Tôi tỉnh dậy vào quãng tám giờ: có người gõ cửa phòng tôi. Là Jacqueline. Hẳn tôi trông ngơ ngác lắm, đúng như kẻ vừa trôi qua một giấc ngủ tệ hại. Nàng bảo sẽ đợi tôi bên ngoài.
Trời vẫn còn tối. Tôi nhìn thấy nàng từ cửa sổ. Nàng ngồi trên ghế băng, phía bên kia đại lộ. Nàng đã dựng cổ chiếc áo vest da của mình lên, thọc hai tay vào túi cho đỡ lạnh.
Chúng tôi đi về phía sông Seine và bước vào quán cà phê cuối cùng trước khi tới Halle aux vins. Vì sự tình cờ nào mà nàng đang ở đây, ngồi đối diện với tôi? Hôm trước, khi xuống khỏi xe Cartaud, tôi đã không thể tưởng tượng được một chuyện đơn giản nhường này. Tất tật những gì tôi định làm là chờ nàng, trong những buổi chiều lê thê, vô vị, ở quán cà phê Dante. Nàng bảo tôi rằng Van Bever đã đi Athis‒Mons xin bản sao giấy khai sinh cho họ, để lấy hộ chiếu mới. Họ đã làm mất hộ chiếu cũ trong một chuyến sang Bỉ cách đây ba tháng.
Nàng không còn phô ra với tôi vẻ hờ hững đã làm tôi hoang mang vào tối qua nữa, khi tôi bắt gặp họ cùng Cartaud. Tôi tìm lại được nguyên vẹn nàng, trong những khoảnh khắc chúng tôi từng trải qua bên nhau. Tôi hỏi nàng đã khỏi cúm chưa.
Nàng nhún vai. Trời còn lạnh hơn hôm qua nhưng nàng vẫn mặc chiếc áo vest da mềm ấy.
‒ Cô phải kiếm một cái măng tô ra hồn, tôi bảo nàng.
Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi và nở nụ cười hơi chút chế giễu.
‒ Anh nghĩ một cái măng tô ra hồn là như thế nào?
Câu hỏi này làm tôi cấm khẩu. Và như thể muốn trấn an tôi, nàng nói tiếp:
‒ Dẫu sao cũng sắp hết mùa đông rồi.
Nàng đang đợi tin tức từ Mallorca. Những tin tức ấy sẽ chóng đến thôi. Nàng hy vọng có thể ra đi vào mùa xuân. Lẽ dĩ nhiên, tôi sẽ đi cùng họ, nếu tôi muốn. Tôi thấy yên tâm vì nàng xác nhận điều này.
‒ Còn Cartaud thì sao? Cô có tin tức gì của ông ấy không?
Nghe thấy cái tên Cartaud, nàng nhíu mày. Ấy là tôi đã lấy cái giọng điềm nhiên của một người đang nói về trời mưa và thời tiết đẹp.
‒ Anh vẫn còn nhớ tên ông ta cơ à?
‒ Cái tên dễ nhớ mà.
Và cái ông Cartaud đó, ông ta có làm nghề gì không? Có, ông ta làm việc tại một phòng khám răng trên đại lộ Haussmann, cạnh bảo tàng Jacquemart‒André.
Nàng châm một điếu thuốc, cử chỉ bồn chồn:
‒ Ông ta có thể cho chúng ta vay tiền. Số tiền này sẽ giúp cho chuyến đi của chúng ta.
Nàng có vẻ đợi phản ứng của tôi.
‒ Ông ấy giàu à? tôi hỏi nàng.
Nàng mỉm cười.
‒ Anh vừa nói đến áo măng tô… Xem nào, tôi sẽ gợi ý ông ta tặng tôi một chiếc măng tô lông thú…
Nàng đặt tay lên tay tôi, giống như tôi đã thấy nàng làm với Van Bever tại quán cà phê trên phố Cujas, rồi nàng ghé sát mặt vào mặt tôi.
‒ Bình tĩnh đi, nàng bảo tôi. Tôi chẳng hề thích măng tô lông thú đâu.
Trong phòng tôi, nàng kéo tấm ri đô màu đen lại. Tôi chưa từng làm thế bao giờ bởi vì màu của mấy tầm ri đô khiến tôi bất an, và tôi luôn luôn tỉnh dậy với ánh sáng bình minh. Giờ đây ánh sáng lọt vào qua khe ri đô. Thật kỳ khi thấy chiếc áo vest và quần áo của nàng vứt rải rác trên sàn nhà. Một lúc lâu sau đó, chúng tôi ngủ vùi. Tiếng người đi lại ngoài cầu thang lôi tôi ra khỏi giấc ngủ, nhưng tôi không cử động. Nàng vẫn đang ngủ, đầu gối lên vai tôi. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay. Đã hai giờ chiều.
Rời khỏi phòng, nàng bảo tôi tốt hơn hết là tối nay chúng tôi đừng gặp nhau. Hẳn Van Bever đã từ Athis‒Mons về từ lâu và đang đợi nàng ở ke Tournelle. Tôi không muốn hỏi nàng tính giải thích sự vắng mặt của mình như thế nào.
Còn lại một mình, tôi thấy như lại quay trở về đúng điểm hôm qua: thêm lần nữa tôi chẳng chắc chắn vào điều gì và không có giải pháp nào khác ngoài chờ đợi, ở đây, hoặc ở quán cà phê Dante, hoặc có lẽ ghé qua phố Cujas vào lúc một giờ sáng. Và thêm lần nữa, thứ Bảy, Van Bever hẳn sẽ đi Forges‒les‒Eaux hoặc Dieppe và chúng tôi sẽ đưa anh ra bến tàu điện ngầm. Và nếu anh chấp nhận cho nàng ở lại Paris, mọi chuyện sẽ lại diễn ra chính xác như lần trước. Và cứ như vậy cho đến lúc thời gian kết thúc.
Tôi vơ lấy dăm quyển sách nghệ thuật, nhét vào chiếc túi lớn bằng vải bạt màu be rồi đi xuống cầu thang.
Tôi hỏi người đàn ông đứng sau quầy tiếp tân xem ông ta có danh bạ phố phường Paris không và ông ta chìa cho tôi một quyển, màu xanh lơ, trông có vẻ còn mới. Tôi lần theo từng số nhà trên đại lộ Haussmann cho tới lúc tìm ra, ở số 158, bảo tàng Jacquemart‒André. Ở số 160, đúng là có một nha sĩ, một tay Pierre Robbes nào đó. Tôi cứ chép bừa lại số điện thoại của ông ta: Wagram 1318. Rồi tôi đi, chiếc túi lớn màu be xách ở tay, đến hiệu sách tiếng Anh ở Saint‒Julien‒le‒Pauvre, ở đó tôi bán được một trong những quyển mang theo, Italian Villas and Their Gardens, với giá một trăm năm mươi franc.