Trong cuốn sách này, tôi viết rất nhiều về định kiến bởi tôi cho rằng biến một ai đó thành kẻ có niềm tin mù quáng là bước đầu tiên để biến anh ta thành một kẻ khủng bố. Bạn thấy một người dễ bị tổn thương, một người mất đi sự tự tin, mất đi thu nhập, mất đi kiêu hãnh, mất đi chốn dung thân. Một người bị cuộc đời chà đạp. Và rồi bạn cô lập anh ta. Bạn nhồi nhét cho anh ta nỗi sợ hãi và sự tàn bạo, rồi bạn đảm bảo chắc chắn rằng anh ta coi bất cứ ai khác với anh như một mục tiêu vô nhân diện – một hình nhân ở bãi tập bắn Calverton – thay vì là một con người bình thường. Nhưng, thậm chí ngay cả những người được nuôi dạy trong hận thù từ khi sinh ra, những người mà tâm trí họ bị trói buộc và vây bủa, họ đều có quyền lựa chọn mình muốn trở thành người như thế nào. Và họ có thể trở thành một nhà hoạt động xuất sắc vì hòa bình, bởi họ là người thấu hiểu hơn ai hết ảnh hưởng của bạo lực, của phân biệt đối xử, và tước đoạt quyền công dân. Những người đã và đang trở thành nạn nhân nhận thức sâu sắc được thế giới này không cần thêm bất cứ một nạn nhân nào nữa.
Tôi biết rằng nghèo đói dai dẳng, cuồng tín, và thiếu giáo dục là nguyên nhân dẫn đến một loại biến đổi mà tôi đang mô tả, một cuộc giao tranh đang dai dẳng dùng dằng ở một số nơi trên thế giới này. Tôi cũng biết rằng không phải tất cả mọi người đều kế thừa được nhiệt huyết vĩ đại của Gandhi, Nelson Mandela, hay Martin Luther King, Jr. – tôi chắc chắn cũng không phải ngoại lệ – và không phải tất cả mọi người đều có khả năng biến đau thương thành hành động. Song tôi tin chắc rằng sự đồng cảm có sức mạnh lớn hơn hận thù, và rằng chúng ta nên cống hiến cuộc sống của mình để nhân rộng tư tưởng này đến tất cả mọi người.
Sự đồng cảm, hòa bình, và phi bạo lực có vẻ là những công cụ ngược đời vô dụng trong thế giới khủng bố mà cha tôi góp phần tạo nên. Nhưng, nhiều cuốn sách đề cập rằng, sử dụng bất bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không có nghĩa là trở nên thụ động. Bất bạo lực không có nghĩa là kiềm chế các nạn nhân, hay để mặc những kẻ xấu gây bạo loạn. Nó hoàn toàn không có nghĩa là “buông giáo quy hàng”. Bất bạo lực có nghĩa là nhân đạo hóa kẻ thù của bạn, nhận biết được nhu cầu và nỗi sợ hãi chung giữa bạn và họ, và tích cực tiến tới hòa giải thay vì trả thù. Gandhi đã từng có một trích dẫn vĩ đại: “Tôi có thể chết vì nhiều lý do. Nhưng lại chẳng thể tìm ra dù chỉ một lý do để giết người.” Càng ngẫm nghĩ câu trích dẫn này, tôi lại càng thêm ngưỡng mộ nét sắc sảo và giá trị cốt lõi trong lời nói của Gandhi. Tăng cường bạo lực không phải là cách duy nhất để kết thúc chiến tranh, cho dù chúng ta có kiên trì đánh trả hay đánh trả mạnh mẽ hơn đi chăng nữa. Một nhà sử học phản văn hóa gần đây, Theodore Roszak, từng bàn luận đến vấn đề này: “Con người cố gắng không sử dụng bạo lực trong một tuần, và khi điều này ‘không có tác dụng,’ họ sẽ lại sử dụng bạo lực, thứ vốn vô dụng hàng thế kỷ nay.”
***
Tôi đã không còn nhận những cuộc điện thoại của cha từ khi tôi mười tám tuổi. Lúc đó, tôi cũng thường xuyên nhận được thư điện tử từ một nhà tù ở bang Illinois nói rằng cha tôi sẵn lòng trao đổi thư từ với tôi thay vì gọi điện. Nhưng tôi đã học được rằng thậm chí việc liên lạc với cha sẽ chẳng dẫn đến kết cục tốt đẹp nào cả. Mối bận tâm mãi mãi của cha chỉ là cái án tù, ông cho rằng Chính phủ đã xâm phạm quyền công dân của ông trong suốt quá trình điều tra, cho nên có một lần tôi đã viết thư cho ông và hỏi thẳng liệu có phải ông đã giết Kahane, và tham gia vào vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 hay không. Tôi nói với cha rằng, con là con trai của cha và con cần nghe sự thật từ cha. Cha tôi ứng phó bằng một phép ẩn dụ bay bổng, không thể hiểu được, và vặn vẹo, vòng vèo còn hơn cả tàu lượn siêu tốc ở Busch Gardens, chứ không đề cập thẳng thắn đến tội lỗi của ông. Điều này chỉ khiến cha càng trở nên đáng sợ và tham lam hơn trong mắt tôi. Chứ chưa nói gì đến tội ác của ông.
Vụ ám sát Kahane không phải chỉ do hận thù, đó là một thất bại hơn là một vụ giết người đơn thuần. Cha tôi muốn làm suy sụp tinh thần của tất cả giáo sĩ Do Thái và dâng chiến thắng này cho Allah. Trên thực tế, điều mà cha thực sự làm được là đem sự nhục nhã và ngờ vực đến cho cộng đồng Hồi giáo, khơi nguồn cảm hứng cho những hành động bạo lực vô nghĩa hơn và tàn ác hơn. Vào đêm Giao Thừa năm 2000, người con trai nhỏ nhất và con dâu một vị giáo sĩ đã bị sát hại, và năm trong số sáu đứa con của họ đều bị thương, khi một tay súng người Palestine liều lĩnh cầm súng máy xả đạn vào chiếc xe của gia đình họ trên đường về nhà. Một gia đình nữa đã bị hủy hoại bởi thù hận. Tôi cảm thấy phát bệnh với nỗi buồn sâu sắc khi đọc về mẩu tin đó.
Vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín khiến tôi càng hoảng sợ hơn. Lúc đó tôi đang ngồi xem phim trong phòng khách của gia đình tại Tampa, tự ép mình tiếp nhận nỗi kinh hoàng vô tận từ vụ tấn công. Tôi cố gắng vật lộn với cảm giác rệu rã kéo đến, quen thuộc đến mức khơi gợi sự đồng cảm trong tôi, sự đồng cảm tôi phải trả giá bằng máu của mình. Đương nhiên nỗi đau mà tôi cảm thấy chẳng thể so sánh được với nỗi đau mà những nạn nhân và gia đình của họ phải chịu đựng. Trái tim tôi đau đớn thay cho họ.
Một trong những lợi ích khi tránh nói chuyện với cha tôi đó là tôi không cần phải nghe cha thao thao bất tuyệt về những sự kiện ghê tởm ngày 11 tháng Chín. Cha tôi chắc hẳn muốn ám chỉ rằng việc phá hủy Tòa Tháp Đôi tượng trưng cho chiến thắng vẻ vang của người Hồi giáo, thậm chí có thể là cao trào của sứ mệnh mà cha tôi, tên Thủ lĩnh mù và Ramzi Yousef đã cùng nhau bắt đầu từ nhiều năm trước cùng với chiếc xe tải màu vàng Ryder.
Dù vì lý do xứng đáng nào đi nữa, quả thực tôi không dám chắc thứ gì được coi là xứng đáng ở đây, cha tôi giờ đây tuyên bố ủng hộ giải pháp hòa bình ở chiến trường Trung Đông. Ông cũng tuyên bố ghê tởm việc giết người vô tội, và ông khuyên nhủ những chiến binh Hồi giáo nên nghĩ đến gia đình của họ. Cha bày tỏ tất cả những điều này trong một buổi phỏng vấn với tờ Los Angeles Times vào năm 2013. Tôi hy vọng cha thật tâm thay đổi, cho dù đã quá muộn để xin tha thứ từ những nạn nhân vô tội và từ chính gia đình tôi, bởi nỗi đau chia lìa quá lớn. Tôi không giả bộ mình biết hết những gì cha tin tưởng nữa. Tôi chỉ biết rằng tôi đã lãng phí quá nhiều năm để quan tâm đến cha, đến niềm tin mù quáng của ông.
Bởi đối với tôi, tôi không còn là một người Hồi giáo nữa và không còn tin vào Chúa nữa. Tôi đã làm tan nát trái tim mẹ tôi khi nói với bà như vậy, và điều này lại làm trái tim tôi đau đớn. Thế giới của mẹ tôi được dựng nên từ niềm tin của bà đối với Allah. Song thứ định nghĩa thế giới của tôi là tình yêu gia đình, bè bạn, và những bài học đạo đức dạy chúng tôi phải đối xử tốt với người khác và với thế hệ con cháu sau này, cùng với khao khát sửa chữa một số sai lầm của cha tôi bằng bất cứ cách nào có thể. Tất cả những gì còn lại trong tôi là tàn dư của nền giáo dục tôn giáo. Bất cứ khi nào đọc được trên mạng những tin tức về một tội ác nào đó, tôi theo bản năng đều cầu nguyện rằng đó không phải là một tác phẩm của những người Hồi giáo, những tín đồ Hồi giáo theo chủ nghĩa hòa bình đã phải trả một cái giá đủ cao cho hành động của những kẻ ủng hộ tôn giáo chính thống cực đoan. Tuy nhiên, tôi đặt mối quan tâm đối với con người lên trước những vị Chúa. Tôi tôn trọng những tín đồ, không quan tâm đến xuất thân của họ và tận tụy thúc đẩy trao đổi giữa những người có tín ngưỡng văn hóa khác nhau, song suốt cuộc đời mình tôi đã chứng kiến người ta dùng tôn giáo như một thứ vũ khí, và tôi luôn sẵn sàng quẳng đi tất cả những thứ vũ khí ấy.
***
Tháng Tư năm 2012, tôi có một trải nghiệm khó tin khi có cơ hội đọc diễn văn trước hàng trăm đặc vụ liên bang tại trụ sở FBI ở Philadelphia. Cục muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với cộng đồng người Hồi giáo, và một đặc vụ phụ trách chiến dịch này biết đến tôi như là một người hoạt động vì hòa bình ở trường học của con trai ông ta, vì thế, cho dù có hơi căng thẳng, tôi vẫn cảm thấy vinh dự khi được mời đến phát biểu. Đứng trước một đám đông có áp lực lớn như thế này thật không dễ dàng. Tôi bắt đầu pha trò (“Tôi thấy lạ lẫm với việc thấy tất cả anh chị cùng lúc như thế này – thông thường tôi chỉ làm việc với một hoặc hai đặc vụ mà thôi”), trò đùa của tôi ban đầu vấp phải một sự im lặng bối rối, sau đó là một tràng cười thoải mái, khiến tôi thầm biết ơn cho đến giờ. Tôi bắt đầu kể câu chuyện của mình, và đưa bản thân mình ra như một nhân chứng cho việc hận thù và bạo lực hoàn toàn có thể bị loại bỏ và con người có thể chọn lựa hòa bình.
Sau bài diễn văn của mình, tôi sẵn sàng nhận những câu hỏi từ phía họ, nhưng không một ai thắc mắc. Điều này có vẻ hơi bất thường, nhưng lẽ nào các đặc vụ FBI căng thẳng mức quên đặt câu hỏi ư? Dù sao thì tôi vẫn cảm ơn họ vì đã trao cho tôi cơ hội này, và đám đông tặng tôi một tràng pháo tay giòn giã cho đến khi tôi rời khỏi bục phát biểu. Và sau đó, một điều tuyệt vời đã xảy ra, khiến tôi luôn ghi nhớ cho đến tận bây giờ: Rất nhiều đặc vụ xếp thành hàng rồi lần lượt bắt tay tôi. Vài đặc vụ nói với tôi những từ ngữ rất lịch sự và gửi đến tôi những cái ôm ấm áp. Đặc vụ thứ ba, một phụ nữ, gây ấn tượng với tôi bởi bà thậm chí còn đang khóc khi đứng trước mặt tôi.
“Cháu có thể không nhớ cô, thực ra là chẳng có lý do gì bắt cháu phải nhớ cả,” bà thổn thức. “Nhưng cô chính là một trong những đặc vụ điều tra vụ án của cha cháu.” Bà dừng lại một cách gượng gạo, điều này khiến trái tim tôi dường như nhảy khỏi lồng ngực, nhào về phía bà. “Cô luôn luôn tự hỏi điều gì sẽ xảy đến đối với những đứa con của El-Sayyis Nosair,” bà tiếp tục. “Cô đã lo sợ rằng cháu sẽ đi theo con đường của cha cháu.”
Tôi cảm thấy tự hào về con đường mà tôi đã chọn. Và suy nghĩ của tôi cũng đại diện cho chị gái và em trai mình để khẳng định rằng việc từ bỏ chủ nghĩa cực đoan của cha tôi đã cứu sống chúng tôi và khiến cuộc sống của chúng tôi đáng giá hơn.
Đáp lại lời đặc vụ đó, một đứa trẻ của El-Sayyid Nosair chắc chắn sẽ nói rằng:
Chúng tôi không còn là con trai của ông ta nữa.