Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Linh Cái

Chương 14: Những đứa trẻ không tiếng khóc

Tác giả: Trương Thanh Thùy

Tư Càng bước chếnh choáng từ ngoài cửa vào, mặt trời đã lên gay gắt. Phê khó chịu lắm nhưng không dám nói gì. Thấy Phê, Tư Càng hỏi:

– Ủa, chưa đi à?

– Đi đâu? – Phê bối rối.

– Tui đã đưa tiền để Phê đi rồi mà…

– Anh… anh đuổi em thiệt sao? – Phê mếu máo. Không ngờ Tư Càng đi biệt cả tuần, quay về nhà vẫn là câu đuổi Phê như ngày Tư Càng chuẩn bị đi.

– Tui không đuổi! Tui chỉ nghĩ chỗ này không còn đủ với Phê!…

– Có phải anh lại lên Sài Gòn, lại ôm ấp con nào rồi về hất hủi em?

Tư Càng cười khẩy, không nói không rằng, đi thẳng vô phòng mình, dập cửa lại. Giọng Tư Càng say xỉn vọng ra từ trong phòng:

– Tui bán nhà rồi, Phê đi đi kẻo không kịp!…

Bà Tám lao nhanh qua nhà Phê, hốt hoảng:

– Người ta bắt thầy Hai Tưng rồi, cô Tư!

Tư giật mình, quay ra, giọng gấp gáp:

– Gì? Dì nói cái gì?

Bà Tám lặp lại lần nữa:

– Người ta bắt thầy Hai Tưng rồi!

– Ai? Ai bắt?

– Công an!

Nói rồi, bà Tám vội vã lao đi, chạy về phía đám đông đang tụ tập kín mít ở triền đồi nơi có lều thầy Hai Tưng. Phê ngó vô trong phía cửa phòng Tư Càng, không động tĩnh gì, Phê theo bước bà Tám, chạy đi…

Đám đông bu kín mít. Cái giàu có, uy quyền mà Phê hưởng được từ cuộc hôn nhân đầy toan tính với Tư Càng thường ngày gây kiêng nể với tất thảy con người ở làng này giờ thành vô dụng. Đám đông mặc kệ Phê xô đẩy, chen ngang, cố rướn về phía trước, họ vẫn tụ tập đông nghìn ngịt, xuýt xoa, bàn tán.

Thầy Hai Tưng thong dong bước ra, hai tay bị còng phía trước, ngang qua Phê, thầy khẽ nhoẻn miệng cười. Hàng người tách đôi ra, sức mạnh vô hình từ người đàn ông với tội ác man rợ ấy dễ dàng đẩy những tò mò của con người ta rẽ thành hai phía. Phê cứ thế, đứng giữa, đối diện với thầy Hai Tưng, bàng hoàng.

Tiếng Tuần tru lên ở phía xa xa, nơi có vài cán bộ công an đang đào bới. Đám đông không cục cựa, không lên tiếng. Mọi thứ bẵng thinh giữa cái không gian tưởng chừng không thể không ồn ào này. Phê nghe tiếng Tuần khóc, thấy lòng mình nửa hoang mang, nửa hoảng sợ. Chuyện gì?

Tuần lao nhanh về phía thầy Hai Tưng, mặc kệ hai cán bộ công an đang áp giải Hai Tưng cố cản lại, Tuần túm vào tay Hai Tưng, hét:

– Cái đầu đâu? Cái đầu đâu? Thằng khốn nạn! Quân giết người!

Cả đám đông sững lại. Phê chết sững. Hai Tưng cười khùng khục, cười thành tiếng rồi rót từng lời như cứa vào lòng mọi con người đang đứng đó chứng kiến cảnh mà người ta gọi là đưa đi chờ ngày đền tội:

– Đầu? Da thịt thành lộc cho cả làng này rồi mà!

Hai Tưng lại ngửa mặt lên trời, cười khùng khục. Có tiếng nôn mửa. Phê nghe lộn lạo hơn gấp ngàn lần lúc ngửi mùi tanh tửi từ chiếc nồi lớn thầy Hai Tưng trả về sau buổi tiệc cúng âm binh của thầy.

Xác Tho được đắp khăn trắng cáng trên cái cáng công vụ đưa ra. Hàng người giãn ra lớn hơn ban nãy. Tất cả mọi người đều bưng mũi miệng, khó chịu với mùi hôi thối bốc ra từ cái xác chết lõm đi mất khúc đầu.

Thêm một cái cáng đắp khăn tráng được cáng ra. Mọi người bắt đầu xì xào. Hai Tưng bình thản quay qua Phê:

– Mụ câm! – Hắn lại ngửa mặt lên trời, cười, rồi bình thản quay sang Phê nói như trăn trối – Tui sẽ độn thổ về. Tui sẽ chứng minh tính linh nghiệm của Thiên Linh cái. Tui sẽ chăm sóc cho những người cần được tui chăm sóc…

° ° °

Tuần hóa rồ, nhất là sau khi người ta đưa ba hộp sọ trắng toát trên bàn thờ trong lều thầy Hai Tưng đi kiểm tra thử cái nào là của Tho, cái nào là của mụ câm. Cái còn lại là của ai, không ai biết!

Tuần cười, Tuần khóc trên chiếc phản đen ngày xưa Tho vẫn hay nằm. Tiếng nói ấy – phải, chính nó, lâu lắm rồi – nay lại trôi qua gáy Tuần, từ sau vọng tới:

– Đi đi, Tuần! Chạy đi!…

Tuần giương cái nhìn rồ dại của mình quanh quất, tìm! Tuần phải đi ư? Tuần phải chạy ư? Tại sao? Trốn gì? Khi tỉnh táo, Tuần không hiểu, lẽ nào giờ Tuần lại có thể hiểu những từ ấy?

Những bóng blu trắng lướt vào. Tuần nghe cánh tay mình đau lói một nốt nhỏ như kiến cắn. Tuần nghe chao đảo. Tất cả sức lực chậm rãi rời bỏ cơ thể Tuần ra đi.

Tư Càng nhìn mấy vị bác sĩ đưa Tuần lên xe cấp cứu không hú còi, không nhá đèn, cười nụ cười mênh mang. Một gã đàn ông lạ, choai choai tiến tới:

– Ông sẽ chịu toàn bộ viện phí cho bệnh nhân này, thưa ông?

Tư Càng vẫn không rời mắt khỏi cái cáng đẩy Tuần vào xe, gật cái gật cũng mênh mang như cái cười, cái nhìn của mình. Cũng chẳng biết tại sao Tư Càng thấy mình có trách nhiệm hơn bất kỳ ai trong chuyện của Tuần, của Tho… Không phải vì thương cảm! Không phải vì tình hàng xóm! Hoàn toàn là vì Tư Càng cảm thấy, mình thật sự phải có trách nhiệm với Tuần.

Ông Tư lụm khụm bước ra:

– Tư Càng hả, con?

– Dạ, chú Tư!

– Mày trả tiền cho người ta nuôi thằng Tuần ở bệnh viện thiệt hả?

– Dạ, chú!

– Ờ, ơn mày! Tối qua nó xăm xăm vô nhà tao, đòi cắt cổ bà Tư, hỏi bả lên chỗ thầy… à… thằng Hai Tưng làm gì?…

Tư Càng lặng im khi nghe nhắc đến cái tên Hai Tưng. Ông Tư lại lụm khụm chống gậy đi, vừa đi vừa lèm bèm một mình:

– Tao mà còn sức, tao đập bể đầu con mụ hư đốn nhà tao…

Tư Càng buông tiếng thở dài – tiếng thở dài trôi đều theo tiếng Phê trôi ra từ sau lưng Tư Càng:

– Người ta tới nhận nhà, nhận đất!

Tư Càng quay lại nhìn Phê, không nói không rằng, dợm bước đi thẳng.

Phê chạy nhanh tới, thụp xuống, sá sống Tư Càng:

– Em sai rồi! Em khốn nạn! Xin anh, đừng bỏ em!

Tư Càng tuyệt nhiên không quay lại, cứ thế, dấn thẳng bước về phía trước, nơi mà chính Tư Càng cũng không thể biết mình đi đâu. Cọc tiền gói trong bọc giấy hôm nọ, Tư Càng nhẹ nhàng thảy rớt lại bên sát chỗ Phê quỳ. Chạng vạng chiều đổ, bóng Phê đen đen trải trên liếp đất hôi hám những nhục nhằn con người ta trải qua, nơi đó, còn có bọc tiền dày cộp mà Tư Càng không biết vì gì đã quyết phải cho Phê.

° ° °

Phê lang thang một mình ở huyện, nghe đâu người ta đã chuyển Tuần lên thành phố vì bệnh viện huyện không có khoa nào dành cho Tuần. Nấn ná miết, Phê cũng quyết vô thành phố một lần. Phê muốn tận mắt nhìn thấy Tuần. Giờ, là nhìn cho hả. Đời Phê, cay đắng vầy, chả phải do Tuần hay sao? Giá mà Tuần đừng từ chối Phê, giá mà Tuần cho Phê một cơ hội để Phê không gá nghĩa với Tư Càng, Phê giờ có bị vầy đâu! Rồi, nếu lần đó, Tuần đừng đồng ý ra gặp Phê ở giếng làng, đừng đổ lên đời Phê một lần, Phê đâu chịu cay đắng khi phải bỏ đi cái thai của Tuần khi mà rõ ràng Tuần và Phê cùng biết, Tư Càng không thể cho Phê cái thiêng chức làm mẹ, để chạy trốn cái xì xào của nơi mà Tuần cương quyết ở lại giữ gia đình Tuần…

Phê lừng khừng ở hành lang dãy phòng chờ thăm nuôi. Tiếng Tuần vọng ra rõ mồn một, vô hồn, rồ dại:

– Tho! Tho! Anh mua cho em cây son nè!

Phê dừng lại ở ngay cửa phòng, vẫn lắng nghe chăm chú giọng Tuần vọng ra:

– Tho! Em đi đâu đó! Ở đây với anh đi, em!…

Thì ra, tình yêu là thế! Là khi, con người ta điên, họ vẫn chỉ điên vì một cái tên! Phê thở ra, lầm lũi bỏ về. Gặp Tuần! Không gặp Tuần! Cuối cùng cũng chỉ là vớt vát chút hy vọng hèn hạ, đốn mạc của con đàn bà trong Phê… Thôi, cũng chả để làm gì, Phê về!

Cương quyết không quay đầu nhìn lại thêm nữa, bởi, có thế cũng chỉ để đau đời Phê thêm một lần. Phê rảo bước nhanh về phía cầu thang dẫn ra đường để tránh khỏi nơi này – tránh xa vĩnh viễn. Bất thình lình, Tuần đạp cửa phòng, bung bật ra, ào ào về phía Phê, gọi lớn:

– Phê!

Cái giọng nói quen thuộc ấy, thương yêu ấy khiến Phê bất giác trong một giây không nghĩ gì được đến chuyện đang xảy ra – sắp xảy ra – có thể xảy ra, Phê chỉ thấy vui, thấy hồ hởi. Phê quay ngoắt lại, chạm phải cái nhìn của Tuần – ma mị, cay đắng, dại cuồng:

– Tất cả là tại cô! Tất cả là tại cô!…

Phê về tới căn phòng thuê trọ của mình ở thành phố, tự cười mình đa mang, vác xác lên đây chỉ để nhận lấy được một câu đổ lỗi từ một thằng điên đã từng từ chối Phê.

Phê vật người ra nệm, cứ mặc nhiên để nước mắt chảy dài khỏi khóe, ngửa mặt nhìn trần nhà loang lỗ những vết ẩm mốc sau mùa mưa. Và, Phê thiêm thiếp ngủ…

° ° °

Phê ra pháp trường theo lời rủ rê của những kẻ muốn thực sự biết giữa Phê và thầy Hai Tưng là gì mà khi bị áp giải đi, thầy còn nhắn với Phê mấy lời nghe sởn da gà đến vậy. Phê đi, không cần suy tính làm gì. Cũng chẳng biết vì sao, nhưng Phê nghĩ, mình cũng cần nhìn thấy Hai Tưng ngày gã bị bắn.

Hai Tưng bị trói chặt vào cây cột lớn dựng giữa bãi đất trống toàn cỏ với cỏ. Người hiếu kỳ bu đông như đàn kiến bu vô viên đường. Phê chầm chậm tiến về hàng đầu tiên của đoàn người – vẫn còn cách Hai Tưng một khoảng quá xa, đến độ, Phê không thể nhìn rõ ràng gương mặt dẫu già nua, hốc hác nhưng luôn toát lên cái nét đẹp uy quyền của một người đàn ông coi trời đất là công cụ thỏa mãn bản thân mình…

Có tiếng gió rít si sít qua kẽ lá – hay, nói đúng hơn là si sít rít qua từng đầu cỏ đang mấp mô cao đến lưng quần con người – hệt tiếng rắn rết gọi tình. Phê thoáng rùng mình, nhìn quanh quất. Mọi người vẫn chăm bẳm dòm về phía Hai Tưng đang bị trói thẳng đứng vào cột, đợi đến lúc loạt đạn nả vào người, lấy đi cái sinh mạng đã bóp nghẹt đời người khác. Chẳng ai để tâm đến tiếng gió rít như Phê.

Phê chầm chậm quay đầu nhìn lại. Giật mình thối lui một bước nhảy. Cây cột cột Hai Tưng sát sàn sạt chỗ Phê, xém tí nữa thì mặt Phê chạm mặt Hai Tưng. Nghe động, Hai Tưng từ từ mở mắt. Thấy Phê, hắn mừng như vớ được vàng, cười tươi rói – nụ cười không thể nào có ở một tử tù – giọng lạt đi vì xúc động:

– Phê, em tới rồi đó hả?

Phê cố lấy lại bình tĩnh, nhìn Hai Tưng thật kỹ càng. Vẫn là đôi mắt ấy, vẫn là cái nhìn ấy, vẫn là nụ cười ấy, vẫn là gương mặt ấy… Dẫu hôm nay, chúng mồn một hiện rõ trước Phê bằng ánh sáng của mặt trời đang lú lên nửa đoạn chứ không còn từ ánh đỏ của mấy cái đèn quả ớt, nhưng, chúng vẫn còn quá quen thuộc với Phê…

– Phê, nghe anh nói!

Phê lắc. Hai Tưng vẫn cương quyết:

– Phải nghe anh! Về đi em, ở lại chả để làm gì hết!

Phê lắc, lắc nguầy nguậy. Phê không muốn nghe. Không phải vì Phê không muốn về. Không phải vì Phê muốn ở lại. Không phải vì Phê sợ Hai Tưng biết, còn chút gì đó ngoài tò mò kéo Phê đến tận đây… Chỉ là, Phê không thể để mọi người biết về mối quan hệ giữa Phê và Hai Tưng!

– Về đi, Phê! – Giọng Tho vang lên đều đều, chậm rãi, đầy cảm xúc như những ngày hai đứa còn ngồi chải tóc trên đồi.

Phê giật bắn mình, hốt hoảng nhìn. Quanh Phê, quanh Hai Tưng, chẳng còn lấy một người nào tò mò nữa cả. Chỉ Phê. Chỉ Hai Tưng vẫn trói cứng vào cột…

– Về đi! Đừng lặp lại mọi thứ nữa! – Giọng mụ đàn bà câm vợ Hai Tưng vang lên, lạnh băng như cái lần duy nhất mụ nói với Phê đêm hôm nọ.

Phê choáng váng mặt mày. Phê đang bị ảo giác! Chỉ là ảo giác mà thôi!

– Phải đó! Về đi! – Một giọng nói trong veo, lạ lẫm lần đầu tiên trôi từ gáy Phê đến tai Phê.

Đó là ai? Ai đó? Ai vừa lên tiếng? Phê không biết! Không thể nào Phê biết… Phê bưng mặt thật chặt, cố tự trấn an mình. Không! Đây là rạng sáng, đây là pháp trường, không thể nào có chuyện ma quỷ ở đây được.

Từ từ kéo hai bàn tay rời ra khỏi gương mặt tái mét vì sợ hãi của mình, Phê cứng hàm, cứng cả người, sát cây cột trói Hai Tưng chặt cứng, ba xác chết nữ không đầu trần truồng lồ lộ xếp hàng ngang sát bên. Phê nghe cổ họng đắng nghét. Phê cố kêu lên một tiếng để thoát ra khỏi cảm giác này – cảnh tượng này mà không thể! Phê muốn nhắm mắt lại cũng càng không. Cặp mắt của Phê cứ thế tự nhiên căng to ra để buột Phê phải dán vào ba thân hình ấy để khẳng định rằng, một là của Tho – của người bạn thân thời cởi truồng tắm mưa đã bị Phê phản bội, một là của mụ đàn bà câm – người đàn bà đã phải chứng kiến cảnh chồng mình phản bội mình quan hệ với Phê, người còn lại, là ai, Phê không biết, Phê lờ mờ đoán, đó là cô gái có cái hộp sọ nằm đầu tiên trên bàn thờ nhà thầy Hai Tưng được phủ khăn nhung đỏ… Phê bật khóc!…

Hai Tưng dịu dàng lên tiếng trấn an Phê:

– Không gì đâu, Phê! Về đi em! Họ sẽ không làm gì em đâu! Về mà còn lo cho con của mình nữa!

Phê sững người, tròn mắt nhìn Hai Tưng. Hai Tưng mỉm cười nhẹ nhàng, khe khẽ gật đầu ra chiều đó là sự thật. Phê quờ nhanh tay vào bụng của mình. Không thể nào! Không thể nào Phê đang có con với Hai Tưng! Không… Không… Đứa trẻ này… Đứa trẻ này… Và, những đứa trẻ khác nữa, chúng và Phê không thể cùng thế giới bao giờ!

Thân hình của Tho lừ lừ tiến tới, hừ khẽ từ khoảng của cái đầu nay đã trống không:

– Phải! Tao sẽ không làm gì mày đâu, kể cả khi mày giựt chồng tao, giết con tao… Tao không làm gì hết!…

– Không… ông… ông… – Phê hét lớn, hết sức bình sinh của mình dồn vào tiếng thét này đây!…

Phê bật dậy, mồ hôi đầm đìa, Giọng Tho vẫn vẳng bên tai khiến Phê càng hoang mang, càng lo sợ…

Có tiếng Tuần điên loạn hét đâu đó ngoài cửa sổ:

– Trẻ con! Trẻ con! Những đứa trẻ không có tiếng khóc cuộc đời…

Phê nhoài người về phía cửa sổ phòng trọ, mong tìm thấy bóng Tuần. Phê nghe đau lói lên ở bụng một cách dị thường. Cả thân hình Phê như muốn sụp xuống cùng cơn đau quá lạ này… Máu chảy ướt đẫm cả tấm đệm chưa từng quen thuộc với Phê. Máu chảy ra từ giữa hai mép đùi Phê đang rung lên vì sợ hãi… Ngày mai, chưa phải là ngày xử Hai Tưng!…

HẾT.

Bình luận
× sticky