Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Tình

Chương 12

Tác giả: Marguerite Duras

Anh châm một điếu thuốc là rồi đưa cho tôi. Và thì thầm kề miệng tôi anh nói.

Tôi cũng nói với anh thì thầm như vậy.

Bởi vì anh không tự biết về mình, tôi nói cho anh, thay anh, bởi vì anh không biết rằng anh mang trong người sự trang nhã tinh túy, tôi nói điều đó cho anh.

Giờ là lúc buổi tối đang đến. Anh bảo rằng tôi sẽ nhớ suốt đời buổi chiều này, ngay cả khi tôi đã quên đi khuôn mặt anh, tên anh. Tôi hỏi liệu tôi có nhớ được ngôi nhà không. Anh bảo tôi: em hãy nhìn kỹ đi. Tôi nhìn ngôi nhà. Tôi nói rằng nó giống như ở mọi nơi. Anh nói rằng đúng vậy, ừ, như thường lệ.

Tôi vẫn thấy lại được gương mặt ấy, và tôi vẫn nhớ cái tên ấy. Tôi vẫn thấy những bức tường quét vôi trắng, bức mành bằng vải bạt hướng về cái nóng hừng hực, cánh cửa vòm mở sang một căn phòng khác và dẫn ra một mảnh vườn ngoài trời – cỏ cây đã chết vì nóng – mảnh vườn được bao quanh bởi hàng lan can màu xanh giống như ngôi biệt thự lớn ở Sa Đéc với những tầng ban công nhìn ra sông Mê Kông.

Đây là một nơi cùng quẫn, điêu tàn. Anh bảo tôi nói cho anh nghe tôi đang nghĩ gì. Tôi bảo rằng tôi nghĩ đến mẹ tôi, rằng bà sẽ giết tôi nếu bà biết được sự thật. Tôi thấy anh gắng sức và rồi anh nói ra điều ấy, anh bảo là anh hiểu điều mà mẹ tôi muốn nói, anh bảo: cái sự ô danh này. Anh nói rằng anh cũng sẽ không chịu đựng nổi ý nghĩ đó nếu anh lấy vợ. Tôi nhìn anh. Đến lượt anh nhìn lại tôi, anh xin lỗi với vẻ kiêu hãnh. Anh bảo: tôi là người Hoa. Chúng tôi mỉm cười. Tôi hỏi anh chúng tôi buồn bã như thế này thì có bình thường không. Anh nói đó là do chúng tôi đã làm tình ban ngày, vào lúc cái nóng lên đến tột đỉnh. Anh nói rằng sau đó bao giờ cũng khủng khiếp. Anh mỉm cười. Anh nói: dù người ta có yêu nhau hay là không yêu, điều đó bao giờ cũng khủng khiếp. Anh nói điều đó sẽ qua đi khi đêm đến, ngay khi đêm đến. Tôi bảo anh rằng không phải chỉ bởi vì chuyện ấy đã diễn ra ban ngày đâu, rằng anh nhầm rồi, rằng tôi buồn như tôi đã chờ đợi và điều đó chỉ xuất phát từ tôi thôi. Rằng lúc nào tôi cũng buồn. Rằng tôi thấy nỗi buồn này có cả trên những bức ảnh chụp khi tôi còn bé tí. Rằng hôm nay, nhìn nhận nỗi buồn này như thứ mà tôi luôn luôn có, tôi gần như có thể lấy tên mình để đặt cho nó, nó giống tôi biết bao. Hôm nay tôi nói với anh rằng nỗi buồn này là một điều tốt lành, tốt vì cuối cùng tôi đã rơi vào sự bất hạnh mà mẹ tôi luôn luôn cảnh báo cho tôi khi bà gào thét lên trong sự trống trải của đời bà. Tôi bảo anh: em không hiểu rõ lắm điều mà mẹ nói nhưng em biết căn phòng này là cái mà em đã chờ đợi. Tôi nói mà không đợi trả lời. Tôi nói rằng mẹ tôi gào lên điều mà bà tin tưởng giống như những sứ giả của Thượng Đế. Bà gào lên rằng không nên chờ đợi gì hết, không bao giờ cả, không chờ đợi ở bất cứ người nào, bất cứ nhà nước nào, bất cứ Thượng đế nào. Anh nhìn tôi nói, anh không rời mắt khỏi tôi, anh nhìn vào miệng tôi khi tôi nói, người tôi trần truồng, anh vuốt ve tôi, có lẽ anh chẳng nghe, tôi không biết. Tôi nói rằng tôi không biến nỗi bất hạnh mà tôi gặp phải thành một chuyện riêng tư. Tôi kể cho anh nghe chúng tôi đã khó khăn đến thế nào để có cái ăn, cái mặc, tóm lại là để sống, khi chẳng có gì khác ngoài khoản tiền lương của mẹ tôi. Tôi nói mỗi lúc một khổ sở hơn. Anh hỏi: gia đình em đã làm thế nào? Tôi bảo anh rằng chúng tôi đã sống ở ngoài đường, sự nghèo đói đã làm sụp đổ những bức tường của gia đình và tất cả chúng tôi đã ra ngoài đường, mỗi người làm việc mà mình muốn. Chúng tôi là những kẻ sa đọa. Chính vì vậy mà em ở đây với anh. Anh ở trên người tôi, anh lại ngụp vào. Chúng tôi để nguyên như vậy, dính chặt vào nhau, rên rỉ trong tiếng lao xao của thành phố vẫn vang ở bên ngoài. Chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng lao xao đó. Và rồi chúng tôi không nghe thấy nữa.

Những nụ hôn trên thân thể làm rơi nước mắt. Gần giống như một sự an ủi. Ở nhà tôi không khóc. Nhưng ngày hôm đó trong căn phòng đó, nước mắt đã xoa dịu cả cho quá khứ lẫn tương lai. Tôi nói với chàng một ngày nào đó tôi sẽ rời bỏ mẹ tôi, một ngày nào đó ngay cả đối với mẹ, tôi cũng không còn để lại chút tình thương nào. Tôi khóc. Chàng tựa đầu trên người tôi và khóc khi nhìn thấy tôi khóc. Tôi bảo chàng rằng khi tôi còn là một đứa bé, nỗi bất hạnh của mẹ tôi đã chiếm chỗ những giấc mơ. Những giấc mơ của tôi, là mơ về mẹ tôi, không bao giờ về những cây Giáng Sinh, luôn luôn chỉ là bà, một người mẹ bị trầy sướt bởi sự nghèo khổ hoặc bị quẩn trí và càu nhàu trong sự hoang vắng, tìm kiếm thức ăn hoặc kể lể bất tận về những gì xảy đến cho bà, bà Marie Legrand ở Roubaix, kể lể về sự vô tội của bà, sự cần kiệm của bà, những hy vọng của bà.

Qua khe lá sách, buổi chiều đã đến. Tiếng ồn ào lớn hơn. Nó tập trung hơn, bớt bị nghẽn lại. Những ngọn đèn đường đỏ tím được thắp sáng.

Chúng tôi rời căn phòng. Tôi đội lại chiếc mũ đàn ông có dây ruban, đôi giày vàng, son môi sậm màu, bộ quần áo bằng lụa. Tôi trở nên già hơn. Bất chợt tôi biết điều đó. Chàng nhìn thấy điều đó, chàng nói, Em có vẻ mệt.

Trên lối đi, đám đông đi khắp mọi hướng, nhanh hoặc chậm, chen lấn, lở lói như những con chó hoang, mù lòa như đám ăn mày, một đám đông người Tàu, mà bây giờ tôi vẫn còn có thể nhìn thấy trong những bức ảnh của sự phú túc hiện giờ, trong cái cách mà họ chen vai nhau đi, không có dấu hiệu mất kiên nhẫn nào, trong cái cách họ cô đơn trong đám đông, không có hạnh phúc, dường như không có cả buồn phiền, không có sự tò mò, đi cùng nhau mà dường như không biết đi đâu, chỉ đi ngã này hơn là ngã kia, đơn độc ở ngay trong đám đông, không bao giờ đơn độc ngay cả khi chỉ một mình, mà luôn luôn cô đơn ngay trong một đám đông.

Chúng tôi đến một tiệm ăn Tàu nhiều tầng nào đó, chiếm trọn cả một cao ốc, lớn như một cửa tiệm, hoặc một doanh trại, trông xuống thành phố từ bao lơn và tiền đình. Tiếng ồn ào từ những tòa nhà này thì không thể nào quan niệm nỗi ở Châu Âu, tiếng những người hầu bàn réo gọi đặt hàng, được nhà bếp lập lại rồi la to. Không có ai nói năng một cách bình thường ở đó. Trên sân thượng có những ban nhạc Tàu. Chúng tôi tiến lên tầng lầu yên tĩnh nhất, tầng dành cho người Âu châu, thực đơn cũng giống vậy nhưng ít có la hét hơn. Ở đó có quạt, và những màn cửa dày nặng để ngăn tiếng ồn ào.

Tôi nói chàng kể cho tôi nghe về tài sản của cha chàng, làm thế nào mà ông trở nên giàu có như thế. Chàng bảo nói về chuyện tiền bạc làm chàng chán chết đi được, nhưng nếu tôi nài nỉ thì chàng sẽ kể cho tôi nghe những gì chàng biết về sự giàu sang của cha chàng. Mọi chuyện bắt đầu từ Chợ Lớn, với những khu nhà ở cho người bản xứ. Ông cất lên ở đó ba trăm gian nhà loại này, những chỗ ở sát vách nhau rẻ tiền để cho thuê rộng rãi. Ông làm chủ nhiều đường phố. Ông nói tiếng Pháp với giọng Paris không được tự nhiên, bàn chuyện tiền bạc một cách dễ chịu thoải mái. Ông đã từng làm chủ vài dãy nhà cho thuê, nhưng rồi ông bán chúng đi để mua đất xây cất ở phía Nam Chợ Lớn. Vài ruộng lúa ở Sa-Đéc cũng được bán đi, cậu con trai nghĩ như vậy.

Tôi hỏi về nạn dịch. Tôi nói tôi đã nhìn thấy trọn nhiều đường phố có dân chúng bị chân lại qua đêm, cửa chánh và cửa sổ bị đóng đinh niêm phong, vì bệnh dịch hạch. Chàng nói ở đây thì không đến đổi như thế, chuột bọ bị lùng diệt thường xuyên hơn là ở các tỉnh lỵ. Ðột ngột chàng kể lể dông dài về những gian nhà cho thuê. Chúng rẻ hơn là những khu nhà chung cư và cả những căn nhà biệt lập, lại đáp ứng nhu cầu cho những vùng dân cư lao động tốt hơn nhiều so với những chỗ ở tách rời. Con người ở đây thích sống gần gũi nhau, đặc biệt là người nghèo, những người từ vùng quê lên và họ cũng thích sống ở ngoài trời nữa, ngay trên đường phố. Và người ta phải đừng cố tiêu diệt những thói quen của dân nghèo. Cha chàng vừa mới xây lên cả một loạt nhà cho thuê có bao lơn nhìn xuống đường phố. Ðiều này làm cho phố xá rất sáng sủa và xinh xắn. Người ta ở suốt ngày nơi những bao lơn ngoài trời này. Người ta còn ngủ cả ở đó nữa, khi trời không quá nóng nực. Tôi nói chính tôi cũng đã từng thích sống ở bao lơn ngoài trời đó, khi tôi còn nhỏ đó là giấc mơ của tôi, được ngủ ngoài trời.

Bất chợt tôi cảm thấy đau. Rất nhẹ nhàng, gần như không thể nhận thấy. Ðó là nhịp tim tôi, đã di chuyển xuống vết thương tươi rói, buốt nhói mà chàng vừa gây ra nơi tôi, chàng, người đang trò chuyện với tôi, cũng là người đã tạo ra những hoan lạc chiều nay. Tôi không nghe những gì chàng đang nói, tôi ngừng lắng nghe. Chàng nhìn thấy, dừng nói. Tôi bảo chàng hãy tiếp tục nói. Chàng tiếp tục. Tôi lại lắng nghe. Chàng nói chàng nghĩ nhiều đến Paris. Chàng nghĩ tôi rất khác biệt với các cô gái ở Paris, thật sự không duyên dáng bằng họ. Tôi nói những gian nhà cho thuê không thể mang đến nhiều lợi tức đến thế. Chàng không trả lời.

Suốt câu chuyện tình của chúng tôi, khoảng một năm rưỡi, chúng tôi nói chuyện với nhau như thế, không bao giờ nói về chính chúng tôi. Ngay từ đầu chúng tôi đã biết rằng có lẽ chúng tôi không thể có một tương lai chung nào cả, vì thế chúng tôi không bao giờ nói đến tương lai, chúng tôi nói về những chuyện thường ngày, một cách bình thản, như đánh qua đánh lại một quả bóng.

Tôi bảo chuyến viếng thăm nước Pháp của chàng thật tai hại. Chàng đồng ý. Nói rằng chàng đã mua mọi thứ ở Paris, đàn bà của chàng, những sự hiểu biết của chàng, những ý tưởng của chàng. Chàng lớn hơn tôi mười hai tuổi, và điều này làm cho chàng lo sợ. Tôi lắng nghe cái cách mà chàng nói, cái cách chàng gây ra những lỗi lầm, ngay cả cái cách mà chàng làm tình – với cái kiểu kịch tuồng vừa có xếp đặt vừa thành thật.

Tôi nói tôi sắp giới thiệu chàng với gia đình tôi. Chàng muốn bỏ chạy. Tôi cười.

Chàng chỉ có thể diễn tả những cảm xúc của mình bằng cách nhại lại. Tôi khám phá ra rằng chàng không có cái sức mạnh chống đối lại cha mình để yêu tôi, để chiếm giữ lấy tôi, để mang tôi đi. Chàng thường khóc lóc bởi vì chàng không thể tìm thấy cái sức mạnh để yêu thương vượt trên sự sợ hãi. Sự dũng cảm của chàng là tôi, nỗi hèn kém của chàng là tài sản của cha chàng.

Bất cứ khi nào tôi đề cập đến các người anh trai của tôi chàng lại bị nỗi sợ hãi này chiếm ngự, như thể bị lột mặt nạ. Chàng nghĩ tất cả bọn chúng tôi đang trông đợi một đề nghị hỏi cưới. Chàng biết là chàng đã bị thua cuộc dưới đôi mắt của gia đình tôi, đối với họ chàng chỉ có thể trở nên thảm bại hơn, và kết quả là chàng sẽ đánh mất tôi mà thôi.

Chàng nói chàng đã sang Pháp để theo học tại một trường thương mại, sau cùng chàng nói sự thật, nói là chàng đã không làm nên tích sự gì cả và cha chàng đã ngưng cung cấp tiền cho chàng, gởi cho chàng cái vé để trở về, và chàng đành phải rời bỏ nơi đó. Sự thối lui này là tấn thảm kịch của chàng. Chàng đã không hoàn tất khóa học ở trường thương mại. Chàng nói chàng hy vọng sẽ hoàn tất nó ở đây bằng cách học hàm thụ.

Bình luận