Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ma Câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn

Chương 6: Thiên ngoại phi tiên

Tác giả: Thiên Hạ Bá Xướng

Trèo đèo vượt núi, lăn lộn mãi mới ra được bãi tha ma, bỗng nhìn thấy một vật thể lạ, tôi không dám tin vào mắt mình, hai người kia cũng ngẩn mặt ra xem không hiểu là vật gì. Mặc dù kinh ngạc, nhưng chúng tôi vẫn đi tiếp, tới gần hơn để xem cho rõ. Hóa ra, dưới đó là một thôn làng hình cầu có đường kính trăm mét, cao khoảng mười mấy mét, bên ngoài là bức tường đất bao xung quanh. Bên trong là những gian phòng cũng quây lại thành vòng tròn, được chia ra làm ba vòng trong, giữa và ngoài. Mỗi vòng nhà đều xây ba tầng, mái nhà lợp ngói màu đen, chính giữa là một cái giếng trời hình tròn lõm vào trong, tường lũy bảo vệ chặt chẽ, trông như một tòa thành.

Điếu bát và Mặt dày nghệt mặt ra nhìn, nhà mà xây kiểu này sao? Lạ thật! Hai người họ người thì nói là đĩa bay, người thì nói là nấm.

Tôi giải thích với họ: “Nghe nói thời cổ có kiểu căn cứ quân sự mà cả dòng họ sống chung với nhau để tránh thổ phỉ cướp bóc. Họ xây nhà như thành lũy. Giống như vùng Dự Tây này, trước giải phóng đây là nơi thổ phỉ hoành hành, vì vậy trong núi xuất hiện ngôi làng kiểu này cũng không có gì là lạ.”

Điếu bát vỡ lẽ: “Hóa ra là vậy, xem ra thôn làng này ít nhất cũng bốn trăm năm tuổi rồi, trong đó có gì hay không nhỉ? Đại nạn không chết ắt có phúc về sau, vận tốt của anh em mình tới rồi, có cản cũng không được”. Anh ta dặn dò Mặt dày phải thêm cái khóa vào miệng, cái gì không cần nói thì đừng lắm mồm, nếu cứ bô bô nói ra thì đến người thực vật cũng biết tụi mình muốn làm gì, dân trong làng lại được thế hét giá cao.

Nói thật là đã sắp đi tới trước cửa thôn làng rồi, dù ngôi làng có thể ở được mấy trăm hộ gia đình nhưng dọc sườn núi đồng ruộng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, bên ngoài cổng thôn có một cái cổng lớn bằng đá trông như cổng thành, lớp vôi vữa bên ngoài tường đã bong hết, trơ ra lớp tường đá bên trong, trước cổng dán những bức tranh Tết đã cũ nát bạc màu, cảnh tượng hết sức kỳ lạ.

Có hai người và một con chó mực ngồi ngoài cổng, trong đó có một cụ già có khuôn mặt dài đang ngồi hút thuốc, thấy chúng tôi đi tới thì ngạc nhiên hỏi: “Các cậu từ đâu tới vậy? Thông Thiên Lĩnh chỉ có một lối đi duy nhất, hướng các cậu tới làm gì có đường?”

Tôi tiến lên phía trước giải thích: “Thưa cụ, bọn cháu đi qua động Ô Thử, dọc đường bị lật xe rơi xuống khe đất, may mà không chết, bọn cháu đi cả đêm mới ra được đến đây, bây giờ vừa đói vừa khát, cụ có thể cho bọn cháu nghỉ chân một lát được không?”

Ông cụ nói: “Đúng là mạng lớn, mau vào trong đi, đợi tôi làm cơm cho các cậu ăn.” Nói rồi ông gọi người còn lại tới, đó là một cậu thanh niên to béo trông rất thật thà, hai người dẫn chúng tôi đi vào bên trong.

Quy mô thôn làng rất lớn, đi vào bên trong mới thấy còn hoành tráng hơn cả bên ngoài, trong thôn toàn là xà kéo cột gỗ, cao ba tầng, mỗi tầng đều có ba vòng, từng tầng nối tiếp nhau, từng vòng lồng vào nhau.

Ông cụ dẫn chúng tôi vào một gian phòng phía Tây, ông nói nơi đây thiếu nước nên đã lâu trong thôn không có người sinh sống, chỉ còn ông và cậu Ngốc ở lại trông nom hương khói cho Tổ miếu. Ông cụ cứ dặn dò chúng tôi: “Nếu không có người trong thôn dẫn đường thì các cậu đừng có đi lại linh tinh, ông tổ nhà chúng tôi có bày trận bát quái trong thôn này, ba tầng ba vòng các gian phòng ở đây đều được bố trí theo trận đồ bát quái, đúng tám tám sáu tư quẻ, trong quẻ lồng quẻ, giữa hai quẻ có một tường lửa, một quẻ bị cháy sẽ không ảnh hưởng tới các tầng lầu khác, đóng các cửa quẻ hành lang giữa các lầu thì các quẻ sẽ hợp thành một thể thống nhất, mở cửa hành lang thì các quẻ vẫn có thể thông với nhau. Nếu có thổ phỉ xông vào, dân làng đóng cửa quẻ lại, thì bọn thổ phỉ chẳng khác gì ba ba trong giỏ. Người ngoài đi vào chắc chắn bị lạc, kẹt lại bên trong đến chết cũng không có gì là lạ. Xem tôi nói nhiều quá, chẳng qua cũng là lo các cậu lỡ xảy ra chuyện thôi…”

Nói đến đây, ông cụ thắp đèn dầu lên, đợi chúng tôi ngồi đàng hoàng rồi mới gọi cậu Ngốc tới ngồi bên cạnh chúng tôi, còn ông thì đi đun nước. Cậu Ngốc thật thà có phần khờ dại, ngồi trong góc nhà chơi với các ngón tay, coi như không nhìn thấy chúng tôi.

Thấy cậu Ngốc không để ý gì tới chúng tôi, tôi nhân tiện quan sát xung quanh. Ngôi nhà được làm rất kiên cố, bàn đá, ghế đá, giường đá, bức tranh treo trên tường đã bạc màu cũ nát, có vài bức ảnh đen trắng được lồng trong khung kính, phong cảnh phía sau chính là ngôi làng, đó là bức ảnh tập thể chụp rất nhiều người, có lẽ là những người dân đã từng sinh sống ở đây ngày trước. Trong đó có một bức ảnh khiến tôi chú ý.

Cả tôi và Điếu bát đều nhìn chăm chăm vào bức ảnh, trong ảnh có đủ người già trẻ nhỏ, được chụp trong một gian nhà rộng, người thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng bài trí trong ảnh không phải tầm thường.

Điếu bát chỉ vào chiếc ghế mà các vị trưởng lão ngồi, nháy mắt với tôi.

Tôi hiểu ý anh ta, gật đầu nói: “Nếu tôi không nhìn nhầm thì đây chính là chiếc ghế trầm hương trên trăm năm tuổi.”

Điếu bát hạ thấp giọng nói với Mặt dày: “Đúng thế, ghế trầm hương cơ đấy. Tôi lăn lộn bao nhiêu năm trong nghề, cũng chỉ nghe người ta nhắc tới thôi, lần đầu tiên nhìn thấy đấy. Nếu không phải tối qua lật xe rơi xuống khe đất thì làm sao tìm được nơi này. Cái này gọi là trong cái họa có cái phúc.”

Mặt dày hỏi: “Nhưng ông cụ kia có nỡ đưa cho chúng mình không? Hay là bọn mình cướp?”

Điếu bát nói: “Không được làm mấy trò vi phạm pháp luật đó, cướp giật là hành vi của bọn thổ phỉ, chỉ cần ông cụ đồng ý thì tôi sẽ mua lại, tiền tôi buộc hết trong người đây rồi.”

Mặt dày nói: “Thất đức không cơ chứ? Anh chẳng bảo là hết tiền rồi sao? Tôi là người thật thà thế mà anh còn lừa.”

Điếu bát nói: “Có nhưng không nhiều, cả gia tài nhà tôi dốc hết cả vào đây rồi, tiền vốn không thể tiêu tùy tiện được, chúng ta đang đi làm ăn, hiểu chưa?”

Mặt dày gật đầu: “Hiểu rồi! Chưa nhìn thấy thỏ thì chưa thả chim ưng.”

Chợt nghe thấy bên ngoài hành lang có tiếng bước chân, tôi vội nhắc hai người đừng nói chuyện nữa, để người dân trong làng nghe thấy thì không hay.

Một lúc sau, ông cụ mang lên mấy bát mì, ông và cậu Ngốc cùng ngồi ăn với chúng tôi, đây được coi là bữa trưa.

Điếu bát lấy thuốc mời ông cụ hút, sực nhớ ra vẫn còn chai rượu Nhị Oa Đầu, liền mang ra mời ông cụ uống, nhân tiện thăm dò tình hình.

Ông cụ là người ưa chuyện, bình thường đã nói nhiều, giờ uống nửa chai rượu vào lại càng nói nhiều lời, ông kể: “Mấy trăm năm trước, Thông Thiên Lĩnh nhiều chó sói, bản tính của loài này hung dữ gian xảo, thường xuất hiện trong đêm cắn vật nuôi trong thôn, không có cách nào mà phòng tránh được. Thêm vào đó là nạn thổ phỉ cướp bóc hoành hành. Vì vậy, tổ tiên chúng tôi đã xây thành lũy định cư ở đây để tự vệ, phần là tránh thú hoang, phần là phòng thổ phỉ. Năm xưa, khi xây thành lũy này, từ trong ra ngoài đều được bố trí theo trận đồ Cửu cung bát quái, các cửa quẻ được bố trí khắp nơi, có cái ẩn có cái hiện. Sau đó vì đất cát bị sói mòn nghiêm trọng, không còn trồng trọt được nữa, nơi đây giao thông lại không được thuận tiện, phần lớn các phòng đều bỏ trống nhiều năm, người ngoài vào không thạo đường, đêm đến mà đi lại bên trong rất dễ lạc, lỡ kẹt lại ở nơi nào đó thì phiền phức lắm, vì vậy các cậu ở lại qua đêm thì được, chỉ có điều không được rời cậu Ngốc kia nửa bước, trông nó khờ khờ thế nhưng thông thạo các cửa quẻ trong thôn còn hơn cả tôi đấy.”

Ba chúng tôi vâng vâng dạ dạ, ban ngày trông nơi đây đã khủng khiếp rồi, đêm đến ai mà dám đi lại lung tung trong tòa lâu đài khổng lồ này cơ chứ.

Điếu bát hỏi: “Xin hỏi cụ họ gì ạ?”

Ông cụ trả lời: “Cả thôn này của chúng tôi đều cùng một dòng họ, họ Chu.”

Điếu bát nói: “À, cụ Chu, thôn mình tên là gì hả cụ? Là Chu Gia thôn chăng?”

Ông cụ lắc đầu: “Không phải Chu Gia thôn, tên mỹ miều lắm – Thông Thiên Lĩnh Phi Tiên thôn!”

Mặt dày thì không biết gì rồi, tôi và Điếu bát nghe cái tên đều bất giác giật mình. Trước đây có nghe dân đào mộ đồn nhau rằng Thông Thiên Lĩnh có phi cương. Thế nào được gọi là phi cương? Phi cương hay còn gọi là xác chết biết bay theo cách nói mê tín của người xưa, thi thể để lâu trong nghĩa trang không ai đến nhận thường là những người tha hương chết nơi đất khách quê người, nếu nghĩa trang đó bỏ hoang không ai cai quản, người chết không thể về với đất, không được yên nghỉ nơi chín suối, nếu để lâu sẽ xảy ra biến cố, tóc và móng tay của người chết vẫn tiếp tục mọc dài ra, đến khi xác chết đắc đạo, thì ban đêm ra ngoài phá phách hại người, ban ngày lại về trốn trong quan tài. Những lời đồn đại này không có căn cứ, đơn thuần chỉ là mê tín dọa người. Nhưng nghe nói nhiều năm trước, ở Thông Thiên Lĩnh đã có người nhìn thấy phi cương.

Tôi nghĩ cái gọi là phi cương chẳng qua là loại chim lớn trong rừng sâu núi thẳm mà thôi. Thời Thanh, ở vùng Thiểm Tây cũng từng xuất hiện một loài chim rất to, đôi cánh sải dài như hai cánh cửa, thường bay liệng trên trời rồi đột ngột lao xuống bắt dê bắt bò, nếu gặp người đi một mình cũng có lúc nó nhào xuống tấn công. Mỗi lần cứ thấy loại chim này chao lượn trên bầu trời, người dân liền mang chiêng mang trống ra khua gõ loạn xạ để đuổi chúng đi, sau đó loài chim này cũng bị tuyệt chủng. Thông Thiên Lĩnh núi cao chạm mây, sườn núi dốc đứng, tại nơi núi cao rừng sâu này chắc chắn có rất nhiều loài thú lạ, có thể mấy trăm năm trước người dân đã nhìn thấy một loài chim lớn, một đồn mười, mười đồn trăm, cuối cùng thành phi cương.

Nghe ông cụ Chu nói đây là thôn Phi Tiên, đằng sau nó hẳn có ẩn chứa một câu chuyện khác, xem ra còn ly kỳ hơn cả lời đồn phi cương. Chúng tôi muốn hỏi rõ xem thế nào, Điếu bát lại mời ông cụ điếu thuốc nữa, mới hỏi: “Cụ kể cho chúng con nghe xem tại sao nơi đây lại gọi là thôn Phi Tiên ạ?”

Ông cụ uống không ít, đã mở lời thì như mở cửa đập, ông rít một hơi thuốc dài bị sặc cứ ho mãi, vừa ho vừa kể: “Bắt đầu từ đâu nhỉ, ừ… phải bắt đầu từ lịch sử thôn làng này của chúng tôi. Cuối thời Minh, có một vị tướng quân tên là Chu Ngộ Cát, từng là Tổng quan quân đội, chính là lão tổ tiên của thôn chúng tôi, cụ thống lĩnh đạo quân đào hầm…”

Mặt dày nghe tới đây không hiểu, chen ngang hỏi: “Tổng quan quân đội là quan gì? Đội quân đào hầm thuộc quân chủng nào? Sao tôi chưa nghe thấy bao giờ?”

Tôi nói: “Ông còn nói nhiều thứ chưa nghe lắm, đừng có chen ngang, để ông cụ kể tiếp đi.”

Mặt dày nói: “Làm bộ làm tịch, xem ra cậu cũng chẳng biết gì.”

Tôi nói lại: “Tôi mà không biết? Đội quân đào hầm có từ thời Bắc Tống, là đội quân chuyên đào hầm, đào hào chiến sự.”

Mặt dày không tin: “Đoán chứ gì đoán khéo đến nỗi đoán cho cả người chết sống lại được nữa đấy.”

Ông cụ Chu hơi bất ngờ, nhìn tôi nói: “Không sai, chính là đội quân đào hầm đào chiến sự, giờ không mấy ai biết về điều này nữa đâu.”

Điếu bát nói: “Cụ đừng nghe tụi nó chen ngang, cụ kể tiếp đi. Tổng quan thống lĩnh đội quân đào hầm sau đó thế nào?”

Ông cụ Chu kể tiếp: “Tổng quan Chu Ngộ Cát còn được gọi là Âm dương đoan công, thông thạo ngũ hành bát quái, xem được trăng sao gió mưa, dưới trướng có hơn ba ngàn quân, thông thạo việc đào hầm đào hào. Hiềm nỗi lúc đó trong triều gian thần làm loạn, không có cơ hội trung quân báo quốc, đành treo ấn từ quan, dẫn theo thuộc hạ và gia đình tới ẩn cư trong núi, ông đã chọn Thông Thiên Lĩnh…”

Nghe tới đây chúng tôi cứ nghĩ cụ Chu sẽ giải thích lý do chọn nơi đây vì phong thủy tốt, nhưng hóa ra không phải: “Lão tổ tiên chúng tôi chọn Thông Thiên Lĩnh để lập thông bày trận bát quái, không chỉ đề phòng thổ phỉ mà còn có nguyên nhân khác. Nghe kể, trước khi Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát lập thôn, thì người dân trong vùng một lần đi săn bỗng thấy mây đen ùn ùn kéo đến che phủ bầu trời, bỗng chốc trời long đất lở, ngọn núi nứt ra một khe hở, một bóng người từ bên trong bay vụt ra ngoài, sau đó ngọn núi liền lại như cũ, lại nghe thấy một tiếng sấm nổ đinh tai, người dân nhìn thấy người đó bị các loại dây đeo buộc kín người treo lơ lửng trên không trung, đang giãy dụa để thoát ra. Người dân ai cũng sợ hãi, người làm sao mà biết bay được? Mấy ngày trôi qua, khi nhìn từ xa không thấy người đó giãy dụa nữa, đoán chắc là đã chết, lúc này có mấy người thợ săn gan dạ mới dám tiến gần xem xét. Các cậu đoán xem họ nhìn thấy gì?”

Chúng tôi đều bị thu hút bởi câu chuyện ly kỳ của cụ Chu. Mọi người đều biết chỉ có thần tiên mới biết bay, còn kia là thân xác phàm trần, nhưng trên đời này có thần tiên thật không? Không biết người dân đã nhìn thấy gì, không lẽ là một vị tiên bị dây leo quấn chết?

Ông cụ Chu kể tiếp: “Mấy tay thợ săn gan dạ leo lên vách núi, nhìn thấy một con quái vật bị trói trong đám dây leo. Con vật đó vừa giống người lại vừa giống vượn, miệng nhọn, má cao, toàn thân đầy lông, dưới cánh tay có lớp thịt mọc dài ra trông như đôi cánh, nó bị trói trong đám dây thừng và đã chết từ lâu, thi thể bắt đầu phân hủy, mùi hôi thối bốc lên, chim chóc bay tới rỉa thịt, máu thịt lẫn vào nhau be bét. Người dân nói rằng đây là thân xác phàm trần của một vị tiên đã lên trời, cũng có người nói là Lôi công, cũng có người nói là thứ khác, nhưng chẳng ai giải thích được rõ ràng. Vừa vặn lúc đó Âm dương đoan công đi ngang qua, thấy Thông Thiên Lĩnh yêu khí quá nặng, biết nơi đây có Thổ long, liền đưa người nhà và thuộc hạ tới ẩn cư nơi đây, thôn làng được xây theo trận đồ bát quái, trấn áp cửa núi Thông Thiên. Chỗ này vốn gọi là Đoan công bát quái bảo, nhưng người dân địa phương thì vẫn quen gọi là thôn Phi Tiên.”

Ông cụ ham uống, mới nói chuyện được một lúc đã say bí tỉ, gọi thế nào cũng không tỉnh, tôi đành dìu ông cụ vào phòng bên ngủ. Chúng tôi đã loay hoay một ngày trên núi, giờ cũng rất mệt, quay về cùng hai người kia lăn ra giường là ngủ ngay, trong mơ vẫn văng vẳng lời kể của ông cụ Chu.

Thôn Phi Tiên là nơi do chính Tổng quan đội quân đào hầm xây dựng, những người dân ở trong thôn đều là con cháu hậu duệ của Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát, nơi đây vẫn còn lưu giữ phong cách của thời nhà Minh. Tôi từng nghe lão Nghĩa mù nhắc tới Chu Ngộ Cát, đó là một người thông thạo Âm dương ngũ hành, phong thủy, trận đồ bát quái. Chẳng trách hậu duệ của ông chỉ là một ông cụ bình thường mà ăn nói gãy gọn đâu vào đấy. Mặc dù nghe ông cụ Chu kể mấy trăm năm trước, trên núi có thần tiên bị dây leo quấn chết, câu chuyện có nhiều nét tương đồng với lời đồn phi cương, nhưng đến trong mơ tôi cũng không tin chuyện này có thật, mơ mơ màng màng tôi nghe như tiếng Điếu bát kêu lên thất thanh: “Dậy mau, có chuyện rồi!”

Tiếng kêu làm tôi giật mình tỉnh giấc, ngồi bật dậy dụi mắt xem chuyện gì xảy ra.

Mặt dày cũng đã tỉnh, vội hỏi: “Sao thế đại ca, xảy ra chuyện gì?”, đồng thời rút chiếc dây lưng ra cầm sẵn trong tay. Loại dây lưng này rất chắc chắn, phía trước lại có một chiếc mặt bằng đồng rất nặng, bị đánh trúng đồng chỉ có vỡ đầu chảy máu, có thể dùng làm vũ khí phòng thân không những không lộ liễu, mà còn rất tiện dụng.

Định thần nhìn lại, chỉ thấy Điếu bát đang giành lại chiếc bi đông quân đội trong tay cậu Ngốc, hóa ra trong lúc ngủ anh ta đã sơ ý quên mất trong phòng còn có cậu Ngốc, có thể là cậu Ngốc khát nước đã lấy bi đông nước trên người Điếu bát xuống uống, Đinh quan tửu thế là bị cậu ta nốc sạch bách. Tôi và Mặt dày cũng vội chạy tới giằng lấy chiếc bi đông, bên trong không còn giọt rượu nào. Mặt dày tức điên lên, bắt cậu Ngốc phải nôn ra. Còn cậu Ngốc vì say rượu nên hai mắt trợn tròn, ngã vật ra đất, lắc thế nào cũng không tỉnh.

Điếu bát tức bầm ran tím ruột, thằng ngốc béo này thật đáng ghét, cơ đồ của bọn này thế là tan tành mây khói, nếu ông cụ Chu mà không chịu nhận lỗi thì bọn này cũng chịu.

Tôi thấy Điếu bát tức quá nghiến răng ken két, liền khuyên nhủ: “Anh đừng tức, coi như đó không phải là lộc của bọn mình, may mà ông trời không tuyệt đường chúng ta, thôn Phi Tiên này là nơi đội quân đào hầm trú ẩn, trong thôn chắc có cổ vật, tôi thấy bộ ghế trầm hương kia không phải vừa đâu, đợi ngày mai ông cụ Chu tỉnh dậy, mình thương lượng với ông cụ để lại cho anh em mình giá rẻ, chắc không có vấn đề gì.”

Mặt dày nói: “Đúng, kiểu gì cũng không thể về tay không, em gái tôi còn chờ tiền chữa bệnh.” Lão ta móc trong túi ra một tấm ảnh cho chúng tôi xem, đó là ảnh em gái lão ta, hai anh em dựa vào nhau mà sống, cô gái từ nhỏ vốn thường xuyên đau yếu, Mặt dày xuất ngũ nửa chừng về nhà chạy xe kiếm tiền chữa bệnh cho em.

Tôi đón lấy tấm ảnh, cô gái trong ảnh gầy khô như que củi nhưng khuôn mặt thì giống hệt Mặt dày. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Mình trách nhầm lão ta, hắn thấy tiền thì cứ như trông thấy bố mẹ đẻ là vì có lý do cần dùng tiền.”

Mặt dày hỏi: “Thế nào? Em gái tôi xinh không?”

Thực tình tôi không biết phải trả lời ra sao, không nhìn kỹ còn không biết người trong ảnh là con trai hay con gái, đành phải lấp liếm: “Nói thế nào nhỉ… nếu như nhìn từ sau lưng… thì hình như cũng không đến nỗi nào…”

Mặt dày giật lại tấm ảnh trên tay tôi nói: “Nhìn là biết đồ lưu manh. Nói trước với cậu, đừng có ý đồ gì với em gái tôi đấy, nếu không tôi bóp chết cậu.”

Tôi vừa có chút cải thiện cách nhìn về Mặt dày, nghe lão nói vậy, máu nóng lại bốc lên đầu: “Ông nội nhà mày chứ, có giỏi thì bóp chết tao ở đây luôn, nếu mà giết không chết thì tao sẽ tìm em gái mày, cưỡng bức xong rồi giết chết.”

Mặt dày nói: “Mày đừng trách tao nặng tay, hôm nay tao sẽ thay trời hành đạo, trừ hại cho dân…”

Điếu bát nói: “Các cậu sao cứ ruột để ngoài da thế nhỉ? Bọn mình đến đây để kiếm tiền hay để cãi nhau? Nghe tôi nói đây, đợi cậu Ngốc và ông cụ Chu tỉnh dậy thì nói họ dẫn chúng ta đi xem bộ ghế trầm hương trong bức ảnh kia, dù sao ảnh đen trắng nhìn cũng không rõ, phải thấy tận mắt thì tôi mới yên tâm.”

Chúng tôi lại chụm đầu thì thầm bàn bạc. Đến lúc trời tối, cậu Ngốc mới tỉnh dậy, còn cụ Chu vẫn ngủ, có khi phải tới sáng mai mới tỉnh hẳn cũng nên.

Điếu bát hỏi cậu Ngốc: “Cậu em, tỉnh rồi hả?”

Cậu Ngốc nói lại: “Cậu em, tỉnh rồi hả?”

Điếu bát cầm bức ảnh trên tường xuống, chỉ vào bộ ghế trầm hương hỏi: “Cái này ở phòng nào?”

Cậu Ngốc lại nói: “Cái này ở phòng nào?”

Điếu bát nói: “Tôi không biết, tôi đang hỏi cậu nó ở phòng nào?”

Cậu Ngốc lại nói: “Tôi không biết, tôi đang hỏi cậu nó ở phòng nào?”

Điếu bát hỏi: “Cậu cố ý chọc tức tôi phải không?”

Cậu Ngốc nói: “Cậu cố ý chọc tức tôi phải không?”

Ba người chúng tôi nhìn nhau, giờ mới hiểu ra cậu Ngốc chỉ biết nói theo người khác, mình nói một câu, cậu ta nhại lại một câu.

Mặt dày nói với cậu Ngốc: “Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng. Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng. Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng”

Cậu Ngốc ngay lập tức nói lại lời của Mặt dày, không sai một chữ.

Mặt dày trợn mắt nhìn cậu Ngốc, quay sang nói với Điếu bát: “Thằng này ghê thật, tôi hết cách rồi, mấy người có câu nào khó hơn không?”

Điếu bát nói: “Chán cậu, cậu thì nói với thằng Ngốc đó làm gì? Có thi ra tiền được không? Quan trọng là để nó dẫn đường cho mình, trong này đường sá như mê cung, không biết đường làm sao mà đi được.”

Tôi nhớ lại lời cụ Chu, ông nói cậu Ngốc thuộc đường trong thôn như lòng bàn tay, cậu ta có thể thuộc đường chứng tỏ không phải hoàn toàn không biết gì. Nếu vậy thì không nói bằng lời nữa, tôi cầm lấy bức tranh và ra dấu với cậu Ngốc, chỉ vào bức tranh nhờ cậu ta dẫn đường.

Cậu Ngốc cũng bắt chước bộ dạng ra dấu của tôi, chỉ vào bức tranh rồi bỗng đứng bật dậy quay lưng đi ra ngoài.

Điếu bát hô lên: “Nhanh, đi theo cậu Ngốc, cậu ta dẫn đường cho tụi mình đến chỗ bộ ghế trầm đấy.”

Tôi chẳng kịp chuẩn bị, tiện tay gỡ vội tấm ảnh trên tường xuống, cầm thêm chiếc đèn pin, Mặt dày cầm chiếc đèn dầu trên bàn để soi đường, hai người chúng tôi theo sát ngay sau cậu Ngốc. Chúng tôi đi dọc theo hành lang đầy bụi vì đã nhiều năm không có người sinh sống, cứ vậy đi sâu vào bên trong thôn, lúc đó cũng không nghĩ được cậu Ngốc sẽ đưa chúng tôi đi đâu.

Cậu Ngốc đi trước dẫn đường cho chúng tôi vào sâu bên trong, thôn làng này được xây dựng với mục đích phòng ngự, bố trí theo trận đồ bát quái, tổng thể có ba dãy nhà tròn ba tầng lồng vào nhau, giữa mỗi dãy nhà có một hành lang, không có con đường thẳng nào thông từ đầu thôn tới cuối thôn cả, đều phải đi vòng giữa ba dãy nhà tròn đó. Rõ ràng là cậu Ngốc rất thạo đường, không cần soi đèn vẫn thành thạo mở từng cánh cửa quẻ, đi lại nhanh nhẹn trong bóng đêm.

Không ngờ, đường trong thôn lại phức tạp như vậy, chúng tôi quan sát thấy các hành lang thông tới từng gian phòng hoàn toàn giống nhau, các phòng trong thôn hầu như đều trống trơn, những bức tranh treo trên tường đã cũ nát bạc màu. Vì lâu ngày không có người ở, không lưu thông khí nên bụi bặm mạng nhện bám đầy, khắp nơi sực lên toàn mùi ẩm mốc.

Trước mái hiên nhà và xà ngang đều trạm trổ hoa văn tinh xảo, ví dụ như bát mã, tùng, trúc, nho v.v… họa tiết nho tượng trưng cho sự đông con đông cháu, cũng có họa tiết phù dung, quế hoa, vạn niên thanh, mong cầu được vạn niên phú quý, còn có phù diêu đá như Bát tiên chúc thọ, vượn trắng dâng đào v.v…

Chúng tôi sợ bị lạc đường nên không dám dừng lại xem, cứ bám sát cậu Ngốc rẽ trái rẽ phải cho tới khi đến trung tâm của thôn làng, chính là Tổ miếu. Ba dãy nhà tròn vây quanh gian nhà to nhất này, trên cửa đá khắc hình bốn con sư tử, miệng nhả ra mây, gọi là “Từ thời thổ vân”. Xung quanh khắc hình chín con hươu, có nghĩa là “Cửu lộ thông suốt”, trên tường là hoa văn mai rùa, tổ hợp sáu khung hình kết hợp với nhau thành hình khối lục lăng, vì họa tiết giống như mai rùa nên gọi là hoa văn mai rùa, mang hàm ý trường tồn vĩnh cửu, người trong nghề mới nhìn là thấy ngay hàm ý bên trong.

Cậu Ngốc đẩy cánh cửa có khắc hình bốn con sư tử đi vào bên trong, trên bệ thờ bằng đá trong Tổ miếu có một bức tượng gốm, đó là một vị tướng quân oai phong lẫm liệt, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ giáp, lưng đeo bảo kiếm, thần thái uy nghiêm, phía sau bên trên có tấm biển “Trung nghĩa tham thiên” khiến ai bước vào đều cảm thấy kính sợ. Phía trước bức tượng có một hương án bằng đồng, đôi hạc sắt, mấy ngọn nến to. Cậu Ngốc vừa bước vào đã thắp hương dập đầu khấn vái, chúng tôi nhìn bức tượng thì biết ngay đây chính là Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát. Đội quân đào hầm có từ thời Bắc Tống, cuối đời Minh vì tránh nạn nên Chu Ngộ Cát đành phải lui về ở ẩn, từ đó không còn đội quân đào hầm nữa. Chu Ngộ Cát tinh thông ngũ hành bát quái, phong thủy địa thế, lại là thống lĩnh của đội quân đào hầm, cũng coi như kiếm cơm bằng nghề đào đất, nghề này có chút tương đồng với nghề buôn đồ cổ của chúng tôi. Chúng tôi lại đang muốn lấy vài món đồ cổ trong thôn, đã gặp Âm dương đoan công ở đây thì không thể thất lễ, cả bọn cũng cung kính vái lạy.

Trong Tổ miếu của thôn Phi Tiên đèn đóm sáng trưng, Điếu bát quan sát xung quanh, không thấy bộ ghế đâu, Tổ miếu cũng không phải gian phòng trong bức ảnh, anh ta hỏi cậu Ngốc: “Cậu Ngốc, đây là gian phòng tronh ảnh à?”

Cậu Ngốc cũng quay sang nói với Điếu bát: “Cậu Ngốc, đây là gian phòng trong ảnh à?”

Điếu bát sực nhớ ra là không thể nói chuyện với cậu Ngốc được, có nói cũng bằng không, anh ta giơ bức ảnh lên trước mặt cậu Ngốc, chỉ mạnh vào bộ ghế trầm hương.

Cậu Ngốc cũng chỉ tay vào bức ảnh, rồi chỉ lên những chiếc bài vị bày chi chít trên ban thờ, ý nói rằng: “Không sai, chính là nơi này.”

Tôi nhìn lên ban thờ rồi nhìn lại vào bức ảnh, chợt hiểu ra ý của cậu Ngốc, cậu ta nghĩ rằng chúng tôi hỏi những vị trưởng lão ngồi trên chiếc ghế, mà những người đó giờ đã quy tiên cả rồi, linh vị đã được chuyển vào Tổ miếu.

Điếu bát ngao ngán nói: “Không thể nói chuyện rõ ràng với thằng ngốc này được, đành chờ mai ông cụ Chu tỉnh dậy rồi tính sau.” Anh ta nhìn một lượt những đồ vật trong Tổ miếu, có vẻ tiếc rẻ nói: “Chiếc hương án bằng đồng, cặp hạc sắt này đều không vừa đâu, nhìn màu đen bóng của nó thì biết, theo cách nói của người trong nghề là màu đen gia truyền, mặc dù đồ trong này chưa chắc ông cụ Chu đã nhường lại cho chúng mình, nhưng đã tới đây rồi tôi nghĩ chúng ta không nên đi vội, mở mang tầm mắt, học thêm chút kiến thức cũng hay.”

Tôi quan sát thấy bên trong Tổ miếu bày hương án và cặp hạc, trên trần nhà còn có hình vẽ “Kim giáo thần minh”, hình vẽ rất sinh động, mặc dù chịu nhiều năm hương khói ám vào, màu sắc có phần đã bị trôi, nhưng vẫn nhìn thấy được diện mạo của vị thần đó, mắt mở to giận dữ, râu tóc rậm rạp, cơ bắp cuồn cuộn, tay cầm thanh kích dài giơ lên trời, khí thế áp đảo, tư thế trông như sắp lao ra ngoài. Vị thần ác được đặt ở vị trí trên cao, cúi đầu nhìn xuống toàn bộ Tổ miếu.

Gian phòng rộng này chính là Tổ miếu của thôn, là nơi thờ phụng tổ tiên, vậy mà trên trần lại vẽ hình một vị ác thần, không giống với những từ đường khác. Chúng tôi đã được nghe cụ Chu kể về nguồn gốc của thôn Phi Tiên, biết rằng vị ác thần trong Tổ miếu chính là để trừ tà ma, nhưng vẽ trên trần là một điều chúng tôi không ngờ tới, không lẽ miệng núi Thông Thiên lại chính là Tổ miếu này?

Điếu bát càng quan sát càng thấy nơi này không bình thường, anh ta khẳng định với chúng tôi, nơi này chắc chắn có mộ cổ. Mộ của Vương hầu quý tộc thời Hán thường xẻ núi làm mộ, hơn nữa nơi nào có mộ cổ thời Hán thì tên những ngọn núi đó thường liên quan đến các linh vật như Quy Sơn, Xà Sơn, Sư Tử Sơn v.v… không biết Phục sơn ở Thông Thiên Lĩnh có mộ cổ không?

Có thể cuối thời Minh, Thông Thiên Lĩnh từng bị động đất, người dân đã nhìn thấy phi cương ra vào ở những khe nứt của núi, Chu Ngộ Cát thống lĩnh đội quân đào hầm đã xây thôn làng ở đây, nhằm trấn áp tà khí trong mộ cổ, càng suy luận anh ta càng thấy phỏng đoán của mình có lý.

Điếu bát bắt đầu ngứa ngáy nói: “Đáng tiếc là không biết lối vào mộ cổ ở Thông Thiên Lĩnh…”

Tôi nhìn xuống sàn nhà, lối vào mộ cổ thời Hán không chừng ở ngay dưới chân chúng tôi.

Tôi đoán Thông Thiên Lĩnh có hang động ngầm có thể đi thẳng được vào trong lòng núi, ngôi làng này nằm ngay bên trên hang động đó, trong Tổ miếu có hai tấm đá khắc hình hai con cá, thôn làng lại được bài trí theo trận đồ bát quái, ba vòng, ba tầng xây xung quanh gian từ đường này. Trong khuôn viên Tổ miếu còn có hai cái giếng, chính là hai điểm âm dương, đối chiếu với vị thần trên trần nhà thì hai chiếc giếng này có khả năng là thông xuống lòng núi.

Thôn Phi Tiên được xây dựng như vậy chủ yếu là để phòng ngự, nếu bị thiếu nước thì dù thành lũy kiên cố tới mức nào cũng không thể cố thủ được. Giếng nước được đặt trong Tổ miếu đủ thấy được tầm quan trọng của nó, nếu tôi đoán không nhầm, với bản lĩnh của Âm dương đoan công, thôn làng của ông không những tránh được thú dữ, thổ phỉ mà còn chặn luôn cả miệng núi Thông Thiên Lĩnh, chiếm một địa thế có lợi, một mũi tên trúng hai đích.

Điếu bát thì cứ khăng khăng nhận định trong lòng núi có mộ cổ thời Hán cũng có lý của anh ta bởi phàm những mộ cổ phạt núi làm quách, thì chủ nhân của ngôi mộ ắt thuộc hàng vương tôn, chư hầu. Thông Thiên Lĩnh là một ngọn núi lớn, thế núi hiểm trở, mây vờn thân núi, khiến người ta phải choáng ngợp, nếu không đầu tư tiền của và nhân lực thì khó mà đào được huyệt mộ trong lòng ngọn núi này. Nếu nói trong Thông Thiên Lĩnh có mộ cổ thời Hán thì không biết là mộ của ai, bởi hơn hai nghìn năm nay, hầu như chưa có bậc đế vương hoàng tộc nào đặt lăng tẩm tại đây. Vì thế, trong hang động dưới thôn Phi Tiên có thể có đồ cổ quý giá nhưng chưa chắc đã có mộ cổ thời Hán.

Mặt dày hỏi: “Giờ sao đại ca? Tụi mình vào Thông Thiên Lĩnh đào mộ cổ nhà Hán chứ? Nếu gặp phi cương thì phải làm sao?”

Điếu bát nạt lại: “Làm gì có chuyện cương thi biết bay, cậu không nghe ông cụ Chu nói à, cuối thời Minh ở đây có động đất, lúc đó trời rung đất chuyển, chim thú tan tác, nhân lúc ngọn núi nứt đôi, có vật thể toàn thân hôi thối đã bay ra ngoài nhưng bị sét đánh rồi bị các loại đay leo quấn chặt, thi thể đều bị chim rỉa nát rồi. Thời đó dân tình mê tín mới cho là cương thi biết bay. Cho dù đó là thứ gì thì cũng chết từ lâu rồi, giờ còn gì đáng sợ nữa đâu.”

Mặt dày nói: “Không phải là tôi sợ, tôi vốn chẳng còn hy vọng gì vào cuộc sống, không tin trên đời này sẽ có chuyện tốt đến với mình. Từ lúc gặp hai người, đi ngang qua Ô Thú động bị lật xe rơi xuống nghĩa địa mà còn nhặt được bảo bối thì tôi biết đã đến lúc số mình phất lên rồi. Đã dám đi cùng với hai người thì tất nhiên tôi phải hạ quyết tâm theo đến cùng, chỉ cần có cửa kiếm tiền, mẹ nó chứ, chết cũng làm.”

Mặc dù cũng tham, nhưng Điếu bát không có cái gan đi đào trộm mộ, hơn nữa chưa có sự chuẩn bị, tay không làm sao mà làm việc được? Anh ta chỉ tiện mồm nói vậy, thấy Mặt dày tưởng thật liền nói: “Dựa vào ba chúng ta với vài khẩu súng thì làm sao giải quyết được việc lớn như vậy. Trước mắt phải mua được bộ ghế trầm hương của ông cụ Chu, đợi quay về rồi tính tiếp.”

Tôi nói: “Hai người bàn bạc cứ như trong thôn Phi Tiên này có mộ cổ thời Hán thật không bằng. Có mộ cổ hay không còn chưa biết kia.”

Điếu bát nói: “Cũng đúng, nhưng mà tôi cứ băn khoăn…”

Chúng tôi vừa nói đến đó thì thấy Mặt dày đang ra dấu hỏi cậu Ngốc: “Phía dưới tấm đá này là gì vậy?”

Cậu Ngốc cũng ra dấu lại, ý nói rằng: “Dưới đó chỉ có nước.”

Mặt dày không tin: “Chỉ là giếng thôi à… không có gì khác sao?” thấy chẳng hỏi thêm được gì từ cậu Ngốc, liến nắm lấy vòng sắt được cố định trên tấm đá loay hoay tìm cách mở nắp giếng, dùng hết sức bình sinh mới dịch được chiếc nắp sang một bên, phía dưới như một cái hố sâu không nhìn thấy đáy. Trong tổ miếu có hai tấm đá như vậy, trông giống như hai miệng giếng nhưng thực chất là thông tới một nơi nào đó, bên thành giếng còn sót lại sợi dây thừng đã mục nát, đúng là giếng cổ, nhưng xem ra đã hơn trăm năm nay không có ai lấy nước ở đây, anh ta thò cổ xuống xem xét ở dưới.

Tôi nói: “Sao ông dám nhấc tấm đá ra? Nếu đây là chiếc giếng phong thủy của thôn thì ông không sợ cụ Chu liều mạng với ông à?”

Mặt dày này: “Đồ thỏ đế! Mỗi cái giếng có gì đâu mà phải sợ. Hai người qua đây xem đi, hình như dưới đó chẳng có gì cả.”

Tôi với Điếu bát tuy mồm nói đừng động đến giếng cổ nhà người ta nhưng trong lòng cũng hiếu kỳ, cầm đèn pin ra soi, cái giếng vừa rộng vừa sâu, không nhìn thấy đáy đâu cả.

Mặt dày nói: “Mọi người chẳng nói bên dưới có mộ cổ sao? Ở chỗ nào?”

Điếu bát nói: “Có mộ cổ thì cũng phải ở bên cạnh thôn, trong lòng núi cao ấy, cái giếng này cùng lắm chỉ là đường hầm thông ra núi thôi.”

Mặt dày trợn tròn mắt nhìn xuống phía dưới: “Dưới này tối thui, ai mà nhìn thấy đường hầm ở đâu.”

Tôi nói: “Ông to gan thì xuống dưới đó xem là biết liền chứ gì…”

Vừa nói xong thì thấy Mặt dày rơi tọt xuống giếng, tôi và Điếu bát ngạc nhiên, nghĩ: “Lão này cũng liều phết.”

Vừa mới nghĩ vậy thì nghe thấy tiếng Điếu bát kêu lên “Ối!” một tiếng rồi cũng rơi tọt xuống giếng. Tôi thấy tình hình không ổn, vừa quay đầu lại đã thấy cậu Ngốc đang lao về phía mình, hóa ra hai người vừa rồi đều bị cậu ta đạp xuống giếng. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến tôi không kịp phòng bị, tới lúc tôi nhận ra thì đã quá muộn, cậu Ngốc to béo, như một tấm phản thịt sầm sập lao tới, cậu ta cũng chẳng cần giơ chân ra, dùng bụng huých một cái là tôi đã đứng không vững, chỉ thấy tiếng gió vù vù bên tai, cơ thể rơi tự do trong không khí, rơi suốt hồi lâu mà vẫn chưa tới đáy.

Lúc đó tôi chợt nghĩ: “Chết rồi, chắc cậu Ngốc nghĩ bọn tôi là cướp, hoặc cho rằng chúng tôi đã động vào chiếc giếng phong thủy của thôn nên mới tấn công từ sau lưng. Mà sao cái giếng của thôn Phi Tiên lại sâu thế nhỉ, không biết dưới giếng còn nước hay không, nếu rơi xuống giếng cạn…”

Chưa nghĩ hết thì tôi đã rơi tõm xuống nước, vì rơi từ rất cao nên lực đẩy rất mạnh, rơi xuống nước rồi vẫn tiếp tục chìm sâu xuống, tôi bị uống mấy ngụm nước vội nín thở để trồi lên. May trong lúc hoảng hốt vẫn cầm chặt chiếc đèn pin trong tay, xung quanh thành giếng đều bằng đá. Hai người rơi xuống trước tôi, Mặt dày thì biết bơi, nhưng Điếu bát chỉ là con vịt cạn, uống đầy một bụng nước, đang ho sặc sụa, tôi và Mặt dày dìu anh ta bơi vào phía thành giếng, bám vào khe hở nơi thành giếng rồi cả bọn đứng thở hồng hộc.

Mặt dày tức điên, chỉ lên trên miệng giếng chửi rủa một hồi, phía trên một màu đen kịt, không nhìn thấy chút ánh sáng nào của miệng giếng, chắc cậu Ngốc đã đóng nắp giếng lại rồi.

Chiếc giếng này sâu mười mét, rộng cũng phải đến mười mét, nước đỏ quạch và lạnh buốt. Chúng tôi ướt nhẹp từ đầu đến chân, tôi và Mặt dày còn chịu được, Điếu bát tuy chưa đến nỗi bị sặc chết nhưng lạnh tím tái cả môi, toàn thân run bắn, không nói thành tiếng, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Tôi phải túm lấy cổ áo anh ta thì anh ta mới không bị chìm xuống nước.

Tôi nói với Mặt dày: “Ông tiết kiệm sức lực đi, đừng có chửi nữa, cái giếng này quá sâu, trong thôn thì thành lũy trùng trùng lớp lớp, cửa quẻ khắp nơi, ông có đốt thuốc nổ ở đây thì trên đó cũng không nghe thấy đâu, hơn nữa thủ phạm là cậu Ngốc, ông còn mong cậu ta đến cứu bọn ta chắc?”

Mặt dày hậm hực: “Chết tiệt, tôi không chửi thằng đó thì khen nó chắc. Tôi mà được lên trên đó, tôi sẽ cho thằng Ngốc kia và lão Chu biết tay, xem hai ông cháu nhà nó chịu được mấy cú đấm của tôi!”

Tôi nói: “Ngồi đó mà bốc phét, ông lợi hại thế thật thì không đến nỗi bị cậu Ngốc đá xuống đây!”

Mặt dày nói: “Xem như tôi non đi, tôi nhìn nhầm người, không ngờ thằng ngốc kia lại xấu xa thế. Cậu cũng đâu có nhận ra mà nói tôi.”

Tôi nói: “Không nói chuyện này nữa, tìm cách ra ngoài đi, nước giếng lạnh quá, chân tôi sắp bị chuột rút rồi.”

Mặt dày nói: “Ai bảo là không chứ, tôi cũng sắp không trụ nổi rồi, đứng thêm tí nữa cả ba đều mất mạng ở đây. Hai người một thân một mình, chết cũng không sao, tôi còn có em gái đang… đợi ở nhà, tôi làm sao nhẫn tâm… nhẫn tâm để em gái tìm anh nước mắt chan hòa nhân gian sao? Có cách… cách… cách nào không, mau nghĩ… nghĩ… nghĩ đi.”

Mặt dày vừa nói vừa run lập cập, chân tay tôi cũng tê dại, lạnh không thể chịu nổi, chiếc đèn pin bị ngâm nước không biết có phải bị chập mạch không, lúc sáng lúc tối, có khi sắp hỏng rồi. Tôi sốt ruột tìm đường ra, nên cũng không buồn đấu khẩu với Mặt dày nữa. Thành giếng rất trơn, mọc đầy rêu, đừng nói ba đứa chúng tôi, ngay cả khỉ cũng không trèo lên được. Trước đây, nghe ông cụ Chu nói phía dưới thôn Phi Tiên có một cửa núi, không chừng dưới giếng này có đường hầm bí mật cũng nên, tôi trấn an mình không được cuống, định thần quan sát xung quanh, phát hiện có một vết nứt ở thành giếng, phần lớn bị chìm trong nước. Theo ánh đèn pin chiếu sáng, tôi thấy dấu vết của lớp rêu cho thấy trước đây mực nước của giếng cao hơn bây giờ rất nhiều. Vì sau này nguồn nước bị cạn nên vết nứt mới lộ ra.

Chúng tôi chỉ mong mau mau chóng chóng ra khỏi nơi nước lạnh như cắt này, thấy có đường thoát như chết đuối vớ được cọc, vội lôi Điếu bát lặn ra ngoài. Bên dưới vết nứt khá rộng rãi nhưng khoảng không không bị ngập nước chỉ tầm một nắm đấm, đi chừng năm sáu mét thì vào một huyệt động. Lúc này thì chiếc đèn pin không sáng được nữa, chúng tôi không nhìn thấy gì ở phía trước, đành mò mẫm để leo lên nhũ đánh trong động, ba người lạnh run như cầy sấy, vội cởi quần áo vắt khô nước, quần áo ướt rồi cũng không thể mặc ngay được. Điếu bát cũng hồi tỉnh được đôi chút, cởi trần ngồi xổm tìm thuốc hút, nhưng thuốc bị ngâm nước đã nát hết cả, chỉ tìm thấy chiếc bật lửa cơ, tôi bảo anh ta vẩy hết nước đi, bật mấy lần, cuối cùng cũng bật được, không ngờ ánh sáng vừa lóe lên bỗng có ai đó thổi phù một cái tắt phụp, chúng tôi đều giật mình, đồng thanh hỏi: “Ai đấy?”

Mặt dày lên tiếng: “Là tôi, là tôi. Đừng có kêu lên thế, chúng ta đang trần như nhộng, bật lửa lên, ngại chết đi được.”

Tôi nói: “Đừng có làm loạn lên! Mẹ nó, ông mà còn biết xấu hổ thì mặt tôi với Điếu bát biết để đâu.”

Điếu bát nói: “Không có mảnh vải trên người đúng là không lịch sự lắm, rất ảnh hưởng tới hình ảnh của chúng ta, nhưng dù sao cũng toàn đàn ông với nhau, ở đây cũng không có người ngoài, có gì lạ đâu mà ngại!” Nói rồi, Bát Điếu bật lửa lên, trước mặt chúng tôi cuối cùng cũng có được chút ánh sáng. Điếu bát nhìn thấy tiền của mình bị nước ngâm nát hết ra, cuống quýt hết cả lên: “Mạng sống của tôi, vất vả phấn đấu hơn hai mươi năm, giờ lại quay về thời trước giải phóng rồi…”

Tôi nói: “Nếu không phải Mặt dày mở giếng phong thủy của người ta ra thì cậu Ngốc đã không đánh lén tụi mình.”

Mặt dày nói: “Tôi là oan nhất đấy, cái thằng trông mặt mũi thật thà thế mà lại gian xảo, uống mất rượu Đinh quan của chúng ta đã không nói rồi, sợ chúng ta tính sổ với nó nên mới lừa đến Tổ miếu để diệt khẩu, không phải tôi nói đâu nhá, mà sự việc nó rõ rành rành ra như vậy. Bình thường hai người tinh tường thế, thông minh hơn cả người Do Thái mà lại không nhìn ra sao? Còn để tôi mang tội thay cho thằng ngốc kia.”

Điếu bát lạnh quá vẫn run cầm cập, lên tiếng càm ràm: “Giờ nói gì cũng muộn rồi, kẹt trong động tối thế này không chết lạnh cũng chết đói.”

Mặt dày nói: “Tôi không sợ chết, chỉ sợ không chết nổi, sống mang tội, chịu khổ cực rồi vẫn phải chết, thế mới gọi là xui xẻo, xui xẻo hơn là sau khi chết không có người lo chôn cất, thi thể vứt đây cho rắn chuột gặm nhấm.”

Điếu bát thất kinh: “Hả? Cậu nói ở đây có chuột và rắn sao?”

Mặt dày nói: “Có rắn hay không tôi không biết, nhưng chuột thì có, lúc nãy có một con vừa chạy ngang qua chân tôi”.

Bị kẹt trong hang động lạnh lẽo tối om, giơ tay ra trước mặt cũng không nhìn thấy, trên người không mảnh vải che thân, ướt nhèm nhẹp, xung quanh lại toàn chuột cống, tối om không nhìn thấy gì, bị chúng cắn phải cũng gay. Điếu bát càng nghĩ càng sợ. Sợ vì không muốn chết, vậy nên anh ta thay đổi chủ ý, không ngồi chờ chết nữa.

Tôi nói: “Chiếc giếng cổ trong tổ miếu thôn Phi Tiên thông xuống núi thì nhất định có đường đi, dù không biết là đường sống hay đường chết nhưng vẫn tốt hơn là ngồi đây chờ chết, xem ra đi được bước nào hay bước đó. Cắn răng chịu đựng một chút, không chừng có cơ hội sống sót.”

Điếu bát nói: “Nói chí lí lắm, những người vĩ đại cũng thường hành sự như vậy, biết là mạo hiểm nhưng chỉ cần quyết tâm thì vẫn qua được.”

Mặt dày nói: “Vậy chúng ta đừng nói nhiều nữa, dù sao thì tôi cũng coi thường sự sống chết rồi, không kiếm được nhiều tiền thì sống cũng vô vị.”

Ba người chúng tôi bàn xong liền đi sâu vào phía trong tìm đường, chỉ mặc mỗi quần đùi và đi giày, quần áo ướt quấn lại vắt lên vai, mỗi tội không có ánh sáng cứ phải dò dẫm trong bóng tối, nên rất khó di chuyển.

Mặt dày hỏi mượn Điếu bát chiếc bật lửa để đi trước dẫn đường, có chút ánh sáng sẽ dễ đi hơn.

Điếu bát phản đối: “Không được! Hai cậu mặc dù là bạn tốt của tôi nhưng lúc cần phê bình tôi vẫn phải phê bình, các cậu thường ngày vẫn chỉ quẹt diêm hút thuốc làm sao mà biết được sự lợi hại của chiếc bật lửa này, cái này gọi là Dupont, mạ vàng đấy, bên trong còn có cái vè đồng, mỗi lần bật lửa đều phát ra tiếng kêu, có thể mang vào khách sạn tham dự những sự kiện lớn đấy. Giờ trên người tôi chỉ còn mỗi thứ này có giá trị thôi, giao cho ai cũng không được, tự tôi cầm vẫn chắc ăn nhất.”

Mặt dày không tin: “Làm gì mà xịn thế, có cái bật lửa cũ rích, tôi có làm rơi vài lần cũng chẳng hỏng đâu.”

Điếu bát không dám đi trước dẫn đường, lại không muốn đưa bật lửa cho Mặt dày, đành phải chọn giải pháp ở giữa, đó là giao cho tôi.

Tôi nói trước với anh ta nếu đánh mất là tôi không chịu trách nhiệm. Nói rồi làn mò theo vách đá đi lên trước dẫn đường, tôi phát hiện ra vách đá ở đây lô nhô lổn nhổn không giống như vách đá thông thường, đánh bật lửa lên xem thì thấy sần sùi nổi cục như rễ cây. Cây gì mà rễ lại có thể đâm xuống sâu tới mức này, không thể tưởng tượng được cái cây phải to đến mức nào, hơn nữa trước đó cũng không thấy thôn Phi Tiên có cái cây nào to như vậy.

Bình luận