Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Tình

Chương 13

Tác giả: Marguerite Duras

Cuộc gặp gỡ với gia đình bắt đầu bằng một bữa tiệc ở Chợ Lớn. Khi mẹ và các anh tôi lên Sài gòn, tôi nói chàng phải mời họ đến những nhà hàng Tàu đắt tiền mà họ không biết hoặc chưa bao giờ đến trước đây.

Những buổi chiều đó đều giống nhau. Mấy người anh tôi mải ăn ngấu nghiến mà không nói một lời nào với chàng. Thậm chí họ còn không nhìn đến chàng nữa. Họ không thể. Họ không thể làm được điều đó. Nếu họ có thể làm đìu đó, nếu họ có thể làm một cố gắng nhỏ để nhìn chàng, thì họ cũng đã có thể học hành, có thể chú ý đến những quy luật sơ đẳng của xã hội rồi. Trong những bữa ăn đó, mẹ tôi là người duy nhất nói chuyện, bà không nói gì nhiều, nhất là trong vài lần gặp đầu tiên, chỉ là một vài bình phẩm về món ăn khi chúng được mang ra, về cái giá cắt cổ của chúng, rồi im lặng.

Chàng, trong một hai lần gặp đầu, đã đánh liều và cố gắng kể câu chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng ở Paris, nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Như thể là chàng chàng hề nói, như thể không ai lắng nghe cả. Sự cố gắng của chàng chìm nghỉm vào sự im lặng. Các anh tôi tiếp tục ăn ngấu nghiến. Họ ăn ngấu nghiến như tôi chưa từng thấy ai ăn như thế bao giờ, bất cứ ở đâu.

Chàng trả tiền. Chàng đếm tiền. Ðặt tiền vào dĩa. Mọi người nhìn. Lần đầu tiên, tôi còn nhớ, chàng trải ra bảy mươi bảy đồng. Mẹ tôi gần như cười thét lên. Chúng tôi đứng dậy ra về. Không một người nào nói cám ơn. Không một người nào nói cám ơn cho bữa ăn tuyệt ngon, hoặc nói một lời chào, hay lời từ giã, không ai nói một lời với ai cả.

Các anh tôi không bao giờ có ý muốn nói một lời nào với chàng, làm như là họ không nhìn thấy chàng, như thể chàng không đủ thực để họ nhận ra, để nhìn thấy hoặc nghe thấy. Sở dĩ như vậy chính vì chàng tôn thờ tôi, và đã nhìn nhận là tôi không yêu chàng, tôi chỉ đến với chàng vì tiền, tôi không thể yêu chàng, điều đó không thể, chàng có thể chấp nhận mọi cách đối xử của tôi mà vẫn tiếp tục yêu tôi. Như thế là vì chàng là người Tàu, vì chàng không phải là một người da trắng.

Cái cách mà người anh cả của tôi đối xử với người tình của tôi, không trò chuyện với chàng, làm ngơ chàng, xuất phát từ những đinh kiến cực đoan đến đỗi nó diễn ra như một mẫu mực. Tất cả chúng tôi đều đối xử với người yêu tôi giống như người anh cả. Chính tôi cũng không bao giờ nói chuyện với chàng trước mặt họ. Khi gia đình tôi có mặt ở đó, tôi phải tự biết là tôi không được nói một lời nào với chàng. Trừ khi, phải, trừ khi, để nhắn lời đến chàng. Chẳng hạn, sau bữa ăn tối, khi các người anh của tôi bảo tôi là họ muốn đến quán La Source để uống rượu và khiêu vũ, tôi là người phải nói điều đó với chàng. Thoạt tiên chàng giả vờ như không nghe thấy tôi nói. Và tôi, theo chiến lược của người anh cả, tôi không được lập lại điều tôi vừa nói, không được yêu cầu lại lần nữa, bởi vì như thế có thể là sai, vì như thế chẳng khác nào tôi thừa nhận là chàng đã có sự bất bình. Một cách nhỏ nhẹ, như thể chỉ nói giữa hai người chúng tôi, chàng nói chàng thích được một mình với tôi một chốc. Chàng nói điều đó sẽ chấm dứt sự đau đớn của chàng. Rồi tôi vẫn phải biết rằng tôi không được tỏ vẻ như nghe thấy đúng những gì chàng nói, thêm một sự dối trá nữa, như thể qua điều chàng nói chàng muốn phản đối, muốn than phiền về cách cư xử của người anh cả tôi. Vì thế tôi vẫn không có nhiệm vụ trả lời chàng. Nhưng chàng lại tiếp tục, nói, đủ táo tợn mà nói rằng, Mẹ em có vẻ mệt rồi, hãy nhìn bà kìa. Và mẹ chúng tôi có vẻ ngầy ngật thật sau bữa ăn đồ Tàu thịnh soạn ở Chợ Lớn đó. Nhưng tôi vẫn không trả lời. Kế đó tôi nghe tiếng của anh tôi. Anh nói điều gì đó ngắn, sắc, và có tính chung quyết. Mẹ tôi vẫn thường nói, trong ba đứa bây, ảnh là người biết ăn nói nhất. Sau khi nói xong, anh tôi chờ đợi. Mọi chuyện đang đến chỗ dừng lặng. Tôi nhận ra vẻ lo sợ của người yêu tôi, nó cũng giống như sự sợ hãi của người anh kế tôi. Chàng đầu hàng. Chúng tôi đi đến quán La Source. Mẹ tôi cũng đi theo. ở quán La Source, mẹ tôi ngủ thiếp đi.

Trước sự hiện diện của người anh cả tôi, chàng ngưng không còn là người yêu của tôi nữa. Chàng không ngưng hiện hữu, nhưng chàng không còn là gì đối với tôi nữa. Chàng trờ thành một lớp vỏ đã bị cháy tiêu. Sự ham muốn của tôi tuân phục người anh cả tôi, chối bỏ người tình của tôi. Mỗi lần nhìn thấy họ với nhau, tôi nghĩ tôi không thể nào chịu đựng nổi cảnh tượng đó một lần nữa. Người tình của tôi bị chối bỏ vì chính cái thân xác yếu ớt đó của chàng, chính sự yếu ớt đó đã mang chở hoan lạc đến cho tôi. Trước mặt anh tôi chàng trở thành một sự xúc phạm không nên nói đến, một nguyên cớ của sự hổ thẹn mà người ta nên giữ cho khuất mắt mình. Tôi không thể chống lại những mệnh lệnh thầm lặng của anh tôi. Tôi chỉ có thể làm thế khi nào nó dính líu đến người anh kế tôi. Nhưng khi nó liên quan đến người tình của tôi thì tôi bất lực trong việc chống lại chính mình.

Bây giờ nghĩ lại, chuyện đó mang trở lại vẻ đạo đức giả trên khuôn mặt tôi lần nữa, cái vẻ lơ đãng của một người nhìn chăm chú vào khoảng không, một người có những điều khác để nghĩ đến, nhưng cũng chính người đó, để lộ cho thấy qua chiếc cằm hơi nghiến lại, đang đau khổ và giận dữ vì đã phải kiên nhẫn chịu đựng sự đốn mạt này để chỉ được ăn ngon, trong một nhà hàng đắt tiền, mà phải vờ xem đó như một chuyện hoàn toàn bình thường. Và vây bủa trí nhớ tôi là cái vầng sáng ghê khiếp của đêm của gã thợ săn. Ðiều đó phát ra một tiếng báo động the thé, như tiếng khóc của một đứa bé.

Cũng không ai nói chuyện với chàng ở quán La Source.

Tất cả chúng tôi đều gọi rượu Martells pha nước suối Perrier. Các anh tôi nốc một hơi cạn ly của mình và gọi ly khác giống vậy. Mẹ tôi và tôi đưa ly của chúng tôi cho họ. Chẳng mấy chốc các anh tôi đã ngà ngà say. Nhưng họ vẫn không nói gì với chàng. Thay vào đó họ bắt đầu bắt lỗi bắt phải. Nhất là người anh kế của tôi. Anh than phiền là chỗ này ngột ngạt quá và không có các cô gái phục vụ. Không có đông người lắm vào ngày thường ở quán La Source. Tôi khiêu vũ với chàng, với người anh kế của tôi. Tôi không nhảy với người anh cả, không bao giờ tôi nhảy với anh ta hết. Tôi luôn luôn bị ngăn giữ lại bởi một cảm giác nguy hiểm, về một sự thu hút xấu xa mà anh sử dụng với mọi người, một cảm giác khó chịu về sự gần gụi giữa thân xác chúng tôi.

Chúng tôi giống nhau một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khuôn mặt.

Người Tàu ở Chợ Lớn nói với tôi, chàng muốn rơi nước mất. Chàng nói, Anh có làm gì họ đâu? Tôi nói chàng đừng bận tâm, chuyện đó luôn luôn là như thế, ngay cả giữa chúng tôi, bất kỳ trong hoàn cảnh nào.

Tôi giải thích khi chúng tôi lại ở riêng với nhau trong phòng. Tôi bảo chàng sự bạo tàn đầy nhục mạ, lạnh lẽo của người anh cả là ở chỗ đó, bất kể chuyện gì xảy đến cho chúng tôi, bất kể những gì tiến đến chúng tôi. Sự bộc phát đầu tiên của anh luôn luôn là giết chóc, là xóa bỏ, là nắm giữ sự thống trị đời sống, khinh miệt, săn đuổi, tạo ra những nỗi khổ đau. Tôi nói chàng đừng sợ. Anh ta không có gì để mà sợ hãi hết. Bởi vì người duy nhất mà người anh cả tôi sợ, lạ lùng thay, là người làm cho anh ta bị khích động, mà người đó lại chính là tôi.

Không bao giờ có một tiếng chào hỏi, một lời chúc mừng. Không bao giờ có một tiếng cám ơn. Không bao giờ có một lời trò chuyện. Không bao giờ có nhu cầu trò chuyện. Mọi chuyện luôn luôn im lặng, xa cách. Ðó là một gia đình của sỏi đá, bị hóa đá quá dày đặc không thể nào xuyên thủng được. Mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng để giết lẫn nhau, để giết. Không những chúng tôi không trò chuyện, mà chúng tôi còn không thèm nhìn đến nhau nữa. Khi người ta đang bị nhìn thì người ta không thể nhìn được. Nhìn là cảm thấy tò mò, là quan tâm, là làm hạ thấp chính mình. Không ai đáng để cho người ta nhìn ngó tới cả. Nhìn luôn luôn là hạ mình. Chữ chuyện trò bị xua đuổi. Tôi nghĩ rằng đó chính là điều tốt nhất để truyền đạt sự xấu hổ và niềm kiêu hãnh. Mọi thứ cộng đồng, dù là gia đình hay hình thức nào khác, đều đáng ghét đối với chúng tôi, đều làm cho hèn hạ đi. Chúng tôi kết hợp với nhau trên nỗi nhục nhã nền tảng là phải sống. Chính nơi đây là tâm điểm của số phận chung của chúng tôi, cái sự kiện cả ba chúng tôi đều là con của mẹ tôi, những đứa con của một sinh vật thật thà bị xã hội giết hại. Chúng tôi ở về phía của cái xã hội đã làm cho mẹ tôi chìm đắm vào tuyệt vọng. Chính vì những gì người ta đã gây ra cho mẹ chúng tôi, một người khả ái như thế, đáng tin cậy như thế, mà chúng tôi thù ghét đời sống, chúng tôi thù ghét chính mình.

Mẹ chúng tôi đã không nhìn thấy trước là chúng tôi sẽ trờ thành như thế nào khi phải chứng kiến sự tuyệt vọng của bà. Tôi muốn nói đặc biệt là những đứa con trai của bà. Nhưng ngay cả nếu bà có nhìn thấy trước đi nữa, thì làm sao bà có thể giữ im lặng về điều đã trở thành chính cái số mệnh thiết yếu của bà? Làm sao bà có thể biến tất cả thành sự giả dối – khuôn mặt bà, đôi mắt bà, giọng nói bà? Tình yêu của bà? Hẳn bà có thể chết đi được. Tự tử. Phá bỏ cái cộng đồng không thể chịu đựng nổi của chúng tôi. Nếu bà nhìn đến điều đó để thấy rằng đứa con cả đã hoàn toàn tách rời với hai đứa con kia. Nhưng bà đã không nhìn thấy. Bà đã bất cẩn, u mê, vô trách nhiệm. Tất cả những điều đó. Bà đã tiếp tục sống.

Và tất cả ba đứa chúng tôi đã yêu thương bà vượt trên tình thương yêu. Chỉ vì bà đã không thể, bởi vì bà đã không có khả năng giữ im lặng, giấu giếm, dối gạt, còn chúng tôi, cả ba chúng tôi dù thật khác biệt với nhau, cả ba đều đã yêu thương bà trong cùng một cách giống như nhau.

Chuyện đó đã tiếp tục trong suốt một thời gian dài. Bảy năm. Khi nó bắt đầu chúng tôi mới mười tuổi. Và chúng tôi lên mười hai tuổi. Rồi mười ba. Mười bốn, mười lăm. Rồi mười sáu, mười bảy tuổi.

Chuyện đó kéo dài suốt những tuổi đó, bảy năm. Và cuối cù ng thì lòng hy vọng bị từ bỏ. Bị bỏ rơi. Giống như những cuộc chiến đấu chống lại biển cả. Từ trong bóng râm của hiên nhà, chúng tôi nhìn về dãy núi Xiêm, sẫm màu trong ánh sáng ban ngày mênh mông, gần như đen kịt. Sau cùng thì mẹ tôi im lặng, câm nín. Chúng tôi, những đứa con của bà, thì quả cảm, tuyệt vọng.

Người anh kế của tôi chết vào tháng mười hai năm 1942, trong thời kỳ chiếm đóng của người Nhật. Tôi đã rời Sài gòn sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1931. Anh chỉ viết thư cho tôi có một lần trong suốt mười năm. Tôi không bao giờ hiểu tại sao. Bức thư của anh có tính ước lệ, được sao chép lại rất đẹp với nét chữ cẩn thận không một lỗi nào. Anh cho tôi biết mọi người đều khỏe mạnh, trường học vẫn thành công. Ðó là một bức thư dài, trọn cả hai trang giấy. Tôi nhận ra chữ viết của anh, giống hệt nét chữ khi anh còn nhỏ. Anh cũng nói rằng anh đã có một căn phòng, một chiếc xe, anh nói cả hiệu xe nữa. Anh đã chơi quần vợt trở lại. Anh rất khỏe mạnh, mọi chuyện đều tốt đẹp. Anh gửi đến tôi tình thương thắm thiết nhất của anh. Anh không đề cập gì đến chiến tranh, hoặc đến người anh cả của chúng tôi.

Tôi thường gộp chung hai người anh của tôi với nhau như mẹ tôi vẫn thường làm. Tôi nói, Mấy ông anh tôi, và mẹ tôi cũng vậy, như bà thường hay nói với người ngoài, Mấy đứa con trai tôi. Bà luôn luôn nói về sức mạnh của mấy đứa con trai mình với một giọng điệu lăng nhục. Ðối với thế giới bên ngoài, bà không phân biệt chúng với nhau, bà đã không nói rằng đứa con trai cả thì khỏe mạnh hơn đứa con trai kế rất nhiều, bà chỉ nói ảnh khỏe mạnh như mấy người anh em trai của bà, những người nông dân ở miền Bắc nước Pháp. Bà hãnh diện về sức mạnh của mấy đứa con trai cùng một cách như bà hãnh diện về mấy người anh em trai của bà. Giống như người con cả của bà, bà khinh thường những người yếu đuối. Nói về người tình của tôi ở Chợ Lớn, bà nói cù ng một cách như người anh cả tôi. Tôi sẽ không viết ra đây những lời nói đó. Chúng là những lời lẽ dính líu đến những xác chết thối rữa mà bạn bắt gặp trong sa mạc. Tôi nói, Các anh tôi, bởi vì đó cũng là điều tôi thường nói. Chỉ sau này tôi mới đề cập đến họ một cách khác biệt nhau, sau khi người anh kế tôi lớn lên và bị tuẫn tử.

Không những chúng tôi không bao giờ có bất cứ một buổi lễ hội nào trong gia đình, không có cả một cây Giáng Sinh, mà ngay cả đến một chiếc khăn tay thêu hoặc một bó hoa cũng không nốt. Thậm chí chúng tôi còn không hề lưu ý đến bất cứ một cái chết nào, bất cứ một đám tang nào, bất cứ một kỷ niệm nào. Chỉ có một mình bà. Người anh cả của tôi sẽ luôn luôn là một kẻ sát nhân. Người anh kế của tôi sẽ luôn luôn chết vì hắn. Về phần tôi, tôi rời đi, tách xé chính mình ra khỏi. Người anh cả tôi đã chiếm hữu bà cho riêng anh ta, mãi cho đến khi bà chết.

Vào lúc ấy thời gian ở Chợ Lớn, thời gian của hình ảnh đó, của người tình, mẹ tôi nổi cơn điên. Bà không hề biết về những gì xảy ra ở Chợ Lớn. Nhưng tôi có thể thấy là bà đang nhìn ngó tôi, bà nghi ngờ một điều gì đó. Bà biết con gái bà, đứa con của bà, và lảng vảng chung quanh đứa con đó, một đôi lúc, có một bầu khí là lạ, một điều gì dè dặt, chỉ mới gần đây thôi, làm bà phải lưu ý. Ðứa con gái lại còn nói năng chậm rãi hơn thường lệ, cô có vẻ lơ đãng, cô là người luôn luôn quan tâm đến mọi chuyện, sự biểu lộ của cô thay đổi, cô trở nên một kẻ bàng quang ngay cả với mẹ, với sự bất hạnh của mẹ, như thể cô đang chứng kiến cái hậu quả của nó. Ðó là một sự kinh sợ bất chợt trong đời sống của mẹ tôi. Con gái bà đang ở trong một nỗi hiểm nguy khốc liệt nhất, sự nguy hiểm về việc không bao giờ lập gia đình, không bao giờ có một chỗ đứng trong xã hội, sự hiểm nguy của sự bất lực không thể chống lại điều đó, bị lạc lõng, cô đơn. Mẹ tôi bắt đầu mở những cuộc tấn công nhắm vào tôi, bà khóa cửa nhốt tôi trong phòng, đấm đá tôi, cởi quần áo tôi ra, dí sát vào tôi và ngửi mùi thân thể tôi, ngửi quần lót tôi, nói là bà có thể ngửi thấy mùi của gã người Tàu, thậm chí còn đi xa hơn nữa, bà tìm kiếm những dấu vết đáng ngờ trên quần lót của tôi, và la hét, để cho cả tỉnh nghe thấy, rằng con gái bà là một con đĩ, bà sẽ ném nó ra khỏi cửa, bà ước ao cho nó chết khuất đi, sẽ không còn một ai muốn dính líu đến nó nữa, bà bị làm nhục, còn tồi tệ hơn một con chó cái. Rồi bà khóc lóc vừa hỏi rằng bà có thể làm được gì nữa bây giờ, trừ việc đuổi đứa con gái ra khỏi nhà để nó không thể làm nhơ bẩn thêm chỗ này nữa.

Bên vách ngoài của căn phòng bị khóa cửa, là anh tôi.

Anh trả lời mẹ tôi, nói là bà đánh đập con gái là đúng, giọng anh trầm xuống, tâm tình, vuốt ve, anh nói là họ phải tìm cho ra sự thật, với bất cớ giá nào, phải tìm cho ra sự thật để cứu vớt đứa con gái, để cứu mẹ ra khỏi tình trạng sẽ đẩy bà đến tuyệt vọng. Bà mẹ đánh đập con gái một cách tận lực. Người anh kế tôi thì kêu gào, bảo mẹ để cho nó yên. Anh đi ra ngoài vườn, trốn tránh, anh sợ tôi sẽ bị giết chết, anh sợ hãi, anh luôn luôn sợ hãi gã xa lạ đó, người anh cả của chúng tôi. Sự sợ hãi của người anh kế làm cho mẹ tôi dịu xuống. Bà than khóc cho cái tai họa của đời bà, cho đứa con gái đã bị ô nhục của bà. Tôi cũng khóc với bà. Tôi nói dối. Tôi thề sống thề chết là không có gì xảy ra cho tôi hết, không có gì hết, ngay cả một cái hôn cũng không. Làm sao con có thể, tôi nói, với một gã Tàu, làm sao con có thể làm việc đó với một gã Tàu, xấu xí như thế, một gã đàn ông ốm yếu như thế? Tôi biết người anh cả đang áp sát người vào cửa, lắng nghe, anh biết mẹ tôi đang làm gì, anh biết đứa con gái đang trần truồng, đang bị đánh đập, và anh thích sự việc tiếp tục như vậy và thích nó dẫn đến bờ vực khốc hại. Không phải mẹ tôi không biết đến cái ý hướng u ám và khủng khiếp đó của người anh cả.

Chúng tôi vẫn còn rất nhỏ dại. Những trận chiến bùng nổ thường xuyên giữa hai người anh tôi, không vì lý do rõ rệt nào trừ cái lý do cũ rích mà người anh cả thường nói với người anh kế, Cút đi chỗ khác, mày chộn rộn quá. Rồi ngay lập tức, anh đập liền. Họ đánh nhau mà không hề nói một lời, bạn chỉ có thể nghe thấy tiếng thở của họ, tiếng rên rỉ, tiếng nện đập thình thịch mà thôi. Mẹ tôi góp phần vào trận đánh nhau này, cũng như với mọi lần khác, với một màn opera gào thét.

Họ đều có cùng một năng khiếu về sự giận dữ, những cơn giận dữ đen tối, đầy sát khí đó mà bạn chỉ có thể nhìn thấy ở những người anh em trai, chị em gái, những bà mẹ. Người anh cả tôi không thể chịu được nếu anh không được tự do làm những điều xấu xa, được làm người chủ động trên điều đó, không chỉ ở nơi đây mà ở khắp mọi nơi. Người anh kế tôi thì không thể chịu được nếu phải nhìn sự kinh hoàng này một cách bất lực, nhìn đến loại người giống như người anh cả.

Khi họ ấu đả nhau, chúng tôi đều lo sợ về cuộc đời của họ như nhau. Mẹ tôi thường nói họ luôn luôn đánh nhau, không bao giờ chơi chung, không bao giờ trò chuyện với nhau. Họ không có chút gì chung với nhau cả, trừ bà, người mẹ của họ, và nhất là em gái họ. Không gì cả trừ máu mủ.

Tôi tin rằng mẹ tôi chỉ gọi đứa con lớn nhất của bà là “con của mẹ” mà thôi. Thỉnh thoảng bà gọi anh như thế. Những đứa con kia bà chỉ gọi là “mấy đứa nhỏ.”

Chúng tôi không nói gì về tất cả những chuyện này khi ở ngoài đường, một trong những điều đầu tiên mà chúng tôi học hỏi được là giữ im lặng về cái yếu tố thống trị của đời sống chúng tôi, đó là sự nghèo khổ. Và kế đó là về mọi chuyện khác. Những người bạn tâm tình đầu tiên của chúng tôi, dù chữ dùng này có vẻ thái quá, là những người yêu của chúng tôi, những người mà chúng tôi gặp gỡ nơi những căn nhà khác nhau bên ngoài, đầu tiên là trên đường phố Sài gòn, rồi kế đó là trên những chuyến tàu vượt đại dương và xe lửa, và rồi ở khắp mọi nơi chốn.

Về lúc chiều tối, nhất là vào mùa khô, mẹ tôi thường nổi hứng bất chợt, và bà bắt bọn tôi phải lau rửa nhà cửa từ trên xuống dưới, để dọn sạch, tẩy uế, làm cho thoáng mát, bà nói. Căn nhà được xây trên một mảnh đất đắp cao, tránh xa những khu vườn, rắn rết, bọ cạp, kiến lửa, những dòng nước lũ từ sông Cửu Long, những dòng lũ thường đến sau những trận cuồng phong vào mùa mưa. Vì ngôi nhà được đắp cao như thế, nên nó có thể được chùi rửa bằng cách dội những thùng nước lớn lên nó, xối ào nước ngay vào nó như một khu vườn. Tất cả ghế trong nhà được chất lên trên bàn, nước chảy ròng ròng khắp cả nhà, nước vỗ nhẹ quanh chiếc đàn dương cầm trong căn phòng khách nhỏ. Nước chảy tràn xuống những bậc thềm, chảy lan qua khoảnh sân dẫn về phía khu nhà bếp. Mấy người giúp việc nhỏ tuổi lấy làm thích thú, chúng tôi nhập bọn với họ, tạt nước vào nhau, rồi sau đó chùi rửa sàn nhà bằng xà bông Marseille. Ai cũng đi chân trần, kể cả mẹ chúng tôi. Bà cười. Bà không có gì để phản đối cả. Cả ngôi nhà thơm nức, với mùi dễ chịu của nền đất ẩm sau cơn giông, đủ để làm cho người ta vui sướng điên dại, nhất là khi nó được pha lẫn với những mùi khác, mùi xà bông Marscille, mùi của sự thanh khiết, mùi của điều đáng kính trọng, mùi của quần áo sạch sẽ, mùi của sự trinh trắng, mùi của mẹ tôi, mùi của lòng chân thật và ngây thơ mênh mông của mẹ tôi. Gia đình của những người giúp việc và khách khứa của họ cũng đến nơi, cùng những đứa trẻ da trắng từ những căn nhà hàng xóm. Mẹ tôi rất vui sướng với sự lộn xộn này, thỉnh thoảng bà cũng có thể vui sướng tột cùng, đủ lâu để nguôi ngoại, thời gian để chùi rửa ngôi nhà có thể đủ để làm cho bà vui sướng. Bà đi vào phòng khách, ngồi vào đàn dương cầm, bà chơi những điệu nhạc duy nhất mà bà nhớ thuộc lòng, những điệu nhạc bà học được ở trường Sư Phạm. Bà hát. Thỉnh thoảng bà cười khi chơi đàn. Bà đứng dậy, khiêu vũ, và hát. Và mọi người đều nghĩ, và bà cũng nghĩ như vậy, rằng người ta có thể hạnh phúc ở đây, trong căn nhà đột ngột biến dạng thành một ao hồ, một cánh đồng ngập nước, một chỗ nước cạn, một bãi biển.

Hai đứa bé nhỏ dại hơn, đứa con gái và thằng anh kế, là những người đầu tiên nhớ lại. Chúng chợt ngưng cười và đi vào trong khu vườn đang tối dần.

Tôi nhớ lại, ngay lúc đang viết những chuyện này, là người anh cả chúng tôi không ở Vĩnh Long khi chúng tôi xối nước chùi rửa ngôi nhà. Anh đang sống với người bảo trợ chúng tôi, một vị cha xứ, ở khu Lot-et-Garonne. Thỉnh thoảng anh cũng có cười, nhưng không bao giờ nhiều như chúng tôi. Tôi quên mọi thứ, và tôi đã quên nói điều này, là chúng tôi là những đứa trẻ hay cười, anh kế tôi và tôi, chúng tôi bật cười thành cơn, cười đến có thể chết được.

Tôi nhìn chiến tranh như tôi nhìn tuổi thơ của mình. Tôi thấy thời chiến và sự thống trị của người anh cả tôi là một. Một phần, không nghi ngờ gì cả, bởi vì chính là trong thời chiến tranh mà người anh kế tôi đã chết: trái tim của anh, như người ta kể lại, đã từ bỏ, đã đầu hàng. Về phần người anh cả, tôi không nghĩ là tôi có gặp lại anh một lần nào trong thời chiến tranh cả. Vào lúc ấy, việc anh ta còn sống hay đã chết chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi nhìn chiến tranh như tôi nhìn thấy anh, lan tràn khắp nơi, xâm nhập mọi chỗ, trộm cắp, giam cầm, luôn luôn ở đó, pha trộn lẫn lộn với mọi thứ, hiện diện trong thân xác, trong tinh thần, khi thức dậy và thiếp ngủ, mọi lúc, miếng mồi nhử đối với mối đam mê đầy say đắm muốn chiếm giữ vùng đất đầy vui thú đó, cái cơ thể của một đứa trẻ, những cơ thể của những người ít mạnh mẽ hơn, của những người bị chinh phục. Bởi vì điều xấu ác ở đó, ngay ở những cánh cổng, áp sát vào da thịt.

Bình luận