Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 2-2

Tác giả: Michael Cunningham

Dù không muốn lắm, nhưng tôi vẫn phó mặc cơ thể mình cho đôi bàn tay anh. Tôi không thích bị nói là mình căng thẳng – có vẻ anh đã nhận ra một thói xấu trong tính nết của tôi. Khi làm tình, tôi luôn chuyển sang một tính cách không hẳn là của tôi. Lúc đó, tôi giống như một người anh trai giả định của mình, một người đàn ông khỏe mạnh, hơi bất cần, sống liều lĩnh, không hề có cái nỗi e sợ thỏ đế đang xâm chiếm bản thân kia của tôi. Ở bàn làm việc hay trên tàu điện ngầm, tôi thường mơ tưởng đến những người đàn ông mạnh mẽ, hung dữ, những người cần tôi xoa dịu nỗi đau của họ. Khi ở trên giường với những người lạ ngoan ngoãn, tôi chỉ nghĩ đến việc nhanh chóng đạt đến cực khoái và chuồn đi.
Erich xoa bóp lưng cho tôi với sự khéo léo nồng nàn, những ngón tay anh thuần thục day theo những huyệt đạo. Khi tôi nhận xét về sự thành thạo của anh, anh nói: “Tôi đã từng học một khóa về xoa bóp mà.” Sau này, tôi biết được rằng anh rất tin tưởng vào những chứng chỉ đạt được. Anh là một sinh viên cần cù trên đời này, và thích chia nhỏ mọi thứ theo trình tự. Anh còn từng học tiếng Pháp giao tiếp, sáng tác và làm chăn.
Dưới sự chăm sóc của anh, tôi không cưỡng lại được sự thư giãn ngoài ý muốn. Tôi chợt thiếp đi lúc nào không biết. Điều này hoàn toàn không giống tôi chút nào. Dù gần đây tôi thường thức khuya và làm việc cả ngày dài. Cảm giác đó giống như là bị gây mê. Mới đây tôi còn tỉnh táo, ngắm một bức ảnh đóng khung về hai người lạ có khuôn mặt dịu dàng dựng trên chiếc bàn kê ở đầu giường, thế mà thoáng chốc đã thấy mình bị một nụ hôn đánh thức khi đang thiu thiu ngủ.
Tôi giật mình và suýt thì nhảy ra khỏi giường. Trong một thoáng, tôi chẳng còn biết gì hết. Tôi đang ở đâu, và cái miệng có mùi nước hoa cologne này là của ai? “Suỵt,” anh thì thầm. “Không sao đâu.”
“Ôi, Chúa ơi, tôi đã ngủ sao?” Tôi hỏi. Tôi thấy chếch choáng và xấu hổ. Tôi có ngáy không nhỉ? Liệu tôi có chảy nước dãi không?
“Chỉ vài phút thôi mà,” anh nói. Anh hôn cổ tôi và dịu dàng nhưng chắc chắn chuyển vị trí xuống giữa hai chân tôi.
“Tôi không thể tin được,” tôi nói. “Anh biết không, tôi chưa bao giờ như thế.”
“Hãy cứ thoải mái đi,” anh nói.”Anh chỉ đang mơ đấy thôi.”
Không hiểu sao, tôi lại nghe theo. Dù bản năng tôi muốn quay trở lại là chính mình, nhanh chóng kết thúc chuyện này và tiếp tục cuộc sống riêng của mình, nhưng tôi vẫn quyết định thư giãn. Tôi cảm thấy một khoái cảm đầy ngạc nhiên và thú vị. Tôi để Erich chủ động và cuộc làm tình của chúng tôi trôi qua như thể tôi đang trong một giấc mơ thực sự. Anh làm chuyện này theo cái cách anh theo đuổi tất cả các kế hoạch của mình, với sự chăm chú tỉ mỉ của một học giả. Tuy cuộc làm tình của chúng tôi thiếu sự phóng túng của niềm đam mê đích thực, nhưng nó lại có một sự vững chắc bài bản cũng thú vị không kém. Erich có thể rót đúng một ounce whisky mà không cần phải đo. Và anh có thể biết được phải thọc sâu đến mức nào, khi nào thì rút ra, khi nào thì thêm vào một động tác bất ngờ. Tôi phó mặc bản thân cho điều đó. Anh thích được làm chủ, và tôi từ bỏ cái khao khát muốn gây ấn tượng của mình.
Đêm đó chúng tôi làm tình ba lần. Sau lần đầu tiên, chúng tôi không rời nhau ra. Tôi không có ý định chuồn đi nữa. Anh ôm tôi, và tôi vuốt ve bắp đùi lưa thưa của anh. Tôi có thể ngửi thấy mùi mồ hôi anh, găn gắt nhưng không khó chịu. Chúng tôi ôm nhau trong im lặng khoảng mười phút. Rồi anh nói: “Anh đã sẵn sàng tiếp tục chưa?”
Lúc tôi mặc quần áo, căn hộ của anh đã phần nào bớt đi vẻ xa lạ. Nó không còn là một nơi ở thuận tiện hay thậm chí đặc biệt thoải mái nữa – một căn phòng gần như kín bưng nằm trong một tòa nhà gạch trắng có vẻ đã được xây vội hồi đầu những năm sáu mươi. Trong đó kê một cái giường thấp phủ chăn, một dàn âm thanh và ti vi, và một chiếc sofa màu đen to lớn kì cục mà, vào lúc bình minh, sẽ bắt đầu chức năng thường nhật của nó với việc hứng lấy bất cứ tia sáng nào rọi vào qua ô cửa sổ duy nhất. Trên tường là một tấm áp phích đóng khung bằng bạc, phỏng theo một bức họa của Matisse[43] về một căn phòng trướng rủ màn che màu mè lòe loẹt, thiếu vắng sự sống, ngoại trừ ba con cá vàng hình dao găm đang lững lờ bơi trong một cái chậu cá cảnh màu xanh nhạt. Căn hộ của Erich giống như phòng đợi của bác sĩ. Nó chẳng gợi nhắc gì mấy đến việc có người sống trong đó ngoài một vẻ u sầu mong manh. Tuy nhiên, lúc tôi mặc xong quần áo và ghi lại số điện thoại của anh rồi để lại số của tôi trên một mảnh giấy, căn hộ đã mang vẻ thực tế hơn. Nó không có vẻ bớt trống trải hơn chút nào so với lúc chúng tôi mới đến, mà chỉ bắt đầu tiết lộ rằng quả thực vẫn có người sống trong này. Một chấm sáng đỏ nhấp nháy trên máy trả lời tự động, báo hiệu cho những tin nhắn chưa được nghe. Tôi thổi một nụ hôn gió về phía Erich từ ngưỡng cửa, khẽ nói “Hẹn gặp lại” và đi bộ ba tầng cầu thang để xuống phố.
[43] Henri Matisse (1869-1954): họa sĩ người Pháp, nổi tiếng với khả năng sử dụng màu sắc và chất lỏng cũng như khả năng hội họa. Ông là nhân vật tiên phong của trường phái Dã thú.
Thường thường đây vẫn là khoảnh khắc ưa thích của tôi, sau khi cuộc làm tình kết thúc và tôi đã quay trở lại với chính mình, vẫn trẻ trung và đầy sức sống, tự do đi bất cứ đâu. Tuy nhiên, tối nay tôi lại thấy bức tức và có cảm giác không trọng lượng, tôi không thể lấy lại được cảm nhận về bản thân. Con phố Hai mươi tư nằm yên lặng trong bể ánh sáng màu vàng sẫm. Một ả gái điếm cô độc tha thẩn với đôi tất dài màu đen và một cái áo khoác lông, một quầy hàng nông sản bán thâu đêm đang chất đầy nào cam, nào táo nhẵn bóng và những bông cẩm chướng nhuộm xanh cho ngày lễ Thánh Patrick. Tôi đã được truyền sang một niềm khoái lạc len lỏi trong nỗi tiếc nuối mơ hồ. Thứ gì đó đã mất đi, ít nhất là trong lúc này – và giới hạn của khả năng. Tôi đã đi qua hai mươi dãy nhà trên đường về nhà, nhưng không thể lay chuyển được cảm giác đó. Nó theo tôi dai dẳng như một tên trộm.
Mãi đến hơn bốn giờ tôi mới về nhà. Clare đang ngủ. Khi tôi gặp chị vào tối hôm sau, tôi không kể nhiều về Erich với chị. Clare và tôi thường trò chuyện về đàn ông với cùng một thái độ khinh khỉnh mỉa mai, và tôi không biết phải giới thiệu thế nào về một người đàn ông như Erich. Không phải là tôi đang yêu, nhưng lần này một cuộc làm tình buổi đêm đã không còn là một hài kịch vụng về nữa, một sự tuyệt vọng hay nỗi chán chường nữa.
Clare nói: “Cậu chẳng kể gì cả, Jonathan. Thực sự thì có chuyện gì vậy?”
“Chẳng có gì,” chúng tôi đang ngồi trên sofa và uống Pernod. Pernod là thức uống gần đây của chúng tôi. Chúng tôi có thói quen sùng những loại rượu khác nhau dù không mấy trung thành với chúng.
“Cậu đang có vẻ thận trọng quá đấy,” chị nói. “Mà cậu đâu phải mẫu người như thế. Anh chàng này có vẻ là một người đặc biệt đúng không? Thực sự thì cậu đang giấu chuyện gì vậy?”
“Anh chàng này là một diễn viên trong tương lai, anh ta đang phục vụ đồng uống ở một nơi đáng sợ. Anh ta bỗng dưng lại là một bạn tình tuyệt vời.”
“Cưng à, đừng có nói qua quýt như thế,” chị nói. “Tôi đã gặp bạn tình tuyệt vời cuối cùng của tôi, năm nào nhỉ, 1979 hay sao ấy? Hãy kể chi tiết một chút nào đi. Hãy kể đi. Đây là dì Clare của cậu mà.”
Chị nốc một hơi rượu thật dài, và tôi nghĩ rằng tôi thấy được ẩn sâu dưới sự tha thiết thân mật đó của chị là nỗi e sợ nhạt nhòa rằng rồi tôi sẽ rời bỏ chị, rằng tôi sẽ bị chìm đắm vào tình yêu. Nó hiện rõ trong đôi mắt và trên miệng tôi, khóe miệng ấy có thể trở nên nghiêm nghị và bất đồng bất chấp màu son đỏ chói.
“Cưng ơi, có những nơi mà ngay cả những người bạn thân nhất cũng không thể tới cùng nhau,” tôi nói.
“Ôi, không đúng,” chị nói. “Cậu không có ý như thế, cậu chỉ xấu hổ về vấn đề này. Đúng không?”
Clare và tôi không hề giữ bí mật nào với nhau – đó là khía cạnh hấp tấp, liều lĩnh trong tình bạn của chúng tôi. Có lẽ nó là sự thay thế cho kiến thức sinh học mà những cặp đôi khác lượm lặt được từ tình dục. Clare và tôi thú nhận với nhau mọi chuyện. Chúng tôi lột trần bản thân mình và liệt kê những khuyết điểm của mình ra. Chúng tôi biết rõ về những mơ mộng ngớ ngẩn nhất của nhau, thú nhận về những dối trá, thói tham lam cùng những lời tự tâng bốc của chính mình. Chúng tôi mô tả tất cả những vướng mắc về sinh lý và biết rõ tình trạng gan ruột nhau.
Và bây giờ, lần đầu tiên, tôi muốn giữ riêng một điều gì đó cho mình. Tôi không rõ là vì sao. Có lẽ đó là một điều rất mơ hồ và tôi mong muốn được giữ lại. Erich đã làm tôi ngạc nhiên vì sự dịu dàng của anh. Điều gì đó ở anh đã làm tôi động lòng – chẳng hạn như: sự hào hứng thấy rõ và những hi vọng mong manh của anh. Điều gì đó ở anh khiến tôi tức giận. Tôi không biết cảm giác của mình là gì và cũng không thích bị buộc phải đặt tên cho những cảm giác đó. Có lẽ tôi sợ rằng khi miêu tả chúng quá sớm, tôi sẽ làm kiệt quệ tiềm năng thay đổi hay phát triển của chúng. Có thể tôi đã đúng.
Nhưng tối hôm đó tôi quyết định không giữ lại những bí mật. Tôi cũng sợ sự cô độc và sự ruồng rẫy, và tôi biết tôi sẽ không bao giờ sống với Erich. Cùng lắm thì anh sẽ là bước đầu tiên dẫn tôi đến với một thứ gì đó mơ hồ nằm ngoài không khí gia đình ấm áp mà tôi sẻ chia với Clare. Chị mới là tình yêu quan trọng nhất của tôi trên đời này. Tôi không có một nửa nào khác gắn bó với mình quá sâu sắc như thế.
Vì thế tôi kể hết với chị. Hóa ra cũng không có gì nhiều để kể. Khi tôi kể xong, Clare nói: “Cưng à, cậu vừa tìm thấy một Bác sĩ Tâm lý cho mình đấy.” Chị hát vài câu từ bài hát của Aretha. “Đừng có gợi một tay bác sĩ nào cho tôi cả, họ chỉ biết tống đầy thuốc vào người tôi thôi, tôi đã tự kiém cho mình một người đàn ông tên là Bác sĩ Tâm lý, người đã khiến cho tôi thấy thực sự thoải máiiiii.”
Đó có vẻ là một lời giải thích hiệu quả, ít nhất là trong thời điểm này. Erich sẽ là Bác sĩ Tâm lý. Từ đêm đó, càng gọi anh bằng cái tên ấy, tôi càng thấy nó phù hợp với anh. Clare và tôi tiếp tục mối quan hệ chị em của chúng tôi với sự gắn bó vẫn nguyên vẹn. Tôi đã tự tìm cho mình một điều thú vị nho nhỏ bên cạnh mối quan hệ đó. Clare khuyên tôi cứ tận dụng nó cho đến khi nào nó không còn giá trị, vì tôi hoàn toàn có thể làm được điều đó. Đó có vẻ là một lời khuyên chí lý.
Do đó, Erich và tôi bắt đầu hẹn hò. Vì anh làm việc vào ban đêm nên chúng tôi thường gặp nhau sau mười một giờ. Chúng tôi thường đi uống một hai ly rượu ở quán bar rồi về nhà anh.
Tôi không biết nhiều về cuộc sống riêng của anh. Anh có một tham vọng duy nhất, một tham vọng mơ hồ nhưng dai dẳng: được công nhận. Phương tiện mà anh dùng để đạt được sự công nhận đó là không mấy chắc chắn – anh chỉ đơn giản tìm kiếm một cơ hội, cố gắng để được chú ý đến. Anh đi thử vai cho bất cứ thể loại nào. Thậm chí anh còn đi thử giọng cho các vở nhạc kịch Broadway dù anh không biết hát. Anh làm việc mười bốn tiếng mỗi ngày cho một vai quần chúng trong bất cứ bộ phim nào được quay ở New York, và vào lễ Giáng sinh sẵn sàng sắm vai một anh lính người máy to quá cỡ cho cửa hàng đồ chơi F.A.O. Schwarz. Anh liên tục tham gia các lớp học diễn xuất, hùng hồn bày tỏ tham vọng được trở thành một diễn viên giỏi hơn, nhưng khi tôi quen anh lâu hơn, tôi bắt đầu nhận ra rằng diễn xuất thực sự không phải là điều mà anh quan tâm nhất. Sự hoan nghênh mới là mục đích của anh, và công việc theo hợp đồng ở cửa hàng đồ chơi nọ đại khái đã tạo cho anh một cảm giác thỏa mãn pha lẫn khổ sở mà anh sẽ nhận được từ việc đóng vai chính trong một vở diễn ở Broadway. Anh thích một sự theo đuổi có phương pháp và luôn mong chờ được chú ý, chứ không mơ đến một thành tựu. Trong cuộc sống đời thường, anh gần như vô hình – anh mặc quần jean và áo phông có cổ, lắp ba lắp bắp trong những cuộc trò chuyện đơn giản nhất, và sống một mình trong một căn hộ trống trải. Nhưng khi ở cửa hàng Schwarz trong mùa Giáng sinh, anh không bao giờ thoát vai, không bao giờ ngừng những động tác cứng nhắc như robot trong suốt ca ngày làm việc. Trong chiếc quần đùi thể thao và một ngày ba mươi độ, anh chạy bộ bốn mươi lăm lần ở cùng một dãy nhà trên phố Bleecker, vì đang là nhân vật làm nền mờ nhạt trong một bộ phim sẽ không bao giờ được trình chiếu. Vào ban đêm, khi đèn đã tắt, anh rất tuyệt khi trên giường.
Dù tôi gặp anh một hay hai lần mỗi tuần, tôi vẫn không hiểu được anh. Tôi ngờ rằng anh lo là nếu tôi – hay ai đó – hiểu được anh quá rõ, sự vận động của cuộc đời anh sẽ phần nào chậm dần – cái số phận vô danh của anh rồi sẽ được xác nhận. Bản thân tôi lại e rằng anh đang trên bờ vực bị chi phối hoàn toàn bởi mong muốn của người khác. Tôi nghĩ rằng đến một thời điểm nào đó, khi anh đã hoàn toàn hết hi vọng về việc đạt được danh tiếng, anh sẽ biến mình thành một người hâm mộ, tìm kiếm một người tình và vui vẻ từ bỏ mọi vết tích về cái quyết tâm cũ đó của anh. Có lẽ tôi đã cảm thấy thế ngay lần đầu trông thấy anh, khi anh gật đầu vui vẻ trong cuộc trò chuyện ở quán bar với một ông già. Anh đang rèn luyện sự tập trung. Tôi không muốn chúng tập trung quá mãnh liệt lên tôi.
Khi chúng tôi ở bên nhau, chúng tôi nhấn mạnh đến những chi tiết cục bộ: những câu chuyện chúng tôi gặp phải ở chỗ làm, những bộ phim mà chúng tôi thích hoặc ghét. Cuối cùng, trong cuộc hẹn có lẽ là thứ mười hay mười lăm gì đó, khi chúng tôi đang nằm im lặng trên cơ thể nhau, người vã mồ hôi, anh nói: “Mà, ừm, tóm lại thì anh là ai?”
“Gì cơ?”
Tại anh đỏ lên. Tôi ngờ rằng đó là một lời thoại được anh lấy ra từ trong một bộ phim.
“Ý tôi là, tôi thực sự không biết gì về anh,” anh nói.
“Tôi cũng không biết nhiều về anh,” tôi nói. “Tôi chỉ biết sơ qua rằng anh là một diễn viên, hiện đang làm nhân viên pha chế rượu. Anh muốn đổi việc nhưng chẳng làm gì nhiều để thực hiện điều đó, và anh thích phim Cánh đồng chết.”
“Ờ, tôi lớn lên ở Detroit,” anh nói.
“Tôi cũng đến từ miền Trung Tây đấy.”
“Tôi biết. Từ Cleveland.”
Sau một lúc ngừng, anh nói: “Chà, thật thú vị. Chúng ta đều là người miền Trung Tây. Điều đó thực sự, anh biết đấy, làm sáng tỏ được rất nhiều, đúng không?”
“Không, nó chẳng làm sáng tỏ được mấy,” tôi nói. Tôi tin rằng cuộc trò chuyện này là khởi đầu cho sự kết thúc của chúng tôi, và tôi không hoàn toàn bận tâm. Tạm biệt, Bác sĩ Tâm lý. Hãy để tôi quay lại trên phố, trở lại là chính tôi, với ý thức cũ của tôi về một tương lai vô tận.
Một lúc sau, anh nói: “Tôi từng chơi nhạc. Khi tôi còn nhỏ. Tôi rất mê âm nhạc. Tôi luôn mơ về nó. Tôi đã có những giấc mơ chỉ toàn là âm nhạc, chỉ… riêng âm nhạc mà thôi.”
“Thật à?” Tôi hỏi. “Anh chơi nhạc cụ gì?”
“Dương cầm. Cello. Một chút vĩ cầm.”
“Anh còn chơi không?”
“Không,” anh nói. “Không bao giờ chơi nữa. Anh biết đấy, tôi chơi không giỏi lắm. Tôi chỉ chơi được tàm tạm thôi. Nhưng không thật sự giỏi.”
“Tôi hiểu.”
Chúng tôi nằm bên nhau một lúc trong sự im lặng bứt rứt, chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng tôi không phải bạn bè cũng không phải tình nhân. Chúng tôi không có một ràng buộc tự nhiên nào ngoài vấn đề tình dục. Tôi tin rằng tôi có thể cảm thấy sức nặng trong nỗi bất hạnh của Erich như một thợ lặn cảm thấy áp lực từ đại dương, nhưng tôi không thể giúp anh. Đây là cái giá mà chúng tôi phải trả vì đã ngủ cùng nhau trước rồi mới làm quen với nhau – chúng tôi đã chia sẻ một sự thân mật mà không hề hiểu biết về nhau hay có tình cảm với nhau. Tôi không thể lắng nghe những lời thú nhận của Erich. Tôi không biết rõ anh đến mức làm được điều đó. Tôi nhớ đến lời khuyên của Clare – hãy cứ tận dụng nó trước khi nó hết giá trị.
“Nghe này,” tôi nói.
Anh đặt một ngón tay lên môi tôi. “Suỵt,” anh thì thầm. “Đừng nói. Bây giờ thực sự không phải là, anh biết đấy, lúc thích hợp để nói.” Anh bắt đầu vuốt tóc tôi và nhay nhay dọc theo vai tôi.
Mối quan hệ của chúng tôi vẫn còn mang tính ngại ngùng, giữ kẽ. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, có vẻ như chúng tôi mới gặp lần đầu tiên. Nhiều tháng sau, khi tôi hỏi Erich về tình yêu âm nhạc trước đây của anh, tất cả những gì anh nói là: “Hết rồi. Đó chỉ là, anh biết đấy, chuyện xưa rồi. Gần đây anh có xem bộ phim nào không?” Đôi khi những cuộc trò chuyện của chúng tôi bị sa lầy, và những khoảng im lặng kế tiếp tạo cho cả hai cảm giác không được thoải mái. Anh chưa bao giờ đến nhà tôi, chưa bao giờ gặp Clare hay bất cứ người bạn nào khác của tôi. Tôi tạm rời bỏ cuộc sống quen thuộc của mình để đến gặp anh ở nhà anh. Khi ở bên Erich, tôi mang một tính cách mới. Tôi mạnh mẽ và hơi vô tình, hơi lố lăng. Mối quan hệ của chúng tôi chỉ diễn ra ở mức độ xác thịt, và điều đó có vẻ thích hợp với chúng tôi. Bất cứ điều gì khác cũng sẽ là ủy mị, gượng gạo, hớ hênh. Chúng tôi không xâm phạm vào đời tư của nhau. Tôi tin rằng trong chừng mực nào đó, chúng tôi còn xem thường nhau. Vì tôi không mang theo gì khác ngoài sự kích động và thể lực vào việc này, tôi thấy tôi có thể ồn ào một cách đáng ngạc nhiên trên giường. Tôi có thể điềm nhiên bước đi trên sàn nhà, tiếng giày bình bịch như tiếng rìu bổ. Và tôi có thể trở nên hơi dữ tợn. Tôi có thể cắn vào da thịt Erich mạnh đến nỗi để lại những vết hình vỏ trai màu đỏ trên thân thể anh. Tôi có thể mường tượng ra hình ảnh của anh – một người đàn ông vô danh – bị xích tay, làm nhục, lột trần và bị cột vào một cỗ máy Kafkaesque, và bị nó hãm hiếp một cách tàn nhẫn.
Trong cuộc đời kia của tôi, tôi đi chơi hằng đêm với Clare, ăn đậu viên rán, gà nướng hay đồ ăn Việt Nam. Chúng tôi tranh luận về việc trẻ con nên được phép xem ti vi bao lâu. Chúng tôi nhất trí rằng bản thân sự nghiêm khắc của các trường công đã là một sự giáo dục, và nó sẽ cân bằng với những kiến thức tầm thường của các giáo viên. Đôi khi những ông bố trẻ tuổi đẹp trai sẽ đi qua cửa sổ của bất cứ nhà hàng nào mà chúng tôi đang ngồi, đẩy những cái ghế đẩy hay kiệu những đứa con đang say ngủ trên vai. Tôi luôn ngắm họ khi họ đi qua.
Đó là cuộc sống của tôi giữa thời đương nhiệm của Tổng thống Reagan.
Rồi Bobby đến sống ở New York.
BOBBY
Tôi đã ở cùng với chú Ned và cô Alice gần tám năm. Trong khoảng thời gian đó, tôi chẳng có ham muốn làm gì và cũng không muốn thay đổi, trong tám năm, tôi bơm những bông hồng lên những chiếc bánh sinh nhật và nghĩ đến các món ăn sẽ nấu cho bữa tối. Mỗi ngày là một chương trình giống hệt nhau, và vẻ đẹp của chúng chính là sự giống nhau hoàn toàn đó, ngày nào cũng như ngày nào. Giống như là ma túy, sự lặp đi lặp lại làm thay đổi kích cỡ của mọi thứ. Một ngày đầy đủ và trọn vẹn của tôi là khi những ổ bánh mì quế ra lò thật hoàn hảo và bầu trời chuyển từ mưa sang tuyết. Tôi vỗ vỗ những quả dưa ở cửa hàng thực phẩm, thọc tay vào bới những quả hồ đào trong thùng. Tôi mua những đĩa hát mới. Tôi không yêu ai. Tôi không đến thăm mộ của gia đình tôi, ba tấm bia nằm cùng một hàng. Tôi chờ măng tây và cà chua xuất hiện trở lại, và bật đĩa nhạc Blonde on blonde của Bob Dylan cho đến khi những cái rãnh trên đĩa bị mòn đi. Tôi sẽ còn sống như thế cho đến ngày nay nếu chú Ned và cô Alice không chuyển đến Arizona.
Bác sĩ đã tuyên bố là: Không khí ở Ohio, với mùi dã thú và nước hồ, quá nặng nề cho hai lá phổi kiệt quệ của chú Ned. Chỉ còn cách chuyển đến sa mạc hoặc bắt đầu lên kế hoạch cho đám tang. Đó là những gì ông ta nói.
Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ đi với họ. Nhưng cô Alice đã bảo tôi ngồi xuống để nói chuyện. “Bobby,” cô nói, “con yêu, đã đến lúc con ra ngoài tự lập rồi đấy. Con sẽ làm gì ở Arizona hả?”
Tôi bảo cô rằng tôi sẽ kiếm một công việc làm bánh. Tôi bảo cô rằng tôi vẫn sẽ làm công việc hiện tại, chỉ là thay đổi địa điểm thôi.
Đôi mắt cô nhíu lại, tối sầm. Một nếp nhăn kì quặc, một đường thẳng đứng lõm sâu, hiện lên trên trán cô. “Bobby, con đã hai mươi lăm tuổi rồi. Con không muốn một cuộc sống hơn thế này sao?”
“Con không biết,” tôi bảo cô. “Ý con là, đây cũng là một cuộc sống, và con cũng khá thích nó.”
Tôi biết lời nói đó của tôi nghe như thế nào – trì độn và ngu ngốc, như một người họ hàng bị bỏ rơi và cứ thui thủi chơi một mình, như thể cậu ta đã tính sẵn như thế. Tôi không thể nói cho cô hay về vẻ đẹp thường nhật, và rằng tôi không hề chán việc ngắm ánh nắng sớm lúc sáu giờ sáng trên những đường dây điện thoại. Khi còn nhỏ, tôi đã mong được thoát ra khỏi khoảng trống giữa bản thân mà tôi biết và thứ mà tôi nghe mình nói. Tôi đã mong mình giống với một chỉnh thể duy nhất hơn.
“Con yêu, còn có nhiều điều hơn thế này,” cô nói. “Hãy tin cô.”
“Cô không muốn con đến Arizona,” tôi nói bằng giọng của một người họ hàng bướng bỉnh. Tuy nhiên, đó là điều tôi cần phải nói.
“Đúng. Thực sự, cô không hề muốn. Cô đang đẩy con ra khỏi tổ, điều mà đáng lẽ cô nên làm từ lâu rồi.”
Tôi gật đầu. Chúng tôi đang ở trong bếp, và tôi có thể thấy bóng mình phản chiếu qua ô kính cửa sổ. Lúc đó trông tôi thật to lớn, như một kẻ kì cục trong lễ hội hóa trang, với cái đầu to như chiếc mũ bảo hiểm của môn bóng bầu dục và đôi cánh tay dài nghêu thõng xuống gần sát sàn nhà. Thật kì lạ, vì tôi vẫn luôn nghĩ mình là một người bé nhỏ và còn khá trẻ con, gần như vô hình.
“Con có hiểu cô đang nói gì không đấy?” Cô hỏi.
“Có ạ.”
Tôi hiểu rằng cuộc đời tôi sẽ thay đổi dù tôi có muốn hay không. Tôi hiểu rằng nguồn cung cấp cho liều thuốc đặc biệt này – những chiếc khăn lau bát kẻ ca rô màu đỏ và chiếc bình sành đựng thìa gỗ này – sắp sửa cạn kiệt.
Tôi quyết định đến New York. Đó là nơi hợp lý nhất. Cuộc sống ở Cleveland của tôi đã phụ thuộc vào cô Alice và chú Ned – tôi cần lau nhà và nấu bữa tối cho họ. Tôi cần bảo vệ và chăm sóc họ. Mặt khác, Cleveland là nơi mà mọi thứ đều không thể xảy ra. Không khí sực mùi thất vọng; nước sông đặc quánh như xi rô làm từ nhựa cây thích, những trung tâm mua sắm xây bằng bê tông xỉ than với ba trong số năm tòa nhà vẫn còn trống. Khi làm việc ở tiệm bánh, bạn sẽ biết được sự bất hạnh của người địa phương. Người ta nhét toàn bộ những chiếc bánh vào nỗi buồn của họ, hàng tá những cái bánh sô-cô-la hạnh nhân, bánh quy và bánh Mismarck. Sự đều đều trong những ngày tháng tôi sống với chú Ned và cô Alice giống như là một ngọn lửa trại. Tôi thích điều đó ở Cleveland. Thế nhưng, không có họ, ở đó sẽ chỉ còn những bến xe buýt và những cơn gió thổi đến từ hồ Erie. Tôi không định biến mình thành một con ma quá sớm như thế.
Tôi gọi điện cho Jonathan. Tôi làm thế với nỗi lo lắng thực sự – lúc đó chúng tôi giống như những người thân hơn là bạn bè. Chúng tôi mua quà và hút cần sa cùng nhau trước những bữa tiệc Giáng sinh. Thế là đã đủ thân thiết. Nhưng các kì nghỉ cách nhau hàng tháng trời, và cậu mặc những bộ đồ mà tôi sẽ không bao giờ nghĩ là mình sẽ mặc. Cậu nói chuyện về rạp hát, tôi đi xem phim cùng chú Ned hay xem ti vi với cô Alice. Tôi nằm trong phòng tôi – trước đây là phòng cậu – hàng giờ liền, chỉ để nghe nhạc. Jonathan nhanh nhẹn và sáng dạ, đang trên đường thành công, và dù tôi yêu quý cậu, nhưng những chuyến thăm nhà của cậu luôn khiến tôi thấy bối rối. Khi cậu có mặt, tôi có thể giống như một người anh em họ nhút nhát, hay tệ hơn nữa, giống như một ông chú độc thân, một mẫu người dễ dãi, vui tính, nông cạn. Jonathan dường như đã thu nhỏ lại cuộc sống của tôi, và tôi không thể ngừng mong ngóng ngày cậu bay trở về New York, vì tôi biết vào ngày hôm đó, cuộc sống của tôi sẽ trở lại với kích cỡ phù hợp, và tôi có thể đi trên những con phố Ohio mà không có cảm giác của một kẻ tị nạn, thất bại.

Bình luận