Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo, nghèo đến nỗi không có lấy một tấc đất cắm dùi, bác chỉ có căn nhà nhỏ bé và một cô con gái. Một hôm cô nói với bố:
– Có lẽ nhà ta phải đến xin nhà vua ban cho một mảnh đất hoang mới được..
Nhà vua thấy nói họ nghèo nên sẵn lòng ban cho họ một mảnh đất ở cánh đồng cỏ. Nhận đất hai bố con cặm cụi cuốc đất, định gieo ít lúa và trồng hoa màu. Khi họ cuốc đất gần xong thửa ruộng thì lấy được ở dưới đất lên một cái cối bằng vàng. Bố bảo con gái:
– Con thấy không, nhà vua rộng lượng ban cho nhà ta mảnh đất này, vậy nên ta dâng chiếc cối lên nhà vua.
Cô con gái không muốn vậy nên nói:
– Cha ạ, nếu có cối, tất phải có chày, mà chày vàng cùng bộ thì nhà ta không có. Vậy thì tốt hơn là ta làm thinh.
Nhưng ông bố không nghe, ông đem cối dâng vua và nói, trong lúc cuốc đất ông thấy chiếc cối vàng và muốn dâng vua để tỏ lòng biết ơn, kính trọng. Nhận cối vàng, nhà vua hỏi bác nông dân còn tìm thấy gì nữa không. Bác nông dân thưa:
– Muôn tâu bệ hạ, không ạ.
Nhà vua bảo bác nông dân phải mang chày vàng nộp. Bác nông dân thưa chỉ tìm thấy cối vàng, không tìm thấy chày vàng, bác dùng mọi lời để thanh minh cho sự trung thành của mình, nhưng cái đó cũng chả giúp ích gì cả, bác vẫn bị tống giam, chừng nào tìm thấy đem nộp nốt chày vàng thì được tha. Bọn lính canh ngục hàng ngày mang cho bác nước lã và bánh mì – đó là khẩu phần của tù nhân – Lúc nào chúng cũng nghe thấy người đàn ông kia kêu la:
– Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nỗi này, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này.
Lính canh ngục tâu vua về chuyện người tù lúc nào cũng kêu la: “Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này” và không chịu ăn uống gì cả.
Nhà vua truyền cho lính canh dẫn tù nhân đến và thân chinh hỏi tại sao lúc nào cũng la:
– Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này.
– Thế con gái ngươi nói gì vậy?
– Muôn tâu bệ hạ con gái thần khuyên không nên đem dâng chiếc cối vàng, nếu dâng thì thế nào thần cũng phải tìm cho ta chiếc chày vàng để nộp.
– Con gái ngươi khôn ngoan thật đấy, vậy cho gọi nó tới đây.
Thế là cô gái phải đến. Nhà vua muốn thử xem liệu cô có thật thông minh như lời người cha kể không. Nhà vua bảo sẽ ra cho cô một câu đố, nếu cô giải được thì vua sẽ nhận cô làm cung phi. Cô gái nhận lời ngay, cô sẽ tìm cách giải câu đố. Nhà vua nói:
Hãy đến chỗ ta,
không mặc quần áo,
chẳng phải trần truồng,
không phải lừa ngựa,
chẳng phải đi xe,
không đi trong đường,
chẳng ra lề đường,
nếu ngươi làm được,
sẽ thành cung phi.
Cô gái liền cởi quần áo ra. Cô lấy một chiếc lưới đánh cá lớn, ngồi vào giữa lưới và lăn cuộn tròn lưới quanh người, rồi cô thuê một con lừa, buộc đầu lưới vào đuôi lừa để cho lừa kéo đi, như vậy là không cưỡi lừa mà cũng chẳng phải đi xe. Cô cho lừa kéo đi theo những vết bánh xe để cô đi trên đất bằng hai ngón chân cái, như vậy là không đi ở giữa lòng đường, mà cũng chẳng phải đi ở bên lề đường. Thấy cô gái đến trong tư thế ấy, nhà vua nói ngay là cô đã giải được câu đố cùng những điều kiện đặt ra.
Vua truyền cho thả ngay bố cô gái, nhận cô là cung phi và phó thác cho cô toàn bộ các kho báu trong hoàng cung.
Nhiều năm trôi qua. Một hôm vua đi duyệt binh, tình cờ có một số người nông dân đang bán củi rong, cho xe đổ ở khu đất trước hoàng cung. Đó là những chiếc xe bò và xe ngựa. Có một chiếc xe có hai ngựa kéo và một con đi theo. Trong lúc xe đổ con ngựa con lại chạy ra chỗ hai con bò và chen vào giữa nằm. Khi đám đông dân đi xem diễu binh quay về, đánh lộn làm ầm cả lên.
Người nông dân có bò đòi giữ con ngựa con lại, nói rằng nó chính là con bò mình đẻ ra. Người nông dân kia nói là không phải thế, nói ngựa mình đẻ ra con ngựa con kia, con ngựa con chính là của mình.
Cãi nhau mãi cũng chẳng đi đến đâu, họ kéo đến xin vua xử. Vua xử, ngựa nằm ở đâu thì thuộc về người đó. Thành ra người có bò thắng kiện, nhận được con ngựa con.
Người nông dân thua kiện, lòng ấm ức vừa đi vừa khóc, kể lể chuyện oan ức của mình.
Bác nghe nói, hoàng hậu cũng rất từ tâm, vì bà vốn xuất thân từ lớp nông dân nghèo. Bác tìm đến gặp bà, cầu xin bà giúp đỡ để nhận lại con ngựa con.
Bà bảo:
– Được thôi, nhưng ngươi phải hứa không để lộ chuyện ta giúp ngươi. Sáng mai, khi nhà vua đi duyệt quân ngự lâm, ngươi hãy ra đứng ở giữa đường, nơi vua thế nào cũng đi qua. Ngươi cầm chiếc lưới to, đứng làm ra bộ đang mải tung lưới đánh cá, rồi cũng rũ lưới như trong lưới nhiều cá lắm.
Bà còn bày cho cách trả lời những câu hỏi có thể nhà vua sẽ đặt ra.
Hôm sau, bác nông dân ra đứng ở đó và tung, kéo lưới đánh cá trên cạn. Vua đi qua thấy thế, phái một tên thị vệ hỏi xem cái tên dở người kia định làm trò gì. Người kia đáp:
– Tôi tung, kéo lưới đánh cá.
Thị vệ hỏi tại sao lại đánh cá ở chỗ không có nước. Người kia đáp:
– Hai con bò đực còn đẻ ra được một con ngựa con thì tất nhiên ngay ở trên cạn người ta cũng có thể đánh được cá.
Thị vệ chạy lại tâu trình nhà vua. Vua truyền cho gọi người kia lại, nói là bác nông dân không thể nghĩ ra được trò chơi này cũng như những câu đối đáp kia. Nhà vua muốn biết ai là người đã bày mưu tính kế cho bác, bác nông dân cứ không nói, có trời chứng giám, chính bác nảy ra ý nghĩ ấy. Thị vệ liền túm lấy bác ta, trói lại và tra tấn bác nông dân lúc bấy giờ mới thú tội là hoàng hậu đã bày mưu cho.
Về tới nhà, vua nói ngay với hoàng hậu:
– Sao ái khánh lại dối trá ta, ta không thích có một cung phi như vậy. Ái khanh có thể quay trở về quê cũ được rồi đấy.
Tuy vậy nhà vua cho phép mang theo về quê cái gì mà bà quý nhất, và đó là điều kiện cuối cùng trước khi chia tay. Hoàng hậu nói:
– Thưa phu quân kính yêu, thiếp xin tuân lệnh.
Rồi bà ôm chầm lấy nhà vua, hôn cái hôn từ biệt. Trước khi chia tay bà xin nâng cốc biệt ly với nhà vua. Rượu có pha một liều thuốc ngủ mạnh, khi nhà vua uống cạn chén thì cơn buồn ngủ cũng ập tới, nhà vua ngủ say không hề biết gì nữa. Hoàng hậu chỉ uống có một hớp, bà gọi thị vệ trải lụa trắng, đặt vua vào đó và khênh lên xe. Bà cùng nhà vua đang ngủ đi về quê. Về tới nhà, bà sai thị vệ đặt vua lên giường bà vẫn nằm khi xưa lúc còn ở nhà.
Vua ngủ một giấc dài một ngày một đêm. Tỉnh dậy thấy lạ, nhà vua nhìn quanh hỏi:
– Quái lạ ta đang ở đâu thế nhỉ?
Vua la gọi thị vệ nhưng chẳng thấy bóng dáng tên nào cả. Mãi sau mới thấy hoàng hậu bước tới nói:
– Tâu bệ hạ, bệ hạ có ra lệnh cho thiếp được phép mang ra khỏi hoàng cung về quê cái gì mà thiếp yêu quí nhất. Thiếp thấy không có gì trên đời thiếp yêu quý bằng bệ hạ, vì thế thiếp đã mang theo bệ hạ về quê.
Xúc động mạnh mẽ làm nhà vua rưng rưng nước mắt, nhà vua nói:
– Thiếp yêu quý, tại sao chúng ta lại có thể xa nhau được nhỉ, ta vẫn là của nàng, và nàng là của ta.
Hai người trở lại hoàng cung, làm lễ ra mắt trở lại. Và chắc có lẽ họ còn sống cho đến ngày nay.
- Trang chủ
- Thể Loại Sách
- Ẩm thực – Nấu ăn
- Cổ Tích – Thần Thoại
- Công Nghệ Thông Tin
- Học Ngoại Ngữ
- Hồi Ký – Tuỳ Bút
- Huyền bí – Giả Tưởng
- Khoa Học – Kỹ Thuật
- Kiếm Hiệp – Tiên Hiệp
- Kiến Trúc – Xây Dựng
- Kinh Tế – Quản Lý
- Lịch Sử – Chính Trị
- Marketing – Bán hàng
- Nông – Lâm – Ngư
- Phiêu Lưu – Mạo Hiểm
- Sách Giáo Khoa
- Tâm Lý – Kỹ Năng Sống
- Thể Thao – Nghệ Thuật
- Thư Viện Pháp Luật
- Tiểu Thuyết Phương Tây
- Tiểu Thuyết Trung Quốc
- Triết Học
- Trinh Thám – Hình Sự
- Truyện Cười – Tiếu Lâm
- Truyện Ma – Truyện Kinh Dị
- Truyện Ngắn – Ngôn Tình
- Truyên Teen – Tuổi Học Trò
- Truyện Tranh
- Tử Vi – Phong Thủy
- Văn Hóa – Tôn Giáo
- Văn Học Việt Nam
- Y Học – Sức Khỏe
- Sách nói miễn phí
- Thơ Hay
- Góc Review