1. Từ lâu, tôi đặc biệt yêu thích những bài thơ giản dị đến mức không thể giản dị hơn, sâu sắc không thể sâu sắc hơn. Nhưng giữa chúng luôn được kết nối bởi từ . Tức là giản dị mà sâu sắc. Đó là những bài thơ hiện đại, viết như không mà không dễ viết. Trong kho tàng thơ ca thế giới, tôi chọn được một số bài thơ đảm bảo tiêu chí trên hoặc hướng tới tiêu chí trên. Dưới đây là ba bài thơ thuộc dạng ấy.

B. BRECHT (nhà thơ Đức)

SỢI DÂY THỪNG BỊ ĐỨT

Sợi dây thừng bị đứt có thể buộc nối lại

Nó lại chắc như xưa

Nhưng dẫu sao thừng cũng đã đứt rồi

Có thể hai ta còn tái ngộ

Nhưng ở nơi tôi bị em từ bỏ

Sẽ chẳng bao giờ em gặp lại tôi đâu.

K. LUBOMIRSKI (nhà thơ Áo)

NGÀY CỦA MẸ

 

Con đã không ngắt

Những bông hoa tím trong rừng

Con tặng mẹ

Sự sống còn của chúng.

Y. BONNEFOY (nhà thơ Pháp)

 

EM ĐÃ CẦM LÊN MỘT CÂY ĐÈN…

 

Em đã cầm lên một cây đèn và em mở cửa

Làm gì đây với một cây đèn, trời đang mưa, ngày rựng sáng.

Từ “sợi dây thừng bị đứt” được nối lại mà vẫn mang mặc cảm: “nhưng dẫu sao thừng cũng đã đứt rồi”, để rồi liên hệ đến “tôi bị em từ bỏ” và khẳng định: “Sẽ chẳng bao giờ em gặp tôi đâu”…Từ việc con không ngắt hoa tặng mẹ vì muốn tặng mẹ sự sống còn của chúng…Từ việc cầm một cây đèn khi mở cửa lúc trời đang mưa, ngày đang rựng sáng, để nói về sự bất lực đến tận cùng của con người…thì quả là tài tình. Ở đây, “ý tại ngôn ngoại” của thơ vẫn không mất đi, tứ thơ vẫn được xác lập một cách vững chắc, thông điệp gửi gắm vẫn còn tươi mới và đầy dư ba. Đã thế lại không phải dụng công tu từ hoặc phải dùng một thủ pháp nghệ thuật nào hết.

Tôi thích những câu: “Nhưng dẫu sao thừng cũng đã đứt rồi” trong “Sợi dây thừng bị đứt”, “Sự sống còn của chúng” trong “Ngày của mẹ” và trọn vẹn 2 câu thơ trong “Em đã cầm lên một cây đèn…

Ba bài thơ này có thể được ví như ba tấm áo tư tưởng được mắc lên ba chiếc đinh. Vấn đề còn lại là ba tấm áo tư tưởng chứ không phải ba chiếc đinh. Đây là những bài thơ không nệ vào hình thức, cũng không nệ vào nghề, vào các mẹo mực làm thơ. Sức mạnh của chúng nằm trong ý tưởng. Nếu Nguyễn Du từng viết: “Giột lòng mình mới nao nao lòng người” thì ba bài thơ trên không chỉ “nao nao” lòng người mà còn “giột” thẳng vào lòng người nữa.

Thơ hay như gái đẹp

Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng

Thơ dở không dịch được…

Sinh thời, trong “Sổ tay thơ”, Chế Lan Viên từng viết như vậy. Thơ dở là thơ không có ý, có tứ, lại không nặng, không sâu, đương nhiên là không thể ví được với “gái đẹp”. Thơ như thế thì làm sao mà “dịch” nổi!

Xem thêm  Trò cút bắt tháng Tư

2. Năm ngoái, khi nhận được chùm thơ mới của Bùi Sỹ Hoa, tôi hơi giật mình. Trong chùm thơ 5 bài, tôi nhớ dai dẳng “Moòng quạ”, “Ghi chép của một nhà báo”, “Chơi với Na”.

{keywords}
Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa

Theo lời chú của tác giả thì “moòng quạ là một loài quả dại, vỏ vàng mịn nhưng ruột hôi hắc, bị muôn loài xa lánh”. Vậy mà trước một loại quả “bất hạnh” như vậy, Bùi Sỹ Hoa vẫn có thơ. Những câu thơ đau đáu như thế này hẳn không phải chỉ để dành cho moòng quạ, cho thân phận của moòng quạ và không chỉ để an ủi moòng quạ:

Tự hỏi mình

Rừng giấu điều gì mà sinh quả lạ

Phận cây vì sao nên nỗi moòng quạ?

“Ghi chép của một nhà báo” là một cái tên rất bình thường và ngỡ như không có thơ. Vậy mà nó lại trở nên khác thường và rất thơ. Tứ thơ này có 4 khúc, trong đó có 2 khúc thật hay.

Đây là khúc 1:

Nhà thương Anh Sơn có một con đường sạch thoáng

Đó là đường vào nhà xác

Ngày ngày cụ già vừa đấm lưng vừa quét rác

– Chỗ này buồn quá, thưa cụ?

– Tôi quen nơi này đến mức

Không vui cũng không buồn!

Đây là khúc 4:

Bà mẹ tàu xe nón áo thăm con ở trại giam

– Nó chịu từ mấy năm, thưa mẹ?

– Chung thân.

Vậy là chót đời, tôi chung thân cùng nó.

Sử dụng toàn những lời bộc bạch thường ngày mang nặng chất trần thuật và ngôn ngữ báo chí mà vẫn đầy ẩn ý – đó là thủ pháp ngỡ như “vô chiêu” của Bùi Sỹ Hoa. Khúc 1 “ăn” ở ba câu: “Tôi quen nơi này đến mức/ Không vui cũng không buồn!”.  Khúc 4 “ăn” ở hai câu: “– Chung thân/ Vậy là chót đời, tôi chung thân cùng nó”. Người quen “đường vào nhà xác” đến mức “không vui cũng không buồn”, thì quả là rất thực tế và rất đời! Còn người chỉ có thể chung thân cùng con thì chỉ có thể có ở tấm lòng, tình yêu thương hết lòng của một người mẹ. Những từ “không vui cũng không buồn”, “vậy là chót đời, tôi chung thân cùng nó”, thật đắt!

{keywords}
 

Còn “Chơi với Na” (viết tặng Chúc An) được viết rất hoạt, rất thanh thoát, rất có không khí, mang tâm trạng thư thái và tâm thế buông bỏ… Tác giả vui vì khi về hưu được thỏa sức chơi với cháu, sống theo ý mình và vì được “về dân”. Tôi thích câu “về dân như đây” ít nhất được nhắc lại hai lần sau “về dân như ông”. Đoạn kết của “Chơi với Na”, đọc lên thấy sướng:

Về dân như đây

Nói gì to tát

Mơ gì tít mây

Hạnh phúc có thật

Bế bồng trên tay

Mặt trời múa hát

Váy hồng bay bay…

Thơ ấy là thơ giản dị, sâu sắc và hiện đại. Ngỡ trực tiếp mà không trực tiếp. Ngỡ thẳng băng mà không thẳng băng. Lại dứt lời mà chưa dứt ý.

Xem thêm  RỒI EM SẼ VỀ ĐÂU

3. Tôi hiểu khi Tìm trong im lặng là Bùi Sỹ Hoa muốn đi tìm cái còn lại, cái tận cùng và cả cái tự do của bản thân thi sỹ.

Những chi tiết thơ trong Tìm trong im lặng khá dày đặc và ấn tượng, lại nhiều trải nghiệm. Có thể thống kê: “Trẻ tung bốn phương, già lần cố hương” (Ao quê), “Càng mềm ướt càng sáng láng” (Đá mềm), “Lá buồm lành rồi rách/ Vẫn còn cột buồm/ Không thể bẻ vặn” (Ấu ơ, vầng trăng), “Con rắn không có nọc độc bị cả đàn ruồng bỏ/ Đồng loại sợ con vẹt hình hài giống chúng nhưng không nói tiếng vẹt mà chỉ nói tiếng người/ Con mèo giật mình trước những âm thanh do chính nó tạo ra/ Con thỏ mơ thành con hổ to lớn để không bao giờ sợ hổ/ Con hổ mơ trở thành con vật hiền lành…” (Cổ tích), “Đắng đót giấu vào lặng êm” (Trong cổ tích mây bay), “Sau gió giật cây tin mình bền sâu rễ” (Đầy vơi)…

Và sau chót là tự do: “Ta yêu tự do/ Không chịu được những bức tường/ Không chịu nổi cảnh đấm tay vào ngực” (Tự sự gió) hoặc cái cách dẫn đến tự do: “Người ở lại cho tôi được bay xa/ Người im lặng cho tôi cất tiếng…/ Ở lại là một cách tự do/ Chôn chặt niềm yêu dấu” (Cây bàng). Những câu ấy có thể là cái lõi thơ của Bùi Sỹ Hoa và tự chúng đã nói lên tất cả.

Bên cạnh “Moòng quạ”, “Ghi chép của một nhà báo”, “Chơi với Na”, tôi thích cả những bài thơ khác như “Bạch trà hoa chưa nở”, “Cà Mau”, “Cổ tích”, “Cây thông Rikuzentakata”…Riêng “Cây thông Rikuzentakata” là một tứ thơ độc đáo. Đó là một cây thông duy nhất sống sót đại hồng thủy, khi mà “bình yên phút chốc thành tan nát”, khi mà sóng “táp thẳng mặt người”, khi mà “rác rưởi hùa nhau ngự lên chóp tháp”, khi mà “mặt trời tắt/ những bước chân sấp ngửa/ trĩu nặng đôi bàn tay không”…Và nó là biểu hiện rồi trở thành biểu tượng của sức sống, của bản lĩnh đậm nét của con người và xứ sở mặt trời mọc:

Ai ở xa

Ai thật gần

Bị xô ngã

Tự xiêu vẹo

Nơi mặt trời mọc trống không

Có thấy Rikuzentakata

Cây thông

Đứng thẳng!

Tất nhiên, “Cây thông Rikuzentakata” trong thơ không chỉ là thế và có thế!

Nhà thơ Đặng Huy Giang