Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cà Phê Cùng Tony

Chương 1 – Hất Mặt Lên Trời

Tác giả: Tony Buổi Sáng
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Sau khi tốt nghiệp, Tony có đi mần một thời gian ở công ty của Nhật Bản. Một hôm, công ty nó tái cơ cấu. Các tập đoàn đa quốc gia lâu lâu nó re-structure một cái, dẹp bỏ một vài vị trí. Thế là nó đền cho mấy tháng lương, rồi cho lên đường.

Nhớ bữa làm cuối, cầm cục tiền lớn nên vui lắm, bèn đi mua cái tủ lạnh. Ước mơ của cả thời sinh viên là trong phòng ngủ có cái tủ lạnh để bỏ trái cây, bia bọt vào uống cho mát. Nhiêu tiền còn lại đi chơi, từ bắc chí nam, động Phong Nha, Hội An, Mỹ Sơn, Lăng Cô…gì cũng đi cho hết. Đúng một tháng sau thì sạch túi. Cái nằm suy nghĩ, giờ phải làm sao để kiếm tiền đây. Bèn nhớ đến nghề viết báo từ lúc còn là sinh viên. Ngày nào viết cũng cả bốn, năm bài đủ mọi đề tài, liên hệ các anh trong ban biên tập để gửi lại. Bài được đăng đều đặn, tháng cũng được đôi ba triệu. Nhưng sống chật vật quá, làm freelance như phiên dịch, dạy học… không có thu nhập ổn định. Gửi hồ sơ xin việc thì như rải truyền đơn, công ty nào thấy bảng điểm đẹp ngất ngây, bằng loại giỏi nên mời lên phỏng vấn ngay. Nhưng phỏng vấn xong đều từ chối, nói mày lanh quá sợ làm không bền. Hoặc đẹp trai quá đồng nghiệp sẽ ganh tụy. Nên đẹp và giỏi, lại là rào cản lớn để xin việc thành công… 

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.sachvui.com ]

Mất cả năm thất nghiệp. Bà già dưới quê gọi lên, nói con cứ lông bông hoài vậy, tìm việc làm đi. Cái buồn dễ sợ. Đâu bao giờ nghĩ mình như vầy mà thất nghiệp đâu. Xin miết mà không thành công nên đâm ra mất tự tin. Cái một bữa đi coi bói. Chị xem bói tên Nguyệt ở Bùi Viện nói số em nó vậy, em xin việc không được vì số em làm chủ. Mình về mở cờ trong bụng nhưng cũng chẳng tin bói toán bao giờ. Rồi một lần đi Cambodia làm phiên dịch cho một công ty xây dựng xây con đường nối thủ đô Phnompenh đến cửa khẩu Poipet, thấy lúa bên đó sao xấu quá. Mới nhận ra là bên mình do dùng phân bón nên tốt tươi vậy, bèn về nước mở hãng phân Phượng Tím, ban đầu không có vốn thì chọn giải pháp làm trung gian, làm cò kiếm tiền chứ biết thế nào, mình có ai giúp đỡ về tinh thần hay tiền bạc gì đâu.

Nói là quyết tâm làm. Ngày mở hãng, chạy qua mấy người bạn thân mượn tiền để mua sắm thiết bị ban đầu. Bạn bè ngày thường nghe Tony nói chuyện vui thì thích lắm, cười ha hả nhưng đến lúc cần tiền mượn thì thôi lý do đủ cả để từ chối. Nhiều bạn nói chơi thì chơi, đừng mượn tiền vì tui đầu tư mua đất hết rồi; một cô cũng giàu có lắm nhưng sợ mất, giả bộ nói chồng chị không đồng ý, cuối cùng chỉ có cô Song Hòa cho mượn ba triệu và cô Troang xù kêu chạy qua cư xá Đô Thành lấy hai triệu đi. Cầm năm triệu trong tay, nhìn hai cô bạn học cũ mà muốn rớt nước mắt. Lúc khó khăn mới biết lòng người. Hồi xưa ông cậu Tony có nói, muốn đánh giá một con người dễ ẹt, đụng đến vấn đề tiền bạc thì bản chất thế nào sẽ lòi ra thế ấy. Tony vẫn theo dõi hai cô bạn ấy, một cô bây giờ sang Myanmar làm trùm bên đó về truyền thông, cô còn lại mở hệ thống cửa hàng thời trang lừng lẫy. Người tốt thì bao giờ cũng được trời thương, người cho đi thì sẽ được nhận lại nhiều hơn gấp vạn lần.

Cầm tiền trên tay, Tony chạy thẳng ra Metro mua cái máy in fax copy scan bốn trong một. Rùi đi tìm nguồn hàng. Tới công ty phân bón nào cũng tươi cười anh của em, chụy của em… ai ai cũng say mê. Nói Tony ơi em dễ thương quá à. Tony nói thấy tui dễ thương thì cho trả thiếu đi. Họ đồng ý liền, nói em lấy hàng về bán đi, mấy tháng sau trả lại tiền cũng được, toàn để giá vốn. Cái mình bắt đầu lên kế hoạch đi bán hàng.

Khổ nỗi, khách toàn ở tỉnh hoặc xa chứ nội thành ai xài phân bón thuốc trừ sâu. Mà tiền đâu đi xuống đó tiếp thị, bèn chọn ngoại thành Sài Gòn và mấy tỉnh lân cận tiếp thị trước. Cứ ban ngày đi bán hàng, tối về làm giấy tờ hợp đồng đến khuya. Cứ sáng sáng, Tony uống một ly cà phê to khủng khiếp để tỉnh ngủ, rồi phóng chiếc Wave Alpha đỏ, treo lủng lẳng bịch mẫu và mấy tờ rơi, phóng xuống các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè hay Bình Dương, Đồng Nai để chào hàng. Thường thì hẹn mấy đại lý cùng một tuyến đường cho nó tiện, trưa thì tạt vô ăn cơm ở quán lề đường. Những buổi trưa nắng nóng, bụi mịt mùng, Tony đen thui đen thít, dáng cao gầy vẫn phóng xe vun vút. Lúc đó ước mơ có được chiếc xe bốn bánh, dù là xe tải cũng được. Cứ nhìn theo chiếc xe hơi chạy qua mà thèm, mà nhớ đến khi xưa mình là nhân viên tập đoàn thương mại hàng đầu của Nhật, một bước lên xe hơi taxi, đi đâu cũng sang trọng quý phái… giờ như ông xe ôm, thỉnh thoảng cũng tủi thân. Nhưng kệ, miễn có tiền là được, mình lao động bằng sức lực và trí tuệ của mình mà, chứ có lấy của ai. Bất chấp cái nắng nhiệt đới chói chang như đổ lửa, bất chấp những buổi trưa ba mươi sáu, ba mươi bảy độ và bụi bay mịt mùng, gương mặt anh ấy vẫn cứ thanh tú. Và vẫn kiêu sa hất mặt lên trời như cái thời sinh viên đi xe đạp. Hồi đó, tụi cùng lớp nói sao mày ở tỉnh lên, nhà nghèo thấy mẹ, đen thui ốm nhách xấu bà cố, xe đạp thì cái bàn đạp rớt mất, chỉ còn hai cái thanh sắt láng bóng nhọt hoắt, mà cứ vừa đi vừa hất mặt lên trời. Tụi tao đi ‘Đờ Rim’ hay 86 “kim vàng giọt lệ” mà còn chưa dám nữa là.

Hẻm biết vì sao từ nhỏ xíu, Tony tự mình cho là tài giỏi hơn người nên tự tin hơi over một chút. Mỗi lần đi thi mà rớt héng, là nói chắc ban giám khảo hẻm đủ trình độ. Hay thầy cô nào dạy gì mới, cũng nghi ngờ, về phải lật sách coi lại. Giấy khen học sinh giỏi là vứt mất, vì mình là hạc sinh xuất sắc chứ đâu phải học sinh giỏi mà khen giỏi. Nên tự gây áp lực, nói sau này phải giàu, giỏi và đẹp mới hợp thức hóa được cái việc chảnh đấy. Nên sau này phải đi xe ô tô, vì ngồi trong xe, có hất cái mặt lên trời thì không bị ăn nắng da đen thui đen thít. Ở Việt Nam, da trắng thì mới sang trọng…

Tập 2: Đổ bịnh

Mặc dù là hạc giỏi, nếu chịu khó thi thố thì chắc cũng kiếm được hạc bổng tàn phần. Nhưng lúc đó nghĩ sao thôi ở nhà kiếm tiền, rùi vài năm sau đi du hạc cũng chẳng muộn, mặc dù rất thèm. Lớp của Tony, đi du hạc hết mấy chục bạn, về kể nghe cuộc sống sinh viên xứ người mà thèm rỏ dãi. Đêm đêm cứ nằm mơ, thấy mình đang nằm sõng xoài trên bãi cỏ, hay tung cái mũ cử nhân lên trời ngước lên chụp hình, giống hình chụp trong mấy catalogue quảng cáo. Nhưng sáng mơi tỉnh dậy, vẫn cái máng lợn bên mình. Lại uống ly cà phê to đùng và tất tả đi bán phân bán thuốc…

Mùa nóng thì chạy xe ngày mấy chục cây rát bỏng cả da. Cởi áo ra thì ½ cánh tay đen thui. Mùa mưa thì thôi, áo mưa áo gió bùng nhùng, nhưng chạy phải đua tốc độ cho nhanh vì một ngày phải tiếp thị mấy khách. Nên giờ ở Đông Nam Bộ, đường nào cũng rành, đường tắt thì giỏi hơn cả xe ôm. Có bữa mưa gió sấm sét đùng đùng, chạy từ khu Sóng Thần lên trên huyện Tân Uyên, đường đất đỏ lầy lội giữa rừng cao su, chỉ có mỗi mình mình và mấy chiếc xe tải, nước mưa như roi quất vào mặt. Nhưng bản thân không sợ ma, không sợ cướp, chỉ sợ mưa gió như vậy sẽ ướt mấy bịch phân mẫu, khách coi thấy chê hẻm mua. Một ngày ngồi xe máy cả mấy tiếng, về đến nhà tay cầm chén cơm mà cứ rung rung theo chu kỳ hút-nén-nổ-xả của động cơ xe máy. Ăn cơm khô không nổi, nên phải nấu canh, cứ bỏ cơm vô canh mà húp, cho cơm nó trôi vô miệng chứ sợ không có sức khỏe làm việc.

Được cái là đi tiếp thị khi mưa gió tầm tã vậy, ghé đại lý ai cũng động lòng, nói ở lại chị nấu cháo gà cho ăn, ở lại uống với anh chén rượu. Cái mình cám ơn vì phải về sớm, tối còn phải về nhà làm hợp đồng, xuất hóa đơn, coi tiền bạc thu chi thế nào… vì chỉ có một mình mình làm, cả mấy tháng sau mới tuyển được mấy đứa sinh viên làm thêm vô phụ. Cuối tuần, tụi bạn làm văn phòng nước ngoài ở quận một rủ đi bar hay nhậu, ngồi chung một đám, thế nào mình cũng nổi bật vì nét già nua, đen đúa và hốc hác, duy chỉ có nụ cười vẫn vui vẻ và vẫn chỉ huy mọi trò tếu táo trong lúc ăn nhậu, cho đời nó hưng phấn…

Rồi làm việc kinh quá, ngủ chỉ có ba, bốn tiếng một ngày, nên sáu6 tháng tích lũy được một ít tiền thì lúc đó cũng bắt đầu đổ bệnh. Tự nhiên mấy bữa đó tóc rụng quá trời, rồi lăn đùng ra hết biết gì. Hai đứa nhỏ làm part-time bữa đó hẻm biết sao có mặt, mới khiêng ra taxi chở lên bệnh viện Hoàn Mỹ ở Trần Quốc Thảo cấp cứu, má và mấy chị ngoài quê bay vô ngồi khóc quá trời. Vô bệnh viện đo hồng cầu huyết áp gì đó chỉ còn ½, phải nằm truyền xi-rum, truyền đạm. Mất hết hai tuần nằm ở đó, mới được về nhà. Tiền tích lũy sáu tháng sạch trơn. Một số đại lý thấy mình vắng mặt cái giở trò quịt nợ. Số tiền kiếm được chả còn bao nhiêu. Rồi xui xẻo ập đến, khách từ chối không mua hàng, dù đã ký. Một đống hàng tồn kho. Xui thì thôi nó đến dồn dập, lúc này mới hiểu câu “họa vô đơn chí”. Đến cái máy tính cũng hỏng. Mọi thứ đều trở về con số zero. Chiều mưa ngồi quán cà phê bờ kè nhìn xuống sông Thị Nghè, nhìn chiếc xe wave alpha màu đỏ dựng trước mặt, nhìn cái mũ bảo hiểm và mấy bịch phân mẫu treo lủng lẳng trên xe, nhìn cái áo mưa phủ lên đầu xe đã rách vì gió quật vào… thấy chán chường gì đâu. Dù tự tin và lạc quan đến mấy, khi khởi nghiệp không thành, tâm lý tự nhiên bất an dễ sợ. Hay là mình kém tài kém đức? Hay may mắn không mỉm cười với mình? Hay đã chọn sai con đường?

Ước mơ hất mặt lên trời không thành. Thôi đóng cửa công ty, đi xin việc đi làm lại vậy

Tập 3: Bơi ra biển lớn

Nhưng đêm đó, Tony nằm mơ. Trong mơ Tony thấy mình đang đi lạc vào một khu rừng. Qua một cánh rừng um tùm và nhiều dây leo, bỗng nhiên xuất hiện trước mặt một hồ nước trong veo. Trên hồ nước, có một chiếc thuyền câu nho nhỏ. Một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi câu cá. Tony mới tiến lại và lội nước ra thuyền, tự nhiên mình thấy chiếc thuyền xa dần xa dần. Tony lội một lúc thì nước ngập đầu nên cố bơi. Nhớ là bơi nhiều lắm, hồ nước rộng mênh mông và bắt đầu có sóng. Tony uống mấy hơi và mằn mặn, mới hay mình đã bơi ra biển rồi. Bơi miết bơi miết, gần như kiệt sức thì cũng bám được vào mạn thuyền và leo lên. Ông già bèn bất cất tiếng hỏi: “How are you, Tony?”

Trời, ông già này nói tiếng Anh nữa. Cái Tony hoảng hồn, trả lời liền: “Oh you know my name?” Rồi nói qua nói lợi, trong một cái conversation giống như hội thoại cuốn Streamlines một ấy. Chỉ nhớ là Tony nhìn vào giỏ cá của ông, thì thấy toàn đô la Mỹ trong đó, chẳng thấy cá đâu. Rùi giật mình thức giấc, ngủ lại không được. Hình ảnh mình cố bơi theo con thuyền đánh giá, và ra đến biển lớn, thấy giỏ tiền đô la… trong đầu Tony bỗng dưng xuất hiện ý nghĩ. Điềm báo. Phải. Mình phải xuất khẩu mới được, mắc mớ chi ngụp lặn trong nước cho mệt. Thế giới bên ngoài có đến 6-7 tỷ người và hơn 200 quốc gia, tha hồ mà kiếm tiền về. Bao nhiêu người dân Việt vất vả, suốt ngày cặm cụi may vá. Bao nhiêu bà con cô bác suốt ngày cặm cùi phơi nắng phơi sương trên đồng, để tạo ra bao nhiêu sản phẩm mà thế giới đang cần. Nhưng họ có điều kiện bán ra ngoài đâu. Mình có ngoại ngữ, có tuổi trẻ, tại sao không thử. Mình sẽ phải đi buôn quốc tế. Các bạn trẻ biết ngoại ngữ nhớ nhé, mình phải xuất khẩu để đem ngoại tệ về giúp cá nhân, gia đình và dân tộc mình giàu có hơn. Học ngoại ngữ bao nhiêu năm làm gì mà không nói được để lấy tiền của tụi Tây tụi Tàu, không rao bán bao nhiêu sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới?

Nói đoạn, ngồi dậy. Lúc đó đã 3-4 giờ sáng, nhưng trời vẫn còn tối lắm. Tony xuống nhà bếp, định pha ly cà phê uống suy nghĩ tiếp thì bỗng dưng, nhìn qua lớp kính trên cửa sổ, thấy một con rắn bò qua và rơi về phía sân trước. Con Ki (con chó của Tony nuôi) sủa loạn xị. Tony mới mở ra cửa trước nhìn, thì không còn thấy gì cả. Chỉ có con Ki vẫy đuôi và vui vẻ với Tony như chẳng có chuyện gì xảy ra.

“Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về” – những người đi rừng hay nói câu đó. Như Doanh Chính Tần Thủy Hoàng với câu chuyện gặp rắn ở lễ tế sông mà làm nên nghiệp đế, khi bắt đầu một cuộc phiêu lưu trên đường công danh, gặp rắn là điều may mắn lắm. Tony biết vậy nên vội mừng, mới lên internet. Search những chữ như “find buyer of… in Bangladesh”, chẳng hạn, hòng tìm ra các người mua hàng nông sản hay sản vật của Việt Nam. Rồi gửi mail đi giới thiệu. Một ngày Tony viết và gửi mấy trăm cái mail. Thức từ sáng đến đêm để search và gửi. Nhưng cả 2-3 tuần trôi qua, hộp thư inbox chỉ trống rỗng, hay toàn các email bị trả về do địa chỉ email bị sai hay cũ quá họ không dùng nữa.

Đang chán nản thì một hôm, nhận được email của Mr Johnson bên Mỹ. Ổng nói tao thì về hưu rồi, không còn làm ngành xuất nhập khẩu nữa, nhưng nhận cái email của mày, tao định xóa đi nhưng thôi cũng đọc thử, dù sao Việt Nam cũng là nơi tao từng trải qua một thời gian trong cuộc chiến. Tao đọc và thấy trong đó là cả sự tâm huyết và sự chân thành. Nên tao sẽ giúp mày. Tuần sau tao có dịp sang Việt Nam, tao sẽ ghé thăm công ty mày.

Ngồi đọc mail ông Johnson mà tay chân bủn rủn cả. Một cảm giác thành tựu lâng lâng trong người. Dù, xung quanh vẫn chỉ là cái máng lợn và số tiền mượn mọi người để tiêu xài và đầu tư cho công việc đã lên tới cả chục triệu…

Bỗng dưng những giọt nước mắt nóng hổi, từ hai hốc mắt sâu hoắm vì thức đêm, trào ra. Lăn dài trên gương mặt…

Bình luận