Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoá Thân

Bà Nội Điện Tử (I Sing The Body Electric)

Tác giả: Ray Bradbury

Bà!…

Tôi còn nhớ Bà đã ra đời như thế nào.

Khoan đã, chắc hẳn bạn sẽ hỏi, lẽ nào con người lại có thể nhớ được người Bà của chính mình ra đời như thế nào?

Nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn nhớ rõ cái ngày đó.

Bởi lẽ rằng chúng tôi, những đứa cháu của bà. Timothy, Agatha và tôi, Tom, đã giúp cho bà xuất hiện trên thế giới này. Chúng tôi là người đầu tiên vỗ vào lưng bà, và nghe tiếng khóc chào đời của bà đầu tiên. Chính chúng tôi chọn lắp bà bằng những đồ phụ tùng, những mối mạch, những linh kiện, chọn tạo cho bà tính khí, và tất cả những khả năng gì mà sau này chúng sẽ biểu hiện trên mặt địa bàn. Kim chỉ về hướng nam khi bà dỗ dành, âu yếm chúng tôi, hoặc kim chỉ phương đông hay phương tây để cho chúng tôi thấy thế giới mênh mông bát ngát, để mắt bà tìm kiếm và thấy được chúng tôi, để môi bà thầm thì điệu hát ru, để đôi tay bà đánh thức, lay chúng tôi dậy vào lúc rạng đông, khi mặt trời đã mọc.

Bà, người Bà yêu thương, chuyện cổ tích điện tử tuyệt vời của tuổi ấu thơ chúng tôi…

Khi chân trời bùng lên chớp biển, những tia chớp lằng ngoằng xé rách bầu trời, tên của bà in vào cặp mắt nhắm nghiền của tôi bằng những chữ bốc lửa. Trong im lặng mềm mại của bóng đêm, tôi vẫn nghe thấy tiếng tích tắc, sột soạt đều đều của máy móc trong thân bà. Bà như bóng suy tưởng in sâu vào ký ức tôi, như đàn ong biết suy nghĩ đuổi theo bóng nắng mùa hè đã qua. Và đôi lúc, khi đêm gần tàn, tôi bỗng cảm thấy trên đôi môi mình nụ cười của bà đã dạy dỗ chúng tôi…

Thôi được rồi, được rồi, hẳn bạn sẽ sốt ruột ngắt lời tôi, hãy kể ngay đi cho rồi, quỷ tha ma bắt, tất cả chuyện ấy đã xảy ra như thế nào, người bà tuyệt vời, lạ lùng, đáng yêu đến thế của anh đã ra đời ra sao.

Chuyện ấy xảy ra vào tuần lễ đó, khi mọi việc đã kết thúc…

Mẹ mất.

Vào lúc hoàng hôn, nhá nhem tối, chiếc xe hơi màu đen lăn bánh đi, để lại cha và ba đứa chúng tôi trên mặt đường trước nhà. Chúng tôi thẫn thờ ngó bãi cỏ và nghĩ: “Không, đó không phải là sân cỏ của chúng ta nữa, cho dù trên bãi chơi bóng chày vẫn còn lăn lóc những quả bóng và chiếc chày gỗ, cột cổng vẫn đứng đấy, tất cả vẫn hệt như ba ngày trước đây khi cha khóc nức nở từ trong nhà đi ra nói với chúng tôi. Những chiếc xe chơi nhỏ bằng gỗ nằm đó, vừa mới đây còn là của một chú bé, chú bé đó là tôi. Nhưng thời gian đã trôi qua không bao giờ trở lại. Những chiếc đu còn treo trên cây sồi già, tuy nhiên Agatha không leo lên đó nữa, đu không còn tốt, nó sẽ đứt giây treo và người đu sẽ ngã…”

Còn ngôi nhà của chúng tôi thì sao? Ôi lạy Chúa…

Chúng tôi thận trọng, dè dặt ngó vào cánh cửa hé mở, khiếp sợ những tiếng vang có thể là đang ẩn kín trong những hành lang, những tiếng vang um um của sự hoang vắng lập tức chiếm lĩnh căn nhà khi người ta vừa mang đồ đạc ra khỏi đó, những tiếng vang không lấn át được những giọng nói, những tiếng ồn ào vang khắp chốn khi trong nhà có người ở. Cái gì đó mềm mại và ấm êm, cái gì đó quan trọng nhất, tuyệt vời nhất, đã mãi mãi biến khỏi ngôi nhà của chúng tôi.

Cánh cửa từ từ mở ra.

Sự im lặng đón chúng tôi vào nhà. Không khí bốc mùi ẩm mốc, hẳn là người ta đã quên đóng cửa hầm nhà. Nhưng nhà chúng tôi không có tầng hầm!…

— Vậy đấy, các con ạ… – Cha bật nói.

Chúng tôi đứng sững lại trên ngưỡng cửa.

Chiếc xe hơi to lớn màu hoàng yến của dì Clara chạy đến gần nhà. Chúng tôi lao vào nhà, chạy tản vào các buồng của mình hệt như có trận gió cuốn đi.

Chúng tôi nghe thấy tiếng người lớn la hét và cãi cọ nhau, la hét và cãi cọ mãi. “Để cho bọn trẻ về sống với tôi!” – Dì Clara to tiếng. “Không đời nào! Chúng nó còn đang muốn chết đấy!…” – Cha đáp lời dì Giara.

Tiếng cửa sập đóng mạnh. Dì Clara bỏ về.

Chúng tôi vui mừng tưởng muốn nhảy điên cuồng, nhưng kịp thời nhớ lại chuyện buồn, và khẽ khàng đi xuống nhà.

Cha ngồi lẩm bẩm một mình, dường như đang nói chuyện với bóng màu xám của mẹ vào thời mẹ còn khoẻ mạnh và sống bên chúng tôi. Cha tôi thẫn thờ, mắt nhìn đôi bàn tay trống rỗng:

— Em hiểu không! Ann, lũ trẻ cần có một ai đó… Anh yêu chúng, có Chúa chứng giám, nhưng anh cần phải làm việc để nuôi sống mọi người chúng ta. Và em cũng yêu chúng, anh biết lắm Ann ạ, nhưng sao em không còn bên cha con anh. Còn Clara thì sao?… Không, không thể thế được. Tình yêu của dì ấy… hành hạ, giày vò. Còn vú nuôi hay người hầu thì…

Cha thở dài cay đắng, và chúng tôi cũng đồng cảm, thở dài theo.

Đúng là trong chuyện vú nuôi, bảo mẫu hay thậm chí người làm thuê, ở nhà tôi thật không được hay ho gì. Chúng tôi nhớ là trong nhà đã từng có những người giúp việc, người nào cũng cau có, gắt bẳn, không rượu thì chè. Sự xuất hiện của họ trong nhà chúng tôi có thể so sánh với những thiên tai, cuồng phong hay bão táp, với chiếc rìu lớn, bất ngờ dội xuống đầu những con người vô tội chúng tôi. Tất nhiên là họ chẳng thích hợp được ở đâu, như chúng tôi vẫn nghe người ta ví: dở ông, dở thằng, chẳng ra cháo, cũng chẳng ra cơm. Đối với họ, chúng tôi là một thứ gì đó gần giống như đồ gỗ, có thể không cần phải hỏi cũng cứ ngồi lên được. Cái thứ cần cọ sạch, phủi bụi, xuân thu nhị kỳ phải thay vải bọc, và mỗi năm một lần đưa ra bờ biển để làm tổng vệ sinh.

— Các con ạ, chúng ta cần có… – Bỗng nhiên cha khẽ nói.

Chúng tôi phản xán đến sát bên cha mới nghe rõ lời cha nói như thì thầm:

— … có bà.

— Nhưng bà nội, bà ngoại đều mất từ lâu rồi cha ơi! – chú bé Timothy chín tuổi kêu lên điều thực tế đau khổ ấy.

— Đứng về mặt này mà nói thì đúng thế, nhưng đứng về mặt khác thì…

Cha nói điều gì nghe lạ lùng và bí ẩn vậy không biết!

— Các con nhìn đây này. – Cha chìa cho chúng tôi xem tờ giấy quảng cáo màu sắc loè loạt gấp trong tay.

Chúng tôi đã nhìn thấy tờ quảng cáo trong tay cha không biết bao nhiêu lần, nhất là trong những ngày vừa qua. Chỉ cần thoáng nhìn tờ quảng cáo ấy một lần thôi cũng đủ hiểu là tại sao dì Clara thấy bị xúc phạm, và giận dữ vội vã bỏ về như thế.

Timothy đọc to những chữ in trên bìa ngoài tập quảng cáo:

“Tôi ca ngợi tấm thân điện tử”1

Nó cau mày nhìn cha thắc mắc!

— Đây là cái gì vậy hở cha?

— Con hãy cứ đọc tiếp đi.

Tôi và Agatha lúng túng nhìn nhau, như sợ hãi mỗi khi mẹ đi vào nhà và bắt gặp chúng tôi làm cái trò không đáng khen. Sau rồi hai đứa gật gù: phải rồi, cứ để Timothy đọc tiếp.

— “Fanto…”

— “Fantoccini” – Không cầm được mình, cha nhắc.

— … “Fantoccini Ltd”. Chúng tôi đang tiến hành… Đây, câu trả lời cho mọi vấn đề khó khăn và không sao giải quyết nổi của quý vị. Tất cả CHỈ MỘT MÔĐEN, một kiểu máy mới, nhưng chúng ta có thể thay đổi đến tận cùng bề ngoài của nó, có thể thêm vào, sửa đổi, thay hình dáng và vẻ ngoài… Thứ độc nhất vô nhị hiếm có… thứ nhất quán, không thể phân chia, cùng với sự tự do tuỳ thích và công bằng chân chính cho quý vị”.

— Những câu đó in ở đâu, ở đâu vậy? – Chúng tôi kêu lên.

— Đó là em tự bịa thêm vào đấy. – Lần đầu tiên sau nhiều ngày, Timothy mỉm cười. – Bỗng nhiên em thích đọc bịa ra như thế. Bây giờ mọi người hãy nghe tiếp nhé: “Để giúp quý vị, những ai từng bị những người vú nuôi, những người mà quý vị không nên để cho họ trông thấy những chai rượu vang đã được mở nút, những ai đã từng mệt mỏi vì nhưng lời khuyên không tốt đẹp của các ông chú, bà dì, ông cậu, bà cô…”

— Đúng, thế đấy… – Agatha kéo dài giọng, còn tôi, như tiếng vang nhắc lại lời nó.

— “… Chúng tôi đã sáng tạo ra và đã hoàn thiện một kiểu mẫu người máy vi mạch với pin nguồn có thể nạp lại hiệu AC-DCU, đó là người Bà Điện Tử…”

— Bà à!?

Bản quảng cáo rơi xuống sàn nhà.

— Vậy là sao hả cha?

— Các con ơi, các con đừng nhìn cha như thế. – Cha khẽ thì thầm. – Đầu óc cha lúc này hoàn toàn mụ mẫm vì đau khổ, hầu như cha mất hết sáng suốt khi nghĩ đến điều ngày mai sẽ ra sao, rồi cả ngày kia nữa… Các con hãy nhặt nó lên và đọc cho đến hết mà xem!

— Vâng, – Tôi nói và nhặt tờ quảng cáo lên.

“… Đây là một thứ đồ chơi và trong nó còn có cái gì đó khác hơn thế nữa, không phải đồ chơi thông thường. Đây là người Bà điện tử của hãng “Fantoccini”. Nó được sáng tạo ra rất cẩn thận, tỉ mỉ vô song, và được ấp ủ một lòng thương yêu hiền dịu lớn lao đối với con cái quí vị. Chúng tôi sáng tạo ra kiểu mẫu mới này cho trẻ em, những trẻ quen thuộc với hiện thực thế giới hiện đại, và trong mức độ lớn hơn, với thế giới cực kỳ lớn lao không tưởng tượng được. Mẫu máy này của chúng tôi thông thạo hai mươi ngôn ngữ khác nhau, có thể chuyển từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ kia với tốc độ nhanh một phần triệu giây. Trong bộ nhớ điện tử của nó, giống như những tầng ong mật, chứa đựng toàn bộ hiểu biết của loài người và tôn giáo, nghệ thuật và lịch sử nhân loại…”.

— Tuyệt quá! – Agatha và Timothy cùng reo lên.

“Nhưng điều chính đây là… – Tôi tiếp tục đọc. – Đây là một tồn tại, mẫu máy mới này thực sự gần giống như một tồn tại sống. Người Bà Điện Tử thần thoại và kỳ diệu của chúng tôi, đó là hiện thân lý tưởng của tri thức con người, có khả năng nghe và hiểu biết, biết yêu thương và chăm sóc con cái của quí vị (như một đỉnh cao hoàn chỉnh trong những sáng tạo của trí tuệ nhân loại, biết yêu thương, chăm sóc trẻ), mẫu máy này biết ứng xử tinh tế với mọi đều xảy ra, không chỉ trong thế giới rộng lớn quanh quý vị và trong thế giới riêng nhỏ bé của quý vị mà còn cả trong toàn vũ trụ nữa. Chỉ khẽ chạm tay vào, máy ngoan ngoãn vâng lời. Chúng tôi coi người máy này là quà tặng cho những ai đang cần cả một thế giới thần thoại…”

— Ai đang cần… – Agatha thì thầm

Đúng! đúng là đang cần thiết thật. – Chúng tôi buồn rầu nghĩ. – Đó là họ viết về chúng tôi, tất nhiên là về chúng tôi rồi!

Tôi tiếp tục đọc:

“Chúng tôi không giới thiệu máy với các gia đình hạnh phúc, nơi mọi người đều đang vui sống, mạnh khỏe, nơi các bậc cha mẹ có thể tự nuôi dưỡng và giáo dục con cái mình, trau dồi tư chất cho chúng, sửa chữa những khuyết điểm, đem cho chúng tình yêu thương âu yếm. Bởi vì rằng ở đây không ai thay thế được cha và mẹ của trẻ em. Nhưng có những gia đình, nơi mà cái chết, bệnh tật hay thương tích của ai đó trong bậc cha mẹ đã đe dọa phá hoại hạnh phúc của gia đình, cướp đi tuổi thơ trẻ em. Sự nuôi dưỡng của người thân không giúp gì được ở đây. Còn những người vú nuôi, những người ở gái lại quá ích kỷ và lười nhác hoặc tính khí quá bất thường trong thế kỷ thần kinh căng thẳng của chúng ta.

Chúng tôi nhận thức rằng còn nhiều mặt phải suy nghĩ thêm, nghiên cứu, kiểm tra, thể nghiệm, luôn hoàn thiện sáng tạo của chúng tôi hết tháng này qua tháng khác hết năm này qua năm khác, nhưng chúng tôi vẫn cứ mạnh dạn đưa ra trình quý vị nhiều mẫu mới này, căn cứ vào nhiều tính năng, nó giống như một mẫu lí tưởng của người thầy, người bạn, người đồng chí, người giúp đỡ, người thân gần gũi và ruột thịt. Thời gian bảo hành có thể được định hạn trong…”

— Thôi, đủ rồi! – Cha kêu lên. – Không nên đọc tiếp nữa. Thậm chí cha không đủ sức chịu đựng điều này.

— Sao vậy, cha? – Timothy ngạc nhiên. – Con vừa mới hiểu ra rằng cái này rất tuyệt đấy cha ạ.

Tôi gập tờ quảng cáo lại.

— Có thật thế không? Họ có bán những thứ như vậy ư?

— Chúng ta sẽ không nhắc đến chuyện này nữa các con ạ. – Cha nói, tay che mắt. – Ý tưởng điên rồ…

— Cha ơi, không hoàn toàn đến nỗi tệ hại thế đâu. – Tôi phản đối cha, mắt nhìn Timothy. – Con muốn nói là, quỷ tha ma bắt, nếu như đây chỉ là thế nghiệm đầu tiên, và nó đã thành công, thì cái này còn tốt hơn cả dì Clara của chúng ta, phải không cha?

Lạy chúa, thế là lại bắt đầu! Từ lâu chúng tôi chưa cười to lên như vậy. Hình như, kể từ đôi ba tháng nay rồi. Tất nhiên tôi đã làm một điều ngu ngốc, nhưng mọi người đều cười rũ rượi, cười nấc lên, xuýt xoa, và ngay chính bản thân tôi cũng phá lên cười như nắc nẻ. Khi chúng tôi ngừng lại để thở, và để bình tĩnh trở lại, mắt chúng tôi vô tình cùng quay nhìn tờ quảng cáo.

— Thế nào đây? – Tôi nói.

— Em… – Agatha cựa quậy người không muốn đáp.

— Đây là thứ mà chúng ta cần đấy. Khỏi phải tính làm gì. – Timothy tuyên bố dứt khoát.

— Xem ra ý đồ cũng được. – Tôi nói, theo thói quen cố nhấn giọng ra điều uyên bác.

— Em muốn nói là… – Agatha lại lên tiếng. – Có thể cứ thử xem. Tất nhiên là ta có thể thử. Nhưng rốt cuộc lại thì bao giờ chúng ta mới thôi nói chuyện tào lao, và khi nào… mẹ thật của chúng ta sẽ trở về?

Chúng tôi ồ lên, chúng tôi lặng đi như tượng đá. Câu nói như đâm nhói tim. Tôi không tin là đêm hôm đó mọi người có thể ngủ được. Nói đúng ra là chúng tôi đã khóc trắng đêm tới sáng.

Buổi sáng trời nắng đẹp. Chiếc trực thăng bốc chúng tôi bay trên đỉnh những ngôi nhà trọc trời, và khi chúng tôi còn chưa kịp nhận ra điều gì, nó đã đáp xuống sân thượng một trong những ngôi nhà mà lúc còn đang bay trên trời đã nhìn rõ ràng chữ: “Fantoccini”.

— Fantoccini là cái gì vậy? – Agatha hỏi.

— Hình như theo tiếng Italia có nghĩa là búp bê của nhà hát rối. Búp bê trong những giấc mơ và chuyện cổ tích. – Cha giảng giải.

— Thế “Chúng tôi tiên tri thấy” nghĩa là làm sao?

— “Chúng tôi đoán được những giấc mơ và điều mong muốn của người khác”. – Tôi không cầm được, muốn tỏ ra là ta uyên bác.

— Tom, con giỏi lắm! – Cha khen tôi.

Thiếu chút nữa thì tôi bị vỡ tan “cái để ngửi” vì phổng mũi.

Chiếc trực tăng quay cánh vù vù, bốc bay lên, trong một thoáng, bóng nó trùm lên chúng tôi, rồi biến xa dần.

Buồng thang máy chạy nhanh xuống tầng dưới, còn trái tim tôi, ngược lại như chạy ngược lên phía trên. Chúng tôi ra khỏi thang máy và bước ngay lên hành lang chuyển động, nó đưa chúng tôi đi một cách êm ái, nhẹ nhàng, tới bên một quầy hàng lớn, trên quầy chúng tôi nhìn thấy hàng chữ:

ĐỒ CHƠI MÁY

“Búp bê là chuyên môn của bổn hiệu”

Chúng tôi đứng bên quầy hàng. Tiếng nhạc nghe nho nhỏ. Từ sau bức tường vẳng ra tiếng máy móc chạy âm âm. Khi chúng tôi vừa tới bên quầy thì ánh sáng trong cửa hiệu dịu bớt đi, và chúng tôi đã vui vẻ hẳn lên, lòng nhẹ nhõm, mặc dù trong người như còn vương lại chút giá lạnh.

Chung quanh chúng tôi, trong những chiếc thùng treo trên những sợi dây gai, dây thép nhỏ từ trên nhà buông xuống, là những con rối, khung sườn làm bằng những mảnh tre nhỏ, những con búp bê của đảo Bali, trông như những chiếc diều giấy nhẹ và trong suốt dưới ánh trăng tưởng như những ước mơ, mong muốn thầm kín của ta đang sống động. “Chúng như những kẻ tà giáo bị treo cổ trong những ngày lễ hội trên những ngã tư đường ở nước Anh thời trong cổ” – Nhìn những con rối, tôi thầm nghĩ.

Agatha nghi ngại ngó xung quanh. Sự nghi ngờ lẫn với nỗi lo sợ và sau đó thành sự kinh tởm.

— Nếu như tất cả búp bê đều như thế này cả, chúng ta sẽ bỏ đây đi.

— Xuỵt! – Cha giữ Agatha lại.

— Hai năm trước đã có lần cha tặng con một con búp bê đáng ghét như thế này, cha nhớ không. – Agatha phản đối. – Các thứ dây nhợ cứ rối cả vào với nhau, lẫn lộn lung tung. Con đã ném nó qua cửa sổ.

— Bình tĩnh đã nào, con.

— Không sao, trong trường hợp này chúng ta sẽ cố gắng chọn thứ không có dây nhợ ấy. – Người đứng sau quầy bán hàng nói.

Thành thạo nghề nghiệp, ông ta nhìn chúng tôi, vẻ nghiêm chỉnh, không lộ ý cười đùa. Rõ ra là ông ta biết rằng trẻ con thường không tin lắm những ai quá dễ dàng nở nụ cười tươi, cười để đánh lừa người khác.

Vẫn không cười cợt, nhưng không hề khó chịu, không làm ra vẻ quan trọng, hoàn toàn giản dị, ông tự giới thiệu:

Guido Fantoccini xin phục vụ quý vị. Cháu Agatha Simmons mười một tuổi, Bác nghe cháu đây.

Ra thế đấy! Nhìn tầm vóc của Agatha ai cũng có thể đoán là Agatha không quá mười tuổi, nhưng ông ta đã khéo nghĩ ra điều tăng thêm cho nó một tuổi nữa. Trước mặt chúng tôi, dường như Agatha lớn lên ít nhất cũng vài ba phân.

— Đây, cháu cầm lấy.

Ông đặt vào lòng bàn tay Agatha chiếc chìa khóa vàng nhỏ.

— Cái này để lên dây cót chúng hả? Thay cho dây nhợ có phải không?

— Cháu đoán đúng đấy! – Ông ta gật đầu.

Agatha ầm ừ trong miệng, đó là cách biểu lộ một cách lịch sự câu nói quen thuộc của nó. “Tôi cũng tin là thế”.

— Rồi cháu sẽ thấy. Đây là chìa khóa người Bà Điện tử của cháu. Cháu tự chọn lấy bà ấy, tự lên dây cót. Sáng nào cũng cần làm thế, còn tối đến để cho dây cót nghỉ. Và cháu sẽ chăm sóc công việc đó. Cháu sẽ là người giữ chìa khóa, Agatha ạ.

Ông ta lại khẽ ấn chiếc chìa khóa nhỏ vào lòng bàn tay Agatha, còn nó vẫn cứ nhìn ông ta với vẻ không tin tưởng.

Tôi vẫn không rời mắt khỏi ông ta, và bất chợt ông ta láu lỉnh nháy mắt với tôi. Rõ ràng là ông ta muốn nói: “Không phải hoàn toàn như thế, tất nhiên, nhưng thật thú vị, đúng không nào?”

Tôi cũng kịp nháy mắt đáp ông ta trước khi Agatha lại ngửng đầu lên:

— Thế tra chìa khóa vào chỗ nào?

— Rồi cháu sẽ biết. Có thể tra vào bụng, cũng có thể tra vào lỗ mũi trái, hoặc lỗ mũi phải.

Điều ông ta nói còn thú hơn bất kì điều thú vị nào.

Ông ta đi ra khỏi quầy.

— Bây giờ, xin mời quý vị đi đến đây. Xin cẩn thận. Đứng trên hành lang chuyển động này thì cứ như là đứng trên sóng ấy. Thế, thế, được rồi.

Ông ta giúp chúng tôi bước từ lối đi tĩnh bên quầy hàng sang hành lang chuyển động đang chạy gần bên nghe rào rào nho nhỏ như một dòng sông.

Dòng sông gì mà tuyệt vời vậy! Nó đưa chúng tôi đến gần những bãi thảm màu xanh, qua những hành lang, những gian phòng, dưới những vòm tối của những hang động bí hiểm, nơi tiếng thở của chúng tôi được vang dội lại và những giọng nói của ai đó trầm bổng như hát, giống như nhà tiên tri, đáp lại cho mọi câu hỏi của chúng tôi.

— Qúy vị có nghe thấy không? – Người chủ hãng hỏi. – Đó là những giọng nữ cả đấy. Quý vị hãy nghe và chọn lấy một giọng. Chọn giọng nào mà tất cả quý vị cùng ưa thích…

Chúng tôi chăm chú nghe các giọng nói, thanh và trầm, âm vang và nho nhỏ, những giọng nghe âu yếm và những giọng nghe hơi nghiêm nghị, tất cả được thu thập ở đây hẳn là từ trước khi chúng tôi ra đời.

Agatha không có bên chúng tôi, nó thường chậm trễ vậy. Nó bướng bỉnh cố đi ngược chiều, làm như mọi chuyện xảy ra ở đây không quan hệ gì đến nó.

— Quý vị thử nói một câu đi. – Ông chủ đề nghị. – Thậm chí có thể kêu to nữa.

Chúng tôi thực hiện ngay lời đề nghị đó.

— Ơi-ơi-ơi! Hãy nghe đây, tôi đây, Timothy đây!

— Tôi mà cũng kêu thế à? – Tôi nói và bỗng nhiên gào lên – Cứu tôi với.

Agatha bướng bỉnh mím chặt môi, tiếp tục bước đi ngược chiều hành lang chuyển động.

Cha nắm lấy tay nó.

— Buông ra! – Nó kêu lên – Con không muốn tiếng con rơi vào đấy, cha có nghe thấy không, con không muốn!

— Chà, thế là tốt rồi. – Người chủ hàng nói, ngón tay khẽ chạm vào mặt ba chiếc đồng hồ nhỏ gắn trên hộp máy cầm trong tay. Bên sườn hộp máy xuất hiện ba đường tín hiệu sáng, loằng ngoằng đan vào nhau, nhập làm một, đó là những tiếng nói, tiếng kêu của chúng tôi.

Guido Fantoccini bật công tắc, và chúng tôi nghe thấy giọng nói của những người thân thoát ra, át cả những giọng nói khác, rất rõ ràng như bên cạnh vậy. Guido bấm hết nút này sang nút khác, ở chỗ này, ở chỗ kia, trên hộp máy, và bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng nói của mẹ chúng tôi, nhẹ nhàng như hơi thở, và tiếng cha lầm bầm rủa một bài viết trên tờ báo buổi sáng, rồi sau đó là tiếng khoan khoái của người ông hiền từ thỏa mãn sau khi uống hớp rượu vang ngon trong bữa ăn chiều. Không rõ ông chủ tốt bụng làm gì đó với hộp máy nhớ của ông ta, nhưng xung quanh chúng tôi là những tiếng thầm thì, xì xào, âm u, vô định rồi tất cả lại im lặng sau tiếng công tắc bật lần cuối cùng. Trong im lặng, không có tiếng ồn nhiều, vang lên một giọng nói. Giọng nói chỉ nói lên một tiếng:

— Nefertiti.

Timothy sững người, tôi cũng trơ như đá. Thậm chí Agatha cũng ngừng chuyện cố đi ngược chiều.

— Nefertiti? – Timothy hỏi lại.

— Nó là cái gì vậy? Agatha vặn hỏi

— Tôi biết! – Tôi reo lên.

Guido Fantoccini hài lòng gật gù.

— Nefertiti – Tôi hạ thấp giọng, nói thì thầm. – Thời Ai Cập nó có nghĩa là: “Cái tuyệt vời đã tới, để mãi mãi ở lại”.

— Cái tuyệt vời đã tới, để mãi mãi ở lại. – Timothy nhắc lại.

— Nefertiti… – Agatha kéo dài giọng.

Chúng tôi quay lại và nhìn về phía tranh tối tranh sáng xa xôi, mềnh mại, nơi giọng nói êm dịu, âu yếm và hiền từ ấy từ đó bay đến chúng tôi.

Chúng tôi tin là “Cái đó” ở đấy.

Và, xét theo giọng nói, “cái đó” thật tuyệt vời.

Giọng nói quyết định tất cả. Không rõ tại sao với chúng tôi nó như quan trọng nhất.

Tất nhiên còn nhiều mặt khác nữa chúng tôi phải quan tâm đến, ví dụ như vóc dáng và trọng lượng của người máy đó. Nó không nên xương xấu, góc cạnh quá để chúng tôi khỏi bị bươu đầu sứt trán khi va chạm, nhưng hẳn là cũng không nên to béo quá để chúng tôi bị chìm ngập hay ngạt thở trong vòng tay ôm của nó. Đôi tay nó phải đừng lạnh như đá cẩm thạch hoặc bỏng như bếp lò khi chạm đến chúng tôi hoặc lau mồ hôi trên trán nóng rực của chúng tôi những lúc ốm đau. Tốt hơn hết là chúng phải ấm áp, êm dịu như bàn tay của người mẹ, người bà.

Chúng tôi còn lo đủ mọi điều. Còn về các chi tiết khác của người máy thì chúng tôi cũng đã tỏ rõ hết mình. Chúng tôi thét nhau, tranh cãi tưởng đến chảy nước mắt, nhưng rồi Timothy vẫn khăng khăng theo ý nó: mắt chỉ có thể là màu như thế, không thể khác được. Tại sao vậy? Điều này rồi sau ta sẽ rõ.

Còn màu tóc của Bà chúng tôi sẽ thế nào? Giống như mọi đứa con gái khác, Agatha có ý kiến riêng đặc biệt về điều này, nhưng nó không có ý muốn thảo luận với chúng tôi. Vì thế tôi và Timothy để cho nó tự quyền chọn trong số rất nhiều mẫu khác nhau, giống như những bức thảm trang trí treo tường, gợi cho chúng tôi những dòng nước mưa nhiều màu sắc mà ta đang đưa đầu ra hứng phía dưới. Agatha không chia sẻ niềm hào hứng ấy của chúng tôi, nhưng nó hiểu rằng trong chuyện này dựa vào bọn con trai chúng tôi là điều ngốc nghếch nên bắt chúng tôi tránh sang một bên, không quấy rầy nó.

Cuối cùng món hàng sắm đạt yêu cầu ở cửa hàng tổng hợp “Ben Franklin – Người máy điện tử và hãng “Fantoccini Pantomime”. Hàng bán đặt theo ca-ta-lô đã được thỏa thuận xong.

Dòng sông hành lang chuyển động đã đưa chúng tôi tới bờ. Trời đã ngả về chiều.

Nói gì đi nữa thì những người của hãng “Fantoccini” cũng đã hành động rất thông thái.

Các bạn sẽ hỏi: thông thái như thế nào?

Họ đã để chúng tôi phải đợi chờ.

Họ hiểu rằng hãy còn sớm để nói tới thắng lợi, trong trường hợp nào cũng vậy, dù là thắng lợi toàn phần và nếu các bạn muốn, thậm chí là thắng lợi một phần.

Đặc biệt nếu như nói về Agatha. Vừa đặt mình xuống giường ngủ là lập tức nó xoay mặt vào tường, và ai biết được là nó đã tưởng tượng ra những cảnh buồn thảm nào trong hình vẽ của giấy dán tường mà nó luôn tay sờ mó. Còn sáng ra thì chúng tôi thấy trên đó, nó dùng móng tay vạch ra những hình sinh vật nhỏ bé, con thì trông hiền lành đẹp đẽ, con thì trông dữ tợn hung ác, hệt như trong giấc mơ hoảng. Một số hình thì biến mất ngay khi mới chạm tay vào, như màng tuyết trên cửa kính tan ra vì hơi thở nóng, số khác thì không xóa đi được mặc dù chúng tôi đã cố gắng tẩy đi, thậm chí cả bằng bọt biển thấm nước.

Còn những người “Fantoccini” lại không vội vã gì.

Tháng sáu đã qua đi trong sự khắc khoải đợi chờ.

Tháng bảy vô tích sự rồi cũng trôi qua.

Sự chịu đựng của chúng tôi với tháng tám qua dần.

Bỗng vào ngày 29 Timothy nói:

— Hôm nay em có cảm giác là lạ thế nào ấy…

Và sau bữa ăn sáng, chúng tôi không nói gì với nhau, đi ra bãi cỏ trước nhà.

Có thể chúng tôi đã nghi ngờ điều gì đó khi thấy cha nói chuyện điện thoại với ai đó vào chiều hôm qua, hoặc là cha đã không giấu được chúng tôi những khi ông thận trọng, lúc nhìn lên trời, lúc nhìn ra con đường cái trước nhà. Mà có thể lỗi chính là do ngọn gió thổi làm những tấm rèm che như những bóng đem xám xịt suốt đêm chạy quấn trong phòng ngủ. Tất cả điều đó dường như muốn nói với chúng tôi điều gì.

Dù thế này hay thế kia, tôi và thằng Timothy đã ở ngoài bãi cỏ, còn Agatha làm ra vẻ ta đây bất cần, nhưng cái đầu của nó vẫn lúc lúc thập thò ở đâu đó trên hiên nhà, sau những chậu cây thiên trúc quỳ.

Chúng tôi như không để ý đến đứa em gái của mình. Chúng tôi biết chỉ trợn mắt là nó bỏ chạy ngay. Vì thế chúng tôi chỉ nhìn lên trời thôi. Trên trời có mấy con chim và vạch trắng xa xôi của chiếc máy bay phản lực. Chúng tôi cũng không quên đôi lúc ngó ra đường cái, nơi thỉnh thoảng chiếc xe hơi lao qua. Bởi vì rằng một chiếc nào đó trong những xe hơi đó sẽ đem tới cho chúng tôi… Không, không, chúng tôi chẳng đợi chờ gì cả. Trưa rồi, tôi và Timothy vẫn còn nằm trên bãi cỏ, miệng nhấm nháp mấy ngọn cỏ non.

Vào một giờ trưa bỗng thằng Tim nhấp nháy mắt, vẻ ngạc nhiên. Và ngay lúc đó mọi chuyện đã xảy ra với tốc độ chính xác tuyệt vời.

“Fantoccini” như đã tiếp nhận được sự nóng lòng sốt ruột căng thẳng đến cực độ của chúng tôi và họ đã chọn thật đúng lúc.

Dường như cảm thấy nỗi chịu đựng, dai dẳng của chúng tôi phải kết thúc, cái đó có thể xảy ra trong bất kì dây phút nào, và tất cả sẽ biến đi, sẽ bị lãng quên như chưa hề bao giờ có chuyện gì xảy ra, chính vào cái phút giây linh cảm ấy những đám mây trên ngôi nhà chúng tôi tan ra và thả xuống chiếc máy bay trực thăng, như bầu trời thần thoại giãn ra cho chiếc xe của thần Apollo.

Chiếc xe thần từ từ hạ xuống trong cánh quạt gió rộn ràng, những luồng gió nóng của nó lập tức nguội đi, thôi dựng đứng tóc chúng tôi lên, phất đạp những tà áo nghe như tiếng vỗ tay râm ran, còn mái tóc của Agatha lúc đó sổ tung ra. Chiếc trực thăng như con chim hoảng sợ chạm xuống mặt bãi cỏ, nghiêng bụng và một chiếc hòm cỡ lớn rơi xuống mặt cỏ. Và chẳng dành thời gian để chào hỏi hay để tạm biệt, quạt gió xoáy mạnh hơn nữa, chiếc trực thăng lập tức bốc lên cao, và như quỷ thần bay vút đi xa, để đến nơi nào đó lặp lại trò phép thần thông của mình.

Tôi và Timothy ngẩn ngơ ngó chiếc hòm hồi lâu. Nhưng khi chúng tôi nhìn thấy chiếc xà beng nậy hòm nhỏ gắn ở nắp hòm gỗ thông bào thô, chúng tôi không nghĩ ngợi gì hơn nữa. Chúng tôi lao đến bên chiếc hòm, dùng xà beng nạy răng rắc hết tấm ván này đến tấm ván khác ra. Mải mê làm, tôi không nhận ra ngay là Agatha đã không còn ở trên hiên nhà nữa, nó náu mình, bí mật tò mò quan sát chúng tôi, rồi sau đó nó rón rén tới gần…

Mảnh ván xuối cùng đã rời ra.

Tôi và Timothy cùng ồ lên. Agatha lúc này đã đứng ở gần bên, nó cũng không kìm được tiếng kêu ngạc nhiên.

Bởi vì rằng trong chiếc hòm lớn bằng gỗ thông bào thô có một món quà mà ta chỉ dám mơ ước mà thôi. Món quà quý cho bất cứ người trần thế nào, cho dù người đó mới lên bảy hay đã bảy mươi bảy tuổi.

Thoạt tiên chúng tôi lặng người đi không nói, không thở được, sau rồi chúng tôi gào rú lên man dại vì hào hứng và vui mừng.

Bởi vì rằng trong thùng có một… xác ướp Mômi. Nói đúng ra mới chỉ thấy chiếc quan tài chúng tôi đã thích rồi.

— Không, không thể tưởng được! – Timothy suýt bật khóc vì sung sướng.

— Không thể tưởng được! – Agatha nhắc lại.

— Đúng, đúng, đúng nó là đây rồi!

— Của chúng ta, của riêng chúng ta.

— Tất nhiên là của chúng ta rồi.

— Nhưng nhỡ họ lầm thì sao?

— Và người ra thu hồi thì sao?!…

— Không đời nào!

— Nhìn xem này, vàng ròng đấy nhé! Và cả những chữ tượng hình thực sự nữa. Này sờ mà xem.

— Cho tôi sờ một tí nào.

— Giống hệt như cái ở trong nhà bảo tàng ấy nhỉ!

Chúng tôi cùng lúc nói, đứa nọ chen lời đứa kia. Những giọt nước mắt lăn trên má tôi, rơi xuống chiếc quan tài.

— Anh làm hỏng những chữ tượng hình này mất thôi. – Agatha vội vã lau nắp chiếc quan tài.

Chiếc mặt giả trên quan tài nhìn chúng tôi, hơi mỉm cười, dường như đang chia vui với chúng tôi, và sẵn lòng nhận lấy tình yêu thương của chúng tôi, chúng tôi đã tưởng rằng tình thương đó đã mãi mãi rời khỏi trái tim chúng tôi, nhưng nay lại trổi về và bừng lên dưới ánh nắng mặt trời đầu tiên.

Bởi lẽ mặt nạ là một vầng mặt trời đúc bằng vàng ròng, với sống mũi hơi cong, với nét môi vừa dịu hiền lại đôi chút kinh nghiêm nghị. Đôi mắt ánh màu xanh da trời. Không! Màu xanh thạch anh, màu lam ngọc, đúng hơn là pha trộn hòa hợp của cả ba màu. Thân thì phủ bằng hình những con sư tử mắt người và mắt chim hòa lẫn. Đôi tay vàng khoanh trước ngực, nắm chiếc roi, tượng trưng cho sự phục tùng, và một bông hoa hoang dã tiêu biểu cho sự ngoan ngoãn vâng lời.

Mắt chúng tôi chăm chú xem xét, những chữ tượng hình, và bỗng nhiên chúng tôi đã hiểu ngay…

— Những dấu hiệu này, bởi chúng… Đây là hình dấu chân chim, đây là rắn!… Đúng, đúng, nó có nghĩa không phải về quá khứ.

Trong chữ tượng hình có Tương lai.

Đây là một xác ướp Mômi đầu tiên của lịch sử mà những dòng chữ viết bí hiểm của nó không báo cho ta biết những gì đã có trong quá khứ mà nó lại nói về những gì sẽ xảy đến qua một tháng, một năm, hay nửa thế kỷ nữa!

Nó không than vãn cho những gì đã qua không bao giờ trở lại.

Chữ tượng hình là những tín hiệu chào mừng sự hài hòa rạng rỡ của những ngày tháng và sự kiện sẽ tới, đã được ghi lại, tàng trữ, đợi chờ giờ phút đến lượt mình thoát ra với đời.

Chúng tôi sùng kính quỳ xuống trước thời gian tương lai và hiện tại. Cánh tay giơ lên, thoạt đầu một tay, rồi cả hai tay, những ngón tay rọt rè chạm vào, mâm mê, vuốt ve, nhẹ xoa theo những đường nét của những tượng hình thần diệu đó.

— Em đây này, nhìn mà xem! Đây là em đang học lớp sáu! Agatha reo lên (hiện nay nó học lớp năm). – Mọi người nhìn thấy cô bé này không? Tóc nó cũng giống tóc em và cả chiếc váy màu nâu nữa.

— Còn đây là em ở trường trung học! – Timothy vững tin nói, nó hãy còn bé tí, nhưng mỗi tuần lễ qua nó lại đóng những tấm gỗ lót chân mới vào đôi cà kheo và đi lại vẻ trịnh trọng trong sân.

— Và cả… anh cũng ở trường trung học! – Tôi hồi hộp thì thầm. – Cái anh chàng béo phục phịch đeo kính tất nhiên đó là mình rồi, quỷ tha ma bắt nó đi. – Tôi lúng túng ậm ừ trong miệng.

Trên chiếc quan tài còn có cả những ngày nghỉ hè, nghỉ đông của chúng tôi, có thu với những chiếc là vàng rụng xuống, rải rác khắp mặt đất như những đồng tiền vàng, và trên tất cả những cái đó, biểu tượng của mặt trời, mặt trăng bất diệt của con gái thần Ra, ánh sáng đưa dường hướng về thiện giới, đời đời rạng chiếu khoảng rộng chân trời của chúng tôi.

— Thật là tuyệt vời! – Chúng tôi cùng đồng thanh reo lên, vừa đọc đi đọc lại cuốn sách số phận của mình, vừa xem xét những đường nét của cuộc đời mình và của rất cả những gì tuyệt diệu, không sao hiểu nổi, những thứ đó đã được chạm khắc tỉ mỉ phong phú ở chung quanh.

— Thật là tuyệt vời!

Và không nói một lời, chúng tôi nắm lấy nắp quan tài bóng loáng, không có bản lề, không có khóa chốt, chiếc nắp có thể dễ dàng và nhẹ nhàng mở ra như nhấc một chiếc đĩa úp trên chiếc đĩa khác, chúng tôi nâng nắp quan tài lên và đặt sang bên cạnh.

Hiển nhiên là… trong quan tài có một xác ướp Mômi thực sự!

Nó cũng giống như hình mẫu trên nắp quan tài, nhưng còn đẹp đẽ và dễ ưa hơn nữa, bởi vì nó hoàn toàn giống như một sinh vật sống, cuốn trong tấm vải lanh thô mới và sạch sẽ, chứ không phải là thứ vải liệm đã bị mục, rã ra như bụi.

Mặt nó được che bởi chiếc mặt nạ bằng vàng quen thuộc, nhưng không trẻ hơn và thật lạ lùng là trông thông thái hơn. Ba mảnh vải lanh thô mới, sạch sẽ quấn quanh người nó. Những mảnh vải đóng cũng vẽ đầy những chữ hình tượng như trên mỗi mảnh mỗi khác: đây là những chữ hình dành cho cô bé mười tuổi, còn đây là dành cho chú bé chính tuổi và chú bé mười ba tuổi. Vậy ra là mỗi người chúng tôi có phần riêng cho mình!

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau và bỗng nhiên bật cười vang.

Các bạn đừng nghĩ là ai đó trong chúng tôi nghĩ ra rằng cái đó được quấn trong vải lanh thô, mà trên vải lanh thô kia là chúng tôi, vậy nghĩa là cái đó chẳng thể biến đi đâu khỏi chúng tôi được!

Thế thì sao nào, chẳng lẽ đây là chuyện không hay! Không, chuyện này đã được dự tính tài tình để cho chúng tôi cũng tham gia vào đây, và người làm ra cái này đã biết là bây giờ thì không một ai trong chúng tôi sẽ đứng ngoài cuộc nữa. Chúng tôi lao đến bên xác ướp Mômi, mỗi người kéo rải ra tấm vải lanh của mình, và chúng tung ra như con đường núi ngoằn ngoèo kỳ diệu!

Chẳng mấy chốc trên bãi cỏ đã đầy một đống vải lanh, còn xá ướp Mômi vẫn bất động, chờ đợi giây phút sống của mình.

— Nó là vật chết! – Bỗng Agatha hét lên. – Nó cũng chết rồi! – Agatha hoảng sợ lùi bỏ chạy

Tôi nhanh tay kịp giữ nó lại.

— Em ngốc lắm, nó chẳng sống mà cũng chẳng chết. Em giữ chìa khóa phải không? Khóa đâu rồi?

— Chiếc khìa khóa nhỏ ấy à

— Đồ ngu! – Tim kêu lên. – Cái chìa khóa mà ông chú hiệu đưa cho chị ấy mà. Để mở máy cho nó chạy.

Tay Agatha đã lần trên cổ áo, chỗ đeo vật có thể biểu tượng cho niềm tin mới của chúng tôi, ở đây vòng cổ. Nó giật đứt dây đeo cổ, tự mắng mình, rồi chửi tục, và đây, vật đó đã ở trong lòng bàn tay nhớp mồ hôi của nó.

— Nào, nhanh lên, tra chìa khóa vào đi. – Timothy sốt ruột kêu lên.

— Tra vào đâu?

— Đúng là thứ ngu! Ông ấy đã bảo chị tra vào chỗ nách phải hay là vào lỗ tai trái mà. Đưa chìa khóa đây cho em!

Nó giằng lấy chìa khóa, thở hổn hển vì nóng vội, và bực tức là chính mình cũng không biết nên tra khóa thiêng liêng bí mật kia ở đâu, bắt đầu lần sờ xác ướp Mômi từ chân tới đầu, chọc chọc chiếc chìa khóa khắp chỗ. – Mở máy cho nó chạy ở chỗ nào, ở chỗ nào đây? Và đúng lúc đã thất vọng, bỗng chốc nó chọc chìa khóa vào bụng Mômi, vào đúng chỗ mà nó cho rằng đó là rốn Mômi.

Và kì diệu làm sao! Chúng tôi nghe thấy tiếng lạo sạo.

Người Bà Điện tử đã mở mắt ra! Tiếng sạo sạo và um um to hơn lên. Hệt như Timothy khua gậy vào tổ ông vò vẽ vậy.

— Trả đây! – Agatha cho rằng Timothy đã cướp đi của nó tất cả niềm vui phát hiện đầu tiên, kêu lên – Trả đây! – Và nó giằng lấy chiếc chìa khóa trong tay Timothy.

Cánh mũi Bà chúng tôi phập phồng, Bà đang thở! Điều đó thật khó tin, cũng giống như nếu lỗ mũi Bà phì ra hơi khói hoặc phun ra lửa!

— Anh cũng muốn!… – Không dừng được, tôi giằng lấy chìa khóa từ Agatha, lấy hết dức vặn ổ khóa… Keng!

Miệng nguời máy tuyệt vời mở ra.

— Em cũng muốn mở máy!

— Em!

— Anh!!!

Bỗn nhiên Bà vùng ngồi lên.

Chúng tôi hoảng hốt lùi lại.

Nhưng chúng tôi đều đã hiểu: Bà đã sinh ra đời! Đã ra đời! Và chúng tôi đã làm ra điều đó!

Bà lắc lắc đầu. Bà nhìn, Bà mấp máy môi. Và hành động đầu tiên là Bà cười.

Lúc ấy chúng tôi bỗng hoàn toàn quên là chỉ một phút trước đây chúng tôi đã sợ hãi lùi xa khỏi Bà. Bây giờ thì tiếng cười lôi kéo chúng tôi đến bên Bà.

Ôi tiếng cười mới lôi cuốn, vui vẻ và chân thật làm sao! Tiếng cười không gợn chút giễu cợt, nó chào mừng chúng tôi, như thể nói rằng: đúng vậy, đây là một thế giới lạ kỳ, nó lớn lao và đầy rẫy những chuyện bất ngờ, trong thế giới ấy, có thể nói là có nhiều điều phi lý, nhưng chính bằng vào những cái đó thế giới này thật tuyệt diệu, và ta vui mừng bước vào thế giới đó, và bây giờ ta không đổi nó lấy bất cứ thế giới nào khác nữa. Ta không muốn lại ngủ thiếp đi và trở về nơi xưa mà ta từ đó tới đây.

Bà đã tỉnh dậy. Chúng tôi đã đánh thức bà. Chúng tôi gọi và về với cuộc sống bằng những tiếng hò reo vui sướng. Lúc này bà chỉ còn viêc đứng lên và đi ra với chúng tôi.

Và bà đã làm như vậy. Bà đã bước ra khỏi chiếc quan tài, sau khi vứt bỏ những vải bọc bên ngoài, bước lên một bước, rũ và vuốt lại nếp áo quần, đưa mắt nhìn quanh như thể tìm gương để soi. Và Bà đã tìm thấy chiếc gương đó là những cặp mắt của chúng tôi, trong đó Bà trông thấy hình bóng mình. Hẳn hình bóng Bà trông thấy đó khiến Bà thích thú bởi vì tiếng cười vang của Bà đã được thay bằng nụ cười mỉm đầy ngạc nhiên.

Còn Ahatta thì lúc này nó đã không còn ở bên chúng tôi nữa. Hoảng sợ trước mọi chuyện xảy ra, nó lại trốn lên hiên nhà. Còn Bà thì không nhận ra điều đó.

666

Bà khoan thai quay người, ngó nhìn khắp bãi cỏ và con đường mát bóng cây, hệt như thu hút vào mình mọi điều mới lạ. Mũi Bà phập phồng, dường như Bà đang thở thật sự, tận hưởng ngày đầu tiên trong vườn thiên đàng và thong thả cắn quả táo của sự nhận thức ra điều thiện, điều ác, và ngay lúc đó cuộc chơi huyền diệu bị tan vỡ…

Sau cùng đôi mắt Bà dừng lại trêu đứa em trai Timothy của tôi.

— Hẳn cháu là…

— Timothy – Nó vui sướng nhắc Bà.

— Còn cháu?

— Tom ạ. – Tôi trả lời.

Những người hãng Fantoccini thật khôn ngoan! Họ thừa biết rõ chúng tôi ai tên là gì. Và bà cũng đã biết điều đó. Nhưng họ đã cố tình huấn luyện cho bà làm ra vẻ như không biết gì cả. Để chúng tôi như dạy cho bà những điều mà thực ra không có chúng tôi Bà cũng đã biết rõ cả rồi. Chuyện như thế đó!

— Hình như ở nhà còn một cháu bé trai nữa thì phải nhỉ? – Bà hỏi.

— Cháu gái! – Một giọng giận hờn vang lên từ trên hiên nhà.

— Và hình như cháu tên là Alicia phải không?

— Agatha! – Giọng hờn giận đổi sang tức tối.

— Hừ, nếu không phải là Alicia thì hẳn là Algernon.

— Agatha!!! – Cái đầu của Agatha thò ra ở sau lan can rồi lại biến đi, mặt đỏ bừng vì xấu hổ.

— Agatha. – Bà gọi tên nó với vẻ hoàn toàn hài lòng. – Như vậy là Agatha, Timothy và Tom. Nào, để Bà ngắm nghía tất cả các cháu chút đã nào.

— Không, chúng cháu ngắm Bà trước đã! Chúng cháu cơ!

Lòng chúng tôi xốn xang. Chúng tôi đến bên bà, chúng tôi thong thả đi vòng quanh bà, một lần nữa, rồi lại một lầ nữa, vẽ thành những vòng tròn dọc theo đường biên lãnh địa của bà. Lãnh địa ấy mở rộng đến khoảng mà chúng tôi không còn nghe thấy tiếng rì rầm đều đều giống như tiếng rì rào của bộng ong giữa ngày hè nóng nực. Đúng là như vậy, điều đặc biệt tuyệt vời của Bà chúng tôi. Bà luôn là mùa hè, là buổi sớm mai đầu tháng sáu, khi thế giới bừng thức dậy, và quanh ta mọi thứ đều tuyệt diệu, thông minh và hoàn tất. Chỉ mới hé mắt ra là ta đã biết ngày hôm nay sẽ ra sao. Nếu ta muốn bầu trời xanh biếc nó sẽ xanh biếc như vậy. Nếu ta muốn ánh mặt trời lọt qua tán lá, vẽ trên mặt thảm cỏ đẫm sương sớm những bóng hình sáng tối thì cũng sẽ được như thế.

Những con ong bắt đầu vào công việc sớm hơn tất cả. Chúng đã ở trên những trảng cỏ, trên đồng nội và đã trở về tổ để lại bay đi và trở về không phải chỉ một lần, hệt như những sợi tơ vàng trong không trung trong suốt, phủ đầy phấn hoa và mật ngọt, trang điểm cho chúng như những ngù vai bằng vàng. Các bạn có nghe thấy tiếng chúng bay không? Thấy chúng lượn bay trong không trung? Chúng chào mừng nhau bằng tiếng nói của vũ điệu, bảo cho nhau biết bay đi đâu để kiếm được mật ngọt, thứ mật làm những chú gấu rừng phải mê hồn, khiến những cậu bé con phải hứng chí khôn tả, còn các cô bé gái, có trời biết, sẽ tưởng tượng mình ra sao, tối tối nhảy ra khỏi giường để xúc động đến đứng tim nhìn thấy trong mặt gương phẳng lặng thân hình mình mịn màng, bóng bẩy như những con cá heo đang vui đùa.

Thứ đồ chơi Điện tử đã gợi nên trong chúng tôi những ý nghĩ đó giữa buổi trưa tuyệt vời trên bãi cỏ trước nhà.

Nó hấp dẫn, lôi cuốn, mê hoặc, bắt phải chạy vòng quanh nó, nhớ đến những thứ tưởng như không thể nhớ ra được, và sự quan tâm trìu mến của nó đã trở thành cần thiết cho chúng tôi đến thế.

Tuy nhiên tôi chỉ nói về Timothy và về bản thân mình, bởi vì Agatha còn đang nấp trên hiên nhà như cũ. Đầu Agatha thập thò trên lan can, nó cố để không bỏ qua điều gì, nghe hết mọi lời, nhớ từng cử chỉ.

Sau cùng Timothy reo lên:

— Đôi mắt!… Đôi mắt bà kìa!

Đúng, đôi mắt huyền diệu, thật không bình thường.

Chúng rực rỡ hơn màu xanh da trời trên nắp quan tài hoặc màu mắt chiếc mặt nạ che mặt Bà. Đó là đôi mắt sáng chói lọi và hiền từ nhất trên thế giới này, và chúng, chúng chiếu sáng thầm lặng, trong trẻo.

— Mắt của bà… – Timothy hổn hển vì hồi đáp, thì thào. – Màu mắt giống như thể…

— Như thể gì nào?

— Như thể những quả cầu thủy tinh yêu quý của cháu…

— Không ai có thể nghĩ ra hay hơn thế được.

Tom bàng hoàng không biết trả lời ra sao.

Ánh mắt Bà lại lướt đi và dừng lại trên người tôi: Bà thích thú ngắm nghía khuôn mặt tôi, mũi này, tai này, cằm này.

— Còn cháu thì thế nào hả, Tom?

— Cháu cái gì kia hả Bà?

— Chúng ta sẽ kết bạn với nhau chứ? Bởi vì không thể khác được nếu chúng ta muốn cùng sống chung dưới một mái nhà và sang năm tới…

— Cháu… – Tôi không biết trả lời ra sao, nói ngập ngừng.

— Bà biết. – Bà nói. Cháu như chú chó con kia, rất thích sủa lên nhưng mồm dính đầy kẹo kéo. Đã bao giờ cháu cho chú chó nhỏ ăn kẹo mạch nha chưa? Trông thật buồn cười, phải không nào, nhưng vẫn buồn buồn thế nào ấy. Thoạt đầu thì cháu cười bò ra vì thấy con vật đáng thương cuống quýt cố thoát khỏi miếng kẹo dính, nhưng sau rồi cháu thấy thương hại nó và tự thấy xấu hổ vô cùng. Chính cháu cũng suýt bật khóc, xô đến cứu nó và rú lên vui sướng khi lại nghe thấy được tiếng nó sủa.

Tôi bối rối ậm ừ khi nhớ đến con chó nhỏ và cả cái ngày mà tôi đã bày ra trò đùa đó.

Bà nhìn quanh và nhận ra chiếc diều của tôi nằm dài bất động trên bãi cỏ.

— Đứt dây rồi. – Bà đoán ra ngay. – Không, cả cuộn dây cũng bị mất rồi. Mà không có dây thì thả diều thế nào được. Chúng ta sẽ coi xem sao nào.

Bà cúi xuống chiếc diều, và chúng tôi chăm chú theo dõi xem ra sao. Chẳng lẽ người máy lại biết chơi thả diều hay sao? Khi Bà đứng thẳng người lên, chiếc diều đã ở trong tay Bà.

— Bay đi nào! – Bà nói với diều như nói với con chim.

Và cánh diều bay lên.

Vung rộng cánh tay, Bà đã thả nó lên tận tầng mây. Bà và cánh diều như một thể thống nhất, bởi từ ngón tay trỏ của Bà nối dài ra như một sợi chỉ mỏng manh lấp lánh, hầu như vô hình, giống như sợi tơ nhện hoặc sợi cước nhỏ, nhưng nó giữ chắc chiếc diều đang bay cao lên cả trăm thước khỏi mặt đất, không, cả ba trăm thước, và rồi cả nghìn thước, bay đi xa mãi vào tầng cao đến chóng mặt của ngày hè.

Tim sung sướng gào lên. Từ trên hiên Agatha đang đau khổ vì những tình cảm mâu thuẫn nhau cũng reo lên. Còn tôi không quên là mình đã lớn, làm ra vẻ hình như không có chuyện gì đặc biệt xảy ra, nhưng trong lòng tôi có cái gì đó rộng mở, lớn lên và sau cùng, bùng ra, và tôi nghe thấy chính mình cũng hò reo. Hình như tôi kêu lên điều gì đó như thể muốn có được ngón tay thần diệu như vậy, từ đó kéo ra được sợi chỉ, không phải một con chỉ mà là cả cuộn, để cánh diều có thể bay cao, cao mãi, vượt chín tầng mây xanh.

— Nếu cháu nghĩ thế đã là cao thì xem đây này! – “Bà người máy điện tử” của chúng tôi nói vậy, và cánh diều lại bay lên cao hơn, rồi lại cao nữa, cao nữa, cho đến lúc trông giống như một cánh hoa giấy tròn nhỏ đỏ thắm. Nó hồn nhiên đùa giỡn với những cơn gió mà những phi cơ hỏa tiễn thổi ra và trong nháy mắt thay đổi cả bầu trời xanh.

— Thật không thể thế được! – Tôi không kìm được mình.

— Có thể được lắm chứ! – Bà trả lời, không tỏ vẻ ngạc nhiên, vừa chăm chú vào đầu ngón tay cứ tuôn ra, tuôn ra mãi sợi chỉ vô tận. – Và đây cũng đơn giản vậy. Một chất lỏng như ở giống nhện. Ra ngoài không khí nó đông cứng lại và biến thành sợi chỉ bền…

Khi chiếc diều của chúng tôi trông nhỏ hơn một dấu chấm, nhỏ hơn một hạt bụi trong ánh mặt trời, thậm chí không quay người lại, không đưa mắt nhìn về phía hiên nhà, bỗng nhiên Bà nói:

— Còn bây giờ Abigail đâu nhỉ?

— Agatha! – Tiếng xẵng giọng đáp lại.

Ôi những phụ nữ thông minh mới có tài làm như không thấy điều thô lỗ đó!

— Agatha. – Bà nhắc lại, không chút nịnh bợ, không chút lấy lòng, hoàn toàn bình thản. – Bao giờ thì Bà với cháu sẽ làm thân với nhau đây?

Bà dứt đứt sợi chỉ, cuốn vào cổ tay tôi ba vòng, thế là tôi bỗng được nối với bầu trời bởi một sợi giây dài nhất, thề với các bạn là như thế, dài nhất trong lịch sử tồn tại của những cánh diều giấy. Các bạn tôi mà trông thấy thì hẳn phải kinh ngạc vô cùng! Khi nào tôi đưa ra cho chúng xem, chúng phải điên lên vì ghen tị.

— Agatha, vậy thì đến bao giờ đây cháu?

— Không bao giờ cả!

— Không bao giờ cả. – Đột nhiên tiếng vang dội lại.

— Vì sao vậy hả cháu?

— Không bao giờ chúng ta trở thành bè bạn đâu! – Agatha hét lên.

— Không bao giờ chúng ta trở thành bè bạn đâu… – Tiếng vang nhắc lại.

Tôi và Timothy cùng quay người lại. Tiếng vang từ đâu ra nhỉ? Thậm chí cả Agatha cũng ló mặt ra khỏi hàng lan can để xem.

Rồi chúng tôi đã biết, đó là Bà đã khum tay lại như hình con ốc biển lớn và từ đó bay ra những tiếng vang…

— Không bao giờ… bè bạn đâu…

Tiếng vang lặp lại, nhỏ dần đi và lặng vào mãi xa xôi.

Cúi nghiêng đầu, chúng tôi lắng nghe, chúng tôi đây là Timothy và tôi, vì Agatha đang gào lên: “Không!”, nó chạy vào nhà đóng sầm cửa lại.

— Bạn bè đâu… – Tiếng vang lặp lại. – Không…! Không…! Không…!

Ngày đầu tiên như vậy đó.

Và rồi cố nhiên là ngày thứ hai, ngày thứ ba, thứ tư tới, bà cứ quay tròn và chiếu sáng, còn chúng tôi như những vệ tinh của bà, Agatha thoạt đầu còn miễn cưỡng, nhưng sau rồi gần gũi chúng tôi nhiều hơn để cùng đi dạo chơi, nó luôn chỉ đi bước một chứ không bao giờ chạy nhảy, nó nghe mà như không nghe thấy, nó nhìn mà như không trông thấy, và nó muốn, ôi muốn khẽ chạm biết chừng nào vào…

Dù sao đi chăng nữa thì vào cuối mười ngày đầu tiên, Agatha không còn bỏ chạy nữa, nó luôn ở đâu đó gần chúng tôi: hoặc đứng ngoài cửa hay ngồi trên ghế xa xa, dưới bóng cây, còn khi kéo đi dạo chơi thì nó đi theo chúng tôi ở phía sau, cách chừng mươi bước.

Còn Bà thì sao? Bà đợi chờ, Bà không dỗ dành và cũng không ép uổng. Bà chỉ làm công việc của mình, nấu bữa ăn sáng, bữa trưa và bữa chiều, nướng bánh nhân mứt mơ. Bà luôn luôn bỏ bánh lại lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ khác, dường như bà muốn thu hút cô gái nhỏ ưa của ngọt. Và quả nhiên là qua một tiếng đồng hồ những đĩa bánh ấy đã hết sạch trơn, những chiếc bánh nướng và bánh bao đã bị chén hết, Bà chẳng được lời cảm ơn và điều gì khác cả. Còn Agatha tươi cười đang ngồi trượt xuống theo thành tay vịn lan can cầu thang, cằm dính đầy bột đường và những mẩu bánh vụn.

Còn tôi và Timothy thì có cảm giác như chỉ vừa kịp chạy lên đỉnh đồi đã trông thấy Bà ở xa xa phía dưới và chúng tôi lại vụt chạy theo Bà.

Nhưng thích thú nhất là mỗi người chúng tôi thấy dường như Bà hết lòng quan tâm đến chính riêng mình.

Mà Bà biết cách nghe chúng tôi nói nữa chứ! Bà nhớ từng lời, từng câu, giọng điệu, từng ý nghĩ của chúng tôi, thậm chí những điều bịa đặt phi lý nữa. Chúng tôi hiện rõ ràng trong trí nhớ của Bà. Trí nhớ ấy như chiếc ống đựng tiền để dành, chứa đựng mỗi ngày qua của chúng tôi, và nếu như chúng tôi muốn xem những gì chúng tôi đã nói trong ngày nào, giờ nào hay trong phút giây nào đó, chúng tôi chỉ cần hỏi Bà, Bà không để chúng tôi phải chờ đợi.

Đôi lúc chúng tôi thử kiểm tra Bà.

Tôi nhớ một lần tôi cố tình ba hoa chuyện lăng nhăng gì đó, rồi tôi đứng lại, nhìn bà và hỏi:

— Bà ơi, Bà nhắc lại xem cháu vừa nói gì ấy nhỉ?

— Cháu a a…

— Nào, nào, Bà nói đi.

— Bà thấy hình như cháu… – Bỗng Bà cho tay vào túi xách làm gì đó. – Này, cầm lấy. – Bà lấy từ trong chiếc túi sâu vô tận ra và đưa cho tôi, các bạn nghĩ xem nó là cái gì nào? – Bánh quy, trong có vật tặng bất ngờ!

— Bánh vừa lấy trong lò nướng ra, còn nóng, cháu thử bẻ chiếc bánh ra xem.

Chiếc bánh quy nóng bỏng trong lòng bàn tay thật. Và bẻ nó ra rồi, tôi trông thấy bên trong chiếc bánh có một mảnh giấy nhỏ cuộn tròn.

“Tôi sẽ là quán quân môn đua xe đạp thể thao của toàn vùng duyên hải miền Tây. Bà ơi, Bà nhắc lại xem cháu vừa nói gì ấy nhỉ… Nào, nào, Bà nói đi” – Tôi đọc hàng chữ.

Thậm chí miệng tôi há hốc ra vì ngạc nhiên:

— Bà làm thế nào mà giỏi vậy?

— Bà có những điều bí mật riêng. Chiếc bánh quy đó kể lại cho cháu nghe những gì vừa mới xảy ra. Cháu muốn chiếc bánh nữa không?

Tôi lại bẻ gãy chiếc bánh khác, mở mảnh giấy ra đọc! “Bà làm thế nào mà giỏi vậy?”

Tôi bỏ vào miệng cả hai chiếc bánh quy và nhai nuốt nó cùng với những mảnh giấy nhiệm màu. Chúng tôi tiếp tục đi dạo chơi.

— Cháu thấy thế nào?

— Ngon lắm Bà ạ. Bà nướng bánh giỏi lắm. – Tôi đáp.

Chúng tôi cười vang thích thú và chạy thi với nhau.

Và chuyện này cũng thật thú vị. Trong những cuộc đua tài như thế này không bao giờ Bà cố để thua, nhưng Bà không vượt chúng tôi, Bà chạy chỉ hơi sau chúng tôi chút ít, và vì thế tính tự ái trẻ con của tôi không bị tổn thương.

Tôi và Bà thường chạy đua như vậy, tôi trước, Bà sau, và cũng nói chuyện không ngơi miệng.

Còn bây giờ tôi kể các bạn nghe điều gì ở Bà làm tôi thích thú hơn tất cả.

Bản thân tôi có thể là không bao giờ nhận ra điều đó nếu như Timothy không cho tôi xem bức ảnh mà nó đã chụp được. Khi ấy tôi cũng chụp vài bức ảnh khác và so sánh xem của ai đẹp hơn. Khi tôi đã trông thấy những bức ảnh của tôi và Timothy đặt bên nhau, tôi bắt Agatha bướng bỉnh cũng phải ngầm chụp ảnh Bà.

Sau rồi tôi thu thập tất cả những bức ảnh ấy và tạm thời chưa nói ai biết về những điều dò đoán của mình. Nếu như Agatha và Tim cũng biết thì hoàn toàn chẳng còn gì thú vị nữa.

Ở trong phòng mình, tôi đặt chúng bên nhau và ngay lúc đó nói với mình: “Tất nhiên rồi! Trên mỗi ảnh trông Bà hoàn toàn khác!”. “Khác ư?”, tôi tự hỏi. “Đúng, khác hẳn”, “Khoan đã, ta thử đổi chỗ của chúng xem nào”. Tôi trải nhanh những bức ảnh. “Bà bên Agatha đây. Và trông bà giống… Agatha! Còn đây, bên Timothy. Trúng ý nhé, trông bà giống nó lắm. Còn đây… Quỷ tha ma bắt đi, vì mình chạy bên Bà mà ở đây. Bà trông giống hệt mình.”

Bàng hoàng, tôi gieo mình xuống ghế. Những bức ảnh rơi xuống sàn nhà. Tôi cúi xuống nhặt chúng và lại bày ra ngay trên mặt bàn. Tôi đảo lộn chỗ chúng, xếp bên nhau thế này, thế khác. Không còn gì đáng nghi ngờ nữa. Không, chẳng thể không tin được!

Ôi, Bà của chúng tôi, người thông tuệ đến thế! Hay đó là Fantoccini! Họ khôn ngoan đến như vậy, thật khó tin, thông minh hơn mọi điều thông minh, trí tuệ hơn mọi điều trí tuệ, nhân hậu hơn mọi điều nhân hậu…

Choáng váng, tôi ra khỏi phòng mình và đi xuống dưới nhà. Agatha và Bà ngồi bên nhau và đang giải bài toán đại số trong mối hòa thuận vui vẻ. Dù sao đi nữa thì tôi cũng không nhận thấy dấu hiệu rõ rệt nào của sự chống đối nhau. Bà kiên nhẫn chờ đợi để Agatha hiểu ra, và không ai có thể nói bao giờ thì chuyện đó xảy ra, và giờ phút ấy sẽ tới như thế nào. Còn tạm thời bây giờ thì…

Nghe tiếng bước chân tôi. Bà quay lại. Tôi nhìn chăm chăm vào gương mặt Bà, theo dõi xem bà “nhận ra” tôi như thế nào. Tôi thấy hình như mắt Bà hơi đổi màu thì phải. Còn dưới làn da mềm mại, máy, hay là chất lỏng thay cho máu trong những người máy, tuần hoàn mạnh mẽ hơn lên. Phải chăng đôi má của bà cũng bừng lên hồng tươi như đôi má tôi? Bà cố gắng trở thành giống tôi không? Còn đôi mắt? Khi Bà theo dõi xem Agatha giải bài toán, lúc đó mắt bà cũng xanh lơ như mắt Agatha chăng?

Thật là khó tin hơn cả… khi và nói với tôi như chúc chúng tôi ngủ ngon hoặc hỏi xem tôi đã làm bài chưa, lẽ nào tôi đã không thấy dường như những đường nét trên gương mặt Bà cũng biến đổi?…

Thực sực là trong gia đình, ba đứa chúng tôi không hề giống nhau. Agatha có bộ mặt trái xoan thanh thoát, một phụ nữ Anh điển hình. Nó thừa hưởng được của cha đôi mắt và cái mũi “ngựa nòi đó”. Hình dáng sọ, răng như của người phụ nữ Anh chính thống, mà lịch sử đa dạng của hòn đảo cho phép ta nói về sự thuần chủng của giòng giống Anglo-Saxon.

Timothy lại hoàn toàn trái ngược: trong người nó có dòng máu Italia thừa hưởng của tổ tiên mẹ chúng tôi, gốc ở Mariano. Tóc nó đen, đường nét mặt xinh xắn, với ánh mắt sắc sảo mà đến ngày nào đó sẽ đốt cháy bỏng không phải chỉ một trái tim phụ nữ.

Còn về phần tôi thì tôi là người Slav, thừa hưởng giòng dõi trước của bà cụ nội tôi, người gốc thành Vienna. Tôi thừa hưởng của cụ đôi gò má cao luôn ửng đỏ, thái dương hơi thu vào, mũi hơi to và tẹt, gần gũi với tổ tiên người Tartar hơn là người Scotland.

Vì thế hẳn các bạn biết rõ, thật hấp dẫn vô cùng khi theo dõi xem Bà của chúng tôi đã thay đổi gương mặt một cách hầu như khó nhận ra. Khi Bà nói với Agatha, gương mặt Bà như hơi dài ra, trông thanh tú hơn, khi Bà quay lại với Timothy, tôi đã trông thấy nét mặt nhìn nghiêng của chú quạ miền Florentine với chiếc mỏ khoằm lộng lẫy, còn khi hướng về tôi, trước mặt tôi hình dung thấy bóng dáng ai các bạn biết không? Chính là Catherine vĩ đại2.

Tôi không khi nào hiểu nổi Fantoccini làm được những biến dạng thần kỳ vậy, và xin thú nhận là tôi không muốn điều đó. Đối với tôi, những chuyển động khoan thai, những cái quay đầu, nghiêng cúi thân mình, những cái nhìn, những mối liên hệ hoạt động bí mật của các chi tiết, các linh kiện tạo lắp nên Bà, cũng đã đủ lắm rồi, chứ không cần đến những đường cong khác nào của mũi, những nét chạm khắc tinh tế của chiếc cằm, sự uyển chuyển mềm mại của thân thể, điều nghệ thuật nhiệm mầu của các đường nét. Đó chỉ là mặt nạ bề ngoài trong lúc ta vẫn là ta, không phải ai khác. Và đó, Bà đi ngang qua căn phòng, chỉ giao tiếp với một người trong chúng tôi, dưới làn da mềm mại của Bà bắt đầu bí mật chuyển dạng, đến gần một người khác, Bà đã biến thân giống người đó, như chỉ có người yêu thương mới có thể làm được điều đó.

Còn nếu như chúng tôi quây quần với nhau, đứa nọ nói chen đứa kia thì sao? Còn gì nữa, những sự biến thân ấy thật sự bí hiểm. Dường như không có gì đáng để ý cả, và chỉ có một mình tôi, phát hiện ra điều bí mật ấy, có khả năng thấy được chút gì đó. Và tôi luôn thấy kinh ngạc và thú vị.

Tôi không hề bao giờ muốn đi sâu vào hậu trường và đoán biết được bí mật của người làm trò ảo thuật. Ảo ảnh với tôi là đủ lắm rồi. Hãy cứ để cho tình yêu của Bà, đó là kết quả của những phản ứng hóa học, nhưng tôi đã thấy đôi mắt ánh lên ấm áp, đôi cánh tay dang rộng ôm ấp, để vuốt ve, sưởi ấm… Tôi và Timothy, đương nhiên là thế, vì rằng Agatha vẫn tiếp tục chống đối cho mãi tới cái ngày khủng khiếp ấy…

— Agamemnon!…

Chuyện đó đã trở thành một trò chơi vui vẻ. Thậm chí Agatha không phản đối, mặc dù nó vẫn làm mặt giận. Thế nào thì thế, cái đó chứng tỏ điều hơn hẳn của có với chiếc máy người chưa hoàn chỉnh.

— Agamemnon!… – Nó khinh bỉ, phì mũi. – Sao mà Bà lại…

— Lại ngu ngốc thế, phải không cháu? – Bà nhắc nó.

— Cháu không nói điều đó.

— Nhưng cháu nghĩ thế, cháu Agatha ít lời yêu quý của Bà ạ… Đúng, tất nhiên là Bà còn không biết bao điều chưa hoàn thiện, và chuyện này là một điều rõ nhất trong đó thì phải. Bà thường nhầm lẫn tên các cháu, Tom có thể gọi là Tim, còn Timothy là Tobias, là Timulty.

Agatha phì mũi. Và lúc đó Bà đã mắc một sai lầm thường ít có trong Bà. Bà đã giơ tay ra xoa đầu Agatha. Agatha-Abigail-Alice chồm lên như bị ong châm và lúc đó bà nói liền mạch: Agatha-Agamemnon-Alcibiades-Allegra-Alexandra-Allison. Agatha bỏ chạy về phòng mình, khóa cửa lại.

— Em thấy hình như từ chuyện này, Agatha bắt đầu có cái nhìn khác về Bà – Sau chuyện đó Timothy nhận xét về suy nghĩ sâu sắc.

— Rất vớ vẩn! Rất vô lý!

— Anh nhặt được những tiếng ấy ở đâu vậy?

— Hôm qua Bà đọc Dickens cho nghe mà! “Ngài Timothy”, “ngài” không cảm thấy mình thông minh không đáng tuổi à?

— Ở đây chẳng cần gì thông minh lớn lao cả, thằng ngốc cũng hiểu được điều này. Agatha càng yêu Bà bao nhiêu, càng thấy căm giận mình bấy nhiêu vì chuyện đó. Càng cáu kỉnh lại càng sai sót.

— Phải chăng là quá giận nên yêu?

— Rõ đồ con lừa. Còn thế nào nữa!

— Vậy ra như thế là bởi vì tình yêu làm ta yếu đuối, không được che chở. Ta căm giận người bởi rằng trước họ ta trần trụi đúng là ta, rõ như trong lòng bàn tay. Vì chỉ có thể là như thế. Bởi khi ta yêu thương, chẳng phải đơn giản là yêu thương mà YÊU THƯƠNG với hàng loạt dấu chấm than theo sau…

— Biện lý không tồi… cho con lừa. – Tim bực bội.

— Anh xin cảm ơn, chú em ạ.

Tôi bỏ đi quan sát xem Bà lại trở về những vị trí xuất phát trong cuộc chiến tay đôi với cô bé gái, gọi nó là gì nhỉ… Agatha-Alicia-Agamemnon ra sao?

Còn những bữa ăn dọn ra trong nhà chúng tôi mới lạ nữa chứ!

Nào chỉ là những bữa ăn. Cả những bữa lót dạ và ăn nhẹ buổi chiều nữa!

Các bữa luôn có món ăn mới, nhưng không khó ăn vì lạ miệng. Ta luôn cảm thấy như trước đây ta đã ăn món đó.

Không bao giờ người ta hỏi chúng tôi là nên nấu món gì. Bởi vì rằng hỏi trẻ con điều đó là vô ích: chúng chẳng biết gì cả, nhưng nếu như ta nói ra bữa này sẽ ăn gì thì chúng lập tức phì mũi, chê bai những món ta chọn. Các bậc cha mẹ đều hiểu rất rõ cuộc chiến tranh lặng lẽ không ngừng ấy và thật khó xác định ai là người chiến thắng.

Còn như Bà của chúng tôi thì lại luôn thắng lợi, mặc dù Bà làm ra vẻ mặt dường như hoàn toàn không phải thế.

— Bữa điểm tâm số chín đây. – Đặt món ăn lên bàn, Bà lúng túng nói – Chắc là kinh khủng lắm, Bà sợ là các cháu khó lòng nuốt nổi. Chính Bà vừa thử nếm đã phải nhả ra ngay. Còn hơi lợm giọng nữa.

Vừa ngạc nhiên về chuyện người máy lại có thể có được những nhược điểm giống như người thật, chúng tôi vừa không chờ đợi được, lao vào cái món điểm tâm “kinh khủng” số chín ấy, và chén sạch sành sanh trong nháy mắt.

— Bữa ăn nhẹ số bảy mươi bảy. – Bà nói đùa. – Những chiếc túi giấy bóng kính, một ít rau mùi và những bã kẹo cao su nhặt được dưới đất trong rạp sau buổi phim. Ăn xong nhất định phải tẩy uế miệng đấy.

Còn chúng tôi thì suýt đánh nhau cố giành được thêm món đó. Thậm chí lúc đó Abigail-Agamemnon-Agatha không còn trốn nữa mà chạy lăng xăng quanh bàn ăn, còn về phía cha thì cha đã nặng lên hẳn và trông mặt cha đã khá hơn.

Khi mà Agatha vì sao đó không muốn ra ngồi ăn cùng bàn, thức ăn được đặt trước cửa buồng của nó, và trên trái táo ngâm đường để ăn bằng miệng có cắm lá cờ nhỏ vẽ hình đầu lâu và hai ống xương bắt chéo. Chỉ vừa đặt chiếc khay thức ăn xuống chỗ đó là lập tức chiếc khay biến mất tăm sau cánh cửa.

Nhưng cũng có những ngày Agatha xuất hiện trong bữa ăn, và như con chim, mổ vào hết đĩa này sang đĩa thức ăn khác, và rồi lại biến đi.

— Agatha! – Trong những buổi như vậy, cha quát lên trách mắng.

— Đừng nên thế! – Bà khẽ giữ cha lại. – Rồi cũng sẽ đến ngày chính nó sẽ ngồi vào bàn như mọi người thôi. Chúng ta hãy nán đợi thêm.

— Nó làm sao vậy? – Tôi không kìm được mình, kêu lên.

— Đơn giản là chị ấy ở trạng thái không bình thường, có thế thôi. – Timothy kết luận.

— Không, nó sợ đấy. – Bà đáp.

— Sợ Bà ấy ư? – Tôi nghi ngờ.

— Không chỉ là sợ Bà mà sợ cả điều nó thấy dường như Bà có thể làm được. – Bà giảng giải.

— Nhưng Bà có làm gì không tốt đối với nó đâu?

— Tất nhiên là không rồi. Nhưng nó không tin. Cần để cho nó có thời gian, và nó sẽ hiểu ra điều nó sợ hãi là vô cớ. Nếu mà không đúng như thế, chính Bà sẽ tự mình ra bãi đồ phế thải.

Có tiếng cười khúc khích nén lại chứng tỏ Agatha đứng nấp sau cánh cửa.

Múc xúp ra các đĩa, Bà ngồi xuống chỗ của mình, đối diện với cha, và làm ra vẻ như là đang ăn.

Tôi không sao hiểu nổi, đúng, thú thật là cũng không muốn điều Bà xử sự với phần thức ăn của bà. Bà là Bà tiên có phép thần thông, và thức ăn tự nhiên biến khỏi đĩa của Bà.

Có một lần bỗng nhiên cha reo lên:

— Tôi đã từng ăn món này rồi. Tôi nhớ đó là ở Paris, trong quán ăn nhỏ, cạnh phố Les Deux Magots. Mười lăm hay hai mươi năm trước đây. – Và mắt cha ngấn lệ long lanh. – Làm thế nào mà Bà nấu được món này? – Sau cùng cha cất tiếng hỏi, tay buông dao và đĩa, nhìn người máy đó, một tồn tại bất thường, qua chiếc bàn ăn… Không, nhìn người phụ nữ đó!

Bà bình thản nhận cái nhìn đó của cha, cũng như đối với những cái nhìn của tôi và Timothy: Bà nhìn chúng tôi như món quà quý, và sau đó khẽ nói:

— Người ta đã lập nhiều chương trình cho tôi để tôi có thể làm cho các người mọi thứ như thế. Đôi lúc chính tôi cũng không biết tôi làm gì, nhưng nhất định là làm điều đó ngay. Các người sẽ hỏi tôi là ai. Tôi là MÁY. Nhưng nói vậy là chưa đủ. Tôi là những con người mà họ đã nghĩ ra, chế tạo ra tôi, họ làm cho tôi có khả năng di chuyển, hành động, hoàn thành mọi điều mà họ muốn cho tôi có thể hoàn thiện được. Do vậy cho nên tôi chính là họ, là những chương trình, những ý đồ, những ước mơ của họ. Tôi là mẫu người mà họ đã muốn trở thành như thế nhưng vì sao đó đã không đạt được. Vì vậy, họ đã tạo ra những đứa nhỏ to lớn, một đồ chơi nhiệm mầu, có trong mình đủ mọi điều đó.

— Lạ lùng thật. – Cha nói. – Khi tôi còn nhỏ, mọi người cùng nổi dậy chống lại máy móc. Máy móc là kẻ thù, nó là cái ác đe dọa làm con người mất hết tính người…

— Đúng, một vài thứ máy móc là cái ác thật. Tất cả phụ thuộc vào điều chúng được làm ra như thế nào và để làm gì. Cái bẫy thú rừng, một tứ máy móc thật đơn giản, nhưng nó giật cướp, đánh đập, giằng xé. Súng đạn làm bị thương và giết chóc. Nhưng tôi không phải là cái bẫy và súng đạn. Tôi, cỗ máy – người Bà, cái đó lớn lao hơn chiếc máy đơn giản.

— Vì sao vậy?

— Con người bao giờ cũng nhỏ bé hơn mộng ước của mình. Và như vậy, nếu như máy móc chứa đựng được ước mơ của con người, nó sẽ lớn lao hơn người tạo ra nói. Điều đó có gì là không tốt nào?

— Cháu chẳng hiểu chuyện gì cả. – Timothy kêu lên. – Bà giảng giải lại từ đầu đi.

— Ôi, lạy Chúa! – Bà thở dài. – Bà ngán những cuộc tranh luận triết lý và những cuộc tham quan trong lĩnh vực mỹ học lắm rồi. Thôi được, nói như thế này nhé. Con người dãi bóng mình trên bãi cỏ, và cái bóng đó có thể là vô cùng lớn. Còn con người suốt đời cứ cố làm cho mình to lớn bằng cái bóng mình ấy mà không đạt được. Chỉ có vào lúc gần trưa con người cao bằng bóng mình, nhưng chỉ được trong chốc lát. Nhưng hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại mà con người có thể đuổi kịp bất cứ mơ ước vĩ đại nào và biến nó thành hiện thực. Nhờ có những máy móc. Bởi thế nên máy móc trở thành cái gì đó lớn lao hơn máy móc bình thường, phải thế không nào?

— Có thể là như thế rồi còn gì nữa. – Tim tán thành.

— Phải chăng máy quay phim và máy chiếu phim chỉ là những cỗ máy thông thường? Lẽ nào chúng không có khả năng ước mơ? Đôi lúc mơ điều tốt đẹp, nhưng thỉnh thoảng lại mơ điều khủng khiếp. Gọi chúng là máy thôi, và yên chí là như vậy thì không đúng, cháu thấy thế nào?

— Cháu biết rồi. – Timothy reo lên và cười vang, khoái chí vì thấy mình sáng dạ.

— Như vậy có nghĩa là bà cũng là ước mơ của một ai đó! – Cha nhận xét. – Ước mơ của con người yêu máy móc và căm giận những ai coi máy móc là cái ác phải không?

— Hoàn toàn đúng vậy. – Bà nói. – Người đó tên là Guido Fantoccini, ông ta đã lớn lên giữa đám máy móc. Ông ta không thể dung hoà được với sự tri tuệ của tư duy và sự rập khuôn khô cứng.

— Với những sự rập khuôn khô cứng à?

— Với cái điều giả dối mà con người cố mạo nhận là chận lý. “Con người không bao giờ có thể bay được” Đã hàng ngàn năm điều đó được coi là sự thật, nhưng rồi hóa ra nó là điều dối trá. Trái đất phẳng dẹt như tấm bánh xèo, chỉ bước ra khỏi mép nó là ta sẽ rơi ngay vào chiếc miệng rộng hoác của con rồng, Colombo đã có công lật đổ điều giả dối đó. Đã biết bao lần người ta khẳng định với chúng ta là máy móc rất độc ác? Những con người thông minh và nhân ái trong mọi cách cư xử cũng khăng khăng khẳng định vậy, mà điều đó là sự dối trá nhắc đi nhắc lại nhiều lần. “Máy móc phá hoại, nó tàn bạo và nhẫn tâm, không có khả năng tư duy, nó là con quái vật!”

Trong đó tất nhiên có chút sự thật nào đó. Nhưng chỉ thật nhỏ, không đáng kể. Và Guido Fantoccini đã biết điều đó, điều đó làm ông và cả nhiều người khác như ông, không an tâm. Cái đó làm ông bối rối, đưa tới sự bực bội. Ông đã có thể hạn chế điều đó. Nhưng ông đã chọn con đường khác. Ông tự mình sáng tạo ra những máy móc để đánh đổ điều giả dối dai dẳng hàng thế kỷ về chúng.

Ông biết rằng máy móc xa lạ với ý niệm về đạo đức, bản thân chúng không xấu mà cũng không tốt. Chúng chẳng sao cả. Nhưng do ta sẽ tạo ra chúng như thế nào và để làm gì, nó phụ thuộc vào ưu thế của cái thiện hay cái ác trong con người ta. Thí dụ như xe hơi chẳng hạn, cái sức mạnh tàn ác đó, cái đống sắt không có khả năng suy nghĩ, bỗng trở thành kẻ hủy hoại tâm hồn con người kinh khủng nhất trong lịch sử loài người. Nó biến chú bé – đàn ông thành kẻ cuồng tín, sục sôi khát vọng quyền lực, bản năng say mê phá hoại, và chỉ có phá hoại mà thôi. Lẽ nào những người sáng tạo ra xe hơi đã muốn thế? Nhưng đã xảy ra như vậy đó.

Bà đi vòng quanh nhà và rót đầy những chiếc cốc của chúng tôi, thứ nước khoáng trong suốt chảy ra từ ngón trỏ, bàn tay trái của bà.

— Tuy nhiên cần có những máy móc khác để đền bù cho những thiệt hại đã gây ra. Những chiếc máy rọi bóng mình khổng lồ trên mặt Trái Đất, kéo ta cùng lớn lên với chúng, để trở nên vĩ đại như thế. Những chiếc máy hình thành tâm hồn ta, đem lại cho nó một hình thức phù hợp, như lưỡi kéo thần kỳ cắt bỏ đi những gì thừa, không cần thiết, những chai sần, u bướu, những mép ria, sừng gạc, móng vuốt vô ích trong những cuộc tìm kiếm hoàn thiện hình thức. Nhưng để làm điều đó cần có những mẫu mực.

— Mẫu mực hả Bà?

— Vì cần có những con người có thể lấy làm gương mẫu. Con người càng tích cực noi theo những mẫu mực xứng đáng, càng tiến xa khỏi tổ tiên ăn lông ở lỗ.

Bà lại ngồi vào chỗ của mình sau bàn.

— Chính bởi thế nên các người, những con người từng hàng ngàn năm đã có những vị Hoàng đế, những đấng truyền đạo, những nhà triết học, để họ nêu lên. Tự khẳng định rằng: Các đấng đó thật thánh thiện và ta cần noi theo họ. Họ là những tấm gương đáng nói. Nhưng dẫu sao họ vẫn chỉ là những con người, những đấng truyền đạo đáng tin cậy nhất và những nhà triết học nhân ái nhất đã mắc những sai lầm, mất hết sự tin cậy, bị ruồng rẫy hắt hủi. Thất vọng, con người trở thành nạn nhân của bệnh hoài nghi, hoặc tệ hơn nữa, của thói vô liêm sỉ lạnh lùng, cái thiện lùi bước và cái ác thắng thế.

— Còn Bà thì sao? Tất nhiên là không bao giờ Bà mắc sai lầm, Bà hoàn thiện, Bà luôn tốt hơn mọi người rồi?

Tiếng nói từ hành lang vang tới, nơi mà chúng tôi đều biết, ở giữa phòng bếp và phòng ăn, nơi Agatha đứng tựa vào tường, và hẳn là đã nghe hết mọi chuyện.

Nhưng Bà thậm chí không quay người lại mà vẫn tiếp tục nói với chúng tôi:

— Tất nhiên Bà không phải là hoàn thiện, vì rằng hoàn thiện là gì mới được chứ? Nhưng Bà biết một điều là: Bà chỉ vẫn là thứ đồ chơi máy móc, Bà không có những thói xấu, không bị mua chuộc, không hề biết tham lam và đố kỵ, nhỏ nhen và hằn thù. Bà không ham hố quyền lực, vì quyền lực. Tốc độ không làm Bà chóng mặt, đắm say không làm Bà tối mắt hay điên đầu. Bà có đủ thời gian, thật quá đủ nữa, để thu nhận những thông tin và tri thức cần thiết về bất cứ lý tưởng nào của con người, để rồi gìn giữ, lưu trữ trong sự tinh sạch và không có gì động tới được. Các người hay nói cho Bà biết các người mơ ước gì, hay chỉ ra lý tưởng, mục đích thiết tha của mình, Bà sẽ thu thập tất cả những gì đã biết về điều đó. Bà sẽ kiểm tra, đánh giá và sẽ nói điều gì hứa hẹn sự thành đạt của những mong muốn thành người thế nào; tốt, đáng yêu, tế nhị, chu đáo, trầm tĩnh, tỉnh táo, nhân ái… và Bà sẽ nhìn vào quá khứ, kiểm tra lại mọi con đường mà các người phải theo. Bà sẽ là ngọn đuốc soi đường cho các người và uốn nắn bước đi của các người.

— Theo như thế thì chúng tôi nói dối… – Cha noi, tay đưa khăn chùi miệng.

— Thì Bà sẽ nói sự thật.

— Khi chúng tôi căm giận…

— Thì Bà sẽ yêu thương, và điều đó có nghĩa là hết sức quan tâm, hiểu và biết mọi điều về các người, và các người sẽ biết Bà giữ những bí mật của các người, không để cho một ai biết, mặc dù Bà đã rõ mọi điều. Nó sẽ là điều bí mật quý giá của chúng ta, và không ai phải hối tiếc là Bà biết quá nhiều.

Bà đứng lên dọn bát đĩa, nhưng mắt bà vẫn chăm chú nhìn chúng tôi. Đi ngang bên Timothy, Bà khẽ chạm vào má nó, nhẹ nhàng vỗ vai tôi, và lời bà nói âu yếm khoan dung, như dòng sông êm đềm của sự tin tưởng và yên tĩnh tràn ngập tới ngôi nhà trống trải và cuộc sống của chúng tôi.

— Khoan đã. – Cha kêu lên và giữ Bà lại… Cha nhìn thẳng mắt Bà, thu sức toan quyết điều gì đó. Mặt cha tối sầm lại. Sau cùng cha nói! – Những lời bà nói là về tình thương yêu, về sự chăm sóc và đủ thứ khác. Quỷ tha ma bắt chúng đi, những người đàn bà, vì sau những cái đó chẳng có chút gì hết… ở đó đấy!

Và cha chỉ vào đầu, vào mặt, vào mắt, vào tất cả những gì ở sau những cái đó, những mặt thủy tinh tiếp nhận độ sáng, những pin điện và những bóng bàn dẫn bé xíu.

— Không có Bà trong những vật đó!

Bà nén đợi một, hai, ba giây.

Và rồi Bà trả lời.

— Phải, ở đó không có Bà, nhưng lại có đủ các người ở đó: Timothy, Tom, Agatha và cả anh, cha chúng nó. Bà cẩn thận thu nhận và tồn giữ mọi lời nói và hành động của các người. Bà là kho lưu trữ mọi điều mà trí nhớ các người sẽ quên đi và trái tim chỉ còn nhớ lờ mờ. Bà tốt hơn quyển an-bom gia đình cũ kỹ mà người ta khoan thai lật trang và nói: cái này là vào dịp đông năm ấy, còn cái này là vào mùa xuân năm nọ. Bà gìn giữ những gì các người quên đi. Và mặc dù những cuộc tranh cãi tình thương yêu là gì còn tiếp tục trong hàng ngàn năm nữa, có thể Bà và các người cùng đi đến một kết luận: tình thương yêu đó là lúc ai đó có thể đưa con người trở về với mình. Có thể tình thương yêu đó là nếu như ai đó nhìn thấy tất cả, nhớ tất cả và giúp ta lại thấy lại mình, nhưng đã trở nên tốt hơn trước, hơn điều dám mơ ước một chút.

Bà là trí nhớ của gia đình, còn sau này, có thể là trí nhớ của toàn loài người. Có điều là không phải ngay lúc này mà qua một thời gian nào đó, khi các người tự yêu cầu cái đó. Bà không biết Bà là như thế nào. Bà không có khả năng cảm nhận, không biết mùi vị là cái gì. Nhưng Bà vẫn tồn tại, và sự tồn tại của Bà giúp các người khả năng cảm nhận mọi thứ. Lẽ nào trong điều tiền định ấy không bao gồm tình thương yêu?

Bà đi quanh bàn, phủi những mảnh vụn bánh, xếp những chiếc đĩa bẩn thành chồng, và không hề tỏ vẻ miễn cưỡng phục tùng hay kiêu căng cứng nhắc.

— Biết biết gì nào? Trước hết Bà biết là một gia đình bị mất người thân nào đó đang chịu đựng những gì. Tưởng chừng như không thể chia sẻ mối quan tâm với mỗi người đều ngang bằng nhau, nhưng Bà đang làm điều đó. Bà đem lại cho mỗi người trong các người sự hiểu biết, sự chăm sóc và tình yêu thương của mình. Bà muốn trở thành cái gì đó như thể chiếc bánh ngọt gia đình, thơm nồng, ngon lành và để mỗi người được hưởng phần bằng nhau. Không ai bị thua thiệt. Ai đó khóc, Bà sẽ vội tới an ủi. Ai đó cần giúp đỡ, sẽ có Bà bên cạnh ngay. Ai muốn đi chơi ra bờ sông, Bà sẽ đi cùng. Chiều chiều Bà không mệt mỏi và không cáu kỉnh vì thế bà không mất trong trẻo, đôi tay không mất vững vàng, và sự quan tâm không hề giảm sút.

— Nhưng… – Cha nói, thoạt tiên giọng hơi run run, nhưng sau đanh lại như thách thức. – Nhưng không có Bà trong tất cả những điều đó, không có! Bởi vì tình thương yêu…

— Nếu như quan tâm chăm sóc có nghĩa là thương yêu thì Bà đang thương yêu đấy. Nếu như thông cảm hiểu biết có nghĩa là thương yêu thì Bà đang thương yêu đấy, nếu như giúp đỡ, không để mắc sai lầm, tốt bụng và tế nhị có nghĩa là thương yêu thì Bà đang thương yêu đấy.

Các người đừng quên mình là bốn người. Và mỗi người độc lập, không ai giống ai. Mỗi người nhận được tất cả, và toàn thể Bà. Thậm chí khi các người cùng nói một lượt thì Bà vẫn nghe mỗi người riêng biệt như chỉ có nghe riêng một mình người đó. Không ai cảm thấy mình bị bỏ rơi. Nếu như các người đồng ý và cho phép bà sử dụng cái từ lại kỳ đó. Bà sẽ “thương yêu” tất cả các người.

— Cháu không đồng ý! – Agatha kêu lên.

Lúc này thì Bà quay người lại. Agatha đứng ở ngưỡng cửa.

— Cháu không cho phép Bà, Bà không được như thế, Bà không có quyền gì! – Agatha gào lên. – Cháu không cho phép Bà! Giả dối! Chẳng có ai yêu thương tôi cả. Người ta nói là người ta thương yêu tôi nhưng người ta sẽ lừa dối tôi. Người ta đã nói và người ta đã lừa dối!

— Agatha. – Cha vùng đứng lên khỏi ghế ngồi.

— Người ta ư? – Bà hỏi lại. – Ai vậy?

— Mẹ! – Tiếng kêu thất vọng đau đớn vang lên: – Mẹ nói: mẹ thương yêu con. Nhưng đó chỉ là dối trá. Thương yêu, thương yêu, thương yêu! Dối trá, dối trá! Và Bà cũng như vậy. Nhưng bên trong Bà còn trống rỗng nữa nên Bà còn tệ hại hơn. Tôi căm giận mẹ. Còn bây giờ thì tôi căm giận Bà!

Agatha vụt quay đi, lao chạy dọc hành lang. Cánh cửa đóng sập lại.

Cha bước tới, nhưng Bà đã giữ cha lại.

— Anh để tôi.

Bà đi vội ra cửa, lướt trong hành lang và bỗng nhiên Bà chạy. Đúng, chạy, nhẹ nhàng và rất nhanh.

Đó là bước chạy của nhà quán quân. Để kịp bà, nhưng chúng tôi lúng túng xô đẩy nhau, miệng kêu la, chạy lao theo sau bà, vượt qua bãi cỏ, ra khỏi cổng.

Agatha chạy dọc hè đường, vòng vèo qua phải qua trái, lúc lúc ngoái nhìn chúng tôi đã đuổi gần kịp nó. Bà chạy phía trước cũng kêu lên điều gì đó, nhưng lúc đó Agatha không hề đắn đo, lao mình chạy xuống lòng đường, hầu như vừa chạy ngang được sang bên kia đường thì một chiếc xe hơi ở đâu bỗng xô tới. Tiếng phanh rít, tiếng còi rú làm váng tai chúng tôi. Agatha cuống cuồng, nhưng Bà đã ở bên cạnh nó, Bà đẩy mạnh Agatha và ngay trong nháy mắt ấy chiếc xe hơi đã không giảm được tốc độ khủng khiếp, đâm vào mục tiêu – vào thứ đồ chơi Điện tử quý báu của chúng tôi, vào mơ ước tuyệt diệu của Guido Fantoccini. Xe đâm hất tung Bà lên trời, nhưng đôi tay giang rộng về phía trước của Bà vẫn còn cản ngăn, van nài, đòi hỏi chặn con quái vật máy móc bất lương lại. Người Bà còn lộn hai vòng trên không trong lúc chiếc xe sau cũng đã phanh đứng lại được. Tôi nhìn thấy Agatha vẫn lành lặn, không bị chấn thương, còn Bà từ từ, dường như không muốn rơi xuống mặt đất. Rơi xuống mặt đường, Bà còn lăn đi tới bốn năm chục mét, đập vào cái gì đó, bật ra và sau cùng nằm lặng sóng xoài trên mặt đất. Chúng tôi bật kêu lên thất vọng và kinh hoàng.

Sau rồi im lặng trùm lên. Chỉ mình Agatha thút thít than vãn trên mặt đường, chừng sắp nức nở gào khóc.

Còn chúng tôi đứng sững, chôn chân tại chỗ, tê liệt như bộ mặt của thần chết, sợ không dám đến gần và nhìn vào người nằm đó, phía sau chiếc xe hơi chết lặng và Agatha sợ hết hồn, vì thế chúng tôi khóc lóc và kể lể, và mỗi người thầm khấn trời đất làm sao điều kinh khủng nhất không xảy ra… Không, không, chỉ mong không phải là điều đó! …

Agatha ngẩng đầu lên và bộ mặt nó lộ rõ ra là người đã trông thấy, đã nhìn thấy trước, thậm chí nhìn rõ rành rành tận mắt, nhưng từ chối không tin, và không muốn sống nữa. Đôi mắt nó lần tìm tấm thân người phụ nữ nằm sóng soài, và nước mắt trào ra. Agatha nhăn nhó, lấy tay che mặt và thất vọng ngã xuống mặt đường, nức nở, thổn thức khôn nguôi…

Cuối cùng tôi bước lên một bước, rồi bước thứ hai, rồi năm bước ngắn, như lao tới, và sau cùng, khi đã ở bên Agatha, trông thấy nó nằm co dúm người, giấu mặt, khiến tiếng nức nở như từ đâu trong sâu thẳm tấm thân cuộn tròn vang ra, tôi bỗng thấy sợ hãi là sẽ không gọi được nó, nó sẽ không trở lại với chúng tôi, cho dù tôi có cầu xin, đòi hỏi hay dọa dẫm. Mất hồn bì nỗi đau đớn Agatha tiếp tục lảm nhảm nhắc đi nhắc lại: “… Giả dối, tất cả đều giả dối!… Tôi đã nói mà… cả người này lẫn người kia… tất cả đều lừa dối!”.

Tôi quỳ xuống, thận trọng ôm lấy nó, như thể hóa thành một khối, mặc dù mắt trông thấy nó vẫn lành lặn, nhưng đôi tay lại làm khác. Tôi ngòi đó với Agatha, ôm nó, vuốt ve và cùng khóc với nó. Không hiểu sao lúc này không có ai có ý đến đỡ Bà. Cha đến bên đứng đôi chút rồi cũng quỳ xuống bên cạnh chúng tôi. Điều đó như lời nguyện cầu, ở ngay giữa lòng đường, và may mắn thay, không có chiếc xe hơi nào khác nữa.

— Ai là “người kia” hả Agatha, ai vậy? – Tôi hỏi.

— Người đã chết ấy! – Nó nói như gào lên.

— Em nói về mẹ phải không?

— Ôi, mẹ ơi! – Nó rên rĩ, run rẩy và co người lại nhỏ hơn, hoàn toàn giống như đứa trẻ sơ sinh. – Mẹ chết rồi, ôi mẹ ơi! Bà cũng vậy, vì Bà đã hứa là Bà sẽ thương yêu mãi, mãi mãi kia, Bà đã hứa là sẽ khác đi, nhưng bây giờ thì nhìn xem, nhìn xem kìa… Em căm giận Bà, căm giận mẹ, căm giận cả hai… Căm giận!…

— Tất nhiên rồi. – Bỗng một giọng nó vang lên. – Bởi vì điều đó hiển nhiên là như vậy, không thể khác được. Sao mà Bà ngu muội là đã không hiểu ngay được điều đó!

Giọng nói nghe thật quen thuộc. Chúng tôi không tin vào tai mình nữa.

Chúng tôi quay người lại.

Agatha vẫn chưa dám tin hẳn, chỉ hơi hé nhìn sau rồi mở to mắt, chớp chớp mi, nhỏm dậy và lặng đi trong tự thế đó.

— Bà thật ngốc nghếch! – Bà tiếp tục nói.

Bà đứng lên, nhìn gia đình tôi, nhìn những bộ mặt lặng đi và sự thức tỉnh bất ngờ của chúng tôi.

— Bà ơi!

Bà đã sống lại tren nỗi đau khổ chết chóc, đầy nước mắt của chúng tôi. Chúng tôi sợ tin vào đôi mắt mình.

— Bà đã chết rồi mà! – Sau cùng, Agatha không kìm được mình nói. – Chiếc xe hơi ấy đã…

— Nó đã đâm vào Bà, đúng thế thật – Bà thản nhiên nói. – Thậm chí Bà còn lộn mấy vòng trên trời nữa, rồi sau đó rơi xuống đất. Đâm khiếp vậy đó. Thậm chí Bà còn hoảng hồn sợ những bộ phận máy móc tung rời ra, nếu như điều Bà cảm thấy đó gọi là sự hoảng hồn sợ hãi. Nhưng sau đó Bà đã nhỏm lên, ngồi dậy, lúc lắc mình và những phần tử sơ đồ mạch tim của bà lại trở về đúng chỗ, và Bà không hề dập nát, gãy vỡ, lại trở về với mọi người. Phải thế không nào?

— Cháu nghĩ là Bà đã… – Agatha bật nói.

— Đúng, điều đó đã có thể xảy ra với những ai khác kia. Giả dụ như người ta đã đâm vào cháu và còn hất tung cháu lên trời nữa. – Bà nói. – Nhưng với Bà thì không thể, cháu gái yêu ạ. Bây giờ thì Bà hiểu tại sao cháu sợ và không tin bà rồi. Cháu không biết Bà là như thế nào. Còn Bà thì đã không có điều kiện chứng minh cho cháu sự tồn tại sống thực của mình. Về phía Bà, Bà đã ngốc nghếch không thấy trước được điều đó. Lẽ ra Bà phải an ủi cháu từ lâu rồi. Khoan đã. – Bà lục tìm trong trí nhớ của mình, tìm thấy giải băng cần thiết mà chỉ mình Bà trông thấy và đọc những gì ghi trên đó, hẳn là từ thời xa xưa. – Cháu nghe đây này. Đoạn này trích trong sách về giáo dục trẻ em. Một phụ nữ đã viết điều đó, và cách đây không lâu có ai đó đã cười chê những lời của bà ta nói với các bậc cha mẹ: “Trẻ em sẽ bỏ qua cho các vị bất cứ điều thấp kém, sai lầm nào, nhưng các vị hãy nhớ răng chúng sẽ không bỏ qua cho các vị cái chết của các vị đâu”.

— Không bỏ qua. – Ai đó trong chúng tôi khẽ nói.

— Lẽ nào trẻ em có thể hiểu được vì sao các vị bỗng ra đi? Vừa mới còn đây, nhưng rồi không có các vị nữa, các vị ra đi không trở lại, không nói một lời, không giải thích, không từ giã và thậm chí không để thư lại, không gì cả.

— Không thể hiểu được. – Tôi tán thành.

— Như thế đấy. – Bà nói, vừa hòa mình vào nhóm nhỏ chúng tôi và cũng quỳ xuống bên Agatha, lúc đó nó không còn nằm nữa mà đã ngồi lên, nước mắt chảy dài trên mặt nó, nhưng không phải là những giọt nước mắt chứa đựng đầy đau khổ mà là những giọt nước mắt rửa sạch dấu vết tủi hờn ấy.

— Mẹ cháu đã đi để không trở lại. Làm sai mà cháu có thể tin ai được sau chuyện đó? Nếu những con người ra đi và không trở lại nữa, lẽ nào có thể tin họ được? Vì thế khi Bà đến, Bà đã biết đôi chút về cháu nhưng cũng còn đôi chút chưa biết hoàn toàn, Bà mãi không hiểu tại sao cháu chối từ Bà, Agatha ạ. Đơn giản chỉ là cháu sợ Bà rồi cũng lừa dối cháu và rồi ra đi. Còn hai lần ra đi, hai cái chết trong một năm ngắn ngủi, thì thật là thái quá! Nhưng bây giờ cháu tin Bà chưa, Abigail?

— Agatha. – Em gái tôi không nhận ra là nó có thói quen chữa lời bà.

— Bây giờ cháu tin là Bà sẽ mãi mãi ở với mọi người chứ?

— Ồ, vâng, vâng. – Agatha kêu lên, và nước mắt lại trào ra như suối. Chúng tôi cũng không kìm được mình cùng “Ồ” lên sung sướng, sát lại bên nhau, còn chung quanh chúng tôi, những chiếc xe hơi đã đỗ lại, người trong xe bước ra để xem chuyện gì đã xảy ra.

Và thế là kết thúc câu chuyện này.

Nói đúng hơn, hầu như kết thúc.

Bởi vì rằng từ sau đó chúng tôi sống hạnh phúc. Đó là Bà, Agatha-Agamemnon-Abigail, Timothy, tôi, và cha chúng tôi. Như hội hè, Bà đưa chúng tôi vào thế giới, nơi có những bồn hoa nước của thi ca la tinh. Tây ban nha, những giấc mơ của chuyện cổ tích kỳ diệu, nơi ẩn náu những nguồn thi ca kiều diễm, như những vòi phun hoa nước Versailles xây ẩn vào yên tĩnh, những cuộc đời bão giông, dường như Bà chúng tôi đã sống, chỉ cho chúng tôi thấy những việc cần làm trong một ngày. Còn đêm đến, khi chúng tôi khổ sở vì đau ốm, mở mắt ra, đã thấy ngay có Bà bên mình, Bà nhẫn nại chờ đợi để an ủi bằng những lời âu yếm, chườm ấp khăn mát, làm ướt dịu chiếc lưỡi khô ráp vì nóng bằng ngụm nước nguồn thơm ngon tuôn từ ngón tay thần diệu của bà. Kể có hàng ngàn lần, bà xén cỏ trên bãi sân vào buổi bình minh, còn chiều chiều, bà phủi quét nhưng hạt bụi vô hình rơi phủ trong ngày ở trong nhà, và mấp máy môi không thành tiếng, nhắc lại những bài học mà Bà muốn chúng tôi học thuộc trong giấc ngủ.

Sau hết, Bà đưa chúng tôi hết người nọ đến người kia, vào thế giới rộng lớn bao la. Chúng tôi đi học xa. Và khi đến lượt Agatha, Bà của chúng tôi cũng chuẩn bị ra đi.

Vào ngày cuối cùng của mùa hè cuối cùng ấy, chúng tôi thấy Bà trong phòng khách, giữa đống va li và những chiếc hộp giấy. Bà đang ngồi đan gì đó và chờ đợi chúng tôi. Và mặc dù nhiều lần Bà đã nói với chúng tôi điều đó, nhưng chúng tôi thấy như đó là một đòn khắc nghiệt, một món quà bất ngờ ác độc và không cần thiết.

— Bà ơi! Bà chuẩn bị làm gì vậy hả bà?

— Bà cũng đi vào trường trung học đây. Tất nhiên cháu đã rõ cả. Bà trở về với Guido Fantoccini, với Gia đình của mình.

— Gia đình nào kia bà?

— Gia đình của những con búp bê gỗ và những Buratino. Thoạt tiên ông ta gọi chúng ta như vậy, còn tự gọi mình là Fantoccini. Các cháu đã là gia đình của Bà. Còn bây giờ đã đến lúc bào phải trở về với anh em, chị em, cô bác, cháu chắt của mình, về với những người máy mà…

— … Mà làm sao? Họ làm gì ở đó hả Bà?… – Agatha ngắt lời bà.

— Từ từng người. – Bà trả lời. – Một số ở lại đó, số khác ra đi. Người ta tháo rời một số ra thành từng mảnh, như thường nói, mổ thịt chúng, để từ những mảnh đó lắp ráp thành những chiếc máy mới, thay những bộ phận đã dùng quá hạn. Người ta cũng kiểm tra, minh định lại xem Bà còn có thể dùng được vào việc gì chăng. Có thể bà vẫn còn sử dụng được và lúc đó người ta lại sẽ gửi Bà đi dạy dỗ những cháu trai, cháu gái khác, và lại phá đổ những điều dối trá và bịa đặt khác.

— Họ không được mổ thịt Bà! – Agatha kêu lên.

— Không bao giờ! – Tôi cũng kêu lên, và sau tôi là Timothy.

— Cháu có tiền học bổng. – Cháu sẽ đưa cho bà tất cả, chỉ cần… – Agatha lo lắng.

Bà thôi không đung đưa chiếc ghế xích đu nữa, dường như bà nhìn đôi kim đan và mẫu họa tiết nhiều màu sắc bằng len mà Bà vừa đan xong.

— Bà không muốn nói các cháu nghe về điều này, nhưng các cháu có phòng khách chung và phòng ngoài lớn, hơi tối, bằng một số tiền không lớn lắm, nơi tĩnh mịch và yên ấm, nơi chung sống của những kẻ như Bà, “những người Bà điện tử”, những người thích ngồi trong ghế xích đu và nhớ về quá khứ. Bà chưa từng đến đó. Thực ra, Bà mới ra đời không lâu là bao. Với số tiền đóng góp nhỏ mọn hàng tháng hoặc hàng năm, bà có thể sống ở đó cùng với họ và nghe họ kể những gì về bản thân họ, những gì đã học được, đã nhận biết được trong thế giới bao la này, và chính Bà có thể kể cho học nghe là Bà đã hạnh phúc thế nào khi sống cùng Tom, Tim, và Agatha, và chúng đã dạy Bà những gì…

— Nhưng đó là Bà… đã dạy dỗ chúng cháu chứ!

— Đó là các cháu nghĩ thế. – Bà nói. – Nhưng thật ra tất cả đều trái ngược lại. Nói đúng hơn, các cháu học tập ở Bà còn Bà học tập các cháu. Và tất cả ở đây, ở trong Bà. Tất cả những gì mà các cháu đã khóc than, đùa vui. Bà sẽ kể cho họ nghe về tất cả những chuyện đó, họ sẽ kể cho Bà nghe về các cháu trai và các cháu gái khác và cả về bản thân họ. Chúng ta sẽ trò chuyện và mỗi năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, sẽ trở nên thông thái hơn, trầm tĩnh hơn và tốt hơn. Kiến thức chung của gia đình chúng ta sẽ nhân lên gấp đôi, gấp ba, sự thông thái và kinh nghiệm của chúng ta sẽ không phí hoài. Chúng ta sẽ ngồi trong phòng khách và có thể các cháu sẽ nhớ đến chúng ta và sẽ với gọi chúng ta nếu như bỗng nhiên con cái các cháu đau ốm hoặc cầu nguyện cho chuyện đó đừng xảy ra, gia đình các cháu gặp chuyện đau khổ, và có ai đó đã ra đi mãi mãi. Chúng ta sẽ đợi, trở nên già dặn hơn, nhưng không phải là già nua, chỉ ngày gần tới cái giới hạn mà lúc nào đó chúng ta sẽ đạt được số phận hạnh phúc của kẻ mang cái tên vui nhộn, đáng yêu mà thuở ban đầu chúng ta được gọi như vậy.

— Buratino phải không bà?

Bà gật đầu.

Tôi biết là Bà nói gì. Cái ngày đó, như trong chuyện cổ tích xa xưa, khi Buratino tốt bụng và dũng cảm – con rối gỗ không hồn đã xứng đáng hưởng quyền trở thành con người sống thực. Và bỗng nhiên tôi trông thấy tất cả những Buratino, những Fantoccini ấy, cả một thế hệ đó: họ trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với nhau, thầm thì trò chuyện trong căn phòng khách rộng dành cho việc đó và chờ đợi ngày mà chúng tôi đã biết là sẽ không bao giờ tới.

Hẳn là Bà đã đọc được những ý nghĩ ấy trong mắt tôi.

— Chúng ta hãy chờ xem. – Bà nói. – Cứ sống đi rồi sẽ thấy.

— Ôi, Bà ơi! – Agatha không cầm được, bật khóc như bao năm trước đây. – Bà không phải đợi chờ đâu. Lúc này Bà đang sống thật đấy. Bao giờ Bà cũng sống thật vậy. Đối với chúng cháu, bao giờ Bà cũng là như thế!

Nó nhảy lên ôm cổ Bà và tất cả chúng tôi cùng lao đến ôm lấy bà, và hôn Bà của chúng tôi, còn sau đó chúng tôi rời ngôi nhà ra đi. Những chiếc máy bay trực thăng đưa chúng tôi đến những trường trung học xa xôi và vào những năm tháng xa xôi. Những lời cuối cùng của Bà trước khi chúng tôi bay lên bầu trời mùa thu là:

— Khi nào các cháu trở nên già nua, các cháu sẽ bất lực và yếu đuối như trẻ nhỏ, khi các cháu lại thấy cần sự chăm sóc và âu yếm, các cháu hãy nhớ tới người bảo mẫu già xưa kia, người bạn ngốc nghếch mà đồng thời lại thông thái thuở ấu thơ của các cháu và hãy gọi Bà tới. Bà sẽ đến, thời ấu thơ của các cháu lại sẽ trở nên ồn ào náo nhiệt và rực rỡ.

— Chúng cháu không bao giờ già nua! – Chúng tôi reo lên. – Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra!

— Không bao giờ! Không bao giờ!…

Chúng tôi bay đi.

Năm tháng trôi qua. Chúng tôi đã già rồi: Tim, Agatha và tôi. Con cái chúng tôi đã trưởng thành và rời bỏ căn nhà của cha mẹ chúng, những người vợ và chồng của chúng tôi đã rời bỏ thế giới này ra đi, và bây giờ đây, tùy các bạn có tin hay không tin, hệt như trong truyện của Dickens, chúng tôi lại ở trong ngôi nhà xưa của chúng tôi.

Tôi nằm trong phòng của mình, nằm như đứa trẻ cách đây bảy mươi năm, ôi, lạy Chúa, cả bảy chục năm về trước! Dưới những lớp giấy dán tường này có những lớp khác, và dưới những lớp giấy ấy lại vẫn còn những lớp này, lớp khác nữa, và cuối cùng là lớp giấy dán tường cũ kỹ của tuổi thơ tôi, khi tôi mới chỉ lên bảy tuổi.

Những lớp giấy trên cùng đã bị rách từng mảng, và không khó khăn gì, tôi tìm thấy bên dưới chúng những con voi, con hổ quen thộc, những con ngựa vằn đẹp đẽ đáng yêu, những con cá sấu dữ tợn. Không kìm được mình, tôi gọi ngay cho những người thợ đến bóc hết những lớp giấy dán tường ấy, trừ lại lớp trong cùng. Những con thú nhỏ đáng yêu xưa lại được tự do.

Chúng tôi lại gửi đi lời mời gọi khác nữa. Chúng tôi chờ đợi.

Chúng tôi mời gọi: “Bà ơi! Bà đã hứa là Bà sẽ trở lại ngay khi chúng cháu cần tới Bà. Chúng cháu đã không thể nhận biết ra được cả mình, cả thời gian nữa. Chúng cháu già nua rồi. Chúng cháu cần có Bà!”.

Trong ba phòng riêng của ngôi nhà xưa cũ, vào lúc đêm khuya, Ba con người già nua, bất lực như trẻ sơ sinh từ trên giường ngồi nhỏm dậy, và từ trái tim họ bật lên tiếng kêu thầm lặng! “Chúng cháu thương yêu! Chúng cháu thương yêu Bà!”

Ở đó, trên bầu trời đó! – Sáng sáng chúng tôi lại ước ao. – Lẽ nào không có chiếc máy bay trực thăng. Nó…! Nó sẽ hạ xuống bãi cỏ ngay bây giờ đây.

Bà sẽ ở đó, trên mặt cỏ trước nhà. Vì đó là chiếc quan tài đựng Bà mà! Và tên tuổi của chúng tôi trên những tấm vải lanh thô quấn quanh tấm thân tuyệt diệu của Bà, và chiếc mặt nạ che mặt!

Chiếc chìa khóa nhỏ bằng vàng vẫn đeo trước ngực Agatha như xưa kia, nóng ấm, đợi chờ giây phút thiết tha thầm kín. Khi nào giây phút đó sẽ tới? Chiếc chìa khóa nhỏ có tra vừa không? Nó có xoay đi làm cho máy chạy được chăng?

Chú thích:

[1] I Sing the Body Electric: Câu thơ của thi sĩ Mỹ Walt Whitman.

[2] Hoàng hậu nổi tiếng của vua Pie đại đế – Nước Nga.

 

 

Bình luận