Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Đứa Con Của Tự Do

Chương 6

Tác giả: Marc Levy

Tháng Sáu trôi đi theo dòng các hoạt động của chúng tôi, đã gần hết tháng. Những cần trục do thuốc nổ của chúng tôi nhổ bật lên đã nghiêng xuống dòng kênh, không bao giờ có thể đứng thẳng lại, những đoàn tàu đã trật bánh khi lăn trên các đường ray bị chúng tôi dịch chuyển, những con đường mà các đoàn xe Đức qua lại bị chặn ngang vì các cột điện đổ gục. Vào giữa tháng, Jacques và Robert đặt được ba quả bom ở sở Hiến binh Đức, gây thiệt hại rất lớn. Giám đốc sở cảnh sát địa phương lại một lần nữa kêu gọi dân chúng; bản thông điệp thảm hại, xúi giục ai nấy hãy tố cáo bất kỳ người nào có thể thuộc một tổ chức khủng bố. Trong tờ cáo thị của y, tay chỉ huy lực lượng cảnh sát Pháp miền Toulouse đả kích những kẻ nhận mình thuộc một lực lượng tự xưng là Kháng chiến, những kẻ phiến loạn làm hại đến trật tự công cộng và đến sự an lạc của người dân Pháp. Những kẻ phiến loạn được nói đến, chính là chúng tôi, và chúng tôi mốc cần biết tay giám đốc cảnh sát nghĩ g

Hôm nay, chúng tôi đã cùng Émile lấy lựu đạn ở chỗ Charles với nhiệm vụ đến quăng chúng vào bên trong một trung tâm điện thoại của Quân lực Đức 1.

Chúng tôi đi bộ trong phố, Émile chỉ cho tôi những ô cửa sổ cần nhắm trúng, và khi cậu ra hiệu, chúng tôi đã phóng ra những quả lựu đạn của mình. Tôi nhìn thấy chúng tung mình lên cao, tạo một đường cong gần như hoàn hảo. Thời gian dường như đông cứng lại. Tiếp đó là tiếng kính vỡ và thậm chí tôi ngỡ nghe thấy tiếng lựu đạn lăn trên sàn và bước chân những tên Đức chắc hẳn đang lao đến cánh cửa ra vào đầu tiên. Hai người làm loại công việc này thì tốt hơn; một mình, có vẻ khó thành công.

Vào giờ này, tôi cho rằng việc điện đàm liên lạc của bọn Đức phải một quãng thời gian khá lâu nữa mới khôi phục được. Nhưng chẳng có gì trong những điều ấy khiến tôi vui thích, em tôi phải chuyển nhà.

Giờ đây Claude đã gia nhập đội. Jan quyết định rằng việc anh em tôi ở cùng nhau quá nguy hiểm, không phù hợp với quy tắc an toàn. Mỗi chiến hữu phải sống một mình, để tránh làm liên lụy bạn cùng nhà nếu mình bị bắt. Sao tôi nhớ đến thế sự hiện diện của thằng em, và từ nay buổi tối tôi không thể đi nằm mà không nghĩ đến nó. Nếu nó đang hành động, tôi cũng không biết được tin nữa. Thế là, nằm dài trên giường, tay để sau đầu, tôi cố ngủ song chẳng bao giờ thiếp đi được hoàn toàn. Cô đơn và cái đói là bạn đồng hành tồi tệ. Thỉnh thoảng tiếng òng ọc của dạ dày phá rối sự thinh lặng bao quanh tôi. Để thay đổi ý nghĩ, tôi đăm đăm nhìn bóng đèn trên trần nhà và chẳng mấy chốc, nó biến thành một ánh sáng trong khuôn của kính chiếc phi cơ tiêm kích Anh của tôi. Tôi đang lái một chiếc Spitfire của Không lực Hoàng Gia. Tôi bay lượn trên biển Manche, tôi chỉ cần nghiêng máy bay là nhìn thấy ở đầu đôi cánh đỉnh những con sóng cũng như tôi đang lướt nhanh về phía nước Anh. Chỉ cách vài mét, máy bay của em tôi kêu vù vù, tôi liếc nhìn động cơ của nó để biết chắc là không có làn khói nào gây nguy hiểm cho việc nó quay về, nhưng phía trước chúng tôi đã in hình bờ biển và những dốc đá trắng. Tôi cảm nhận làn gió đang thổi vào khoang lái và vi vu quanh những bắp chân tôi. Hạ cánh rồi, chúng tôi sẽ ăn uống thỏa thích quanh một bàn nhiều thức ngon ở câu lạc bộ sĩ quan… Một đoàn xe tải Đức đi qua trước cửa sổ nhà và tiếng máy nổ giòn đưa tôi trở lại với căn phòng và nỗi cô đơn của mình.

Nghe tan dần trong đêm tiếng đoàn xe tải Đức, bất kể cái đói quái quỷ đang giày vò mình, cuối cùng tôi tìm được đủ can đảm tắt ngọn đèn trên trần nhà. Trong bóng tối mờ, tôi tự nhủ mình đã không bỏ cuộc. Có lẽ tôi sẽ chết nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc, dù sao tôi từng nghĩ rằng mình chết sớm hơn thế sẽ tôi vẫn còn sống, vậy ai mà biết được? Có thể rốt cuộc, Jacques đúng, một ngày nào đó mùa xuân sẽ trở lại.

° ° °

Tảng sáng, Boris đến gặp tôi, một nhiệm vụ khác đang chờ chúng tôi. trong khi chúng tôi đạp xe đến nhà ga cũ kỹ Loubers để lấy vũ khí, thì luật sư Arnal tới Vichy để biện hộ cho Langer. Cục trưởng cục hình sự và ân xá tiếp ông. Quyền hành của ông ta rất lớn và ông ta biết như vậy. Ông ta nghe vị luật sư một cách lơ đãng, đầu óc ông ta để ở nơi khác, kỳ nghỉ cuối tuần sắp đến và ông ta băn khoăn về chuyện mình sẽ qua kỳ nghỉ như thế nào, liệu ả tình nhân ucả mình có đón nhận mình hay không giữa cặp đùi ấm nóng của ả tại một tiệm ăn trên phố. Cục trưởng cục hình sự đọc lướt rất nhanh hồ sơ mà Arnal khẩn cầu ông ta xem xét. Các sự kiện ở đó, rõ rành, và nghiêm trọng. Bản án không khắc nghiệt đâu, ông ta nói, nó công bằng. Không trách cứ được các quan tòa điều gì hết, họ đã làm phận sự của họ khi thi hành pháp luật. Ý ông ta đã quyết, nhưng Arnal vẫn nằn nì, thế thì ông ta chấp nhận, vì vấn đề tế nhị, sẽ triệu tập Hội đồng ân xá.

Sau đó, trước các ủy viên Hội đồng, ông ta sẽ luôn phát âm tên họ của Marcel theo cách để mọi người hiểu rằng đây là một người ngoại quốc. Và trong lúc vị luật sư già Arnal rời Vichy, thì Hội đồng phủ quyết việc ân xá. Và trong lúc vị luật sư già Arnal lên chuyến tàu đưa ông trở lại Toulouse, thì một công văn cũng thực hiện chuyến đi nho nhỏ của nó; nó đến chỗ bộ trưởng bộ Tư pháp, ông ta lập tức cho đem nó đến văn phòng của Thống chế Pétain. Thống chế ký vào biên bản, số phận của Marcel từ nay đã được xác nhận, anh sẽ bị xử chém.

° ° °

Hôm nay, ngày 15 tháng Bảy năm 1943, cùng với Boris, ở quảng trường Carmes chúng tôi đã phá hoại trụ sở của nhóm “Hợp tác”. Ngày kia, Boris sẽ tấn công một gã Rouget nào đó, kẻ hợp tác năng nổ và là một trong những tên chỉ điểm lợi hại nhất của Gestapo.

° ° °

Trong lúc rời Pháp viện để đi ăn trưa, viên biện ý Lespinasse hết sức vui vẻ. Nếp mòn hành chính sáng nay đã đến nơi cần tới. Bản phủ quyết đề nghị ân xá cho Marcel đang ở trên bàn giấy của y, có chữ ký của Thống chế. Lệnh hành quyết đi kèm. Cả buổi sáng Lespinasse ngắm nghía mảnh giấy rộng vài centimet vuông này. Tờ giấy hình chữ nhật ấy đối với y như một phần thưởng, một giải thưởng hạng ưu mà các bậc quyền cao chức trọng nhất Quốc gia tặng cho y. Đây không phải phần thưởng đầu tiên y giành được. Ngay từ trường tiểu học, năm nào y cũng đem về cho cha y một giấy khen, đạt được nhờ ân huệ của sự học hành chăm chỉ, nhờ ân huệ của niềm quý mến nơi các thầy giáo… ân huệ đặc xá… đó là điều Marcel sẽ không đạt được. Lespinasse thở ra một hơi dài, y nhấc lên vật trang trí nhỏ bằng sứ ngụ trên bàn giấy, trước tấm lót tay bằng da. Y luồn tờ giấy vào rồi đặt vật trang trí lên trên. Không nên để tờ giấy đó làm mình lãng trí; y phải thảo xong bài diễn văn cho buổi thuyết giảng sắp tới, nhưng đầu óc y lãng đãng hướng về cuốn sổ tay. Y mở sổ, lật các trang, một ngày, hai, ba, bốây rồi, ở chỗ này. Y ngần ngại khi định ghi mấy chữ “hành quyết Langer” bên trên “ăn trưa Armande”, vì trang sổ đã đầy những cuộc hẹn. Thế là y chỉ vẽ một dấu thập. Y gấp cuốn sổ lại rồi soạn tiếp bài nói. Được vài dòng và thế là y cúi xuống tờ công văn trồi ra ngoài chiếc đế của vật trang trí. Y mở lại cuốn sổ tay và, trước hình chữ thập, ghi con số 5. Đó là giờ y sẽ phải có mặt trước cửa nhà ngục Saint-Michel. Cuối cùng Lespinasse cất sổ vào túi áo, đẩy chiếc rọc giấy bằng vàng trên bàn, xếp nó lại cho thẳng hàng, song song với cây bút máy. Đã mười hai giờ trưa và bây giờ viên biện lý cảm thấy đói. Lespinasse đứng lên, vuốt thẳng nếp quần và bước ra hành lang Pháp viện.

Ở đầu bên kia thành phố, luật sư Arnal đặt xuốg bàn của ông cũng tờ giấy ấy, ông nhận được sáng nay. Bà giúp việc bước vào phòng. Arnal nhìn bà đăm đăm, không một âm thanh nào có thể phát ra khỏi cúông họng. Bà giúp việc khẽ nói:

– Ông khóc ư, thưa luật sư?

Arnal cúi xuống chiếc giỏ đựng giấy vụn và nôn ra mật đắng. Người ông rung lên vì những cơ ho thắt. Bà ngần ngại, bà già Marthe, bà chẳng biết phải làm gì. Thế rồi lương tri thắng thế, bà đã có ba con hai cháu, bà già Marthe, nghĩa là bà từng biết, những chuyện nôn mửa ấy. Bà lại gần và đặt bàn tay lên trán vị luật sư già. Và mỗi lần ông cúi xuống chiếc giỏ, bà cũng làm theo động tác của ông. Bà chìa cho ông một khăn tay bằng vải bông trắng, và trong lúc ông chủ lau miệng, ánh nhìn của bà đưa xuống mảnh giấy và lần này chính đôi mắt của bà già Marthe đẫm lệ.

° ° °

Tối nay, chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong ngôi nhà của Charles. Ngồi xệp ngay xuống đất, Jan, Catherine, Boris, Émile, Claude, Alonso, Stefan, Jacques, Robert, tất cả chúng tôi quây thành một vòng tròn. Một bức thư được chuyền tay nhau, mỗi người tìm kiếm những từ ngữ mình không tìm ra. Viết gì đây cho một người bạn sắp chết? “Chúng mình sẽ không quên bạn”, Catherine thì thầm. Đó là điều mỗi người ở đây đang nghĩ. Nếu cuộc chiến đấu của chúng ta dẫn chúng ta đến chỗ khôi phục được tự do, nếu chỉ một người trong chúng ta sống sót, người ấy sẽ không quên bạn, Marcel, và một ngày kia người ấy sẽ nói lên tên của bạn. Jan lắng nghe chúng tôi, anh cầm bút và nguệch ngoạc bằng tiếng yiddish 2 mấy câu chúng tôi vừa nói. Như vậy, những người canh ngục dẫn bạn lên đoạn đầu đài sẽ không hiểu được. Jan gấp thư lại, Catherine cầm lấy, luồn thư vào áo ngực. Ngày mai, cô sẽ giao nó cho ông giáo sĩ Do Thái.

Không chắc thư của chúng tôi có đến được với người tử tù. Marcel không tin Chúa và có lẽ anh sẽ khước từ sự hiện diện của linh mục tuyên úy, cũng như của giáo sĩ Do Thái. Nhưng rốt cuộc, ai mà biết được? Một chút xíu may mắn trong toàn bộ sự khốn khổ này sẽ không thừa. Sao cho cái may mắn khiến bạn đọc được mấy chữ viết ra để nói với bạn rằng nếu một ngày kia chúng ta lại được tự do, thì cuộc đời của bạn sẽ được đóng góp vào đó rất nhiều.

— —— —— —— ——-

1 Wehrmacht: Quân lực của nhà nước quốc xã Đức.

2 Ngôn ngữ của các cộng đồng Do Thái ở Trung Âu và Đông Âu.

Bình luận
× sticky