Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cà Phê Cùng Tony

Chương 28 – Bệnh Cocky

Tác giả: Tony Buổi Sáng

Hôm đám cưới bạn P, Tony có tham dự. Gặp bạn N trong bàn tiệc. Bạn N chạy tới chào hỏi Tony khỏe không, N nè, nhớ hem. Mình chả nhận ra là ai nhưng phép lịch sự cũng trả lời phẻ. Nhưng thú thật, trao qua đổi lại một hồi, câu chuyện bạn nói mình theo không được vì không có trong ký ức. Cái bạn nói, tụi mình đều biết bạn, nhưng bạn thì không. Hồi đó ở trường Nguyễn Trãi, bạn lớp A1, hất mặt lên trời, đâu có chơi với tụi A4, A5 này.

Cái mình mắc cỡ quá, nói hồi nhỏ ngáo ngơ, chảnh chọe, chứ giờ hết rồi, khiêm tốn và cầu thị lắm. Lật đật hỏi thăm bạn ơi giờ vô Sài Gòn làm gì ở đâu, xin số di động rồi email, add facebook, tỏ ra hết sức dễ thương.

Nói mới nhớ. Hồi nhỏ hạc ở trường làng gần nhà. Cái đâu lớp 3, trường chuyên ở ngoài thị trấn vô xã, coi trong làng có đứa nào mặt mũi sáng sủa bốc ra thị trấn. Đầu lớp 4 là ra phố hạc rồi. Hạc sáng hạc chiều nên cũng hẻm chơi với bạn trong làng, rồi tụi nó cũng rơi rụng hết, đâu tới lớp 9 thì không còn đứa nào tiếp tục. Nên chỉ có mỗi mình mình hạc tới cấp 3 trong cái làng to đùng ấy. Rồi vào cấp 3, lớp A1 hết ½ là từ trường chuyên chuyển lên. Nên chơi với dân trường chuyên quen rồi, chơi với trường thường lớp thường hẻm biết chơi sao…

Hồi đó mỗi lần thi hạc kỳ, cả trường sẽ thi chung. Đánh số báo danh theo vần. Nên A1 đến A5 nếu bạn nào có tên vần M, N sẽ ở chung một phòng thi. Tony lúc nào cũng đến đứng ở cửa vào phút 89, chờ mọi người đã ngồi hết rồi thì mới bước vào. Không nói không rằng, không nhìn không ngó bất cứ ai. Phát đề xong là ngồi làm bài lặng lẽ. Khi giám thị ghi lên bảng còn 15 phút nữa nộp bài là lúc Tony lên nộp. Làm chưa hết cũng nộp, vì muốn ra sớm hơn mọi người, để hất mặt lên trời cho dễ. Làm toán bỏ câu cuối, còn viết văn là lật đật kết luận. Vì không muốn chen chúc đứng xếp hàng nộp chung với mọi người. Nên điểm thi thấp tè, không bao giờ đạt điểm tối đa.

Lên đại hạc, bệnh chảnh còn hoành hành dữ hơn. Ở tỉnh lên thành phố, đen thui cao nhòng ốm nhách, nói giọng địa phương hẻm ai hiểu, đi xe đạp, đạp một cái ống quần lên tuốt tên đầu gối, lòi ống quyển đầy lông, mà cũng “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa”, thiệt là không ra làm sao. Nhưng vì để được chảnh, phải hạc giỏi. Hạc nghiêm túc, không quay bài hay xin xỏ. Nhưng lúc nào cũng nghi ngờ thầy cô hiểu sai vấn đề rồi truyền bá lại cho mình trật, chưa tin thầy cô bao giờ, vì có phải của họ phát minh ra đâu. Nên phải coi lại sách. Buổi chiều là lên thư viện hạc đến 8h tối, đọc hầu hết các đầu sách có trong thư viện liên quan đến chuyên ngành. Nhưng cũng nghi ngờ người dịch dịch sai, nên mong ước sau này phải qua tận nước bản xứ, để từ miệng cái ông nghĩ ra vấn đề đó nói với mình, thì mới tin là đúng.

Ra trường, Tony làm việc quần quật, bất kể ngày đêm. Mua hàng Trung Quốc bán qua Nga, mua hàng của Pháp bán qua cho Mỹ…, thanh toán LC at sight hết, lấy tiền đô la cho nó phẻ, khỏi phải xin xỏ khúm núm biết điều với mấy con Na thằng Mít mệt bỏ mẹ. Ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thể thao, giữ gìn chút dung nhan mùa hạ, đặng bắt tay với quốc tế cũng phải ngang hàng. Cũng mấy lần định kết nạp vô mấy hiệp hội doanh nhân doanh nhéo gì đó, mà hẻm thấy ai ở Việt Nam đúng tiêu chuẩn là doanh nhân cả, người đẹp thì ít tiền, ít chữ; người thông tuệ thì lại xấu, nhìn nhức đầu; người giàu thì lại kém sang. Nên bơ vơ, ngồi chơi một mình. Nhu cầu chảnh làm cho người ta phải giỏi, giàu, đẹp một cách tử tế. Nhưng khổ lại hẻm có bạn chơi vì chênh lệch đẳng cấp.

Cái sau này qua Mỹ hạc, mấy trường thường như Yale hay MIT hay Standford không thèm đăng ký, sợ thầy cô ở đó hẻm đủ trình độ. Bèn phải Ha Vợt cho được. Qua Mỹ, bệnh chảnh lại bùng phát mạnh mẽ hơn. Từ chảnh trong tiếng Mỹ là cocky, thế là bệnh chảnh ở quê trở thành bệnh quốc tế. Tony ngồi trong giảng đường mà mặt mũi vênh váo thấy ớn. Lúc nhập hạc, nó phát cho mỗi người một cái bảng tên, cầm bỏ trong cặp, vô giảng đường ngồi đâu thì gắn ở trước mặt để gọi tên cho dễ. Thường thì khi tranh luận, ông thầy hay đi qua đi lại và mời bất cứ ai phát biểu, ví dụ mời anh John, anh John nghĩ gì về vấn đề này. Hay mời anh Tony phản biện ý kiến của anh John. Nên phải tập trung chứ không ổng mời một phát á, nói I am sorry thì nhụt như con cá nụt. Rồi các buổi tối, trong trường thường có party, mình cũng cầm ly rượu vang và miếng bánh, đứng ăn trong một góc, mặt mũi lạnh lùng, cứ nhìn lên trần nhà hoặc ánh mắt cứ xa xăm… Mấy đứa da vàng chắc Tàu hay Nhật hay Hàn gì đó thấy Tony là người châu Á bèn đến bắt chuyện. Hỏi where are you from, mình nói Vietnam. Cái nó định nói chuyện câu gì nữa nhưng mình nhún vai, nói mày nói chuyện tao không thấy thú vị, I am sorry. Cái tụi nó hỏi ủa sao vậy, mình nói tao ít chơi với dân châu Á lắm, không thích chơi với chủng “Mông Gô Lô Ít”, mày thông cảm. Tụi nó khóc quá trời, nói với nhau nghe nói đến từ Việt Nam, định khinh nó, mà chưa kịp đã bị nó khinh trước rồi. Bọn châu Á giàu có như Nhật, Hàn, Đài, Sing… ôm nhau khóc như mưa, vì bị Tony look down. Chỉ vì cái tội thuộc chủng da vàng mũi tẹt.

Mấy đứa Tây bên kia nghe vậy bèn bu tới, nói vậy tao là Tây nè, tụi tao thuộc chủng “Ăng Lô Xác Xong” nè, chơi đi. Cái mình cũng trề môi, nhún vai, nói tao sẽ cố gắng, give it a try. Tụi nó có hỏi thì trả lời yes no qua loa chứ hẻm thèm hỏi lại. Còn đi hội nghị quốc tế ở Pháp, có đứa tới bắt tay đưa name card, mình từ chối bắt tay, chỉ hỏi là mày có công trình khoa hạc quốc tế nào vừa công bố hem, nếu có thì nói chuyện tiếp. Cái tụi nó nhụt liền, lảng đi. Mấy giáo sư tiến sĩ viện sĩ hàn lâm khác lao đến rầm rập, nói tui có nè, tui có nè, cho tao chơi với.

Cái mình nói, ok let’s show me, đưa tao coi. Sau khi xác nhận xong là bằng cấp thật, công trình thật không phải đạo văn hay mua bằng, Tony lập tức bấm nút Chơi (Play). Trong lúc đang play, thấy tụi nó phơ quá phơ (phê quá phê), Tony bèn hỏi

Tony: Sao tao khùng thấy bà cố luôn mà tụi mày say mê vại?

Đồng thanh: Vì mày mắc bệnh cocky mà lại easy to love (dễ thương) và easy to look (dễ coi). Trên đời này chỉ có một. It’s you, Tony.

Tony: Ồ Dé…

31/3/2014

Gà què liệu có gáy vang?

Tony thích dùng hàng hóa có nguồn gốc từ nông sản Việt, như uống nước trái cây của Le Fruit, nhà máy này dưới Cần. Và mới ăn thử Sô-cô-la Việt nam nhãn hiệu MAROU, do hai bạn Tây ba lô sản xuất.

hai cậu Tây này, một lần đi du lịch ba lô sang nước ta và phát hiện ra Việt Nam trồng được cây cacao. Khác với cà phê có thể phơi khô, tự rang, tự xay để uống một cách dễ dàng, thì từ hạt cacao để làm thành sô-cô-la là quá trình hết sức phức tạp, phải ủ lên men mất mấy tháng, nên người trồng chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc bán nguyên liệu thô với giá rẻ mạt. Cây cacao thật sự là mỏ vàng ở Việt nam, vì thổ nhưỡng hay khí hậu các nước trồng được loại cây này chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu sử dụng khắp thế giới. Thế rồi hai cậu Tây quyết định ở lại Việt Nam, lập nghiệp. Mày mò chế biến sô-cô-la thủ công như ở châu Âu thế kỷ trước. Và đặt tên theo vùng trồng, như Bến Tre hay Lâm Đồng… với hàm lượng cacao tinh chất gấp mấy lần loại sô-cô-la cao cấp nhất trên thị trường. Nghe đồn giờ thành công lắm, xuất khẩu đi nhiều nước. Tụi Tây ăn xong nghiện quá. Thậm chí người bán hàng trong các cửa hàng Chocolate đắt tiền ở khu Grand Palace ở Brussel, kinh đô Sô-cô-la thế giới, cũng không ăn sản phẩm Sô Cô La chế biến quy mô công nghiệp rồi nữa, đổ xô sang Việt Nam tham quan xưởng sản xuất và mua sản phẩm của hai cậu này.

Và các bạn trẻ, nếu thất nghiệp hay đang rảnh rỗi, nghiên cứu trồng trọt hay sản xuất cái này xem sao. Thị trường còn mênh mông lắm, mấy nước xứ lạnh như Hàn, Nhật, châu Âu, Mỹ… trồng đâu có được, mà họ ăn uống sô-cô-la kinh lắm. Riêng bán được cho Trung Quốc thôi thì nông dân Việt Nam mình trồng trối chết cũng không kịp nhu cầu nữa.

Bạn trẻ, hãy lao vào làm đi, đừng ngồi than thở nữa. Thiên nhiên ưu ái quá, chỉ mình ít động não hay động tay chân thôi. Hạc hành ngành gì không quan trọng, ngành đào tạo gì kệ mẹ nó, xin việc đúng ngành không được thì cứ đi làm theo đam mê của mình, chờ đợi thì đến bao giờ. Nghề chọn người. Thất nghiệp là do mình, chứ hận chi cha mẹ, hận chi thầy cô, hận chi cái trường. Mình chăm chỉ hạc hành, ngoại ngữ tốt, văn hóa sâu, mọi kỹ năng mềm đều thành thạo, tính tình lại tinh tế vui vẻ lanh lợi…thì mắc mớ gì không có việc.

À, mà tại không đọc chuyện của Tony nên thất nghiệp. Thôi thì giờ lập tức sửa chữa. Dẹp bỏ mọi tư tưởng bó hẹp trong đô thị lớn, hãy mạnh dạn bung ra các tỉnh xa xôi mà làm giàu. Có hai người bạn của Tony ở Hà nội, một tốt nghiệp ngoại thương, một tốt nghiệp kinh tế quốc dân, từng nói là “bọn tôi chỉ ở Hà Nội, hoặc cùng lắm là vào Sài Gòn ở Phú Mỹ Hưng, chứ các vùng khác không sống được”. Sau đó năm 2007 sạt nghiệp vì chứng khoán, chạy ăn từng bữa. Nghe lời Tony, vượt qua tự kiêu hãnh gì đó không rõ của người thủ đô, một bạn về Cà Mau, xin vào phòng xuất khẩu một công ty thủy sản, một bạn về Lâm Hà (Bảo Lộc), xin vào làm kế toán cho một nông trường trồng bơ và cà phê. Lúc ra đi, bạn bè họp ở cà phê Hàng Mành bỉu môi khinh bỉ, nói hai đứa mày kiếm không ra việc phải đi tha hương cầu thực, nhục mặt chưa. Mới có 7 năm thôi, dù cực khổ vất vả chút, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên hai bạn ấy tích lũy mua đất nuôi tôm, trồng bơ,… thành những nông trường lớn, rồi sản xuất xuất khẩu, tiền cứ thế mà vào nhà, giàu không ai địch lại. Có tiền rồi, cứ rảnh là thay đồ đi Mỹ nghỉ dưỡng. Đãi sinh nhật ở Singapore chứ ở Sài Gòn không thèm, con cái đều hạc trường quốc tế, đời sống phong lưu và tử tế của người kiếm tiền bằng mồ hôi của mình. Tony nói kẹt tiền là mang lên cho Tony mượn một tỷ. Đem hết bà con ngoài ấy vào, giờ thành những danh gia vọng tộc.

Còn đám bạn cũ của tụi nó, kiên quyết đeo bám năm cửa ô đất Tràng An, ngõ nhỏ-phố nhỏ-tâm hồn nhỏ, cứ sáng sáng ngồi uống chè, đút hai cái tay vào đùi, hít hà cãi nhau chuyện cái trứng hay con gà có trước, chuyện gì cũng biết, cũng nói được… nhưng chỉ có làm thì lại không được. Tối tối tự sướng bên đĩa thịt chó và mấy lá mơ lông, nuốt rượu ừng ực trong tiếng chì chiết của vợ con.

Hà cớ gì cứ phải bám trụ ở Sài Gòn Hà Nội trong khi tìm miết không có việc làm? Ngày xưa tụi Tây còn giong buồm bằng vải thô sơ đi ra khơi xa, hải trình đầy bất trắc vì không biết sóng gió thế nào, mua bán giao thương với những con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền. Để dân tộc họ giàu có. Còn mình cứ ru rú không dám đi đâu, như đám “gà què ăn quẩn cối xay”, canh me coi có rớt hột thóc nào thì nhặt hột đó. Mà bây giờ, công nghệ xay xát đỉnh cao, dễ gì rớt nhiều như hồi xưa nữa. Đành rằng nó bị què, nó mới quanh quẩn kiếm ăn quanh cối thóc, mình lành lặn thể trạng và trí óc, mắc mớ gì suốt ngày quanh quẩn giành thóc với mấy con gà què tội nghiệp vậy?

Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Lào, Cambodia, Myanmar… hãy còn nhiều cơ hội!

Phải lao ra đồng xa mà bươi đất kiếm ăn. Mà cất tiếng gáy vang, cho đời nó nể…

4/4/2014

Nếu thời gian có quay trở lại,…

Tony có anh bạn thân người Thái Lan, tên Khổm. Nói là bạn chứ anh cũng già rồi, có ba đứa con cũng trạc tuổi Tony. Làm ăn kinh doanh với nhau rồi quen. Anh có nhà máy phân bón lá khá lớn ở ngoại ô Băng Cốc.

Hai đứa con lớn của anh lớn lên trong những năm cuối 80 đầu 90, kinh tế xã hội giống nước mình bây giờ. Và phần lớn hạc sinh cấp 3 thi vào quản trị kinh doanh kinh déo, tài chính tài chéo gì đó. Hai đứa đầu của anh cũng vậy, một đứa quản trị kinh doanh, một đứa hạc hệ thống thông tin. Anh nói tại tụi nó sức hạc không có và cũng không có đam mê, phần do gia đình có điều kiện nên nói chung là lười. Rồi như một kịch bản của một gia đình khá giả, xong 4 năm đại hạc ở Thái, một đứa làm thạc sĩ ở UK và một đứa qua lấy bằng master ở Úc. Rồi về nước phụ cha phụ mẹ. May mà có cái business của gia đình, chứ không cũng xin việc hộc máu với cái đầu ngơ ngơ ngác ngác ấy. Hạc thạc sĩ ở hai quốc gia nói tiếng Anh, nhưng trình độ tiếng Anh thì lại chán òm. Hai đứa nó qua văn phòng hãng Phượng Tím của Tony, các bạn từ tiếp tân đến tài xế của Tony đưa đi chơi mua sắm, nói tiếng Anh như gió, khiến tụi nó nói sao tụi mày giỏi quá vậy. Có gì đâu, cứ chiều chiều các bạn trong hãng Phượng Tím lại ngồi xóa mù ngoại ngữ cho nhau. Đứa biết ba chữ chỉ cho đứa biết hai chữ. Rồi cùng nhau tiến bộ. Làm gì có chuyện không hạc được ngoại ngữ. Người Philippines hay Ấn Độ, vì tiếng Anh là bắt buộc trong giáo dục nên đứa nào đi hạc đều nói được, làm gì có chuyện tao không có khiếu không nói được. Chỉ là hoặc lười hoặc không có phương pháp mà thôi.

Hai đứa con đầu của anh ra trường là chìm lỉm. Cha mẹ từ nghèo khổ, dưới quê đi lên, xây dựng sự nghiệp ở Băng Cốc xong, con cái đẻ ra muốn cho nó được tốt đẹp. Nên cũng lo cho vô toàn trường chuyên lớp chọn ở thành phố lớn, bên đó gọi là trường tư, tốn tiền ghê lắm. Nhưng vì cũng chẳng có động lực gì phấn đấu, ăn uống có người lo, tài liệu hạc tập có người cung cấp… nên não bộ mất khả năng tự mày mò kiếm sống, tự tìm kiếm thông tin. Nên hơi đờ đờ đẫn đẫn. Vô công ty làm bị các đồng nghiệp coi thường, vì nói là nhờ cha nhờ mẹ mới được vô đây, chứ phát biểu nghe bắt ớn, vì ít có hàm lượng chất xám hay i-od trong các câu nói. Nói thẳng là ngu thấy mẹ. Mặc dù hai đứa nó cũng hòa đồng và lễ phép, nhưng nói chung làng nhàng, không có gì đáng nói.

Đến cậu út, anh Khổm thay đổi quyết định hướng nghiệp. Cho nó hạc kỹ thuật trước, sau này mới hạc quản trị. Để trở thành nhà kỹ trị, vì đứa út này biết vượt sướng và có cá tính. Anh cho nó hạc đại hạc nông lâm, ngành trồng trọt. Nó đầu tiên cũng không chịu, nói dơ dáy đất cát, thực nghiệm toàn trên đồng, không có ăn trắng mặc trơn như tụi bạn hạc mấy cái kinh tế hay nhân văn. Nhưng đâu sau một năm, nó tự nhiên đam mê. Anh nói giống như con người có nguồn gốc từ động vật mà, nên trở về với đất cát là thấy khoái. Vì các bạn trong lớp, nhà nghèo cũng có, nhà giàu cũng có… nhưng đi hạc khoa hạc kỹ thuật là vì đam mê cả. Nên hạc rất tốt, rất say mê. Tốt nghiệp xong, nó sang Fresno State University ở bang California làm thạc sĩ, theo hạc bổng của trường này. Anh nói, trường Fresno sang tuyển, nhận hết cả lớp nó, cho hạc bổng hết, trừ mấy đứa ngu tiếng Anh. Đứa thì toàn phần, đứa thì miễn hạc phí. Qua bên đó được 3 tháng là tụi nó bắt đầu để dành được tiền, vì đi phụ thầy cô làm các công trình khoa hạc, hay dở tiếng Anh hơn thì đi hái nho hái táo, nuôi giấm hay làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Thái tham quan công viên Yosemite ở cạnh trường. Trường Fresno này Tony cũng từng đến, và cũng có bạn hạc ở đây. Ôi nhìn cơ ngơi của nó mà mê, nằm giữa những cánh đồng nho bạt ngàn. Sinh viên ra trường, các tổ chức quốc tế như FAO (tổ chức lương nông thế giới), FDA (tổ chức quản lý an toàn thực phẩm), các tập đoàn đa quốc qua như Monsanto, Bayer, Dow Chemical, Syngenta, BASF… đến đặt cọc trước, giành giật sinh viên thấy bắt mệt. Vì cậu Út biết tiếng Thái nên FDA tuyển, đưa đi đào tạo thêm rồi về phụ trách FDA Thailand, chuyên kiểm nghiệm các lô hàng trái cây của Thái xuất khẩu sang Mỹ… Nhờ những chuyên viên giỏi giang như vậy, mà trái cây Thailand, đi vô được hầu hết mọi siêu thị trên thế giới. Riêng xuất khẩu cho Trung Quốc những hoa quả nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… cũng đem lại cho nông dân Thailand sự giàu có tột bậc, dù họ xuất sang Trung Quốc qua đường biển, không có đường biên giới lợi thế về giao thông đường bộ như nước mình.

Cả lớp của cậu ấy, hạc ngành kỹ thuật, bạn nào hạc tiếng Anh một cách nghiêm túc, thì đều thành đạt. Giữ lại làm giảng viên, đi nước ngoài hạc thêm, hay tự mua đất trồng trọt chăn nuôi… đứa nào cũng millionaire trở lên, đời sống phong lưu tử tế lắm.

Tự nhiên ngồi nghĩ, nếu bây giờ mà 18 tuổi, nộp đơn đại hạc, Tony sẽ chọn kỹ thuật như nông nghiệp, thủy sản, hóa công nghệ, sinh công nghệ, máy móc điện đóm… mà hạc. Rồi mần tiếng Anh thiệt giỏi để làm cái MBA sau. Kinh tế hạc không khó, nắm phương pháp và chăm đọc sách, chăm tự hạc là OK.

Trở thành một nhà kỹ trị vẫn có gì đó thú vị hơn… Tony nghĩ vậy.

Nếu bây giờ mà Tony 18 tuổi. Ối chà chà, với mồm mép như vầy, với gương mặt thanh tú như vầy… có khi lại hạc không được ấy chứ. Có khi đi đóng phim ca nhạc làm nên làn sóng T-Pop cũng nên (T là Tony, cạnh tranh với K-Pop của Korea).

18 tuổi, 18 tuổi…

5/4/2014

Lời thề Hippocrates

Hôm trước, một đệ tử đến tạm biệt anh Tony và tạm biệt Sài Gòn, về Đắc Nông để làm việc. Cậu ấy vừa tốt nghiệp đại học y khoa thành phố HCM, và về quê chứ không bám trụ Sài Gòn như các bạn trong lớp. Nó nói em thi vào đại học y khoa, thật ra là không đủ điểm nếu không được ưu tiên miền núi. Nên em phải về anh à, chính cái chữ “miền núi” đó đã giúp em có một cơ hội vào giảng đường. Rồi sau vài năm nữa, nếu muốn học tiếp thì có thể em lên lại Sài gòn, thì cũng không muộn anh há. Mình nói ừa, thanh niên còn trẻ, cứ trải nghiệm, ở trên đó, em còn có thể trực tiếp chẩn đoán mổ xẻ, chẳng mấy chốc mà kinh nghiệm làm việc còn hơn các bạn ở đây, khi ra trường chuyên môn chỉ dừng lại ở việc pha trà rót nước cho các cây đa cây đề. Làm không công ở bệnh viện Chợ Rẫy mấy năm trời làm gì em, em đào tạo làm bác sĩ mà, đâu phải y tá đâu. Sống trên đời biết ơn nghĩa như em, ơn nghĩa với người, ơn nghĩa với vùng đất em sinh ra, ơn nghĩa với vùng đất em lớn lên… là hết sức đáng quý. Lòng biết ơn là cái giúp con người khác các động vật khác. Em làm gì thì làm, đừng có đánh mất mình vì chút vật chất cỏn con, em hãy kiêu hãnh để ngẩng đầu với chính em. Chia tay, mình tặng nó cuốn sách You Can Win mà mình rất ưa thích, và dặn dò, dù gì đi nữa, phàm đã chọn nghề y cao quý, thì chớ có quên lời thề Hippocrates.

Sinh viên y khoa khi tốt nghiệp, đều phải tuyên thệ, còn gọi là lời thề Hippocrates, ông tổ của ngành y phương Tây. Coi như lời hứa danh dự của nghề. Mà tiếng Việt mình cũng hay, có hai nghề mà người ta gọi là bác, là bác sĩ và bác tài… đơn giản vì giống nhau ở chỗ, đều nắm sinh mạng của người khác trong tay. Nên khi hành nghề phải tuyên thệ, vì một phút chốc nào đó, chất con nổi dậy lấn át chất người, sẽ vì mình hay vì tiền mà đánh đổi mạng sống của người khác. Những nhiệm vụ lớn lao, người ta bắt buộc người nhận nhiệm vụ phải quỳ xuống tuyên thệ, vì chỉ còn cách duy nhất là đánh vào tiềm thức, đánh vào lương tri, tận sâu trong tâm khảm họ… trước những cám dỗ vật chất. Và một khi đã tuyên thệ, người ta sẽ sợ hãi khi vi phạm, một nỗi sợ vô hình.

Nói đến nghề y mới nhớ, hồi còn ở quê, ở đầu thị trấn có một bác sĩ, tên A. Lúc đó còn học tiểu học, có lần sáng ngủ dậy, mình bị sốt cao rồi ói. Bà dì chạy ra vườn hái lá chùm ruột giã rồi đắp trên trán cho mát, nhưng một hồi sau thì tình hình cũng không khả quan hơn, sốt còn cao hơn nữa, mặt mũi xanh lè. Má mình phải nghỉ dạy, lật đật đạp xe đèo con chạy ra thị trấn, ghé nhà bác sĩ A nhờ khám. Xuống xe, mình đi loạng choạng vào sân nhà ổng và có ói một ít vào bồn hoa, thật ra cũng chỉ toàn nước thôi chứ có ăn uống gì. Ổng đi ra, đứng trên thềm cao, mặt mũi khó chịu nói sao chị lại để cháu ói vào bồn hoa, hai mẹ con đi đâu có việc gì. Má có la mình, nói sao con lại ói vào đó, rồi đứng khép nép nhìn lên, ánh mắt van lơn, nói bác sĩ ơi giúp giùm con chị, nó bịnh đột ngột quá. Mà bữa nay nhà chị không có tiền, chị chưa tới kỳ lãnh lương nên khi nào lãnh chị sẽ mang ra liền. Thấy ổng chần chừ nên má mình cũng tỏ ra khá lanh lợi khi đề cập là có quen cô Hay, cô Thạnh, cô X, cô Y… tức các cô giáo cùng dạy trong trường Ninh Quang nhưng ở thị trấn gần nhà ổng, để ổng yên tâm là không bị xù. Nhưng ổng nhìn nhìn hai mẹ con, nhìn chiếc xe đạp mini cà tàng rồi phán, thôi chị đi chở cháu đi chỗ khác đi, tui đang bận. Mình vẫn ngồi dưới đất và ói. Má mình năn nỉ nói bác sĩ cho cháu vô nhà, coi cháu giùm một chút có sao không, nếu nặng thì chị chở ra bệnh viện, làm ơn làm phước giùm chị, chị mang ơn suốt đời. Ổng nhìn cái bồn hoa và tức giận bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Má đứng khóc như mưa trước nhà làm mình khóc theo, con nít mà, thấy mẹ khóc là hay khóc theo. Rồi sau đó hai mẹ con ra bệnh viện huyện, ở bên kia cầu Dinh, có ông y sĩ gì đó lấy viên thuốc màu vàng đắng nghét cho mình uống hạ sốt, nằm nghỉ một lúc thì về. Mình nhỏ xíu, đội cái mũ vải rộng thùng thình của chị Hai, ngồi phía sau xe đạp như con cóc, vịn chặt cái yên xe vì sợ té. Lúc đạp xe đi về ngang qua nhà ổng, mình có ngoái nhìn vào. Coi cái chỗ lúc nãy ói đã có ai dọn chưa, tự mình cảm thấy sợ hãi vì cái tội ói vào bồn hoa nhà bác sĩ. Và ám ảnh đến bây giờ, khi thấy ai đó dửng dưng trước mạng sống của người khác. Và giá trị của một cậu bé thông minh đẹp trai như vậy mà chẳng đáng bằng cái bồn hoa?

Và trên khắp đất nước hình chữ S này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người mẹ gầy gò, quần đen và chiếc áo sơ mi đã sờn, đội nón lá, gồng mình đạp xe chở những cậu bé, cô bé nhỏ xíu như cái kẹo ngồi đằng sau ba-ga để đến trường với một niềm tin tươi sáng, rằng thế hệ người Việt tiếp theo sẽ không khổ cực như cha mẹ chúng.

Và cậu bác sĩ mà Tony nói ở đầu bài, sau khi về quê, trở thành một bác sĩ đầy tâm huyết. Sẵn sàng đến các thôn bản xa xôi để chữa trị cho mọi người. Làm nhiều nên chuyên môn cực giỏi. Một ngày làm việc, buổi tối vẫn đều đặn đi tập tennis rèn luyện thể lực và đến nhà thầy dạy tiếng Pháp trong thị xã Gia Nghĩa để hạc thêm. Nói cứ mỗi lần em lười biếng, chán nản vì buồn…thì lại nhớ đến những lời anh dặn dò, nhớ đến lời thề Hippocrates bên ngôi trường có cái hồ Bao Tử thân yêu.

Và bây giờ, cậu ấy đang thay đồ để tối nay đáp chuyến bay đi Paris hạc lên cao nữa, theo một hạc bổng toàn phần của chính phủ Pháp.

Bon Voyage, Bình!
 

Bình luận
× sticky