Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Linh Cái

Chương 9: Người đàn bà câm

Tác giả: Trương Thanh Thùy

Thầy Hai Tưng ngồi mân mê chiếc phong bì đựng kha khá tiền mà Phê đem tới, không thể dứt cái suy nghĩ của mình ra khỏi cảm giác đê mê mà Phê đã cống cho mình. Mụ câm không ồn ào, không tiếng động, đứng sát bên thầy Hai Tưng từ khi nào. Hình như, mụ câm giả câm để vấy cái điếc căn bản mà người câm phải có cho những người quanh mụ, để không ai có thể nghe được thấy bất kỳ động tĩnh nào từ những hành động kỳ quặc của mụ. Thầy Hai Tưng vẫn không nhìn lên, không dứt ra khỏi cảm giác của bản thân, hỏi:

– Có chuyện gì?

– Phải có chuyện gì tui mới được vô đây hả?

Thầy Hai Tưng quay lại nhìn mụ câm, bật cười, cười khanh khách:

– Từ hồi nào bà nói câu dài vậy?

– Ông không thấy mình quá đáng hả?

– Quá đáng? Tui làm gì mà quá đáng?

– Làm gì hả? Làm gì hả?…

Mụ câm ré lên, vật người xuống đất, khóc tức tưởi. Thầy Hai Tưng không buồn nhìn xuống, cứ đờ mặt nhìn lên bàn thờ, nơi mấy cái bóng đèn quả ớt vẫn luôn hắt ra ánh đỏ khó chịu của mình. Trên đó, có một chiếc bình thủy tinh khá lớn, đựng thứ gì đó đen ngòm, tua tủa, đằng sau chiếc bình thủy tinh là một hộp vuông đậy kín bằng vải đỏ. Thầy Hai Tưng nheo mắt nhìn, vẻ nửa đắc thắng, nửa nghĩ suy. Giọng mụ câm phía dưới vọng lên, trong tiếng nấc:

– Có người vợ nào đứng ngoài chịu đựng trong này chồng mình ngủ với con khác?

Thầy Hai Tưng quay xuống, nhìn mụ câm – giờ thì rõ ràng là vợ của thầy – đá nhè nhè chân vào bụng mụ, như kiểu người ta nựng súc vật nuôi của mình:

– Là ai? Ai biểu tui luyện? Ai biểu tui làm? Hả?

° ° °

Mụ câm đã từng câm thiệt, cũng câm mà không điếc. Sau lần bị cha dượng cưỡng hiếp và hành hạ mụ đến mức không thể chịu được mà phải lết đi trốn khi mẹ của mụ phát hiện và cương quyết bỏ hắn. Mụ nhàu nát nằm giữa đường chờ chết. Hai Tưng lúc ấy mới tòm tem học nghề thầy lang, chưa biết gì nhiều, không đủ khả năng hốt thuốc chữa lành vết thương quá lớn của mụ. Hai Tưng đem mụ về, săn sóc cho mụ như những con người thực sự thương yêu nhau dành tình cảm cho nhau.

Mụ câm thương Hai Tưng, mang ơn Hai Tưng, mắc nợ Hai Tưng… Tất cả cũng chỉ trong câm lặng mà thôi! Hai Tưng tử tế thiệt sự. Nhiều cơ hội có được mụ nhưng tuyệt không đụng vô. Hai Tưng không tránh né, mà nói thẳng, mụ cứ để tâm hồn mụ thanh thản đi đã, chuyện thương yêu nhau, tháng ngày rồi sẽ chứng minh được hết, không nhất thiết phải là một đêm với hai cơ thể quấn vô nhau. Càng vậy, mụ câm càng thương Hai Tưng.

Ngày Hai Tưng cương quyết bắt mụ phải nói trở lại, vì Hai Tưng biết, mụ không nói chỉ để không phải đào bới lại cái vết thương không bao giờ có thể lành của mụ. Hai Tưng nói:

– Nói đi, nói cho thỏa. Chửi cũng được, nhưng đừng im lặng. Vậy, chỉ là kiểu giết từ từ chính bản thân mình.

Mụ câm lúc ấy chỉ biết giương mắt nhìn Hai Tưng, hai hàng nước mắt đổ thành dòng xuống cổ mụ. Câu đầu tiên mụ nói, chỉ vỏn vẹn mấy từ:

– Trả thù cho em!

Và, Hai Tưng làm thiệt! Hai Tưng vác dao lội ngược mấy chục cây số, tìm đúng cái địa chỉ mụ câm chỉ cho mình, tìm cho bằng ra thằng cha ghẻ mất dạy đó. Hai Tưng chém, chém như bằm rau nấu cám heo. Mà, chả biểu ai xúi, trong cái cơn hoảng loạn vì tức, vì giận đó, Hai Tưng toàn chém vô tay, vô chân gã cha dượng của mụ câm, không giết gã…

Câu thứ hai mụ câm nói với Hai Tưng là ở trong trại giam:

– Em sẽ đợi anh về!

Hai Tưng gật đầu, nhẹ bâng, kiểu như là, thôi thì coi như nợ nần đã xong, em hãy cố sống tốt, cố quên đi, rồi anh về, mình làm lại… Ai có ngờ, thời kỳ Hai Tưng ở tù là thời kỳ mụ câm tìm mọi phương kế để tiếp tục giáng sự căm hờn của mình lên đầu gã cha dượng. Mọi sự đều không thành. Mụ không nói ra, chỉ hằn nỗi thù hằn sâu trong mắt mỗi lần đến thăm Hai Tưng vào ngày được thăm nuôi. Hai Tưng lúc đó còn trẻ quá, có hiểu được gì đâu, toàn tưởng mụ khóc vì thương Hai Tưng vì mụ mà phải lâm vô chốn lao tù. Những câu mụ nói thuở ấy, cũng thương, cũng yêu mà sao nhục nhằn quá! Càng vậy, Hai Tưng càng cố sống tốt mà sớm về với người đàn bà chưa từng một lần ân ái nhưng đã trở thành vợ trong lòng Hai Tưng.

Ngày Hai Tưng về, mụ câm đón Hai Tưng, vẫn bằng những câu nói rất ngắn và chưa tròn trịa bởi sự câm nín quá lâu mụ tập cho mình:

– Người ta nuôi ma xó!

– Chi vậy!

– Để biết hết chuyện đời!

Hai Tưng nhìn mụ, ngần ngừ lát, hỏi:

– Cái đó, có ở tù không?

Có lẽ Hai Tưng đã thực sự thấy sợ với chuỗi ngày sống ở cái chốn mà tối tối chỉ mình mình với bốn bức tường lạnh lẽo quanh mình. Mụ câm nhìn Hai Tưng, khe khẽ lắc đầu. Hai Tưng thở ra:

– Em muốn biết cái gì?

– Biết hết!

– Hết là những gì?

– Là chết kiểu nào đau đớn nhất!…

– Ai? Em muốn ai chết? Mà chết sao chả đau đớn?

– Nó, thằng chó đó!

° ° °

Có lần, Hai Tưng về nhà, chết sững khi thấy mụ câm vợ mình tự hốt thuốc của Hai Tưng, cho khách hàng của Hai Tưng uống, uống cho tuột thai ra. Kinh tởm nhất là hình ảnh mụ cố cho cái thai tuột vô chiếc thau nhựa, bỏ hình nộm gã cha dượng của mụ vô đó, lầm rầm khấn vái kiểu gì không biết.

Cố xây dựng lại cuộc sống sau khi ra tù. Cố để mọi người khu vực đó nhìn nhận khả năng chữa bệnh của Hai Tưng… Tất cả bị mụ vợ của Hai Tưng làm trôi đi bằng cái cách tàn ác mụ đổ lên người khác để trả món nợ của bản thân mụ với đời, với người đàn ông giờ đã tàn phế. Hai Tưng lao tới, tát mạnh bạt tai vô mặt mụ vợ mình, cố mong mụ tỉnh ngộ.

Sau lần đó, tỉnh ra hay không, Hai Tưng không chắc, chỉ biết, mụ vợ của Hai Tưng lại không nói năng gì nữa, bực gì cũng chỉ la hét những tiếng không ý nghĩa với Hai Tưng, với mọi người quanh Hai Tưng. Người ta đồn, vì lần ép cho tuột thai của thai phụ nọ, mụ vợ Hai Tưng bị ám. Chuyện này có thật hay không, Hai Tưng không biết, chỉ biết, hết đường sống ở đây, lôi vợ lên ghe, chống dọc sông, đi thẳng.

Những ngày đó, mụ vợ Hai Tưng nằm im trong ghe, không nói năng gì, ăn uống cũng không. Nghĩ cũng lạ, không ăn, không uống, không cựa quậy mà mụ vẫn cứ sống tỉnh bơ.

Nhiều năm ròng bạ đời mình với nhau như nợ, như nần, không còn cách giải thích nào khác, thi thoảng Hai Tưng lại phải cập ghe vô bờ tìm mụ vợ câm của mình bỏ đi đâu mất. Mỗi lần tìm, tìm cả tuần mới ra, không bao giờ ít hơn, cũng không bao giờ nhiều hơn. Có lẽ, giữa Hai Tưng và mụ vợ câm cũng có một lực hấp dẫn đặc biệt, chỉ là nó không đủ lớn nên khi tìm nhau, họ phải mất cả tuần.

Lần cập bờ đầu tiên sau nhiều năm sống trên nước, vợ Hai Tưng tỉnh táo, ngồi dậy bới tóc. Thấy Hai Tưng, mụ biểu:

– Luyện Thiên Linh cái đi!

Hai Tưng rùng mình khi nghe tới ba từ này, nguầy nguậy lắc đầu.

– Không!

– Luyện Thiên Linh cái đi! – Mụ vợ nhắc lại.

– Không! Bà biết cái đó là gì không? Hả?

– Biết!

– Biết nó là tà thuật mà biểu tui luyện, bà khùng hả?

– Luyện Thiên Linh cái đi!…

° ° °

Đêm Hai Tưng gặp Tho quằn quại trên bờ vì sẩy thai, mụ vợ Hai Tưng trở về ghe ngay sau khi Tuần đến đón Tho về, mụ nói nhanh:

– Phải lên bờ để luyện tiếp…

Bình luận