Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Đứa Con Của Tự Do

Tác giả: Marc Levy
Thể loại: Hiện thực
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp:
Les enfants de la liberté của Marc Levy
Người dịch: Lê Hồng Sâm

Đến với Những đứa con của tự do , mục đích phá cách của Marc Levy thể hiện rõ nét để không đi vào lối mòn của các tác phẩm trước như Nếu em không phải là giấc mơ , Gặp lại , Em ở đâu… Không còn sự huyền bí vô hình, không đem đến những mộng ảo xa xôi, tác phẩm thể hiện độ gai góc, phản ảnh hiện thực trần trụi với tiết tấu nhanh, đòi hỏi độc giả đôi lúc phải biết chấp nhận sự phũ phàng, mất mát.

Những đứa con của tự do được kể lại dựa trên câu chuyện có thật ở Pháp tôn vinh những người con dũng cảm, kiên gan đã chiến đấu không mệt mỏi cho tự do, khi mà mỹ từ ấy trở nên xa xỉ trong thời đại hỗn loạn của đại chiến thế giới. Đặc biệt, những người anh hùng ấy tuổi đời con rất non nớt mà  có tư tưởng và con tim vĩ đại.

Những người con ngoại quốc đến từ nhiều quốc gia Ba Lan, Rumani, Hungari, Italia, Tây Ban Nha… lại yêu tha thiết mảnh đất đã dung nạp mình, để rồi họ cống hiến tuổi trẻ và tinh thần của mình cho quốc gia Pháp, nơi họ vĩnh viễn thuộc về, nơi mà họ tin là mùa xuân sẽ trở lại…vào một ngày nào đó…

Cha ruột của Marc Levy là một nhân chứng sống động trong thời đại hỗn loạn, nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đoạt không còn một chút quyền lợi nào. Và ông, một chiến sỹ cách mạng nhiều trọng trách là nhân vật chính trong câu chuyện, mang biệt hiệu Jeannot. Jeannot và cả một thế hệ trẻ chủ yếu là dân ngoại quốc đã từng sống trên đất Pháp đã tập hợp lại thành lữ đoàn 35 mang tên Marcel Langer. Ở đó họ “chưa bao giờ thừa nhận thân phận mà người ta muốn áp đặt cho mình, chưa bao giờ chấp nhận cho người ta xâm phạm đến phẩm giá con người”.

Lý tưởng chiến đấu cho tự do đã gắn kết những con người ấy lại với nhau. Họ mang trong mình niềm tin mãnh liệt, lòng dũng cảm đôi lúc vượt lên tất cả mọi trở ngại để chiến đấu. Và đó cũng là cảm hứng xuyên suốt toàn bộ câu chuyện.

Lữ đoàn 35 phối hợp với quân đội địa phương chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng. Họ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng tựu chung cho mục tiêu gây tổn thất, làm suy giảm lực lượng địch, tạo thời cơ cho quân đồng minh đánh trả và giành lại nền độc lập tự do cho tổ quốc.

Tuy nhiên, lý tưởng đâu phải là một thứ gần gũi, dễ nắm bắt mà đôi khi phải trả bằng xương máu của biết bao chiến sỹ, bằng nỗi sợ hãi luôn thường trực bất cứ nơi nào họ đặt chân đến, vào bất cứ lúc nào, “nỗi sợ cứ tồn tại trong mỗi ngày của bạn, trong mỗi đêm của bạn”, rồi trong một giây phút kiệt sức chợt đến, họ chợt băn khoăn “liệu chỗ tận cùng có thực sự tồn tại hay không, liệu một ngày nào đó chúng ta có tỉnh khỏi cơn ác mộng mà chúng ta sống đã nhiều tháng trời hay không. 

Mình sợ, buổi sáng thức dậy, mình sợ; ở mỗi ngã ba, mình sợ họ theo mình, sợ họ bắn mình, sợ họ bắt giữ mình, sợ có những Marius và Rosine khác không trở về sau khi hành động, sợ Jeannot, Jacques và Claude bị xử bắn, sợ có điều gì xảy ra với Damira, với Osna, với Jan, vớit tất cả các cậu, những người là gia đình của mình.

Lúc nào mình cũng sợ, ngay cả khi đang ngủ. Nhưng không nhiều hơn hôm qua hay hôm kia, không nhiều hơn kể từ ngày đầu tiên mình gia nhập đội, không nhiều hơn kể từ ngày họ tước đoạt của chúng ta quyền tự do.”

Và “tiếp tục sống, tiếp tục hành động, tiếp tục tin rằng mùa xuân sẽ trở lại, điều đó đòi hỏi rất nhiều dũng cảm”, nhưng vượt qua những khoảnh khắc yếu ớt ấy, các chiến sỹ tuổi 20 kiên quyết “sẽ tiếp tục sống với nỗi sợ ấy, cho đến chỗ “tận cùng”, dù “chẳng biết nó ở nơi nào”…

Sống với nỗi sợ hãi và phải tuân thủ những điều lệ nghiêm ngặt của quân đội, những người trẻ tuổi phải chiến đấu với cái bụng rỗng, với giấc mơ về món bánh mì kẹp “tầm thường” mà lại vô cùng xa xôi. Thế nhưng với tình yêu, họ đã vượt lên tất cả. Tình yêu ấy thiêng liêng đẹp đẽ một cách diệu kỳ. Không những là tình yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu nhân loại mà mãnh liệt và da diết nhất, đó là tình yêu đôi lứa, thứ tình cảm bị cấm đối trong quân đội.

Ngập tràn trong tình yêu, những chiến sỹ quyết đoán, sắt đá nhất cũng trở nên dịu dàng, đáng yêu. Họ mộng mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, nơi họ có thể vĩnh viễn thuộc về nhau, nơi mà con người tự do tồn tại, nơi mà họ đã không phí mạng khi giành giật nó từ tay bọn phát xít.

Tình yêu đẹp biết mấy, họ muốn được yêu biết mấy. Một gia đình hạnh phúc, với người chồng, người vợ và những đứa con thơ sống trong thời bình là cả một thế giới tươi đẹp trong tâm hồn các chiến sỹ. Hình ảnh ấy vẫn còn lưu luyến, dù đến lúc họ buộc phải rời khỏi thế gian và đi về một thế giới khác.

Sợ hãi, đớn đau, khốn cùng. Nhưng dù là nơi tận cùng của thế giới, nơi không gian tối tăm và chật hẹp, lãnh thổ chỉ có bệnh tật là chúa tể ngự trị thì niềm tin mãnh liệt của những người con ấy vẫn lớn lao, không suy suyễn. Trong nhà ngục tối tăm, họ vẫn hát vang bài ca Cồn đất Đỏ, đôi lúc pha chuyện cho cuộc đời thêm tươi vui. Chất hài hước trong gian lao đôi lúc làm tăng sinh lực sống cho những cơ thể tiều tụy, tàn tạ…

Những người con của tự do là một sự tôn vinh đẹp đẽ dành cho người nước ngoài nương náu trên đất Pháp và đã chiến đấu cho mảnh đất ấy. Và lữ đoàn 35, dù “Bị truy đuổi, chịu khốn khổ, thoát khỏi lãng quên, họ là biểu tượng của tình anh em được đào luyện trong cảnh đau khổ sinh ra từ sự chia rẽ, và cũng là biểu tượng cho sự dấn thân của những người phụ nữ, những trẻ em và những người đàn ông đã góp phần khiến đất nước chúng ta, đất nước đã bị nộp cho bọn quốc xã làm con tin, từ từ ra khỏi sự thinh lặng để cuối cùng phục sinh”…(Diễn văn của Charles Hermu, bộ trưởng bộ Quốc phòng Pháp).

Đến với Những đứa con của tự do, mục đích phá cách của tác giả thể hiện rõ nét để không đi vào lối mòn của các tác phẩm trước. Không còn sự huyền bí vô hình, không đem đến cho con người những mộng ảo xa xôi, tác phẩm thể hiện độ gai góc, phản ảnh hiện thực trần trụi với tiết tấu nhanh, làm độc giả đôi lúc phải biết chấp nhận sự phũ phàng, mất mát.

Thế nhưng, nếu bạn đã từng đọc những thiên “diễm tình” của Marc Levy như Nếu em không phải một giấc mơ, Kiếp sau, Bảy ngày cho mãi mãi, Em ở đâu?… hẳn sẽ nhận ngay phong cách “lãng mạn pha chút hài hước” đặc trưng Marc Levy, trong đó nổi lên là tình yêu.

Vì thế, khó có thể khẳng định ngay rằng đây là một thành công mới mẻ, một Marc Levy mới mẻ, thế nhưng với những ai đã bắt đầu “bội thực” với motif “yêu yêu, thơ thơ, lãng mạn, ngọt ngào, mơ mộng” quen thuộc của tác giả best-seller người Pháp này, thì đây là cách để họ khám phá một thử nghiệm mới và chờ xem Marc Levy sẽ có những sáng tạo tiếp theo nào để tên tuổi ông không bị nguội đi trong lòng người mến mộ.

Nguyên Ngọc

 

– “Một tiểu thuyết cảm động, đôi khi hài hước, những đứa con của tự do được viết một cách giản dị đơn giản, nhưng không phải theo lối ngây thơ, bởi những đứa trẻ này, do sớm bị đẩy vào thế giới thực đáng sợ của người lớn, đã mất đi chất ngây thơ của mình. Tiểu thuyết đã miêu tả rất thực tâm lý của những anh hùng trẻ tuổi, lòng dũng cảm và bản năng sống đã giúp họ đứng vững” – Le Monde

– “Ở đây, chúng ta không nhận ra nhà tiểu thuyết quyến rũ và nhẹ nhàng của Nếu em không phải một giấc mơ hay của Bạn tôi tình tôi. Có thể các nữ độc giả trẻ sẽ lạc lối vì đột nhiên phải đắm chìm trong nỗi khiếp sợ. Một sự táo bạo đáng khen khi dẫn dắt độc giả đến với điều mà họ không hề mong đợi” – Le Journal du Mimanche

– “Một sự tôn vinh đẹp đẽ dành cho những người nước ngoài nương náu trên đất pháp và đã chiến đấu cho mảnh đất ấy” – RTL.

Xem thêm  Bảy Ngày Cho Mãi Mãi
Bình luận
× sticky