1
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng bào Thừa Thiên truyền tụng từ làng này qua làng khác, chuyện một người đàn bà dở tỉnh dở điên đi lang thang khắp tỉnh để tìm con. Chị ta tên chi, quê quán ở đâu, ít ai biết thật rõ. Chỉ biết chị ta làm nghề bán bún rong, khi bún thịt, khi bún cá, khi bún cua… tùy theo sản vật hiện có ở vùng chị đến bán. Ngoài gánh bún bên vai chị còn đeo toòng teng cái bị đệm đựng áo quần và vài đồ vật linh tinh khác – chắc là toàn bộ gia sản của chị.
Chị bán ở làng này ít lâu, lại lân la qua làng khác. Chị cứ dọc theo cái dải đồng bằng dài mà hẹp, với những thôn xóm giặc thường xuyên càn quét, bắn giết, đốt phá…; với những trảng cát miên man ngút tẩm mắt; những đầm, những phá, những hói, những sông…
Mới đầu du kích các làng ngờ chị là Việt gian, gián điệp. Họ cho là “con mụ ni giả điên giả dại, lấy cớ đi tìm con nhưng cốt để dò la kháng chiến, chỉ điểm cho Tây“. Nhiều lẩn họ bắt chị, định lôi chị ra rú, ra trảng cát chặt đầu.
Mỗi lần du kích bắt, tưởng chị phải sợ lắm, nhưng chị lại mừng rỡ như người bắt được của. Chị xoắn xít, đon đả mời chào: “Mời các anh ăn bún! Bún tui là ngon có tiếng đó các anh nờ… Cả chợ Bao Vinh ai còn lạ chi bún bò giò heo mụ Niệm?“.
Chị cười đó rồi khóc đó. Chị kéo vạt áo nối đà chấm nước mắt, sụt sùi kể lể: “Các anh là Việt Minh, chắc các anh biết chừ thằng con tui ở mô… Các anh chỉ giùm cho tui với. Cháu tên là Mừng. Cháu mới có mười ba tuổi, nước da đen ngăm ngăm giống in như tui ri. Người cháu rom rom là lanh lẹ lắm. Tui chỉ có một mạ một con… Ngày Huế mình mới nổ súng, bữa đó tui đi chợ về thì không thấy cháu nó ở nhà. Tui nghĩ là cháu chạy chơi mô đó. Tui chờ đến tối, đến nửa đêm, đến sáng hôm sau, cũng không thấy cháu về… tui e cháu ra sông tắm nghịch, ma rà (1) nhận nước mất rồi. Cả tháng trời, tui bỏ buôn bỏ bán, đi dọc hai bợt sông tìm xác cháu, cầm cơm cầm trứng hú hồn hú vía cháu, mà chẳng thấy tăm dạng cháu mô… Tui để dành để dụm may cho cháu được bộ áo quần, cái quần soọc với cái áo thơ-mit. Chị lục cái bị lác, lôi ra một bộ áo quần con nít gấp vuông vắn buộc lại bằng sợi lạt. Chỉ giở từng cái một đưa ra trước mặt các anh du kích. Cháu hắn cứ nằn nỉ đòi mặc, tui không cho. Tui nói để đến Tết mặc, mình con nhà nghèo ăn, mặc phải tùng tiệm… Rứa mà chừ áo quần còn đây, mà con thì đi mô mất? Mạ có ngờ mô chuyện ni con ơi? Con mà không còn thì áo quần con mạ biết để mần chi… Rồi một bữa, nửa đêm nửa hôm, có một chú Vệ Quốc Đoàn nhỏ nhỏ cũng trạc lứa tuổi con tui, đi vô nhà nói: “Bạn Mừng con thím đang ở Vệ Quốc Đoàn, đánh Tây trên mặt trận Huế. Chừ bạn ấy đang mắc công việc mặt trận, bạn ấy nhờ cháu về nhắn với thím, khi mô việc mặt trận thư thư, sẽ xin phép cấp chỉ huy về thăm mạ…“. Tui nghe mà bán tín bán nghi… Hay họ lầm Mừng con cái nhà ai? Chớ thằng Mừng con tui đôi khi còn ở lỗ chạy rong khắp xóm, còn nhai chéo áo, thì đã biết cái chi mà dám vô Vệ Quốc Đoàn! Rứa rồi mấy bữa sau, lại có một anh Vệ Quốc Đoàn tui quen, trước tê anh làm cu-li khiêng vác ở bến Bao Vinh, thường ăn chịu bún bò của tui, về tìm gặp tui, đưa cho tui bó là tầm gửi ni – chị lôi ra trong bị bó lá tầm gửi bọc bằng vải bạt áo súng, buộc bằng dây điện – nói là thằng Mừng con chị gửi về cho chị để chị sắc uống cho lành bệnh suyễn kinh niên… Hắn đang mắc việc đánh giặc nên mới phải nhờ tui gửi giúp cho chị. Lá tầm gửi ni hắn phải trèo lên cây chót vót mặt trận, rồi phải phơi ba sương năm nắng, uống vô chắc chị lành bệnh cái rụp! Ui chao, lúc đó tui mới tin là cháu nó vô Vệ Quốc Đoàn thiệt, các anh ơi! Đúng là tui mắc bệnh suyễn kinh niên, cực khổ không nói được các anh nờ… Các anh là Việt Minh, chắc các anh biết thằng con tui chừ đang ở mô, chỉ giùm cho tôi với…
Chị kể, nước mắt giọt ngắn giọt dài. Người chị run rẩy như tàu lá chuối trước gió. Giọng chị kể, những hàng nước mắt, đến bộ áo quần con nít, bó lá tầm gửi… chân thật, thống thiết đến nỗi làmcác anh du kích đang định lôi chị ra trảng cát chặt đầu, quay lại tìm lời an ủi chị: “Chắc thằng con chị chừ đang ở trên Xê-ca” – đồng bào Thừa Thiên ngày đó gọi chiến khu là Xê-ca.
Cặp mắt đẫm lệ của chị vụt sáng lên mừng rỡ:
– Chớ Xê-ca mô rứa các anh?
Ở Phú Lộc, họ nói với chị:
– Xê-ca Truồi, Bạch Mã.
Ở Phú Vang, Hương Thuỷ, họ nói với chị:
– Xê ca Độn Bồ, Xê-ca Khe Tre, Nam Đông, Xê-ca Dương Hoà, Lương Miêu.
Ở Phong Điền, Quảng Điền, họ nói với chị:
– Xê-ca Trò, Trái, Xê-ca Cầu Nhi, Xê-ca Hoà Mỹ…
– Nhưng làm răng tôi biết đường sá mà lên thấu đó các anh ơi!
Chị mếu máo kêu lên nghe thương đứt ruột: “Các anh có việc chi lên trên mấy Xê-ca đó cho tui lên theo với. Các anh cần sai biểu chi tôi cũng xin làm hết, miễn răng lên được trên đó may ra tìm thấy thằng con một của tui…!.
– Được rồi, khi mô đi tiếp tế Xê-ca tụi tui sẽ kêu chị đi – Các anh du kích làng nào, huyện nào cũng hứa với chị như vậy.
Rồi đồng bào các làng chị đi qua, không còn ai nhớ tên chị, chỉ nhớ câu chuyện chị kể với nước mắt giọt ngắn giọt dài. Rồi người ta gọi gánh bún của chị là Gánh-bún-chị-tìm-con.
Chú thích:
(1) Một loại ma, lẩn quất trong các vùng sông nước (theo mê tín dị đoan của nhân dân).
2
Người ta thường ví tỉnh Thừa Thiên như cái đòn gánh, cái đòn gánh, dài gần trăm cây số. Một bên là biển, một bên là núi, giữa là dải đồng bằng hẹp. Nhiều quãng hẹp đến nỗi tưởng chừng người đứng trên núi gọi thật to, người đứng dưới bờ biển cũng nghe tiếng.
Hàng mấy chục con sông lớn nhỏ từ trên núi đổ xuống như những lưỡi dao xanh, xắt khúc dải đồng bằng hẹp ra những khúc ngắn dài, xiên xẹo, như người nội trợ vụng xắt khúc con cá hố. Sau ngày Huế vỡ mặt tlận, lực lượng kháng chiến của mỗi huyện đổ ngang lên vùng rừng núi thuộc huyện mình, thành lập chiến khu. Cả tỉnh Thừa Thiên cũ eó sáu huyện mà có đến bảy tám chiến khu. Do đó Chị-tìm-con đến làng nào cũng than thở với khách ăn bún: “Chiến khu bất loạn (1), không biết đi tìm cho hết phải mất mấy tháng, mấy năm“.
Trong bảy tám chiến khu đó, chiến khu Hoà Mỹ là chiến khu lớn nhất và cũng là chiến khu đầu tiên. Xê-ca Hoà Mỹ là đầu não kháng chiến của tỉnh. Các cơ quan tỉnh đều đóng ở đây Bọn giặc biết rõ như vậy. Chúng dốc sức, tìm đủ trăm phương nghìn kế để tiêu diệt chiến khu Hoà Mỹ. Việc trước tiên là chúng đổ quân lên làng Đất Đỏ, một làng chỉ cách Hoà Mỹ bốn cây số, xây vị trí và chất ở đó một trung đội âu Phi.
Trung đội giặc này lừng danh thiện chiến, rất giỏi đánh vùng rừng núi, mới đưa từ Pháp sang, được gọi là Đội tuần tiễu núi An-pơ (Chasseur Alpin). Phía nam Hoà Mỹ, chúng đóng vị trí Sơn Quả. Vị trí Đất Đỏ khác nào mũi lê dí vào trán chiến khu và vị trí Sơn Quả như lưỡi dao găm kề mạn sườn chiến khu.
Mặt khác, chúng tung gián điệp, biệt kích lên chiến khu do thám, chỉ điểm, chuẩn bị cho kế hoạch tấn công tiêu diệt chiến khu…
Xê ca Hoà Mỹ được chia thành bảy Xê-ca nhỏ, theo từng lớp chiều sâu của núi: Từ Xê-ca Một đến Xê-ca Bảy.
Bộ đội Thừa Thiên ngày đó ưa nói tiếng Tây cho vui, họ không gọi Xê-ca Một, Xê-ca Hai… gọi là Xê-ca “Oon”, Xê-ca “Đơ” Xê ca “Tờ-roa”, Xê-ca“Cát”, Xê-ca “Xanh”, Xê-ca “Xít”, Xê ca “Xết“.
Riêng làng Hoà Mỹ được gọi là “Tiền chiến khu“.
Chỉ sau mấy tháng, chiến khu Hoà Mỹ đã có những thay đổi thật lớn lao. Xê-ca bây giờ đã có gần đầy đủ các bộ phận của “guồng máy kháng chiến tỉnh“. Nhà cừa, lán trại của bộ đội cơ quan, mọc lên ngày một nhiều, từ Tiền chiến khu đến Xê-ca “Xết”, có khu nhà Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh, Trung đoàn bộ, Tỉnh đội, bệnh viện, xưởng quân giới xưởng bào chế dược liệu, kho quân khí, quân lương, quân nhu… Vùng Tiền chiến khu, hàng quán của đồng bào mọc lên ngày một đông. Tiền chiến khu cũng là nơi đóng quân của một số đơn vị như trinh sát, biệt động, đại đội liên pháo… Giữa trung tâm Hoà Mỹ có cả nhà văn hoá đại chúng – nhà bằng tranh tre nứa, nhưng cao rộng thênh thang, dựng theo kiểu hội trường. Hàng tuần, ngày chủ nhật, nhà văn hoá đại chúng thường tổ chức sinh hoạt văn hoá, biểu diễn văn nghệ; các tiết mục văn nghệ đều do các đơn vị, các cơ quan tự biên tự diễn.
Chỉ riêng sự thiếu thốn, gian khổ thì Xê-ca Hoà Mỹ ngày đó còn gay gắt, quyết liệt hơn cả những ngày đầu tiên. Có thể nói cuộc sống gian khổ thiếu thốn ngày đó đã trở thành những huyền thoại: huyền thoại đói, huyền thoại rét, huyền thoại rách rưới, huyền thoại ghẻ, huyền thoại rận, huyền thoại bệnh tật và cao đẹp hơn hết là những huyền thoại “bền gan chịu đựng” của những người kháng chiến cứu nước.
Chú thích:
(1) Quá nhiều – tiếng địa phương Huế.
3
Đội thiếu niên trinh sát là một trong những đơn vị đóng quân ở Tiền chiến khu. Lán của đội nằm chếch về phía nam Xê-ca, trên bờ sông Ô Lâu. Trước mặt lán là một vuông sân đất. Qua sân vuông là lau lách mọc rậm như rừng đổ dốc xuống sát tận mép sông. Đứng ở sân không nhìn thấy sông vì lau lách che khuất, nhưng nghe rõ mồn một tiếng nước rì rào và tiếng những coọng nước quay kẽo kẹt suốt ngay đêm…
Ngôi lán dài khoảng chục mét, cột kèo bằng thân cây nguyên vỏ, phên liếp tre lồ ô, mái tranh phủ đầy lá tre rụng.
Trong lán hai bên hai dãy sạp nứa dài, lối đi chính giữa, nền đất cháy đen vì đốt lửa suốt vụ rét, và những ngày mưa gió.
Cả đội nằm trần trên sạp, nên mặt sạp loang lổ những mảnh xám xịt vì mồ hôi và ghét bẩn. Phía đầu nằm, sát phên liếp, xếp một hàng những cái bao tải đựng gạo, gấp làm tư, làm tám. Cái bao tải nào cũng đen xì, mép rách tuơ, lông dựng lờm xờm như lông chó ghẻ. Trên mặt bao, những chú rận gày xác, đen như chấy, lủi nhanh như bọ chét, bò dạo thung thăng. Tư-dát một hôm đứng chống nạnh ngắm chúng, có lời bình luận:
”Rận của lính trinh sát khác xa rận của bên dân sự! Rận dân sự trắng trẻo, béo núc ních, bụng no kềnh, bò chậm chạp lờ đờ như cha cố tập quân sự; ghè móng tay giết kêu bốp! Rận tụi mình giết kêu tét, nghe tức như pháo xịt!“.
Những cái bao tải này được ban Quân nhu trung đoàn cấp phát theo tiêu chuẩn quân trang đông xuân. Mà cũng chỉ những đơn vị đặc biệt như trinh sát, biệt động, các tổ canh gác các trạm gác tiền tiêu… mới được ưu tiên cấp phát.
Các đội viên thiếu niên trinh sát rất lấy làm hãnh diện về việc được cấp phát bao tải. “Như rứa là đội mình được trung đoàn xếp vô hàng những đơn vị đặc biệt“.
Bao tải được bọn trẻ sử dụng tùy theo sở thích, và sáng kiến của mỗi đứa. Có đứa tháo ra thành một tấm dài để đắp như chăn; có đứa cứ để nguyên xi, lúc đi ngủ chui vào bao, co đầu rụt chân lại cho vừa người – vì tuy bé nhưng đứa nào người cũng dài hơn bao tải. “Đem tháo ra thiệt dại! Cứ để nguyên làm thành trên chăn dưới đệm, ngủ vừa ấm vừa êm“.
Những đứa sử dụng nguyên bao khích bác những đứa tháo thành tấm dài. “Nhưng người ta được nằm thẳng chân thẳng cẳng sướng như ông hoàng! Ấm lưng hơn một chút mà phải nằm co ro cút rút, sung sướng cái nỗi chi?“. Cuộc tranh cãi tranh khôn ấy ngày nào cũng diễn ra giữa bọn trẻ và bất phân thắng bại. Tư-dát là đứa thuộc nhiều “chuyện kiếm hiệp ba xu” (1) cười hề hề nói:
– Các cậu dại tuốt, thằng tháo cũng dại, thằng để nguyên cũng dại! – Nó giũ tung cái bao tải của mình ra làm bụi mù – Cái mền ni của tớ là mền vóc đại hồng kiêm áo hồ cừu. Lúc làm mền, lúc làm áo, biến hoá khôn lường? – Nó biểu diễn luôn cách biến hoá khôn lường: lấy sợ dây mây xâu ngang qua cái bao tải gấp đôi, khoác lên người và buộc dây trước cổ. Nó nói, mặt vênh vênh tự đắc:
– Đã thấy tuyệt chưa? Giêng hai rét mướt mà khoác cái áo cừu thiên kim (áo cừu nghìn vàng) ni về đồng bằng bám vị trí giặc thì còn chi ấm hơn!
Cả đội đều chịu sáng kiến của Tư-dát. Từ đó, những đứa được phân công về đồng bằng bám địch đều xúng xính “áo cừu thiên kim bao bố“. Nhưng chỉ khoảng tháng sau, chúng phát hiện ra nhược điểm đáng sợ của loại “mền vóc đại hồng”, và “áo cừu thiên kim bao bố” này là rận – Tư-dát gọi đó là “Xê-ca của rận“. Vì rận ở quần áo còn dễ lùng bắt nhưng rận chui rúc trong bao bố thì vô phương tiêu diệt – cũng là ý kiến của Tư-dát. Bọn trẻ giận dữ trải bao tải lên mặt tảng đá, cầm một hòn đá mà ghè. Chúng không chết! Dìm bao tải xuống sông Ô Lâu, lấy đá dằn lên, tiêu diệt bằng kế “thuỷ công” cũng không ăn thua!
Người ta thường hình dung nỗi gian khổ của những người kháng chiến ở chiến khu là đói và rét. Nhưng rận, ghẻ, sốt rét, mới thật là kinh khiếp.
Lán của đội Thiếu niên trinh sát thường ngày rất vắng vẻ. Những đứa tương đối khỏe đều được cử về đồng bằng bám vị trí giặc, bám đường quốc lộ, theo dõi quy luật hành quân, càn quét của giặc… làm tai mắt cho chiến khu.
Ở lại lán chỉ còn những đứa ghẻ lở kềnh càng hoặc lên cơn sốt rét nặng, vào lán trong những ngày này, những ai rắn lòng nhất cũng không khỏi xúc động, mủi lòng. Lán như bỏ hoang đã lâu ngày. Sạp nứa chỉ cần vắng hơi người dăm hôm đã nổi mốc xanh mốc trắng. Bụi mọt nứa, tre, tranh từ trên mái rụng xuống lả tả rắc một lớp bụi vàng mốc lên mặt sạp. Ở góc lán, một vài đứa đang lên cơn sốt rét rên hừ hừ, rung rung cả sạp.
Chúng đắp lên người cả một đống bao tải rách tả tơi, rận bò lúc nhúc. Bên cạnh đầu nằm, để một bát cháo gạo lễnh loãng chưa kịp ăn. Cháo nấu bằng thứ gạo chôn giấu dưới đất, từ đồng bằng tiếp tế lên, rời ra từng hạt, và có mùi thum thủm.
Những đứa bị ghẻ trông mới càng tội. Ghẻ ăn kín người, từ gối đến cổ, da bì lên từng đám tím đen như cơm cháy. Đến con chim nhỏ xíu cũng bị ghẻ đào rãnh, đào hang, đỏ hỏn, sưng phồng. Lúc lên cơn ngứa, bọn trẻ cởi trần truồng gãi lấy gãi để. Gãi đã cơn ngứa lại đến cơn xót, nước mắt ứa ra, xuýt xoa, mếu máo. Hai bàn tay, ngón nào móng tay cũng bờ lên một lớp ghét máu mủ ghẻ. Bộ quần áo rách rưới máu mủ loang lổ như bản đồ, đứng xa chục bước cũng ngửi thấy mùi tanh. Hoà-đen không biết được anh nào cho cái áo may ô bằng vải màn tuyn.
Nó mặc ít lâu các lỗ thủng bị trám kín hoá thành vải bạt. Ghẻ ruồi đã khổ, ghẻ cái lại càng khổ hơn. Lòng bàn tay dày kín những mụn ghẻ to như hạt bắp, cương mủ xanh lè, bàn tay không sao nắm lại được cứ khum khum như định hứng một vật gì. Mỗi buổi sáng, chúng phải lấy gai nhọn chích các mụn ghẻ. Chỉ cần chích nhẹ là mủ phều ra, đặc lền, trắng đục.
Chích hết mủ, bàn tay mới nắm lại được. Con ghẻ đào hào đào rãnh theo các đường chỉ tay. Chúng lấy mũi gai khều bắt con ghẻ. Con ghẻ nhỏ như hạt bụi màu trắng mủ, bò khá nhanh.
Chúng để con ghẻ lên móng ngón tay cái, xem nó bò, rồi đưa móng tay kia ghè nát, miệng méo xệch vì căm tức.
Mấy đứa dứt cơn sốt, chui ra khỏi đống bao tải, lò dò ra sân ngồi sưởi nắng. Chúng cởi áo, trải lên đầu gối ngồi bắt rận.
Bên cạnh để hòn đá, bắt được rận, để lên hòn đá dùng móng tay ghè nát. Giết nhiều quá, ghê tay, chúng ném rận xuống đất dùng gót chân mà dí.
Thế nhưng mỗi tháng vài ba lần, cả chiến khu Hoà Mỹ không ở đâu lại nhiều tiếng cười, tiếng reo, lại ồn ào náo động như ở ngôi lán này. Đó là lúc cả đội họp mặt đông đủ. Các em bám địch ở đồng bằng được đội trưởng triệu tập về chiến khu, báo cáo tình hình, nhận nhiệm vụ mới, hoặc học tập nghiệp vụ, chính trị… Mảnh sân trước lán đã biến thành sân trường tiểu học trong giờ ra chơi.
Chú thích:
(1) Loại truyện võ hiệp rất phổ biến trước cách mạng, xuất bản thành từng tập 18 trang với giá ba xu ngày đó.
4
Hai hôm sau ngày anh Đồng-râu bị bọn giặc bắn chết ở Vĩ Dạ và Lượm bị bắt ở Bao Vinh. Tư-dát đã lần mò về được đến Sịa. Chính thằng Tặng dẫn đường cho Tư-dát về Sịa.
Hôm đó, Tư-dát vừa đến cây cầu ván đã nhìn thấy Tặng ngồi câu ở đó rồi. Tặng nhấc cần câu, đứng lên cười cười đón bạn:
– Đi tay không à? Răng mà mặt mũi coi bộ hớt hải như người bị ma đuổi rứa?
Tư-dát bước đến sát Tặng, thì thào:
– Cậu Lượm bị bắt rồi. Anh Đồng-râu bị bắn chết…
Tặng tái mặt, quẳng cần câu xuống ván cầu.
– Bị bắt à? – Tặng hỏi như bật thành tiếng rên. – Chớ bị khi mô?
– Ngay cái bữa chiều hôm đó. Và đến Bao Vinh thì bị… Với cả sáu đòn bánh tét!
– Thôi chết cha rồi?… – Cả người Tặng bỗng run lên.
– Tụi hắn bắn chết anh Đồng-râu, kéo xác ra phơi ở chân Đập Đá, rồi kéo thẳng về Bao Vinh, rình chộp hai đứa tớ. Cả thằng Kim-điệu chắc cũng bị cùng với anh Đồng-râu.
Tặng bỗng nổi giận phừng phừng, nạt Tư-dát:
– Mi đi xích hầu cho hắn mà lại để cho hắn bị chộp? Rứa mắt mũi mi để đi mô?… Chắc còn mãi ngớp lên ngọn cây tìm chim chớ chi?
Trông điệu bộ Tặng, Tư-dát tưởng như nó sắp nhào vô đập mình, Tư-dát sợ hãi bước lùi lại, ấp úng chối:
– Tau có tìm chim mô… Tau cũng có ngó đường… Nhưng tụi hắn núp kín quá nên không ngó thấy…
– Mi đừng có chối? – Tặng bước xấn tới. – Tau còn lạ chi cái mặt mi. Ngó điệu bộ mi vừa la vừa giật con cá rô bữa trước, tau biết ngay mi là đứa ham chơi quên việc?
Tư-dát vừa xấu hổ vừa hối hận. Nó muốn chuồn nhanh qua khỏi cầu để khuất cặp mắt xoi mói, giận dữ của Tặng.
– Thôi, chừ để cho tau đi không thì trễ mất…
Tặng liền đứng chắn ngay trước mặt Tư-dát, giọng vẫn không thôi nạt nộ:
– Chớ mi định đi mô?
– Về dưới Sịa báo cho mấy đứa ở tổ liên lạc…
– Chưa đi được? – Tặng nói như ra lệnh. – Đi về nhà tau đã, tau nấu cơm cho ăn. Ngó cái mặt, tau biết thừa là mi đang đói xếu mếu. Ăn xong tau sẽ đưa đường cho mi về thấu Sịa. Mi định đi một mình, không có ai dò đường, để cho tụi hắn theo mi về thấu đó, thộp luôn cả mấy thằng tê à?
Tặng lượm cái cẩn câu vác lên vai, mặt vẫn hằm hằm:
– Đi theo tau?
Tặng đi trước, Tư-dát cun cút đi theo như bị dắt mũi. Nhà Tặng cách cây cầu chừng năm trăm thước. Cả nhà nó đi vắng hết. Nó vào buồng lấy nồi, gạo bưng xuống bếp. Nó chỉ cái chõng tre kê cạnh cái bàn gỗ ọp ẹp, trên bàn có để lọ mực, cây bút sắt và cuốn vở học trò nhem nhuốc, bốn mép quăn queo, nói với Tư-dát:
– Mi ngồi đó. Trong lúc đợi cơm chín, mi viết cho tau cái thơ Đời cách mạng.
Tặng nhen lửa, đặt nồi lên bếp. Nó nói qua khe liếp bếp:
– Mi mà viết ngoáy, tau không đọc được, tau bẻ giò đó nghe!
Tư-dát nắn nót chép xong bài thơ “Đời cách mạng…“. Tặng cũng vừa nấu cơm chín. Nó bưng đặt lên chõng một nồi cơm dầy kênh vung, cái mâm gỗ với chén đũa, hai quả trứng vịt luộc dầm nước mắm ớt, một đĩa cá diếc kho xơ mít cũng đỏ lòm những ớt.
– Mi ăn đi, – Tặng xới cơm, giục bạn – Tau ăn rồi. Mi phải ăn hết nồi cơm, hai cái trứng nớ. Không ăn hết tau bẻ giò đừng có kêu!
Trong lúc Tư-dát ăn cơm, Tặng cầm cuốn vở chép thơ, ra ngồi ở bậu cửa, vừa đánh vần vừa đọc oang oang:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô làphải chịu tù đày…
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai…
Tặng bỗng lặng phắc như nghĩ ngợi điều gì, quay lại nhìn Tư-dát đang và cơm, chỉ vào những câu thơ vừa đọc, nói giọng rưng rưng:
– Cái thơ ni in như nói chuyện thằng Lượm với anh Đồng- râu mi hè?
Giọng Tặng bỗng như nghẹt. Nó ngoảnh vội ra sân, mắt chớp chớp đỏ loe. Tư-dát vừa và cơm vừa ngẫm nghĩ: Hắn vừa đánh vần vừa đọc mà hiểu Hết thơ… Lạ thật!
Tư-dát ăn cơm xong. Tặng rút cọng tranh trước mái hiên, bẻ một đoạn dài cỡ gang tay, đưa cho bạn làm tăm xỉa răng.
Nó nhảy ra đứng im giữa sân, coi bóng nắng, nói:
– Gần hai giờ rồi. Ta đi không trễ mất.
Nó rút cây dao rựa, chạy ra vườn, chặt ba cây mía, bó thành một bó. Vác bó mía lên vai, Tặng nói:
– Tau đi trước, mi đi sau. Thấy tau đổi vai vác mía, là mi phải tìm đường lủi cho mau: trước mặt có địch! Mi không chú ý, lủi không kịp để tụi hắn bắt được thì mặc kệ mi, tau không biết. Tụi hắn hỏi, tau nói: “Mạ tui sai tui về Sịa thăm Mệ ngoại“.
Tặng vác bó mía, mải miết đi, chăm chú dò đường, đưa Tư-dát về thấu Sịa. Đến chỗ ngã ba rẽ vào xóm, nó đứng lại, đưa vác mía cho Tư-dát, nhếch miệng cười không thành tiếng:
– Rứa là coi như tau hoàn thành nhiệm vụ nghe? Mấy cây mía cho mấy đứa ở tổ mi. Chừ tau phải về không tối mất, mạ tau lại tưởng tau bỏ nhà đi chơỉ, chửi cho một trận tứ tung lung tàng.
Tư-dát đưa tay ôm choàng qua vai Tặng, khóc thật sự. Tư-dát vốn tính suốt ngày liến láu, tìm đủ mọi cách chọc cho mọi người cười, bây giờ cái mặt khóc nhìn rất tức cười. Nó sụt sịt nói:
– Không biết đến khi mô tau mới được gặp lại mi?…
– Mi muốn gặp tau thì khó, – Tặng nói. – Tau muốn gặp mi, dễ ợt… Tau lấy cái Đời cách mạng ra tau đọc…
Ngay đêm hôm đó, Tư-dát cùng với tổ liên lạc rút về chiến khu. Tư-dát báo với đội trưởng toàn bộ sự việc đã xảy ra. Báo cáo đến đoạn nó đi xích hầu cho Lượm từ Sịa về Bao Vinh, giọng bỗng ngắc ngứ. Nó phải vơ cái ca nhôm của đội trưởng để trên bàn, vục vào nồi nước uống nấu bằng lá ngái rừng, uống liền hai ca, làm như đang khát nước. Nước lá ngái rừng đắng nghét. Nó muốn giấu quách cái chuyện vì mải ngớp mặt lên ngọn cây, bắn con cu xanh, quên chuyện quan sát đường, để đến nỗi hai thằng An ninh đứng ngay trước mặt mà không biết. Nhưng nó vụt nhớ vẻ mặt phừng phừng giận dữ của Tặng như sắp nhào vô đập mình, nó đã nuốt được ý định gian dồl cùng với những ngụm nước đắng nghét xuống cổ. Giọng nó liền trở nên dứt khoát, sáng sủa, báo cáo đầy đủ những sơ xuất chết người của mình.“Lượm bị bắt là lỗi tại em“. Tư-dát cúi gầm mặt xuống bàn, nói – Chừ anh có thi hành kỷ luật chi em cũng xin chịu“.
Bồng-da-rắn vốn rất nghiêm khắc, rất ghét những trò con nít đem chen vào trong lúc làm nhiệm vụ đánh giặc. Nó thường bực tức nói: “Muốn nghịch, muốn chơi thì ở nhà mà nghịch mà chơi! Đã vô Vệ Quốc Đoàn thì dù con nít lên ba cũng phải làm việc đứng đắn, cho ra người Vệ Quốc Đoàn!“.
Không hiểu sao hôm đó Bồng lại lên tiếng đầu tiên xin đội trưởng tha lỗi cho Tư-dát, “Bạn ấy mới lỡ dại lần đầu, mong anh tha lỗi…“. Sau đó, Bồng còn nói riêng với đội trưởng, giọng của người từng trải, bao dung – mặc dầu nó cũng chỉ bằng tuổi Tư-dát. “Thằng nớ ba láp rứa nhưng bụng dạ tốt, mà dễ thương anh ạ. Hắn lại có tài…“.
Cùng sống với nhau lâu, các bạn trong đội càng phát hiện ra Tư-dát có lắm tài. Tài liến láu chọc cả đội cười đứt ruột, tài nhớ thơ, đọc thơ, kể chuyện, tài sáng tác các vở kịch cương trong những buổi sinh hoạt văn nghệ của đội… Mới đây Tư-dát lại sáng tác một bài thơ khá dài, dán bích báo mà cả đội đều thuộc. Mấy câu mở đầu bài thơ thường được các bạn ngâm nga:
”Xê-ca vui lắm bạn ơi
Niềm vui độc lập, cuộc đời đấu tranh
Ở đây cùng với các anh
Đánh cho giặc Pháp tan tành thịt xương…“.
Dạo này Tư-dát lại có thêm một cái tài mới, được các bạn hoan nghênh đặc biệt: tài cắt tóc.
Cả chiến khu Hoà Mỹ ngày đó chỉ có một quán cắt tóc. Chủ quán là anh Đỡm, vốn là thợ chuyên cắt tóc cho Tây ở khách sạn Mô-ranh. Cách mạng lên, anh Đỡm bỏ nghề cắt tóc xung phong vào đội Tự vệ quyết tử. Huế nổ súng kháng chiến, anh cùng với đội Tự vệ quyết tử mang rơm ớt, chai xăng, xông đốt các khách hàng cũ của anh đóng trong khách sạn. Tình cờ anh lạc vào cái gian hàng “Coiffeur de luxe” mà trước đây anh làm việc. Đồ lề cắt tóc, cạo râu sáng giới, vẫn còn nguyên trên các bàn cắt tóc. Anh vơ đại một mớ đồ lề cởi áo bọc lại, đem về giấu kín một nơi. Mặt trận Huế vỡ. Anh theo bộ đội rút lên chiến khu, mang theo cái bị đồ lề cắt tóc. Lúc đó anh đã gần năm mươi tuổi. Anh nói với anh em bộ đội: “Tui sức yếu không xông pha trận mạc được như anh em thì làm cái việc sửa sang tóc tai, râu ria cho anh em mình đi xông pha trận mạc. Theo thiển ý của tui, đã là chiến sĩ cứu nước, sống hay chết đều phải chỉnh tề, phải đẹp“. Lên đến chiến khu hôm trước, hôm sau anh đã đôn đáo đi bứt tranh, xin tre lồ ồ, dựng một cái quán nhỏ cạnh lối đi chính xuyên qua làng Hoà Mỹ. Anh hý húi đóng cái bàn bằng tre và cái ghế tựa bằng cành cây. Anh bày lên bàn tất cả những dụng cụ cắt tóc mang theo. Trong số này có nhiều thứ bày cho oai chứ chẳng mấy khi anh dùng đến, như cái bơm nước hoa, cái bàn ủi da mặt chạy điện, cái tông đơ điện… Trước quán, anh chưng cái biển bằng cót, viết chữ phấn: “Hiệu cắt tóc cựu chiến sĩ tự vệ quyết tử Lê Bá Đỡm – Coiffeur de luxe Xê-ca Hoà Mỹ“.
Hiệu cắt tóc của anh vừa khai trương, khách hàng kéo đến chen chúc. Ba tháng sau, anh ngã bệnh, mắc chứng ghẻ lở rất nặng. Hai cẳng chân lông lá của anh mụn nhọt, ghẻ lở loét suất từ bẹn đến gót. Anh không đứng được vì hai chân tụ máu càng đau nhức, và ruồi, con bu mắt, xúm vào tấn công các mụn nhọt. Cuối cùng anh phải ngồi, hai chân thọc vào cái bao tảì để chống ruồi, bu mắt. Từ đó trong cái hiệu “Coiffeur de luxe” của anh đã xảy ra chuyện ngược đời: Khách cắt tóc phải đứng mà thợ cắt tóc lại ngồi. Và khách phải xoay tròn theo sự điều khiển của anh.
Tư-dát thường khoái những chuyện vui trớ trêu, ngược đời. Nó rất mê cái kiểu cắt tóc của anh Đớm. Theo ý nó đây là hiệu cắt tóc độc đáo nhất thế giới!
Hễ có dịp lên chiến khu là Tư-dát chạy ngay ra thăm viếng hiệu cắt tóc anh Đỡm. Nó nói với các bạn: “Tau ngó anh Trân đại đội trưởng biệt động đánh Tây khét tiếng mà phải đứng nghiêm xoay tròn như chong chóng để cho ông Đỡm ngồi đàng hoàng trên ghế xa lông cành cây, xẻo tóc, tau cười muốn đứt lòng bóng mà chết thôi bay ơi!“.
Trước mặt hiệu cắt tóc anh Đỡm là quán mụ Tào. Quê mụ ở Phò Trạch, bị Tây càn đốt hết nhà cửa. Mụ chạy lên chiến khu dựng quán bán quà bánh. Để khoe với anh em bộ đội, mụ là người có lập trường kháng chiến và có chữ nghĩa, mụ làm đôi câu đối dán trước cửa quán:
”Bán cháo bán chè không bán nước
Buôn ngày buôn tháng chẳng buôn dân”
Anh em bộ đội thích thú tán thưởng câu đối của mụ làm anh Đỡm tức anh ách:“Đàn bà đái không qua ngọn cỏ” – Anh Đỡm thường nói về mụ với giọng khinh khi: “Mụ ta thì chữ nghĩa được mấy hột mà dám qua mặt cái thằng Đỡm ni, nói tiếng Tây làu làu như cháo chảy?“. Anh muốn làm một đôi câu đối dán trước hiệu của mình để thi tài với câu đối của mụ Tào, nhưng nghĩ mãi không ra.
Tư-dát do đi lại thăm viếng nhiều nên đã thân thân với anh. Nó lân la tán anh, xin một vài thứ dụng cụ mà anh không cần dùng, định đem về cắt tóc cho các bạn trong đội.
Anh nói:
– Nghe chú em thơ từ chữ nghĩa khá lắm. Chú em cứ làm cho anh một đôi câu đối thiệt hay – Anh hất hàm trỏ sang quán mụ Tào – Cho mụ nớ phải trắng mắt ra, thì xin chi anh cũng cho.
Tư-dát về nghĩ một đêm, rồi ra viết luôn đôi câu đối lên hai cái cột tre trước hiệu cắt tóc:
”Cắt tóc cắt râu, không cắt cỏ
Cạo mày, cạo mắt, chẳng cạo lòng“.
Anh Đỡm thú quá, vỗ đùi đen đét. Anh tặng Tư-dát cái kéo bị gãy mất mũi và con dao cạo mẻ. Tư-dát chưa chịu, nằn nèo anh cho thêm cái “bơm nước hoa”: “Câu đối em đối nhau chan chát rứa mà anh cho có con dao, cái kéo loại hai ri, thiệt cho em quá!“.
Những hôm đội về tập trung đông đủ, Tư-dát dem đồ nghề ra mở hiệu cắt tóc cho đội. Nó chọn tảng đá ở góc sân làm bàn cắt tóc, và vần một khúc cây làm ghế ngồi. Nó bày đồ nghề lên mặt tảng đá, vai khoác cái bao tải làm áo choàng. Nó hỏi: “Cậu mô muốn cắt tóc, tớ cắt cho. Mà thích cắt kiểu chi cũng được?“.
Các bạn nghi ngờ nhìn Tư-dát: “Cậu cắt tóc được thiệt à?” –
”Các cậu không tin thì chạy ra hỏi ông Đỡm? ông đã khen tớ là tài cắt tóc của chú mi vô loại nhất nhì Đông Dươngt.
Các bạn vẫn bán tín bán nghi nhưng thèm cắt tóc quá nên cũng cứ liề.u mạng một lần xem sao. Tư-dát bắt khách hàng ngồi thật ngay ngắn lên khúc gỗ, hai tay đưa ra trước ịnặt để nó khoác áo choàng, nghĩa là quấn cái bao tải đầy bụi và rận vào quanh người. Nó trịnh trọng hỏi: “Quý khách thích cắt kiểu chi? Ca-rê cua? Đơ-mi cua? Móng lừa? hay Phi-lô-dốp?”(1) “Cậu thấy kiểu chi đẹp mà hợp thì cắt giúp?“.Tư-dát nâng cằm khách hàng, ngắm nghía cái đầu, tay nhịp nhịp khéo điệu bộ tài ba hơn cả thợ cắt tóc chính hiệu. Và bất cứ khách hàng nào nó cũng dõng dạc tuyên bố. “Đầu của cậu cắt kiểu Phi-lô-dốp là hợp nhất!“.
Kết quả là Tư-dát – thợ cắt tóc loại nhất nhì Đông Dương – đã úp lên đầu cả đội mỗi đứa một cái trách đất. Và đứa ít nhất cũng bị sứt vài miếng da đầu, da gáy. Cắt tóc xong, Tư-dát còn xịt nước hoa nghĩa là nước sông Ô Lâu. Xịt vô tóc thì ít mà xịt vô mắt thì nhiều. Các bạn kêu ca phàn nàn, Tư-dát cười hề hề nói:
”Các cậu coi, cắt tóc hiệu ông Đỡm vừa phải đứng nghiêm, lại vừa phải mất tiền mà làm chi được xịt nước hoa hảo hạng như hiệu của tớ?“.
Chú thích:
(1) Kiểu tóc để dài của các nhà triết học.
5
Mừng và Quỳnh-sơn-ca là hai đội viên ốm yếu nhất đội. Hai em chưa một lần nào được đội trưởng cho về đồng bằng công tác. Mặc cho hai em nhiều lần mếu máo khóc lóc, nhưng đội trưởng vẫn cương quyết: “Em nào cũng đòi về đồng bằng thì lấy ai công tác ở chiến khu?“. Anh giao cho hai em nhiệm vụ chạy liên lạc trong chiến khu, từ Tiền chiến khu đến Xê-ca “Xết“. Tuy gọi là giao cho cả hai nhưng việc chạy liên lạc gần như chỉ một mình Mừng đảm đương. Chân Quỳnh vẫn còn đau, em đi lại rất khó khăn.
Quỳnh rút khỏi Huế cùng với Trạm Quân y Mặt trận khu C. Em không đi được, các anh chị phải thay nhau cáng em bằng võng. Vì phải cáng em, cuộc rút lui của trạm quân y trở nên vô cùng vất vả và nguy hiểm. Tiếng súng giặc đuổi rát sau lưng. Các anh chị y tá, hộ lý định để em lại, cử người đưa em trở về với gia đình. Nhưng em khóc nức nở, nói. “Em không về mô. Các anh chị không cho em đi theo thì em cắn lưỡi em chết!“. Các anh, chị trạm quân y đã biết cái gan của Quỳnh lúc nằm trên bàn mổ, nên họ tin rằng không phải em nói doạ.
”Thằng con nít ni dám cắn lưỡi mà chết lắm à?“. Họ trao đổi với nhau như vậy và xúm lại dỗ dành em: “Chừ mà em về nhà sống với cha mạ thì còn sướng hơn tiên. Chứ lên chiến khu lúc ni cực khổ lắm, sức em chịu chi thấu. Mà chân em lại đang đau, lên trên đó không có thuốc men, vết thương nhiễm trùng trở lại thì nguy hiểm lắm…“. Quỳnh lắc đầu, bịt tai: “Các anh, các chị đừng nói chuyện sướng khổ nữa, em không nghe mô“.
Em nằm lặng trên cán, nghẹn ngào giận dỗi. Nước mắt ứa ra, giàn giụa trên hai má trắng xanh như cẩm thạch. Môi em mấp máy như muốn nói một điều gì nhưng không tìm ra lời để nói.
Em bỗng ngồi nhỏm dậy. Và hết sức bất ngờ, em cất giọng hát.
Giọng em trong vắt, cao vút, rung lên một âm hưởng bi thiế.t đến nỗi các anh chị trạm quân y đứng bật dậy, gai lạnh người nhìn em, tưởng như em hiện ra từ một cuộc đời không có thực.
”Bao chiến sĩ anh hùng. Lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong, nước non đang chờ, mong tay người hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời. Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng. Là trang nam nhi, quyết chiến nơi sa trường, sông thác coi thường. Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai…“.
Hát đến đó, em bỗng dừng lại đột ngột như lúc hát. Và em oà khóc nức nở. Em nói qua nước mắt: “Hay các anh các chị để cho em đi cũng được… Đừng khiêng em nữa mà nặng. Không đi được thì em lết. Có chết em cũng lên thấu chiến khu em mới chết. Không có da ngựa bọc xác em mà chôn thì các anh các chị lấy mấy cái lá chi to như cái quạt tê – em chỉ mấy ngọn lá nón xòe như cái quạt mọc rợp hai bên dốc núi – bọc xác em mà chôn cũng được… “. Mọi người đều rớm nước mắt. Và không một ai còn có ý nghĩ dỗ dành em ở lại Từ Trò lên Hoà Mỹ phải vượt qua nhiều núi cao, suối sâu, đường rất cheo leo khó đi. Họ phải bỏ cáng thay nhau cõng em.
Vì phải cõng em đi theo mà trạm Quân y Mặt trận khu e rút lên chiến khu chậm mất một tuần, và hai lần suýt bị giặc vây tóm gọn. Quỳnh phải nằm bệnh viện chiến khu mất nửa tháng. Mặc dầu chân còn đau, đi phải cà nhắc mà chỉ đi được gần thôi, nhưng nhất định em xin về đội. Một anh y tá chặt cành cây, đẽo gọt, đóng cho em cái nạng chống. Với cái nạng cành cây đó, ngày nào em cũng chống đi thăm thú vùng Tiền chiến khu. Gặp chú bé chiến sĩ có gương mặt đẹp và dễ thương như trong tranh minh hoạ các chuyện cổ tích, chống nạng đi cà nhắc, không ai không mỉm cười với em và đứng lại ngắm hút theo bóng em. Em mặc bộ áo quần bộ đội màu tím than, ống quần cắt ngắn cho vừa chân nhưng đũng quần thụng xuống quá đầu gối, cái áo trấn thủ dài phủ mông đít, đội cái mũ ca lô dạ màu cứt ngựa – chính cái mũ calô của anh Vệ Quốc Đoàn bị đạn thủng bụng được nghe em dạo đàn dương cầm trước khi tắt thở ở Trạm quân y Mặt trận khu C. Trong bộ trang phục luộm thuộm này em càng bé bỏng, dễ thương đến phát khóc lên được.
Những buổi chiều đẹp trời, Quỳnh-sơn-ca thường chống nạng đi tha thủi một mình dọc bờ sông Ô Lâu, lút mình trong những nương sắn và những bãi lau sậy, xạc xào… Mỏi chân, em lại dừng nạng, ngồi bệt xuống bờ đất dốc ẩm ướt, hai bàn tay đan ngón vào nhau, bó gối ngắm dòng sông lượn uốn nao nao trong ánh chiều tà. Cả người em như một pho tượng nhỏ người ta thường đặt bên bờ nước trong công viên, bất động đắm mình trong tiếng rì rào bất tuyệt của dòng sông, tiếng kẽo két những coọng nước quay, tiếng nước từ trên cao bắn tung tóe rơi lách chách xuống mặt sông, tiếng lau lách đung đưa thì thầm… Trong một lùm cây bỗng lảnh lót ngân lên tiến hót một con chim gì đó mà em không nhìn thấy, với những giai điệu mê hồn. Cặp mắt trẻ thơ của em tự nhiên nhòe ướt: “…Trời ơi, hay quá đi?“. Em thì thào như trong giấc mơ. Chụm cặp môi đỏ tươi lại em cố bắt chước giọng chim. Em lắc lắc đầu vừa cười vừa khóc: “Không! Không phải như thế!“. Em thì thầm nói một mình: “Trời ạ, giọng nó cao hơn giọng mình đến một ốc-ta!“. Những ngón tay em bỗng trở nên nhanh nhẹn khác thường – những ngón tay của một nghệ sĩ biểu diễn dương cầm bẩm sinh, dài, trắng xanh như những quả chuối non còn nằm úp trong bẹ buồng chuối – mở nút túi áo, rút ra một mẩu bút chì và một tờ giấy gấp làm tư. Em đặt tờ giấy lên đùi, thấm thấm đầu bút chì vào cặp môi chúm lại, kẻ những dòng nhạc. Em hí hoáy ghi các nốt nhạc. Em khe khẽ xướng âm. Những ngón tay dài mảnh, trắng xanh, gõ gõ lên cái nạng cành cây đánh nhịp.
Mừng dạo này đang ra sức học chữ. Đội trưởng dạy cho em tập đánh vần trên tờ báo Giết giặc. Một hôm, Mừng nhìn thấy Quỳnh nằm chùm hum trên sạp nứa, sửa lại những câu nhạc viết ngoài bờ sông. Mừng tò mò, đứng lom khom, chăm chú nhìn những cái chấm đen, trắng, có râu, ban viết đặc sít trên tờ giấy, nhăn nhăn trán, hỏi:
– Cậu viết chữ kiểu chi mà lạ rứa? Mình đánh vần mãi không ra?
– Chữ nhạc ấy mà, – Quỳnh đáp không ngẩng đầu lên.
– Chữ nhạc thì đánh vần cách răng? Cũng đánh vần là a chờ ách, ê chờ ếch à?
Quỳnh ngước mắt nhìn bạn, cười tủm tỉm:
– Không phải. Chữ nhạc đọc lên không thành tiếng như ở báo Giết giặc, mà thành tiếng chim hót, tiếng nước sông Ô Lâu chảy, tiếng coọng nước quay, tiếng gió thổi trong lau lách, trên ngọn tre lồ ô… tiếng chiến khu mình bền gan đánh giặc…
– Rứa thì cậu giỏi thiệt… – Mừng trầm trồ thán phục. – Biết khi mô mình cũng đọc được chữ nhạc như cậu hè?…
– Cậu gắng học chữ cho thạo rồi mình sẽ dạy cho cậu chữ nhạc, khó chi mà…
Sau chừng chục buổi chiều tha thẩn trên bờ sông Ô Lâu, Quỳnh-sơn -ca đã sáng tác được bài hát “Sông Ô Lâu bền gan đánh giặc“. Thính giả đầu tiên của Quỳnh là Mừng.
Quỳnh dắt bạn ra bờ sông, cùng ngồi trên tảng đá khuất sau một đám lau sậy sát bên bờ nước hát cho bạn nghe. Nghe xong bạn hát hai lần, Mừng trợn tròn mắt nhìn bạn, kinh ngạc hỏi:
– Cậu làm ra bài hát nớ thiệt à?
Quỳnh phì cười:
– Tớ không làm thì còn ai làm nữa?
– Răng mà cậu tài dữ rứa? Cậu làm mà nghe hay như bài “Vệ Quốc Quân một lần ra đi…“.
– Cậu chỉ khen huyên thuyên!… Làm răng mà hay được như bài hát đó!
– Tớ nói thiệt mà? Nghe bài hát của cậu tớ chỉ muốn ở chiến khu mãi… cho đến lúc thành người lớn như Chính uỷ…
Như tất cả những nghệ sĩ thực thụ, sáng tác chỉ vì một lý do độc nhất là sự thúc bách của tình cảm “không viết ra không chịu nổi“. Quỳnh say mê miệt mài sáng tác, bị cuốn hút trong cơn lốc cảm hứng. Nhưng khi sáng tác xong, cơn lốc cảm hứng lắng dịu, em nhìn lại bài hát của mình với cặp mắt bình tĩnh và nghiêm khắc. Em cảm thấy thất vọng. Em tự đánh giá bài hát của mình không đạt được một phần nhỏ những gì em cảm xúc mơ ước. Con sông Ô Lâu kháng chiến chảy trong bài hát của em sao mà tầm thường, khác xa dòng sông hùng vĩ chảy trong mộng tưởng của em. Em buồn rầu, thất vọng, và quyết định phải làm lại bài khác. Trong cơn chán nản, em vò bài hát định ném luôn vào bếp lửa mà Mừng đang cúi lom khom thối, nấu cháo cho Hoà-đen, hớt hải chụp tay Quỳnh, kêu lên sửng sốt:
– Cậu điên điên chi rứa? Làm mất bao nhiêu công trình cậu lại đem vứt vô lửa?
Quỳnh rầu rĩ đáp:
– Nhưng nó dở òm… Mình sẽ làm lại bài khác.
– Cậu chê thì cho tớ.
– Nhưng cậu lấy làm chi?
– Để khi mô tớ được cậu dạy cho chữ nhạc, tớ tập đánh vần.
Mừng cẩn thận vuốt tờ giấy có chữ nhạc thật phẳng phiu, rồi kẹp vào giữa tờ báo Giết giặc – cuốn sách học vỡ lòng của nó. Mừng còn cẩn thận chồng ba cái bao tải lên để tờ giấy thẳng hết các nếp nhăn.
Một hôm, Mừng chạy liên lạc vào cơ quan Tỉnh đội dân quân đóng ở Xê-ca Bốn. Nó nhìn thấy anh Hinh tỉnh đội phó dân quân ngồi trước bàn, nhăn nhó như người đau răng, viết viết, xoá xoá những chữ nhạc giống hệt Quỳnh. Nó tò mò đứng xem, và khoe:
– Ở đội em có bạn Quỳnh cũng biết viết chữ nhạc như anh rứa. Mà viết đặc sệt cả một trang giấy to như ri nì. Rồi bạn nớ ngó vô đó hát lên một bài hát hay ghê lắm. Hay không thua chi bài Vệ Quốc Quân một lần ra đi…
Anh Nguyễn Hinh, trước Cách mạng tháng Tám là giáo viên dạy nhạc ở trường Quốc học. Anh là một trong mấy người chủ trương và lãnh đạo nhà văn hoá đại chúng của chiến khu.
Trong hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn kinh người mà anh vẫn lập được một đội đồng ca làm nòng cốt cho nhà Văn hoá đại chúng. Anh vừa là người tập hợp, tuyển chọn, huấn luyện và chỉ huy đội đồng ca.
Đã từ lâu anh ôm ấp ý đồ sáng tác một bài hát về chiến khu Hoà Mỹ. Tranh thủ những phút rảnh rỗi hiếm hoi trong công tác lãnh đạo dân quân du kích tỉnh, anh viết bài hát. Nguyễn Hinh tự biết mình không có năng khiếu về sáng tác, nhưng anh quyết định lấy phương châm “cần cù bù tài năng”, trong quá trình thực hiện niềm mong ước của mình. Anh viết đi viết lại nhiều lần, càng viết anh càng thất vọng. Anh tự dằn vặt, ray rứt, đau khổ âm thầm. Bởi vậy, Mừng bắt gặp anh đang sáng tác bài hát mà mặt mũi nhăn nhó như người bị đau răng… Trong tâm trạng đó nên khi nghe chú nhóc liên lạc đọc chưa thông, viết chưa thạo này khoe là bạn mình cũng viết bài hát, anh Hinh không buồn ngẩng lên. Anh chỉ hỏi lại một cách nhạt nhẽo: “Thế à”; và anh lại tiếp tục cắm cúi viết viết xoá xoá, coi như không biết Mừng đang đứng ở đó.
Giọng hỏi thờ ơ và thái độ coi thường của anh Tỉnh đội phó với lời khoe bạn của mình, làm Mừng nổi tự ái “Chắc trong bụng anh nớ coi cái bài hát của cậu Quỳnh là không ra chi, là cái trò nghịch ngợm của con nít… Người lớn là họ hay khinh con nít lắm!” – Mừng ấm ức nghĩ vậy. Nó lẳng lặng đi ra khỏi lán, chạy thẳng một mạch từ Xê-ca Bốn về đội, mà con đường đâu phải gần! Phải vượt qua ba dốc núi và lội qua năm con suối Mừng lấy tờ nhạc của Quỳnh, cuộn tròn lại, cẩn thận bỏ vào trong bụng áo, cắm đầu chạy một mạch từ Tiền chiến khu trở lại Xê-ca Bốn. Anh Tỉnh đội phó vẫn còn ngồi viết chữ nhạc trước cái bàn mặt nứa. Mừng rút tờ nhạc trong bụng áo ra, cầm hai tay, đặt xuống trước mặt anh, và nói:
– Tờ chữ nhạc của bạn em đây anh nì…
Anh Hinh hơi cau mặt như hầu hết người lớn đang mải bận việc bị con nít quấy rầy. Nếu Mừng không phải là chiến sĩ mà chỉ thuần là một chú bé, chắc anh đã nói: “Em đi chơi chỗ khác để anh làm việc“.
Vì nể tấm tình của chú bé chiến sĩ đối với bạn, anh cầm bản nhạc lên, định bụng chỉ liếc mắt qua. Mắt anh bỗng hấp háy như bất ngờ chạm phải một tia nắng. Anh đọc tiếp câu thứ hai, rồi câu thứ ba… Và đến câu cuối cùng, anh bật kêu lên sửng sốt:
– Ái chà, lạ quá hè? – Nhìn anh lúc này giống hệt một người nhặt lên một vật đinh ninh là một đồng xèng, bất ngờ lóe lên trong tay mình ánh kim loại quý.
Anh đọc to bản nhạc lần thứ hai. Và lần thứ ba anh hát.
Giọng nam trầm rất vang, rất khỏe và nỗi xúc động đột ngột của anh làm cho diện mạo bài hát khác lạ hẳn đi, hùng tráng hơn, bi thiết hơn. Bản nhạc có tám câu: âm hình chủ đạo là tiếng rì rào bất tuyệt bền bỉ của dòng sông Ô Lâu chảy qua cuộc kháng chiến trường kỳ.
Mừng đứng há miệng, ngạc nhiên nhìn anh Tỉnh đội phó dân quân miệng hát, tay vung lên vung xuống, hai mắt và chót mũi đỏ lên như bị khói xông. “Tại răng rứa hè?“. Em tự hỏi. Nhưng chính mắt và mũi em cũng đang đỏ lên như anh.
Anh Hinh gấp tờ nhạc bỏ vào túi áo, đeo túi dết, đội mũ lá, xỏ vội đôi dép cao su, phăm phăm đi một mạch thẳng đến Xê-ca Một.
Mừng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, vừa xốc quần vừa lúp xúp chạy theo anh. Nó chạy theo cốt là để lựa lúc đòi lại cái tờ chữ nhạc mà mình có công cứu ra khỏi bếp lửa: “E anh lấy mất của mình có“. Nó lo lắng, hồi hộp nghĩ vậy. Anh Hinh bước vào lán làm việc của Trung đoàn trưởng.
Trung đoàn trưởng đang vừa ăn một khúc sắn nướng, vừa chăm chú xem xét cái gì đó trên tấm bản đồ chiến khu tỷ lệ 1/25.000. Anh Hinh đặt luôn bản nhạc lên tấm bản đồ, nói như reo:
– Một chú nhóc liên lạc của anh vừa sáng tác được bài hát về chiến khu tuyệt quá anh ơi!
Rồi không kịp để cho Trung đoàn trưởng hỏi lại anh Hinh nhịp nhịp tay xuống tấm bản đồ, cất giọng hát rung cả mái lán… Anh hát đi hát lại bốn lần.
Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau
Hát lời thề kháng chiến đến bạc đầu…
Lần nào hát đến câu này mặt anh cũng tái hẳn đi và cặp mắt anh như sắp cháy bùng thành lửa ngọn.
Các anh bên lán ban Tham mưu cạnh đó nghe anh Hinh hát cũng bỏ hết công việc chạy sang nghe. Bài hát dứt mà người nghe vẫn còn đứng lặng rất lâu, như người ta lúc bất ngờ chứng kiến vẻ đẹp mà không thể nói lên lời.
Trung đoàn trưởng hỏi:
– Chú bé nhạc sĩ này tên là chi?
– Dạ tên Quỳnh… – Mừng từ phía sau lưng anh Hinh bước ra, đứng nghiêm trước mặt Trung đoàn trưởng đáp, – đội chúng em gọi bạn ấy là Quỳnh-sơn-ca. Hồi ở Huế, bạn ấy thường bắt nhịp cho cả đội hát…
– Em có biết Quỳnh làm bài hát này từ khi mô không?
– Dạ biết chớ… Bạn ấy đi lui đi tới hoài trên bờ sông, nghe tiếng nước chảy rồi bạn ấy làm… Làm xong, bạn ấy kéo em ra ngồi khuất sau bụi cây, hát cho em nghe. Em khen nghe hay như cái bài đoàn “Vệ Quốc Quân một lần ra đi”, nhưng bạn ấy kêu là dở òm. Rồi bạn ấy vo viên lại định quăng vô bếp. Em lanh tay giữ lại không thì cháy rồi… – Giọng không giấu được vẻ hãnh diện về cái công của mình đã cứu được bài hát khỏi lửa.
Trung đoàn trường nhìn Mừng và bất chợt nhớ đến cái đêm mưa tầm tã ở Mặt trận Huế. Ông chỉ em, nói với anh Hinh bằng tiếng Pháp:
– Đây cũng là một Ga-vơ-rốt của kháng chiến đấy!
Rồi ông kể cho anh và các anh trong ban Tham mưu chuyện Mừng về thăm mẹ và gặp ông trên đường tuần tra mặt trận…
Anh Hinh đáp lại Trung đoàn trưởng cũng bằng tiếng Pháp:
– Những Ga-vơ-rốt chết trên các chiến luỹ cách mạng thì tôi có thể hiểu được. Nhưng một em bé mười ba tuổi mà lại viết nổi những câu hát như thế này, – anh gõ gõ ngón tay vào bản nhạc, – thì tôi cứ thấy lạ.
Trung đoàn trưởng nhịp nhịp ngón tay lên tấm bản đồ, trẩm ngâm nói:
– Tôi nhớ hồi ở chiến trường vùng cực Nam Trung bộ, tôi được gặp một nghĩa quân già từ thời Trương Định. Cũng trong một buổi chuyện trò như thế này ông cụ nói: “Trong những giờ phút thử thách nghiêm trọng của lịch sử, Nhân Dân và Đất Nước thường mượn lời của con trẻ để nói lên cái tráng chí của mình“. Việc em Quỳnh sáng tác nên bài hát này có lẽ đúng như lời ông cụ nói.
Ông quay sang nói với Mừng:
– Em chạy ra gọi Quỳnh vào đây cho anh gặp.
– Dạ chân bạn ấy còn đau, đi phải chống nạng em sợ bạn ấy không trèo qua được dốc…
– Thế thì thôi, để các anh ra gặp chú ta cũng được.
Trung đoàn trưởng và anh Hinh cùng đi ra Tiền chiến khu.
Mừng hý hửng đi theo sau. Hai người bước vào sân lán thấy chú bé nhạc sĩ và Hoà-đen đang ngồi trước eửa lán cởi áo, bắt rận. Hai em bắt rất chăm chú nên không thấy hai người vào.
Hai người đứng lặng hồi lâu, ngắm hai tấm lưng trần con nít mỏng mảnh, gày gò, dày đặc những nốt ghẻ ruồi ưm đỏ. Một nỗi thương xót đứt ruột trào lên nghẹn cổ. Nếu họ đứng nhìn thêm nữa, chắc họ sẽ khóc.
Trung đoàn trưởng và Tỉnh đội phó dân quân cùng ngồi xổm trước mặt hai em. Họ hỏi chuyện Quỳnh về gia đình, chuyện em được học nhạc từ bao giờ, hoàn cảnh em gia nhập Vệ Quốc Đoàn… Qua lời kể của em, hai người được biết thêm một điều lý thú: Có người trở thành chiến sĩ cứu nước chủ yếu vì những bài hát cách mạng. Trung đoàn trưởng và Tỉnh đội phó dân quân hỏi Quỳnh về những suy nghĩ của em khi viết bài hát “Sông Ô Lâu bền gan kháng chiến”, và những mơ ước của em hiện nay về sáng tác.
Gương mặt dễ thương của em hiện vẻ bối rối ngượng nghịu của người nghệ sĩ khi được khen ngợi quá với điều mình mong đợi. Em nói, mặt hơi đỏ lên:
Em bỏ âm nhạc lâu quá rồi mà lúc viết lại không có đàn, nên câu nhạc cứ chệch choạc ra răng ấy… Em định bỏ đi, viết lại bài khác… Em thèm viết một vở nhạc kịch đề tài “Bạn Mừng đi tìm thuốc cho mẹ“. – Quỳnh ve vẩy bàn tay đánh nhịp và ngân nga khe khẽ mấy nét nhạc âm hình chủ đạo cho vở nhạc kịch tương lai… Anh Hinh chăm chú lắng nghe, bật lên nói bằng tiếng Pháp:
– Tuyệt diệu!
Trung đoàn trưởng cũng là người sành và mê nhạc. Hai người vui mừng đến ứa nước mắt. Cả hai đều nghĩ rằng chú bé chiến sĩ mình đầy ghẻ ruồi và mặc cái áo trấn thủ đầy rận đang ngồi bệt trên đất kia, là một thần đồng âm nhạc. Sẽ đến một ngày nào đó, chính chú ta chứ không ai khác, làm rạng danh trung đoàn, rạng danh chiến khu. Ông hỏi em:
– Để sáng tác được vở nhạc kịch ấy, em cần đàn gì?
– Được pi a-nô thì nhất! Nhưng làm chi có được anh… Chừ em chỉ ước có cái đàn măng-đô-lin.
– Anh sẽ gửi tổ quân báo ở Huế mua tặng em cái đàn măng-đô-lin.
Và trung đoàn trường đã gửi thư cho anh Đồng-râu dặn mua cái đàn măng-đô-lin mà Châu-sém nhớ ra là đờn măng tre, măng lồ ô…
Hai tuần sau, bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến” được đội đồng ca của chiến khu do anh Hinh chỉ huy trình diễn tại nhà Văn hoá đại chúng. Bài hát được khán giả vỗ tay vang dội, yêu cầu hát lại nhiều lần. Rất tiếc Quỳnh không có mặt hôm đó.
Hai hôm trước, các bạn trong đội phải thay nhau khiêng em vào bệnh viện. Em lên cơn sốt trên bốn mươi độ, và bàn chân đau, vết thương tái phát sưng tấy lên.
Cả Xê-ca Hoà Mỹ ngày đó không ai không thuộc bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến“. Chính uỷ trung đoàn Trần Quý Hai, từ trước đến nay, cán bộ và chiến sĩ ở trung đoàn bộ chưa thấy ông hát hò bao giờ, ngoài bài “Quốc tế ca” ông hát trong buổi lễ khai mạc cuộc họp Đảng bộ toàn trung đoàn. Dạo này anh em rất ngạc nhiên thấy ông thỉnh thoảng lúc đang ngồi làm việc cũng khe khẽ ngân nga vài câu trong bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến“. Và cũng từ dó, Quỳnh trở thành một nhân vật nổi tiếng của chiến khu Hoà Mỹ.
6
Lên chiến khu được ít lâu, Mừng được các bạn đặt cho cái biệt hiệu mới: Bộ-xương-cách-trí. Các bạn gọi em như vậy vì em gầy giơ hết xương sống, xương sườn, gần giống như bộ xương người vẽ trong sách “Cách trí giáo khoa thư“. Đói ăn, ghẻ, rận, sốt rét, làm cho các em trong đội Thiếu niên trinh sát đều gầy sút. Riêng Mừng gầy sút hơn tất cả. Tưởng như trong người em có sinh sống một con vật gì đó, ngày ngày cứ rứt rỉa thịt em mà ăn. Khắp người em ghẻ lở ăn không sót chỗ nào. Cả con chim nhỏ xíu như quả ớt chỉ thiên, ghẻ cũng đào hang đào rãnh. Đứng cách xa em vài bước đã ngửi thấy mùi tanh mủ máu ghẻ cái, ghẻ ruồi, dính bết vào bộ áo quần độc nhất lúc nhúc những rận. Tư-dát bịa đủ thứ chuyện về ghẻ và rận của Mừng.
”Một bữa, thằng Mừng chạy liên lạc vô Rú Quao đưa công văn cho tổ trạm gác tiền tiêu phía Nam chiến khu. Ở khúc rú này có con cọp thọt ăn thịt người đã thành tinh. Cọp thọt ngồi rình trong bụi bên đường đã ba ngày mà chưa chộp được anh Vê-cu-đê mô lớ ngớ đỉ qua. Hắn ta đói mờ cả mắt, ngồi ngủ gà ngủ gật. Vừa đúng cái lúc đó Mừng ta đi liên lạc ngang qua ngay trước mũi cọp. Cọp thọt chưa kịp vọt ra vồ thì đã hắt xì hơi liên tiếp chục cú liền: Tanh quá! Tanh quá! Cọp ta nhảy lùi lại phía sau rồi cong đuôi bỏ chạy, vừa chạy vừa hắt xì hơi rầm rầm, chuyển rú.
”Một hôm, Mừng ta xuống sông Ô Lâu giặt quần áo. Hai tay ghẻ lở kềnh càng nên nó phải đến chỗ nước chảy xiết cầm áo quần nhúng xuống nước để nhờ nước giặt giúp. Bất ngờ nó tuột tay, bộ áo quần bị nước cuốn, trôi phăng phăng xuống cái vực bên dưới. Nó đứng ngó theo bộ áo quần mà khóc hu hu, chuyến ni chắc phải ở lỗ ở truồng mà chạy liên lạc. Bất ngờ bộ áo quần nổi lên mặt nước, rồi trôi ngược trở lại phía nó. Té ra tụi rận sợ chết chìm nên hè nhau tha bộ áo quần bơi ngược nước như đò ngược sông. Bữa đó mà không có tụi rận thì Mừng ta mất trắng tay“.
Mừng bị sốt rét nhiểu nhất nên nước da em ngả dần sang màu ký ninh. Ngày mới lên chiến khu, Mừng chưa biết sốt rét là gì. Em còn nhỏ quá nên trong các thứ bệnh chỉ mới biết bệnh đau đầu và đau bụng. Lần đầu tiên em thấy Hoà-đen lên cơn sốt rét thì lấy làm lạ lắm. Em đứng sững, há hốc miệng nhìn, bụng thắc mắc: “Trời nắng nẻ đầu, mình phải cởi trần mà hắn run chi run dữ hè? Hay hắn giả đò run rứa để doạ mình? Nhưng ai ta thèm sợ cái run?“. Đến lúc em đã đắp cho Hoà-đen mười cái bao tải, nó vẫn cứ run; lại còn lắp bắp gọi nhờ em nằm đè lên người cho đỡ run, thì em không còn hiểu ra sao nữa. Sợ bạn đau, Mừng chỉ đè rón rén nhưng Hoà-đen vừa run vừa van vỉ:
– Đè è è mạnh vôôô cho tau với ới ới…
Chờ cho Hoà-đen dứt cơn sốt, chui ra khỏi đóng bao tải, Mừng đến gần ngồi cạnh, tò mò nhìn bạn và hỏi:
– Răng khi hồi cậu run dữ rứa?
Hoà-đen nhăn nhó trả lời:
– Sốt rét chớ còn răng nữa mi?
– Nhưng mình đã đắp cho cậu mười cái bao tải rồi tê mà?
– Mười cái mà thấm chi? Rét trong bụng rét ra chứ có phải rềt ngoài da rét vô mô!
– Lạ quá hè?… Mừng chặc lưỡi nói. – Ước chi tớ cũng được sốt rét như cậu để coi rét trọng bụng rét ra là răng cho biết…
Hoà-đen nghe vậy, gắt um:
– Ước chi không ước lại đi ước sốt rét. Mi ngu chi mà ngu dữ rứa?
Cầu được ước thấy. Chỉ một tuần sau, không phải cầu ước. Mừng đã được biết rét trong bụng rét ra là như thế nào. Sốt rét dứt cơn, Mừng chui ra khỏi đống bao tải, người mệt lả, miệng đắng nghét, đầu nhức như búa bổ. Em nhàn nhó, rên rỉ nói với Hoà-đen:
– Ui chao! Cái bệnh rét trong ruột rét ra ni còn cực hơn cả bệnh đau đầu nhiều cậu ạ…
– Rứa chừ mi có còn ước được rét trong bụng rét ra nữa không?
– Tớ sợ rồi… Chừ ai cho cục vàng tớ cũng lạy cả tơi cả nón.
Nhưng bây giờ thì có lạy cũng không xong. Bệnh sốt rét đã trở thành cơm bữa của Mừng. Chừng vài ba ngày em lại lên cơn sốt rét một lần, sốt nóng có, sốt rét có. Có hôm em lên cơn sốt nóng, phát cuồng, trèo lên cả mái nhà mà chạy, làm đội trưởng sợ hết hồn. Anh phải bắc thang bế em xuống.
Kể lại thật khó tin: Bệnh tật, ốm đau liên miên như vậy, nhưng Mừng lại là chú đội viên chạy liên lạc trèo núi, leo dốc, lội suối cả đội không đứa nào bằng. Ngay cả các anh lớn cũng phải tấm tắc khen phục.
Có lần Mừng dẫn đường cho các anh du kích ở huyện đội Phong Điền vô Xê-ca Bốn lĩnh mìn và lựu đạn. Đường vô Xê-ca Bốn toàn dốc cao dựng đứng. Em đi trước, các anh theo sau.
Anh nào cũng phải mướt mồ hôi trán mới theo kịp em. Các anh phải ngạc nhiên kêu lê: “Chao cái thằng! Hai cẳng chân hắn nhỏ như hai que tăm rứa mà hắn trèo núi giỏi cách chi?“.
Mà có phải em chỉ trèo núi thôi đâu. Vừa trèo dốc em vừa nhặt đá ném tụi sóc chuyền cành, vừa ngó ngửa tìm quả ươi bay, vừa xóc quần, vừa quệt mũi vừa gãi ghẻ.
Có lẽ những năm tháng phải chạy rông khắp thành phố Huế, trèo tuốt lên những ngọn cây cao để tìm thuốc cho mẹ đã chuẩn bị gân sức cho em bây giờ trèo núi leo dốc, chạy liên lạc ở chiến khu.
Rất nhiều các anh lớn, trong những năm ở chiến khu Hoà Mỹ, chưa một lần đi khắp cả bảy Xê-ca. Vì không có việc gì cần phải đi hết, và đi cho hết cũng tốn sức lắm. Từ Xê-ca này qua Xê-ca khác, ít nhất cũng phải băng qua bảy dốc núi, lội qua dăm bảy con suối cạn, suối sâu. Riêng Mừng, do công tác liên lạc nên không có Xê-ca nào em không phải đến. Không những đến, em còn thường tạt ngang, tạt dọc. Nếu phải chạy liên lạc vào Xê-ca Năm thế nào em cũng tạt vào Xê-ca Sáu, nơi có xưởng bào chế dược liệu đóng. Em tạt vào đây cốt lân la xin các chị bào chế một vài thìa thuốc ho, uống tại chỗ. Trong các thứ thuốc uống, em mê nhất là thuốc ho, vì thuốc ho ngọt. Ở chiến khu thèm đường ghê gớm. Có khi mấy tháng liền em không được biết vị đường. Nhiều đêm, em nằm mơ thấy miệng ngậm cục đường đen. Không có đường Mừng nghĩ cách bù vào bằng thuốc ho. Được húp một thìa thuốc ho mà phải lặn lội trèo qua bốn cái dốc cao vòi vọi, và lội qua hai con suối chảy xiết kể cũng công trình biết mấy?
Nếu có việc phải vô Xê-ca Bốn, thể nào Mừng cũng tạt qua Xê-ca Bảy – nơi bệnh viện chiến khu đóng – thăm Quỳnh-sơn-ca. Quà thăm bạn ốm là mấy quả ươi bay, lượm được lúc trèo qua dốc núi. Quả ươi bay gần giống quả trám khô. Muốn ăn, đem ngâm nước một lúc, quả sẽ nở bung, ăn có vị mát mát như thạch. Nếu có đường vào một hai muỗng, trộn lên thì không còn phải nói!
Nếu phải chạy liên lạc vô Xê-ca Ba, Mừng thường tạt vô Xê-ca Một chơi với Phan Nghi chốc lát. Sau cái đêm ngồi chung với nhau trên lưng con ngựa của vua Bảo Đại, phi về làng Phò thăm mẹ, Nghi và Mừng trở thành đôi bạn chí thân. Nghi ở cơ quan Trung đoàn bộ, cùng ăn cơm với trung đoàn trưởng, chính uỷ, tham mưu trưởng trung đoàn, nên thỉnh thoảng cũng được biết mùi vị đường, mỡ, cá mắm khô. Mỗi lần xuống thăm thú nhà bếp, thấy xuất hiện các thứ của ngon vật lạ đó, đến bữa ăn Nghi thường nghĩ mẹo đi đâu đấy để chị cấp dưỡng phải để phần cho em. Và em sẻ bớt một ít gửi ra Tiền chiến khu cho Mừng. Một lần Nghi được để phần một bát cơm chiên với tóp mỡ. Em lấy chiếc phong bì, sẻ vô đó nửa bát, chọn gắp tất cả tóp mỡ bỏ hết vào phong bì. Em dán phong bì thật kín, rồi lấy bút nắn nót đề: “Công văn thượng khẩn. Tối mật (gạch đít) Phan Nghi, ban tham mưu Trung đoàn 101 – Kính gửi: Bộ-xương-cách-trí, đội Thiếu niên trinh sát – Tiền chiến khu Hoà Mỹ“.
Nghi gửi bức công văn “thượng khẩn”,“tối mật” này cho đội trưởng Thắng vào làm việc với trung đoàn trưởng, nhờ chuyển giúp cho Mừng.
Do công tác liên lạc mà Mừng thuộc làu làu tất cả đường đi lối lại trong chiến khu Hoà Mỹ. Không những thuộc những đường chính mà em còn tìm ra những lối tắt, đi có vất vả hơn, nhiều dốc, nhiều núi, nhiều sên vắt, nhưng gần hơn, có khi gần hơn đến nửa đường. Đội trưởng Thắng rất hãnh diện về cái tài thuộc đường của chú đội viên nhỏ của mình. Anh gọi Mừng là “tấm bản đồ sống của chiến khu“. Rồi đến trung đoàn trưởng cũng phải ngạc nhiên trước sức nhớ và thuộc địa hình rừng núi của Mừng.
Hôm đó, Mừng tạt vô Xê-ca Một chơi với Nghi. Em gặp đội trưởng đang ngồi với trung đoàn trưởng. Trước mặt hai người trải rộng tấm bản đồ chiến khu. Cả hai đang chăm chú nhìn vào bản đồ và thảo luận cái gì đó. Nghi ngoắc Mừng xuống bếp và dúi cho bạn một cục đường đen to bằng ngón chân cái đã chảy nước. Mừng vừa mút đường vừa lân la đến gần đội trưởng nhìn tấm bản đồ qua vai anh: Mừng có một thích thú đặc biệt là xem bản đồ. Em có thể đứng ngắm một tấm bản đồ hàng giờ liền mà không chán mắt, và mặt ngẩn ra đầy kinh ngạc, thán phục. Em không thể nào hiểu nổi làm cách nào mà người ta có thể vẽ vào một tờ giấy, tất cả núi non, sông suối, đường đi lối lại cả một vùng rừng núi mà muốn đi cho hết phải mất bao nhiêu ngày? Em tấm tắc: “Tài thiệt? Tài thiệt? Như là phép tiên rứa?“. Mỗi lần chạy liên lạc vào ban tham mưu, thế nào Mừng cũng ghé vô lán của tổ Hoạ đồ coi anh Tùng, anh Danh, anh Du ngồi hoạ đồ. Ngồi ngắm bản đồ nhiều em trở nên thành thạo. Khi thấy các anh vẽ những đường vòng méo mó, vòng trong nhỏ hơn vòng ngoài, cho đến lúc chỉ còn nhỏ bằng cái mũi đinh và đề lên đó một con số, em biết đó là những ngọn núi; núi ít vòng là núi thấp, núi nhiều vòng là núi cao và con số chỉ chiều cao của ngọn núi. Sông suối thì các anh vẽ bằng mực xanh đậm, đường đi vẽ bằng màu nâu, làng mạc là những mảnh vụn màu lá mạ… Em lẩm nhẩm đánh vần những chữ đề trên các ngọn núi, dọc các con sông, con suối, em nhận ra có những ngọn núi, những con suối em đã từng trèo qua, lội qua hàng chục, hàng trăm lần. Rồi em quen đến độ không cần đọc tên đề, chỉ nhìn qua hình dạng, em cũng đoán được đó là ngọn núi nào, con suối nào, trong dãy núi trùng điệp của chiến khu. Và bây giờ mỗi lần nhìn vào bản đồ, em thấy hiện ra trước mắt những núi, những suối nhỏ, suối to, với tất cả kích thước thật của nó, với tất cả xanh tươi, sống động, rậm rịt, chảy xiết… Em thấy những cây cao ba bốn người ôm không xuể, những mây song, tre giang, bò ngang bò dọc trên mặt đất như đàn trăn, đàn rắn, sóc chuyền cành, tiếng vượn hú tiếng chim phi-họ-phi-làng, cá lội tung tăng, đá cuội tròn nhẵn lấp loáng dưới đáy nước chảy xiết, những tảng đá lớn nhỏ phủ rêu trơn tuột vô ý giẫm lên là vồ ếch như chơi… Em thấy những lán trại, kho tàng, công binh xưởng, cơ quan, bệnh viện, xưởng bào chế… nép mình dưới những lán cây um tùm lưng dốc núi hay sát bên bờ suối. Em thấy khói lan bò trên các mái lán, trong ánh chiều tà. Em nghe tiếng cười nói, tiếng rên lên cơn sốt rét, tiếng búa, tiếng cối xay lúa ù ù, tiếng chày giã gạo… Tất cả những nơi này em đều có thể ghé vào uống một ngụm nước lá rừng, ăn một củ sắn nướng hay xin một thìa thuốc ho…
Tấm bản đồ đang trải rộng trước mặt trung đoàn trưởng và đội trưởng, có những khuyên tròn, những vòng cung vẽ bằng bút chì đỏ. Vừa thoáng nhìn, Mừng đã biết ngay đó là tấm bản đồ “Bố phòng chiến khu” – một tấm bản đồ tối mật. Đội trưởng Thắng cũng có một tấm bản đồ như thế nhưng nhỏ hơn, gấp làm tám, bỏ trong cái xà cột da, mà đi đâu anh cũng mang theo.
Trung đoàn trưởng đang cầm cây bút chì xanh đỏ chỉ vào một điểm trên bản đồ, nói với đội trưởng:
– Cần phải bố trí thêm đài quan sát ở đây. Không biết trên đỉnh dốc núi này có cây cao nào không, để đặt đài quan sát, và địa hình có bị che khuất? Ngày hôm nay đồng chí phải đến nghiên cứu thực địa và về báo cáo cho tôi biết để quyết định.
Thoáng nhìn Mừng biết ngay chỗ dốc núi mà trung đoàn trưởng chỉ trên bản đồ là dốc núi gần Xê-ca Bảy. Em liền buột miệng nói:
– Thưa anh chỗ dốc núi đó không có cây chi to hết, toàn cây mây với cây giang thôi, mà rậm rịt ghê lắm.
Trung đoàn trưởng ngẩng nhìn Mừng. Em sợ hãi nuốt ực cục đường đang mút dở, và đứng nghiêm lại.
– Chú mày có biết dốc núi này ở đâu không mà dám nói như vậy?
– Dạ em biết… Ở Xê-ca Bảy, gần dốc bệnh viện… – Mừng bước đến cạnh bàn nhìn tấm bản đồ rồi đưa ngón tay trỏ đen thui, chỉ vào một điểm cạnh điểm trung đoàn trưởng vừa khuyên bằng chỉ đỏ, hồi hộp thưa. – Dạ thưa anh, ở chỗ ni dốc núi thoáng hơn mà có cây cao to lắm. Trèo đứng lên chạc ba cây đó thấy hết cả Tiền chiến khu, ngó được thấu qua đồi Đồng Nhên bên kia sông Ô Lâu… – Em ấp úng một tí rồi nói thêm. – Trên ngọn cây đó có tổ ong vò vẽ to như cái nồi bảy.
Mừng rụt ngón tay lại. Trên màu xanh nhạt tấm bản đồ in một vết đen xì – vết máu ghẻ khô và nước đường dính ở đầu ngón tay em. Mừng sợ hãi định trở mu bàn tay chùi vết đen mình làm nhớp bản đồ. Trung đoàn trưởng đưa tay ngăn lại:
– Chú làm đen hết cả tấm bản đồ của anh bây giờ? Đội trưởng của chú sẽ đi kiểm tra thực địa. Nếu đúng như chú mi nói, anh sẽ thưởng. Nhưng nếu chú mi nói tam toạng anh sẽ đập chú mi chục roi về cái tội xem trộm bản đồ mật.
Trưa hôm đó, trung đoàn trưởng cùng đi với đội trưởng Thắng đến dốc núi Xê-ca Bảy, điều tra vị trí đặt đài quan sát.
Ông phải sửng sốt khi nhìn vào bản đồ đúng cái chỗ đen sì vết móng tay của chú liên lạc, có một cây quao đại thụ, cao vòi vọi, dựng thẳng tắp giữa lưng chừng núi. Ông hỏi đội trưởng:
– Chú bé liên lạc này có được học hành gì không?
– Dạ em vô bộ đội còn chưa biết chữ. Hiện tôi đang dạy cho em học. Không có vở, bút, tôi phải lấy tờ báo Giết giặc làm sách vỡ lòng, dạy em tập đánh vần. Bây giờ em cũng đã đánh vần đọc được kha khá rồi.
– Thế thì lạ thật! Chú ta đọc bản đồ sành sỏi không thua gì một sĩ quan tham mưu. – Trung đoàn trưởng móc trong túi áo quân phục mấy tờ giấy, cây bút chì còn mới và tờ bạc mười đồng, đưa cho đội trưởng trinh sát, nói tiếp:
– Anh đưa cho chú ta, nói là trung đoàn trưởng thưởng cho chú như đã hứa.
Và trung đoàn trưởng quyếtđịnh đặt đài quan sát mới của chiến khu tại cây quao đại thụ này.
7
Bồng-da-rắn, Châu-sém và Hiền sau ngày ở Sịa rút lên chiến khu, được đội trưởng phân công thành một tổ trinh sát chuyên việc bám vị trí địch, theo dõi điều tra tình hình địch.
Ba em được giao nhiệm vụ bám vị trí Đất Đỏ. Các em trà trộn trong dân các xóm quanh đồn, nằm sát bên nách đồn, bám riết giặc suốt ngày đêm. Nhiều lần Bồng và Châu còn lọt hẳn vào bên trong đồn bằng cách đi theo những toán người bị bọn giặc lùa từ các làng, đưa về làm phu đào hào, đắp luỹ, xây công sự… Điều tra được gì, hai em về kể lại với Hiền. Hiền ghi ra giấy, vẽ thành bản đồ, đưa lên chiến khu nộp cho đội trưởng.
Nửa tháng trời lăn lóc bến nách giặc, giữa lòng giặc, ba em đã trả lời khá đầy đủ những yêu cầu về trinh sát vị trí Đất Đỏ mà Ban tham mưu trung đoàn đề ra.
Hoàn thành nhiệm vụ, đội trưởng ra lệnh cho tổ trinh sát rút về chiến khu.
Một đêm tháng tư năm 1947, trận đánh vị trí Đất Đỏ của trung đoàn 101 đã diễn ra vô cùng gay go và ác liệt. Mãi đến ba giờ sáng vị trí mới bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Lửa đốt đồn sáng rựng cả một vùng đồi núi Hoà Mỹ và khúc sông Ô Lâu lượn qua gẩn đó. Đội quân giặc thiện chiến“Tuần tiễu núi An-pơ” đã bị xoá sổ vĩnh viễn tại một làng bán sơn địa gần kề chân núi Trường Sơn. Đó là trận chiến thắng đầu tiên và vang dội nhất của trung đoàn 101 (trước kia là trung đoàn Trần Cao Vân) kể từ ngày mặt trận Huế vỡ. Trận thắng đã mở đầu cho phong trào quật khởi của chiến trường Bình Tri Thiên, được Bộ Tổng tư lệnh ghi vào Sổ Vàng kháng chiến toàn quốc.
Tổ Thiếu niên trinh sát Bồng-da-rắn, Châu-sém và Hiền cũng được trung đoàn cho tham gia trận đánh, làm nhiệm vụ dẫn đường và liên lạc.
Chiến lợi phẩm mà Bồng-da-rắn đặc biệt quan tâm trong trận tiêu diệt vị trí Đất Đỏ là lá cờ tam tài mới tinh, rộng gần bằng chiếc chiếu, mà cứ sáng sáng bọn giặc lại kéo lên đỉnh cột cờ trước sân đồn, trong tiếng kèn tọ tí te. Mỗi lần có dịp lẻn vào vị trí, Bồng đều nhìn lên cột cờ, ước lượng chiều dài và chiều rộng của mỗi khổ vải xanh, trắng, đỏ, may thành lá cờ.
Em lân la tìm đến ông thợ may trong xóm, hỏi ông: hai mảnh vải trắng và xanh với chừng ấy chiều dài, chừng ấy chiều ngang, có may đủ một áo sơ mi và một quần soóc không? Ông thợ may nhẩm tính toán một hồi và trả lời có thể may đủ nếu biết cắt khéo như ông. Từ hôm đó, lúc thức cũng như lúc ngủ, Bồng-da-rắn không ngớt mơ đến bộ quần áo mới may bằng vải cờ của giặc.
Trong đội, Bồng là một trong mấy đứa áo quần rách rưới tả tơi nhất. Nhất là cái quần đùi, rách hở trước, hở sau… Những lần phải về đồng bằng công tác, phải đi qua những xóm làng có dân ở, trời nắng cũng như trời mưa, Bồng đều phải mang cái áo tơi lá xù xù như thằng bắt trộm gà để che cái quần rách.
Có lần Bồng đi về xã Phong Diêu gặp đúng lúc đội Thiếu nữ Tiền phong xã tổ chức liên hoan văn nghệ. Biết Bồng là chiến sĩ ở chiến khu về, các bạn gái nhất định mời bạn trai Vệ Quốc Đoàn lên kể chuyện chiến khu. Kể chuyện thì Bồng không sợ. Bồng có tài kể chuyện mà ngay cả Tư-dát cũng phải phục. Tư-dát mỗi lần nghe Bồng kể chuyện những chuyến đi trinh sát, đều phải tắc lưỡi nói: “Mi mà viết được ra giấy những chuyện mi vừa kể, thì có thể gửi về Huế in bán chạy không thua chi chuyện kiếm hiệp của ông Lý Ngọc Hưng”(1).
Hiềm một nỗi cái quần đùi rách quá mà Bồng không thi thố được tài kể chuyện với các bạn gái. Không lẽ mang tơi lá xù xù đứng trên sân khấu mà kể chuyện? Giận cái quần đùi rách. Bồng giận lây sang các bạn gái, đội Thiếu nữ Tiền phong.
Bồng sa sầm nét mặt, nói với mấy bạn gái trong ban chấp hành Đội Thiếu nữ đến mời Bồng mang tơi trong lúc nói với giọng khá cục cằn:
– Tui không biết kể chuyện? Tui còn mắc việc chiến khu!
Rồi Bồng vùng bỏ chạy trước những cặp mắt ngơ ngác của các bạn gái. Em chạy thục mạng ra giữa cánh đồng, chui vào một ngôi miếu cổ đổ nát. Em vứt cái tơi lá xuống nền miếu, ngồi dựa lưng vào tường miếu đổ nát, nhìn lại cái quần đùi rách hở trước hở sau, khóc tấm tức dưới bầu trời chiều giăng giăng mưa bụi. Trong giây phút đắng cay khốn khổ đó, Bồng sẵn sàng đổi một cánh tay để lấy một cái quần lành lặn.
Bởi vậy, trong suốt thời gian bám vị trí Đất Đỏ, Bồng không phút nào rời mắt lá cờ tam tài trên cột cờ trước đồn giặc, với nỗi đợi chờ khắc khoải một bộ áo quần lành lặn, để có thể thi thố tài kể chuyện trước mặt các bạn gái. Hai giờ sáng hôm đó, lúc cùng với các anh lớn xung phong vào đồn giặc, giữa cảnh súng đạn nổ rầm trời, Bồng đã trèo phắt lên đỉnh cột cờ đoạt lấy lá cờ xanh trắng đỏ. Em gấp lá cờ lại, quấn tròn quanh bụng, lấy dây điện thoại buộc chặt và phủ cái áo rách ra ngoài.
Thế là bộ áo quần bao lâu mơ ước đã cầm chắc trong tay? Bồng vui sướng hả hê. Tuy nhỏ nhưng Bồng là một chiến sĩ từng trải, khôn ngoan. Em biết việc này nếu để lộ ra, lá cờ sẽ bị Trung đoàn thu hồi vì đó là chiến lợi phẩm – kỷ luật chiến lợi phẩm ngày đó vô cùng nghiêm ngặt.
Diệt xong đồn, thu xong chỉến lợl phẩm, thì đã gần bốn giờ sáng. Bộ đội đánh đồn được lệnh cấp tốc rút về chiến khu, đề phòng giặc phản kích. Bồng và Châu-sém lúp xúp chạy sau cùng hàng quân. Quá mải sướng vì lá cờ tam tài vừa đoạt được nên rút về gần đến chiến khu, Bồng mới sực nhớ ra điều quan trọng, hỏi Châu-sém:
– Lấy được mấy khẩu Moóc-chê sáu mươi?
– Ba
Đang chạy, Bồng đứng sững ngay tại giữa đưởng như hai chân bị con đường mút chặt. Em trợn tròn mắt, hỏi Châu-sém gần như quát:
– Răng lại có ba khẩu? Mi có chắc không?
– Tau được phân công trong đội thu chiến lợi phẩm, răng lại không chắc?
Bốn khẩu chứ răng lại ba? Lần cuối cùng vô trinh sát đồn, tau cũng đã đếm lại, còn đủ nguyên cả bốn khẩu. Thôi chết cha rồi? – Bồng thảng thốt la to – Đúng là mấy cha thu chiến lợi phẩm tìm không kỹ, để sót mất một khẩu! Làm ăn chi lạ!
Bồng-da-rắn nổi tiếng trong đội là đứa nóng tính. Khi đã nổi nóng em không còn biết kiêng sợ ai. Cả các anh lớn em cũng quát nạt sừng sộ, đôi khi còn văng tục bạt mạng.
– Chừ tau với mi phải quay lại tìm cho ra khẩu moóc-chê sót Đi mi! Tau chắc là hắn bị gạch, đất lấp kín nên các anh không ngó thấy…
Lúc này các anh rút lui đã bỏ lại hai đứa khá xa. Châu-sém ngập ngừng:
– Biết có tìm thấy không mà lỡ tụi hắn kéo quân tiếp viện lên thì chạy răng cho kịp? Thôi bỏ quách cho rồi.
– Bỏ! Bỏ? Bồng tức tối càng la to hơn. – Khẩu moóc-chê của người ta mà mi làm như thanh mã tấu không bằng? Mi coi cả trung đoàn mình được mấy khẩu? – Bồng chụp lấy tay Châu-sém lôi kéo. – Đi! Đi! Mi mà không chạy lui tìm khẩu moóc-chê với tau thì từ giờ trở đi không có bạn bè chi hết!
Hai đứa chạy lộn trở lại. Đồn giặc vẫn đang nghi ngút cháy. Chốc chốc một tràng đạn lấp trong đất đá bén lửa nổ bùng bùng làm than lửa tung lên mờ mịt.
Hai đứa giẫm lên đá, lên gạch vụn lên lửa, lên than, lên những vũng máu lép nhép, bới chỗ này, móc chỗ kia. Trời vừa tờ mờ sáng, hai đứa moi lên được khẩu moóc-chê sáu mươi ly nằm lấp dưới đống gạch vụn và mấy thanh xà gỗ nghi ngút khói. Khẩu moóc-chê còn nguyên cả nòng, cả đế, cả máy ngắm.
Bồng sướng quá vừa nhảy, vừa la, vừa cười ha hả:
– Tau nói có sai mô! Bốn khẩu là đúng bốn khẩu! – Bồng ôm cái nòng thép vào lòng, lấy áo lau lau lớp bụi, rồi rung rung như kiểu bồng ru em, vừa cười tít mắt vừa nói nựng. – Khổ thân con chưa tề! Khổ thân con chưa tề! Chút nữa thì cha bỏ con lại cho Tây, để Tây hắn mang con ra bắn lại cha bùm bùm tề ề ề…
Điệu bộ mừng rỡ nhu điên của Bồng không làm Châu-sém cười theo mà tự nhiên em ứa nước mắt.
Châu-sém vác cái đế, Bồng vác cái nòng, chạy một mạch về chiến khu, vô thẳng Xê-ca Một nộp cho Ban Tham mưu Trung đoàn.
Trung đoàn trưởng sai o Chanh cấp dưỡng, nấu một nồi chè đậu đen đầy mập để tưởng thưởng cho chiến công xuất sắc và bất ngờ của hai chú liên lạc.
Ông ngồi nhìn hai em sì soạp húp chè, nhìn khẩu moóc-chê chiến lợi phẩm dựng ở góc lán, nòng và đế súng máy ngắm còn lấm láp bụi đất như củ sắn mới nhổ lên… Lòng ông rưng rưng cảm động. Và ý nghĩ hôm nào lại trở lại day dứt trong trí nhớ của ông: “Trên chiến luỹ kháng chiến của chúng ta xuất hiện bao nhiêu Ga-vơ-rốt! Những Ga-vơ-rốt Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo, bòn mót vũ khí giết giặc như con nít nhà nghèo mót lúa bòn khoai“. Húp hết hai tô con chè nóng phỏng lưỡi Bồng-da-rắn và Châu-sém người toát mồ hôi đầm đìa.
Ghẻ và rận đua nhau tấn công hai em. Hai em thấy khắp người ngứa điên. Quên cả lễ phép, hai em cởi phăng luôn áo để sang bên cạnh, và tiếp tục tấn công nồi chè với tốc độ chớp nhoáng hơn, vì chè đã bắt đầu hơi nguội. Trung đoàn trưởng chỉ cuộn vải xanh, trắng, đỏ Bồng cuốn quanh bụng và buộc chặt bằng sợi dây điện thoại, hỏi:
– Chú mày cuộn tấm vải gì quanh bụng mà ràng rịt cẩn thận thế?
Bồng ngừng húp chè, mắt ngớ ra. Chè đậu đen hấp dẫn quá làm em quên mất lá cờ chiến lợi phẩm định thu giấu. Em đành bối rối, xấu hổ thú nhận:
– Dạ… lá cờ tam tài của tụi hắn em lấy được trên cột cờ giữa sân đồn… Em định giấu các anh, lấy vải may bộ áo quần. áo quần em rách hết…
– Chú mi đừng có làm tầm bậy? – Trung đoàn trưởng nói giọng quở trách, mở rộng lá cờ ra ngắm nghía. – Đây là một chiến lợi phẩm hết sức quan trọng của trận đánh, còn quan trọng hơn cả khẩu moóc-chê kia nữa? Trung đoàn sẽ gửi lá cờ này ra Bộ Tổng tư lệnh cùng với bản báo cáo trận đánh.
– Dạ, em cứ nghĩ hắn chẳng có gì giá trị chi em mới dám liều giấu các anh. – Bồng ấp úng thanh minh.
Trung đoàn trưởng gấp lá cờ lại để trên bàn làm việc. Ông đến đầu hồi ngôi lán, lấy ba lô của mình treo trên con sỏ tre, mở nắp lôi ra một bộ áo quần ka ki ga-bạc-đin màu xanh lá cây còn khá mới. Ông đưa bộ áo quần của mình cho Bồng và nói:
– Đây anh cho chú mày. Chỉ cần nhờ các chị sửa ngắn lại một chút là chú mày mặc vừa.
Bồng đang bưng tô chè húp, liền đặt vội xuống bàn. Em đứng phắt dậy, đưa bàn tay lên, trở sống bàn tay đen chũi nhanh nước chè dính quanh miệng. Em nói với vẻ mặt và giọng hết sức nghiêm trang:
– Thưa anh, không phải em chê, nhưng anh cho phép không nhận. Anh là trung đoàn trưởng, phải ăn mặc tử tế. Còn tụi em ăn mặc rách rưới loàng xoàng răng xong thì thôi. Hết ạ?
Bồng lại ngồi xuống tiếp tục húp chè. Trung đoàn trưởng đăm đăm nhìn em. Trong khoảnh khắc đó ông vụt nhận ra rằng trước mặt ông không phải chỉ là một chú bé mà là một chiến sĩ; một đồng đội, với tư cách hết sức đoàng hoàng, buộc những người tiếp xúc, đối thoại phải kính trọng. Ông lặng lẽ cất bộ quần áo vào ba lô.
Bồng-da-rắn và Châu-sém đua nhau tấn công nồi chè đậu đen không một chút khách khí cho đến lúc no căng cả bụng, không tài nào nuốt thêm được nữa mới chịu bỏ bát đứng lên.
Châu-sém nhanh nhảu thu dọn chén đem ra con suối ngay trước mặt lán rửa, còn Bồng bê nồi chè trả xuống bếp.
Hình như còn có chuyện gì muốn nói với trung đoàn trưởng nên đáng lẽ ra về, Bồng đứng ngần ngừ mãi bên cái bàn nứa.
Cuối cùng em ngước mắt nhìn trung đoàn trưởng, nói:
– Thưa anh, em có chuyện ni nói với anh đã lâu, mà cứ sợ anh la.
– Có chuyện gì chú cứ nói đi?
– Dạ… cái dạo anh giao em nhiệm vụ về Huế quăng lựu đạn để phá cuộc mít tinh của tụi Việt gian ở sân vận động chợ Xép (2). Lúc rút lên chiến khu em không đi theo đường cũ. Em đi con đường ngang qua trước ngõ nhà anh. Em nhìn thấy chị. Hồi trước em đi bán bánh mỳ, mỗi lần qua nhà anh, chị thường ra mua bánh của em nên em biết mặt, mà chị cũng nhớ mặt em. Em giả đò cắt cỏ, ngó vô trong nhà. Một lúc em thấy chị đi ra, tay xách cái giỏ mây, chắc là chị đi chợ. Nhìn thấy em, chị dừng lại hỏi: “Dạo ni em không đi bán bánh mỳ nữa à?“. Em nói: “Dạ em đổi nghề đi cắt cỏ bán cho mẩy ông chủ xe ngựa“. Chị hỏi: “Bán cỏ rứa có đủ ăn không?“. Em nói:“Dạ, cũng tạm tạm thôi chị ạ, bữa no bữa đói“. Chị móc túi lấy ra hai đồng đưa cho em, nói: “Em cầm mà mua thêm đồ ăn“. Hai đồng đó em vẫn còn giữ đây. – Bồng moi trong túi ngực áo ra cái gói giấy nhỏ, bên trong có tờ giấy bạc hai đồng Đông Dương còn mới, gấp làm tám. Đưa gói giấy đó cho trung đoàn trưởng xem, Bồng kể tiếp. – Em nhìn kỹ chị, nước da chị trắng xanh mà cặp mắt chị buồn quá. Em thấy thương chị ứa nước mắt. Lúc đó em chỉ muốn nói với chị: “Em không phải đi cắt cỏ ngựa mô. Em là lính trinh sát của anh Lâu đây chị ơi? Mới hôm tê ở chiến khu, anh Lâu còn giao cho em trái lựu đạn rỗng với tiền và dặn dò em công việc phải làm. Chị có muốn đi lên chiến khu với anh không, em dắt chị lên…“. Nhưng em không dám nói, em sợ lộ bí mật. Em đành đứng ngó miết theo chị cho đến lúc chị đi khuất sau cái ngã tư. Dọc đường, em càng nghĩ càng thương chị, rồi em đâm giận lây sang cả anh. “Tại răng anh Lâu không cho người về đưa chị lên Xê-ca? Tụi Tây hắn biết là vợ anh, trước sau chi rồi hắn cũng bắt chị, tra tấn, đánh đập để trả thù anh đã chỉ huy bộ đội đánh tụi hắn, chị chịu làm răng cho thấu?“. Em nghĩ như rứa đó mới đâm giận anh…
Lúc này trung đoàn trưởng thật sự bối rối, không biết trả lời Bồng ra sao “…Chao, chú đội viên nhỏ của anh lại còn biết lo lắng đến cả cuộc sống riêng tư của anh, hạnh phúc của gia đình anh, chẳng khác chi một đồng chí lớn tuổi!“. Anh thầm kêu lên trong lòng như vậy.
Trong lúc đó, chính uỷ trung đoàn đi vào lán. Ông đứng ở cửa lán nghe hết đầu đuôi câu chuyện của Bồng với trung đoàn trưởng. Ông hỏi em:
– Nếu anh giao cho em nhiệm vụ về Huế, đưa chị Lâu lên Xê-ca em có bảo đảm được không?
Bồng đứng nghiêm lại, rắn rỏi đáp:
– Báo cáo chính uỷ, nhất định em làm được.
– Em thử trình bày kế hoạch của em, anh nghe xem có trúng không nào?
Dạ, anh Lâu viết cho chị một lá thư. Trong thư anh dặn chị giả làm người đi về quê thăm mộ, xách một cái giỏ, bên trong đựng xôi, cuối, vàng mã, hương đèn sáp… Em sẽ mang thư về đưa cho chị. Hai chị em sẽ hẹn nhau ngày giờ, địa điểm gặp nhau. Em sẽ giả làm đứa giữ trâu, cầm roi đi tìm trâu lạc, đi trước dẫn đường. Chị đi sau em, cách chừng dăm chục bước.
– Gặp tụi hắn có hỏi thì chị cứ nói là đi về quê thăm mộ. Em đưa được chị vượt qua khỏi đường quốc lộ là coi như êm…
Chính uỷ gật gù:
– Được, kế hoạch của em được đấy! – Rồi ông nói với trung đoàn trưởng:
– Anh Lâu viết tư cho chị đi. Việc này, tôi và các đồng chí trong trung đoàn uỷ đã nghĩ tới từ lâu, không ngờ hôm nay em Bồng lại gợi ý.
Ông nói với Bồng:
– Bây giờ em về báo cáo lại với anh Thắng, nói với anh là đúng bảy giờ sáng mai, chính uỷ trung đoàn mời cả hai anh em vô trung đoàn bộ, nhận nhiệm vụ.
Bước ra khỏi cửa lán, Bồng chợt nhớ điều gì, quay vào nói với trung đoàn trưởng:
– Dạ trong thư, anh nhớ dặn chị đừng đi guốc, mà phải đi dép có quai sau. Vì đường từ Sịa trở lên núi khó đi lắm anh ạ…
Một tuần sau, Bồng đã đưa được vợ của trung đoàn trưởng từ Huế lên chiến khu Hoà Mỹ an toàn. Là một nữ sinh Huế, xuất thân nhà đại gia, chị Lâu đã sống qua gần khắp các chiến khu Bình Trị Thiên trong những năm chiến tranh chống Pháp và trở thành một cán bộ kháng chiến.
Chú thích:
(1) Một tác giả chuyên viết chuyện kiếp hiệp thời đó.
(2) Một lần chúng tổ chức một cuộc mít tinh ở sân vận động chợ Xép bắt nhân dân đến nghe “Thượng cấp hiểu dụ về mối hiểm hoạ Việt Minh trong thành phố Huế“.
Ta quyết phá cuộc mít tinh đó.
Sáng hôm đó, một chiến sĩ biệt động – em Bồng – mới mười lăm tuổi áo quần rách rưới, gánh đôi giỏ đến cắt cỏ quanh sân vận động.
Lúc nhân dân bị bắt đến đã đông, Bồng liền cầm liềm đi vào giả vờ nghe. Một quả lựu đạn tung ngay vào trước mặt bọn cảnh sát nguỵ đứng gác. Bà con nhìn thấy la lên ầm ầm như vỡ chợ: “Việt Minh! Việt Minh!” rồi xô nhau chạy. Quả lựu đạn không nổ vì ta không bỏ thuốc súng, đã giúp em Bồng hoàn thành nhiệm vụ phá vỡ cuộc mít tinh tuyên truyên, lừa bịp của địch (Trích những ngày khói lửa – Hồi ký của Trung tướng Trần Quý Hai – Nhà xuất bản Thuận Hoá – 1984).
8
Tổ trinh sát Châu-sém, Hiền và Bồng-da-rắn lại được trung đoàn giao nhiệm vụ bám vị trí Cầu Nhi – một đồn giặc nằm kề quốc lộ số Một, cách thành phố ba chục cây số về phía Tây Bắc.
Trong ba em, Bồng-da-rắn ít được học hành nhất, trình độ chữ nghĩa cũng chỉ ngang ngang với Mừng – nghĩa là đọc chưa thông, viết chưa thạo. Nhưng Bồng có một năng khiếu đặc biệt là đánh hơi được rất nhanh và khá chính xác những ý đồ quân sự của cấp trên qua những yêu cầu về trinh sát mà cấp trên đề ra cho tổ. Nghe đội trưởng phổ biến xong nhiệm vụ trinh sát mà ban Tham mưu trung đoàn đề ra cho tổ mình lần này.
Bồng nói với hai bạn:
– Trung đoàn mình lại định nuốt lôốn “anh” đồn Cầu Nhi đây! Mà lần ni các ông sẽ nuốt lôốn tụi hắn bằng mẹo…
– Mẹo như răng? – Châu-sém hỏi lại, giọng nghi ngờ.
– Nếu tau biết mẹo như răng thì tau đã làm quách trung đoàn trưởng cho rồi, việc chi phải làm thằng liên lạc trinh sát, chạy như cờ lông công mà hứng đạn? Có cái chắc là lần ni tau phải đớp luôn một bộ áo quần, không dại chơi anh cờ tam tài như cái trận Đất Đỏ.
Năng khiếu này của Bồng cũng gần giống năng khiếu âm nhạc của Quỳnh-sơn-ca. Em Quỳnh nghe thấy âm nhạc trong tiếng xào xạc của lau sậy, tiếng rì rào của dòng sông, tiếng kẽo kẹt của những coọng nước quay đều đều… Bồng thì ngửi thấy những ý đồ quân sự của cấp chỉ huy qua các yêu cầu về trinh sát địch.
– Nhưng làm răng cậu biết được là lần ni các ông định nuất lôốn tụi Cầu Nhi bằng mẹo? – Hiền nhăn trán cố đoán mà không ra, đành phải hỏi Bồng.
– Hai đứa bay không thấy trong yêu cầu trinh sát lần ni các ông cứ nhắc đi nhắc lại phải điều tra nắm chắc các đội quân tuần tiễu của địch đi lại ban ngày dọc đường quốc lộ, quân số bao nhiêu à? Lại cần phải nắm chắc tụi tuần tiễu là Tây hay Bảo vệ quân? Thường đi vô những giờ mô, sáng hay chiều; sáng thì giờ mô, chiều thì giờ mô? Mẹo của các ông chắc là nằm ở chỗ nớ.
Hiền phải ngạc nhiên và phục trước đầu óc phán đoán của Bồng. Em nói riêng với Tư-dát:
– Tớ nghe nói người thông minh trán phải cao, trán càng cao, càng thông minh. Rứa mà cậu Bồng trán chỉ thấp một khúc là tại răng cậu hè?
Tư-dát cười, trả lời bừa:
– Hắn là lính trinh sát từ trong bụng mạ. Mạ hắn phải đẻ hắn trán thấp rứa để nguỵ trang cho tụi giặc khỏi nhận ra.
Một tháng sau, ban Tham mưu trung đoàn đã nhận được đầy đủ những câu trả lời của tổ trinh sát.
Vào một buổi trưa trời nắng chang chang. Bồng và Châu-sém nằm ôm nhau ngủ trong cái chòi giữ rẫy che khuất giữa những vồng sắn cao lút đầu, cạnh đường quốc lộ. Hiền ngồi trong bụi cậy rậm cách đường chừng trăm mét, làm nhiệm vụ quan sát và ghi chép những đoàn xe giặc chạy ra chạy vào, và canh gác cho hai bạn ngủ. Đêm qua hai đứa phải đi gần suốt đêm để đem báo cáo về chiến khu. Từ chỗ Hiền ngồi, nhìn về phía nam em có thể thấy rõ đồn Cầu Nhi đóng trên một ngọn đồi thoai thoải. Mái tôn những ngôi nhà giữa đồn và chòi canh lấp loá dưới nắng trưa.
Hiền bỗng thấy xuất hiện ở khúc đường quanh một toán lính giặc tuần tiễu đang đi về phía đồn. Khoảng ba chục tên, vừa Tây vừa Bảo vệ quân. Khi toán giặc đến gần hơn, em nhìn rõ, đi đầu toán tuần tiễu là ba thằng Tây đội mũ sắt, cầu vai áo đen lon vàng chóe. Hiền vội rời khỏi chỗ núp, cúi rạp người, len lách giữa những vồng sắn, chạy về phía chòi, đánh thức hai bạn dậy.
– Tụi hắn ít khi đi tuần tiễu trên đường vào giờ ni – Hiền nói vẻ băn khoăn. – Hay là tụi hắn bữa ni có chuyện chi gấp – Đi đi! Ta ra coi coi. – Bồng vừa dụi mắt vừa giục hai bạn.
Ba em lủi nhanh về phía bụi cây Hiền vừa núp. Ba em khẽ khàng chui vào bụi nằm ép sát đất, vạch lá nhìn xuống đường.
Bọn giặc đã đi đến điểm gần nhất mà các em có thể quan sát, Bồng hấp háy cặp mắt híp nhưng tinh như mắt mèo rừng, khẽ kêu giọng hồi hộp:
– Thằng Tây đi giữa giống hệt anh Pun-xắc bay ơi! Mà thôi, đúng rồi! Thằng đi đầu đeo lon quan hai là anh Kê-men, thằng đi thứ ba là anh Kốc. Thằng Bảo vệ đi sau anh Kốc là anh Bùi Ngọc Hoàng. Chết cha tụi Cầu Nhi rồi! Chuẩn bị mà xung phong đi thôi bay ơi!
Cặp mắt híp của Bồng đã nhìn rất chính xác. Pun-sắc, Kê- men, Kốc là ba hàng binh gốc người Đức, trong đội quân Lê Dương của Pháp, vác súng chạy sang hàng ngũ quân ta từ đầu năm 1947. Và anh Bùi Ngọc Hoàng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn mười sáu – tiểu đoàn chủ công của trung đoàn.
Sau khi đã nắm chắc tình hình địch ở vị trí Cầu Nhi và quy luật hành quân tuần tiễu của giặc trên đường quốc lộ Một, Ban chỉ huy trung đoàn 101 đã tổ chức một trận kỳ tập tài tình, đầy mưu lược, tiêu diệt gọn vị trí Cầu Nhi trong vòng nừa tiếng dồng hồ.
Trận kỳ tập đồn Cầu Nhi, sau này đã được Trung tướng Trần Quý Hai kể lại trong thiên hồi ký của mình (lúc đó ông là chính uỷ trung đoàn):
”… Một buổi chiều, vào khoảng hai giờ, có một toán quân tuần tiễu đi đến đồn Cầu Nhi. Đi đầu là tên sĩ quan Pháp mang lon quan hai. Tất cả đều mang súng đạn đầy mình, trung liên, tôm xông, súng trường cắm lưỡi lê, lựu đạn. Chúng đi có vẻ mệt mỏi. Đứa phì phèo thuốc lá, đứa nhồm nhoàm nhai bánh kẹo, đứa xách mấy con gà kêu oang oác đứa vác trên vai buồng chuôí chín, nhựa còn chảy ròng ròng. Rõ ràng chúng vừa đi cướp bóc một xóm nào đó rồi mới tới đây Tới trước cổng đồn, tên quan hai hô lính đứng lại và nói với tên lính gác cổng với thứ tiêng Việt lơ lớ. “Tôi muốn gặp đồn trưởng. Đi tuần qua… mệt quá, muốn vào đâu nghỉ ăn trưa“.
Chẳng để tên lính gác trả lời, hắn đẩy cổng vô luôn. Cả toán lính vô theo. Và nhanh như chớp toán lính chia thành nhiều mũi, lao vào các nhà, các phòng làm việc, nổ súng bắn vào bọn lính đồn. Những tên sống sót quỳ xuống lạy như tế sao. Toán quân tuần tiễu đó là ai? Đó là những chiến sĩ thuộc tiểu đoàn mười sáu do tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng chỉ huy. Viên quan hai Pháp là ai? Là Kê-mên, một hàng binh người Đức“.
Toán lính giặc đi khuất được một lúc, Hiền, Bồng và Châu-sém bỗng nghe tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ rầm rầm. Tiếng súng nổ mỗi lúc một rát. Lá cờ tam tài phất phơ trên đỉnh cột bỗng đổ nhào như con chim lớn màu sặc sỡ bị bắn hạ. Bỗng nhảy vọt ra khỏi bụi rậm, nhìn về phía đồn Cầu Nhi, hét to:
– Đánh rồi? Chết cha thằng Cầu Nhi rồi!
Vừa lúc đó, ba đứa nhìn thấy các cánh quân phối hợp lá nguỵ trang đẩy mình, từ các ngọn đồi trọc xung quanh chạy như bay về phía đồn.
Bồng la lên:
– Xung phong thôi bay ơi! Các anh vô đồn hết rồi! – Rồi em chạy như bay ra phía đường nhựa, Hiền và Châu-sém cắm cổ chạy theo. Ba em cứ thẳng đường nhựa chạy về phía đồn như ngựa tế. Bồng chạy trước, vừa chạy vừa la hét inh đường:
– Chạy mau lên bay ơi? Chạy mau lên không áo quần tốt các anh vớ hết! Chuyến ni tau phải kiếm được một bộ thật đẹp?
Khi ba em vọt qua xác thằng lính gác nằm ngang trước cổng đồn là lúc các anh đang tíu tít thu chiến lợi phẩm. Tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng vẫn mặc nguyên bộ áo quần Bảo vệ quân với cái lon cai trên ống tay áo, đứng trên nóc hầm ngầm la hét chỉ huy các đơn vị. Nhìn ba chú liên lạc của trung đoàn xuất hiện bất ngờ giữa sân đồn, anh liền ngoắc gọi lại, ra lệnh:
– Hai chú này. – Anh chỉ Hiền và Châu-sém. – Chạy ngay ra bờ sông nói với đơn vị ngoài đó chuẩn bị gấp bè để vượt sông rút lui. Còn chú. – Anh chỉ Bồng, – chú vào các lô cốt hầm ngầm coi lại súng đạn chiến lợi phẩm còn sót khẩu mô không!
Anh Hoàng vẫn nhớ đến khẩu moóc-chê sáu mươi li Bồng bới được trong trận Đất Đỏ.
Hiền và Châu-sém xịu mặt, tưởng chuyến ni kiếm chác được chút chiến lợi phẩm, không ngờ bị phân công chạy ra bờ sông. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, hai em không chút chần chừ cùng hô to:
– Báo cáo, rõ!
Trước khi chạy ra khỏi đồn hai em nói nhỏ vào tai Bồng:
– Kiếm được chút chi nhớ phần cho anh em với nghe!
– Yên chí, chia ba. Chia ba cân phân!
Bồng vừa la to trả lời hai bạn vừa xông vào ngôi nhà chính giữa đồn. Em nhìn thấy cái ba lô cóc to bự nằm lăn lóc cạnh vũng máu và xác thằng lính Lê Dương. Em nhào tói, bóp bóp cái ba lô và biết ngay bên trỏng đựng quần áo, đồ hộp. Em chộp lấy và đeo luôn lên lựng bụng mừng khấp khởi: “ăn tiền rồi!“. Em xục vào gian nhà bên cạnh thấy một khẩu súng trường Anh dựng ở một góc tối. Bồng chộp khẩu súng, đeo vào vai, càu nhàu: “Làm ăn như cứt! Khẩu súng sờ sờ trước mắt ri mà cũng để sót!“.
Em chui vào tầng dưới lô cốt bên trái đồn. Bên trong tối thui, nhưng em nhìn ra ngay xác một thằng Tây đen to như con trâu trương mặt bị lựu đạn thủng nát nằm đè lên một khẩu súng ga-răng. Ga-răng là loại súng các-bin cỡ lớn, bắn liền tám phát – ba khẩu ga-răng chụm lại bắn lợi hại không thua gì một khẩu trung liên. Bồng tức tối la lên:
– Trời ơi! Các cha mắt mũi bỏ đi mô mà khẩu ga-răng cũng bỏ sót? Đúng là làm ăn như cứt?
Bồng cúi xuống, hai chân dạng chân chèo, cố lôi khẩu súng nhưng không lôi nổi. Em thở hồng hộc, cố vần xác thằng Tây qua một bên để lấy khẩu súng. Nhưng cái xác nặng quá đá tảng, em đỏ mặt tía tai không sao vần nổi. Thêm cái mặt thủng be bét với hàm răng trắng nhởn, nhe ra như mõm chó sắp sủa trong cảnh tối mờ mờ làm em rùng mình, ớn lạnh dọc xương sống. Mùi máu ôi xông lên nồng nặc làm em muốn mửa.
Suýt nữa thì em vùng bỏ chạy. Nhưng khẩu súng ga-răng đã giữ chân em lại. Vừa lúc đó bên trên đồn tiếng thanh la báo hiệu rút lui gióng giả vang lên từng hồi cấp bách. Em gọi to xem có anh nào trên đó xuống giúp em một tay, nhưng tất cả đang vội vã rút lui nên không ai nghe tiếng em gọi. Đồn Cầu Nhi không phải như đồn Đất Đỏ, nó nằm sát bên đường số Một, các đội ứng chiến tiếp viện của địch có thể đổ đến trong chớp nhoáng bằng phương tiện cơ giới.
Cái ba lô cóc to tướng trên vai làm cho Bồng vướng víu. Em nổi xung lẳng luôn cái ba lô xuống đất, rồi dùng khẩu súng trường Anh làm đòn bẩy lật xác tên giặc sang một bên. Cuối cùng em lôi được khẩu ga-răng ra và khoác lên vai. Khẩu ga- răng nặng gấp đôi khẩu súng trường Anh, sức nặng của hai khẩu súng làm em muốn sụn vai. Lúc chui qua cừa ra ngoài, Bồng vấp phải cái thắt lưng Mỹ đeo tám băng đạn ga-răng.
Em mừng rỡ nhặt lên nịt luôn vào ngang bụng. Ngoái nhìn cái ba lô vừa quăng xuống đất, biết sức không tài nào tha nổi, liền xử lý bằng cách nhổ lên đó một bãi nước miếng.
Ban chỉ huy trận đánh được liên lạc báo tin một đoàn xe thuộc binh đoàn cơ động ứng chiến từ phía đồn Mỹ Chánh chạy về phía đồn Cầu Nhi. Tin này làm quân ta nháo nhào vọt ra khỏi đồn cũng nhanh như lúc vọt vào đồn. Trên vai anh nào cũng lặc lè súng đạn và những hòm lớn nhỏ chiến lợi phẩm.
Tất cả hối hả rút về phía sông Cầu Nhi. Bồng rút chạy sau cùng. Nhưng vì mang đeo nặng quá, nó rơi lại mỗi lúc một xa.
Khi em đến bờ sông thì các anh đã sang hết bên kia sông và đang chạy lúp xúp trên những ngọn đồi trọc xa xa. Bồng tụt xuơng bờ sông lở dốc đứng và nhào xuống nước.
Sông Cầu Nhi hẹp nhưng khá sâu, nước trong xanh, chảy xiết Bồng là tay bơi lặn cự phách của đội. Bình thường em vượt qua con sông này dễ như bỡn. Nhưng lúc này phải tha theo hai khẩu súng và thắt lưng đạn nịt quanh người, nên em đuối sức sức nặng của súng và đạn cứ muốn dìm em xuống nước và đẩy xa về phía dưới. Mặc dầu vậy em vẫn không chịu buông hai khẩu súng, và có nguy cơ chết đuối. Em liền đổi chiến thuật, vừa bơi vừa lặn. Em vật lộn quyết liệt với dòng nước, bụng uống no căng nước. Đến phút em hoàn toàn kiệt sức tay không còn giữ nổi hai khẩu súng, thì chân em bất ngờ chạm nền cát và đá sỏi đáy sông, em vuốt nước trên mặt, reo to: “Thoát rồi?” Em lội ào vào bờ, trườn lên bờ dốc vác hai khẩu súng trên vai, chạy thục mạng.
Chạy được mấy chục bước em vấp phải Pun-xắc người hàng binh Đức. Pun-xắc áo quần tóc tai ướt sũng nước, ngồi nép sau một mô đất ngó ra phía sông mà khóc như con nít. Anh hàng binh người Đức này mới hai mươi bốn tuổi, cao một thước chín mươi bảy phân, mái tóc vàng óng như tơ tằm và cặp mắt to xanh biếc. Anh ta đẹp trai đến nỗi các o bào chế, y tá, mỗi lần gặp anh đi ngang qua đều phải quay lại ngẩng lên nhìn vào cặp mắt xanh biếc của anh mà cười duyên.
Bồng ngạc nhiên hỏi:
– Răng anh lại ngồi đây mà khóc rứa?
Pun-xắc nhận ra chú bé liên lạc vẫn thường gặp ở chiến khu. Anh đưa sống bàn tay quyệt nước mắt, nói tiếng Việt giọng Huế trọ trẹ:
– Tôi làm mất khẩu tôm-xông rồi!
– Làm mất à? Mất ở mô? – Bồng tái mặt hỏi.
– Tôi bơi qua sông… Khẩu súng tuột khỏi vai… chìm xuống nước.
– Ui trời? – Bồng giậm chân kêu, vừa giận dữ vừa sợ hãi.
Em không thể nào tưởng tượng được một sự mất mát ghê gớm đến như thế. Bồng đã từng chiến đấu trong một trung đội Quyết tử quân chỉ có mác lào và mã tấu, nên em thấm thía cái giá của vũ khí không thua gì các anh Vệ Quốc Quân lớn tuổi.
Em vẫn còn nhớ trong trận Võ Xá, anh trung đội trưởng giữ khẩu tôm-xông này, lúc rút lui làm rơi mất một băng đạn trong bốn băng của khẩu súng. Lúc đó đã quá nửa đêm, Chính uỷ trung đoàn bắt anh phải lộn trở lại con đường cũ tìm cho ra băng đạn. Đến tảng sáng hôm sau anh mới tìm ra được băng đạn đem về báo cáo với Chính uỷ.
Bây giờ không phải mất băng đạn mà mất cả khẩu súng!
Bồng giận run người. Em nhìn mặt Pun-xắc nói như quát:
– Người ta nhỏ ri, người ta bơi qua sông còn tha được hai khẩu súng với tám băng đạn? Mình to cao như cái cột đình, mang có khẩu súng cũng để rớt!
Bị một chú bé đứng chỉ cao đến thắt lưng mình la lối, quát mắng, Pun-xắc vẫn chịu ngồi im thin thít. Chính anh cũng hiểu một khẩu súng tiểu liên tôm-xông đối với bộ đội Việt Minh lúc này có ý nghĩa như thế nào. Cả đại đội biệt động – đại đội được trang bị tốt nhất tiểu đoàn – chỉ có ba khẩu tôm- xông. Và sáng nay lúc xuất phát, chính tay cô-lô-nen Lâu (1) – anh gọi trung đoàn trưởng như vậy – đã trao khẩu súng cho anh, căn dặn: “Nhớ giữ khẩu súng cẩn thận và bắn tiết kiệm đạn“. Thế mà anh đã để mất khẩu súng. Anh lo sợ có thể bị cô- lô nen Lâu đưa ra toà án binh vì tội làm mất súng. Anh đã từng chiến đấu trong quân đội của Hítle. Anh hình dung kỷ luật của quân đội Việt Minh cũng nghiêm khắc ghê gớm như quân đội Hítle, nén nỗi lo sợ làm cho tấm thân cao lớn của anh gần như tê liệt, và đầu óc trở nên mụ mẫm. Anh chỉ còn biết ngồi nép mình sau mô đất nhìn ra quãng sông mình vừa đánh mất khẩu súng mà khóc như một đứa con nít. Bồng càng tiếc khẩu súng càng giận Pun-xác. Em chỉ muốn xông tới đạp cho anh ta mấy đạp. Em làu bàu: “To xác mà dở thúi!“.
Bồng chợt nhìn xuống bụng áo Pun-xắc. Bụng áo căng phồng như bụng đàn bà chửa. Em cúi xuống nắn nắn bụng áo, lổn nhổn toàn đồ hộp! Lúc bộ đội thu chiến lợi phẩm, Pun-xắc lọt vào khu nhà bếp. Anh quơ đại đồ hộp để trong tủ, tọng hết vào bụng áo.
Bồng vỗ vào bụng áo Pun-xắc giận điên người, quát thật sự:
– Cầm hèn chi? Vô đồn không chịu lấy súng lấy đạn, lại ních đầy một bụng đồ hộp ri, làm chi bơi qua sông mà không chìm, không làm rớt mất súng. Chừ lại còn ngồi đó mà chảy nước đái?
Bồng ném hai khẩu súng vác trên vai xuống đất, cởi nịt đạn ném lên hai khẩu súng, mặt hằm hằm hỏi:
– Làm rớt chỗ mô, ra chỉ cho người ta mò lên!
Pun-xắc chạy theo Bồng ra bờ sông. Anh nhặt hòn đá ném ra quãng giữa sông, chỗ anh ta vừa đánh rơi khẩu súng. Bồng mắt ngó theo chỗ hòn đá vừa rớt xuống, hai tay tụt nhanh bộ áo quần rách nhơ xơ mướp, ném xuống đất. Em nhảy thẳng từ trên bờ dốc đứng xuống nước. Em sải tay bơi ra chỗ hòn đá vừa rơi, chúi đầu lặn. Cái mông trần tím ngắt những bọng ghẻ ruồi và hai cẳng chân em chống ngược lên khỏi mặt nước trong chớp mắt, rồi biến hút trong làn nước xanh ngắt. Pun-xắc nừa ngồi nửa quỳ trên bờ sông, hai tay chống đất, cặp mắt xanh hau háu nhìn xuống chỗ Bồng vừa lặn. Tiếng động cơ cả một đoàn xe của giặc từ phía đường quốc lộ vọng lại rõ dần.
Dưới sông, Bồng nổi đầu lên. Em đưa hai tay lên cao. Hai tay không. Em há to miệng hớp hớp không khí, nhìn lên bờ, đầu lắc lắc báo hiệu chưa tìm thấy khẩu súng. Pun-xắc hớt hải, đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, gọi to:
– Bồng! Bồng! Xe bọn giặc đến gần!
Nhưng dưới sông Bồng đã chúc đầu, chổng mông lặn biến xuống nước. Từng đợt vòng sóng, nở to mãi, lan vào đến tận bờ. Lần thứ hai Bồng nổi đầu lên, vẫn hai tay không. Tiếng đoàn ô tô giặc gầm rú ngay phía ngoài đường quốc lộ. Chắc chúng đã chạy đến trước cổng cái đồn vừa bị đánh tanh bành và nghi ngút lửa cháy. Tiếng phanh rít của đoàn xe vọng vào đến tận đây. Dưới sông, Bồng xua tay lia lịa về phía Pun-xắc:
– Chạy đi! Chạy đi! Tụi hắn vô đây chừ đó!
Pun-xắc vọt đứng lên. Anh chạy đến chỗ Bồng để hai khẩu ga-răng và chiếc nịt đạn. Anh nhặt khẩu ga-răng, giật mạnh cơ bẩm. “Rắc!“. Một viên đạn vọt ra khỏi nòng súng. Băng đạn vẫn còn nguyên. Anh lượm cái nịt đạn, thắt vào ngang người và nhào trở lại phía bờ sông. Anh quỳ xuống sau một mô đất sát mép bờ sông, chĩa khẩu súng sang bên kia bờ. Từ cổng đồn vào đến đây chỉ khoảng năm trăm mét đường chim bay. Bọn giặc tiếp viện bắt đầu bắn xối xả ra bốn phía. Nhiều tràng đạn bay rít ngang qua mặt sông.
Cặp mắt to xanh biếc của Pun-xắc mở trừng trừng nhìn sang phía bên kia sông, miệng anh mím chặt, toàn bộ dáng vẻ khổng lồ của anh hiện rõ quyết tâm trụ lại ở đây, líều chết để yểm trợ cho Bồng. Và dưới sông Bồng cũng quyết tâm lặn mò cho bằng được khẩu súng. Đạn mỗi lúc nổ một rát; một gần hơn. Chúng bắn đại liên và cả đại bác hai mươi li về phía bờ sông. Chúng đã đoán được con đường rút lui của quân ta.
Bồng lại chúi đầu, chống mông lặn xuống nước lần thứ ba. Lần này em lặn còn lâu hơn cả hai lần trước, Pun-xắc nhìn xuống sông, lòng như lửa đốt. Một giây trôi qua anh có cảm tưởng như dài bằng cả một ngày. Và trong khoảng khắc anh đã cảm nhận vô cùng sâu sắc tinh thần cao thượng và lòng dũng cảm phi thường của đội quân mà anh đã quyết định lựa chọn để chiến đấu. Được cùng chiến đấu, cùng sống và cùng chết với những chiến hữu như chú bé đang giúp anh lặn mò khẩu súng dưới đáy sông kia, thật là một điều may mắn cho đời anh, và cũng là một niềm hạnh phúc to lớn! Anh nghĩ vậy và tự nhiên nước mắt trào ra, những giọt nước mắt vui sướng, thuần khiết, trong sạch đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của anh.
Bồng trồi đầu lên khỏi mặt nước và hét váng mặt sông:
– Mò thấy rồi!
Em đưa cao khẩu súng ròng ròng nước quá đầu cho Pun-xắc nhìn thấy, rồi vừa lặn, vừa hụp, vừa bơi về phía bờ sông.
Hai chiếc ô tô G.M.C chở đầy lính Âu-Phi, trước mỗi xe đặt hai khẩu đại liên, từ phía đường quốc lộ vừa bắn vừa lao băng băng qua những dốc đồi trọc, vút thẳng đến bờ sông. Hai chiếc đã ló mũi súng trên ngọn đồi thấp cách bờ sông bên kia khoảng chừng trăm mét. Dưới sông còn hơn chục mét nữa Bồng mới tới bờ, Pun-xắc giận dữ nhằm chiếc xe đi đầu bắn liên tiếp cả kẹp đạn, và anh lắp một kẹp đạn mới, bắn tiếp.
Tiếng đạn ga-răng nổ rất đanh và đường đạn khá chính xác.
Hai chiếc xe hoảng hốt phanh rít. Bọn giặc trên xe vọt xuống đất nằm oẹp chĩa súng sang phía Pun-xắc bắn trả như đổ đạn. Nòng hai khẩu đại liên đặt trên xe chúc thẳng xuống mặt sông, nổ rầm rầm chát chúa. Chúng đã nhìn thấy Bồng. Em hụp sâu xuống nước, lặn một hơi tới thấu bờ. Em nhào lên bờ đất. Đạn đại liên chíu chíu quanh mình em, cắm phầm phập vào đất, và mặt sông quanh em sôi lên như tăm cá. Pun-xắc nhoài người ra sát mép sông, túm lấy tay Bồng gần như xách bổng em lên bờ đất dốc ngược.
Hai người cúi rạp mình chạy ngoằn ngoèo sau những mô đất, những bụi sim mua, để tránh đạn. Ngang qua bụi cây lúc nãy, Pun-xắc lượm khẩu súng trường Anh, và giật luôn cả khẩu tôm-xông Bồng đang cầm, vác tất cả lên vai mà chạy.
Đạn bay như ong vỡ tổ, rít quanh hai người.
Hai anh em chạy cách bờ sông được khoảng chừng ba trăm mét, bọn giặc đã nhào đến mép bờ sông bên kia. chúng tiếp tục xả súng bắn theo hai người nhưng họ đã đứng ngoài tầm nguy hiểm. Chạy lên đến đỉnh đồi, Bồng nhìn trật xuống thấy mình trần truồng như nhộng. Bộ áo quần rách mướp vì vội quá đã quên lại trên bờ sông. Lần ni tưởng vớ được bộ áo quần đẹp không ngờ lại mất luôn cả bộ áo quần rách. Em rên lên vừa tiếc vừa tức: “Lỗ to!” trong lúc đó súng giặc vẫn nổ rền.
Nổi xung, em cầm lấy chim, ưỡn người trễ về phía bọn giặc, rung rung chửi toáng:
– Có [bad word] cau đây cho bắn! Có [bad word] tau đây cho bắn! Bắn cái mả cha bây đây nì!
Pun-xắc đứng sững nhìn Bồng. Chưa hiểu rõ nghĩa câu chửi, nhưng anh hiểu chú bé này đang làm gì. Anh bật cười vang. Bồng ngoảnh sang nhìn Pun-xắc đang đứng cười ngặt nghẽo, liền giục:
– Anh trẽ [bad word] đi! Anh trẽ [bad word] đi! – Vừa giục em vừa trỏ vào hàng khuy quần của Pun-xắc, ra hiệu.
Pun-xắc lập tức giật tung hàng cúc quần, lôi cái của mình ra, bắt chước Bồng cũng cầm rung lia lịa trẽ về phía bọn giặc, hét váng cả dãy đồi:
– Voa-la mông cui! Voa-la mông cui!
Bồng trợn tròn mắt nhìn, phục lác mắt và kinh ngạc trước vóc dáng đồ sộ cái của Pun-xắc. Em kêu lên thích thú:
– Ui chao! Hắn to chi mà to đã gớm! Như cái chày giã gạo?
– Anh trẽ nữa đi! Trẽ nữa đi! To mà dài như rứa có đứng xa hàng cây số tụi hắn cũng phải ngó thấy!
Pun-xắc nghe theo Bồng, càng ra sức rung mạnh, ra sức hét to! Và con người hàng binh quốc tịch Đức có vóc dáng khổng lồ này phút chốc đã hoá thành một đứa con nít nghịch ngợm. Hai anh em lại tiếp tục chạy. Khi tiếng súng giặc đã khuất hẳn sau dãy đồi vừa chạy qua, và tin chắc không còn gì nguy hiểm nữa, Bồng liền nằm dài ra đất mà thở. Mặt em tái mét vì quá mệt. Miệng em há hốc, thở như sắp hụt hơi, muốn nói gì đó mà không ra tiếng, Pun-xắc cũng ngồi xuống cạnh Bồng.
Anh đặt ba khẩu súng trên vai xuống, cởi cái thắt lưng đạn đặt lên ba khẩu súng. Anh mở phanh cúc áo, xổ ra đất cả một đống đồ hộp, có đến vài chục vừa hộp vừa lon: thịt, cá, sữa đặc, sữa bột, chanh bột, cà phê, ca cao, sô cô la…
Anh nhún vai nhìn đống đồ hộp quay sang nói với Bồng, giọng hối lỗi:
– Chỉ vì mấy cái thứ đồ hộp khốn nạn này mà anh suýt làm mất khẩu súng quý, suýt làm cho em chết chìm dưới sông.
Pun-xắc đứng phắt dậy, nhặt một hộp thịt bò lớn bên ngoài có vẽ cái đầu bò và những lát thịt màu đỏ tươi, dang mạnh tay định ném xuống cái vực dưới chân đồi. Đang nằm tay chân duỗi thẳng đờ, Bồng vụt chồm ngay dậy, hớt hải nhảy lên đánh đu vào cánh tay cầm hộp thịt của Pun-xắc, la bai bải:
– Đừng vứt! Đừng vứt!
Bồng giật phắt hộp thịt trong bàn tay to lớn của Pun-xắc, kêu:
– Khi hồi trong đồn không vứt, chừ đã tha được về thấu đây lại đem vứt! Dại chi mà dại dữ rứa!
Bồng ngồi phệch xuơng đất, níu áo kéo Pun-xắc xuống theo, vừa thở vừa nói:
– Anh đục hộp thịt ra ăn đi? Em đang đói gần chết đây…
Lại một chuyện bất ngờ nữa đối với người hàng binh khổng lồ này. Anh ôm đầu Bồng rị vào ngực mình, xoa xoa mái tóc bù rối của em, cảm động nói:
– Làm sao trong cái đầu bé nhỏ thế này mà em lại chứa đựng được nhiều trí khôn đến như vậy!
– Đục đi anh! Đục đii Em đang thèm rệu cả nước miếng đây.
Pun-xắc rút con dao găm cạnh sườn, đục hộp thịt với bàn tay thành thạo.
Hai anh em vừa bốc thịt ăn vừa nhìn nhau mà cười.
Vừa lúc đó một tổ bộ đội từ dưới chân đồi chạy lên. Nhìn thấy hai anh em đang nhồm nhoàm nhai thịt, họ mừng rỡ kêu to:
– Đây rồi! Đây rồi!
Té ra khi rút về đến địa điểm tập kết, tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng mới phát hiện ra thiếu Pun-xắc và Bồng. Anh liền cử một tiểu đội quay lại tìm hai người.
Chú thích:
(1) Trung đoàn trưởng Lâu.[/size][/font]