Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Con Trai Kẻ Khủng Bố

Chương 5: Tháng Một Năm 1991, Trại Cải Tạo Rikers Island, New York

Tác giả: Zak Ebrahim
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Chúng tôi đứng trong một bãi đỗ xe rộng mênh mông, mòn mỏi chờ đợi một chiếc xe tải. Đây là bãi đỗ xe lớn nhất tôi từng thấy, và toàn bộ khung cảnh xung quanh lúc này chỉ toàn một màu xám và lạnh lẽo, chúng tôi chẳng biết làm gì, chẳng biết chờ mong điều gì, ngoài chăm chú nhìn vào chiếc xe bán đồ ăn trưa màu bạc lấp ló đằng sau màn sương. Cầm năm đô la mẹ cho, chúng tôi tiến về chiếc xe hi vọng mua được thứ gì đó. Chiếc xe này có bán món knish. Tôi chưa từng biết đến món bánh này, nghe như một phát minh gì đó của Dr. Seuss (tác giả truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng người Mỹ) vậy, song cái tên món bánh đó dễ thương và lạ lùng đến mức khiến tôi mua ngay một chiếc. Đó hóa ra là một loại bánh được chiên ngập dầu và nhồi đầy khoai tây bên trong. Sau này lớn hơn, tôi biết đó là một loại bánh của người Do Thái. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được rằng mình đã từng ngấu nghiến chiếc bánh đầy ắp mù tạt đó trên đường đến Rikers Island, nơi cha tôi đang bị tạm giam chờ đợi một phiên tòa, vì ông đã bắn vào cổ một trong những giáo sĩ Do Thái xuất chúng và nổi tiếng là kẻ hay gây chia rẽ nhất của thế giới.

Khi chúng tôi đến Rikers, chúng tôi thấy một hàng người dài giống như một con rắn, ầm ĩ, huyên náo. Chúng tôi nhập vào đoàn người thăm thân chủ yếu toàn phụ nữ và trẻ em đó. Tôi có thể cảm nhận được sự đau đớn của mẹ khi bà phải mang những đứa con đến nơi này. Bà để chúng tôi theo sát bên người. Bà nói với chúng tôi rằng cha tôi bị buộc tội giết một giáo sĩ Do Thái, song cũng nhanh chóng thêm rằng chỉ có cha mới có thể cho chúng tôi biết sự thật.

Chúng tôi tiến vào khu vực kiểm tra an toàn. Những điểm kiểm tra nhiều vô số. Tại một điểm, những người bảo vệ đeo một chiếc găng tay cao su rồi khoắng trong miệng mẹ tôi. Ở điểm khác, chúng tôi phải cởi bỏ khăn mũ để kiểm tra, điều này không thành vấn đề đối với tôi và em trai, nhưng lại là rắc rối lớn đối với những người phụ nữ Hồi giáo, những người phải choàng khăn hijab và bị cấm không được cởi ra ở nơi công cộng. Mẹ và chị gái tôi được những nhân viên nữ đưa vào phòng riêng. Trong khoảng nửa giờ, tôi và em trai ngồi chờ đợi một mình, đung đưa chân, cố tỏ ra mạnh mẽ song thất bại. Cuối cùng, mấy mẹ con được dẫn xuống một hành lang trải bê tông hướng đến phòng thăm tù nhân. Rồi, bỗng nhiên, lần đầu tiên sau hàng tháng trời, cha tôi xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi.

Cha tôi mặc một bộ đồ liền thân màu cam. Mắt ông đỏ ngầu. Cha tôi, lúc ấy mới ba mươi sáu tuổi, hốc hác, kiệt sức, và chẳng có vẻ gì là cha trước đây cả. Mặc dù vậy, khi nhìn thấy chúng tôi, đôi mắt ông sáng bừng lên với vẻ yêu thương vô hạn. Chúng tôi chạy lại phía cha.

Sau những cái ôm hôn nồng nhiệt, cha tôi nhấc bổng và ôm bốn mẹ con chúng tôi trên tay, ông khẳng định với chúng tôi rằng mình vô tội. Cha nói với chúng tôi rằng ông chỉ muốn gặp để nói chuyện với Kahane về Hồi giáo, để thuyết phục ông ta rằng những tín đồ Hồi giáo không phải là kẻ thù của ông ta. Cha đảm bảo với chúng tôi rằng ông không hề có một khẩu súng nào, và ông không phải là kẻ sát nhân. Thậm chí trước khi cha nói xong, mẹ tôi đã bắt đầu thổn thức. “Em biết điều đó mà,” mẹ tôi lặp đi lặp lại. “Tự trong sâu thẳm, em biết điều đó, em biết điều đó, em biết điều đó, em biết điều đó.”

Cha tôi trò chuyện với từng đứa chúng tôi. Cha hỏi chúng tôi hai câu hỏi giống như nhiều năm sau đó, bất cứ khi nào được gặp hay viết thư cho chúng tôi, ông đều muốn biết: Các con có cầu nguyện đều đặn không? Các con vẫn vâng lời mẹ đấy chứ?

“Chúng ta vẫn mãi là một gia đình, Z à,” cha nói với tôi. “Và ta mãi là cha con. Dù cha có ở đâu. Dù người khác có nói về cha như thế nào. Con hiểu chứ?”

“Vâng, thưa cha.”

“Nhưng con vẫn không nhìn cha, Z à. Hãy để cha ngắm đôi mắt mà cha cho con.”

“Vâng, thưa cha.”

“À, nhưng mắt cha màu xanh lục! Mắt con, chúng có màu xanh lục, có cả màu xanh dương, và còn cả màu tím nữa. Con phải quyết định màu sắc đôi mắt của mình, Z!”

“Con sẽ làm theo lời cha.”

“Tốt lắm. Bây giờ thì ra chơi cùng với anh chị em con đi bởi vì” – cha quay sang nhìn mẹ tôi, và mỉm cười đầy ấm áp – “Ta phải nói chuyện với nữ hoàng của mình rồi.”

Tôi ngồi phịch xuống sàn và lấy ra vài thứ đồ chơi từ ba lô của mình: Cờ thả Connect Four (Một biến thể của cờ Caro), và Chutes and Ladders (Rắn leo thang). Cha mẹ tôi ngồi nói chuyện bên bàn, nắm chặt tay nhau và hạ giọng cốt để chúng tôi không thể nghe thấy. Mẹ tôi luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Mẹ nói với cha rằng mẹ vẫn ổn, mẹ có thể nuôi nấng và chăm sóc chúng tôi trong lúc cha vắng nhà; điều lo lắng duy nhất của mẹ là cha mà thôi. Mẹ đã giữ những câu hỏi đó lâu đến mức lúc này đây chúng ồ ạt tuôn ra: Anh có an toàn không, Sayyid? Đồ ăn có đủ cho anh không? Ở đây còn có những người Hồi giáo khác phải không? Quản giáo cho phép anh cầu nguyện chứ? Em có thể mang cho anh những gì? Em có thể nói với anh điều gì đây, ngoài câu em yêu anh, em yêu anh, em yêu anh?

***

Chúng tôi đã không trở lại căn hộ ở Cliffside Park kể từ khi vụ bắn súng xảy ra, đúng như mẹ tôi dự liệu khi bà trải tấm ga trắng trên sàn nhà và bảo tôi gói ghém đồ đạc của mình. Chúng tôi tạm thời sống tại nhà của chú Ibrahim ở Brooklyn, ba người lớn và sáu đứa trẻ sống trong căn hộ một phòng ngủ, từng chút một cố gắng trở về cuộc sống bình thường.

Cảnh sát New York bất ngờ khám xét nhà của chúng tôi chỉ vài giờ sau khi chúng tôi rời đi. Mất nhiều năm sau tôi mới đủ lớn để tiếp cận những tài liệu chi tiết, và biết rằng cha đã nói dối chúng tôi rằng ông không phải là kẻ giết người. Cảnh sát mang đi bốn mươi bảy chiếc hộp chứa những tang vật nghi ngờ liên quan đến một âm mưu quốc tế. Chúng bao gồm những hướng dẫn chế tạo bom, một danh sách những mục tiêu cần tiêu diệt gồm những giáo sĩ Do Thái, và các tài liệu về việc tấn công vào “những tòa nhà cao tầng của thế giới.” Song hầu hết những tài liệu này đều được viết bằng tiếng Ả Rập, và giới chức trách bỏ qua một số tài liệu vì cho rằng đó chỉ là “những bài thơ Hồi giáo.” Không một ai rảnh rỗi để dịch một đống những tài liệu đó cho đến gần ba năm sau, khi vụ tấn công đầu tiên nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới xảy ra. (Cùng khoảng thời gian đó, Cục Điều tra Liên bang bắt giữ chú Ibrahim và trong khi lục soát căn hộ của chú, họ tìm được một cuốn hộ chiếu Nicaragua giả mang tên họ của gia đình tôi. Nếu kế hoạch giết Kahane của cha tôi thất bại trong im lặng, có lẽ tôi sẽ trở thành một thanh niên lớn lên ở Trung Mỹ với một cái tên Tây Ban Nha.) Giới chức trách không chỉ phớt lờ bốn mươi bảy hộp tang vật thu được từ căn hộ của chúng tôi. FBI cũng có đoạn băng ghi cảnh cha tôi và những người đã cùng ông luyện tập tại bãi bắn Calverton Shooting Range – song không ai hiểu được mối liên hệ giữa họ. Người đứng đầu nhóm các thám tử thuộc Sở Cảnh sát New York (NYPD) khăng khăng rằng cha tôi là một tên cướp có vũ khí hành động độc lập. Nhiều năm sau, nhà báo điều tra Peter Lance và Chính phủ Mỹ đã phủ nhận cái ý tưởng ngớ ngẩn này.

Hàng năm trời, những giả thuyết được đặt ra hết sức phong phú. Họ cho rằng cha tôi đã trà trộn vào khách sạn Marriott cùng với ít nhất một, có lẽ hai, kẻ đồng phạm khác, mặc dù không ai trong số họ bị buộc tội. Cha tôi đội chiếc mũ đặc trưng của đàn ông Do Thái khi cầu nguyện, để trà trộn vào đám đông những người Do Thái siêu chính thống. Cha tôi tiếp cận bục diễn thuyết nơi Kahane đang mạnh mẽ lên án mối đe dọa từ Ả Rập. Cha tôi dừng lại, và bất chợt hét to, “Đến lúc rồi!” Sau đó, cha tôi bắn vị diễn giả, và nhanh chóng rời khỏi khán phòng. Một trong những người ủng hộ Kahane, một người đàn ông bảy mươi ba tuổi, cố gắng chặn đường cha tôi và nhận một phát đạn vào chân, trong khi cha tôi tiếp tục chạy xuống phố. Theo những báo cáo ghi lại, một người bạn của cha tôi, tay tài xế taxi đã gọi điện cho mẹ tôi tối đó, nói sẽ đợi cha tôi bên ngoài khách sạn trên xe theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong lúc hỗn loạn, cha tôi đã lên nhầm xe. Chiếc xe vừa di chuyển được một tòa nhà, một người ủng hộ Kahane khác đã đứng chặn trước xe để ngăn cha tôi chạy trốn. Cha tôi dí súng vào đầu người tài xế. Người này nhảy ra khỏi xe. Cha tôi sau đó cũng nhảy ra và chạy xuống đường Lexington, đấu súng với viên cảnh sát hỗ trợ tư pháp của bưu điện, người có mặc áo chống đạn và bị bắn gục xuống trên phố. Theo một số giả thuyết, những kẻ đồng phạm của cha tôi đã chạy thoát bằng tàu điện ngầm.

Lịch sử chứng minh rằng cha tôi không hành động độc lập. Nhưng đó là chuyện sau này, còn bấy giờ là năm 1990, và NYPD vẫn chưa thể tưởng tượng đến khái niệm một nhánh khủng bố toàn cầu – thực sự thì không ai có thể tưởng tượng được – và họ không hề hứng thú với việc nỗ lực truy tố một cá nhân riêng lẻ.

***

Chúng tôi cũng không trở lại trường học ở Cliffside Park. Ngay buổi sáng sau vụ ám sát, giới truyền thông đã túc trực ở trường học, điều này khiến chúng tôi không còn cảm thấy an toàn và được chào đón ở đó. Biết rằng chúng tôi không có nơi nào để đi, Al-Ghazaly, một trường học Hồi giáo ở Jersey, cấp học bổng cho chúng tôi. Tôi chợt nghĩ rằng hóa ra câu khẩu hiệu trên chiếc áo phông của chú Ammu – GIÚP ĐỠ LẪN NHAU BẰNG THIỆN CHÍ VÀ LÒNG TRUNG THÀNH – còn có thể khơi gợi đến lòng tốt nữa, chứ không chỉ bạo lực.

Mẹ tôi nhận những suất học bổng ấy một cách đầy biết ơn và chúng tôi chuyển về lại Jersey. Tất cả những gì chúng tôi có thể xoay xở được là một căn phòng nhỏ còn trống nằm trên đại lộ Reservoir. Mặc dù mẹ đã yêu cầu chủ nhà lắp thêm những thanh chắn phía trên cửa sổ, nhưng vẫn không thể ngăn cản những gã say quấy rầy ba anh chị em chúng tôi khi chúng tôi chơi trên phố. Vì thế chúng tôi lại chuyển đi, lần này chúng tôi kiếm được một căn phòng sơ sài tương tự như vậy ở đại lộ Saint Paul. Một ngày nọ, khi mẹ đến đón chúng tôi, một kẻ nào đó đã đột nhập vào nhà và lấy cắp tất cả những gì mà hắn có thể mang đi, chỉ bỏ lại một con dao trên bàn phím máy tính của chúng tôi. Giữa những hỗn độn này, chúng tôi vẫn trở lại trường học. Tôi đang học lớp Một. Lúc đó đang vào giữa năm học, là khoảng thời gian tồi tệ nhất để chuyển trường, cho dù giả như tôi không phải là một đứa trẻ ưa xấu hổ và gia đình tôi không chịu bất cứ tai tiếng gì.

Buổi sáng đầu tiên đến Al-Ghazaly, tôi thận trọng đi đến cửa phòng học. Đó là một căn phòng lớn hình vòng cung, khiến tôi có cảm giác mình đang bước vào cái miệng khổng lồ của một con cá voi vậy. Khoảnh khắc tôi xuất hiện, tất cả mọi cái đầu đều quay về phía tôi. Tất cả mọi hoạt động đều ngừng lại. Sự yên lặng kéo dài khoảng hai giây. Một Mississippi, hai Mississippi. Tôi đếm. Và sau đó, tất cả những đứa trẻ dường như nhảy vọt ra khỏi chỗ ngồi. Chúng đẩy những chiếc ghế lùi lại, tạo ra những tiếng rít khi ma sát với sàn nhà, và nhanh chóng lao về phía tôi. Việc này xảy ra nhanh đến nỗi tôi không thể nhận biết được thái độ của chúng. Đó là thái độ thù địch? Hay vui sướng quá đỗi? Liệu tôi đã làm điều gì không thể tha thứ, hay giành chiến thắng trong một trận bóng chày? Giờ đây những đứa trẻ bắt đầu la hét, những tiếng la hét to dần. Chúng đều hỏi cùng một câu hỏi: Có phải bố mày giết Giáo sĩ Kahane không? Dường như câu trả lời chúng muốn là có, và hẳn chúng sẽ thất vọng lắm nếu tôi trả lời không. Cô giáo cố gắng chạy về phía tôi. Cô gạt những đứa trẻ khác sang một bên, bảo chúng ngồi xuống, ngồi xuống, ngồi xuống. Trong cơn bấn loạn, tất cả những hành động tôi có thể nghĩ tới – hơn hai mươi năm sau, khi nghĩ lại, tôi vẫn co rúm lại vì sợ hãi – chỉ là khẽ nhún vai và mỉm cười.

***

Trong những tháng ngày lạnh giá đầu tiên của năm 1991, truyền thông và gần như toàn bộ thế giới này tin rằng cha tôi là một con quái vật, và mẹ tôi nghe phong thanh rằng Liên minh Quốc phòng Do Thái đã tuyên bố một fatwa của riêng họ: “Giết những đứa con trai của Nosair.” Nhưng đối với những người theo đạo Hồi, cha tôi là một anh hùng và là một người hy sinh vì nghĩa lớn. Và theo dòng suy luận này thì Kahane là một tín đồ mù quáng, là kẻ khởi xướng bạo lực và thù hằn, một kẻ cực đoan bị lên án bởi ngay cả những người có chung đức tin với ông ta. Ông ta coi những người Ả Rập như những con chó. Ông ta mong muốn Israel quét sạch người Ả Rập khỏi nước này và khuyến khích sử dụng vũ lực trấn áp nếu cần thiết. Vì vậy, trong khi cha tôi trở thành ác quỷ ở rất nhiều nơi, thì trên phố chúng tôi luôn nhận được những lời cảm ơn từ những gia đình Hồi giáo và họ còn kêu gọi quyên góp từ khắp nơi trên thế giới. Số tiền quyên góp này cho chúng tôi cơm ăn và cho anh chị em tôi một khoản dư dả suốt thời thơ ấu. Một buổi tối nọ, mẹ mang đến cho chúng tôi một quyển danh mục của Sears và bảo chúng tôi có thể chọn bất cứ thứ gì mình muốn. Tôi chọn tất cả những sản phẩm của Thiếu niên Ninja Rùa Đột biến mà tôi có thể tìm được. Hồi đó, khi đến trường, tôi phát hiện rằng cha của một người bạn cùng lớp vô cùng phấn chấn bởi cái chết của Kahane đến mức ông luôn dừng tôi lại mỗi lần thấy tôi và đưa cho tôi một trăm đô la. Thế là tôi luôn cố gắng chạy đến mỗi lần nhìn thấy ông. Với số tiền của ông, tôi mua cho mình máy điện tử Game Boy đầu tiên. Thế giới này có thể gửi đến tôi nhiều thông điệp lẫn lộn, song Game Boy vẫn là thứ đồ chơi mà mọi đứa bé trai đều ao ước.

Một luật sư kiêm nhà hoạt động chính trị, Michael Tarif Warren, nhận đại diện cho cha tôi. Là một đảng viên Cấp tiến không nao núng và đồng thời là nhà ủng hộ quyền công dân danh tiếng, William Kunstler đột nhiên cũng muốn trở thành người bào chữa cho cha tôi, Warren chấp nhận một cách lịch sự. Kunstler có gương mặt dài và buồn rầu, với cặp kính luôn treo lơ lửng trên trán, và một mái tóc xám bù xù. Ông ta rất sôi nổi và ấm áp đối với chúng tôi, và ông ta tin rằng cha tôi có quyền được xét xử công bằng. Đôi lúc, Kunstler và nhóm làm việc của ông thường cắm trại bên ngoài căn hộ của chúng tôi và vạch ra một số kế hoạch cùng với mẹ tôi suốt nhiều giờ liền. Những lúc khác, chúng tôi đến gặp ông tại văn phòng của ông ở làng Greenwich. Ông đặt trên bàn làm việc một bức tượng David của Michelangelo. Mỗi lần chúng tôi ghé thăm, để thể hiện sự tôn trọng mẹ và chị gái tôi, ông luôn dùng một chiếc cà vạt quấn quanh cổ bức tượng nhỏ để che đi những phần nhạy cảm của bức tượng.

Kunstler hi vọng có thể thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng Kahane bị giết bởi một số người trong một vụ tranh chấp tài sản, sau đó chúng dàn xếp đổ tội cho cha tôi. Mẹ tôi tự huyễn hoặc mình tin tưởng vào câu chuyện này, bởi chồng bà đã đảm bảo với bà rằng ông vô tội, cho nên chắc chắn phải có lời giải thích nào đó cho vụ ám sát, và tất cả chúng tôi đều bị cuốn vào vụ kiện của cha. Chúng tôi đã nhận được 163.000 đô la quyên góp cho phiên biện hộ của cha. Ammu Ibrahim đã đến tìm Osama bin Laden, người đã tự mình quyên góp 20.000 đô la.

Chúng tôi đến thăm cha tại Rikers nhiều lần nữa. Tôi nhìn thấy ông trong bộ quần áo tù nhân nhiều đến mức nó trở thành màu sắc chủ đạo trong toàn bộ kí ức của tôi về ông. Hơn hai mươi năm sau đó, tôi khi hình dung về cảnh gia đình khi mọi người đang quây quần bên bàn ăn tối tại căn hộ Cliffside Park, tầm khoảng một năm trước khi cha tôi bị bắt giữ. Tôi có lẽ sẽ tưởng tượng ra cảnh cha đang khích lệ chúng tôi, đưa cho chúng tôi những chiếc đĩa đựng đầy thịt cừu, và ông mặc một bộ quần áo liền thân màu cam.

Bình luận