Thực ra, chết đâu có gì đáng sợ, điều đáng sợ nhất là, khi yếu đuối nhất, người thân nhất bên cạnh lại bỏ rơi em để cao chạy xa bay…
Vé cô mua là loại ghế cứng, đêm đến, cô ngủ gục trên ghế. Đến nửa đêm thì bị tỉnh giấc, hóa ra, một đám thanh niên ở dãy ghế bên cạnh đang ầm ĩ chơi trò điện tử có tên là Sát nhân, gần như mọi người trên toa đều bị đánh thức nhưng chẳng ai nói gì. Có một người chơi chán rồi liền bắt chuyện với một thanh niên trẻ ngồi ngay trước Đường Du, hình như họ là sinh viên năm thứ hai, mới bắt đần năm học nên tranh thủ đi vùng nông thôn ở Quảng Tây làm điều tra xã hội, tiện đường dự định ghé qua Quế Lâm du lịch trước. Nói đến Quế Lâm, Lý Giang, Dương Sóc, toàn những nơi non xanh nước biếc, mặt mày họ đều tươi tỉnh như thể vừa trở về từ những nơi đó. Cặp mắt họ đen láy, tròn như trái nho đã ngâm sạch trong nước, ánh mắt toát lên vẻ háo hức.
Đường Du gắng gượng một lúc, đám sinh viên kia vẫn tỏ ra rất hào hứng, không cưỡng lại được sự mệt mỏi, cô lại gục xuống ngủ tiếp.
Khi tỉnh dậy đã là tám giờ sáng ngày hôm sau. Vừa mở mắt ra, đám sinh viên vẫn đang chơi điện tử, mặc dù thức cả đêm nhưng tinh thần họ vẫn rất phấn chấn, hăng hái. Cô mỉm cười, ngoảnh đầu lại thì phát hiện người thanh niên bên cạnh không biết đã đổi vị trí sang ghế đối diện tự khi nào, đang nhìn cô, cô cũng nhìn anh mỉm cười, lễ phép gật gật đầu.
Trong khi đang ở khoang đánh răng, rửa mặt trên tàu, người thanh niên ấy cố tình đợi cô, lúc cùng quay về toa, anh hỏi: “Cô không phải cùng nhóm với bọn họ ư? Sao không thấy tham gia chơi cùng?”
Cô cười, đáp ngắn gọn: “Không phải.”
Từ nhỏ, cô đã không biết sống hòa mình, trước đây thì không biết cách hòa mình như thế nào, đến khi ý thức được, cảm thấy một nhóm bạn học cùng nhau chơi đùa, vui vẻ, muốn tham gia cùng nhưng sợ không biết nói gì, sợ rằng vì mình mà cả nhóm mất vui. Vậy là dứt khoát không tham gia nữa, cứ thế dần dần hình thành trong cô thói quen tách biệt với đám đông.
Ngồi vào chỗ, cô lại nhắm mắt nghỉ ngơi, người thanh niên kia cũng không bắt chuyện nữa.
Mười mấy tiếng đồng hồ lại trôi qua, buổi chiều, tàu đến ga Quế Lâm. Nhóm sinh viên ầm ĩ kéo nhau xuống, toa xe vắng hẳn một nửa, bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường, người thanh niên ngồi cạnh Đường Du cũng xuống. Vé cô mua là đến Trạm Giang, nhưng trong lúc nhân viên tàu đang chuẩn bị đóng cửa toa, cô bỗng xách hành lý của mình, vừa chạy về phía lối ra ở cuối toa, vừa nói với nhân viên: “Xin chờ một lát.”
“Sao thế, ga đến của mình mà cũng không biết?” Người nhân viên chau mày, giọng bực tức, dừng tay lại.
“Xin lỗi, xin lỗi, tôi ngủ nên không để ý thời gian.”
Vừa xuống tàu, một cơn gió lạnh táp vào mặt, không ngờ thời tiết phương Nam lại lạnh hơn miền Bắc, bên ngoài đang mưa rất to. Cô rụt cổ, tay kéo hành lý ra khỏi ga Quế Lâm, phía trước mặt là một ngọn núi đẹp nhưng vì mưa quá to, ngọn núi ẩn hiện lờ mờ trong làn mưa, trông không được rõ. Cô lấy từ trong va li ra một chiếc ô, đi dọc theo mái hiên nhà, khi ngang qua cửa phòng chờ, lại trông thấy nhóm sinh viên, người nào người nấy đều ủ ê, đầu rủ xuống như những quả cà trong sương giá. Một người đeo ba lô đang ngồi xổm trên đất, bực tức nói: “Này, ai quyết định đến đây hôm nay, trước khi đi không xem dự báo thời tiết à? Giờ thì thích rồi, mưa to thế này thì du lịch nỗi gì?”
“Chắc là có bão, trước khi đi, ai mà biết được. Ôi, lạnh quá, không ngờ Quế Lâm còn lạnh hơn cả thành phố B, bọn mình không mang ô, cũng chẳng đem quần áo, thế này thì, hắt xì…!”
Một người khác nói: “Đừng trách móc nữa, các cậu xem, có mấy ai đem ô đâu? Bọn mình đi tìm chỗ ở trước
Đúng lúc ấy, có người cầm ô đến hỏi: “Này, cô ơi, đi Dương Sóc không? Chỉ hai mươi tệ thôi.”
Người khác cũng chen vào, “Đi Dương Sóc, xe buýt cao cấp, mười lăm tệ đây.”
“Nào, đi Dương Sóc nào, mười tệ một người, mau lên, mau lên…” Giọng của người đứng bên cây long não bên ngoài bến xe cũng vang lên.
Cuối cùng Đường Du cùng nhóm sinh viên đều lên xe đi Dương Sóc. Tay tài xế và chủ nhà nghỉ là chỗ thân quen nên đã bố trí chỗ ở ổn thỏa cho họ, giá phòng cũng không đắt. Sau khi đến nhà nghỉ, họ đi cùng bà chủ vào xem phòng trước, thấy phòng ốc ổn, sạch sẽ, gọn gàng nên cả nhóm đồng ý trọ lại.
Mấy ngày đầu, vì mưa to nên Đường Du không đi đâu, cả ngày chỉ quanh quẩn trong phòng. Nhà nghỉ gần sông, nhìn qua cửa sổ phòng có thể trông thấy dòng Ly Giang. Thời điểm này, nước trên sông Ly Giang dâng đầy, mênh mông một màu vàng đục, những ngọn núi nhỏ xam xám nhô lên trên nền đất bằng trông lờ mờ, ẩn hiện trong làn mưa, lòng cô vẫn lạnh lẽo như vậy. Cô ngồi bên cửa sổ, nắm chặt chiếc điện thoại di động trong tay. Chiếc điện thoại vẫn đang tắt nguồn, nhưng cô chưa bao giờ quên sạc pin, cứ trốn cả ngày trong phòng, đờ đẫn nhìn nó.
Sau bốn ngày, mưa cuối cùng cũng tạnh. Lúc này, bà chủ nhà đã giới thiệu hết cho cô những nơi thăm thú và ăn uống nổi tiếng, độc đáo của Dương Sóc, phố Tây hào hoa, suối Hồ Điệp, cây đại cổ thụ, núi Vầng Trăng, ốc hấp rượu, cá hấp bia, phở Quế Lâm… Cô đi lang thang một mình, mãi tận khuya mới đến phố Tây, lúc này, người trên phố rất ít, đêm nào cô cũng ngồi ở quán cà phê cuối phố. Ở đó có nhiều cuốn sổ có thể ghi lại lời nhắn, mỗi cuốn đều chứa đựng rất nhiều tâm sự. Có lẽ mọi người đều coi nơi này là “Cái tai lừa của Quốc Vương” nên chẳng ai ngại ngùng bày tỏ tâm trạng của mình: có vài người là kẻ thứ ba nói về sự đau khổ khi phải ra đi, có vài người thất tình, nói về sự đau đớn tuyệt vọng của bản thân, có một số người thì yêu đồng tính, nửa kia lại đã kết hôn, cũng có cả người Đài Loan, nói năm kia lần đầu tiên đến đây cùng người yêu, năm ngoái kết hôn nên đến đây để làm kỷ niệm, năm nay lại đến, có lẽ đã thành thói quen.
Cô lật giở từng trang cho đến khi ly cà phê nguội lạnh.
Còn có người viết: Dù shẳng có ai biết.
Cuối cùng, cô quyết định viết.
Đêm đó, cô viết một mạch đến tận hai giờ đêm mới rời khỏi quán, về đến nhà nghỉ, đang chuẩn bị tắm rửa để đi ngủ, vừa mới thay đồ ra, cô bỗng cảm thấy thiêu thiếu thứ gì, nghĩ một lát mới phát hiện ra là không thấy chiếc điện thoại di động đâu. Cô hốt hoảng, không tắm nữa, vội vàng mặc quần áo, bắt đầu đi tìm, phòng ở, phòng tắm bị cô lục tung lên nhưng đều không thấy, cuối cùng cô nhớ ra quán cà phê lúc nãy nên vội ra đó xem có còn không.
Cô đi dép lê, chân nam đá chân chiêu chạy ra từ nhà nghỉ, xuyên qua mấy dãy phố vắng tanh. Lúc này, đèn đường đã tắt, chỉ còn vài chiếc đèn lồng đang chiếu thứ ánh sáng lờ mờ trước cửa mấy quán bar, giữa đường còn gặp một người đàn ông say rượu, cô rảo bước nhanh hơn. Mãi mới đến được quán cà phê, cô đẩy cửa ra mà lòng dạ bồn chồn như có lửa đốt, trước mắt cô là một người đàn ông đang ngồi quay lưng lại, tay xoay xoay chiếc điện thoại của cô. Cô vội bước nhanh qua, chiếc dép lê bị mắc vào bậc cửa, cô đứng không vững, người lộn nhào về phía trước. Chủ quán giật mình, vội chạy qua đỡ. Đường Du không kịp bò dậy, không để ý đến vẻ lếch thếch của mình, lo lắng ngẩng đầu lên nhìn chiếc điện thoại, nói: “Chiếc điện thoại đó là của tôi…” Chưa dứt lời, máu từ miệng đã ộc ra.
Chủ quán càng hốt hoảng hơn, vừa sai một cậu thanh niên cầm giấy ăn đến vừa nói: “Cô có sao không? Đừng lo lắng.”
Cậu thanh niên bị gọi, vội đi tới, ngạc nhiên nhìn cô, nói: “Là cô à?”
Hóa ra đó là người thanh niên ngồi cạnh cô trên tàu, nhưng lúc này Đường Du không để ý đến anh ta mà chỉ quan tâm đến chiếc di động. Anh ta cũng nhận thấy điều đó, giọng nói có chút ngại ngùng, “Xin lỗi, lúc nãy vì muốn xác định chủ nhân của nó nên tôi đã mở máy, trong này có rất nhiều tin nhắn… trả lại cô.”
Đường Du bình tĩnh lại, rất nhiều tin nhắn trong điện thoại, của Tôn Văn Tấn, của thầy hướng dẫn, của Trần Thích, của chị khóa trên, mỗi người đều gửi rất nhiều tin, nhưng đều có chung một ý là: Hiện giờ đang ở đâu? Tôn Văn Tấn đang rất lo lắng, nhận được tin thì gọi lại. Chưa kịp xem hết tin nhắn thì chuông điện thoại reo vang, là số của Tôn Văn Tấn, cô hoảng loạn đến nỗi ấn nhầm vào nút nghe, đưa điện thoại lên tai, giọng cô khe khẽ “A lô.”
Giọng Tôn Văn Tấn ở đầu dây bên kia khàn khàn, thê lương, run rẩy như thể sợ nếu nói to, cô sẽ sợ hãi chạy mất, cũng như thể đang trong một giấc mơ, không tin rằng đầu dây bên kia là cô, nên cẩn trọng hỏi, “Tiểu Du…” chưa nói hết câu, giọng đã khản đặc.
Giọng nói của gã khiến trái tim Đường Du tê tái, cô quên cả đáp lời, quên cả dập máy, cứ thờ thẫn như gặp phải ma, lắng nghe từng tiếng nấc nghẹn phía đầu dây bên kia.
Lát sau, một giọng khác vang lên trong điện thoại như thể sợ cô dập máy, ngữ điệu ngang ngược, hung hăng, cướp lời: “A lô, a lô, có phải Đường Du không? Cô nghe tôi nói đây, có bản lĩnh thì cả đời này đừng mở máy nữa, yên tâm để Tôn Văn Tấn chết cùng với cô.”
Trần Thích vẫn chưa dứt lời, đầu dây bên này, khuôn mặt Đường Du đã đầm đìa nước mắt.
Buổi sáng ngày hôm sau, Đường Du đi xe buýt từ Dương Sóc đến sân bay Quế Lâm đợi, chưa đầy mấy tiếng, chuyến bay của Tôn Văn Tấn đã đến nơi. Cô ngồi bên ngoài cửa kính xa xa nhìn gã đi từ bên trong ra, sắc mặt gã tiều tụy, mêt mỏi, hình như quên cả cạo râu, có một mảng hơi đen đen dưới cằm. Trước đây, Tôn Văn Tấn luôn là người vô cùng chỉn chu, đi đến đâu quần áo cũng sáng bóng, dáng vẻ hào hoa phong nhã. Mới hơn một tuần không gặp mà đã ra nông nổi này, Dường Du thấy cay cay nơi khóe mắt.
Sau khi Tôn Văn Tấn liên lạc được với Đường Du, gã không mang theo gì, lập tức đi cho kịp chuyến bay ngày hôm sau. Những ngày này, lúc đầu Trần Thích còn tự trách mình, nhưng mãi vẫn không tìm thấy Đường Du, anh ta bắt đầu tức tối, đổ hết mọi trách nhiệm và tội lỗi lên đầu Đường Du, miệng không ngừng nói: “Đã bảo cậu rồi, đừng có dây dưa với những cô gái trẻ, vừa buông thả vừa vô trách nhiệm, nói đi là đi, cậu tìm cô ta về thì có ích lợi gì.”
Lúc đó, Tôn Văn Tấn cũng rất hận Đường Du. Nhưng khi nhìn thấy cô qua lớp kính, đang ngồi trên ghế, đôi vai gầy guộc, đôi mắt to và chiếc cằm nhọn, vành mắt ngân ngấn lệ dõi theo gã, hai ánh mắt gặp nhau qua lớp kính, mọi hờn giận trong gã đều tan biến. Ánh mắt long lanh, nét buồn buồn trên khuôn mặt cô khiến trái tim gã rung động. Gã bước nhanh lại, đến trước mặt cô, cô thấy tay chân mình luống cuống, vừa đừng lên, gã đã ôm cô vào lòng, ôm rất chặt, hoàn toàn không để ý đến sức mạnh của bản thân. Đường Du bị siết chặt đến nghẹt thở, muốn giãy ra, nhưng gã không buông t
Ở sân bay Quế Lâm một lát, họ bắt xe taxi về Dương Sóc vì đồ đạc của Dường Du vẫn đang để ở nhà nghỉ. Xa nhau một thời gian dài, Đường Du không ngờ Tôn Văn Tấn lại coi trọng mình đến vậy, đã xảy ra rất nhiều chuyện, lúc gặp mặt cả hai đều không biết nói gì, suốt dọc đường gã cứ nắm chặt lấy tay cô, mười ngón tay cứ xoắn xít nhau. Dường Du miên man nghĩ, mắt ươn ướt, sao có thể không cảm động chứ, từ nhỏ đến lớn cô luôn bị đẩy đi đẩy lại, nhưng cuối cùng đâu có ai cần cô.
Một tiếng sau, xe đến Dương Sóc, chiếc taxi dừng trước cổng nhà nghỉ, trả xong tiền, Đường Du đưa gã lên gác. Vào đến phòng, cô rót cho gã một cốc nước, hỏi gã có cần đi tắm, rồi lại hỏi gã có cần ăn cơm. Họ đã sống cùng nhau mấy tháng, đã hiểu nhau, không ngờ bây giờ lại trở nên lịch sự, xa lạ.
Đường Du bồn chồn, không yên, cô cứ luống cuống trong phòng, nói như cướp lời, cô biết gã chắc chắn muốn nói rất nhiều điều, chắc chắn gã sẽ hỏi, nhưng trong lòng cô vừa sợ gã mở miệng ra hỏi lại vừa sợ gã không hỏi gì nên đành cứ phải tranh nói trước.
Tôn Văn Tấn cầm cốc nước, không nói năng gì, lặng lẽ nhìn cô, cô nói gì, làm gì, gã cũng chỉ nhìn theo.
Ánh mắt gã khiến cô không biết trốn vào đâu, cô không đóng kịch nữa mà đi đến trước cửa sổ, nhìn dòng Ly Giang và ngọn núi xanh xanh phía xa, nói đầy vẻ khó nhọc: “Em mắc bệnh, không muốn mọi người biết chuyện, sợ mọi người thương hại, như thế em thấy mình thật đáng thương. Càng sợ hơn là nếu mọi người biết mà không ai thật lòng quan tâm. Giống như hồi còn nhỏ, mẹ, bố và cậu đều bỏ rơi. Giờ em lớn rồi, có thể tự làm chủ nên không muốn để ai biết.”
Tôn Văn Tấn ngồi ở đằng sau cô, không nói gì.
“Khi còn nhỏ, bố mẹ em thường cãi nhau, rồi quăng đồ đạc, những lúc ấy em rất sợ, cảm giác như tất cả có thể bị hủy diệt. Sau này, họ ly hôn, nhưng vẫn cãi vã vì chẳng ai muốn nhận con gái mình, lúc ấy, em hận sao mình không chết quách cho xong… Giờ em đã trưởng thành, nếu người ta không cần, em sẽ ra đi trước khi điều đó thực sự xảy ra, không cho người ta cơ hội từ bỏ, như thế, em sẽ không bị bỏ rơi. Thực ra, chết đâu có gì đáng sợ, điều đáng sợ nhất là, khi yếu đuối nhất, người thân nhất bên cạnh lại bỏ rơi em để cao chạy xa bay.”
Cô vẫn cứ ngoảnh mặt về phía dòng Ly Giang bên ngoài cửa sổ, như đang nói với chính mình những tâm tư tận sâu trong đáy lòng, lời nói bay theo làn gió. Họ đã từng ôm nhau ngủ hằng đêm, đã từng đáp ứng nhau nhu cầu về thể xác nhưng những lúc ấy cô đâu nói với gã những điều này. Lúc này, cô lại nói hết với dòng Ly Giang, với mây và gió, lời nói có chút bất cần pha lẫn sự thê lương, không phải nói ra để chia sẻ cùng gã, mà hình như những điều ấy đều đã bay theo gió hết rồi. Cô quay người lại, nhưng không dám nhìn gã, cúi mặt, nói: “Em xin lỗi, lúc đó em đã không nói cho anh biết vì không muốn anh phải gánh trách nhiệm.”
Tôn Văn Tấn kìm chế rồi lại kìm chế, gã bóp chặt cốc nước, chiếc cốc làm lòng bàn tay gã đau rát nhưng tất cả sự đau đớn này đâu thể sánh với nỗi đau trong lòng. Gã hít một hơi dài, hết sức kìm nén, giọng run rẩy, “Nếu buổi tối hôm qua, em không gặp người đó ở quán cà phê, có phải em sẽ không bao giờ mở nguồn điện thoại không? Có phải em không bao giờ muốn gặp lại anh nữa?”
Cô lặng lẽ gật đầu.
Gã nhìn cô chằm chằm, ánh mắt như đang bốc lửa. Nhưng cô chỉ cúi đầu, chiếc cằm nho nhỏ, má bầu bầu, lông mi chớp chớp, khóe mắt ngân ngấn lệ. Cô đang khóc, răng cắn chặt vào môi dưới, giọng nói vẫn lạnh nhạt: “Em không quen từ biệt nên không để lại tin nhắn cho anh, em để chìa khóa trên mặt tủ, nghĩ là anh sẽ hiểu.”
Môi dưới bị cô cắn đến nhợt nhạt, nước mắt ứ trên viền mi, rưng rưng, không dám lăn xuống.
Gã có thể hiểu gì? Hiểu rằng cô có ý định bỏ rơi gã, một mình đón nhận cái chết mà không để gã biết, hay là hiểu rằng cô dựa vào đâu mà cho rằng gã bỏ rơi cô để cao chạy xa bay trong lúc cô yếu đuối nhất? Sao lại có thể ngốc nghếch đến thế? Trăm ngàn vòng xoáy bỗng cuồn cuộn trào dâng trong trái tim gã.
Cô còn nói: “Em không nghĩ rằng anh sẽ đi tìm em, thực ra, anh không cần tìm đâu. Trước đây, em chỉ có một mình, một mình trong hơn mười mấy năm trời. Em mắc bệnh, nếu không gặp anh, em cũng vẫn bị bệnh, một mình em có thể chống chọi được.”
Cuối cùng, không thể kìm chế được nữa, gã nắm chặt chiếc cốc trong tay ném mạnh vào tường, “choang”, vụn thủy tinh bay tứ tung. Đường Du giật mình, ngẩng đầu lên, giọt lệ vương trong mắt sáng lấp lánh, vẻ loạn, thê lương đó khiến trái tim Tôn Văn Tấn tê tái, gã vừa giận dữ, vừa tủi thân, lại vừa không ngăn nổi nỗi xót thương trong lòng, vì thế, sự tức giận như được nhân lên. Gã hít hít mũi, cố gắng dìm sự chua xót xuống, giọng khàn khàn: “Em muốn chống chọi? Đường Du, phải chăng chúng ta có một sự khởi đầu tệ hại nên chẳng thể nào bắt đầu lại? Em có nghĩ đến cảm nhận của anh? Sao em biết em là gánh nặng? Dựa vào đâu mà em cho rằng anh sẽ bỏ rơi em để cao chạy xa bay trong lúc em yếu đuối nhất? Em coi anh là gì? Em làm vậy, thà em đừng đồng ý sống cùng anh ngay từ đầu. Như thế, dù có bị bệnh, có trốn ở đâu, anh cũng không quan tâm. Nhưng em đã sống cùng anh rồi, sao em có thể cư xử như vậy. Em rời xa anh trong lúc buồn nhất, tuyệt vọng nhất, em không nghe điện thoại, không để anh đi tìm, sao lại đối xử với anh như thế?” Càng nói, gã càng thấy cay đắng, không cách nào nén được sự xót xa, giọng gã lành lạnh, “Nếu muốn một mình chống chọi, muốn mãi mãi không gặp anh, sao giờ em lại khóc?” Vừa nói gã vừa đi đến ôm cô từ phía sau, đầu cô nằm gọn trong lòng gã, giọng gã đau đớn: “Sao em ngốc thế, anh có thể bỏ em để cao chạy xa bay trong lúc em buồn nhất ư? Hơn nữa, anh đã hỏi bác sĩ rồi, họ đã chẩn đoán nhầm, muốn em về kiểm tra lại.”
Gã ôm chặt tấm thân nhỏ bé của cô, vì ôm sát vào lòng nên gã cảm nhận rõ sự gầy yếu của cơ thể cô, điều này khiến trái tim gã càng mềm nhũn, tê tái. Gã nhớ lại rất nhiều chuyện… chuyện quá khứ, chuyện khi ở bên nhau, bao nhiêu băn khoăn bỗng có lời giải đáp. Vì muốn cứu bạn trai mà cô đơn thương độc mã đi tìm Tô Bất Dị, nhưng cứu được rồi lại kiên quyết không cho phép mình tiếp tục quan hệ với anh ta vì cách cư xử của ông bà Lâm khiến cô bất an, cô sợ khi quan hệ giữa họ và cô trở nên thân thiết rồi, họ sẽ khiến cô bị tổn thương, sẽ bỏ mặc cô để cao chạy xa bay lúc cô yếu đuối nhất, do vậy, cô đã kiên quyết từ chối Lâm Khai. Đồng ý sống cùng gã, nhưng cô chưa từng hỏi chuyện của gã, cũng chưa từng nói chuyện của mình. Ngày qua ngày, cả hai đều không để đối phương đi sâu vào cuộc sống của nhau vì cô lo rằng sẽ có ngày gã cao chạy xa bay nên cô dành riêng cho mình một lối thoát, để khi đi rồi, sẽ không phải buồn. Trước mặt bao người, cô vẫn mạnh mẽ, nhẫn nhịn, Tô Nhiêu đẩy cô ngã xuống cầu thang, Diệp Đào hoa ép cô làm tiếp viên, Hà Khâm ép cô uống rượu, Lâm Khai suốt ngày ở lì trong hộp đêm Loạn thế giai nhân, nhưng cô luôn có cách chống chọi không hề sợ sệt, thậm chí khi tưởng mình mắc bệnh nan y, cô cũng một mình sắp xếp gọn gàng mọi chuyện rồi mới lặng lẽ ra đi. Xem ra, cô mạnh mẽ, lạnh lùng, dường như chẳng sợ hãi điều gì. Cô nhìn dòng Ly Giang, lặng lẽ rơi lệ, giọng nói hững hờ bay theo gió. Cô đang nói đến cái điều đáng sợ nhất nhưng giọng điệu lại nhẹ như mây trôi gió thoảng. Tuy thế, gã chợt nhận ra rằng, cho dù thế nào, thực ra, cô vẫn luôn cảm thấy sợ.
Cô biết điều mình sợ nên luô bộ như không sợ, đóng kịch lâu nên cứ tưởng như mình chẳng hề sợ điều gì, nhưng thật ra lại đang rất sợ, nếu không, lúc này đây cô đã chẳng run rẩy trong lòng gã, đã chẳng khóc như thế này.
Có thể, cô không sợ bất kỳ điều gì, với cô, ngày tận thế cũng chẳng có gì đáng sợ, nguy hiểm tính mạng cũng vậy, điều khiến cô sợ nhất chính là lúc yếu đuối nhất, người đáng tin duy nhất bên cạnh bỏ mặc cô để cao chạy xa bay, vậy phải làm thế nào?
Thế nên, biết rõ cuộc đời mình sắp kết thúc, biết rõ rời xa gã rồi cũng chẳng biết đi đâu, nhưng cô vẫn nhất quyết lựa chọn sự ra đi. Cô biết rõ, hiểu rõ rằng mình chẳng còn sống được bao lâu. Cô biết trong người mình không có nhiều tiền, xa gã rồi, những ngày còn lại sẽ sống ra sao, nhưng cô vẫn đi. Điều bi thảm nhất trong đời người là cái gì cũng biết, cô biết rõ ràng là mình chẳng còn sống được bao lâu, sao lại không sợ cơ chứ? Phiêu bạt, chết chóc, bất an đều là những điều khiến cô sợ, khiến người ta phải chùn bước, nhưng cô đã khắc phục được. Hai mươi tuổi đời, còn trẻ như vậy mà đã phải nếm trải biết bao đau khổ, cay đắng của cuộc đời, một mình vươn lên để trưởng thành, không chốn nương tựa, mọi tuyệt vọng, đau đớn đều tự vượt qua. Dù có mạnh mẽ, có lạnh lùng đến đâu đi nữa thì cái chết ở tuổi hai mươi cũng khiến người ta thấy sợ. Mọi thứ đều khiến cô sợ hãi, muốn hét to lên nhưng cô đã không cho phép mình làm thế. Cô không dám nói với bất kỳ ai mà âm thầm chịu đựng trong hai mươi năm, khi đối diện với cái chết không mong đợi, cô sợ mình suy sụp, sợ khi nghe điện thoại, nghe thấy giọng gã, cô sẽ khóc lóc đến khản tiếng, nhưng còn có điều khác đáng sợ hơn.
Cô nói, điều cô sợ hơn là nếu để mọi người biết mà lại chẳng ai thực lòng quan tâm; cô nói, cô sẽ ra đi trước khi bị bỏ mặc, như thế, mình sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi; cô nói, sợ nhất là, khi yếu đuối nhất, người thân nhất bên cạnh lại bỏ mặc cô để cao chạy xa bay…
Thế nên cô chẳng kịp suy nghĩ kỹ xem sau khi rời xa gã sẽ thế nào, không kịp nghĩ kỹ những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời sẽ ra sao. Chỉ ngẫu nhiên nghĩ, giả sử dùng hết số tiền tích cóp rồi mà cuộc đời vẫn chưa kết thúc thì biết tính thế nào, song cô chỉ có thể tự trách móc mình, lúc đó cùng lắm là nhảy xuống biển tự vẫn.
Sao cô gái này lại có thể ngốc nghếch thế?
Tôn Văn Tấn thấy mắt mình cay xè, gã liên tục ngước mắt lên nhìn ra ngoài cửa sổ nhưng vẫn không nén được những gi nước mắt.
Trên chuyến bay trở về, Tôn Văn Tấn luôn nắm chặt tay cô, cô cũng dựa sát vào gã. Lúc trước, bị chuẩn đoán là có bệnh, cô vô cùng bình tĩnh đến trường đệ đơn xin thôi học, vô cùng điềm tĩnh nói chuyện với Trần Thích về việc đi Pháp, rồi sau đó một mình bỏ đi. Khi ấy, hình như không điều gì khiến cô thấy sợ. Nhưng giờ đây, biết gã sẽ không bỏ mặc mà đang đưa cô về để chẩn đoán lại, cô lại thấy sợ. Mặc dù bác sĩ nói cô có thể không có vấn đề gì về tim, nói vấn đề không nghiêm trọng nhưng cô chưa tin. Cô rất ít khi ra vào bệnh viện, cũng chưa từng tiếp xúc với những người bệnh nặng, nhưng màu sắc của những cục máu tươi cứ in đậm trong tâm trí. Hồi nhỏ, chuyện nôn ra máu luôn khiến cô hoảng sợ. Khóe mắt cô cay cay, nghĩ nếu lần này kiểm tra lại, bác sĩ nói không phải chẩn đoán nhầm thì sẽ thế nào?
Bất chợt, cô thấy hận cái cảm giác sợ hãi luôn bám đuổi theo cô như hình với bóng này, sao nó khiến cô sợ đến thế?
Tôn văn Tấn vẫn đang nắm chặt bàn tay Đường Du, bàn tay cô lạnh như băng, gã lo lắng ngoảnh sang nhìn. Cô đang nghiêng đầu ngắm những đám mây trắng ngoài cửa sổ, răng cắn chặt vào môi dưới, cặp lông mi trên đôi mắt đen nháy như trái nho chín mọng chớp chớp, như thể đang khe khẽ run, không biết là đang nghĩ gì. Mặt cô nhợt nhạt, gã dang tay ôm cô vào lòng, tay xoa xoa bả vai cô, giọng vỗ về: “Đừng sợ, em chợp mắt một lát đi, vẫn còn mấy tiếng nữa, đến nơi, anh sẽ gọi.”
Nghe lời gã, cô nhắm mắt lại, dần buông lỏng tay gã, đến nhịp thở cô cũng cẩn trọng điều tiết, thấy thế, gã xót xa trong lòng. Gã biết ban nãy cô nghĩ gì, gã cũng nhận ra vẻ sợ hãi, lo lắng của cô. Điều gã cần làm là giúp cô phấn chấn trở lại, đừng để cô nghĩ những điều không đáng nghĩ, và không nên sợ hãi nữa, rồi gã lại thấy hận, hận mình không kiểm soát nổi, gã thực sự cũng thấy sợ? Cảm giác này khiến gã câm lặng, chỉ biết ôm chặt lấy bả vai cô.
Về đến thành phố B, Trần Thích và vợ đã đợi họ từ lâu bên ngoài sân bay. Tôn Văn Tấn dắt tay Đường Du đi ra, mọi người chào hỏi nhau. Bụng của Thấm Tử Tịnh đã nhô lên, chị ưỡn thẳng lưng, Dường Du biết Tử Tịnh đang mang bầu, trong lòng cảm thấy áy náy, nói: “Sân bay xa như thế, sao chị còn đích thân đến?”
Tử Tịnh cười, nói: “Anh chồng đần của chị làm chuyện ngốc nghếch nên hôm nay chị phải dẫn anh ấy đến xin lỗi em. Tiểu Du, Văn Tấn, hai người không để bụng là tốt rồi.
Câu nói này khiến cả ba người cùng cảm thấy ngượng nghịu. Đường Du thì nghĩ chuyện mất tích của mình khiến mọi người nhốn nháo, Tôn Văn Tấn nghĩ lúc đầu vì chuyện của Đường Du mà gã tức giận với Trần Thích, Trần Thích thì lại nghĩ đến tất cả mọi việc anh đã làm trước đây nên quay sang Đường Du nói: “Tiểu Du, Văn Tấn, xin lỗi nhé.”
Lúc này, một người cách đó không xa đi tới, là Thẩm Tử Quất, cô hờ hững hỏi thăm Đường Du. Nhìn vẻ tiều tụy của Đường Du, cô vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị lại vừa cảm thông, thương xót, ánh mắt vô cùng phức tạp. Nhưng lần này, cô cố ý không nhìn Tôn Văn Tấn, chỉ cúi đầu chào, gọi anh Văn Tấn, rồi không nhìn thêm nữa. Ánh mắt cô chuyển hướng nhưng mọi người đều nhận thấy tình cảm ẩn giấu trong lòng cô, dáng vẻ ấy khiến Đường Du xót xa, cô cũng hờ hững cảm ơn đáp lại.
Thẩm Tử Quất tự lái xe riêng về, mấy người còn lại ngồi chung một xe, họ nói về đứa trẻ trong bụng Thẩm Tử Tịnh và những điều mắt thấy tai nghe ở Dương Sóc. Không khí có phần thân mật hơn, Thẩm Tử Tịnh chọc: “Đường Du, em có biết em vắng mấy ngày mà anh Văn Tấn nóng ruột thế nào không? Đánh Trần Thích đến nỗi chảy cả máu, còn bắt anh ấy đi tìm khắp nơi, không có cả thời gian về nhà.”
Đường Du đỏ mặt, nhìn Văn Tấn đang ngồi hàng ghế trên, nhỏ nhẹ: “Đều là tại em, anh Văn Tấn không nên trách anh Trần Thích, em xin lỗi.”
Thẩm Tử Tịnh nắm lấy tay Đường Du, cười nói, “Về là tốt rồi, ha ha, chị cũng chẳng có ý gì. Là em không biết, họ là những đại nam nhi, ở ngoài là hai vị tổng giám đốc, quản lý biết bao người nhưng vì em mà điên đảo như muốn lật tung cả thế giới này lên, nếu không tìm thấy em, chắc Trần Thích chỉ còn cách tự sát để tạ lỗi.”
Trần Thích ngồi đằng trước cúi đầu cười, ngoảnh đầu sang nhìn Tôn Văn Tấn. Tôn Văn Tấn thì quay lại nhìn Đuờng Du, khiến mặt cô đỏ lựng, không dám ngẩng lên.
Sau khi bình an về đến nhà, Đường Du xuống xe cảm ơn, Tôn Vắn Tấn lấy hành lý ở cốp xe xuống. Đang định lên lầu, Trần Thích gọi Tôn Văn Tấn, Đường Du nhìn thần sắc của họ, biết là có chuyện cần bàn bạc, cô quay sang cười với Tôn Văn Tấn, nói: “Em lên trước, hai anh nói chuyện tự nhiên.”
Đường Du xách chiếc túi nhỏ của mình đi lên trước, Tôn Văn Tấn lo lắng dõi theo bóng cô. Trần Thích rút một điếu thuốc đưa lên miệng, kể từ khi Thẩm Tử Tịnh có bầu, anh ta đã cai thuốc nhưng do mấy ngày nay không tìm thấy Đường Du, tâm trạng rối bời, không có chỗ nào để trút giận nên lại hút. Anh ta hít mấy hơi mà không biết nên bắt đầu thế nào, rồi nghĩ ngợi một lát, nhả một vòng khói dài, ngoảnh lại nhìn Thẩm Tử Tịnh đang ở trong xe, vứt đầu thuốc xuống đất, lấy chân giẫm giẫm, nói thẳng: “Mình đã liên lạc với người ở bệnh viện rồi, cậu có thể dẫn cô ấy đến bất kỳ lúc nào. Ý của Tử Tịnh là, dù là bệnh gì cũng nên sớm đưa cô ấy đi khám.”
Tiếp đến là chẩn đoán, Đường Du biết, bệnh viện bây giờ, càng nổi tiếng thì càng kéo theo các vấn đề về giường bệnh, thuốc thang, bác sĩ… nhưng khi Tôn Văn Tấn dẫn cô đến bệnh viện, như thể đã có người dẫn đường, họ chẳng gặp bất kỳ trở ngại nào trong suốt quá trình, vì thế dễ dàng tìm được bác sĩ chẩn đoán cho cô, bác sĩ xác định là bệnh phổi biệt lập, Tôn Văn Tấn biết Đường Du là người cả nghĩ nên anh không có ý định giấu giếm cô. Bác sĩ nói: “Bệnh phổi biệt lập là hiện tượng phát dục phổi khác thường bẩm sinh gây ra do bộ phận mô mầm phổi tách rời với trục chính chi khí quản trong quá trình phát dục phổi thời kì phôi thai, bệnh này làm cho mô phổi không thông với khí quản và chi khí quản. Mạch máu tuần hoàn cung cấp máu cho phổi, thường thấy là động mạch bất thường đơn chi hay đa chi của động mạch chính và động mạch phụ trong lồng ngực. Nói một cách đơn giản, bệnh phổi biệt lập là phổi phát dục dị dạng bẩm sinh, đặc điểm chính là cung cấp, phân phối máu bất thường, phần phổi mang bệnh và phần phổi bình thường cùng được che bởi lớp màng phổi, cần làm phẫu thuật, cắt đi phần phổi mang bệnh. Tóm lại, thực ra chỉ là cuộc phẫu thuật nhỏ.”
Vị bác sĩ không hề có ý làm yên lòng họ, đối với những vị chuyên gia này, ngoài phẫu thuật thay khí quản ra, còn lại họ đều cho là phẫu thuật nhỏ. Mặc dù phải phanh ngực, nhưng đã chẩn đoán chính xác rồi. Hạt bụi đã rơi xuống luôn tốt hơn là vẫn còn lơ lửng, hơn nữa, câu nói “chỉ là cuộc phẫu thuật nhỏ” của bác sĩ khiến Đường Du cảm thấy nhẹ nhõm. Nghe Tôn Văn Tấn kể lại, Trần Thích cũng thấy yên tâm, vây nhưng trông Tôn Văn Tấn lại có vẻ lo lắng khác thường, Trần Thích thấy thế, trong lòng hiểu rõ vì sao.
Cuối cùng Tôn Văn Tấn hỏi về di chứng sau phẫu thuật, bác sĩ cho biết, sau khi phẫu thuật, vì diện tích mô phổi giảm, khả năng hoạt động của phổi và tính đàn hồi cũng giảm xuống… nên sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Nhưng sau khi chuyên gia hội chẩn chính thức xong, kết quả lại là không thể tiến hành mổ. Vì mạch máu thừa mạch chủ cần cắt bỏ của Đường Du quá ngắn và quá to, việc phẫu thuật sẽ rất khó khăn, bác sĩ cho rằng nếu sử dụng phương pháp nội soi sẽ tốt hơn nhưng lựa chọn này do người bệnh tự quyết định.
Tôn Văn Tấn đưa Đường Du đi hỏi nhiều bệnh viện uy tín ở thành phố B và thành phố S, thậm chí còn gửi cả bệnh án bằng fax ra nước ngoài, kết luận nhận được không thống nhất. Người thì cho rằng cần phương pháp nội soi, người lại cho là nên mổ, nói đi nói lại, vị chuyên gia nào cũng cho rằng đó chỉ là cuộc phẫu thuật nhỏ, mà không ai dám chắc chắn nên dùng cách nào.
Cuối cùng, một vị chuyên gia quen biết với Tôn Văn Tấn an ủi, “Thư giãn tâm lý, điều chỉnh tâm trạng, đó chỉ là cuộc phẫu thuật nhỏ mà thôi. Đối với ngành y học chúng tôi, quá trình có thể bị bỏ qua, nhưng kết quả mới là chứng nhận cuối cùng và duy nhất. Chỉ cần kết quả tốt, trở ngại và tổn thương trong quá trình làm có lớn nữa thì thực ra cũng đáng. Giờ đừng nên quá lo lắng, hãy dũng cảm lên.”
Cuối cùng quyết định chọn phương pháp nội soi, trước bàn phẫu thuật, bác sĩ ngoại khoa sau khi tìm ra ổ bệnh lại không dám làm ống dẫn. Đường Du phải đi lại mấy lần, bác sĩ vẫn không chắc chắn làm nên đành lại đưa cô về phòng bệnh. Trong lúc hôn mê, cô nghe thấy Tôn Văn Tấn đang tức giận với bác sĩ ở bên ngoài. Ngần ấy ngày trời, thần kinh gã luôn căng thẳng, tìm đủ các chuyên gia nhờ tư vấn, gã lo lắng cho cô hơn bất kỳ ai. Bác sĩ lúc thì nói dùng phương pháp nội soi, lúc lại chủ trương mổ, nhưng cho dù thế nào, gã vẫn giữ thái độ lịch sự và biết ơn, có lẽ đây là lần đâu tiên tức giận, gã hét lên với vị bác sĩ, “Nếu đã không chắc chắn, sao trước đây hội chẩn lại chủ trương dùng phương pháp nội soi? Trước đó sao không nói làm phẫu thuật sẽ không đảm bảo? Các người vô trách nhiệm với bệnh nhân thế sao?”
Bác sĩ thông cảm với tâm trạng của Tôn Văn Tấn, còn vì truớc khi phẫu thuật đã có nguời gọi điện đến nên ông hết sức ôn hòa giải thích với gã.
May mà Trần Thích có ở đó, anh ta nói vài câu, Tôn Văn Tấn bình tĩnh trở lại, dịu giọng xin lỗi, vị bác sĩ vội vã rời ngay khỏi đó.
Trong cơn mê man, Đường Du nghe mọi động tĩnh bên ngoài, đợi một lát không thấy Tôn Văn Tấn đi vào, chỉ có Trần Thích đẩy cửa vào nhìn cô. Đường Du cố hết sức mở mắt ra nhìn anh, giọng yếu ớt: “Trần Thích, anh Văn Tấn sao rồi?”
Cô bị bệ nhưng nguời bị giày vò hơn lại là Tôn Văn Tấn.
Trần Thích cười ôn hòa, giọng vỗ về, “Cô cứ nghỉ đi, chúng tôi không sao.”
Buổi tối, Đường Du bắt đầu không ăn đuợc, ăn bao nhiêu, nôn ra bấy nhiêu khiến Tôn Văn Tấn hoảng sợ phải đi gọi ngay bác sĩ đến, bác sĩ cũng không chẩn đoán ra nguyên nhân. Dù trong lòng rất buồn nhưng gã không dám biểu lộ ra truớc mặt cô, đành đi thang máy lên tầng thượng hóng gió. Đường Du nhìn theo bóng gã, lo lắng muốn gọi lại nhưng cuối cùng cô chỉ cúi mặt.
Tất cả những điều này đều không lọt qua mắt của Trần Thích, anh ngồi truớc mặt cô, nói: “Đừng tự ép mình ăn nữa, hãy nghe tôi nói truớc đã.” Vừa nói anh vừa cầm chiếc bát mang ra chỗ khác.
Đường Du đợi xem anh nói gì.
Trần Thích nhìn bát cháo, luỡng lự giây lát, không biết nên bắt đâu từ đâu. Mãi lâu sau, anh mới lấy lại tinh thần, vẻ mặt nghiêm túc: “Biết nói thế nào nhỉ? Cô cũng biết, chúng tôi đều sinh ra trong những gia đình có thể coi là khá giả. Cha mẹ lúc ấy đều là, à, đều là những cán bộ cấp cao, bố của Văn Tấn năm đó là vị quan quyền cao chức trọng, từ nhỏ cậu ấy chỉ quen với cuộc sống sung túc. Hồi nhỏ, rất nhiều người trong trường dị nghị về chúng tôi, vì mỗi khi đến lớp hay tan học chúng tôi đều có bảo mẫu và tài xế đưa đón, hơn thế, Văn Tấn từ bé đã thường xuyên tham gia tiệc tùng cùng bố, anh trai và anh rể.
“Anh trai và chị gái lớn hơn Văn Tấn mười mấy tuổi nên cậu ấy luôn được cưng chiều, nhường nhịn. Hơn nữa, do thông minh, đẹp trai, nên ai nấy trong khu đều yêu mến, mấy người chúng tôi cũng thích nghe lời cậu ấy, bố mẹ cậu ấy lại càng cưng chiều hơn. Khi hơn mười tuổi, anh trai và chị gái đều lập gia đình, nên lúc đó điều kiện của cậu ấy có thể coi là không gì sánh bằng. Những ngày tháng ấy, giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, vì không thể học cùng trường với bạn gái, Văn Tấn đã bỏ học tại trường đại học Q, bỏ nhà đi, rồi bị lừa một khoản tiền ở thành phố SZ, sau đó được gia đình tìm về, bắt cậu ta đi Mỹ du học, cũng trong năm đó, gia đình xảy ra chuyện. Năm ấy, bố của Văn Tấn bị một người cấp dưới hãm hại, lúc đó cả nhà đều bị liên lụy, lần lượt bị mất chức. Bố và anh trai cậu ấy đều bị vào tù, vì khi đó Văn Tấn đang du học ở nước ngoài, hơn nữa do được bố và anh trai bảo vệ rất chặt chẽ nên không bị liên lụy, nhưng cậu ấy vẫn quay về. Sau khi trở về nước, chị gái và anh rể lại gặp tai nạn máy bay, chuyến bay của họ vì sự cố máy móđâm vào núi, vỡ tan, một trăm bốn mươi mốt người thiệt mạng, là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất thời ấy. Bố và anh trai phải vào tù, chị gái và anh rể gặp tai nạn máy bay, lại phát hiện thêm mẹ bị ung thư não, anh trai cũng bị ung thư não, chưa kịp tuyên án đã chết trong tù, chị dâu vì quá đau buồn, cũng tự sát vào ngay cái đêm người anh trai mất. Không lâu sau, đứa con gái bốn tuổi của chị cũng đột ngột qua đời. Khi ấy, Văn Tấn mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất, mọi tài sản của gia đình đều bị niêm phong, không biết cô có cảm nhận hết không, nhưng cây đổ thì khỉ rã đám. Khi đó, cậu ta không một đồng dính túi, hoàn cảnh gia đình lại như vậy, người khác không dám tùy tiện cho vay tiền vì sợ bị liên lụy. Trước khi cậu ta ra nước ngoài, cả đại gia đình vẫn vui vẻ, yên ấm, vậy mà sau khi trở về thì đã tan tác, người thì tù tội, người thì nằm viện, người thì qua đời, chỉ còn lại một mình.
“Cuối cùng, người em gái của chị dâu là chị Thang, trước khi kết hôn đã về thành phố B cho cậu ta một khoản tiền để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng khi đó, bệnh ung thư não của bà đã vào giai đoạn cuối, cậu ấy chỉ có thể đứng nhìn mẹ mình qua đời mà không biết làm thế nào. Hơn nữa, người bạn gái mà cậu ấy từng bất chấp tất cả bỏ nhà trốn đi cùng đã phản bội để đi lấy một người đàn ông giàu có. Nghĩ lại, khoảng thời gian ấy cậu ta thực sự bị suy sụp, gần như là những tháng ngày đau khổ nhất trong cuộc đời nên giờ đây, cậu ấy nhạy cảm đối với bệnh viện và phẫu thuật. Trong thời gian cô nằm viện, tinh thần Văn Tấn rất căng thẳng, cơ thể tiều tụy, chắc cũng sắp suy sụp rồi.”
“Nói ra những điều này, tôi không có ý gì khác, lần trước, tôi rất ngại, nếu chuyện của hai nguời thành, tôi cũng mừng cho cậu ấy. Bấy nhiêu năm nay, tôi và Tử Tịnh chưa từng bao giờ thấy vì một cô gái mà cậu ấy lo lắng như vậy. Dù người bị bệnh là cô, nhưng mong cô hãy cho cậu ấy chút niềm tin, đừng sợ hãi. Bác sĩ cũng nói rồi, chỉ là cuộc phẫu thuật nhỏ mà thôi, không nghiêm trọng. Cả hai đều không dễ dàng gì, mong cô hãy vì cậu ta mà mạnh mẽ hơn, cố gắng vượt qua, cuộc đời sau này vẫn còn mấy mươi năm, giờ cô phải dũng cảm lên.”
Sau đó, Đường Du nằm nghỉ ngơi, đợi cuộc phẫu thuật lần thứ hai.