Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)

Chương 3: Tấm bùa 3

Tác giả: Honoré de Balzac

Đôi bạn vừa ngồi xuống vừa cười. Thoạt tiên và bằng con mắt nhìn nhanh hơn lời nói, mỗi khách ăn đều phải khâm phục toàn cảnh lộng lẫy của một chiếc bàn dài, trắng như làn tuyết vừa rơi, và trên đó nhô lên cân xứng những bộ đồ ăn đặt giữa những chiếc bánh nhỏ hung vàng vòng quanh. Những đồ pha lê tỏa ánh như sao màu sắc cầu vồng, nến thắp vạch những đường lửa đan chéo nhau đến vô tận, những món ăn bày dưới những vung bạc gợi sự thèm thuồng và tò mò. Lời nói khá thưa thớt. Khách ngồi bên nhau nhìn nhau. Rượu Madère rót ra. Rồi món ăn thứ nhất bưng tới chói ngời; có lẽ nó được Cambacérès[1] quá cố thưởng thức và Brillat Savarin[2] ca tụng. Những rượu Bordeaux và Bourgogne, trắng và đỏ, được mời uống hậu hĩ một cách đế vương. Cái phần đầu của bữa tiệc này, về mọi vẻ, có thể so sánh với cảnh mào đầu của một bi kịch cổ điển. Hồi thứ hai trở nên hơi lắm lời. Mỗi khách uống đã kha khá, tùy ý thay loại rượu, đến nỗi khi người ta dọn món ăn huy hoàng đó đi thì nổ ra những cuộc bàn cãi như vũ bão; vài cái trán tái nhợt đã hồng hào, nhiều chiếc mũi bắt đầu đỏ lên, những bộ mặt rực sáng, những con mắt long lanh. Vào lúc cơn say mới bắt đầu ấy, lời lẽ chưa vượt ra ngoài giới hạn của lịch sử; nhưng những lời giễu cợt, những tiếng hóm hỉnh dần dần đã buột ra khắp miệng; rồi vu cáo êm nhẹ ngóc lên cái đầu rắn nhỏ bé và nói giọng dịu dàng như tiếng sáo; chỗ này chỗ khác vài kẻ thâm hiểm chăm chú lắng nghe, cố giữ mình cho tỉnh. Như vậy món ăn thứ hai bưng vào khi mọi đầu óc đã nóng bừng cả. Ai nấy vừa ăn vừa nói, vừa nói vừa ăn, uống mà không để ý đến nhiều loại rượu vì chúng đều trong và thơm, vì người ta dễ bắt chước nhau.

Taillefer trổ tài làm vui khách và sai đưa ra những rượu ghê gớm của sông Rhône, rượu Tokay cháy lưỡi, rượu Roussillon cũ bốc đầu. Lồng lên như những con ngựa chạy xe thư vừa rời trạm, những người đó bị rượu sâm banh, mà họ nóng lòng đón chờ, nhưng rồi được mời uống hể hả, với vị cay nồng của nó như những ngọn roi quất vào họ, họ phóng trí tuệ của họ vào cái trống rỗng của những lý luận chẳng ai nghe, họ kể lể những câu chuyện không có thính giả, hàng trăm lần đặt những câu hỏi không có người trả lời. Chỉ có cuộc hành lạc cất cao tiếng nói của nó, tiếng nói bao gồm hàng trăm tiếng kêu gào hỗn độn cứ lớn dần lên như những điệu nhạc cao dần của Rossini. Rồi đến những cuộc chúc rượu phỉnh phờ, những chuyện làm phách, những trò thách thức. Mọi người đều từ bỏ việc ca tụng năng lực trí tuệ của mình để giành đòi năng lực của những thùng rượu to, thùng rượu nhỏ.

Dường như mỗi người có hai tiếng nói. Đến một lúc mà tất cả các ông chủ đều cùng nói một lúc, và những kẻ hầu hạ thì mỉm cười. Nhưng cuộc loạn đả ngôn từ đó với những nghịch luận sáng sủa một cách đáng ngờ, những chân lý được trang phục một cách kệch cỡm va chạm nhau qua những tiếng la hét, những phê phán trung gian, nhưng phán quyết chung thấm và những chuyện bá láp, như giữa một cuộc chiến đấu những đạn đại bác, đạn súng trường và đạn liên thanh giao nhau, cuộc loạn đả ấy chắc chắn cũng làm cho nhà triết gia nào đó quan tâm vì tính lạ thường của những tư tưởng, hoặc làm cho một nhà chính trị ngác nhiên vì tính kỳ khôi của những hệ thống. Đó vừa là một cuốn sách mà vừa là một bức tranh. Những triết lý, những tôn giáo, những đạo đức, rất khác nhau từ địa phương này sang địa phương khác, những chính thể, nói tóm lại tất cả những hành vi lớn về trí tuệ con người đều rơi dưới một lưỡi hái dài như thể lưỡi hái của Thời gian; có lẽ anh cũng khó lòng mà nói chắc rằng lưỡi hái đó là do cái khôn ngoan say sưa, hay cái say sưa trở nên khôn ngoan và sáng suốt vận dụng. Bị một thứ bão táp lôi cuốn, những khối óc, tựa sóng biển nổi giận với bờ cao, dường như muốn rung chuyển mọi pháp luật giữa đó trôi nổi những nền văn minh, như vậy làm thỏa mãn mà không biết ý chí của Thượng đế, người đặt vào thiên nhiên cái thiện và cái ác mà giữ cho riêng mình bí ẩn của cuộc đấu tranh vĩnh cửu giữa hai bên. Giận dữ và khôi hài, cuộc tranh luận có phần giống như một cuộc họp ma quái của những trí óc. Giữ những lời pha trò buồn tẻ mà những đứa con của cách mạng ấy nói nhân dịp khai sinh cho một tờ báo, và những lời lẽ mà những tay rượu vui nhộn nói nhân lúc sinh ra Gargantua, cả cái vực thẳm ngăn cách thế kỷ mười chín với thế kỷ mười sáu. Thế kỷ này vui cười chuẩn bị cho một cuộc phá phách, còn thế kỷ chúng ta thì vui cười giữa đống hoang tàn.

– Tên chàng thanh niên ngồi đằng kia là gì? – Viên quản lý văn khế chỉ Raphaël hỏi. – Tôi nghe hình như người ta gọi anh ta là Valentin.

– Ông là cái thứ gì mà gọi tên Valentin cộc lốc như vậy? – Emile vừa cười vừa thốt lên. – Xin lỗi ông, Raphaël de Valentin! Chúng tôi mang huy chương chim ưng vàng trên nền đen trong vòng bạc, mỏ và móng đón[3], với câu châm ngôn đẹp: NON CECIDIT ANIMUS[4]!

Chúng tôi chẳng phải là một đứa con bắt được, mà là con cháu Hoàng đế Valens[5], gốc họ Valentinois, người sáng lập ra những thị trấn Valence ở Tây Ban Nha và ở Pháp, người kế thừa chính thống của đế quốc Đông phương. Nếu chúng tôi cho Mahmoud[6] lên ngôi ở Constantinople thì chẳng qua vì thiện ý đơn thuần, và vì thiếu tiền thiếu quân.

Emile lấy chiếc đĩa của mình vạch lên không một vòng vương miện trên đầu Raphaël. Viên quản lý văn khế trầm ngâm một lúc rồi lại tiếp tục uống, tay khoát một cử chỉ chính xác, dường như để thú nhận rằng hắn không thể gắn với khách hàng của hắn những tên thị trấn Valance, Constantinople, Mahmoud, hoàng đế Valens và dòng họ Valentinois.

– Sự tàn phá những ổ người gọi là Babylone, Tyr, Carthage, hay Venise, luôn luôn bị bàn chân của một nhân vật khổng lồ đi qua giày xéo, phải chăng là một lời cảnh cáo con người của một uy quyền nhạo báng? – Nhà báo Claude Vignon nói, anh ta là một thứ nô lệ được trả tiền để làm theo kiểu Bossuet[7] mười xu một dòng.

– Moïse, Sylla, Louis XI, Richelieu, Robespierre và Napoléon có lẽ chỉ là một người xuất hiện nhiều lần qua các nền văn minh như một ngôi sao chổi trên trời! – Một tay theo phái Ballanche[8] đáp.

– Tại sao lại thăm dò ý Trời? – Canalis, một tay chế tạo thơ ballade[9] nói.

– Thôi ôi, lại ông Trời, – tay đa sự kêu lên để ngắt lời – Tôi chẳng thấy cái gì chun giãn hơn ở trên đời này.

– Nhưng, thưa ngài, vua Louis XIV khi bắt đào những máng nước Maintenon đã làm chết nhiều người hơn là nền Quốc ước[10] khi định thuế ngạch một cách công bằng, khi thống nhất pháp luật, quốc gia hóa nước Pháp và phân chia đều những gia tài, – Massol nói, anh tự là một thanh niên, trở nên đảng viên cộng hòa chỉ vì thiếu một âm tiết trước tên[11].

– Thưa ngài, – Moreau de l’Oise, một nghiệp chủ hiền lành đáp, – ngài vốn coi máu như rượu, lần này đây liệu ngài có để cho ai nấy được yên cái đầu trên vai không?

– Để làm gì, thưa ngài? Những nguyên tắc trật tự xã hội chẳng đáng một số hy sinh vậy sao?

– Này, Bixiou. Tay cộng hòa cho rằng đầu của vị nghiệp chủ này là một vật hy sinh, – một chàng trai nói với người ngồi bên cạnh.

– Người và việc không là gì cả, – tay đảng viên cộng hòa tiếp tục trình bày lý thuyết của hắn qua những tiếng nấc, – trong chính trị và triết học chỉ có những nguyên lý và ý niệm.

– Thật là kinh khủng? Ngài không chút buồn phiền khi giết bạn ngài vì một…

– Chà! Thưa ngài, kẻ nào hối hận chính là kẻ bất lương thật sự, vì hắn có ý niệm nào đó về đức hạnh, còn như Pierre đại đế, quận công Albe[12] là những hệ thống, và tên cướp biển Monbard[13] là một tổ chức.

– Nhưng xã hội chẳng thể tước bỏ những hệ thống và tổ chức của ngài đi được sao? – Canalis nói.

– Ồ! Đồng ý – tay cộng hòa kêu lên.

– Này! Cái nền cộng hòa ngu xuẩn của ngài làm cho tôi lợm giọng! Chúng tôi chẳng thể yên lòng chặt một con gà thiến mà không thấy ở đó đạo luật ruộng đất.

– Những nguyên lý của cậu hay lắm, cậu tiểu Brutus[14] độn nấm[15] của tôi ạ! Nhưng cậu giống như gã hầu buồng của tôi, thằng cha bị cái chứng ưa sạch ám ảnh gay gắt đến nỗi nếu tôi để cho hắn chải quần áo theo sở thích của hắn thì tôi đến phải ở trần đi.

– Các ông là đồ súc sinh! Các ông chỉ muốn cọ rửa một quốc gia bằng những chiếc tăm – tay cộng hòa đáp – Theo các ông thì pháp luật sẽ tai hại hơn là bọn kẻ trộm.

– Ấy, ấy! Viên luật sư Desroches kêu lên.

– Xem ra các ông ấy phiền nhiễu với cái chính trị của các ông ấy lắm! – Cardot, viên quản lý văn khế, nói. – Xin đóng cửa lại. Chẳng có khoa học hay đạo đức nào đáng giá một giọt máu cả. Nếu chúng ta muốn thanh toán chân lý, có lẽ chúng ta sẽ thấy nó đang phá sản.

– A ha! Chắc chắn là chúng ta vui đùa trong cái dở lại đỡ hại hơn là cãi nhau trong điều hay. Vì vậy tôi đánh đổi tất cả những diễn văn đọc trên diễn đàn từ bốn mươi năm lấy một con cá hương, một truyện của Perrault[16] hay một bức phác họa của Charlet [17].

– Ông nói có lý đấy! Ông chuyển cho tôi đĩa măng tây. Là vì, rút cục lại, tự do đẻ ra vô chính phủ, vô chính phủ dẫn tới chuyên chế lại đưa đến tự do. Hàng triệu con người đã chết mà không làm cho một trong những hệ thống đó toàn thắng. Phải chăng đó là cái vòng luẩn quẩn trong đó thế giới tinh thần vần xoay mãi mãi? Khi con người tưởng mình đã cải thiện sự vật thì sự thật chỉ là họ đã di chuyển.

– Ồ, ồ! Cursy, nghệ sĩ kịch hoạt kê kêu lên, – nếu vậy, thưa các ngài, tôi xin chúc rượu vua Charles X, người cha của tự do[18]!

– Sao lại không? – Emile nói – Khi chuyên chế nằm trong pháp luật thì tự do nằm trong tục lệ và ngược lại.

– Nếu vậy chúng ta hãy uống vì sự ngu xuẩn của chính quyền đem lại cho chúng ta biết bao quyền hành đối với bọn ngu xuẩn! – Tay chủ nhà băng nói.

– Ấy này! Ông bạn, ít ra thì Napoléon cũng đã để vinh quang lại cho chúng ta – một viên sĩ quan hải quân chưa bao giờ rời khỏi quân cảng Brest kêu lên.

– A ha! Vinh quang, món thực phẩm ngán lắm. Nó quá đắt mà không để được lâu. Phải chăng nó là điều ích kỷ của những vĩ nhân, cũng như hạnh phúc là điều ích kỷ của những kẻ ngu ngốc?

– Thưa ngài, ngài quả thật là sung sướng.

– Kẻ đầu tiên có sáng kiến làm ra đường hào[19] chắc hẳn là một kẻ yếu ớt, vì xã hội chỉ có lợi cho những kẻ yếu. Đặt ở hai đầu của thế giới tinh thần, người man rợ và nhà tư tưởng đều kinh hãi Quyền Sở hữu.

– Hay chửa! – Cardot la lên. – Nếu không có những vật sở hữu thì bọn chúng tôi làm văn khế như thế nào?

– Đây là thứ đậu Hòa Lan kỳ dị một cách ngon dịu!

– Và hôm sau, người ta thấy vị linh mục chết ở trên giường…

– Ai nói chết đấy? Đừng có đùa! Tôi có một ông chú.

– Chắc hẳn ông cam chịu để ông ta chết đi.

– Đó chẳng phải là một vấn đề.

– Thưa các Ngài, hãy nghe tôi! Phương pháp giết chú. Im nào! (Hãy nghe! Hãy nghe!). Trước hết là phải có một ông chú to béo, ít ra là thất tuần, đó là hạng chú tốt nhất (xúc động). Tìm cớ nào đó cho ông ấy chén pâté gan mỡ…

– Ấy này! Ông chú tôi là một người to lớn, khô khan, hà tiện mà ăn uống tiết độ.

– Ái chà! Những mẫu chú ấy là những quái vật lạm dụng cuộc sống.

– Và, – tay nhiều chú nói tiếp – khi nào ông ấy đang tiêu cơm thì báo tin chủ băng của ông vỡ nợ.

– Nếu ông ấy cưỡng lại?

– Thả cho ông ấy một cô gái đẹp!

– Nếu ông ấy lại… – hắn vừa nói vừa xua tan.

– Thế thì đó chẳng phải là một ông chú, ông chú là nhất thiết phải vui nhộn.

– Giọng hát của đào Malibran[20] đã sút đi hai nốt rồi.

– Không, thưa ngài.

– Có, thưa ngài.

– Ồ, ồ! Có và không, phải chăng đó là lịch sử của một luận văn về tôn giáo, chính trị và văn học? Con người là một anh hề nhảy múa trên bờ những vực thẳm!

– Cứ nghe ông nói thì tôi là một thằng ngốc.

– Trái lại, là vì ông không nghe tôi nói.

– Học vấn, chuyện bá láp! Ông Heineffettermach tính ra số lượng sách đã in lên tới một tỉ cuốn, thế mà cuộc đời một con người không cho phép đọc hết mười lăm vạn cuốn. Thế thì ông hãy giảng cho tôi nghĩa của chữ học vấn! Đối với những người này thì nó có nghĩa là biết hết tên những con ngựa của Alexandre, con chó Bérécillo, ông chúa những Hiệp ước, mà không mất tên người tìm ra phương pháp thả bè gỗ hay làm đồ sứ. Đối với những người khác thì có học vấn là biết đốt một chúc thư và sống lương thiện, được mọi người yêu mến trọng vọng, chứ không phải tái phạm ăn cắp đồng hồ với năm trường hợp nặng tội, và rồi tới chết ở pháp trường Grève, bị người ta căm giận và nhục mạ.

– Lamartine sẽ sống mãi chăng?

– À, thưa ông, Scribe thật là hóm hỉnh.

– Thế Victor Hugo?

– Đó là một vĩ nhân, chẳng nên nói tới nữa.

– Các ông say rồi!

– Hậu quả trực tiếp của một hiến pháp là sự san bằng những trí tuệ. Nghệ thuật, khoa học, dinh thự, tất cả đều bị ngốn ngấu bởi một tinh thần vị kỷ kinh khủng, nó là bệnh hủi của thời đại chúng ta hiện nay. Ba trăm tay tư sản của các ông, ngồi trên những ghế dài nhỏ[21], chỉ nghĩ đến việc trồng bạch dương. Chuyên chế làm những việc lớn một cách phi pháp, tự do chẳng buồn làm một cách hợp pháp ngay cả những việc rất nhỏ.

– Cái nền giáo dục hỗ trợ của ngài chế tạo những đồng trăm xu bằng thịt người, – một tay thuộc phái chuyên chính ngắt lời, – Những bản tính cá nhân biến mất ở nhân dân một nước bị san bằng bởi học vấn.

– Thế nhưng mục đích của xã hội phải chăng là đem lại hạnh phúc cho mỗi người? – Tay đồ tể của Saint Simon hỏi.

– Nếu anh có năm vạn quan thực lợi thì anh chẳng nghĩ gì tới nhân dân. Anh có nhiệt tình cao cả đối với nhân loại chăng; hãy sang Madagascar: anh tìm thấy ở đó một dân tộc vừa xinh, mới toanh để mà saint-simon-hóa[22]: để mà phân loại, để cho vào bầu thủy tinh, nhưng ở đây mỗi người chui vào ổ của họ một cách tự nhiên, như cái chốt cho vào lỗ của nó. Kẻ gác cổng là gác cổng, và những thằng ngốc là đồ súc sinh, chẳng cần được một hội đồng Các Cha[23] đề bạt. A ha!

– Ông là một đảng viên bảo hoàng[24].

– Sao lại không? Tôi ưa nền chuyên chế, nó tỏ ra một sự khinh mạn nào đó đối với giống người. Tôi không căm thù những ông vua. Trông họ đến vui! Ngồi trên ngai trong một gian buồng, cách mặt trời ba mươi triệu dặm, thế không là gì cả hay sao?

– Nhưng ta hãy thâu tóm cái nhìn bao quát về văn minh ấy – nhà bác học nói, ông ta tiến hành một cuộc tranh luận về thời nguyên thủy của những xã hội và về các thổ dân để giảng cho nhà điêu khắc lơ đãng – Thời khởi thủy của các dân tộc, sức mạnh có thể nói có tính vật chất, thống nhất, thô sơ; rồi với sự phát triển của những tập đoàn, các chính phủ đã tiến hành phân tách ít nhiều khôn khéo cái quyền nguyên thủy đó. Vì vậy ở thời thượng cổ, sức mạnh là ở thần quyền, giáo sĩ đem gươm và lư hương. Sau nảy ra hai chức vụ: giáo trưởng và nhà vua. Ngày nay, xã hội chúng ta, mốc cuối cùng của nền văn minh, đã chia quyền lực tùy theo số lượng những tổ hợp; và chúng ta tới lúc có những lực lượng gọi là công nghiệp, tư tưởng, tiền bạc, ngôn luận. Quyền hành, bây giờ không còn thống nhất, tiến không ngừng đến sự tan rã xã hội, nó không còn hàng rào nào khác hơn là quyền lợi. Vì vậy chúng ta chẳng dựa vào tôn giáo cũng như sức mạnh vật chất, mà vào trí tuệ. Cuốn sách có giá trị bằng lưỡi gươm không, tranh luận có giá trị bằng hành động không? Đó là vấn đề.

– Trí tuệ đã giết chết hết thảy, – tay bảo hoàng kêu lên. – Thôi đi, tự do tuyệt đối dẫn các dân tộc tới tự sát, họ chán ngán trong thắng lợi, như một người nước Anh có bạc triệu.

– Ông có điều gì mới nói với chúng tôi không? Hôm nay ông nhạo báng hết mọi quyền lực, và đến cả việc phủ nhận Thượng đế cũng chỉ là chuyện tầm thường! Ông không còn tin tưởng gì nữa. Vì vậy thế kỷ chúng ta cũng ví như một ông vua già chết vì trụy lạc! Sau hết, huân tước Byron của ông, không còn cái gì để làm thơ nữa, đã ca tụng những dục vọng tội ác[25].

– Ông có biết không, – Bianchon say bứ đáp, – chỉ hơn hay kém một liều lân tinh là tạo nên đấng thiên tài hay thằng chó má, người thông minh hay kẻ ngu ngốc, bậc đức hạnh hay tên tội nhân?

– Có thể nào người ta xử lý với đức hạnh như thế được – Cursy la lên. – Đức hạnh, đề tài của tất cả mọi vở kịch, kết cấu của tất cả các tấn kịch, căn cứ của tất cả các tòa án.

– Này! Hãy im đi, đồ súc sinh. Đức hạnh của cậu, đó là Achille không có gót chân [26]! – Bixiou nói.

– Rót rượu đây! – Cậu có muốn đánh cuộc rằng mình uống một hơi hết chai rượu sâm-banh không?

– Hóm hỉnh vậy thay! – Bixiou la lên. – Họ say như phu xe bò, – một chàng thanh niên nói, hắn ta nghiêm chỉnh đổ rượu vào áo gilet.

– Vâng, thưa ngài, chính quyền hiện nay là nghệ thuật gây dư luận công chúng.

– Dư luận ấy à? Thì đó là con đĩ hư nhất! Cứ nghe các ngài nói, những nhà đạo đức và nhà chính trị, thì luôn luôn phải ưa pháp luật của các ngài hơn là tự nhiên, dư luận hơn là lương tâm. Thôi đi, tất cả đều đúng, tất cả đều sai! Nếu xã hội mang lại cho chúng ta lông để nhồi gối thì nó thật sự đã bù lại cái ân huệ đó bằng bệnh thống phong, cũng như nó đặt ra thủ tục tố tụng để gia giảm công lý, và gây ra bệnh sổ mũi sau khi sản xuất khăn quàng cổ Cachemire.

– Đồ quỷ quái! – Emile ngắt lời tay ghét đời, – làm sao cậu có thể nói xấu văn minh trước những rượu vang, món ăn ngon như thế, và ngồi trước cái bàn ăn ngập đến cổ? Hãy cắn cái con mang chân và sừng vàng ửng kia đi: mà đừng cắn bà mẹ đẻ ra cậu.

– Có phải lỗi tại tôi không, nếu đạo Giatô đi tới chỗ bỏ hàng triệu thần thánh vào một cái bao bột, nếu nền cộng hòa luôn luôn dẫn tới một Robespierre nào đó, nếu nền quân chủ nằm giữa vụ mưu sát vua Henri IV và vụ xử án vua Louis XVI, nếu chủ nghĩa tự do trở thành La Fayette[27]?

– Cậu có ôm hôn ông ta hồi tháng Bảy không?

– Không.

– Thế thì im đi, đồ hoài nghi.

– Những kẻ hoài nghi là những con người tận tâm nhất đấy.

– Họ không có lương tâm.

– Anh nói sao? Ít ra là họ có hai lương tâm.

– Vay non ông trời! Thưa Ngài, đó là một ý kiến có tính chất thương mại thật sự. Những tôn giáo cổ đại chỉ là một sự phát triển tốt đẹp của thú vui thể chất; còn chúng ta thì đã phát triển tâm hồn và hy vọng; thế là đã có tiến bộ.

– Này! Các bạn hiền, chúng ta có thể mong đợi gì ở một thời đại no chán về chính trị? – Na than hỏi. – Số phận của tác phẩm Smarra[28] đã ra sao? Đó là sự thai nghén tuyệt diệu nhất…

– Smarra ấy à! – Tay đa sự thét lên từ đầu bàn bên này sang đầu bên kia. – Đó là những câu cú rút bâng quơ ở một chiếc mũ ra. Một cuốn sách thật sự viết cho nhà thương điên Charenton[29].

– Anh là một thằng ngốc! Anh là một thằng quái!

– Ồ, ồ!

– A ha!

– Họ sẽ đánh nhau.

– Không.

– Ngày mai, thưa ông.

– Lập tức. – Nathan đáp.

– Thôn, thôi! Hai ông đều can trường cả.

– Ông cũng thế! – Tay khiêu khích nói.

– Có điều là họ không đứng dậy nổi.

– A ha! Tôi không đứng thẳng. có lẽ! – Nathan hung hăng vừa nói vừa nhổm dậy như một chiếc diều nghiêng ngả. Hắn đưa con mắt ngây dại nhìn bàn ăn rồi như vì cố gắng đó mà kiệt sức, hắn ngã phịch xuống ghế, nghiêng đầu đi và câm lặng.

– Ông tính có tức cười không, – tay đa sự nói với người ngồi cạnh, – tôi đánh nhau vì một cuốn sách mà tôi chưa hề thấy và đọc?

– Emile, cẩn thận cái áo của cậu đấy, người bên cạnh cậu mặt tái nhợt rồi. – Bixiou nói.

– Kant[30], thưa ông. Đó lại là một quả bóng tung là để cho bọn ngớ ngẩn mua vui! Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là hai chiếc vợt đẹp mà bọn làm ảo thuật mặc áo choàng dùng để đánh chung một quả cầu. Dù là Thượng đế ở khắp mọi vật, theo Spinosa[31], hay khắp mọi vật là do nơi Thượng đế mà ra, theo ý ông Thánh Paul… đồ ngu xuẩn! Mở hay đóng một cái cửa, phải chăng cũng là một cử động như nhau cả? Quả trứng gốc ở con gà mái hay con gà mái gốc ở quả trứng? (Chuyển cho tôi món thịt vịt!). Đó là tất cả khoa học.

– Ngốc, – nhà bác học thét bảo hắn, – vấn đề anh đặt ra được giải quyết bằng một sự kiện.

– Sự kiện nào?

– Những giảng đàn của giáo sư không phải làm ra vì có triết học, mà chính là triết học làm ra vì có những giảng đàn? Anh hãy đeo kính vào, và đọc ngân sách đi.

– Đồ ăn cắp!

– Đồ ngu!

– Bịp bợm!

– Chú khờ!

– Các ngài có thấy ngoài Paris ra ở đâu có một cuộc trao đổi tư tưởng rất mực kịch liệt, rất mực mau chóng như vậy, – tay nghệ sĩ hóm hỉnh nhất là Bixiou la lên bằng một giọng trầm.

– Này, Bixiou, diễn cho chúng mình xem một hề kịch cổ điển nào đi! Một kịch nhại, chẳng hạn!

– Các ngài có muốn tôi diễn thế kỷ mười chín không?

– Nghe!

– Im lặng!

– Đeo cái giỏ vào mồm kia[32]!

– Có im đi không, chú chiệc[33]!

– Cái thằng nhãi ấy, cho nó rượu để nó im đi.

– Thôi Bixiou, làm đi.

Nghệ sĩ gài khuy chiếc áo đen đến tận cổ, đeo găng vàng, và vẽ mặt để nhại Báo Địa cầu[34]; nhưng tiếng ồn ào lấp cả tiếng nói của y, và không thể nghe lấy được một lời trong trò nhạo báng đó. Nếu y không hình dung được thế kỷ thì ít ra y cũng hình dung được tờ báo, vì chính y cũng chẳng nghe thấy mình nói gì.

Đồ tráng miệng được đem ra như phép mầu. Trên bàn bày lên một chiếc bình to lớn bằng đồng mạ vàng do xưởng Thomire[35] sản xuất. Những tượng người cao do một nghệ sĩ nổi tiếng làm theo những kiểu được công nhận ở Âu châu là đẹp lý tưởng, mang những cụm dâu dây, những quả dứa, quả chà là tươi, nho vàng, đào hung hung, cam chở bằng tàu thủy từ Sétubal [36] đến, những lựu, hoa quả của Trung Quốc, nói tóm lại tất cả những kỳ vật của sự xa hoa, những diệu kỳ của bánh kẹo[37], những món tinh xảo thơm ngon nhất, những bánh trái mê ly nhất. Màu sắc của những bức tranh thực phẩm được tôn lên bởi ánh rực rỡ của men sứ, bởi những đường chỉ vàng lóng lánh, bởi những đường mép uống của những chiếc bình. Uyển chuyển như những làn nước gợn ở đại dương, xanh và nhẹ, làn rêu viền quanh những phong cảnh của Poussin, được sao lại ở Sèvres. Ngân sách của một ông hoàng nước Đức cũng không đủ trả cái của báu ngạo mạn đó. Bạc, xà cừ, vàng thủy tinh lại được trình bày la liệt dưới những hình thức mới; nhưng những con mắt tê dại và lời nói huyên thiên trong cơn say khiến cho khách ăn họa may có trực giác mơ hồ về cái cảnh tiên kia như trong một câu chuyện phương Đông. Rượu tráng miệng đem lại hương vị mà men nồng, như những thuốc mê mãnh liệt, nhưng hơi ma quái tạo nên một thứ ảo vọng tinh thần và như những sợi giây bền chắc buộc lấy chân, siết chặt tay. Những đống quả xếp cao bị phá, những tiếng nói thét lên, ồn ào càng lớn; bấy giờ thì chẳng còn những lời nói rõ ràng nữa; cốc ném vỡ tan, và những tiếng cười hung dữ vọt ra như tên lửa. Cursy tóm lấy một chiếc tù và thổi lên bài kèn trận. Dường như kèn hiệu của quỷ sứ. Đám cử tọa điên cuồng đó la hét, huýt còi, hát, kêu, gầm gào. Anh sẽ mỉm cười khi thấy những kẻ tính vốn vui vẻ trở thành ảo não như những màn chót của Crébillon[38], hay mơ mộng như lính thủy ngồi xe. Những người tinh khôn kể ra những điều bí mật của họ cho những kẻ tò mò mà họ chẳng buồn nghe. Những tay đa sầu mỉm cười như những vũ nữ xoay mình vừa xong. Claude Vignon đi lạch đạch như con gấu trong chuồng. Những cặp bạn thân cũng choảng nhau. Những nét giống loài vật ghi trên mặt người, mà các nhà sinh lý học đã chứng minh rất tinh vi, lại xuất hiện mơ hồ ở những cử chỉ, những thói quen của thân thể. Có cả một cuốn sách làm sẵn cho một tay Bichat[39] có thể có mặt ở đó mà vừa đói vừa rét. Chủ nhà cảm thấy mình say mà không dám đứng lên, nhưng hắn tán thành những trò ngông cuồng của khách bằng một cái nhăn mặt cố định mà vừa cố giữ một vẻ lịch sự và hiếu khách. Bộ mặt bè bè của hắn nhuốm màu vừa đỏ vừa xanh, gần như tím nhợt, trông đến sợ, nhập cục với hoạt động chung bằng những cố gắng giống như một con thuyền lắc lư, tròng trành.

– Ông có ám sát họ hay không? – Emile hỏi hắn.

– Tội tịch thu và tội xử tử đều bị thủ tiêu từ cuộc cách mạng tháng Bảy, – Taillefer vừa đáp vừa nhích lông mày lên một cách vừa rất láu lỉnh vừa ngây dại.

– Thế có khi nào ông nằm mơ thấy họ không? – Raphaël hỏi.

– Có thời hiệu chứ! – Tay sát nhân giàu sụ nói.

– Rồi trên mộ hắn, – Emile giọng chua chát kêu lên – kẻ giữ nghĩa địa sẽ ghi: Khách qua lại, hãy rỏ một giọt nước mặt nhớ thương ông!

– Ồ, – anh nói tiếp, – tôi sẽ biếu hẳn một trăm xu cho nhà toán học nào bằng một đẳng thức đại số chứng minh được sự tồn tại của địa ngục.

Anh tung một đồng xu lên và kêu:

– Ngửa là về Trời!

– Cậu đừng nhìn, – Raphaël vừa nói vừa bắt lấy đồng tiền, – biết thế nào? Cái ngẫu nhiên rất tức cười.

– Chao ôi! – Emile nói với kẻ khôi hài buồn thiu, – tôi không nhìn thấy chỗ đặt chân giữa kỷ hà học của kẻ không tin vào kinh Pater noster[40] của Giáo hoàng. Chà! Uống đi! Trinc, theo tôi nhớ, là lời sấm của chiếc chai thần [41] và dùng để kết thúc truyện Pantagruel.

– Chúng ta nhờ có kinh Pater noster – Raphaël đáp, – mà có nghệ thuật, đền đài, có lẽ cả khoa học của chúng ta; và, lợi ích lớn hơn nữa, những chính thể hiện đại của chúng ta, trong đó một xã hội rộng lớn và phong phú được năm trăm khối óc đại diện, ở đó những lực lượng đối lập trung lập hóa lẫn nhau và để mọi quyền hành cho văn minh, vị nữ hoàng đồ sộ thay ông vua, cái nhân vật cũ kỹ và kinh khủng ấy, thử số mệnh giả hiệu mà con người tạo ra và đặt giữa trời và họ. Trước bao nhiêu công trình thành tựu đó, chủ nghĩa vô thần xuất hiện như một bộ xương không sinh đẻ được. Cậu nghĩ sao?

– Tôi nghĩ đến những suối máu mà đạo Thiên chúa đã vung ra, – Emile lạnh lùng đáp. – Nó đã chiếm lấy mạch máu và quả tim chúng ta để làm thành một nạn hồng thủy giả tạo. Nhưng mặc dầu! Mỗi con người suy nghĩ đều phải đi dưới lá cờ của Đức Chúa Lời. Duy có ông ta đã xác định sự toàn thắng của tinh thần đối với vật chất, duy có ông ta đã phát lộ ra một cách thi vị thế giới trung gian cách biệt ta với Thượng đế.

– Cậu tin à? – Raphaël nói tiếp và mỉm cười với anh một nụ cười say khôn tả – Thế thì, để cho khỏi liên lụy, ta hãy chúc rượu với lời cừ khôi: Diis ignotis![42]

Và họ uống cạn chiếc cốc chứa khoa học, thán khí; hương thơm, thơ ca và lòng không tin của họ.

– Xin mời các Ngài sang phòng khách dùng cà phê, người đầu bếp vào nói. Bây giờ hầu hết các khách ăn đã lăn mình vào giữa cõi u minh tuyệt diệu ở đó ánh sáng của trí tuệ tắt đi, ở đó thể xác được giải phóng khỏi tay kẻ bạo quyền chế ngự nó, buông thả vào những thú vui điên cuồng của tự do. Những người này, say đến cực độ, ngồi rầu rĩ và khó nhọc tìm cách tóm lấy một ý nghĩ chứng minh cho rằng họ đang tồn tại; những người khác, chìm đắm vào tình trạng rã rời do tiêu hóa nặng nề, phủ nhận sự vận động. Những tay hùng biện táo bạo vẫn còn nói những lời mơ hồ mà chính họ cũng không hiểu nghĩa. Vài điệp khúc vang lên như tiếng động của một bộ máy bắt buộc phải tiến hành cuộc sống giả tạo và không hồn của nó. Yên lặng và ồn ào kết hợp với nhau một cách kỳ lạ.

Tuy nhiên, khi nghe tiếng sang sảng của một người hầu vì thiếu một ông chủ phải báo tin một thú vui mới, họ đứng lên kéo nhau, dìu nhau, hay cõng nhau mà đi. Cả đám đứng một lúc ở ngưỡng cửa, ngay đờ và mê tít. Những lạc thú cực độ của bừa tiệc mờ đi trước cái cảnh mơn trớn mà chủ tiệc bày ra trước cái giác quan ưa khoái nhất của họ. Dưới những ngọn nến thắp sáng choang của một chùm đèn treo vàng, chung quanh một chiếc bàn mạ vàng đầy ắp, một đám phụ nữ bỗng hiện ra trước những khách ăn ngây dại mà bao nhiêu con mắt sáng lên như bấy nhiêu viên kim cương. Những đồ trang sức đã lộng lẫy, thế màn giai nhân rực rỡ kia còn lộng lẫy hơn, trước họ những kỳ quan trong lâu đài này đều lu mờ. Những cặp mắt đa tình của những cô gái ấy, mê ly như những nàng tiên, còn chói chang hơn cả những thác ánh sáng, nó làm rực rỡ những ánh hồi quang bóng loáng của vải chăng trên tường, màu trắng của đồ đá hoa, những đường gờ tinh vi của đồ đồng hun và vẻ ưu nhã của màn trướng. Người ta nóng lòng muốn xem những nét tương phản giữa những bộ tóc uốn rộn ràng của họ và giữa những điệu bộ của họ, thật là muôn vẻ diễm sắc và tính tình. Đó là một hàng rào hoa xen lẫn hồng ngọc, lam ngọc, và san hô; một vành đai những vòng huyền trên những cổ trắng như tuyết, những khăn choàng nhẹ chập chờn như những ngọn lửa đèn biển, những chiếc khăn kiêu kỳ, những chiếc áo dài khêu gợi một cách kín đáo. Bầy cung tần đó phô đủ vẻ quyến rũ cho mọi con mắt, đủ chiều khoái trá cho mọi thị hiếu.

Với một tư thế mê hồn, một vũ nữ dường như thoát y dưới những nếp như sóng gợn của Cachemire. Chỗ kia một làn sa trong mờ, chỗ này tơ lụa óng ánh che giấu hay để lộ ra những ánh toàn mỹ bí mật. Những bàn chân nhỏ nhắn nói chuyện yêu đương, những miệng tươi đỏ nín lặng. Những thiếu nữ mảnh dẻ và đoan trang, gái đồng trinh giả hiệu mà những làn tóc đẹp toát ra một vẻ ngây thơ thành kính, xuất hiện trước mọi con mắt như những bóng hiện hình mà một làn gió có thể làm biến mất. Rồi đến những mỹ nhân quý phái, với vẻ nhìn kiêu hãnh, mà vô tình, mà mỏng manh, mảnh khảnh, duyên dáng, ngả đầu như còn nấp bóng quân vương để phải mua chuộc. Một cô gái người Anh, trắng trong tinh khiết, lả lướt như bay từ những áng mây của Ossian[43] xuống, giống như một thiên thần sầu muộn, một niềm ân hận lánh xa tội lỗi. Cô gái Paris mà sắc đẹp nằm trong một vẻ kiều diễm khôn từ kiêu kỳ vì phấn son và trí tuệ, trang bị bằng sự mềm yếu vạn năng, mềm mỏng mà tàn nhẫn, thứ yêu phụ không tim và không tình, nhưng biết giả tạo những châu báu của tình yêu và mạo danh những tiếng nói của trái tim, cô không vắng mặt trong cuộc họp hiểm nghèo này, ở đó còn có những cô gái Ý bề ngoài bình thản mà thiết tha trong hạnh phúc của mình, những cô gái vạm vỡ xứ Normandie với hình hài mĩ lệ, những cô gái miền Nam tóc đen, mắt hạnh nhân. Anh sẽ ví như những mỹ nhân ở Versailles, do Lebel[44] triệu đến, ngay từ buổi sớm đã giăng ra hết những cạm bẫy của họ, họ tới như một bầy nô lệ phương Đông mà tay lái buôn đánh thức dậy để ra đi vào lúc bình minh. Họ đứng sững sờ, e lệ, và lăng xăng chung quanh chiếc bàn như đàn ong vo vo trong tổ. Vẻ lúng túng sợ sệt đó, vừa là trách móc vừa là làm duyên, tố cáo và quyến rũ. Phải chăng đó là sự e thẹn vô tâm? Có lẽ một tình cảm mà người phụ nữ không bao giờ giũ sạch hoàn toàn xui khiến họ choàng lên mình chiếc áo đức hạnh để mang lại thêm sức mê hoặc và thú vị cho những phóng túng của thói hư. Bởi vậy âm mưu mà lão Taillefer tiến hành dường như phải thất bại. Những gã đàn ông bốc trời ấy thoạt tiên bị khuất phục bởi cái quyền lực oai nghiêm mà người phụ nữ vốn có. Một tiếng xì xào ngưỡng mộ vang lên như bản nhạc êm đềm nhất. Yêu đương vốn dĩ không cùng đi với say rượu; chẳng phải là một trận cuồng phong tình dục nổ ra mà khách ăn, bị bắt chợt giữa cơn bạc nhược, đắm mình vào những cảm khoái của một cơn ngây ngất, khoái trá. Theo tiếng nói của thơ bao giờ cũng chế ngự họ, các nghệ sĩ hân hoan tìm tòi những tiêu xài tinh vi phân biệt những mỹ nhân chọn lọc kia.

Một tư tưởng, có lẽ do thán khí bốc lên từ rượu sâm-banh làm thức dậy khiến một triết gia rùng mình nghĩ tới những bất hạnh đã dẫn tới đây những phụ nữ kia có lẽ thuở xưa xứng đáng được sự tôn trọng thuần khiết nhất. Mỗi người trong bọn họ chắc hẳn có một bi kịch đẫm máu để kể lại. Hầu hết đều mang lại những nỗi đau khổ – bạo tàn, và kéo theo sau những gã đàn ông bất tín, những lời hứa hẹn bị phản bội, những niềm vui phải chuộc bằng cơ cực. Khách ăn bước tới gần họ một cách lễ độ, và những cuộc trò chuyện diễn ra cũng muôn vẻ như tính tình. Từng nhóm họp lại. Anh có thể cho đây là một phòng khách đứng đắn, ở đó những thiếu nữ và những phu nhân sau bữa ăn đi mời khách cà phê, rượu mùi và đường, là những món cứu trợ cho những người háu ăn bị khó tiêu, nhưng chẳng bao lâu vài tiếng cười nổ ra, tiếng xì xào tăng thêm, nhưng giọng nói cất cao. Cuộc hành lạc, một lúc bị chế ngự, nay chốc chốc lại muốn bùng dậy. Im lặng và ồn ào lần lượt xen nhau mơ hồ giống như một bản hợp tấu của Beethoven. Ngồi trên chiếc đi văng êm dịu, đôi bạn thoạt tiên thấy bước lại gần họ một cô gái cao lớn rất cân đối, với một tư thái đường hoàng, nét mặt không được đều nhưng sắc sảo, mà táo tợn, và chiếm đoạt tâm hồn bằng những tương phản sắc cảnh. Bộ tóc đen, uốn một cách lả lơi, dường như đã chịu những cuộc xung đột của tình yêu, và rơi thành mớ nhẹ xuống đôi vai rộng bày ra những viễn ảnh nhìn dễ ưa; từng cuộn dài màu nâu phủ lên một nửa cái cổ có bề thế mà ánh sáng lướt trên từng lúc đê lộ ra những đường vòng đẹp tinh vi; làn da trắng mờ làm nổi bật lên những màu rực rỡ với sắc điệu nóng ấm và rộn ràng; con mắt che dưới những lông mi dài, ném ra những ánh lửa táo bạo, những tia lửa của tình yêu; miệng son ẩm ướt, hé mở, kêu gọi cái hôn; vóc người nàng vạm vỡ nhưng mềm mại đến yêu, ngực và cánh tay nở nang như những tranh mỹ nhân của Carrache[45]; tuy nhiên, nàng có vẻ nhanh nhẹn, uyển chuyển và sức vóc của nàng bao hàm cái lanh lẹ của một con báo, cũng như vẻ thanh lịch, tráng kiện của thân hình nàng hứa hẹn những khoái lạc say đắm. Cô gái đó chắc cũng phải biết cười và nô giỡn, nhưng cặp mắt và nụ cười của nàng làm cho người ta phải suy nghĩ và sợ hãi. Giống như những kẻ tiên tri có quỷ thần yểm trợ, cô khiến người ta ngỡ ngàng hơn là thích thú. Hết thảy mọi nét biểu hiện lộ ra cùng một lúc và mau như chớp trên khuôn mặt linh hoạt. Có lẽ nàng làm say mê những kẻ lõi đời, chứ một chàng trai thì phải kinh gờm. Đó là cả một pho tượng đồ sộ từ một ngôi đền Hy Lạp nào rơi xuống, trông xa thì trác tuyệt, nhưng nhìn gần lại hóa thô. Tuy nhiên, cái vẻ đẹp mê hồn của nàng phải làm thức dậy những kẻ bất lực, tiếng nói của nàng phải mê hoặc những kẻ điếc, cặp mắt nàng phải làm hồi lại những bộ xương già cốc.

Emile ví nàng mơ hồ, như một bi kịch của Shakespeare, một thứ họa phẩm Ả rập tuyệt diệu; ở đó hân hoan la gào, ái ân có cái gì như man rợ, ma lực của duyên dáng và lửa nồng của hạnh phúc kế tiếp những sôi sục đẫm máu của cuồng nộ; quái vật biết cắn xé và mơn trớn, cười như yêu ma, khóc như thiên thần, chỉ trong một cái siết ôm khêu gợi đủ điều quyến rũ của người đàn bà, trừ những tiếng thở dài của u sầu, và những vẻ thùy mị đắm say của một trinh nữ; rồi tới một lúc gầm lên, cào xé thân mình, phá hủy tình ái và tình nhân, cuối cùng tự tiêu diệt như một dân tộc nổi loạn. Mình bận chiếc áo dài nhung đỏ, nàng giẫm chân lên những bông hoa từ trên mái tóc của các bạn nàng rơi xuống, và bàn tay ngạo mạn của nàng bưng một chiếc khay bạc, lại đưa mời đôi bạn. Kiêu hãnh vì sắc đẹp của mình, có lẽ kiêu hãnh cả vì thói hư của mình, nàng giơ tay ra một cánh tay trắng nổi bật trên nền nhung. Nàng đứng đó như nữ hoàng của lạc thú, như một hình ảnh của niềm vui con người, cái niềm vui nó phá tan tài sản tích lũy của ba đời, nó cười trên xác chết, nhạo báng ông cha, huỷ những ngọc báu và ngai vàng, biến thanh niên thành ông lão và thường khi, biến ông lão thành thanh niên; cái niềm vui đó chỉ có được ở những tay cự phách chán ngán vì quyền bính, mệt mỏi vì tư duy, hay đối với họ chiến tranh trở thành như một đồ chơi.

– Nàng tên chi? – Raphaël hỏi.

– Aquilina.

– Ồ! Ra nàng từ Venise giải thoát [46] tới đấy, – Emile thốt lên.

– Vâng, – nàng đáp – cũng như các Giáo hoàng lấy tên mới khi bước lên trên mọi người, tôi lấy một tên mới khi vươn lên trên mọi phụ nữ.

– Vậy nàng có như bà chúa của nàng, được một tay mưu phản cao thượng và gớm ghê yêu và biết chết vì nàng hay không? – Emile, thức tỉnh vì cái vẻ thơ đó, hăng hái nói.

– Tôi đã từng có – nàng đáp. – Những máy chém đã là đối thủ của tôi. Vì vậy tôi luôn luôn mang trên bộ cánh của tôi vài mảnh giẻ đỏ để cho niềm vui của tôi chẳng bao giờ đi quá xa.

– Chao ôi! Nếu anh để cô ta kể câu chuyện bốn chàng trai ở Rochelle [47] thì hẳn chẳng bao giờ hết lời. Thôi im đi, Aquilina ạ! Đàn bà ai chẳng có một tình nhân để khóc; nhưng chẳng phải ai cũng như chị có diễm phúc được mất chàng ở chỗ pháp trường. Chà! Tôi ưng biết tin người của tôi nằm dưới đáy huyệt, ở Clamart[48], hơn là nằm trong giường của một tình địch.

Những lời nói giọng dịu dàng êm ái đó là của một nhân vật bé nhỏ ngây thơ nhất, xinh đẹp nhất, dễ thương nhất chưa từng bao giờ nở ra từ một quả trứng thần. Nàng bước tới nhẹ như êm, với một khuôn mặt tinh vi, một thân hình mảnh dẻ, cặp mắt xanh lơ dịu hiền đến say đắm; thái dương mát tươi và tinh khiết. Một thủy tiên chất phác, bỏ nơi nguồn nước mà tới, cũng không e lệ, trong trắng, thơ ngây bằng. Nàng trông tưởng mới mười sáu tuổi, chưa biết điều dở, chưa biết yêu đương, chưa trải qua sóng gió của cuộc đời; và từ một nhà thờ tới, ở đó có lẽ nàng cầu nguyện các thiên thần cho được trở về trời trước kỳ hạn. Chỉ ở Paris mới có những nhân vật có vẻ mặt chất phác như thế mà che giấu sự đồi bại sâu xa nhất, những thói hư tinh tế nhất dưới một vầng trán cũng dịu dàng, cũng tươi thắm như một bông hoa cúc. Thoạt tiên bị mắc lừa vì những hứa hẹn thiên thần ghi trong những nét kiều diễm của cô thiếu nữ đó, Emile và Raphaël tiếp nhận cà phê mà nàng rót cho họ vào những tách mà Aquilina đem tới và quay ra hỏi han nàng. Trước mắt hai nhà thơ, bằng một biểu hiện thê thảm, nàng hoàn toàn biến dạng chẳng biết cái mặt nào của cuộc đời, khi mà nàng đem đối chọi với vẻ người rắn rỏi và say đắm của cô bạn vạm vỡ cái chân dung của sự trụy lạc lạnh lùng này, bạo tàn trong khoái trá, đủ dại dột để phạm một tội ác, đủ cứng rắn để cười đùa với nó; một thứ yêu tinh không tim, nó trừng phạt những tâm hồn phong phú và thắm thiết vì ngừng cảm xúc mà nó không có, nó khi nào cũng tìm ra một cái nhăn nhó vì yêu đương để đem bán, những giọt nước mắt để đưa ma nạn nhân của nó, và niềm hân hoan để đọc chúc thư của họ khi tối đến. Một nhà thơ sẽ hâm mộ nàng Aquilina diễm lệ; cả thiên hạ phải trốn tránh nàng Euphrasie thống thiết; một người là linh hồn của thói hư, người kia là thói hư không linh hồn.

– Tôi rất muốn biết, – Emile nói với nhân vật xinh đẹp đó, có khi nào nàng nghĩ tới tương lai.

– Tương lai! – Nàng vừa cười vừa đáp – Anh gọi tương lai là cái gì? Tại sao tôi lại nghĩ tới cái chưa có? Tôi không bao giờ nhìn lại phía sau cũng như phía trước tôi. Chỉ bận tâm đến cả một ngày trời đã chẳng nhiều quá lắm hay sao? Vả chăng, tương lai, chúng tôi biết nó, đó là bệnh viện.

– Làm thế nào từ nơi đây nàng nhìn thấy bệnh viện mà lại không tránh cho khỏi tới đó? – Raphaël thốt lên.

– Thì bệnh viện có cái gì hãi hùng đến thế kia? Nàng Aquilina ghê gớm hỏi. – Khi chúng tôi chẳng phải là những người mẹ cũng như những người vợ, khi tuổi già đi bít tất đen vào chân chúng tôi và đặt vết nhăn lên trán chúng tôi, làm tàn úa tất cả cái gì là đàn bà trong người chúng tôi, và làm khô héo niềm vui trong con mắt các bạn chúng tôi, thì hỏi chúng tôi còn cần đến cái gì? Bấy giờ thì các anh chỉ còn nhìn thấy ở chúng tôi, trong bộ cánh của chúng tôi, mớ bùn nguyên thủy của nó, đi bằng hai cẳng, lạnh ngắt, héo khô, thối rữa, và mỗi bước đi gây nên tiếng lạo xạo của lá úa. Những mảnh vải đẹp nhất đối với chúng tôi trở thành tã rách, hổ phách xưa làm náo nức chốn phòng the bấy giờ tỏa hơi chết chóc và đượm mùi xương khô; rồi, ví bằng trong đám bùn kia còn có một trái tim thì hết thảy các anh chửi rủa nó, các anh không cho phép chúng tôi có đến cả một điều hồi tưởng. Vậy thì, vào quãng đó của cuộc đời, cho dù chúng tôi ở tại một khách sạn sang trọng để chăm nom đàn chó, hay trong một bệnh viện để lựa chọn mớ áo rách, thì số kiếp của chúng tôi phải chăng cũng thế mà thôi? Che giấu mớ tóc bạc dưới chiếc khăn tay kẻ ô xanh đỏ hay dưới mớ đăng-ten, quét phố bằng chiếc chổi phong hay lau thềm điện Tuileries bằng satin, ngồi bên những lò sưởi thếp vàng hay sưởi mình bằng ít tro trong chiếc nồi đất đỏ, tham dự cảnh pháp trường Grève hay đi xem ở Viện ca kịch, như vậy có gì khác nhau lắm không?

– Aquilina mia[49], chưa bao giờ chị có lý đến thế trong cơn thất vọng, – Euphrasie lại nói, – Đúng thế, cachemire, đăng-ten hảo hạng, phấn sáp, lượt là, xa hoa, tất cả những cái gì hào nhoáng, tất cả ngừng cái gì thú vị chỉ thích hợp với tuổi trẻ. Chỉ có thời gian là có thể khuất phục những điên cuồng của chúng ta, nhưng hạnh phúc miễn xá cho chúng ta. Các anh cười về lời tôi nói, – nàng vừa la lên vừa mỉm cười cay độc nhìn đôi bạn; – tôi chẳng có lý hay sao? Tôi ưng chết vì lạc thú hơn vì bệnh tật. Tôi chẳng có cái chứng ham điều trường cửu, cũng chẳng cả lòng đại tôn kính đối với giống người, do chỗ Thượng đế tạo ra cho họ như thế! Hãy cho tôi bạc triệu, tôi sẽ ngốn hết, tôi không muốn giữ đến sang năm lấy một đồng xu nhỏ. Sống để mà mua vui và làm chúa, đó là phán nghị mà mỗi tiếng đập của trái tim tôi ban truyền. Xã hội tán thành tôi, nó chẳng luôn luôn cung cấp cho mọi sự tiêu xài của tôi đó sao? Tại sao ông Trời hiền cứ mỗi sáng lại chi cho tôi đủ để tôi tiêu pha vào buổi tối? Tại sao các anh xây bệnh viện cho chúng tôi? Trời đã không đặt chúng tôi vào giữa cái hay và cái dở để lựa chọn cái gì làm cho chúng tôi tổn thương hay phiền não thì tôi chẳng ngu ngốc lắm sao nếu không vui thú.

– Thế còn những người khác? – Emile hỏi.

– Người khác ư? Thì họ tự liệu lấy thân. Tôi ưng cười những chuyện đau khổ của họ hơn là khóc những nông nỗi của tôi. Tôi thách một kẻ đàn ông gây được cho tôi một chút bận lòng.

– Thế thì nàng đã đau khổ như thế nào để đi đến chỗ suy nghĩ nhu vậy? – Raphaël hỏi.

– Tôi ư, người ta đã từ bỏ tôi vì một món gia tài! – Nàng vừa nói vừa lấy một tư thế làm nổi lên hết vẻ kiều diễm. – Ấy thế mà tôi đã từng làm lụng đêm ngày để nuôi tình lang tôi. Tôi chẳng muốn bị lừa bịp vì một nụ cười, một lời hứa hẹn nào nữa, và tôi định làm cho cuộc đời tôi thành một cuộc hành lạc dài.

– Nhưng, – Raphaël la lên, – hạnh phúc chẳng phải là tự ở tâm hồn mà ra sao?

– Vậy thì, Aquilina lại nói, – phải đâu là không đáng kể khi thấy mình được hâm mộ, mình thắng hết thảy mọi người đàn bà, kể cả những kẻ đức hạnh nhất, khi mình đè bẹp họ bằng sắc đẹp, bằng tiền của mình? Vả chăng, chúng tôi sống một ngày mà hơn cả mười năm của một bà tử tế, như thế là đã có sự phê phán rồi.

– Một người đàn bà không đức hạnh, chẳng là khả ố hay sao? – Emile bảo Raphaël.

Euphrasie đưa con mắt rắn độc nhìn họ và trả lời bằng một giọng mỉa mai không ai theo kịp:

– Đức hạnh! Chúng tôi nhường cái đó cho bọn lọ lem và bọn tàn phế. Những đàn bà tội nghiệp ấy nếu không có nó thì họ sẽ ra thế nào?

– Thôi, hãy im đi,- Emile kêu lên, – đừng có nói điều gì mà mình không biết.

– Chà, tôi không biết cái đó. – Euphrasie tiếp, – hy sinh cả cuộc đời cho một kẻ mà mình ghét, biết nuôi nấng lũ con chúng bỏ rơi mình, và cảm ơn chúng khi chúng đâm vào trái tim mình; đó là những đức hạnh mà các anh đòi hỏi ở người đàn bà. Còn nữa, để đền bù cho sự hy sinh đó, các anh tìm cách quyến rũ họ và đổ lên đầu họ mọi sự đau khổ; nếu họ cưỡng lại, các anh hãm hại họ! Đời đẹp thay! Chẳng thà sống tự do, yêu ai tùy thích và chết yểu.

– Nàng không sợ một ngày kia phải trả nợ cái đó hay sao?

– Vậy thì, – nàng đáp, – chẳng để xen vào lạc thú của tôi những điều phiền não, cuộc đời tôi sẽ chia làm hai phần: một thời trẻ tuổi thật sự vui nhộn, và chẳng biết thời già nua hiu hắt thế nào, lúc đó tôi thả sức đau khổ.

– Cô ta thật chưa yêu – Aquilina giọng trầm trầm nói. – Cô ta chưa bao giờ vượt hàng trăm dặm để vồ vập với bao nhiêu khoái trá một ánh mắt và một lời khước từ, cô ta chưa buộc cuộc đời mình vào một sợi tóc, cũng như đâm chém bao nhiêu đàn ông để cứu ông hoàng của mình, ông chúa của mình, ông Trời của mình. Đối với cô ta, tình yêu là một võ quan bảnh.

– Ấy này! La Rochelle, – Euphrasie đáp, – tình yêu cũng như làn gió, chúng ta chẳng biết nó tự đâu tới. Vả chăng, nếu chị đã thật sự được một con vật yêu thương thì chị đâm ra kinh sợ những kẻ có trí khôn.

– Pháp luật cấm chúng ta yêu súc vật, – nàng Aquilina tráng kiện trả lời bằng giọng mỉa mai.

– Tôi cứ tưởng chị nhân từ hơn đối với bọn nhà binh, – Euphrasie vừa cười vừa la.

– Các chị ấy đi đến khước từ lý trí như vậy thì có sung sướng được không?- Raphaël la lên.

– Sung sướng! – Aquilina mỉm cười thương hại, kinh khủng và đưa mắt nhìn đôi bạn một cách ghê gớm. – Chà! Các anh không biết thế nào là bị buộc phải vui thú khi mang một người chết trong lòng.

Chú thích:

[1] Cambacérès: Nhà chính trị thời cách mạng và Đế chính thứ nhất, nổi tiếng và háu ăn.

[2] Brillat Savarin: Tác giả cuốn Sinh lý vị giác, một tay sành ăn (đầu thế kỷ XIX).

[3] Đây là tả hình vẽ tượng trưng của huy chương một dòng họ quý tộc.

[4] Tiếng La-tinh: nghĩa là tinh thần không nhụt.

[5] Valens: Hoàng đế La Mã (trước Công lịch).

[6] Mahmoud (1800 -1839): Vua Thổ Như Kỳ.

[7] Bossuet (1627-1601): Giáo chủ, bảo vệ nền quân chủ chuyên chế và tôn giáo, có tài hùng biện.

[8] Ballanche (1776-1947): Triết gia thần bí.

[9] Ballade: Một thể thơ 3 đoạn đều và một đoạn ngắn có điệp khúc.

[10] Quốc ước: Một giai đoạn của cuộc cách mạng tư sản Pháp (l789 -1794): Hội nghị Quốc ước là cơ quan đại diễn nhân dân tối cao.

[11] Ý nói trước tên Matxon (Massol) thiếu chữ “đờ” (de) chỉ người thuộc dòng dõi quý tộc.

[12] Duc d’Albert (1508 -1582): Tướng Tây Ban Nha tàn ác dẹp cuộn cách mạng Hà Lan.

[13] Monbard (thế kỷ XVII): Tướng cướp biển tham dự với quân Pháp trong cuộc chiến tranh chống Tây Ban Nha.

[14] Brutus: Nhân vật La Mã bảo vệ nền cộng hòa, đây chỉ người đảng viên đảng Cộng hòa.

[15] Ý nói là ngu xuẩn.

[16] Perrault (1628-1703): Nhà văn Pháp. tác giả những truyện thiếu nhi nổi tiếng.

[17] Charlet (1792-1845): Họa sĩ Pháp chuyên về cảnh chiến tranh.

[18] Charles X (1824 -1830): Vua Pháp phản động, chủ trương quân chủ chuyên chế và tôn giáo.

[19] Ý nói đường hào, đường rãnh dùng làm ranh giới đất đai thuộc quyền sở hữu khác nhau.

[20] Malibran (1808 -1836): Danh ca của Viện Ca kịch Paris. được hoan nghênh khi ra mắt năm l828.

[21] Đây nói những nghị sĩ.

[22] Đây ý nói thực hiện chủ nghĩa xã hội không tưởng cua Saint Simon.

[23] Đây nói Hội đồng Các Cha của Nhà thờ Công giáo, có quyền đề bạt lên bậc thánh.

[24] Nguyên văn là carliste, chì người ủng hộ vua Charles X, nói rộng ra là người bảo hoàng.

[25] Nhiều nhân vật anh hùng trong thơ của Byron là những con người cô đơn, kiêu hãnh, chống lại luật lệ xã hội.

[26] Nghĩa là: Hoàn hảo, bất khả xâm phạm. Theo thần thoại Hy Lạp, Achille chỉ có một nơi trong mình là có thể bị thương, đó là gót chân.

[27] La Fayette (1757-1834): Tướng Pháp đã tham gia các cuộc cách mạng 1789 và 1830, lãnh tụ Bảo hoàng tự do, cũng đã tham ra tích cực cuộc chiến tranh độc lập ở Mỹ.

[28] Smarra: Tác phẩm của nhà văn lãng mạn Pháp Charles Nodiet (1780-1844).

[29] Charenton: Một nhà thương điên ở ngoại ô Parỉs.

[30] Kant (l724 -1804): Nhà triết học duy tâm Đức nổi tiếng.

[31] Spinosa (1632-1677): Nhà triết học Hà Lan, phản bác luận điểm cho rằng Thượng đế sáng tạo ra tự nhiên mà cho rằng chính tự nhiên là Thượng đế.

[32] Ý nói im đi.

[33] Từ dùng để chỉ người Hoa.

[34] Le Globe: Báo Địa cầu, báo Triết học, văn học, khuynh hướng tự do, thời đó do những nhà lãng mạn tiến bộ chủ trương.

[35] Thomire: Cửa hàng làm đồ vàng ngọc, có thật thời Balzac.

[36] Sétubal: Một hải cảng Bồ Đào Nha.

[37] Nguyên văn là petit four: Một loại bánh kẹo ngon thường gọi là “pơtifua”.

[38] Crébillon (1674 -1762): Tác giả bi kịch Pháp, sở trường về những bi kịch rùng rợn, khủng khiếp.

[39] Bichat (1771 -1802): Thầy thuốc, nhà giải phẫu và sinh lý học Pháp.

[40] Pater noster (tiếng Latinh): Tức Kính lạy Cha.

[41] Trinc: uống đi – Rút trong truyện Pantagruel của Rabelais, kết thúc ở việc Pantagruel đi cầu lời sấm của chiếc chai thần, nó chỉ nói mỗi một tiếng: Uống đi!

[42] Tiếng Latinh có nghĩa là: Thần thánh u minh -Câu này là lời đề từ ở đầu một cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Pháp Rivarol thế kỷ XVIII.

[43] Ossian: Ca sĩ truyền thống xứ Ecosse (Scotland – Anh).

[44] Lebel: Người hầu buồng và tin cậy của vua Louis XV.

[45] Carrache (1560 -1609): Đây nói nhà họa sĩ xuất sắc nhất của trường phái Bologne (Ý), thế kỷ XVII.

[46] Venise sauvée: Bi kịch của nhà văn Anh Thomas Otway (1651-1685) trong đó nhân vật kỹ nữ Akilina.

[47] Rochelle: Đây nói bốn viên đội ở thành La Rochelle (nước Pháp) âm mưu làm cách mạng đặt nền cộng hòa dưới thời Trùng hưng và bị tử hình năm 1822.

[48] Clamart: Một nghĩa địa ở Paris.

[49] Tiếng Ý: Chị Akilina của em ơi.

Bình luận