Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nỗi đau của đom đóm

Chương 17

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ

Sắp đến nửa đêm, các thành viên của tổ nghiên cứu đều đã tập hợp ở tầng trệt của Trung tâm nghiên cứu. Nghĩ rằng lát nữa mình phải đi xuống hành lang ngầm dài và tối thông với Viện mỹ thuật, tim Quan Kiện bỗng đập nhanh. Hình như anh thấy cơn đau lại thoang thoáng kéo đến

Có lẽ lần trước, khi bước vào hành lang này rồi bị đau chỉ là ngẫu nhiên?

Chỉ lát nữa sẽ biết là ngẫu nhiên hay có quy luật gì đó

Toyokawa Takesi đẩy cái xe chở thiết bị, cùng cô Yasuzaki Satiko sánh vai đi vào. Quan Kiện đi phía sau bỗng nói với giáo sư Nhiệm: “Nếu lát nữa em bị lên cơn đau, thì mọi người mau chóng đưa em lên Viện mỹ thuật, chứ đừng lùi ra. Em muốn thử xem cơn đau sẽ làm gì em…”. Có lẽ đau cũng là một thử thách, nếu mình không chịu đựng nổi thì tức là bỏ lỡ cơ hội. Hoặc, nói như bác sĩ Du Thư Lượng: cơn đau kéo đến, cũng có ý nghĩa như là sự tồn tại của mình vậy.

Ông Nhiệm sửng sốt: “Cậu không nói đùa đấy chứ?”

Kiện lắc đầu: “Không ạ. Em biết rõ mà”

– Được. Tôi hiểu tâm tư của cậu… cậu không muốn Thi Di phải chờ đợi quá lâu, đúng không?

Giáo sư Nhiệm vốn ít nói, chỉ có ông mới là người thực sự hiểu mình.

Kiện rất cảm động, gật đầu: “Thầy Nhiệm biết em từ nhỏ, vẫn khác thật!”

– Tôi lấy làm thẹn… Làm thí nghiệm về cậu, chứng kiến cậu trưởng thành, nhiều lúc tôi thấy rất thương cậu.

Cô Satiko bỗng từ trong cái cửa nhỏ quay ra: “Các vị đừng lo, tôi sẽ cùng anh Toyokawa Takesi đi kèm anh Kiện, nếu thấy bất ổn chúng tôi sẽ đỡ anh ấy và sẽ khiêng lên Viện mỹ thuật”.

Như khiêng một cái xác.

* * *

Sau cánh cửa nhỏ là bậc thang đi xuống, dưới cùng lại có một cửa, cửa đã được Kikuchi Yuji mở ra. Đây là phòng côngtơ điện của Trung tâm nghiên cứu

Quan Kiện đã cảm thấy cơn đau tràn đến rất rõ

Ba chiếc đèn pin cực mạnh đã xua tan bóng tối trong hành lang, nhưng không xua đi nổi cơn đau kịch liệt đang dâng lên như thuỷ triều.

Cơn đau tương tự như lúc Thi Di và Văn Quang bị hại, anh còn nhớ rất rõ, cơn đau lúc này thực sự khiến anh không sao chịu đựng nổi nữa, nhưng anh vẫn vững vàng bước đi. Anh không muốn mình bị đánh gục.

Ông Yama đi khoảng ba chục mét, là cửa thứ nhất.

– Lạ nhỉ, sao cái cửa sắt này lại không có khóa? – Cô Satiko khẽ hỏi – Nếu không có cánh đóng mở được, thì nó đâu gọi là cửa? Nó là tấm sắt dày cộp thì có.

Quan Kiện vẫn chưa tin mình có thể chịu đựng cơn đau để đi xa như vậy, đi đến cái cửa này anh đã thấy người rã rời, đầu óc cũng dần mơ hồ, tai chỉ nghe thấy Kikuchi Yuji nói tiếng Nhật.

Satiko đỡ Quan Kiện, thấy anh đang run rẩy và thở rất nặng nhọc. Cô khẽ nói với anh “Anh Kikuchi Yuji đang mở cửa, anh ấy nói cửa thứ nhất rất khó mở. Cửa này làm bằng thép tốt, có thể chịu nổi xung lực cực mạnh”.

Quan Kiện đang rất đau nhưng anh cũng hiểu rằng Satiko đang trò chuyện để giúp anh phân tán ý nghĩ và cảm thấy bớt đau.

Giáo sư Nhiệm nói: “Đây là phòng công tơ điện của Trung tâm nghiên cứu, là nơi có đầy đủ các thứ đồng hồ đo, cầu dao, các đường ống và dây dẫn. Đầu kia của Viện mỹ thuật cũng thế. Nếu nói Trung tâm nghiên cứu và Viện mỹ thuật đến khi chết già không chơi với nhau thì cũng không ngoa tí nào vì công tác của hai đơn vị khác nhau một trời một vực. Cổng chính thì chỉ cách nhau vài chục mét nên rất hiếm có người đi sang bên kia theo lối đường tắt này. Mấy năm trước Viện mỹ thuật đã cho xây tường ở hành lang này vì lý do an toàn, nên không còn ai qua lại đây nữa. Cách mở cái cửa sắt này tất nhiên cũng chìm vào quên lãng”.

Quan Kiện đã thấy bớt đau, thậm chí cơn đau đang tiêu tan.

Cô Satiko nói: “Anh Kikuchi Yuji đã xem xét rất lâu, nhận ra rằng các ngân hàng châu Âu thế kỷ trước đã từng dùng cửa này cho kho vàng của họ, thiết kế theo phương thức vật lý thông thường, nhưng dù biết thế thì cũng không tìm ra cách để mở”.

Kikuchi Yuji đã đặt một dụng cụ có đường kính chừng nửa mét lên cánh cửa sắt, rồi từ từ xoay từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Thiết bị phát ra tiếng “tít tít”. Tín hiệu bỗng càng mạnh, càng gấp hơn, liên tục không ngớt. Kikuchi Yuji gọi to, ông Yama****a, giáo sư Nhiệm và Toyokawa Takesi cùng chạy đến đẩy cửa. Quan Kiện cũng giúp sức. Cánh cửa sắt đã được mở!

Phía sau nó là một cửa nan thép, đó mới là cửa thật sự. Đó là thiết bị khử từ trường? Cửa này bằng nam châm hay sao? – Dưới ánh đèn pin, Quan Kiện nhìn mãi cái thiết bị đang áp trên cánh cửa sắt.

Cô Satiko nói: “Anh là người rất hay động não!”

Kikichi Yuji lại lục tìm trong cái túi công cụ, lấy ra một chùm chìa khóa đủ loại. Lát sau đã mở được cửa nan thép.

Họ đi khoảng ba chục mét nữa thì lại gặp một cửa sắt. Trên cửa có một then sắt, treo một chiếc khóa to bằng nắm tay, có vẻ đã lâu năm.

Kikuchi Yuji loay hoay một hồi, và lại mở được cửa.

Đi lên một quãng thì đến một bức tường.

Quan Kiện vẫn nhớ hôm qua vào đây lần đầu, trong lúc bị đau, anh đã nhìn thấy bức tường. Chẳng lẽ đang nửa đêm cũng định phá tường?

Giáo sư Nhiệm nói: “Bức tường đã bị dỡ rồi!”.

Đúng thế: Kikuchi Yuji và Toyakawa Takesi bước lên, lần lượt “rút” từng viên gạch xuống, một cái “cửa” trống hoác cao độ 2 mét, rộng nửa mét hiện ra. Chắc là hôm qua tổ thí nghiệm đã khoét được tường rồi xếp gạch mới vào, khi cần chỉ việc dỡ gạch ra.

Lúc này Quan Kiện đã bớt đau, nhưng bất chợt lại thấy đau dữ dội. Rõ ràng là các cơn đau không có quy luật rõ rệt, hai chân anh bủn rủn, người đổ ập về phía trước. Cô Satiko và giáo sư Nhiệm đỡ anh đứng dậy. Anh đang định chế nhạo mình một câu thì anh bỗng ngớ ra, quên cả đau đớn.

Vì khi cô Satiko cúi xuống đỡ anh, mái tóc cô rủ xuống trán, cô bèn đưa tay vuốt ra sau, một đốm sáng quen thuộc lóe lên trong mái tóc ấy.

Con đom đóm!

Quan Kiện bất giác áp sát, đưa hai tay vén mớ tóc bên má Satiko.

– Này, anh không được… – Satiko giận dữ.

Cơn đau bỗng tan nhanh. Quan Kiện cũng nhận ra rằng mình thật thô lỗ quá đáng, vội nói “xin lỗi”, và hỏi: “Yasuzaki Satiko… đôi hoa tai này của cô ở đâu ra?”

– Tôi mua ở Tokyo… tại sao anh lại… – Cô tỏ ra rất bực mình vì hành động “đụng chạm” vừa rồi của Quan Kiện.

Anh định giải thích, nhưng nghĩ rằng đang lúc đông người, nên lại im bặt.

Bình luận
× sticky