Nhưng điều làm cho bạn khổ sở muôn phần là ấn tượng rằng có một con người khổ đau, một cái “Tôi” khổ sở ở trong bạn.

[82] “Hãy chối bỏ bản ngã của anh em”: Nghĩa là tự nhắc với mình rằng sự thực là “Không hề có Tôi, Tôi không bao giờ có thật”, tức là bạn điều chỉnh lại sai lầm trong nhận thức của mình về tính xác thực của một cá nhân, một con người tách biệt, không bao giờ có thật ở trong mình. Quả thực khi không có một ý nghĩ nào xảy ra ở trong đầu bạn thì lúc đó chỉ có ý thức sáng tỏ ở trong bạn, mà không hề có một cá nhân, một thực thể gọi là “Tôi” ở trong bạn. Như thế khi bạn nhận ra mình đang làm một điều gì chỉ vì ấn tượng về bản ngã, vì lợi ích nhỏ nhen ở trong mình thì bạn hãy can đảm từ chối, nhất định không làm theo điều đó. Nếu đã lỡ làm rồi thì bạn sẽ tìm cách sửa chữa lại hoặc hủy bỏ những gì bạn biết là sai trái. Tập làm được như thế thì càng ngày bạn càng thoát ra khỏi gọng kềm tinh vi của bản ngã ở trong bạn.

[83] Bạn chính là Hiện Hữu bất diệt, không hình tướng: Bởi ý thức, sự Có Mặt vô hình tướng ở trong bạn là một cái gì bất diệt vì cái ấy siêu việt cả thời gian, vì bản chất ấy chưa bao giờ từng sinh, nên nó cũng không bao giờ có thể bị hoại diệt. Điều tối quan trọng mà bạn luôn nhớ là bản chất ấy không mang hình tướng. Do đó khi bạn thực tập và nhận ra mình đang bị vướng mắc vào một vấn đề gì đó, tức là một hình tướng nào đó, thì bạn biết rằng “Ồ, đây không phải là bản chất chân thật của mình, vì bản chất của mình là vô hình tướng”. Do đó bạn nhanh chóng buông bỏ và thoát ra được sự vướng mắc này.

[84] Một ảo tưởng sẽ không bao giờ làm cho bạn được thỏa mãn: Ngụ ý bản ngã là một ấn tượng chưa bao giờ được bạn kiểm chứng về tính xác thực của bản ngã, vì bản ngã chỉ là một ấn tượng sai lầm của con người. Có lẽ Trịnh Công Sơn (1939-2001) cũng muốn nói đến điều này khi ông viết những câu hát như sau: Không có dâu em này Không có cái chết đầu tiên. Và có dâu bao giờ Đâu có cái chết sau cùng. Tự mình biết riêng mình Và ta biết riêng ta. (Ngẫu nhiên) “Không có dâu em này” nghĩa là “Này em, em không bao giờ có thực như em vẫn thường nghĩ dâu”, và vì em dâu bao giờ thực sự hiện hữu cả nên em không thể chết, dù là chết lần đầu hay lần cuối. Và sự thức ngộ này chỉ có một mình em hiểu, một mình em hay, không thể giải thích cho người khác hiểu được những kinh nghiệm tỉnh thức mà em đã đi qua.

[85] “Đây quả là một câu kinh văn thực sâu sắc và thâm diệu”: Bởi vì nó nói về tính vô thường của vạn vật, giúp ta thoát ra được sự vướng mắc vào những gì chóng hiện, chóng tàn, tiếp xúc được với chiều không gian của Vô Tướng, của vô sinh, bất diệt ở trong mình.

[86] Nhu yếu muốn được nổi tiếng này che mờ bản chất chân thật của bạn: Vì không biết bản chất chân thật của mình, và để cảm thấy rằng mình là một người quan trọng, bạn có nhu yếu muốn khoe với người khác sự quen biết của bạn với những người có địa vị, quyền chức, … trong xã hội. Khi làm như thế thì bạn đang vô thức tự đồng hóa mình với bản ngã, vì bản ngã luôn nghĩ rằng “Tôi” giỏi hơn anh, “Tôi” quan trọng hơn anh.

[87] Mục tiêu của bản ngã là chỉ để tạo dựng nên một hình ảnh không có thực: Khuynh hướng “làm nổi”, dùng mánh lới và sự khôn khéo của mình để mua lòng thán phục của người khác, tạo nên một ấn tượng không xác thực về mình.

[88] Dùng quan hệ ấy để cho bản ngã đi tìm chính nó: Bạn dùng quan hệ của mình: Rằng “Tôi” có một người yêu xinh dẹp, hoặc giàu có, nổi tiếng, … như là một điều hay ho, cốt chỉ để làm người khác thán phục bạn.

[89] Người ta không ý thức được vai tuồng mà họ đang diễn bởi vì họ chính là vai diễn đó: Khi ta đóng một vai diễn đến độ xuất thần, thì biên giới giữa kịch và đời sống trở nên mờ ảo. Khi bạn tự đồng hóa mình với một vai diễn, bạn không còn phân biệt được bạn và vai tuồng mà bạn đang diễn. Đời sống là một vở bi hài kịch mà bạn chỉ là một nhân vật ở trong vở bi hài kịch ấy. Đừng quá nghiêm trọng với đời sống, vì dấy chỉ là một vở kịch, tất cả chỉ để bạn, một cái gì Không Hình Tướng, Bất Diệt, Bao La, Vô Giới Hạn, kinh nghiệm được thế nào là giới hạn, là mang hình tướng, thế nào là sống, thế nào là chết của một con người, thế nào là khổ, là vui, là ngục tù, là giải thoát. Dù bạn là một người thánh thiện hay một kẻ tội đồ, không có gì trong đời sống này có thể thay đổi bản chất chân thật Bất Diệt, Bao La, Vô Giới Hạn ấy của bạn.

[90] Khối khổ đau sâu nặng nào đó đang hoạt động: Một phương pháp giúp bạn hóa giải nhanh chóng khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn là phương pháp buông bỏ chúng mỗi khi ở trong bạn đang có sự biểu hiện của khối khổ đau sâu nặng này. Khi bạn đang có tranh cãi hay bất hòa trong một quan hệ, bạn có thể cảm thấy bối rối, không biết mình nên làm gì, hơi thở của bạn bỗng trở nên khó khăn hơn. Có cảm giác đau đớn, khổ sở và nóng bức ở trong người bạn. Đó là một dấu hiệu rất tốt cho bạn biết là khối khổ đau sâu nặng ở trong mình đang hoạt động. Điều bạn cần làm lúc này là giữ im lặng, cố ý thở những hơi thở thật đài và thật sâu, ngưng lại tất cả mọi tranh luận với người kia. Nếu cần, bạn nên nhẹ nhàng nói cho người kia biết là bạn đang căng thẳng quá, cần ra ngoài để đi dạo, hay bạn phải rời xa nơi ấy để có thì giờ riêng phục hồi lại sự quân bình ở trong mình. Nói qua nói lại, hoặc tranh hơn thua, phải trái với nhau trong lúc này là một điều không cần thiết. Bạn giữ ý thức rằng những khổ đau này là cái đã có sẵn ở trong mình từ quá khứ, mà không phải người kia đã gây ra, nhưng bây giờ nỗi khổ ấy đang được biểu hiện ra để cho bạn có cơ hội nhìn thấy và chuyển hóa khối khổ đau xưa cũ ấy.

[91] Trong hành trình đi vào con dường tâm linh, họ không còn biết họ là ai nữa: Tác giả ngụ ý rằng đây là trạng thái bối rối rất tự nhiên khi ta không còn đồng hóa mình với những biểu hiện của bản ngã, những nhân cách, vai trò quen thuộc mà mình thường đóng trước đây.

[92] Khuôn mẫu hành xử bó buộc của mình: Ví dụ như trong lĩnh vực nghề nghiệp, bạn có thái độ giữ kẽ, thủ thế, hoặc giấu nghề, không muốn chia sẻ với những người làm việc chung với bạn những kiến thức, những dữ kiện, thông tin cần được loan báo, hoặc những điều quan trọng không nằm trong sách vở mà chỉ một mình bạn biết. Bạn sợ rằng nếu người khác học được những điều này thì họ sẽ giỏi như bạn, hoặc vượt trội hơn bạn. Lúc đó bạn cảm thấy rằng bạn không còn ưu thế nào đó trong nghề của bạn, hoặc người ta sẽ không cần đến bạn nữa. Lúc đó bạn sợ rằng mình sẽ mất việc, … Bạn lý luận rằng: “Tôi đã phải mất nhiều công sức, và tiền bạc… mới học được những kiến thức quý báu này, bạn dâu thể tự nhiên ở dâu đến hỏi ngang xương vậy. Đâu có dễ vậy! Còn khuya tôi mới cho bạn biết!”. Nhưng đây chỉ là một lối hành xử bó buộc, và bị chi phối bởi bản ngã ở trong bạn, vì ở đây có ý niệm “kiến thức của Tôi”, “nghề nghiệp của Tôi”, và nhu yếu tranh dấu để sống còn “của Tôi” cần được bảo vệ.

[93] Các khuôn mẫu cư xử đã-được-khái-niệm-hóa đang giao tiếp với nhau: Nghĩa là bạn và người kia đang không thực sự giao tiếp với nhau như hai con người có tự chủ mà chỉ là những thói quen cư xử đã thành nếp của mỗi bên đang giao tiếp với nhau.

[94] “Tớ được lắm!” là vai diễn của bản ngã rất phổ biến ở Mỹ: Là câu trả lời cho câu hỏi: “Sao, dạo này cậu vẫn thường chứ?”. Cả hai bên, người hỏi và người trả lời, đều hiểu ngầm rằng câu hỏi thăm kia chỉ là một câu nói xã giao, vì không ai thực sự quan tâm về tình trạng sức khỏe hay cuộc sống của người kia cả.

[95] Những gì bạn đang suy nghĩ sẽ tạo nên những cảm xúc ở trong bạn: Đây là ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng nhất giữa những gì bạn nghĩ và những cảm xúc tương ứng trong cơ thể bạn. Một ý nghĩ lo lắng hay tiêu cực vừa phát sinh ở trong đầu bạn (như “Ồ, ngày mai mình sẽ mệt đuối người vì phải đi một quãng dường rất xa!”), và bạn cả tin vào ý nghĩ đó như là một điều gì xác thực, thì mặc dù bạn vẫn đang còn nằm ở nhà êm ấm, nhưng cơ thể của bạn bỗng dưng có cảm giác ê ẩm, mệt mỏi và căng thẳng xuất hiện, như thể bạn đang ngồi lắc lư trên một chuyến xe dò nhọc nhằn vì phải chạy qua một chặng dường đài. Mặt khác, nếu bạn nghĩ đến sự tươi mát, êm ả của một hồ nước trong trẻo, hay những bãi biển xanh ngắt với những rặng dừa ở một nơi nào đó thì bạn sẽ cảm thấy mình có cảm giác thư giãn, dễ chịu.

[96] Đừng trở thành những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực, mà hãy là nhận thức sáng tỏ đứng đằng sau những biểu hiện đó: Tức là không để cho mình tự đồng hóa với suy nghĩ hay cảm xúc, mà hãy có mặt để chứng kiến những biểu hiện nhất thời của suy nghĩ hoặc cảm xúc, chúng sẽ tan đi như sương buổi sớm. Điều bạn cần làm là có ý thức và thái độ chịu trách nhiệm cho những khó khăn, thống khổ ở trong mình. Bạn thực tập thở, vỗ về và chăm sóc cho nỗi khổ ấy. Bạn có thể tự nhủ: “Ồ, đang có một cảm giác khổ sở, ray rứt ở trong tôi. Nhưng tôi không phải là nỗi thống khổ này”. Do đó bạn có thể sẵn sàng để hiểu và buông bỏ hết những thống khổ này. Bạn buông bỏ những cảm giác khổ sở này như người ta quăng một cục than hồng đang cháy bỏng ở trên tay, hay buông một cánh diều để nó bay đi trong gió..sup

[97] Khi chức năng làm bố mẹ trở thành một tấm căn cước: Tức là bạn nhầm lẫn vai trò mình đang làm như thể đó là tư cách bất đi bất dịch; bạn tưởng lầm đó là con người của bạn.

[98] “Bố/mẹ biết điều gì là tốt cho con”: Bạn tin như vậy khi có ý nghĩ này về con mình. Nhưng bạn có hiểu rõ tâm tư, tình cảm và con người dặc thù riêng của con bạn để biết liệu điều bạn muốn chúng có được sẽ làm cho chúng hạnh phúc? Không khéo bạn đang ép buộc con bạn vâng theo những sở thích, quan điểm và ý kiến của riêng mình mà điều này có thể sẽ không phù hợp với cá tính của chúng.

[99] “Trời ơi, đây là những gì tôi đang làm ư?”: Bạn có đang dùng uy quyền, mua chuộc, hoặc hăm dọa con bạn để chúng vâng lời bạn? Bạn có nhìn ra và tôn trọng sự khác biệt giữa bạn với con cái và cho phép chúng được tự do trong suy tư, nhận thức và hành động?

[100] Khuôn mẫu mê mờ: Bạn thường than phiền với người khác rằng: “Con tôi là những dứa thật hư hỏng, chúng không có óc tự lập chút nào. Chúng luôn phụ thuộc vào tôi”. Nhưng bạn có can đảm để cho chúng ra đời tự kiếm sống không? Bạn có phụ thuộc vào chúng không, có e ngại rằng bạn sẽ đối diện với nỗi cô đơn khi tuổi già kéo đến, khi con cái của bạn đã dọn ra ở riêng? Bạn không biết rằng “cô đơn trong tuổi già” chỉ là một ý nghĩ mà bạn có thể buông bỏ và vượt thoát; ý nghĩ ấy chỉ có sức mạnh và trói buộc bạn khi bạn cả tin vào chúng.

[101] Bạn không xem đó là một vấn đề của riêng bạn: Thực tập để chấp nhận vợ, chồng, bố mẹ, anh, chị, em hoặc những người đồng sự ở công ty bạn khi họ biểu lộ thái độ thiếu nhận thức trong những gì họ đang nói, đang nghĩ, đang làm liên hệ đến bạn; bạn thực tập lòng bao dung và không phản ứng lại với họ. Đây là những thực tập tâm linh rất thiết thực để giúp bạn nhận diện và vượt qua được bản ngã ở trong mình, vì bản ngã luôn phản ứng để bảo vệ mình khi nó cảm thấy tư cách của nó bị de dọa. Thực tập lòng bao dung và không phản ứng lại với người khác là một thực tập sâu sắc, vì thực tập ấy sẽ cho bạn tiếp xúc được với sự tự do và niềm vui chân thật ở bên trong.

[102] Một nếp suy nghĩ cũ, bị bó buộc bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ: Tức là những suy nghĩ sai lầm, khắt khe của cha, mẹ bạn về bạn trong quá khứ bây giờ đã bị điều kiện hóa và trở thành là những suy nghĩ của chính bạn. Ví dụ một phán xét khắt khe, thiếu hiểu biết của cha mẹ bạn trong quá khứ, hoặc ngay cả trong lúc này: “Mày chỉ là đồ vô tích sự, ăn không ngồi rồi, chẳng làm nên trò trống gì!”. Vấn đề không phải là những gì cha mẹ bạn, hay ai đó đã nói với bạn và nói lúc nào, mà vấn đề ở chỗ bạn cả tin vào câu nói đó như là một điều gì xác thực. Bây giờ bạn đã sẵn sàng để vứt đi những rác rưởi này chưa?

[103] Ram Dass (sinh năm 1931): Một dạo sư người Mỹ, học trò của dạo sư Ấn Độ Neem Karoli Baba lỗi lạc và là tác giả của nhiều quyển sách về tâm linh. Tác phẩm đầu tay của ông là Be Here Now, xuất bản năm 1971.

[104] Thói quen suy tư: Lo lắng là một thói quen cả tin vào những ý nghĩ tiêu cực thường xảy ra ở trong đầu bạn. Khi bạn đã tin vào một ý nghĩ như “Tôi sẽ mất việc” thì cơ thể bạn đang thư giãn bỗng trở nên rất căng thẳng, hơi thở bạn ngắn đi và gấp rút hơn. Nếu bạn không nhận ra trạng thái lo lắng và căng thẳng không có căn cứ này và để chúng kéo đài thì bạn sẽ bị mất sức và mệt rũ, vì bạn ăn không còn thấy ngon miệng, bạn ngủ không yên giấc… Điều cần làm là nhận ra mình đang lo lắng vì cả tin vào một ý nghĩ không xác thực. Cái mà bạn có thể làm là có sự chú tâm vào công việc mình đang làm, làm những gì mình được yêu cầu với thái độ không phản đối hoặc không tránh né công việc, học thêm những kỹ thuật có thể giúp nâng cao tay nghề của mình. Làm tất cả những gì bạn cần làm và sống vô tư, không lo sợ gì ở ngày mai. Vì thực ra bạn, hay bất kỳ một ai, không thể kiểm soát những gì sẽ xảy trong đời sống. Chuyện gì đến thì lúc dấy bạn sẽ giải quyết, chuyện gì chưa đến thì bạn chưa cần phải lo lắng. Dùng một cuốn sổ tay để ghi lại một việc gì bạn vừa nhớ ra rằng cần làm trong ngày mai thì sau đó bạn không cần phải bận tâm hoặc nhớ nghĩ đến chuyện ấy nữa. Lo lắng không thể giải quyết được vấn đề, vì lo lắng chỉ là lo lắng mà thôi; hành động của bạn, trái lại, là điều bạn có thể làm để giải quyết vấn đề cho bạn.

[105] “Tôi không nên chịu khổ như thế này nữa”: Đây chỉ là một ý nghĩ mà bạn cả tin, và bạn không ý thức rằng bên cạnh nỗi khổ vì tình huống mà bạn đang gặp phải, bạn còn khổ hơn nữa vì đã cả tin vào ý nghĩ này. Thực ra, khi bạn đang khổ thì nên hay không thì bạn cũng đang gánh chịu nỗi thống khổ đó. Nhưng bạn càng khổ sở hơn khi trong bạn có thái độ chống đối, không chấp nhận tình trạng và những gì mà bạn đang trải qua. Điều bạn có thể làm là buông bỏ thái độ chống đối và hóa giải những cảm giác khổ sở đang có mặt ở trong mình bằng cách tưởng tượng rằng bạn đang đứng tắm dưới một dòng suối mát mẻ, có một làn nước mát dịu đang chảy xuống mặt, xuống đầu, xuống cổ, xuống khắp người của bạn đội gột đi tất cả những nặng nề, khổ sở, nóng rát ở trong mình. Tiếp tục thở và để cho nước dòng suối mát dịu ấy làm lắng dịu lại tất cả những nỗi niềm ở trong mình, và bạn tỏ lòng biết ơn với trời đất trước khi chấm dứt thực tập quán tưởng này. Khi mọi chuyện im lắng lại thì bạn sẽ nhìn sâu vào vấn đề và chia sẻ những khúc mắc ở trong lòng. Thường thì hai bên có sự bất hòa là do hiểu lầm và thiếu sự thông hiểu với nhau.

[106] Người chịu đóng dinh ở trên cây thập tự giá: Ý nói hình ảnh Chúa Jesus chịu đóng dinh trên cây thập tự giá là một biểu tượng cho trạng thái chấp nhận vô điều kiện, không phản kháng với tất cả những khổ đau mà ngài phải gánh chịu.

[107] Bạn sẽ tự đánh mất chính mình qua những công việc bạn làm: Khi bạn không ý thức rằng mình chỉ đang đóng một vai trò nào đó trong đời sống (anh thợ máy, bác sĩ, kỹ sư, …) thì bạn sẽ bị cuốn vào nhịp độ của công việc, tự đồng nhất mình với công việc tức là cho mình chính là vai trò đó và tự đánh mất chính mình.

[108] Sự cáo chung của bản ngã: Khổ đau là điều không dễ chịu gì, nhưng bạn có thể chịu được. Điều mà bạn không thể chịu nổi là ý nghĩ “Có một bản ngã, một con người tách biệt trong tôi đang gánh chịu khổ đau”. Do đó bản ngã quả thực là một gánh nặng trong đời sống của bạn. Khi bạn quá khổ đau thì bản ngã của bạn là thứ sẽ bị thiêu dốt trước tiên, đó là lúc cáo chung của bản ngã.

[109] Chính sự im lắng sẽ chấm dứt bản ngã: Khi bạn không còn thói quen cả tin vào những ý nghĩ, những thói quen phê phán người khác hoặc phê phán chính mình nữa, … thì lúc đó bạn không còn vấn đề gì nữa. Do đó mọi chuyện ở trong bạn sẽ im lắng lại và đó cũng là lúc cáo chung của bản ngã.

[110] “Xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết họ đang làm gì”: Chúa Jesus cầu xin Thượng Đế hãy tha thứ cho những người đã vu khống, đặt điều ngài, vì Chúa hiểu những người ấy không ý thức được những điều họ đang làm. Chúa không thấy rằng có một cá thể, một nạn nhân đang bị những người khác hành hạ, đánh dập. Trong lịch sử nước ta, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông tha thứ cho những lỗi lầm của một số triều thần phản trắc đã từng viết những lá thư cầu cứu với nhà Nguyên, nên vào tháng 5 năm 1289, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, Trần Thánh Tông đã sai người dốt hết đi tất cả những tờ biểu xin đầu hàng của một số triều thần nhà Trần để yên lòng những kẻ phản trắc, giữ tình đoàn kết của các quan trong triều đình.

[111] Thiền sư Hoằng Nhẫn (602-675): Vị Tổ thứ 5 của Thiền Tông Trung Hoa, người chỉ ra phương pháp chứng ngộ nhanh chóng và rốt ráo theo phương pháp của Đức Phật dạy trong kinh Kim Cương. Trong kinh này có câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”. “Ưng vô sở trụ” nghĩa là “Không để tâm chạy theo một ý nghĩ nào cả”, tức hành giả giữ tâm ý của mình trong im lặng, trong sáng, quan sát sự xuất hiện của mỗi ý nghĩ phát sinh ở trong tâm mình, nhưng nhất quyết không chạy theo và tự đồng hóa mình với những ý nghĩ đó. Nếu làm được như thế liên tục trong một thời gian thì tâm bạn sẽ đi vào trạng thái im lắng, có định lực và thoát nhiên chứng được tự tánh ở trong mình.

[112] “Chân Lý Tối Thượng là cái không thể tìm kiếm được”: Chân Lý Tối Thượng không phải là một đối tượng, một vật gì ở bên ngoài mà ta có thể tìm ra được. Vì cái không hình tướng đang phát ra trong đôi mắt mà bạn đang nhìn để dõi tìm Chân Lý Tối Thượng, cái đó chính là Chân Lý Tối Thượng, cũng chính là bạn. Do đó Chân Lý Tối Thượng sẽ không bao giờ có thể được tìm ra ở bên ngoài. Chân Lý Tối Thượng chỉ hiển lộ khi bạn đã buông bỏ tất cả mọi ý niệm và ước muốn tìm cầu. Nhưng rốt cùng, Chân Lý Tối Thượng cũng không phải là một vật gì thuộc về thế giới hiện tượng này, vì Chân Lý Tối Thượng vượt thoát mọi ý niệm, vượt thoát không và thời gian.

[113] Muốn có thành công, bạn cần phải hoan nghênh bất cứ thành công nào của người khác: Ám chỉ bạn phải trở thành cái mà bạn muốn có. Nguyên tắc “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có nghĩa là bạn sẽ thu hút những năng lượng tương ứng mà bạn phát ra. Bạn muốn người khác cư xử chân thành với bạn thì bạn hãy cư xử chân thành với người khác, tự khắc người khác sẽ cư xử tương ứng với bạn.

[114] Cái thực thể chiếm hữu kia: Tức là tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn, tức cũng là bản ngã của bạn.

[115] Cảm xúc có sự đối nghịch: Tức là những cặp đối nghịch đi đôi với nhau, không thể tránh được: Vui-buồn, yêu-ghét, hợp-tan, đẹp xấu, … Bạn khổ vì chỉ thích vui mà không thích buồn, thích đoàn tụ mà không thích chia ly.

[116] “Tại sao sư đệ vẫn còn mang cô ấy theo?”: Ý nói tại sao Ekido vẫn còn bị ám ảnh bởi một chuyện đã qua, tức là chuyện Tanzan giúp cô gái trẻ lúc ban sáng.

[117] Chứng kiến những bi kịch trong các mối quan hệ chung quanh bạn: Nhìn những quan hệ trong gia đình bạn, trong bạn bè và những người chung quanh, bạn sẽ chứng kiến có rất nhiều bi kịch đã cũ kỹ nhưng vẫn luôn lặp đi lặp lại. Bạn dễ nhìn ra vấn đề này ở người khác hơn và có khuynh hướng chê bai những người đó rằng: “Rồi, lại đi vào bi kịch nữa!”. Nhưng chính bạn cũng có những bi kịch tương tự, xảy ra một cách định kỳ. Nếu bạn hiểu được cơ chế hoạt động của những bi kịch ở trong người khác thì bạn dễ nhìn ra cơ chế hoạt động của bi kịch trong chính bạn hơn. Ý nghĩ nào đã nảy sinh trong đầu mỗi người, ý nghĩ nào đã được bạn cả tin một cách tuyệt đối để tạo ra những bi kịch này? Trong mối quan hệ của mình, bạn có thường cảm thấy khổ sở và có ý nghĩ từ tấm bé rằng: “Không ai hiểu, không ai thương tôi cả!” và bạn cả tin vào ý nghĩ này để không thấy, rằng từ xưa đến giờ, bạn chưa bao giờ hiểu và thương chính mình. Mình chưa hiểu chính mình thì làm sao một người khác, vợ mình, bạn mình, cha mẹ mình… có thể hiểu được mình. Bạn nghĩ: “Tôi quay quắt khổ sở vì người tôi yêu không hiểu tôi”, nhưng nhìn sâu bạn sẽ thấy, những quay quắt khổ sở này của bạn thực ra là bạn quay quắt khổ sở vì chính bạn không hiểu bạn, nhưng nỗi khổ ấy đã được bạn vô thức phóng chiếu thành một điều mà phần lỗi nằm ở người kia. Điều quan trọng không phải là có một người khác hiểu bạn, mà quan trọng là bạn hiểu được chính bạn.

[118] Chúa Jesus là hiện thân của khổ đau và khả năng vượt thoát khổ đau: Bạn hoặc người thân của bạn đã trải qua những biến cố kinh hoàng trong quá khứ, bạn có muốn tha thứ và chấp nhận những gì đã xảy ra, tha thứ cho những người đã làm khổ bạn như Chúa Jesus đã chấp nhận và tha thứ cho những kẻ đã tra tấn, hành hình ngài? Chấp nhận và tha thứ cho những hành động tối tăm và sai lầm của người khác là cách chúng ta có thể làm để vượt thoát những đau thương, thống khổ của quá khứ ở trong mình.

[119] Các màn bi kịch trong những mối quan hệ luyến ái làm khối khổ đau sâu nặng đó ngày càng phát triển hơn: Trong quan hệ luyến ái này, bạn có sự khoáng đạt, thong dong của một con người không? Bạn có tự chủ, tư cách và giữ được lòng tự trọng đối với chính mình? Bạn có e ngại rằng nếu bạn có thái độ thích đáng trong những bi kịch thường xảy ra trong quan hệ thì “Cô ấy sẽ không cho tôi chạm vào cô ấy, …”? Đây là những bi kịch thường diễn ra trong quan hệ luyến ái của bạn làm cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn ngày càng lớn hơn. Tất cả những nỗi khổ này của bạn chỉ phản ảnh sự vướng mắc hoặc khiếm khuyết nào đó ở trong bạn, nên bạn không thể đổ lỗi, hoặc trách móc người kia, vì quả thực không ai có thể uy hiếp bạn khi trong bạn không còn những thói quen nghiện ngập hoặc những nhu yếu không thể thỏa mãn được ở trong mình. Hãy tưởng tượng bạn sẽ sung sướng và tự do biết bao khi bạn đã chuyển hóa và vượt lên trên những nghiện ngập này.

[120] Khối khổ đau sâu nặng đang sống thông qua bạn, và nó đang giả vờ là bạn: Vì không ý thức về những khổ đau lưu cữu từ quá khứ ở trong ta, chúng ta vô tình tạo thêm khổ đau mới vì bản chất của khối khổ đau sâu nặng là tạo thêm khổ đau và bất hạnh mới để nó tiếp tục sống còn. Vì vô minh nên bạn thường nhầm lẫn rằng bạn chính là những khổ đau này, tuy nhiên nếu để ý, bạn sẽ thấy tiếng nói của khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn đang giả vờ rằng nó chính là bạn.

[121] Sau mỗi bi kịch kết thúc, hai bên sẽ làm hòa với nhau: Thực ra sự hòa hoãn này chỉ là sự ngưng chiến có tính chất tạm thời, nếu bạn vẫn chưa nhìn ra khuôn mẫu vô thức gì thường hoạt động khi có bi kịch. Phải tìm cho ra những ý nghĩ tiêu cực mà bạn vẫn cả tin về chính mình hay về đời sống thường đi kèm theo khuôn mẫu bó buộc này. Ví dụ: “Không ai tin tôi cả!”. Nếu đây là niềm tin sai lạc của bạn thì thử xem trong bi kịch, bạn có làm điều gì để tạo cơ hội cho người kia khó có thể tin vào bạn, khiến từ đó bạn càng củng cố niềm tin sai lạc của mình: “Không ai tin tôi cả!”.

[122] Họ chỉ bị cuốn vào nhau vì khối khổ đau sâu nặng của mỗi người bù đắp cho nhau: Đây là hấp lực của hai khối khổ đau, mà bạn cứ ngỡ là tình yêu, sức hút này bạn thường khó cưỡng lại được.

[123] Còn số khác thì héo mòn vì nuôi dưỡng lòng oán thù đầy ám ảnh đối với người hôn phối cũ của mình: Trong phút giây này, bạn không còn chung sống với người kia nữa, bạn có sẵn sàng buông bỏ những khổ đau cũ trong quá khứ để bước ra khỏi tâm thức nạn nhân? Bạn có cho phép những cảm giác bất hạnh trong bạn ngày trước được lắng yên và vui sống với những gì bạn đang có trong hiện tại? Bạn có đang vật lộn, tranh cãi với quá khứ không, như thể điều đó vẫn còn đang xảy ra hoặc chưa kết thúc? Thật ra mọi chuyện đã xảy ra rồi và đã kết thúc. Bạn có nghĩ chuyện ấy không nên xảy ra hoặc người ấy không nên phụ rẫy bạn? Thật ra nên hay không nên thì người ấy đã làm những điều mà bạn nghĩ là người ấy không nên làm và dù bạn muốn hay không muốn thì người ấy cũng đã phụ rẫy bạn. Lòng oán thù ở trong bạn không thể gây tổn thương cho người ấy. Người bị tổn thương nhất chính là bạn, người mà trong phút giây này vẫn còn deo dẳng những gánh nặng khổ đau của quá khứ. Dù bạn có bao nhiêu khiếm khuyết hay có sai lầm lớn đến dâu, nhưng những gì người kia đã làm là chỉ vì người kia, vì những gì người ấy muốn làm, và cần làm, … chứ không phải vì những khiếm khuyết, hay sai lầm của bạn. Vậy thì bạn đã sẵn sàng tha thứ cho chính mình chưa? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhận ra rằng: “Ồ, con người khổ đau, bị phụ rẫy mà Tôi cho chính là Tôi ấy chỉ là một hư cấu, một cái gì không có thực trong đời sống”, rằng đời sống chỉ là một giấc mơ và chúng ta đang khổ sở vì phản ứng với những gì mình nhìn thấy trong mơ.

[124] Người Do Thái bị ngược đãi qua nhiều thế kỷ nên khối khổ đau sâu nặng của tập thể một chủng tộc được thể hiện ở họ rất rõ: Tương tự như thế, hậu quả của trên 10 thế kỷ Bắc thuộc, các cuộc nội chiến liên miên trong suốt chiều đài lịch sử Việt Nam, và gần đây là những cuộc chiến tranh lớn với các siêu cường phương Tây đã để lại những hậu quả khốc liệt của chiến tranh: tinh thần vị kỷ, óc phân hóa, kỳ thị, chia rẽ, … trong tâm hồn nhiều người Việt Nam chúng ta. Nhưng người Do Thái đáng cho chúng ta khâm phục vì sự dứt khoát dẹp bỏ thái độ hẹp hòi, đặt lợi ích của cá nhân và gia đình qua một bên khi quyền lợi của đất nước và dân tộc họ bị đe dọa.

[125] Các vai trò xã hội mà hầu hết mỗi người đều miễn cưỡng trình diễn theo khi phải tiếp xúc với người khác: Bạn đến phòng mạch bác sĩ thì bạn đóng vai bệnh nhân; bạn đi vào một buổi tiệc thì bạn đóng vai khách, còn chủ nhân thì đóng vai người chủ buổi tiệc tiếp chuyện nhau theo khuôn sáo của những vai trò này.

[126] Giọt nước cuối cùng: Nguyên câu là:“Giọt nước cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà”. Đây là một thành ngữ trong tiếng Anh, hàm ý rằng mọi chuyện đã tồi tệ sẵn, chỉ đợi một điều rất nhỏ, như một giọt nước, để cho mọi chuyện đổ vỡ ra…

[127] Lời cảnh báo về sức khỏe trên mỗi gói thuốc lá: “Thuốc lá có thể làm hại đến sức khỏe của bạn”, …

[128] Những xúc cảm tạo nên khối khổ đau sâu nặng ở trong cô có thể sẽ đưa cô ấy đến với một người có khối khổ đau tương tự như ở người cha của cô: Đây là sự thu hút của những năng lượng giống nhau, trong trường hợp này là những năng lượng của khổ đau với mục đích là giúp bạn nhìn thấy sự băng hoại trong cách bạn sống, trong cách hạn hẹp mà bạn nhìn đời sống, cách bạn cư xử với nhau để bạn đi đến nhận thức rằng: “Tôi không thể tiếp tục sống như thế này!”, và bạn phải tìm cách để vượt thoát khỏi những khổ đau ấy.

[129] Khối khổ đau sâu nặng chỉ muốn những điều bất hạnh, tồi tệ xảy ra cho bạn: Vì đây là cách mà khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn lấy thêm sức mạnh và tiếp tục sống còn. Nếu bạn sống vui vẻ và hạnh phúc thì khối khổ đau sâu nặng ấy sẽ không được nuôi dưỡng, sẽ yếu dần và sẽ chết.

[130] Là nhận thức đã ý thức được chính nó: Tức là Tâm, bản chất chân thật của bạn, nhận ra được chính nó.

[131] Bạn biết chấp nhận tình huống đó và ngay lập tức trở thành một với tình huống đó: Trở thành một với tình huống tức là bạn biết rõ những gì mình cần làm trong phút giây đó và sẵn sàng để làm điều đó. Giả dụ như bạn vừa mất việc, lại được tin vợ bạn muốn tiến hành chuyện ly dị, điều bạn cần làm là chấp nhận rằng bạn đã mất việc, một điều bạn không thể cứu vãn gì được, vì khi người khác đã quyết định cho bạn nghỉ việc, đây là một quyết định cuối cùng. Mất việc là một biến cố kinh khủng đối với bạn, hay với bất kỳ một ai trong tình huống này, vì biến cố này làm cho bạn chấn động, lung lay. Biến cố này buộc bạn phải xét lại tư cách, giá trị của con người mình. Những gì mà bạn thường tự đồng hóa mình trước đây: Tôi là một bác sĩ; Tôi là kỹ sư; Tôi là một chuyên viên diện toán, hay gì đó… bây giờ không còn nữa, bên cạnh những lo lắng về chuyện sinh kế, sống còn, bạn phải đối diện với khủng hoảng về tư cách của mình: “Tôi là ai, nếu tôi không còn làm những công việc ấy nữa?”. Nhưng biến cố này cũng là một cơ hội cho bạn nhận thức rằng bạn không thể nương tựa vào những hình tướng luôn đổi thay, biến chuyển trong đời sống: công việc làm, tình trạng hôn nhân, sức khỏe của bạn, … để tìm một tư cách, một cái gì mà bạn có thể đồng hóa và cho rằng “Tôi là cái ấy”.

[132] Cách bạn phản ứng với một tình huống hay với người khác, khi có thử thách lớn, là chỉ số tốt nhất để giúp bạn hiểu chính mình sâu sắc đến mức nào: Ví dụ bạn nghĩ rằng mình không quan tâm lo lắng đến tiền bạc, sinh kế. Điều này có thể dúng khi bạn vẫn đang còn tiền bạc và có công việc ổn định. Cho đến một hôm bạn được phòng nhân sự gọi và được báo rằng hôm nay là ngày cuối cùng của bạn ở công ty, thì phản ứng của bạn lúc đó sẽ như thế nào? Hoặc sáu tháng sau, khi bạn vẫn chưa tìm ra việc làm mới. Biến cố này sẽ giúp bạn hiểu được những gì bạn cho là có giá trị đối với bạn.

[133] Khi bạn nhận ra rằng những gì mà bạn thường khó chịu ở người khác, thì những khiếm khuyết đó cũng có sẵn ở trong bạn: Ví dụ bạn ghét cay ghét đắng những người thích khoe khoang thì không khéo chính bạn cũng có thói quen khoe khoang, khoác lác này, nhưng có lẽ bạn chưa nhận ra.

[134] Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc: Tức là Hakuin Ekaku (1685-1768); ngài là một thiền sư có công phục hưng lại dòng Thiền Lâm Tế ở Nhật. Ngài kết hợp lại phương pháp thiền tọa và thiền công án vốn là một phương pháp thực hành truyền thống của thời ấy.

[135] Cảm nhận về bản thân bạn tùy thuộc vào quá khứ để có được một tư cách của mình: Nghĩa là bạn còn vướng vào những chức vị hay vai trò gì đó trong quá khứ để tìm cho mình một tư cách, không biết rằng những thứ đó đã qua di, dù bạn có luyến tiếc thì chúng cũng không còn nữa. Bạn không biết rằng trong phút giây này bạn vẫn còn đang sống, đang có mặt với những gì đang xảy ra ở chung quanh và bạn không cần một cái gì khác ngoài phút giây này để cảm thấy an ổn và đầy đủ.

[136] Tùy thuộc vào tương lai để có được sự hoàn thiện, đầy đủ: Tương tự như thế, khi phóng tâm về tương lai, bạn sẽ rơi vào trạng thái đợi chờ một cái gì đó trước khi bạn cảm thấy hạnh phúc, đầy đủ. Giật được mảnh bằng này, tậu được thêm những tài sản kia, lấy được một người hôn phối như thế nào đó, … Như thế bạn sẽ không hưởng được những gì đang có mặt trong bạn và chung quanh bạn. Dù bạn đang ngồi trước mặt vợ, chồng, con cái, thì những người thương của bạn cũng không tìm ra bạn, vì dù bạn đang ngồi đó, nhưng hồn thì đang phóng tâm về một chuyện gì ở tương lai. Bạn không biết tận hưởng những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có trong phút giây này.

[137] Trở nên thân thiện với phút giây này, chào đón phút giây này: Từ chuyện bạn phải đi trong trời mưa gió trong đêm tối, hay bạn vừa được phòng nhân viên cho hay hôm nay là ngày cuối của bạn ở công ty mà bạn đã làm bấy lâu nay, tất cả những chuyện này được bạn niềm nở tiếp nhận. Vì hiểu rằng đây là điều tất yếu trong đời sống, không thể tránh được.

[138] “Ở ngoài ra làm sao thì ở trong cũng như vậy”: Nghĩa là những biểu hiện tiêu cực ở bên ngoài của đời bạn (những khó khăn trong quan hệ luyến ái, trong quan hệ với gia đình hoặc ở công ty) chỉ là phản ảnh rõ nét những băng hoại ở trong bạn. Cho nên thay vì lo cải thiện, sửa đổi bên ngoài thì bạn nên chú tâm để chăm sóc, chuyển hóa và buông bỏ những thói quen, thái độ, cách cư xử, suy nghĩ tiêu cực, … ở bên trong mình. Bạn sẽ thấy khi mọi chuyện ở trong bạn đã thay đổi theo một chiều hướng tích cực thì mọi chuyện bên ngoài của bạn cũng sẽ thay đổi một cách tương ứng.

[139] Sufi: Tên gọi những nhà huyền học của Hồi giáo.

[140] Giúp bạn có thái độ không tham đắm, không vướng mắc: Tức là khi bạn đang có tài sản hay địa vị, bạn vẫn hiểu tính chất không bền vững của những thứ này để khi không còn những thứ đó nữa thì bạn hiểu “Ồ, đây là lúc tan rã của nó”, mà không quá quay quắt khổ đau hay đi đến chỗ tự hủy mình vì mất mát.

[141] Thói quen suy nghĩ: Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng bạn rất ghiền những ý nghĩ ở trong đầu bạn. Mỗi ý nghĩ xuất hiện ở trong đầu, bạn đều cả tin vào ý nghĩ đó và nó luôn kéo bạn đi theo, như thể bạn đang rảnh rỗi và có một người bạn thân đến rủ bạn đi chơi, và bạn đi ngay không do dự hay suy xét gì. Nhưng ý nghĩ nguy hại nhất mà bạn cả tin vào là ý nghĩ: “Tôi là một con người, một cá thể tách biệt với đời sống và thế giới chung quanh”.

[142] Tiếng nói liên miên ở trong đầu họ: Là tiếng nói ồn ào của bản ngã mỗi người, luôn phê phán người này, chỉ trích người kia, ngay cả phê phán chính họ.

[143] Bị cầm tù trong thói quen lo nghĩ vẩn vơ: Suốt ngày bạn bị giam hãm trong những ý nghĩ lo sợ miên man, không thể thoát ra được.

[144] Nếu có một ý nghĩ nào xuất hiện, đừng để cho mình chạy theo ý nghĩ đó: Nếu bạn có mặt thì khi một ý nghĩ xuất hiện, bạn sẽ nhận ra: “Ồ, có một ý nghĩ đang xuất hiện ở trong mình”; và nhờ bạn có ý thức về sự xuất hiện của ý nghĩ đó, bạn sẽ không bị cuốn theo, cả tin và tự đồng hóa mình với ý nghĩ đó.

[145] Chủ thể nhận thức ấy mãi mãi là một điều bí mật, bất khả tư nghị: Nghĩa là cái Biết ở trong bạn có khả năng nhận biết những gì đang xảy ra chung quanh bạn, nhưng tự thân nó vẫn là một điều bí mật, không thể nghĩ bàn gì được.

[146] Một em bé khổ sở, đầy thương tích ở trong bạn: Những thói quen nghiện ngập ở trong ta như một em bé rất khổ sở vì mang nhiều thương tích chưa được chữa lành nên em bé này luôn kêu gào, vật vã ở trong ta. Bạn đi vào con dường nghiện ngập là cách, dù tiêu cực, để bạn giúp mình tạm thời làm tê dại hoặc để quên đi nỗi khổ, niềm đau sâu kín ở trong lòng. Nhưng bạn không thể trực tiếp chữa trị chứng nghiện ngập ở trong bạn. Điều thiết thực mà bạn cần làm ở đây là nhận diện những vết thương mưng mủ này ở trong nội tâm bạn, hãy vỗ về, chăm sóc và thương yêu em bé thương tích đó như bạn đang vỗ về một dứa con của bạn. Khi những khổ đau này được lắng dịu và bình phục thì bạn sẽ thoát ra được thói quen nghiện ngập ở trong mình.

[147] Bạn làm những hành động này hoàn toàn trong vô thức: Có những khuôn mẫu vô thức rất sâu dậm đến độ bạn không hề ý thức rằng mình đã làm như vậy. Có trường hợp những người lính đã từng tham dự vào các trận đánh lớn, dù nay không còn phục vụ trong quân ngũ nữa nhưng nếu chẳng may bị một tai nạn xe hơi và được trực thăng cấp cứu đến đưa vào bệnh viện thì họ vẫn có thể rơi vào một trạng thái vô thức và phản ứng như thể họ đang ở trong chiến trận. Đó là vì tiếng ồn của động cơ, ánh dèn chớp nháy của trực thăng, … đưa họ trở về những ám ảnh cũ trong chiến trận. Đây là một vấn đề về tâm lý, một căn bệnh về tâm thần mà phương Tây gọi là Post Traumatic Stress Disorder (viết tắt: PTSD), tức là sự Căng Thẳng và Ám Ảnh Tâm Lý của một người sau khi đã đi qua một kinh nghiệm kinh hoàng. Để chữa trị hội chứng này, điều cần làm là giúp cho người bệnh nhận thức rằng ở trong họ có những cảm giác sợ hãi, giận dữ, u sầu, …về biến cố đó; rằng chuyện ấy có thể xảy ra cho bất kỳ một ai chứ không phải cho riêng gì một cá nhân; điều quan trọng là không quy lỗi cho một ai trong biến cố đó. Người ấy cần được nói ra những gì đang ám ảnh họ, tiếp xúc và hóa giải những cảm xúc ấy, nhận diện những suy luận, diễn dịch không xác thực về biến cố ấy, … giúp cho họ nhận thức rằng đó chỉ là những ám ảnh tâm lý đã thuộc về quá khứ vì trong giây phút này, không có chuyện gì đáng sợ đang xảy ra cho họ hoặc cho người thân của họ cả. Hiểu, chấp nhận và tha thứ cho những gì đã xảy ra là cách duy nhất để hóa giải vết thương của quá khứ.

[148] Hãy sáng suốt để tóm lấy bất kỳ một ý nghĩ nào đang xảy ra ở trong đầu bạn: Khi bạn là người mắc phải những thói quen nghiện ngập như rượu, thuốc lá, cần sa, ma túy, tình dục… thì trong thời gian cai thuốc, thói quen của bạn sẽ ngày đêm rủ rỉ bên tai bạn những lời dụ ngọt, cố thuyết phục bạn bằng những lý lẽ rất hay ho, chỉ cốt để kéo bạn trở về con dường nghiện ngập. Do đó, bạn phải rất khiêm tốn và sáng suốt để nhận ra khi có một ý nghĩ dụ hoặc này xảy ra ở trong bạn và dừng để mình cả tin vào ý nghĩ đó. Nếu bạn không ý thức và lỡ cả tin mà làm theo những ý nghĩ đó thì chỉ cần xác nhận “Ồ, mình vừa bị ý nghĩ nghiện ngập ấy đánh lừa một lần nữa!”, không cần phải tự dằn vặt mình về thất bại này, mà chỉ cần bạn tiếp tục thực tập nhận diện những ý nghĩ này khi chúng phát sinh ở trong mình.

[149] Cơ thể của bạn chính là một phiên bản thu nhỏ của vũ trụ: Theo nguyên lý Âm Dương ngũ hành, thì con người là vũ trụ nhỏ, là một phiên bản của Trời Đất, vũ trụ lớn.

[150] Khi bạn chấp nhận hoàn toàn những gì đang biểu hiện: Dù có những điều bất hạnh lớn đang xảy ra trong giây phút này, bạn vẫn sẽ tiếp xúc được với năng lực của vũ trụ và bạn biết mình cần làm gì trong lúc đó.

[151] Những khoảng hở của vô niệm: Đây là trạng thái tự do, khoáng đạt ở trong bạn khi tâm bạn không bị cuốn vào những ý nghĩ lo sợ, những suy nghĩ miên man không chủ đích hoặc những lo sợ vẩn vơ ở trong mình.

[152] Không gian bên trong sẽ phát sinh khi bạn buông bỏ nhu cầu coi trọng tư cách bên ngoài của mình: Trong xã hội, bạn có thể là một người rất có tiếng tăm và địa vị, đó là vai trò, tư cách ở bên ngoài của bạn. Nếu bạn muốn tiếp xúc với không gian bên trong của bạn thì hãy tự xem mình là một người không có tiếng tăm, không có chức vị gì quan trọng cả.

[153] Một thói quen cư xử bó buộc: Nếu bạn là một người thiếu tự tin, cả tin vào ý nghĩ “Tôi không thể tự nuôi sống mình”, thì bạn luôn cảm thấy bị thu hút bởi những người mà bạn cho là có quyền chức, hoặc giàu có để “trao thân, gửi phận”. Ngược lại, người kia thích bạn vì họ cần những người yếu đuối, nương tựa vào họ để họ cảm thấy “Tôi là một người quan trọng”, rằng “Có những người khác cần đến Tôi!”. Cả hai người đều tin vào một ý nghĩ tương tự như nhau: “Tôi là một cá thể, tách biệt với đời sống và với thế giới chung quanh” cần tựa vào nhau để sống.

[154] Phải đánh mất chính mình: Tức là buông bỏ tất cả những hình tướng gì bên ngoài mà mình đã từng cho đó là mình để tìm ra được bản chất chân thực bên trong của mình. Nếu bạn mắc phải chứng trầm uất mà nguyên nhân không phải là do bạo hành hay ngược đãi, thì có thể là bạn hoàn toàn cả tin 100 phần trăm rằng “Thế giới này hiện hữu chỉ vì Tôi và cho Tôi”. Mọi người làm chuyện gì cũng vì bạn cả. Rằng bạn là trung tâm của vũ trụ. Trong trường hợp này, điều có thể giúp bạn là bạn hãy ghi ra những ý nghĩ mà bạn cả tin về đời sống và tham vấn với những người xung quanh để nhận ra rằng những điều bạn tin thực ra không xác thực như bạn vẫn thường nghĩ. Ví dụ, hôm nay bạn nhìn thấy một người quen, nhưng người ấy không chào hỏi gì bạn cả. Bạn tin chắc rằng: “Hôm nay anh ấy không niềm nở với em là vì anh ấy không còn thích em nữa!”, hãy ghi vào nhật ký điều này và đối chất với người kia để tìm xem tại sao người ấy có thái độ như vậy. Đánh mất chính mình là buông bỏ niềm tin “Thế giới này hiện hữu chỉ vì Tôi và cho Tôi”, thì bạn sẽ tiếp xúc được với một cái gì rộng lớn, khoáng đạt hơn.

[155] Một khuôn mẫu cư xử bó buộc: Lối cư xử đầy tính vị kỷ trong quan hệ của bạn với người khác; trong mỗi quan hệ, bạn chỉ luôn nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Bằng mọi cách, bạn luôn giành phần hơn cho mình. Dù không yêu thương gì những người ái mộ bạn, nhưng bạn vẫn thích để đành những quan hệ đó kiểu như “nhỡ khi trái gió, trở trời”. Bạn không thẳng thắn cho họ biết rằng bạn không thể hồi đáp lại cảm tình, lòng ái mộ của họ đành cho bạn, để họ có thể đi tìm một quan hệ khác.

[156] Bạn trở nên ít hơn để trở thành nhiều hơn: Ít ở đây là ít chất vị kỷ của bản ngã, do đó có nhiều chất thánh thiện, sáng dẹp hơn.

[157] An nhiên tự tại: Trạng thái an nhàn, hạnh phúc, và đầy đủ mà không phụ thuộc vào những điều kiện ở bên ngoài.

[158] Thực ra bạn, hay bất kỳ ai, không thể làm một việc trong suốt 30 năm sắp đến: Nếu bạn đang ở trong tù, bạn không thể nghĩ rằng “Tôi sẽ ở trong tù trong suốt 30 năm nữa” vì đó chỉ là dự phóng không xác thực về tương lai, mà bạn chỉ có thể nói rằng “Trong phút giây này tôi đang ở trong tù”. Thực ra, “30 năm” cũng chỉ có thể xảy ra trong phút giây này. Cho nên bạn không thể biết được giây phút sắp đến chuyện gì sẽ xảy ra. Biết dâu bạn sẽ được phóng thích.

[159] Phương tiện sẽ phá hủy cứu cánh: Cách bạn thực hiện việc đó sẽ làm hỏng mục đích của bạn.

[160] Trạng thái tâm thức của bạn đóng vai trò chủ yếu: Nghĩa là khi làm bất kỳ việc gì, bạn đều giữ cho tâm mình nhẹ nhàng, trong sáng, có mặt với những gì bạn đang làm. Bạn sẽ thưởng thức được niềm vui khi tập trung hết sức mình vào công việc đang làm chứ không đầu tư vào kết quả của những việc đó.

[161] Cho rằng một biến cố nào đó xảy ra là do một nguyên nhân duy nhất nào đó: Đây là một sai lầm trong nhận thức vì mỗi biến cố muốn xảy ra được thì phải có rất nhiều nguyên nhân. Do đó, khi bạn gặp một sự đổ vỡ trong quan hệ luyến ái, hay gặp phải một chuyện gì không may, bạn không thể cho rằng chính người đó (một nguyên nhân duy nhất) đã phá hết những gì bạn đang có. Bạn cho rằng vì người đó mà bạn phải gánh chịu tất cả những khổ đau nhưng thực ra chính bạn cũng đã, không ít thì nhiều, góp phần làm cho biến cố này xảy ra.

[162] Thi hài người chết được đem ra cho mọi người xem: Giúp ta ý thức về lẽ vô thường của đời người, ý thức rằng ta rồi cũng sẽ chết, giúp chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống và điều này có thể giúp chúng ta biết chúng ta nên sống như thế nào để không hoang phí đời sống của mình.

[163] Tất cả các loài hữu tình trên trái đất: Con người, muôn thú, cỏ cây.

[164] Hãy thấy mình là một cánh cửa qua đó năng lượng từ Cội Nguồn của Vô Tướng tuôn chảy vào đời sống, phục vụ cho lợi ích của tất cả mọi người: Tức thấy mình là biểu hiện tươi mát, thánh thiện của Trời Đất.

Bình luận
× sticky