Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Từ Thăm Thẳm Lãng Quên

Chương 19

Tác giả: Patrick Modiano

Một sáng tôi ra khỏi nhà, như thường lệ, với tập giấyviết thư, tôi nhận ra chiếc Jaguar của Rachman, đỗ ở giữa Chepstows Villas và Ledbury Road.

Ông thò đầu ra khỏi ô cửa đã hạ kính.

‒ Thế nào, anh bạn? Cậu muốn đi một vòng với tôi không?

Ông mở cửa và tôi lên ngồi bên cạnh ông.

‒ Chúng tôi chẳng còn biết tình hình của ông đang thế nào nữa, tôi nói với ông.

Tôi không dám nhắc đến Linda. Có lẽ ông đã ngồi trong xe từ rất lâu để rình.

‒ Nhiều việc quá… Nhiều mối lo quá… Và lúc nào cũng thế…

Ông nhìn tôi chằm chằm bằng con mắt lạnh lùng, từ đằng sau cặp kính đổi mồi.

‒ Cậu thì sao? Cậu hạnh phúc chứ?

Tôi đáp lại bằng một nụ cười bối rối.

Ông dừng xe tại một phố nhỏ có những ngôi nhà đổ nát, như thể vừa phải chịu một trận oanh tạc.

‒ Cậu thấy không? ông nói với tôi. Tôi luôn luôn làm việc ở những nơi giống như thế này…

Trên vỉa hè, ông rút từ cái cặp màu đen cầm trên tay ra một chùm chìa khóa, nhưng ông đổi ý, nhét nó vào túi áo vest.

‒ Cũng chẳng để làm gì nữa rồi…

Co chân đạp một cái, ông mở cánh cửa một ngôi nhà, cánh cửa có lớp sơn đã tróc loang lổ, chỗ ổ khóa chỉ còn lại một cái lỗ. Chúng tôi bước vào. Vôi vữa rải khắp sàn. Cũng cái mùi lơ lửng trong khách sạn ở Sussex Gardens xộc vào cổ họng tôi, nhưng còn mạnh hơn ở đó nữa. Tôi cảm thấy buồn nôn. Rachman lại lục tìm trong cặp và lôi ra một cái đèn pin. Ông chĩa đèn ra xung quanh, nhờ thế mà có thể nhìn thẩy ở cuối phòng một cái bếp cũ kỹ han gỉ. Một cầu thang dốc dẫn lên tầng trên, tay vịn bằng gỗ đã long.

‒ Tiện đang có giấy bút, ông nói với tôi, cậu ghi chép hộ luôn nhé.

Ông xem xét những ngôi nhà cạnh đó, cũng ở trong tình trạng bỏ hoang như vậy và đọc cho tôi chéplại vài thông tin sau khi đã tham khảo một quyển sổ rút ra từ cái cặp đen.

Hôm sau, tôi tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết lên mặt sau cái trang có những ghi chú kia và vẫn còn giữ nó lại cho đến ngày hôm nay. Tại sao ông lại đọc cho tôi chép như thế? Có lẽ ông muốn còn lại một bản sao, ở đâu đó.Nơi đầu tiên chúng tôi dừng lại, trong khu Notting Hill, tên là Powis Square, rồi sau đó là Powis Terrace và Powis Gardens. Tôi đã kiểm kê, theo lời đọc của Rachman, số nhà 5, 9, 10, 11, 12 ở Powis Terrace, số nhà 3, 4, 6 và 7 ở Powis Gardens và số nhà 13, 45, 46 và 47 ở Powis Square. Những dãy nhà có vòm cổng kiểu “thời Edward”‒ Rachman nói cho tôi biết. Từ sau chiến tranh, chúng là nơi cư ngụ của dân Jamaica, nhưng ông, Rachman, đã mua lại toàn bộ vào đúng thời điểm chúng sắp bị phá đi. Và giờ đây chẳng ai còn sống ở đó nữa, ông nảy ra ý định cải tạo chúng.

Ông đã tìm lại được tên những người chủ nhà cũ từ trước thời dân Jamaica đến. Thế nên, ở số 3 Powis Gardens, tôi ghi tên Lewis Jones, và ở số 6, MissDudgeon; ở số 13 Powis Square, Charles Edward Boden, ở số 46, Arthur Philip Cohen, ở số 47, Miss Marie Motto… Có lẽ Rachman cần đến họ vào hai mươi năm sau, để đưa họ ký giấy tờ gì đó, nhưng ông cũng chẳng thực sự tin điều này. Khi tôi hỏi về những người ấy, ông đáp rằng phần lớn trong số họ hẳn đã biến mất trong những đợt quân Đức oanh tạc.

Chúng tôi đi ngang qua khu Bayswater, tiến về phía ga Paddington. Lần này, chúng tôi đến OrsettTerrace, ở đó những ngôi nhà có vòm cổng, cao hơn những ngôi nhà lúc trước, nằm kề một đường tàu. Các ổ khóa vẫn còn nằm nguyên trên cửa ra vào và Rachman phải dùng đến chùm chìa khóa của mình. Không có vôi vữa, giấy dán tường ẩm mốc, cũng không có những cẩu thang sụt hỏng bên trong, nhưng các phòng không lưu giữ chút dấu vết nào của sự hiện diện con người, cứ như thể những ngôi nhà này là một cảnh bài trí được dựng lên để quay một bộ phim và rồi sau đó người ta quên mất không dỡ chúng đi.

‒ Đây là các khách sạn lữ hành cũ, Rachman nói với tôi.

Lữ hành nào? Tôi hình dung ra những bóng người vào ban đêm, ra khỏi ga Paddington đúng vào lúc những tràng còi hụ vang lên.

Đến cuối Orsett Terrace, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một nhà thờ đổ nát đang bị phá đi. Gian chính của nó lộ hẳn ra ngoài trời.

‒ Cả cái này nữa, lẽ ra tôi phải mua nó, Rachman nói.

Chúng tôi đi qua Holland Park, tới Hammersmith.Tôi chưa bao giờ đi xa đến thế. Rachman dừng lại ở Talgarth Road trước một dãy nhà bỏ không mang dáng vẻ các nhà nghỉ trên núi hay dinh thự nhỏ bên bờ biển. Chúng tôi lên tầng hai một trong số đó. Các ô kính trên cửa sổ vòng cung đã vỡ. Có thể nghe tiếng ồn ã của giao thông qua lại. Trong một góc phòng, tôi nhìn thấy một cái giường gấp và trên dó là một bộ com lê bọc giấy kính trong suốt như thể vừa từ chỗ thợ giặt là ra, và một chiếc áo pyjama. Rachman bắt gặp ánh mắt tôi:

‒ Thỉnh thoảng tôi dến đây để ngủ trưa, ông nói.

‒ Ông không thấy khó chịu với tiếng xe cộ à ?

Ông nhún vai. Rồi ông cầm bộ com lê bọc lớp giấy kính lên và chúng tôi đi xuống cẩu thang. Ông đi trước tôi, bộ com lê để gập vắt trên cánh tay phải, tay trái cầm cái cặp đen, dáng vẻ của một đại diện thương mại từ nhà đi ra chuẩn bị một chuyến công tác dướ itỉnh.

Ông nhẹ nhàng đặt bộ com lê lên băng ghế sau xe ô tô và ngồi lại vào chỗ tài xế. Chúng tôi quay lại, đi về hướng Kensington Gardens.

‒ Tôi từng ngủ ở những nơi còn kém tiện nghi hơn nhiều…

Ông chĩa ánh mắt lạnh lẽo sang tôi.

‒ Hồi ấy tôi cũng cỡ tuổi cậu bây giờ.

Chúng tôi đi trên đại lộ Holland Park và sắp đi ngang qua trước cái quán nơi vào giờ này thông thường tôi vẫn ngồi viết cuốn tiểu thuyết của mình.

‒ Cuối chiến tranh, tôi trốn thoát khỏi một trại.. Tôi hay ngủ trong hầm một tòa nhà… Chuột khắp nơi…Tôi đã tự nhủ, nếu ngủ thiếp đi, chúng sẽ ăn thịt tôi…

Ông phá lên cười lanh lảnh.

Tôi có cảm giác mình cũng là một con chuột như lũ kia… Vả lại, suốt bốn nãm trời người ta tìm cách thuyết phục tôi rằng tôi là một con chuột…

Chúng tôi đã để lại cái quán ở sau lưng. Phải, tôi có thể đưa Rachman vào cuốn tiểu thuyết của mình. Hai nhân vật chính của tôi sẽ tình cờ gặp Rachman ở quanh nhà ga Bắc.

‒ Ông sinh ra ở Anh à ? tôi hỏi.

‒ Không. Ở Lvov, bên Ba Lan.

Ông nói điều đó bằng giọng khô khốc, và tôi hiểu rằng mình sẽ không biết thêm được gì nữa.

Giờ đây chúng tôi chạy men theo Hyde Park, về hướng Marble Arch.

‒ Tôi đang thử viết một cuốn sách, tôi rụt rè nói với ông, để chuyển sang đề tài khác.

‒ Một cuốn sách?

Bởi sinh ra ở Lvov, bên Ba Lan, hồi trước chiến tranh, rồi sống sót sau chiến tranh, giờ đây ông hoàn toàn có thể ở khu ga Bắc. Đó thuần túy là một vấn đề của lẽ tình cờ.

Ông đi chậm lại trước ga Marylebone và tôi nghĩ chúng tôi sẽ lại viếng thăm những ngôi nhà xập xệ bên đường tàu hỏa. Nhưng, đi vào một phố hẹp, chúng tôi tới Regent’s Park.

Cuối cùng cũng có một khu giàu.

Và ông phì cười, nghe như tiếng ngựa hí.

Ông bảo tôi chép lại các địa chỉ: 125,127 và 129 Park Road, ở góc Lorne Close, ba ngôi nhà xanh lục nhợt nhạt lắp cửa sổ vòng cung, trong đó ngôi nhà cuối cùng đã bị phá hủy một nửa.

Sau khi kiểm tra mấy cái nhãn đính với chùm chìa khỏa, ông mở cửa ngôi nhà nằm giữa. Và chúng tôi lại đi lên tầng, vào một căn phòng rộng hơn căn phòng bên Talgarth Road. Các ô kính cửa sổ còn nguyên vẹn.

Ở góc phòng, vẫn là một cái giường gấp giống như ở Talgarth Road. Ông ngồi lên đó, đặt cái cặp đen xuống cạnh mình. Rồi ông lấy khăn mùi soa trắng lau trán.

Giấy dán tường nhiều chỗ đã bị giật ra và sàn nhà bị hổng nhiều thanh lát.

Cậu phải ra cửa sổ mà nhìn, ông nói với tôi. Việc đáng làm đấy.

Đúng thế thật, tôi nhìn thấy các bãi cỏ của Regent’s Park và những mặt tiền nhà đồ sộ xung quanh. Màu trắng vữa nhà và màu xanh lục những bãi cỏ tạo ra một cảm giác bình yên và an toàn.

Giờ thì tôi sẽ cho cậu xem cái này…

Ông đứng dậy, chúng tôi đi theo một hành lang trên trần lủng lẳng những sợi dây điện cũ kỹ và đi vào một phòng nhỏ, ở phía sau ngôi nhà. Cửa sổ phòng nhìn xuống dường tàu hỏa của nhà ga Marylebone.

‒ Cả hai phía đểu rất đẹp, Rachman bảo tôi. Có phải không, anh bạn?

Rồi chúng tôi quay trở lại căn phòng phía bên Regent’s Park.

Ông lại ngồi xuống giường và mở cái cặp đen ra. Ông rút từ trong đó hai cái sandwich bọc trong giấy bạc. Ông chia cho tôi một cái. Tôi ngồi xuống đất, đối diện với ông.

‒ Tôi nghĩ sẽ để yên ngôi nhà như thế này rồi chuyển đến sống hẳn ở đây…

Ông cắn vào cái sandwich của mình. Tôi nghĩ dến bộ com lê bọc trong giấy bóng kính. Bộ lúc này ông mặc trông thật nhàu nhĩ, thậm chí áo còn thiếu mất một cái cúc và đôi giày thì đã lấm bùn. Ông, người phát cuồng đến ám ảnh vì sự sạch sẽ, cũng là người đấu tranh vô cùng hăng hái chống lại vi trùng, thế mà có những ngày ta tưởng như ông đã buông tay và để mặc cho mình dần biến thành một kẻ du thủ du thực.

Ông đã ăn xong chiếc sandwich. Ông nằm dài trên cái giường gấp. Ông giơ tay ra lục trong cái cặp đen đặt trên sàn nhà, bên cạnh giường. Ông lấy chùm chìa khóa và gỡ một chìa từ đó.

‒ Này… Cầm lấy… Một tiếng nữa đánh thức tôi dậy nhé. Cậu có thể đi dạo một vòng bên Regent’s Park.

Ông quay người vào tường, và thở ra một hơi dài.

‒ Tôi khuyên cậu nên đến chỗ chuồng thú. Ngay gần đây thôi.

Tôi đứng bất động một lúc trước cửa sổ, giữa một quầng nắng, rồi tôi nhận ra ông đã ngủ.

Bình luận
× sticky