Một câu chuyện hoàn toàn mới lạ nói về những vấn đề nghiên về tâm linh. Có thể bạn chưa biết Thiên Linh cái là gì? Đó là một loại bùa ngải,đã có một giai đoạn, những con người đánh vào sự nhẹ dạ cả tin để mê muội những người xung quanh nhằm đem lại lợi ích cho mình.Trong đó điển hình là Hai Tưng là nhân vật có thật, đã bị xử tử vì tội giết người trong quá trình luyện Thiên Linh cái. Tác giả đã kể lại câu chuyện này bằng văn học, để nghiệm về cuộc đời, khi con người ở cùng cực của sự đau khổ, hoặc đẩy mình vào tận cùng ngõ tối của lòng tham, họ khiến mình si mê, ngu muội và tự huyễn hoặc mình bởi những thứ siêu linh không thật.
Câu chuyện có những tình tiết đáng sợ đến ám ảnh, rùng mình, nhưng sự thật tàn độc của những kẻ luyện Thiên Linh cái là như thế, mà con người vì hai chữ dị đoan chỉ nhìn bề ngoài rồi tin, rồi chạy theo một cách không suy nghĩ, để đem đến đau khổ cho người thân của mình và cả cho chính bản thân mình.
Không cần hô hào chống lại mê tín dị đoan, tác giả dùng thuật tả của văn mình để phơi bày ra một sự thật phũ phàng và những hệ lụy đáng tiếc mà những ai đã, đang và sẽ phải chịu đựng khi để tâm hồn mình chạy theo những mong cầu không có thật. Điều đáng nói ở tác phẩm này, tuy độc giả khó tìm thấy tính nhân văn trong một câu chuyện toàn máu và ám ảnh, nhưng sự thật là tác giả đã nhân văn với cả nhân vật Hai Tưng của mình. Cho hắn một lý do để phạm tội, dẫu cho ngày phải đền trả lại. Thiên Linh cái hoàn toàn không có nhân vật “phản diện” hay “chính diện” mà chỉ là câu chuyện đấu tranh giữa tốt – xấu trong tự mỗi con người và nếu sa vào sai lầm thì do chính bản thân họ đã cùng với hoàn cảnh khiến sự yếu đuối của mình đưa mình đi. Đằng sau mỗi con người là một cuộc đời, một câu chuyện không chắc ai cũng biết, nên, đừng vội vàng lên tiếng đả kích ai, khi bản thân chúng ta chưa bao giờ hoàn hảo.
“Hai Tưng” là một trong hai nhân vật liên quan đến truyền bá mê tín dị đoan làm tôi phải lưu tâm nhất ở thời kỳ làm báo. “Hai Tưng” khiến tôi từng cảm thấy căm ghét vô cùng – theo cách tôi tự nhắc nhở mình không bao giờ được “ngó lơ”, được mặc kệ với những điều xấu trong xã hội khi còn cầm bút.
Tôi đã đọc đi đọc lại vụ án về “Hai Tưng” đến hàng trăm lần như để buộc mình phải nhớ, ngoài kia, còn lắm kẻ lợi dụng lòng tin của người khác làm lời, và, bản thân mình không bao giờ được chùn bước, chùn bút.
Để đến khi, tôi bắt đầu đuổi theo chữ nghĩa ở nghiệp văn chương, tôi vẫn không thể nào thôi nỗi ám ảnh về nhân vật này. Tôi trở lại viết về “Hai Tưng”, như tôi từng lật lại vụ án đúng thời điểm “Hai Tưng” bị xử tử để viết một bài báo khác, bằng một góc nhìn khác, trái tim đập những nhịp khác. Tôi tin, con người – bất kể là ai – làm gì, cũng có một nguyên nhân, một động cơ cả!
Khi “Hai Tưng” trở thành nhân vật văn học của tôi, tôi yêu hắn theo cách lạ lắm – không thể thay đổi kết cuộc, vì, cho dù thế nào thì tội ác vẫn là tội ác và vẫn phải trả giá, nhưng, chí ít tôi muốn người khác nhìn thấy mặt “con người” của Hai Tưng, cũng hỉ – nộ – ái – ố, cũng đau khổ, cũng dằn vặt.
Tôi muốn gửi gắm đến độc giả của mình – những người đã luôn quan tâm, ủng hộ tôi, những người đã luôn đồng cảm với tôi – rằng, số phận nằm ở bàn tay.”
(Trương Thanh Thùy)