Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Con Trai Kẻ Khủng Bố

Chương 1: Ngày 5 Tháng Mười Một Năm 1990 Cliffside Park, New Jersey

Tác giả: Zak Ebrahim
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Đang nằm trên giường thì tôi bị mẹ lay dậy, bà nói rằng: “Đã xảy ra một vụ tai nạn.”

Lúc đó tôi hãy còn là một đứa trẻ bảy tuổi mũm mĩm trong bộ đồ ngủ hình Ninja Rùa. Tôi đã quen bị đánh thức trước bình minh, nhưng chỉ có cha tôi làm thế và chỉ để tôi cầu nguyện trên tấm thảm nhỏ in hình ngọn tháp giáo đường. Chứ chẳng bao giờ mẹ đánh thức tôi như thế.

Lúc đó mới chỉ mười một giờ đêm và cha không có nhà. Dạo gần đây, ông thường ở lại thánh đường Hồi giáo tại thành phố Jersey đến tận khuya. Nhưng đối với tôi, ông vẫn luôn là một người cha đáng yêu, hài hước và ấm áp. Chỉ mới sáng nay thôi, ông vẫn còn cố gắng lại một lần nữa dạy tôi buộc dây giày. Tôi tự hỏi chẳng lẽ cha gặp tai nạn sao? Tai nạn kiểu gì? Ông có bị thương không? Hay liệu rằng cha đã rời xa chúng tôi mãi mãi? Tôi không dám hỏi mẹ vì quá sợ hãi phải nghe câu trả lời.

Mẹ tôi mở tung tấm ga trải giường màu trắng, trên đó có vài vệt nấm mốc giống như một đám mây vậy, rồi bà cúi người xuống để trải rộng nó trên nền nhà. Khuôn mặt mẹ nhăn nhó lo lắng đến mức tôi khó lòng nhận ra, bà nói, “Hãy nhìn vào mắt mẹ, Z. Con cần thay quần áo nhanh nhất có thể. Sau đó gói hết đồ đạc của con lại trong tấm ga này, rồi buộc chặt lại. Được chứ? Chị sẽ giúp con.” Bà tiến về phía cửa. “Yulla, Z, Yulla. Đi thôi.”

Lúc đó, từ đầu tiên mà tôi có thể thốt ra được là “Đợi đã,” trong khi vẫn mắc kẹt lùng bùng trong tấm chăn Dũng sĩ He-Man. “Con phải bỏ cái gì vào tấm ga cơ ạ? Cái gì… Đồ đạc ấy ạ?”

Tôi là một đứa trẻ ngoan ngoãn, cả thẹn, vâng lời. Tôi muốn làm theo lời mẹ.

Mẹ dừng lại, nhìn tôi và nói: “Bất cứ thứ gì gói được vào đây. Mẹ không biết liệu chúng ta có quay trở lại hay không.”

Bà xoay người và đi khỏi.

Sau khi đóng gói xong đồ đạc, tôi cùng anh chị ngủ trong phòng khách. Mẹ tôi đang nói chuyện điện thoại với chú tôi, người em họ đang sống ở Brooklyn của cha tôi mà chúng tôi hay gọi là chú Ibrahim hay Ammu. Có vẻ cuộc trò chuyện giữa họ không được suôn sẻ bởi giọng mẹ tôi nghe vô cùng gay gắt. Mặt bà đỏ bừng, tay trái nắm chặt chiếc điện thoại, trong khi tay phải run rẩy chỉnh lại tấm khăn trùm đầu hijab đã rơi xuống quá tai. Ti vi đang nói bên ngoài. Tin nóng. Chúng tôi dán mắt vào màn hình. Mẹ tôi nhìn thấy, bà vội vã chạy đến tắt phụt ti vi.

Bà tiếp tục nói chuyện với chú Ammu Ibrahim một lúc lâu sau đó, lưng quay về phía chúng tôi. Ngay sau khi gác máy, chiếc điện thoại lại bắt đầu đổ chuông inh ỏi. Âm thanh chói tai vang lên giữa đêm: quá ồn ào và như thể nó báo hiệu điều gì đó.

Mẹ tôi nhấc máy. Hóa ra đó là cuộc gọi từ một trong những người bạn của cha ở thánh đường, một tài xế taxi tên Mahmoud. Tất cả mọi người đều gọi ông ấy là Đỏ bởi màu tóc đỏ rực của ông ta. Đỏ nghe có vẻ vô cùng khẩn thiết muốn gặp cha tôi. Mẹ tôi nói, “Anh ấy không có nhà.” Sau đó bà im lặng lắng nghe vài phút trước khi nói, “Được rồi,” và gác máy.

Chiếc điện thoại lại đổ chuông lần nữa. Thật là một âm thanh khủng khiếp.

Lần này tôi không thể đoán ra ai đang gọi. Tôi chỉ nghe tiếng mẹ thảng thốt, “Thật chứ? Hỏi về chúng tôi sao? Cảnh sát ư?”

Một lát sau, tôi tỉnh giấc, nhận ra mình vẫn đang nằm trên sàn phòng khách cùng với chiếc chăn của mình. Bằng cách nào đó, tôi vẫn có thể ngủ gà gật giữa đống lộn xộn này. Mọi thứ chúng tôi có thể mang đi được – và nhiều hơn nữa – chất đống trước cánh cửa và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mẹ tôi chạy qua chạy lại, kiểm tra đi kiểm tra lại chiếc ví của bà. Mẹ tôi giữ tất cả giấy khai sinh của chúng tôi: đó là bằng chứng chứng minh bà là mẹ chúng tôi, có thể đưa ra nếu bất cứ ai yêu cầu. Cha tôi, El-Sayyid Nosair, sinh ra ở Ai Cập, còn mẹ tôi sinh ra tại Pittsburgh. Trước khi mẹ tôi thề nguyền đức tin Shahada tại một thánh đường địa phương và trở thành một tín đồ đạo Hồi, trước khi bà đổi tên thành Khadija Nosair, tên bà là Karen Mills.

“Chú Ibrahim của con đang tới giúp chúng ta,” mẹ nói khi thấy tôi ngồi dậy và dụi mắt. Giọng bà có chút lo lắng và bồn chồn. “Nếu chú ấy có thể đến được đây.”

Tôi không hỏi chúng tôi sẽ đi đâu, và cũng chẳng ai cho tôi biết. Chúng tôi chỉ âm thầm chờ đợi. Thời gian chờ đợi lâu hơn rất nhiều khoảng thời gian Ammu cần để lái xe từ Brooklyn đến New Jersey. Chờ đợi càng lâu, mẹ tôi đi qua đi lại càng nhanh hơn và tôi càng cảm thấy rõ ràng hơn rằng có thứ gì đó trong lồng ngực mình như chực bùng nổ. Chị tôi vòng một cánh tay quanh người tôi. Tôi cố gắng lấy lại dũng khí và vòng tay ôm lấy em trai mình.

“Lạy Đức Allah!” mẹ tôi bỗng thốt lên. “Tôi đến phát điên mất.”

Và tôi gật đầu như thể hiểu mẹ nói gì.

***

Mẹ tôi đã không cho chúng tôi biết một sự thật rằng: Meir Kahane, một giáo sĩ Do Thái hung hăng và cũng là người sáng lập Liên minh Phòng thủ Do Thái, đã bị bắn chết bởi một tay súng Ả Rập sau bài phát biểu của ông ta tại phòng hội nghị thuộc khách sạn Marriot ở New York. Tay súng đó đã bắn vào chân một người đàn ông lớn tuổi trong khi tìm cách lẩn trốn khỏi hiện trường. Hắn ta vội vã nhảy lên chiếc taxi đã đợi sẵn phía đối diện khách sạn, nhưng bất ngờ lại xuống xe, rồi chạy xuống phố, với một khẩu súng trong tay. Trên đường chạy trốn, tên sát thủ đã tình cờ đụng độ một cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc Công ty Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ, một cuộc đấu súng nổ ra và hắn bị bắn gục trên đường phố. Sau đó, tin tức nhanh chóng được phát rộng rãi, người phát thanh không thể không nhấn mạnh những chi tiết kinh hoàng từ vụ việc: vị giáo sĩ Do Thái và tên sát thủ đều bị bắn vào cổ. Cả hai đều không có hy vọng sống sót.

Lúc này đây, các đài truyền hình đang liên tục cập nhật diễn biến vụ việc. Một giờ trước đó, trong khi chị gái tôi, em trai tôi, và tôi lơ mơ gà gật những giây phút cuối cùng của cái gần như được gọi là thời thơ ấu, thì mẹ tôi bất chợt nghe thấy cái tên Meir Kahane và vô thức tìm kiếm trên màn hình ti vi. Thứ đầu tiên mà mẹ tôi nhìn thấy là hình ảnh của tay súng người Ả Rập, và tim bà gần như ngừng đập: đó là cha tôi.

Chú Ibrahim đến được căn hộ của chúng tôi thì đã là 1 giờ sáng. Chúng tôi phải đợi lâu như vậy là bởi chú phải chờ cả vợ con mình cùng đi. Chú năn nỉ họ theo cùng vì là người theo đạo Hồi, chú không thể ngồi một mình trong xe với một người phụ nữ không phải vợ mình, nói cách khác là mẹ tôi. Vốn đã có sẵn năm người và giờ bốn người chúng tôi đang cố gắng nhồi nhét trong xe. Tôi cảm nhận được cơn giận của mẹ tôi: Bà cũng là một người sùng đạo như chú tôi vậy, nhưng những đứa con của bà đằng nào cũng sẽ ngồi cùng xe với hai người họ, cho nên tốn thời gian mang theo những người khác như vậy để làm gì?

Chẳng mấy chốc, xe chúng tôi đi qua một đường hầm, những ánh đèn huỳnh quang yếu ớt chiếu qua đầu chúng tôi. Chiếc xe cực kỳ chật chội. Chúng tôi phải ngồi chen chúc lên nhau. Mẹ tôi cần đi vệ sinh cho nên chú Ibrahim hỏi bà có muốn dừng lại đâu đó một lúc không. Nhưng mẹ tôi lắc đầu, bà nói, “Hãy đưa lũ trẻ đến Brooklyn và sau đó đưa tôi đến bệnh viện. Được chứ? Nhanh nhất có thể. Yulla.”

Đó là lần đầu tiên tôi nghe ai đó nhắc đến từ bệnh viện. Cha tôi đang ở trong bệnh viện bởi ông gặp tai nạn. Điều đó có nghĩa là ông đã bị thương, nhưng cũng đồng nghĩa với việc ông chưa chết. Trong đầu tôi, những mẩu thông tin rời rạc tựa như những mảnh ghép xếp hình tự động liên kết với nhau.

Khi chúng tôi đến nhà của chú Ammu Ibrahim ở Brooklyn, đó là một căn hộ bằng gạch lớn trong một tòa nhà gần Prospect Park, tất cả chín người chúng tôi nhào ra khỏi chiếc xe thành một đám hỗn độn. Khi chúng tôi vào trong sảnh tòa nhà, việc đợi thang máy dường như mất cả thế kỉ, cho nên mẹ tôi, trong nỗ lực tuyệt vọng tìm nhà vệ sinh, nắm tay tôi và lôi nhanh tôi về phía cầu thang bộ.

Bà bước hai bậc một khiến tôi có chút khó khăn để theo kịp. Tôi chỉ kịp nhìn lướt qua tầng lầu hai, và sau đó là tầng thứ ba. Căn hộ của chú Ammu ở tầng bốn. Chúng tôi thở hổn hển khi quẹo vào góc hành lang về phía căn hộ đó, vui sướng khi đã đánh bại chiếc thang máy chậm rì kia! Đúng lúc đó, chúng tôi thấy ba người đàn ông đang đứng trước cửa căn hộ. Hai người trong số họ mặc vest tối màu và bước chậm rãi về phía chúng tôi, phù hiệu giơ cao. Người còn lại là một sĩ quan cảnh sát, anh ta nắm chặt khẩu súng của mình trong bao đeo bên thắt lưng. Mẹ tôi tiến về phía họ. “Tôi cần dùng nhà vệ sinh,” bà nói, “và tôi sẽ nói chuyện với các anh sau.”

Họ có vẻ khá bối rối nhưng vẫn để bà đi qua. Chỉ khi bà có ý kéo tôi vào nhà vệ sinh cùng với mình, một trong hai người mặc vest mới đưa tay ra ngăn cản.

“Cậu bé phải ở lại với chúng tôi,” ông ta nói.

“Nó là con trai tôi,” mẹ tôi không đồng ý. “Nó sẽ đi cùng tôi.”

“Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó,” người đàn ông mặc vest còn lại phản đối.

Mẹ tôi khá bối rối, nhưng chỉ trong vài giây, bà trào phúng: “Các anh cho rằng tôi sẽ tự làm mình bị thương trong đó? Các anh cho rằng tôi sẽ làm hại con trai tôi?”

Người đàn ông mặc vest thứ nhất nhìn mẹ tôi với ánh mắt trống rỗng và khăng khăng một cách cứng nhắc, “Cậu bé phải ở lại với chúng tôi.” Sau đó, ông ta nhìn tôi với một nỗ lực ít ỏi để nở một nụ cười. “Cháu hẳn là” – ông ta liếc nhìn lại cuốn sổ của mình – “Abdulaziz?”

Hoảng sợ, tôi gật đầu lia lịa và đáp, “Cháu là Z.”

Lúc đó, gia đình Ibrahim đi qua cánh cửa căn hộ và phá vỡ không khí im lặng gượng gạo. Vợ chú ấy hối thúc lũ trẻ chúng tôi đi vào phòng ngủ và yêu cầu chúng tôi lên giường ngủ ngay. Chúng tôi có sáu đứa. Trong phòng ngủ là một loạt những chiếc giường tầng đầy màu sắc cho trẻ em, được gắn vào trong những bức tường, giống với những gì bạn có thể thấy trong khu vui chơi tại những cửa hàng McDonald vậy. Mỗi đứa chúng tôi tìm cho mình một góc riêng, cuộn mình lại như những con sâu, trong khi mẹ tôi nói chuyện với những viên cảnh sát ngoài phòng khách. Mặc dù cố gắng căng tai lắng nghe qua bức tường, nhưng tất cả những gì tôi nghe được là những tiếng càu nhàu nho nhỏ và tiếng đồ gỗ cào trên mặt sàn.

***

Trong phòng khách, hai người đàn ông mặc vest tối màu liên tục đưa ra hàng tá câu hỏi như thể xối một trận mưa đá lên mẹ tôi vậy. Chắc hẳn đây là hai trong số những câu hỏi ấy khiến bà nhớ nhất: Địa chỉ cư trú hiện tại của bà là gì? Và, bà có biết chồng mình đã bắn giáo sĩ Kahane tối qua không?

Trên thực tế, câu hỏi thứ nhất làm khó mẹ tôi nhiều hơn.

Cha tôi làm việc cho thành phố New York, ông chuyên sửa chữa lò sưởi và điều hòa cho tòa án Manhattan, và thành phố yêu cầu nhân viên phải sống tại một trong năm khu lân cận. Cho nên chúng tôi, trên giấy tờ, phải giả là sống trong căn hộ của chú tôi. Cảnh sát xuất hiện ở đây tối nay là bởi sự khuất tất nho nhỏ về nơi ở trong sổ đăng kí thường trú của gia đình chúng tôi.

Mẹ tôi giải thích cặn kẽ mọi điều. Và bà cũng nói sự thật về vụ bắn súng: Bà không biết gì về nó cả. Bà thậm chí không hề nghe bất cứ điều gì về nó. Không gì cả. Bà vốn rất ghét bàn luận về bạo lực. Tất cả mọi người ở thánh đường đều biết tốt hơn là đừng thảo luận về chuyện đó khi có mặt mẹ.

***

Mẹ tôi kiên nhẫn trả lời hàng tá câu hỏi, đầu ngẩng cao, đôi tay để trên vạt áo hầu như không cử động. Trông bà có vẻ bình tĩnh nhưng tôi dám chắc rằng, suy nghĩ duy nhất tồn tại trong đầu bà lúc này, dai dẳng và đau đớn như chứng đau nửa đầu vậy, là: Bà phải đến gặp cha tôi. Bà phải ở bên cha ngay lúc này.

Cuối cùng, mẹ tôi không kiềm chế được mà thốt lên: “Tôi nghe tin tức trên ti vi nói rằng Sayyid sắp chết.”

Hai người đàn ông mặc vest nhìn nhau, nhưng không ai đáp lại bà.

“Tôi muốn được ở cạnh chồng tôi. Tôi không muốn anh ấy phải chết trong cô độc.”

Đáp lại bà vẫn là sự im lặng.

“Các anh có thể đưa tôi đến gặp chồng tôi không? Làm ơn? Các anh sẽ đưa tôi đi chứ, làm ơn?”

Mẹ tôi lặp đi lặp lại yêu cầu đó. Cuối cùng, hai người đàn ông mặc vest thở dài và đặt những cây bút của họ sang một bên.

***

Trước bệnh viện tập trung rất nhiều cảnh sát. Đám đông bị bao trùm bởi một bầu không khí đầy phẫn nộ, lo sợ, và cả sự tò mò. Có cả những chiếc xe trang bị màn hình và vệ tinh theo dõi cùng những chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời. Mẹ tôi và chú Ibrahim bị áp giải bởi hai viên cảnh sát mặc thường phục, ra mặt tỏ thái độ thù địch. Gia đình chúng tôi chẳng là gì đối với họ cả. Thậm chí trong mắt họ, giá trị của gia đình chúng tôi còn ít hơn cả khái niệm chẳng là gì: gia đình của một tên sát nhân đáng khinh bỉ. Mẹ tôi đang trong tình trạng hết sức tồi tệ: suy nhược, chóng mặt, và nghiêm trọng hơn là bà đã nhịn đói nhiều giờ liền. Cơn tức giận của những viên cảnh sát cũng chỉ là một điều khác bà lờ mờ cảm nhận được như qua một tấm kính mờ.

Hai người họ được đưa qua một cánh cửa cách lối vào bệnh viện rất xa. Trên đường đến thang máy, mẹ tôi phải đi qua một hành lang dài, trơn bóng với ánh đèn yếu ớt lạnh lẽo. Bà thấy một đám người gào thét ồn ào đang cố gắng vượt qua các nhân viên an ninh. Các tay phóng viên mải mê la hét những câu hỏi. Những chiếc máy ảnh liên tục nháy đèn. Tất cả những con người ấy, cảnh tượng ấy khiến mẹ tôi cảm thấy ớn lạnh và ốm yếu hơn bao giờ hết. Cả cơ thể bà dường như đang kêu gào biểu tình.

“Tôi không thể đứng vững nữa,” mẹ tôi nói với chú Ibrahim. “Tôi có thể bám vào chú được không?”

Chú Ibraham tỏ vẻ lưỡng lự bởi là một người sùng đạo, ông không được phép chạm vào mẹ tôi. Nhưng rồi ông để mẹ tôi vịn vào thắt lưng mình.

Khi thang máy đến, một trong những viên cảnh sát chỉ tay và cộc cằn ra lệnh, “Bước vào.” Hai người họ đứng trong thang máy chịu đựng sự giám sát chặt chẽ và sự im lặng thù địch. Khi thang máy mở ra, mẹ tôi bước vào vùng ánh sáng rực rỡ của khu vực chăm sóc đặc biệt. Một viên sĩ quan đội SWAT bỗng nhảy ra trước mặt bà và nâng súng chĩa về phía ngực bà.

Mẹ và chú tôi há hốc miệng vì kinh ngạc. Một trong những tay cảnh sát đảo mắt ra hiệu cho viên sĩ quan đội SWAT ấy, sau đó, ông ta hạ súng xuống.

Mẹ tôi cuối cùng cũng được gặp cha. Bà vội vã chạy đến bên giường bệnh, chú Ibrahim lặng lẽ theo sau để cho cha mẹ tôi có không gian riêng.

Cha tôi nằm đó bất tỉnh, cơ thể ông sưng nghiêm trọng và xây xát đến tận phần eo. Trên người ông gắn nửa tá dây nhợ và các loại ống, đáng chú ý là trên cổ ông có một vết thương dài đã được khâu lại, đúng chỗ viên cảnh sát bắn ông. Trông như thể cổ ông có treo một sợi xích lớn vậy. Các y tá vẫn tất bật chữa trị bên giường bệnh, họ trông khá bực mình khi bị làm phiền.

Mẹ tôi cố gắng nhoài người để chạm vào vai cha. Cơ thể ông cứng đờ và da ông lạnh cóng khiến mẹ tôi hoảng sợ. “Có phải anh ấy chết rồi không?” Bà run run hỏi. “Lạy Đức Allah, anh ấy đã chết rồi!”

“Không, ông ta chưa chết,” một trong những y tá đáp lời, không buồn che giấu sự bực bội của cô ta đối với thân nhân của kẻ sát nhân. “Và bỏ tay bà ra khỏi người ông ta. Bà không được chạm vào ông ta.”

“Anh ấy là chồng tôi. Tại sao tôi không được chạm vào anh ấy?”

“Đó là quy định.”

Quá đau buồn, mẹ tôi không đủ tỉnh táo để hiểu lời nói lạnh lùng ấy, nhưng sau đó bà tự nhủ những y tá này lo sợ rằng bà có thể làm đứt các loại dây và ống nghiệm, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cha tôi, cho nên bà thu tay lại đặt bên cạnh giường. Mẹ cúi người thì thầm vào tai cha, rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, rằng bà sẽ ở bên chờ ông tỉnh lại, rằng mẹ yêu cha, và rằng nếu ông chỉ đang gắng gượng vì bà thì không sao cả, bà ở đây rồi, bà yêu ông, ông có thể thanh thản mà ra đi. Và khi những nhân viên y tá không chú ý, bà cúi xuống hôn lên má ông.

Lát sau, trong một căn phòng hội nghị nhỏ bên ngoài khu vực chăm sóc đặc biệt, một vị bác sĩ nói với mẹ tôi rằng cha tôi vẫn còn cơ hội sống. Vị bác sĩ ấy có thể là người tốt nhất mà bà gặp trong suốt đêm hôm đó, an ủi bà với sự đồng cảm, không tính toán và đầy lòng nhân đạo. Lần đầu tiên trong đêm đó, mẹ tôi bật khóc. Vị bác sĩ tử tế ấy đợi bà bình tĩnh lại trước khi nói thêm về tình trạng của cha tôi. Ông ấy nói cha tôi đã mất rất nhiều máu nhưng đã được truyền máu bổ sung. Viên đạn vẫn còn ở đâu đó ở phần cổ của cha, song bởi động mạch cảnh của cha gần như bị đứt, cho nên họ không dám động chạm kiểm tra nhiều xung quanh vết thương. Việc không thể lấy viên đạn ra hóa ra lại giúp giữ lại mạng sống cho cha tôi.

Trong khi mẹ tôi tiếp nhận, hay cố gắng tiếp nhận, mọi thông tin về tình trạng của cha, vị bác sĩ ấy vẫn kiên nhẫn ngồi lại cùng bà. Một lúc sau, cảnh sát trở lại. Họ đưa mẹ tôi và chú Ibrahim đến thang máy và ấn nút đi xuống. Khi thang máy mở ra, một trong số họ liền chỉ tay và lạnh lùng ra lệnh, “Bước vào.”

Bên ngoài lúc này trời đã bắt đầu hửng sáng. Bầu trời có vẻ rất đẹp nếu vào một ngày bình thường nào đó. Nhưng hôm nay lại là ngày tin tức về cái chết của vị giáo sĩ Kahane đã được xác nhận, viên đạn đã đi xuyên qua cơ thể ông ta, cho nên ông ta chết bởi vết thương giống với vết thương đã suýt lấy mạng cha tôi. Bãi đỗ xe vẫn đầy những chiếc xe cảnh sát và những chiếc xe tải được trang bị màn hình ti vi và vệ tinh. Mọi thứ đều thật tồi tệ, còn cả mẹ tôi và chú Ibrahim đều không có tâm trạng để cầu nguyện như thường ngày. Ít nhất mẹ tôi cũng có hai lý do để tự an ủi. Một là bất chấp thứ gì xui khiến cha tôi làm cái điều kinh khủng ấy, thì thực tế là bây giờ ông không thể làm hại bất cứ ai được nữa. Điều còn lại là việc cha vẫn còn sống đã là món quà vô cùng quý giá đối với bà rồi.

Nhưng cho dù tự an ủi bản thân bằng lý do gì thì mẹ tôi cũng vẫn sai lầm mà thôi.

Bình luận