Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nỗi đau của đom đóm

Chương 51

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ

Thí nghiệm đã kết thúc, mọi người lại đi qua địa đạo trở về Trung tâm nghiên cứu, Quan Kiện bất chợt nhìn ra phía ngoài khu nhà, thì thấy cái bóng đen nọ lại xuất hiện cạnh chiếc giá sắt bên tường của sân sau.

Lần này mình không thể để nó chạy thoát!

Anh đang định xông ra thì bị Satiko giữ chặt ngăn lại: “Lần trước nó chạy quá nhanh, anh quên rồi à? Lần này nó đã nhìn thấy anh thì nó sẽ biến mất ngay. Để em thử xem sao vậy”

Satiko chầm chậm bước về phía bóng đen.

Trái với dự đoán của Quan Kiện, bóng đen kia rõ ràng đã nhìn thấy Satiko nhưng hắn vẫn đứng im.

Satiko đã có ma lực gì vậy?

Bóng đen ấy bỗng khẽ kêu lênmột tiếng gì đó. Quan Kiện không nghe rõ, Satiko cũng đáp lại thì phải. Bóng đen ấy bước lên vài bước, hình như hơi do dự, lại dừng bước, rồi từ từ lùi lại.

Cuối cùng, hắn bỏ chạy.

Satiko cũng chạy lên, Quan Kiện chạy ra khỏi cửa sau, lao theo.

Bóng đen chạy vào cửa sân sau Trung tâm nghiên cứu, Satiko bám rất sát. Nhưng cô bỗng dừng lại, Quan Kiện không nhìn thấy bóng đen kia đâu nữa.

Chạy đến bên Satiko, anh nói “Em chạy khiếp thật đấy, nhưng tại sao hắn lại biến mất, hệt như trước kia, bay hơi mất tăm à? Anh phải ra cửa sau xem sao?”

Bỗng Satiko lớn tiếng: “Anh đừng sợ, anh ấy là bạn trai của cô Hoàng ngày trước… Cô Hoàng đã mất, cô ấy bị sát hại. Nếu anh biết được điều gì thì hãy nói với chúng tôi…”

Quan Kiện không hiểu ra sao nữa, anh nhìn Satiko. Có phải lúc nãy người này đã gọi tên Thi Di không?

– Cô ấy… đã chết ư? Một giọng nói vang lên ngay phía sauhai người.

Họ quay lại. Bóng đen lại xuất hiện ở chỗ không xa.

Satiko chỉ vào Quan Kiện nói “Anh này là bạn trai của cô Hoàng, cô ấy đã mất, thật thế! Anh đừng sợ, chúng tôi chỉ muốn hỏi anh mấy câu”

Người ấy đứng lặng ở đó, hơi run rẩy.

Quan Kiện hỏi: “Mấy lần trước anh chạy thoát, chắc là trèo lên cây kia chứ gì?” Anh nhận ra gần chỗ 3 người có 1 cây lớn sum xuê rậm rạp, cành lá đan xen, vươn hẳn ra ngoài bức tường của Trung tâm nghiên cứu.

Người ấy gật đầu, nói “Tôi là Lưu Thạch Tài, cô Hoàng hẹn gặp tôi ở đây, tôi cứ đợi mãi mà không thấy, không ngờ cô ấy đã đi rồi”

Lúc này Quan Kiện mới nhìn rõ, Thạch Tài vóc người tầm thước, có đôi vai rộng, khuôn mặt thì dài nhọn, da hơi sạm đen. Anh nói “Thi Di hẹn anh, là từ bao giờ? Sao anh lại quen cô ấy?”

– Thi Di?

– À tức là cô Hoàng mà anh nói đến… trông cô ấy hơi giống cô này, có mái tóc dài, trông rất xinh và cũng mặc áo trắng. Cô ấy làm ở Trung tâm nghiên cứu, đúng không? Quan Kiện vừa nói vừa chỉ vào Satiko

Thạch Tài nhìn Satiko rồi gật đầu “Vậy là tôi đã mấy lần nhìn nhầm”. Anh ta lại ngẩng lên nhìn Quan Kiện, có ý cảnh giác. Rồi lại nhìn Satiko hỏi “Nhưng! Tôi sao có thể tin ở các vị…?”

Quan Kiện ngẩn người, rồi anh lấy ra cái ví tiền, giơ ra tấm ảnh chụp chung với Thi Di khi cùng đi du lịch Hàng Châu năm ngoái. Quan Kiện soi đèn pin, Thạch Tài nhìn ảnh, đã hết nghi ngờ: “Cách đây hơn 1 tháng… Trời đất ơi, sao cô ấy lại gặp phải tai ách như thế… tôi chỉ sợ, tại tôi yêu cầu cô ấy nghe ngóng hộ tôi…”

– Thực ra chuyện là thế nào?

– Chuyện dài lắm, tôi sẽ kể từ đầu. Tôi vốn từ quê ra, mới đầu tôi làm thuê ở Tây An. Cách đây độ 2 năm, một hôm vào giờ ăn tối tôi đã xem 1 tập phim tài liệu… thế rồi từ đó cuộc sống của tôi bỗng rối loạn. Đó là phim phóng sự về nghệ thuật dân gian Thiểm Tây, chủ yếu kể về kịch múa rối bóng (con rối dẹt, ánh đèn hắt lên kính hoặc vải, khán giả xem “bóng” và nghe lời thoại kèm theo) của huyện tôi đã thất truyền bấy lâu. Tôi rất chú ý xem, bởi vì gọi là múa rối bóng của huyện, thực ra là của thôn chúng tôi. Tên chính thức của thôn tôi là thôn Tiểu Lương, nhưng bà con quanh vùng quen gọi là thôn “rối bóng”. Rối bóng của thôn chúng tôi đã có từ nghìn năm trước, có phong cách độc đáo nhất huyện, nhất tỉnh, nhất cả nước. Nhưng phong cách độc đáo cụ thể ra sao thì tôi cũng không thể diễn tả được, vì nó đã thất truyền mà! Còn bộ phim ấy thì nói là “chỉ có” thôn Tiểu Lương giữ được con rối và đạo cụ rối bóng, cho nên tôi dán mắt căng tai ra để xem để nghe!

Quan Kiện và Satiko đưa mắt nhìn nhau, tại sao bỗng nói sang cái chuyện “rối bóng” thế này? Xem chừng, chuyện còn rất dài.

– Hai vị có đoán được không? Con rối và đạo cụ rối bóng giống hệt của bà ngoại tôi! Bà ngoại tôi kể rằng đó là món quà mà ông ngoại tôi đã cho bà ngoại tôi vào dịp đính hôn. Nó không tầm thường tí nào, nó là công cụ kiếm ăn của bà ngoại tôi! Bây giờ chắc các vị đã biết múa rối bóng của huyện chính là múa rối bóng của thôn chúng tôi, múa rối bóng của thôn cũng chính là múa rối bóng của bà ngoại tôi! Ông ngoại tôi Đinh Nhất Thuận là nghệ nhân hàng đầu về múa rối bóng của thôn và là người duy nhất được chân truyền. Bà ngoại tôi kể rằng, con rối và các công cụ, hình ảnh và cách chế tạo của ông ngoại tôi khác hẳn các nhà khác, họ muốn học cũng không học nổi. Cho nên, khi tôi thấy bộ đồ nghề ấy trong phim rồi, lại nghe nói nó nằm trong nhà bảo tàng nghệ thuật dân gian Giang Kinh thì người tôi rạo rực nóng bừng, không hiểu tại sao.

– Tin rằng các vị không thể biết, ông ngoại tôi là người được chân truyền về rối bóng ở thôn Tiểu Lương, vậy tại sao rối bóng lại thất truyền? Nguyên nhân rất đơn giản, và cũng vì nó mà tôi bức xúc. Hơn sáu mươi năm trước, toàn thể đàn ông có thể lao động, kể cả những thanh niên thôn Tiểu Lương hơi biết về rối bóng, đều bị giặc Nhật bắt đi hết chỉ trongmột đêm. Họ không bao giờ trở về nữa. Không một ai trở về!

Quan Kiện và Satiko đều hít vàomột hơi thật sâu, đều cùng cảm thấy lành lạnh, rất rõ rệt.

– Các vị nghĩ mà xem, đàn ông cả thôn, trong đó có rất nhiều trai tráng, dù gặp chiến tranh thì cũng có kẻ chết, người sống chứ không thể chết sạch không cònmột mống. Và không có 1 tin tức gì hết, thế là thôn rối bóng nổi tiếng gần xa bỗng dưng trở thành thôn quả phụ nổi tiếng. Các cụ già đoán rằng những người đó đã bị chôn sống, nhưng tại sao lại bị chôn sống thì không ai nói được. Cũng có người bảo họ đã bị giặc bắn, có người bảo họ bị giặc đưa về đảo của chúng, tiếp tục làm phu phen. Khi nhìn thấy rối bóng của bà ngoại ở Giang Kinh, tôi nghĩ hay là ngày trước đàn ông của thôn tôi đã bị đưa về Giang Kinh? Nếu tìm ra gốc gác của bộ đồ nghề rối bóng này thì sẽ biết được nguồn cơn câu chuyện năm xưa cũng nên… Đám người ấy mất tích tập thể, đương nhiên là sự kiện lớn trong lịch sử của thôn. Nếu khui được cái bí mật này ra thì đó cũng là tình cảm với các thế hệ trước và tổ tiên. Nghĩ thế, tôi bèn đến Giang Kinh để tìm những con rối bóng kia. Nhưng, ti vi chỉ chiếu loáng 1 cái, tôi không nghe rõ các con rối được để ở đâu, tôi lần mò tìm khắp Giang Kinh mất đúng 1 năm mới thấy chúng ở Nhà bảo tàng văn hóa nghệ thuật các dân tộc Giang Kinh. Nhà bảo tàng ấy thoi thóp sắp phải đóng cửa đến nơi, mà vẫn rất ra vẻ ta đây. Họ không những không trả bộ rối bóng cho tôi, mà còn không buồn nói lai lịch của nó nữa. Chỉ bảo là vài năm trước có 1 học giả Nhật Bản tìm thấy ở Giang Kinh, bèn đem đến tặng cho…

– Học giả Nhật Bản? Quan Kiện và Satiko đồng thời ngắt lời Lưu Thạch Tài. Người ấy tên là gì?

Thạch Tài lắc đầu: “Tôi nhớ tên ông ta làm gì, hỏi còn không thiết hỏi nữa là!”

Quan Kiện và Satiko nhìn nhau, Quan Kiện nói: “Mai, anh sẽ gọi điện hỏi rõ”

Thạch Tài nói: “Đừng phí sức nữa, anh có gọi điện cũng vô ích thôi, vì tôi đã… đánh cắp bộ rối bóng đó về rồi! Nhà bảo tàng ấy nhếch nhác, việc canh gác cũng nhếch nhác luôn, tôi chẳng phải tốn sức mà cũng thó được”

Nói xong, Thạch Tài nhìn quanh 4 phía, rồi bỗng cởi ngay áo Jacket đang mặc, tháo lần lót ra. Thì ra “lót áo” chính làmột cái túi đen bóng. “Trong này là những con rối bằng da bò, do chính ông ngoại tôi thuộc da, trổ cắt và khâu thành. Năm xưa đính hôn ông đã tặng bà ngoại tôi. Hồi nọ thó ra từ nhà bảo tàng, tôi vẫn cất ở đây. Các vị xem này…” Thạch Tài lấy rahai cái bao da “Túi này đựng vài con rối tôi mang từ nhà đi (kỷ vật mà ông tôi đã tặng bà tôi ngày xưa) còn túi này là các con rối tôi lấy được ở bảo tàng, chúng giống hệt nhau! Vậy đương nhiên chúng vốn là của nhà tôi rồi!”. Thạch Tài moi 2 cái túi lấy ra 2 con rối dẹt, nói tiếp: “Hai con rối này đều là Hoàng Thiên Bá (nhân vật có thật, một trong “tứ bá” chống đối triều đình Mãn Thanh), hai vị xem đi, có phải là giống hệt nhau không?”

Quan Kiện và Satiko đón lấy hai con rối trổ cắt bằng da, đối chiếu tỉ mỉ, đúng là y hệt nhau. Thạch Tài lại nói: “Sau khi lấy được bộ con rối ở nhà bảo tàng, tôi lập tức về quê. Bà ngoại tôi đã mất, nhưng các cụ già trong thôn vừa nhìn thấy đã nhận ra ngay, đích xác là con rối bóng của thôn Tiểu Lương! Tại sao? Tại vì, rối bóng bình thường thì dùng 3 cái que để điều khiển, một que nối đầu và thân, hai que nối vào 2 tay con rối, điều khiển rối bóng khó ở chỗ một nghệ nhân phải đồng thời điều khiển vài con rối, mỗi con có ba cái que. Đã đủ phức tạp chưa?Nhưng rối bóng của thôn Tiểu Lương thì mỗi con rối lắp 4 cái que! Ngoài đầu và 2 tay ra còn lắp thêm 1 que ở háng con rối. Nghe nói, nếu biểu diễn đấu võ sẽ càng hay hơn. Cho đến hôm đó tôi mới hiểu ra rằng con rối bóng có 4 que mới là đặc sắc, là đỉnh cao!”

– Các vị xem này, cổ, hai tay và khớp xương của Hoàng Thiên Bá đều đục lỗ, là để xâu dây buộc vào que điều khiển, ở háng cũng có lỗ đúng chưa? Còn con rối này cũng thế, có bốn lỗ thủng. Các vị cứ việc đến các bảo tàng mà hỏi, chỉ có con rối bóng của thôn Tiểu Lương mới có 4 que điều khiển, nhưng đã bị thất truyền mất rồi. Cho nên, bộ con rối bóng trong bảo tàng này đích xác là đồ nghề sinh nhai của ông ngoại tôi ngày trước! Tôi lại nghĩ, bộ rối bóng của ông ngoại lưu lạc đến Giang Kinh, chắc hẳn phải có nguồn cơn chi đây. Ngày ấy họ đến Giang Kinh làm gì? Sau khi giặc Nhật bị tống cổ, thì họ đi đâu? Sao không có chút tin tức gì? Và tại sao rối bóng của ông ngoại tôi lại bị trôi giạt, không tiếp tục truyền nghề? Thực là đáng tiếc! Cho nên tôi tiếp tục ở lại Giang Kinh lao động, đồng thời nghe ngóng, nhưng không có kết quả. Tết vừa qua công trường cho nghỉ vài ngày, tôi không muốn chen tàu hỏa chật chội trong dịp cao điểm vận tải, nên ở lại Giang Kinh ăn Tết. Hôm đó tôi bày các con rối ra ngắm nghía, và bỗng nhận ra rằng có 1 con rối không làm bằng da mà làm bằng bìa… cũng không phải thế, thực ra nó được cắt từ vải. Đây, hai vị xem đi…

Thạch Tài đưa ramột con rối mà anh ta gọi là làm từ bìa, hỏi “có thấy là rất giống không?”

“Ôi…” cả Quan Kiện và Satiko đều khẽ kêu lên

Đúng như Thạch Tài nói, hình thù này được cắt ra từ miếng vải màu xám, trông có cảm giác lập thể rất rõ rệt, đủ thấy người trổ cắt nó rất khéo tay. Phần trên của nó hình bầu dục, trông tựa như hình lập thể của 1 cái bát, có thể thấy rõ cái “bát” lõm xuống, dưới chậu là một cái đế hình trụ, phía đáy thì rộng ra, hơi giống hình tam giác.

Nhìn vào, nhận ra ngay nó có hình dáng giống như cái giá sắt kỳ lạ đặt ở gần bức tường xa xa kia.

Lưu Thạch Tài nói tiếp: “Tôi không cần dài lời nữa chứ gì? Thoạt đầu tôi rất băn khoăn trong bộ con rối này lại thừa ra một mẩu vải vớ vẩn, không có vẻ gì là 1 đạo cụ, nó là hình thù quái gì vậy? Tôi cầm nó lên ngắm đi ngắm lại mãi, rồi phát hiện ra ở chỗ này này, hai vị nhìn đi, có 1 đường khâu chỉ đen…”

Đúng thế, ở chỗ tiếp giáp giữa cái bát và cái trụ đỡ có những mũi khâu đen đen.

– Tôi nghĩ mãi, tại sao phải có cái đường khâu chẳng đâu vào đâu thế này? Thế là tôi dùng cái “nhíp” nhể đường chỉ ra. Tôi nhận ra rằng vải có 2 lớp, tôi bèn tách nó ra. Đúng thế thật!

Thạch Tài nhẹ nhàng rút sợi chỉ ra.

Ở chỗ được khâu, thì bên trong “rỗng” còn các chỗ khác, hai lớp vải được dán dính chặt, tất nhiên vẫn có thể bóc ra, Thạch Tài tách 2 lớp vải ra. Hai vị nhìn đi, thấy cái gì ở lớp vải phía dưới?

Hìnhmột cây thập tự màu đỏ sẫm!

Nếu soi trước ánh sáng, sẽ thấy nó có ánh đỏ, rất giống như… vẽ bằng máu. Thạch Tài hít vàomột hơi thật sâu, rùng mình, cúi đầu.

Quan Kiện nói: “Rồi anh đã đi quanh khắp các nhà thờ ở Giang Kinh, cuối cùng tìm đến đây…” Anh bỗng quay người, bước đi thật nhanh. Cảba người cùng bước đến bên cái giá sắt trồng ở giữa bãi cỏ. Quan Kiện chỉ về phía Tây Bắc: “Sau đó anh nhìn thấy cây thập tự trên nóc nhà thờ Đức Mẹ kia?”

– Lúc đó đầu tôi như nổ tung, tôi nghĩ: Ông ngoại tôi đã đến đây, rồi dùng cái mảnh vải này để nhắn với thế hệ sau rằng ông đã từng đến nơi này…

Không hiểu sao, hình như có tiếng nổ bên tai Quan Kiện thật, óc anh nảy ramột câu: “Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Y Dược Đông Tây được xếp hạng thứ nhất trong bảng…”

Đó là câu nói của Âu Dương San trong bảng “xếp hạng mười nơi có ma ở Giang Kinh”

– Cho nên anh đã đốt giấy ở cái đài này? Anh cho rằng ông ngoại anh đã chết ở đây?

Thạch Tài gật đầu: “Đúng thế, khi sắp chết người ta nghĩ mọi cách để truyền tin ra ngoài, nếu đúng là ông ngoại tôi đã vẽ cây thập tự này thì tức là muốn nói rằng ông bị khốn đốn ở đây”.

– Và, chắc là bị canh giữ rất chặt, nên phải dùng cách rất kín đáo để đưa tin. Quan Kiện nói.

Satiko bỗng nói “Đừng nên kết luận quá sớm, vì có quá nhiều yếu tố là suy đoán”

Thạch Tài nói, “Thời gian qua tôi vẫn đi lại quanh đây, tôi cũng đã hỏi bà tu sĩ trong nhà thờ, nhưng càng hỏi thì càng không biết. Có lẽ vì tôi có mặt ở đây nhiều quá nên bị cô Hoàng nghi ngờ. Một hôm cô ấy hỏi tôi mấy câu, và nói cũng đã thấy tôi đến nhà thờ, cô ấy rất lấy làm lạ…”

Thi Di cũng đã đến nhà thờ!

– Tôi bèn kể cho cô ấy cái câu chuyện vừa nói, cô ấy bảo sẽ tra giúp tôi các tư liệu, ví dụ, về lịch sử của thôn Tiểu Lương, của Giang Kinh, của cái Trung tâm này và của nhà thờ trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật. Rồi cô ấy hẹn tôi đến đây gặp, vào khoảng 11 giờ đêm, ngày… ngày hôm nào tôi quên mất rồi. Cô ấy sẽ cho tôi biết kết quả đã tra cứu được. Tôi rất cảm kích, nhưng cũng băn khoăn tại sao cô ấy lại nhiệt tình như thế… Mấy năm ra thành phố làm thuê, tôi đã hiểu dân thành phố các vị… Nhưng thôi, không còn cách nào khác, tôi phải tin cô Hoàng và tôi đã chờ đợi. Nhưng, ngày nào tôi cũng đến đây mà không hề thấy cô ấy đến. Hôm nay mới biết tin…

Quan Kiện và Satiko lại cùng nhìn nhau. Quan Kiện nói: “Thế này vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tra cứu các tin tức mà cô Hoàng chưa kịp cho anh biết, rồi sẽ nói với anh. Được không?”

Bình luận
× sticky