Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Tình

Chương 4

Tác giả: Marguerite Duras

Người đã mua chiếc mũ hồng vành phẳng có thắt dải ruy băng màu đen ấy là bà, người đàn bà trong một vài bức ảnh, mẹ tôi. Tôi nhận ra bà ở đây rõ hơn là ở những bức ảnh chụp sau này. Đó là trong sân của một ngôi nhà trông ra Hồ Nhỏ (Hồ Hoàn Kiếm) ở Hà Nội. Chúng tôi chụp cùng nhau, bà và chúng tôi, lũ con của bà. Tôi bốn tuổi. Mẹ tôi đứng giữa ảnh. Tôi nhận thấy rõ mẹ tôi không thoải mái, bà không cười, bà đang chờ bức ảnh chụp cho xong. Qua nét mặt căng thẳng của bà, qua trang phục hơi xộc xệch của bà, qua ánh mắt đờ đẫn của bà, tôi biết là trời nóng, và bà mệt mỏi, buồn chán. Nhưng chính là qua cách ăn mặc của chúng tôi, lũ con bà, ăn mặc như những kẻ khốn khổ, tôi mới thấy lại được một trạng thái nhất định mà đôi khi mẹ tôi rơi vào, cái trạng thái mà ở lứa tuổi của chúng tôi khi chụp bức ảnh này, chúng tôi đã nhận biết những dấu hiệu báo trước, cái cách thức ấy, đúng vậy, cái cách thức mà đột nhiên bà có, như việc không thể tắm rửa cho chúng tôi được nữa, không thể mặc quần áo cho chúng tôi được nữa, và đôi khi thậm chí còn không thể cho chúng tôi ăn uống được nữa. Cái sự chán sống ghê gớm ấy, ngày nào mẹ tôi cũng nếm trải. Đôi khi nó kép dài, đôi khi nó biến mất lúc đêm đến.

Số tôi có được một bà mẹ tuyệt vọng bởi một nỗi tuyệt vọng thuần túy đến mức ngày cả niềm hạnh phúc của cuộc đời, dù sâu sắc đến đâu đi nữa, đôi khi cũng không thể làm cho bà nguôi quên hẳn được. Điều mà tôi không bao giờ biết rõ là những sự kiện cụ thể nào đã làm cho bà rời xa chúng tôi hàng ngày như vậy. Lần ấy, có thể đó là cái trò dại dột mà bà vừa làm, ngôi nhà mà bà vừa mới mua- ngôi nhà trong bức ảnh- ngôi nhà mà chúng tôi chẳng hề cần đến và chuyện đó xảy ra khi cha tôi đã ốm rất nặng, đã sắp chết, chỉ còn vài tháng nữa thôi. Hay có thể là bà vừa mới được biết rằng đến lượt bà cũng đã mắc phải căn bệnh mà vì nó cha tôi sắp chết? Những thời điểm đó trùng hợp nhau. Điều mà tôi không biết, giống như bà hẳn là cũng không biết, đó là bản chất của những điều hiển nhiên vụt lóe lên trong đầu bà và làm xuất hiện ở bà cái sự chán nản ấy. Phải chăng đó là cái chết đã luẩn quẩn cạnh cha tôi, hay là việc ánh ngày đang tắt lịm? Là mối hoài nghi về cuộc hôn nhân này? Về người chống này? Về những đứa con này? Hay một mối hoài nghi rộng hơn về tất cả những thứ mà bà có?

Điều đó diễn ra hàng này. Tôi chắc chắn là như vậy. Điều đó hẳn là ập đến bất thình lình. Vào một khoảnh khắc nhất định của mỗi ngày, nỗi tuyệt vọng ấy xuất đầu lộ diện. Tồi theo đó là việc không sao bước tiếp được nữa, hoặc là một cơn buồn ngủ, hay đôi khi chẳng có chuyện gì hết, hay đôi khi, ngược lại, là việc mua nhà, chuyển nhà, hoặc đôi khi lại có cái tâm trạng ấy, chỉ cái tâm trạng ấy thôi, cái sự rã rời ấy, hoặc đôi khi lại cư xử như một bà hoàng, với tất cả những thứ người ta hỏi xin bà, tất cả những thứ người ta mời chào bà, như ngôi nhà trông ra Hồ Nhỏ ấy, mua chẳng có lý do gì hết, trong khi cha tôi đang hấp hối, hay như chiếc mũ vành phẳng ấy, mua vì con bé con quá muốn, hay như đôi giày dát kim tuyến kia hoặc tương tự vậy. Hoặc là chẳng có gì cả, hoặc là ngủ, chết.

Tôi chưa bao giờ xem các bộ phim có phụ nữ da đỏ đội kiểu mũ vành phẳng giống vậy với những bím tóc buông trước ngực. Ngày hôm ấy tôi cũng tết tóc, tôi không quấn những bím tóc lên như thường lệ, nhưng đó cũng không phải là những bím tóc giống như trong phim. Tôi có hai bím tóc dài buông trước ngực như những người phụ nữ trong phim mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy ấy, nhưng đó là những bím tóc trẻ con. Từ khi có chiếc mũ, để có thể đội mũ tôi không quấn tóc lên nữa. Từ ít lâu sau đó, tôi thường vuốt mạnh tóc tôi xuống, tôi chải lật tóc ra phía sau, tôi muốn ép tóc lại, để mọi người ít nhìn thấy hơn. Tối tối tôi chải đầu và tết tóc lại trước khi đi ngủ như mẹ tôi đã dạy tôi. Mái tóc tôi trĩu nặng, mềm mại, nhức nhối, một khối màu đồng chảy trên người tôi đến ngang thắt lưng. Mọi người thường nói rằng đó là nét đẹp nhất của tôi và với tôi, điều ấy có nghĩa là tôi không đẹp. Mái tóc đặc biệt ấy tôi sẽ cho cắt đi vào năm hai mươi ba tuổi, ở Paris, năm năm sau khi rời xa mẹ tôi. Tôi nói: anh cắt đi. Anh ta cắt. Tất cả chỉ trong một nhát, để cắt sơ qua, mũi kéo lạnh lướt trên da cổ. Tóc rơi xuống đất. Người ta hỏi tôi có muốn giữ chỗ tóc ấy không, để họ gói lại cho. Tôi bảo không. Về sau mọi người không còn nói là tôi có mái tóc đẹp nữa, ý tôi muốn nói rằng người ta không bao giờ còn nói điều đó nhiều lần đến mức như trước kia họ thường nói với tôi, trước lúc cắt tóc. Về sau, người ta thường hay nói thế này hơn: cô có đôi mắt đẹp. Và nụ cười cũng vậy, trông được lắm.

Bình luận