Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cà Phê Cùng Tony

Chương 27 – Phết Phẩy Và Ma Lanh

Tác giả: Tony Buổi Sáng

To X và Y,

Như anh trao đổi với hai đứa sáng nay, nhớ lời anh dặn nhé. Anh giao cho phụ trách mua hàng, phải hết sức bản lĩnh. Đừng bao giờ bán rẻ nhân cách mình trong các giao dịch kinh tế.

Ngoài xã hội nhiều đối tác nó hay đề nghị, khi mình mua cái gì đó, họ sẽ gửi lại cho mình một ít. Mình mà gật đầu một cái, coi như xong.

Vì nó đưa cho mình tiền đó, tươi cười đó, nhưng trong lòng nó chẳng coi mình ra cái gì đâu. Thậm chí là coi thường. Và chất lượng hàng hóa dịch vụ đó sẽ kém hơn, dù sao cũng đã có mình bảo kê bên trong rồi. Mình lỡ nhận tiền rồi, không nói được. Nó giao hàng xấu hàng kém, giao hàng chậm, dịch vụ kém… mình cũng phải làm ngơ.

Do vậy, nếu có ai đề nghị chuyện cắt hoa hồng hay commission cho mình, lập tức từ chối, yêu cầu cắt thẳng vào giá hàng. Em vừa nói như vậy một phát, đối tác sẽ nể em ngay. Và họ cũng sẽ nghiêm túc trong việc giao hàng, làm hàng… vì tự nhiên họ sợ những con người như vậy. Mình nói với họ là em thay mặt công ty giao dịch, nên tiền này là của công ty, không phải cá nhân em. Mong anh chị thông cảm. Lúc đó, họ ngồi nghe mà không mến phục em thì thôi.

Xã hội ai cứ phết phẩy ma lanh, kệ ai. Mình không theo họ. Mình nhận của họ vài ba chục triệu đồng, chả giàu lên được, nhưng nhân cách mình dần dần bị hủy hoại. Mình không trở nên đẳng cấp được mà trở thành loại người rẻ tiền, bắt đầu vì tiền trong mọi suy nghĩ. “Ăn quen, nhịn không quen”, mình lỡ ăn lần một là sẽ có lần 2. Rồi lần 3 lần 4. Nên mọi giao dịch sau này, tự động mình sẽ vòi tiền, nếu không có là mình làm khó làm dễ, gây khó khăn để người ta phải “hiểu ý”, dẫn đến việc gì cũng chậm trễ.

Mình làm có thu nhập đàng hoàng, thu nhập cũng không đến nỗi tệ, nên biết đủ em à. Một đồng mà do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, mới có giá trị thật sự, em cho cha cho mẹ, cái đó mới là hiếu thảo. Chứ ăn cắp rồi cho cha mẹ thì đó là bất hiểu chứ không phải là hiếu thảo nữa. Và không ông cha bà mẹ nào có thể yên lòng xài cái đồng không sạch ấy, khi biết được sự thật.

Rồi sau này mình có con, con cái sẽ không tôn trọng mình nếu biết mình không sạch như vậy. Mình la mắng nó, bảo đừng nói dối, đừng ăn cắp, nó nói sao cha mẹ không làm mà nói con, mình cứng họng… Chưa kể, tiền nào của mình là của mình, tiền không phải của mình mà do phết phẩy ma lanh mang lại, thì cũng sẽ ra đi dễ dàng.

Anh dặn hai đứa kỹ như vậy. Anh giao nhiệm vụ mua hàng, hai đứa cứ mua, báo giá bao nhiêu anh sẽ không kiểm lại. Nhưng đừng để làm anh thất vọng. Và phụ trách mua hàng, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa chân thật và tham lam rất mong manh, ranh giới giữa sự tử tế và sự dối trá lọc lừa cũng mong manh không kém. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu rất hay là “chỉ có những gì mình không làm thì người ta mới không biết”. Nên mấy đứa cố gắng, phải BẢN LĨNH cho anh. Đừng có làm mình HÈN đi vì vài ba đồng vớ vẩn. Làm với anh, theo anh, anh đào tạo mọi kỹ năng để sau này đứng vững với đời, làm gì cũng kiếm tiền nuôi vợ con được. Nên mình phải giữ vững nhân cách. Để sau này, làm gì đi đâu gặp ai cũng ngẩng cao đầu…

A Tony

22/3/2014

Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi…

Ba của Tony là nạn nhân của chiến tranh Việt Nam. Trong cái lộn xộn và bi thương của cuộc chiến, ông đã mất đi cả tuổi trẻ của mình. Một viên đạn lạc bay thẳng vào cột sống, bác sĩ Mỹ ở Sài Gòn lúc đó nói thôi, về nhà coi gì ngon thì cho ăn hết đi, rồi không quá 6 tháng đâu. Nhưng kỳ lạ, cơ thể ông tiết ra một lớp nhầy vây kín viên đạn, khiến nó không phá huỷ, chỉ đau nhức dữ dội lúc trái gió trở trời. Tuy nhiên, vì viên đạn nằm ngay cột sống, hệ thần kinh bị tổn thương nên ông trở thành người tàn tật ở lứa tuổi 25, lứa tuổi đẹp của đời người.

Bù lại, trí tuệ ông khá minh mẫn, trí nhớ tốt, hồi trẻ đẹp trai hơn Tony gấp chục lần. Bao nhiêu kiến thức trên trời dưới đất đều được ông truyền cho Tony một cách hấp dẫn, từ Tam Quốc đến Thủy Hử đến văn minh Phương Tây, đến cơ bản tiếng Anh và tiếng Pháp, tình yêu và sự khát khao khám phá kiến thức nhân loại. Giữa lúc đất nước khó khăn vào đầu thập niên 80, rời Sài Gòn về quê ngoại, nhớ lúc đó má Tony nuôi 4 chị em với đồng lương giáo viên của một cô giáo tiểu học trường làng, ông không dám ăn cơm nhiều. Mỗi lần chỉ ăn một chén, và nói tui tàn tật vậy, ăn chỉ để sống, có làm gì ra tiền đâu mà ăn. Nên chị Hai tinh ý, mỗi lần bới cơm thì lèn thật chặt, thật nhiều. Rùi một lần ông quyết định về quê, về lại lộ Vòng Cung, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, nơi ông chôn nhau cắt rốn, nơi lục bình dập dềnh trôi trên dòng sông Cái Răng tím ngắt mỗi chiều. Ông nói, nếu cứ ở lại Ninh Hoà, thêm một miệng ăn buồn lắm. Ông thấy mình bất lực, đẻ con ra mà không cho nó sung sướng ngày nào. Mà thật ra, ông cũng quần quật chống gậy đi làm đủ thứ, từ ra xã dạy bổ túc văn hóa đến móc đất làm nồi, làm bếp lò, làm mấy con thú bằng đất sét xinh xinh cho Tony chơi, trồng cây trong vườn, từ sáng đến chiều ở ngoài nắng mà chẳng thấy lúc nào thở than. Một thời oanh liệt, một học sinh cực giỏi, một thủ lĩnh trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, một sĩ quan đào tạo bài bản, từng ở biệt thự có hồ sen ngay trung tâm Sài Gòn, giờ trở thành một người đàn ông tàn tật, lam lũ ở một chốn thôn quê xa xôi, không điện không nước, ăn chẳng bao giờ được no. Ông nói, học xong, ba chỉ một lần đi thực tập ở U Minh, bị thương rồi giải ngũ. Cuộc chiến thật khốc liệt, thật bi thương, mỗi gia đình người Việt, dù ở chiến tuyến nào, vẫn có người nằm xuống. Những thanh niên trẻ măng mười tám đôi mươi ra trận, trước khi chết vẫn thống thiết gọi cha gọi mẹ, dù giọng bắc giọng nam. Suốt ngàn năm, đất mẹ Việt Nam và những con cháu Lạc Hồng cứ phải oằn mình vì loạn lạc, chia ly, mất mát…

Ba nói, như câu chuyện tái ông mất ngựa, cái may cái rủi nó đi với nhau. Vì không tham gia cuộc chiến nên không chết. Nhưng giải ngũ sớm nên không đi cải tạo, không đi cải tạo lại không đi Mỹ diện HO. Hiểu thời cuộc nên ông vô cùng lạc quan với số phận. Có lần má đi dạy về trễ, ông còn một tay chống gậy, một tay bưng chậu quần áo cả nhà đi giặt, té lăn kềnh ra giữa sân, bò bò quơ quào lượm lại từng cái quần cái áo vá đùm vá níu của mấy mẹ con, nhưng lại cười. Nụ cười méo mó của một người đàn ông từng lái xe Jeep đầy kiêu hãnh giữa Sài Gòn. Tony còn nhớ cứ mỗi sáng sớm, má dậy sớm pha 4 bình nước, mỗi đứa mang theo một bình để đến trường. Tony nói ủa sao nhà mình không có ăn sáng như nhà khác, chị Hai nói mày mệt quá, uống nước cũng no bụng vậy. Cứ mỗi sáng thức dậy là cả nhà ngồi suy nghĩ kiếm gì để cho vào bụng bữa nay. Mỗi lần như thế thì ba lại ngồi buồn, nói ghét cái bao tử quá, cứ đói bụng hoài mà không làm gì ra tiền, mà cứ phải ăn, nhiều lúc nổi nóng muốn đập nát đôi chân tàn phế. Rồi ba cũng lặng lẽ nhìn theo dáng lon ton của Tony xách cái thau đi mượn gạo. Tony là chuyên gia đi mượn hay đi mua chịu đủ thứ, quen mặt khắp làng khắp xóm, vì không có mắc cỡ như mấy chị, tính tình lại vui vẻ thảo mai, ai cũng vui khi gặp. Xong cái về ngồi ghi lại trong sổ, chi tiết cẩn thận, như mượn dì hai Tròn hai lon gạo, mượn cậu năm Được mấy đồng, nợ nước mắm ông Long, nợ dầu lửa bà Bảy… Cuối tháng má lãnh lương, Tony nói để con tính cho, giải bài toán trả ai trước, ai trả sau, ai dễ chịu có thể khất được. Nhỏ xíu xiu nhưng lanh bắt ớn, nên sau này quản lý tài chính giỏi cũng nhờ vào những tháng năm ấy.

Hồi đó trong làng có nghề làm lá buông, một loại lá dài như lá cọ, phơi khô rồi xé sợi nhỏ, đan thành giỏ xách. Cả nhà ai cũng phải làm, trừ Tony được ngủ sớm vì học trường chiên trường xào, tháng nào cũng có 13 kg lúa của xã cho. Cứ đến đêm, mấy chị lớn học bài xong thì lập tức ra bắt tay ngồi đan lá ngay. Vừa làm vừa nói chuyện trong làng trong xã dưới ánh đèn dầu leo lét đến khuya. Còn Tony thì đan được hai cái là mỏi tay, bẻ tay bẻ chân bẻ lưng nói mỏi. Nên má cho đi chơi. Trẻ con thôn quê ngày ấy thú vui chẳng có gì. Đêm trăng sáng, các bạn tập trung quanh nhà, hay ra đồng chơi đủ trò tự nghĩ ra. Còn đêm trời tối, ăn cơm xong, Tony trải tấm chiếu lên đống lá buông trên sân được gom lại sau khi đã phơi khô, hai cha con nằm chơi trên đó, nhìn lên trên trời ngắm triệu triệu ngôi sao lấp lánh. Ba hướng dẫn Tony phân biệt các chòm sao, đây là sao Đại Hùng, kia là sao Thiên Long, Thiên Miêu, Sư Tử, Lạp Khuyển… hình giống con gấu, con mèo, con chó… nên có tên gọi vậy. Hình ảnh vũ trụ bao la, mênh mông thiên hà khiến Tony vô cùng thích thú. Có bữa thấy sao băng, ba nói, cứ thấy sao băng thì mình cứ ước mơ, phải nhanh thì mới thành sự thật. Lần nào Tony cũng ước là nhà mình có tiền để ăn sáng… vì có lần, Tony xỉu giữa lớp, cô giáo hỏi sao, Tony khai thiệt là không ăn sáng nên mệt, ông hiệu trưởng kêu má lên mắng quá trời, nói sao nó có 13 kg lúa mà cô đem đi bán hết, không cho nó ăn sáng. Má lúng túng cười trừ, nói tui xin lỗi, để về nấu cháo cho cháu. Và ước mơ sao băng ấy đã thành sự thật. Cứ mỗi sáng, Tony được chén cháo trắng, và thấy ngon hơn bất cứ cao lương mĩ vị gì trên đời.

Có lần Tony nhầm sao băng với máy bay. Thấy có đốm sáng di chuyển hoài mà không tắt, ba nói đó là máy bay thương mại của mấy hãng hàng không nước ngoài bay qua vùng trời nước mình đó con. Như tụi Đại Hàn hay Nhật, nếu nó qua Băng Cốc thì sẽ bay ngang qua Nha Trang, rùi trả tiền vùng trời cho nước mình, nó bay cao lắm, cả mấy cây số nên mình thấy chỉ là một đốm sáng thôi. Tony nói thế bây giờ trên đó người ta làm gì hả ba, ba nói giờ chắc là giờ ăn tối, các tiếp viên sẽ đẩy xe đựng thức ăn ra, ai ăn gì thì ăn, uống gì thì uống. Rùi ba giải thích về ngành hàng không, máy bay phản lực khác máy bay lên thẳng ra sao, cất cánh hay hạ cánh thế nào. Ba nói, sau này nếu học giỏi, con sẽ được đi máy bay, thích lắm. Rồi cũng có lần thấy sao băng, Tony ước mơ ba hết tật nguyền, hai cha con lang thang khắp nơi trên thế giới. Tony hỏi chứ mỗi lần thấy sao băng thì ba ước gì. Ba nói, ba ước cho con lớn lên thông minh khỏe mạnh, viết tiếp ước mơ còn dang dở của mình. Cứ đêm đêm trên chiếc chiếu ngoài sân ấy, hai cha con nằm ngước nhìn lên trời, nói chuyện rì rầm. Giọng ba đều đều, nghe một hồi thì Tony ngủ mất tiêu, má ra sân ẵm vô nhà, sợ sương xuống lạnh. Trong giấc mơ của cậu bé Tony lúc đó, chấp chới những chiếc máy bay lượn lờ trên bầu trời, thật lung linh, thật đẹp.

Cái ngày ba đòi một hai về lại quê nhà, má cản dữ lắm. Nói ông ngồi không một chỗ cũng được, chiến tranh đã qua rồi, nhiều đứa trẻ mất cha thì đã đành, mấy đứa con mình, tui muốn có đầy đủ cha mẹ để lớn lên bình thường. Nhà phải có âm có dương, có mặt trăng mặt trời, chứ tui chỉ là một người mẹ, la mắng xoèn xoẹt thì cũng không dạy dỗ được nhiều. Ông suy nghĩ nhiều nhưng cứ mỗi buổi ăn, xong chén cơm thứ nhất, mọi người nhìn nồi cơm độn đầy khoai và nói thôi no rồi, nhường người khác, lúc nào trong nồi cũng còn một chút nhưng hẻm ai dám ăn. Ngày nào cũng vậy, chịu không nổi, nhân lúc má và mấy chị em đi học, ông viết lại lá thư trên bàn và ra đi. Trong thư nói tui đi về quê, nhờ anh em bạn bè giúp đỡ, vài năm rùi quay lại, nhớ nấu cơm đừng có bớt gạo, phần của tui chia cho tụi nhỏ ăn thêm chút đỉnh. Ông chống gậy xuống ngã ba bắt xe về Cần Thơ, trong túi không có một đồng nào. Ngồi ở vệ đường ngoắc miết, cả chục chiếc đâu có một chiếc Quảng Ngãi chịu dừng lại, bà chủ xe thấy người tàn tật ngồi lết giữa đường thấy tội quá, cho đi, vừa không tốn tiền vừa cho ăn cơm no bụng. Ba kể thôi cũng hẻm biết lấy gì đền ơn, bèn ngồi sát cửa, thấy xe dừng lại là mời khách lên xe, phụ thằng lơ. Ba nói chuyện vui nên trên xe ai cũng cười nghiêng ngả. Nên giờ mỗi lần vào Sài Gòn chơi, về lại quê, ông cứ đòi lấy xe Quảng Ngãi, dù giá vé cao hơn nhiều, tới Ninh Hòa thì xuống. Và Tony cũng vậy, thích người Quảng Ngãi và giọng nói miền quê ấy, nên cứ nói học thành hạc, vì thấy rất dễ thương.

Rùi đất nước mở cửa khi Tony vào cấp 2, những năm tháng tuổi thơ khốn khó tưởng đã phai nhoà. Chiều nay kết thúc khóa học ở HBS, chia tay bạn bè đủ mọi quốc tịch, Tony đi bộ qua bên kia sông, định mua ít đồ rồi sau đó đón taxi ra thẳng sân bay Logan về nước. Lúc băng qua cầu Anderson Memorial, chợt thấy hai cha con người Mỹ, cậu con khoảng 3-4 tuổi ôm con gấu bông nhỏ, người cha trạc tuổi Tony, cả hai đều mặc đồ quấn khăn rất kỹ, trời lạnh vậy mà vẫn đi dạo chơi trên bờ sông đầy tuyết, bóng cha con đổ dài. Bỗng dưng chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến: “Tôi ôm con sáo, bé bỏng của tôi, lang thang theo cha, dọc bờ sông trắng xoá”. Mới thấy trên trái đất này, đứa con bé bỏng nào cũng hay lẽo đẽo theo cha, và tình phụ tử ở đâu – cũng đều thiêng liêng và ấm áp.

Nắng chiều nhuộm vàng cả dòng sông Charles, tuyết vẫn dày, hàng cây bên đường rụng hết lá. Nhìn những miếng băng trôi bồng bềnh, chợt nghĩ đến lục bình tím ngắt trôi theo con nước sông Tiền sông Hậu, nghĩ về thân phận những người miền Tây lưu lạc khắp nơi, nghĩ về những năm tháng ba sống ở miền Trung nhưng trong lòng không nguôi nhớ về quê cũ. Nói trong bụng, nếu tối nay lên máy bay mà không ngủ được, sẽ viết một bài về ba.

Tony đang ngồi viết bài này khi đang ngồi trên máy bay của Eva Air và trong lòng ngổn ngang cảm xúc. Máy bay bay qua Nhật, rùi Đài Loan, transit một tiếng đồng hồ ở sân bay Đào Nguyên Đài Bắc rồi bay về Tân Sơn Nhất. Và bây giờ, máy bay đang bay không phận trên lãnh thổ của mảnh đất hình chữ S. Nhìn qua màn hình định vị vệ tinh, thấy dưới mặt đất là ký hiệu của núi đồi ruộng vườn, xanh thẫm. Hẻm biết ở dưới, có hai cha con nhà nào quê thiệt quê, nghèo thiệt nghèo, cứ đêm đêm trải chiếu nằm ngoài sân nhìn lên trời ngắm sao, ngắm máy bay rồi nói toàn chuyện xa xôi như tuổi thơ Tony không nữa.

1/2011

Bình luận