Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cà Phê Cùng Tony

Chương 24 – Và Em Kiệt Sức…

Tác giả: Tony Buổi Sáng

Hồi đó lâu thiệt lâu, dưới quê có một cậu con nhà hàng xóm, tên ở nhà là thằng “2 Xị”, không rõ đi hạc là tên chi, thi cấp 3 miết không đậu, má nó nói thôi đưa lên Sài Gòn cho Tony đào tạo. Cái nó lên, ban đêm cho qua trung tâm giáo dục thường xuyên, ban ngày bữa nào Tony có mặt ở nhà là gào thét, nó sợ quá nên mở tập ra ngồi hạc. Mà Tony vừa đi ra khỏi nhà là móc điện thoại ra nhắn tin, rồi đi ra đi vô, tóc tai xõa rũ rượi. Cái nhà đầy rác cũng hẻm quét, cái con chuột chạy qua cũng không buồn đuổi. Kêu nó lau cửa kính thì nó lau phía dưới, còn phía trên để y nguyên, hỏi thì nó nói cao lắm, lau hẻm tới. Đi ra rồi đi vô, buồn thì lấy cái gương ra ngồi nặn mụn, nên cái mặt lúc nào cũng sưng xỉa, khăn giấy lau mụn còn dính máu khô để đầy bàn. Còn phòng ngủ của nó thì ôi thôi như gánh hát, quần đùi một góc, quần lót một góc, tất vớ một góc, váng nhện giăng giăng. Cái gối cái mền của nó thì mixture của mùi mồ hôi, mùi nước dãi chảy ra lúc ngủ, mùi thuốc lá, mùi dầu xanh… hòa quyện nhau một cách nồng nàn, nó nói mùng màn chiếu gối thì cuối năm mới giặt một lần, ở nhà nó quen vậy rồi. Cũng may mà năm đó thi cấp 3 đâu, ba mẹ nó ăn mừng lớn hết biết. Sau nó hạc cao đẳng gì đó không cần thi cũng đậu, rùi liên thông trở thành cử nhân. Xin việc miết hẻm được, nên đi làm công nhân dưới nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin vì đã tốt nghiệp lớp 12. Vì nó chưa bao giờ đọc sách, nên nói chuyện nghe cả buổi vẫn không hiểu ý nó muốn nói gì, toàn những từ không có nghĩa trong tiếng Việt. Có lần đi Karaoke với nó và đám bạn, nghe nó hát bài “Công chúa bong bóng”, một tay cầm micro hát, một tay cầm di động nhắn tin. Nó nói gì thì gì, chứ một tháng em phải hết 500 ngàn tiền tin nhắn. Tiền của mẹ nó làm rẫy trên núi gửi vô.

Lúc nó ở trọ, bữa đó Tony có ở nhà, do nó nói bữa nào nấu cơm em cũng kiệt sức. Bèn đứng coi nó nấu ra làm sao. Đầu tiên là lấy nồi cơm điện, bỏ gạo vô nồi, đổ nước, cắm điện, xong ngồi chờ cơm chín. Cơm chín rồi, bắc nước lên luộc rau, khoanh tay đứng chờ. A nước sôi rồi! nó reo lên trong sung sướng, bèn lấy rau ra nhặt. Nhặt và rửa rau xong thì nước sôi nãy giờ lâu quá nên cạn queo, nó bèn đổ thêm nước, đứng chờ tiếp. Xong món rau luộc. Giờ đến món cá kho. Nó lấy cá ra khỏi tủ lạnh, đứng chờ rã đông. Rồi kho. 4 giờ thì xong một bữa ăn gồm cơm, rau luộc, cá kho. Nói anh Tony và các anh chị ăn đi, em lên phòng nghỉ đây, em ăn hẻm vô vì em đã kiệt sức.

Đem chuyện này kể các bạn trong hãng Phượng Tím. Mọi người cười hi hí, nói sao thằng đó dở quá. Tụi em đâu có vậy. Cái mình nói, y chang chứ có gì khác đâu. Thời gian là công bằng, đều là 24 giờ với tất cả mọi người, nhưng có người làm được nhiều việc, cũng có người làm một việc không trôi. Có thể phụ thuộc vào hệ số thông minh, có những người bản năng là làm việc nhiều hơn người khác. Số còn lại thì phải được đào tạo để biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc, theo anh, sơ đồ Gantt là hay nhất. Anh phân tích nè:

 

 

1-Việc đang diễn ra, không tác động vào nó cũng diễn ra, thì mình tranh thủ làm việc khác. Đứng nhìn vô đó làm gì? Chờ làm gì? Ví dụ: cơm trong nồi cơm điện. Có nhìn vào thì cơm cũng không ngon hơn. Hay fax cái hợp đồng, đứng nhìn trân trối vô cái máy fax thì nó cũng không chạy nhanh hơn. Anh thấy các bạn đứng chờ máy tính gửi mail đi mà sốt ruột. Trong thời gian đó, làm việc khác giùm anh. Đừng có để thời gian chết.

2. Việc người khác có thể làm được, giao người khác làm, nhờ họ giúp. Như bạn A, mình là cán bộ xuất nhập khẩu, giữa bề bộn các email báo giá cho đối tác nhập khẩu, bạn A bỏ đi lên kho lấy mẫu về để chụp hình gửi cho khách là sao? Việc này có thể nhờ ai đó làm, bạn tài xế ngồi rung đùi đó chi, sao không nhờ. Chỉ lên kho lấy cái mẫu mang về, thì ông xe ôm đi vẫn được. Mình dành thời gian cho việc email báo giá, khách hàng nó xác nhận, có phải mình xuất khẩu được đơn hàng cả trăm ngàn đô không. 50 ngàn đồng cho ông xe ôm vẫn lãi chán. Dao phay không dùng để chém ruồi hay gọt hoa quả.

3. Bạn B làm kế toán cũng vậy. Trưa qua anh thấy cái phòng họp không được sạch, anh nói rảnh thì hút bụi nha B. Nhưng không phải em chạy lật đật đi hút bụi liền, còn bao nhiêu việc quan trọng khác thì gác lại. Đang cần phải thanh toán để lấy bộ chứng từ, một ngày ngoài cảng phí lưu bãi phát sinh bị phạt 20 USD/cont, thì B ưu tiên hút bụi. Phê bình thì gân cổ lên cãi, nói hút bụi quan trọng hơn chứ. Hút xong thì đã đến 4 giờ chiều, ngân hàng không làm việc nữa, nên phải dời qua sáng mai giao dịch. Người lúc nào cũng chạy như con rối, vì không biết cái gì ưu tiên hơn cái gì. Mua vé máy bay hay văn phòng phẩm thì kêu nó giao cho mình chứ mắc mớ gì phải chạy đi lấy. Ai gọi cũng dạ và làm ngay, lao ra đường vun vút, nhưng việc gì cũng không xong.

4. Hôm hãng mình đóng cửa đi công tác, mọi người tranh thủ khởi hành từ Đà Lạt về Thành phố từ lúc 4 giờ sáng để chiều 1h30 mở cửa làm việc, bao nhiêu thứ đang tồn đọng. Bạn C vẫn không về, chiều anh gọi thì vẫn ngồi bờ hồ Xuân Hương đợi ông khách hàng về chung cho vui, mặc dù đi hai xe, chạy trên đường, không biết có gì vui? Và đến khuya hôm sau mới về đến SÀI GÒN. Công việc thì trễ nãi, anh hỏi thì ông khách hàng nói cũng chẳng có vui gì, đi đường tối thui, xe nó chạy trước, xe tao chạy sau. Không có gì vui.

5. Trước đây hãng mình có bạn D, phụ trách nhập khẩu nguyên liệu. Anh Tony đi công tác, dặn dò một tuần các việc như báo giá, hỏi tình hình lô hang nguyên liệu, theo dõi mẫu… để sản xuất lô hàng xuất khẩu, em nhớ nha D. Nó dạ ran, ghi chép vào sổ khí thế. Cuối tuần về, thấy việc gì cũng chưa làm. Hỏi chứ tuần qua em bận gì, nó nói bận dịch file tiếng Anh cho ông Thế, là ông khách mới quen. “Em dịch ngày lẫn đêm, vì đó là đối tác khách hàng, em phải chăm sóc” he said. Còn nguyên liệu phân bón mình nhập về cảng không ai lấy, phạt hết mấy trăm đô tiền lưu cont lưu bãi. Nhà máy sản xuất thì không có nguyên liệu nên công nhân ngồi chờ, ngày xuất hàng bị dời lại. Nhà nhập khẩu nó giận nó hủy hợp đồng luôn. Bên DHL mắng vốn nói gọi miết không ai fax công văn qua để giao mẫu. Các anh chị khác thì nói ai kêu làm gì bạn D cũng cáu, D nói đừng giao nhiều việc, tôi không phải 3 đầu 6 tay, việc gì cũng phải từ từ, giao việc chỉ giao một thôi, không được giao nhiều. Hãy để tôi dịch tài liệu để con ông Thế. Con bé đó năm nay lớp 9 rồi, xong lớp 12 là phải đi Mỹ du hạc. Chỉ có 3 năm nữa thui nên việc này rất gấp, không thể chậm trễ.

Nghe nó trình bày xong, nước mắt Tony bỗng dưng lại lăn dài. Gương mặt thanh tú thảng thốt, môi miệng mím chặt, không nói nên lời.

Và Tony kiệt sức…

Ngày 9/1/2014

1 ý tưởng kinh doanh téo bẹo

Sau vụ bị phủi tay, các bạn đang lo lắng không biết gửi tiền vào đâu thì Tony bèn chớp thời cơ, mở ngay ngân hàng Tony Bank. Sáng nào ông chủ tịch Tony cũng ngồi thù lù một đống trước cửa, ai gửi tiền xong sẽ nói “tiền vào rồi, tôi chứng nhận đấy, đi về đi” thì mới cắp nón bảo hiểm ra về. Còn không phải chui vào quầy, đòi nhân viên giao dịch mở mạng lên cho coi là đã “vào hệ thống”. Và Tony Bank không chịu trách nhiệm về mọi giao dịch của nhân viên dưới quyền, từ giám đốc chi nhánh đến nhân viên bảo vệ. Phải “chọn mặt gửi vàng” chứ, thấy mặt nó gian thế mà cũng gửi thì ráng chịu. Phải bắt nó thề, nó ngoéo tay…mới đưa tiền nhé. Và ký chữ ký dài ngoằng vào nhé, để khó mà bắt chước.

Rút tiền ra khỏi bank cũng phải dòm trước ngó sau, kẻo nhân viên bảo vệ nó giật mất, thì “chúng tôi cũng không chịu trách nhiệm”. Đó là tranh chấp giữa hai cá nhân. Có giỏi thì chạy theo mà giật lại.

Sáng nào, Tony Bank cũng nhắn tin đến từng khách hàng “Số tiền quý khách gửi vẫn còn y nguyên, hiện chưa có cán bộ hay nhân viên nào giả chữ ký để rút. Số dư vẫn là… đồng”.

Anh khổ vì Như, anh khóc vì Như!

Ngày 19/01/2014

Rèn luyện óc tưởng tượng để trở thành người hay ho

Hum bữa ngồi book chuyến bay cho khách hàng, Tony mới thấy mình gà mờ gì đâu. Các bạn qua chơi Tết yêu cầu tao muốn tham quan các di sản thế giới như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, xong bay đi coi đền Angkor Wat. Mình nói làm gì có đường bay trực tiếp, phải bay vô SÀI GÒN hay Hà Nội. Xong check lại thì thấy nói hớ. Năm nay bạn nào rảnh thì đi Angkor Wat rùi bay đi Đà Nẵng tắm biển hay ra Vinh chơi rồi bay qua Viêng Chăn ăn cá sông Mekong nướng, đường bay mới, offer giá rẻ xình, đi chơi cho nó cởi mở đầu óc.

Các bạn Mỹ của Tony hay hỏi, ở Đông Nam Á, nếu phải chọn một nơi để đi tham quan, thì nên đi đâu. Tony trả lời, it should be Bali. Còn nếu 2, thì có thêm Angkor Wat. Còn nếu 3, thì nên ghé thêm Hạ Long. Nếu Bali thì xa, phải rủng rỉnh trong túi cả ngàn USD mới đi thoải mái, thì Angkor Wat, chúng ta nên đi liền trong dịp Tết này đi. Đường bộ, đường không, đường sông…đều có chuyến, bọc theo vài ba triệu đồng là ok rùi.

Mà nói mới nhớ, so với sự đồ sộ của Angkor Wat, thì ở kinh đô Huế của mình cũng như khắp đất nước này, không có công trình kiến trúc truyền thống nào có tầm vóc và quy mô tương xứng. Có lẽ do trí tưởng tượng chúng ta kém, mà có lần một giáo sư nước ngoài có đề cập là trí tưởng tượng của người Việt thuộc loại kém nhất thế giới. Do chiến tranh, hàng ngàn năm cứ giặc giã liên miên, đang ngồi tượng tượng cảnh thần tiên thì giặc đến, chạy muốn chết nên tưởng tượng bị đứt quãng. Nên chúng ta không có những tác phẩm với tình tiết ly kỳ phức tạp hay ý tưởng kỳ lạ độc đáo, đưa người đọc vào thế giới nửa thực nửa hư của nhiều nền văn học khác, như thần thoại Hy Lạp, 1001 đêm, Alice trong xứ thần tiên, Tây du ký, và gần đây là Doremon hay Harry Porter… (trừ chuyện cô Quỳnh ở Davao).

Tác phẩm vĩ đại như Truyện Kiều cũng chỉ là sự phóng tác, phổ thơ trên cơ sở tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc. Có lẽ khả năng tưởng tượng của chúng ta ít ỏi và nếu có, thì bị triệt tiêu. Những đứa trẻ toàn bị quát “suy nghĩ vớ vẩn”, “ăn nói lung tung linh tinh”… hay nhận xét của cô giáo “không nắm được ý của tác giả và trong cuốn sách hướng dẫn giáo viên của cô” thì khóc như mưa, bèn trở về theo ý của tổ biên soạn sách giáo khoa cho nó chắc. Trong khi theo một nghiên cứu khoa học, mọi đứa trẻ đều có sự tưởng tượng cơ bản giống nhau, không phân biệt màu da, quốc tịch. Vấn đề là khi lớn lên, tiếp thu nền giáo dục, một bên được kích hoạt và phát huy, một bên kìm kẹp và triệt tiêu. Và dẫn đến kết quả. Một bên bay lên vũ trụ. Một bên xúm xít ngồi quanh cái ao làng cãi nhau, năm nay xã ta nên nuôi con gì, trồng cây gì.

Hoàn cảnh lịch sử cũng đã giam hãm ông bà ta quá lâu trong cách học “từ chương trích cú”, nên tư duy bị gò bó trong lũy tre làng, trong năm cửa ô, trong khu trung tâm quận 1, trong “xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà…”. Cứ áp đặt hình ảnh con Tấm dịu hiền, hoa sen là phải đẹp, phở là phải ngon. Cứ hãy phân tích nét đẹp của x của y, sự trong sáng của g của h, sự dũng cảm của m của n…, lẽ ra phải là “bạn ý kiến gì về nhân vật X trong tác phẩm Y”, hay “theo bạn, hoa nào là đẹp, món ăn nào là ngon, vì sao”. Lúc đó, sự tưởng tượng của học sinh sẽ được đưa lên đỉnh cao. Có tưởng tượng mới biết quả đất hình cầu, mới có dòng điện chạy thắp sáng, mới có chiếc ống chứa mấy trăm người phóng cái vèo lên không trung mà ta gọi là máy bay, mới có cái smartphone quẹt quẹt. Thử nhìn từ trên xuống dưới trên cơ thể mình, toàn là kết quả của sự tưởng tượng của người phương tây. Từ mái tóc, cái quần âu, áo sơ mi, đầm váy, quần lót, cái đồng hồ, điện thoại, bút máy. Bước ra đường là xe đạp, xe máy, xe hơi, xe buýt, nhà cao tầng…tất cả đều hẻm phải do người Á Châu nghĩ ra. Ngay cả cái mạng xã hội này, cũng phải chờ tụi Tây nó nghĩ ra rồi xài. Nên có thể nói, cả một châu lục đang ngồi hóng sang bên kia coi tụi nó có phát kiến ra được cái gì mới nữa hem mà lật đật bắt chước.

Einstein từng nói “trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.” Nên đừng nghĩ mình hạc giỏi mà tự cao tự đại. Trường chuyên lớp chọn, đại hạc tốp trên… cũng chỉ là việc mình đã nắm được kiến thức của người khác hơn một số các bạn khác trong một thời điểm nào đó. Nhưng chỉ đủ để chúng ta làm theo, đi theo như bầy vịt. Nên nếu dương dương tự đắc cho rằng hạc giỏi đồng nghĩa với giỏi giang, mà ngây ngô, không làm cái gì ra hồn cho đời, cả tuần không nói được một câu gì cho hay ho sáng tạo.. thì đáng bị coi thường hơn là khen ngợi. Trong bài thơ “Có những lúc”, Lưu Quang Vũ viết: “Tôi chán cả bạn bè, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới”.

Trong công việc, óc tưởng tượng sẽ giúp mình giải quyết công việc nhanh chóng hơn nhóm người không có khả năng tưởng tượng. Chẳng hạn như làm công việc chăm sóc khách hàng, công tác chuẩn bị sẽ phải có. Việc tưởng tượng đi tới gặp khách thế nào, khách nói câu gì, mình phản ứng lại ra sao… giúp mình tự tin đối phó với mọi tình huống. Ví dụ lúc gặp khách, nó vui thì mình làm sao, nó buồn thì mình phải nói sao, nó đuổi mình về thì cũng phải nói lại được một câu chớ. Hẻm lẽ “anh chỉ biết câm nín khi nghe em khóc”. Hay khi tổ chức thực hiện một chương trình, một dự án, mình tưởng tượng ra hết những bước cần phải đi, trở ngại gì, cách khắc phục… thì việc thực hiện sẽ hoàn thành đúng tiến độ, trơn tru, ít vướng mắc. Sự tưởng tượng sẽ kết hợp với việc nhớ các sự kiện một cách logic đã có trong quá khứ. Khi gặp phải sự tương tự, mình có thể áp dụng. Vì kinh nghiệm không bao giờ được sử dụng chính xác 100% cho công việc tiếp theo, mà sẽ phát sinh nhiều yếu tố mới.

Óc tưởng tượng còn giúp mình hạc ngoại ngữ nhanh chóng, khi luôn nghĩ ra cảnh phải giao dịch, tiếp xúc… để có thể tự ngồi thực tập. Muốn thoát ra cái ao làng phải có ngoại ngữ chứ. Óc tưởng tượng còn giúp mình có một đời sống tinh thần phong phú. Đọc sách là một cách tưởng tượng tốt. Tốt hơn nhiều so với văn hóa nghe nhìn. Trận Xích Bích nếu mình đọc trong Tam Quốc diễn nghĩa, sẽ thấy vĩ đại hơn nhiều so với khả năng tưởng tượng và túi tiền của đạo diễn phim.

Có nhiều bạn đọc Tony Buổi Sáng và cứ tưởng tượng Tony là một ông già khoảng 50 tuổi, béo ngậy, hồn nhiên…đến khi gặp anh Tổng ngoài đời, trẻ măng như cậu sinh viên đại hạc, dong dỏng cao (1m80, 70kg), gương mặt ưa nhìn, đôi mắt biết cười và tác phong lanh lẹ như một cầu thủ Brazil, thì mới vỡ òa cảm xúc. Càng yêu càng quý, càng thích càng say mê… vì hơn cả sự tưởng tượng.

Nhưng tưởng tượng cũng phải gắn với thực tiễn nghen. Tưởng tượng xong, phải quay về với thực tế ngay, để áp dụng. Chỉ ngồi tưởng tượng và không biết mình là ai, ở miền Nam thì vào Biên Hòa, ở miền Bắc thì vào Trâu Quỳ mà hái hoa, mà bắt bướm.

Ngày 4/2/2014

Chuyện ở Quế Lâm

Cách đây mấy năm, Tony ra Hà Nội ăn Tết. Xong cái hẻm có vé máy bay bay vào, kẹt cứng đến mùng 10. Mà phải có mẹt ở hãng vào sáng mùng 9 để họp, bèn ngồi suy nghĩ, thôi đi qua Nam Ninh bay về. Cái gọi cho bạn bè bên Trung Quốc, nói tụi mày rảnh sang Nam Ninh chơi, gặp gỡ đầu năm cái. Cái tụi nó nhắn tin lại OK. Nói rồi, Tony quày quả xách giỏ ra Nguyễn Trường Tộ bắt xe qua bên kia biên giới. Ngồi xe đò lên Hữu Nghị Quan, bọn nhà xe và hành khách nói ủa sao có cái anh này dân miền trong mà nói tiếng Trung giỏi quá, thấy nghe điện thoại nói như gió, vì vốn Hán ngữ của mình khá là lỉu li (lỉu li là lưu loát). Mọi người say mê, bu lại hỏi thăm trò chuyện. Cái mình nói say mê cái gì, chút nữa tui bán hết mấy người qua biên giới bây giờ. Nữ thì làm vợ cho cả nhà người ta, còn nam thì làm phu lò gạch, ba năm không thấy ánh mặt trời. Mọi người nghe thế sợ hãi, năn nỉ, nói thôi đừng bán anh, thôi đừng bán chụy. Tony nói ừ, tôi là người nhân hậu, yên tâm, đi biên giới phải cẩn thận chứ, trai đẹp rủ đi biên giới là kiên quyết không đi nhé, 10 thằng thì 9 thằng là dân buôn người. Có cả cô phóng viên hay phát thanh viên đài truyền hình tỉnh nào đó cũng từng bị dụ bán qua bển khóc quá trời kìa…

Xe dừng tại thành phố Lạng Sơn. Tony thuê xe ôm chở tới biên giới Tân Thanh. Cái làm thủ tục qua cửa khẩu Hữu Nghị quan xong, bắt xe đi Nam Ninh. Đường cao tốc từ Bằng Tường đi Nam Ninh khá tốt so với Việt Nam, nhưng so với các tỉnh khác ở Trung Quốc thì lua hâu lắm (lua hâu là lạc hậu). Gặp bạn bè nhậu nhẹt hàn huyên xong, mùng 8 ra sân bay Nam Ninh, book vé về Sài Gòn, bay lúc 2 giờ sáng nhưng cũng hẻm còn chỗ. Toàn dân Sài Gòn, hóa ra, họ cũng từ Hà Nội sang và bay về. Cái ngồi buồn, hẻm phải lúc nào mình nghĩ ra là đầu tiên hết, toàn có người làm rồi. Đằng nào cũng hẻm kịp về họp, thôi bèn đi Coay Lỉn (Quế Lâm) chơi cho rồi. Cái ra ngoắc xe đò, đáp đi Quế Lâm. Quế Lâm có nghĩa là Rừng quế, lần đầu tiên Tony đến đây. Lúc còn đi hạc, đọc qua sách báo mà biết, đối với dân Trung Quốc, Quế Lâm là nơi tuyệt vời nhất dưới mặt đất, hơn cả Tô Hàng. Quế Lâm là một trong 4 thành phố được chính phủ Trung Quốc bảo vệ đặc biệt các di sản (3 thành phố còn lại là thủ đô Bắc Kinh, Hàng Châu và Tô Châu). Dòng sông Li Giang uốn quanh thành phố, núi non lô nhô như tranh thủy mạc. Tony lấy tour đi dọc sông Li Giang xuôi về phía Dương Sóc. Chu cha nó đẹp. Cứ như Hạ Long trên sông, nhưng nhiều núi hơn, nhiều hình thù hơn. Y chang trong tranh treo trên tường ở các phòng khách ở các khách sạn lớn ở TQ. Cứ tưởng tượng núi này là con chó, con mèo, con voi con khỉ…gì đó, tiếc là bọn tào dẩu (tour guide) nó cầm cái loa nói ra rả nghe bắt mệt.

Đến Dương Sóc, một thú vui không nên bỏ qua là xem người dân ở đây câu cá bằng chim cốc. Con chim cốc này được đeo một cái vòng trên cổ, và cột dây vào chân. Chim sẽ được ông chủ thả xuống nước, và lục lạo khắp nơi để mò cá. Khi có cá, vì vướng cái vòng cổ nên chim không nuốt được, lúc này ông chủ sẽ kéo chim lại thuyền, gỡ cá ra. Cứ tới con cá thứ 6 thì chim cốc sẽ được tháo cái vòng, con thứ 7 nó mò được thì cứ ăn thoải mái, vì họ tính nếu tiếp tục lấy thì nó sẽ chán, không mò nữa.

Ở Dương Sóc có một ngôi chùa rất cổ kính, ngay dưới chân núi mặt trăng. Ngọn núi này rất đặc biệt, trên đỉnh của nó có cái vòm do đá vôi bị xâm thực, hình mặt trăng, nom rất đẹp. Có một dòng suối chảy từ trên núi xuống, xuyên qua các tảng đá rất to. Chùa nằm vắt vẻo bên lưng chừng núi, con suối chia chùa ra làm hai phần, có cầu đá bắc qua. Cảnh chùa khiến ai đứng xem đều cảm thấy phiêu lạc, vì nó đẹp, huyền bí, mê hoặc. Hẻm hiểu sao, bước chân Tony cứ từ từ tiến vào sân chùa, cứ như có một hấp lực nào đó. Trong sân chùa có cái cây gì cả ngàn năm, đọc từ Hán đó hẻm hiểu, thấy có rào chắn lại kỹ lưỡng lắm. Khách thập phương đông đúc vô cùng, nhưng khi vào chùa, không có cảm giác nhốn nháo như vào chùa đình miếu nối tiếng ở Việt Nam. Có lần Tony đi chùa Bà Bình Dương rằm tháng giêng, lúc ấy có hội. Tony đi một lần và sợ hãi kinh khủng, nam thanh nữ tú người già con nít chen lấn kèn cựa, một người cầm một bó nhang nghi ngút khói, Tony cao cứ sợ mấy bà thấp thấp người cầm nhang chọt vô thủng mất cái áo hiệu cả 3 trăm ngàn đồng. Lư cắm nhang có tới mấy chục cái, mọi người thi nhau cắm. Nhưng vừa cắm vô lư là có một ông đứng cạnh đó quơ lấy, trụng xuống nước, rồi vứt ra hàng đống trong sọt rác, rất uổng. Khói thì đặc quánh, hít về bệnh luôn, còn mùi khói vào quần áo và tóc thì thôi thôi không nói nổi. Trước sân chùa và trong điện chùa bà Bình Dương hay các chùa nổi tiếng khác, quang cảnh nhốn nháo, tranh giành lộc, mua bán chim, rùa, mấy cái cây gì vàng vàng đỏ đỏ. Tiếng người la hét do bị nhang của người khác chích vào tay, vào mặt, loa thì ra rả nói chú ý coi chừng móc túi. Ăn xin thì ngồi la liệt, nhiều người là thanh niên khỏe mạnh chả bệnh tật gì. Còn đi chùa ngoài bắc thì mấy pho tượng chỉ còn thấy mỗi cái mặt, còn chỗ nào cũng bị tiền 200 đồng, 500 đồng dán chi chít, nhét đầy vào tay vào chân của tượng. Nhìn thiệt là buồn. Loáng thoáng nghe mấy cô nói nhau, mày nhét tiền vào đi, xin mới được chứng giám, mà toàn xin cho con tiền, cho con lấy chồng giàu, xin cho con áp phe vụ này thành công để mua biệt thự, đổi con Mẹc con Cam Rì… Tony có hạc qua triết hạc Phật giáo, hẻm thấy đoạn nào nói về việc lên chùa xin tiền, xin danh lợi thì Phật sẽ cho cả. Sơ yếu lý lịch, nhiều người khai tôn giáo là Phật giáo, nhưng chỉ đi chùa mỗi khi cần xin xỏ một cái gì đó. Cũng giống như nhiều bạn bè, lặn đâu mất tăm cả chục năm, lâu lâu thấy gọi điện thì y rằng, sau câu mày khỏe không là có tiền hem cho tao vay mượn một ít, hoặc mời đi đám cưới, hoặc xin việc làm cho con cháu… Góp ý thì giả lả cười, nói cần thì mới liên hệ chứ hằng ngày bận lắm.

Trở lại vụ ngôi chùa ở Dương Sóc. Tony thấy bên trong chùa chỉ có một khoanh nhang vòng duy nhất, thắp trên cao, khói tỏa ra dìu dịu. Tuyệt đối không thấy lư hương ở đâu. Thùng công đức để ở cái cốc đằng sau. Ai có lòng thì đến bỏ tiền vô. Người đi vào chùa được nhà chùa sắp xếp như quầy làm thủ tục trong sân bay, có cái dây đi hình zích zắc ở ngoài sân. Thế là mọi người tự động xếp hàng và đi vào đó, chỉ có một chú tiểu đứng canh ở cửa, mỗi lúc chỉ cho vài người vào, họ đi ra lối khác thì mới cho người tiếp tục vào. Ở ngoài sân, cách khoảng mấy trăm mét có cái lư rất to, ai muốn đốt nhang thì cứ việc. Không gian thoáng đãng nên khói tỏa bay đi hết. Tiếng chuông lâu lâu vang lên, khói trầm bay lên quyện vào những gốc cây cổ thụ, lãng đãng trên những bậc thang lên núi cho các thầy tu luyện Kungfu, thấp thoáng các bóng áo nâu sòng trong rừng trúc… khung cảnh như trong phim chưởng.

Tony đi ra phía cái cốc bên hông, thấy có một chú tiểu đang đứng tỉa cây, Tony mới đến hỏi thăm. Cái chú tiểu ngạc nhiên, nói ủa từ Due Nản qua hả, thấy nói tiếng Trung lỉu li nên ngưỡng mộ, giới thiệu đi gặp ông sư trụ trì. Ông sư trụ trì nghe chú tiểu vô báo là có người ngoại quốc đến viếng chùa, mà đẹp trai hào hoa phong nhã lắm, bèn vui vẻ tiếp đón. Tony bước vào phòng của ông. Căn phòng hơi tối, chỉ có một bóng đèn màu hồng rọi vào một bức tượng đá trong góc phòng. Sư trụ trì ngồi trên ghế, râu trắng tóc trắng, gương mặt đẹp một cách bí hiểm. Tony chào nỉn hạo, tươi cười. Ông mời ngồi, miệng nói nhưng tay chân đều không cử động. Ổng hỏi Tony ở đâu ở Việt Nam, Sài Gòn hay Hà Nội. Tony nói từ Sài Gòn qua, và nhìn bao quát một lượt quanh căn phòng theo thói quen óc quan sát hạc từ West Point. Những bức tranh và hình ảnh xưa về ngôi chùa treo trên tường đã hoen ố màu thời gian. Ổng mỉm cười và mời uống trà, thứ trà Oolong trồng ở Quế Lâm có vị đậm và ngọt hậu, tinh khiết cả hương đất trời.

Tony trò chuyện với ông về ngôi chùa, về đất Dương Sóc Quế Lâm, về nhân tình thế thái. hai thầy trò chuyện trò càng lúc càng trở nên tâm đắc, ông khen Tony còn nhỏ mà có kiến thức tốt quá.

Đang chuyện trò thì đột nhiên, Tony cảm thấy rùng mình nhẹ (mốt bây giờ cái gì cũng nhẹ, kể cả khùng). Một luồng gió lạnh sau gáy. Đoán là cánh cửa vừa được mở, nhưng người mở rất nhẹ, hầu như không có tiếng động. Lờ mờ trong tấm kính phản chiếu một bóng trắng lướt vào phòng. Tony quay lại thì thấy cánh cửa đã đóng và trong phòng chả có ai ngoài sư thầy và Tony cả. Chiếc nhẫn đá Sapphire màu đen trong tay Tony tự nhiên phát sáng lấp lánh. Chiếc nhẫn đá này là Tony mua từ Myanmar (tiếng Hoa gọi là Mèn Ten, tức Miến Điện) trong một chuyến đi công tác. Đá saphire đen tuyền rất hiếm, độ cứng khoảng 9.5 -9.8 so với 10 độ của kim cương, trời đất cả triệu năm mới có một viên sapphire đen tuyền. Hôm đi vào bảo tàng đá quý quốc gia Mèn Ten, nhìn thấy nó tự nhiên mình có cảm tình, mới đi hỏi. Cô bán nói cả mấy năm nay viên này bán miết mà không ai mua, cứ trả giá xong rồi thì không mua hay thậm chí mua rồi lại trả lại. Tony biết là hữu duyên với mình, bèn mua mang về Sài Gòn nạm bạc, đeo như là bùa hộ mệnh. Lúc cánh cửa mở, bỗng dưng thấy viên đá đen trên chiếc nhẫn nóng dần và phát sáng lấp lánh. Sư thầy ngạc nhiên, nhìn chằm chằm vào tay của Tony. Ông cất giọng “ta muốn hỏi, thật sự con là ai?”. Tony chưa biết trả lời thế nào thì ông hỏi, “con là người Việt Nam sao lại có Mèn Ten Bảo trên người thế kia”…

Bình luận