Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)

Chương 5: Người đàn bà không tim

Tác giả: Honoré de Balzac

Tựu trung, tôi mang trong mình những ngọn lửa thiêu đốt, có một tâm hồn giống như những tâm hồn mà phụ nữ mong đợi, với tấm lòng say mê mà họ khao khát, có cái nghị lực mà bọn ngu ngốc khoe khoang, ấy thế mà bao nhiêu phụ nữ đều tàn ác bội bạc đối với tôi. Vì vậy tôi ngây thơ khâm phục những tay sừng sỏ khi họ tán tụng những thắng lợi của họ, không nghi ngờ rằng họ nói dối! Cố nhiên là tôi sai lầm khi ước ao một mối tình ở cửa miệng, khi muốn tìm thấy ở một trái tim đàn bà nhẹ dạ và nông nổi, thèm xa xỉ, thích phù hoa, cái mối nhiệt tình rộng lớn và mãnh liệt ấy, cái đại dương sóng gió ấy nó sục sôi trong trái tim tôi. Chao ôi! Cảm thấy mình sinh ra để mà yêu đương, để làm cho một người đàn bà thật sung sướng, thế mà chẳng tìm thấy chỉ một nàng Marceline[12] can đảm và cao thượng hay một bà hầu tước già nào. Mang bao nhiêu của báu trong bị mà chẳng gặp một ai, ngay cả một cô gái nhỏ, cô thiếu nữ tò mò nào, để khoe cho họ hâm mộ. Tôi thường muốn tự tử vì thất vọng.

– Cậu khá bi đát tối nay! – Emile thốt lên.

– Chà! Để cho tôi kết án cuộc đời của tôi, Raphaël đáp. Nếu tình bạn của cậu không đủ sức để nghe những khúc bi ca của tôi, nếu cậu không cho tôi được nửa giờ làm phiền cậu thì cậu cứ ngủ đi! Nhưng mà đừng có hỏi tôi nữa lý do việc tự tử của tôi, nó gầm thét, nó ngóc dậy, nó kêu gọi tôi và tôi chào đón nó. Muốn phê phán một con người, ít ra phải đi vào cái bí ẩn của tư tưởng, của những bất hạnh, những cảm xúc của họ; chỉ muốn biết những biến cố vật chất trong cuộc đời họ là làm cái niên biểu, cái lịch sử những thằng ngốc!

Giọng cay đắng trong những lời nói đó làm Emile rất xúc động cho nên từ đó anh chăm chú nghe Raphaël, mắt thờ thẫn nhìn bạn.

– Nhưng, – người kể chuyện tiếp tục,- bây giờ cái ánh sáng nhuốm màu cho những biến cố đó đem lại cho chúng một vẻ mới. Cái sự thể mà xưa kia tôi coi như một bất hạnh có lẽ đã tạo nên những năng lực tốt đẹp mà về sau tôi lấy làm kiêu hãnh. Tính ham tìm hiểu triết học, công việc lao động thái quá, tính ưa đọc sách, những cái đó, từ lúc tôi mới bảy tuổi cho đến khi bước vào đời, luôn luôn làm bận rộn cuộc đời của tôi, chẳng đã rèn luyện cho tôi cái khả năng dễ dàng, như các anh đã nói, trong việc diễn tả ý kiến của tôi và tiến bước trên cánh đồng mênh mông những kiến thức loài người. Cái tình trạng bỏ rơi mà tôi đã phải chịu, cái thói quen ức chế tình cảm và sống với nội tâm đã chẳng tạo cho tôi cái năng lực so sánh, trầm tưởng đó sao? Không để ngập mình vào những kích động xã giao làm nhỏ bé tâm hồn thanh cao nhất và biến nó thành vật vô giá trị, nhuệ cảm của tôi chẳng đã tập trung để trở thành cơ quan hoàn hảo của một ý chí cao hơn ý muốn của dục vọng đó sao? Không được phụ nữ chú ý, tôi nhớ lại đã quan sát họ với sự minh mẫn của mối tình bị hắt hủi. Bây giờ thì tôi đã thấy rõ, tính thành thật của tôi hẳn đã làm mất lòng họ! Có lẽ họ ưa một chút giả mạo? Bản thân tôi, trong cùng một lúc khi người nhớn khi trẻ con, khi phù phiếm khi trầm tư, không thành kiến mà rất mê tín, thường khi ủy mị như họ, phải chăng họ đã coi tính ngây thơ của tôi như thói trơ tráo, và ngay cả tư tưởng trong trắng của tôi như thói trăng hoa. Kiến thức đối với họ là chán ngán, tính ủy mị đàn bà là nhu nhược. Cái óc tưởng tượng linh hoạt thái quá, điều bất hạnh của những nhà thơ, chắc hẳn làm cho tôi bị coi như một kẻ không có khả năng yêu đương, ý kiến không kiên định, thiếu nghị lực. Ngây ngô khi nín lặng, có lẽ tôi làm cho họ hoảng sợ khi tôi định làm đẹp lòng họ. Phụ nữ đã kết án tôi! Với nước mắt và ưu phiền, tôi đã tiếp nhận bản nghị án của xã hội. Nỗi đau lòng đó đã sinh hoa kết quả. Tôi muốn trả thù xã hội, tôi muốn chiếm đoạt tâm hồn của hết thảy phụ nữ bằng cách khuất phục trí tuệ họ, và muốn nhìn thấy họ phải dán mắt vào tôi khi tên tôi được một kẻ hầu xướng lên ở cửa một phòng khách. Tôi tự xem mình như một vĩ nhân. Ngay từ thuở nhỏ tôi đã từng đập tay vào trán và nói như André de Chénier [13]: “Có một cái gì trong này đây? “.

Tôi như cảm thấy trong mình có một tư tưởng để biểu thị, một hệ thống để thiết lập, một khoa học để giảng giải. Chao ôi, Emile thân mến ạ. Ngày nay tôi mới ngót hai mươi sáu tuổi đầu, chắc chắn rằng tôi sẽ chết không tăm tiếng, chưa bao giờ được yêu đàn bà mà tôi mơ ước, cậu có để cho tôi kể những điều điên rồ của tôi không? Phải chăng, không nhiều thì ít, tất cả chúng ta đều đã coi những ý nguyện của chúng ta như sự thật? Chà! Tôi chẳng muốn làm bạn với chàng trai nào mà trong ước mơ không tự kết cho mình những vòng hoa, không tự xây cho mình một bệ đứng nào, hay gán cho mình những tình nương biết chiều chuộng. Bản thân tôi tôi đã thường làm đại tướng, làm hoàng đế, tôi đã là Byron, rồi chẳng là gì hết. Sau khi đã đùa giỡn trên đỉnh cao của mọi vật ở đời, và tôi nhận thấy còn bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu khó khăn phải vượt qua. Cái lòng tự phụ to lớn nó sôi sục trong tôi đó, cái mối tin tưởng cao cả vào số mệnh đó, và có lẽ nó trở thành thiên tài, khi mà con người không để cho tâm hồn mình bị xâu xé vì sự va chạm với việc đời dễ dàng như một con cừu bỏ lại mớ lông của nó cho đám bụi gai mà nó chui qua, tất cả những cái đó đã cứu tôi! Tôi muốn được vinh quang và làm việc âm thầm vì người tình nương mà tôi hy vọng một ngày kia sẽ gặp! Hết thảy đàn bà đều thâu tóm ở một người, và người đàn bà đó tôi tưởng như đã gặp ở người đầu tiên hiện ra trước mắt tôi.

Nhưng, ở mỗi người đàn bà đó tôi xem như có một bà hoàng, cho nên, như những bà hoàng đều bắt buộc phải đi bước trước tới tình nhân, hết thảy họ phải đi tới trước tôi một chút, dù tôi là kẻ đau yếu, nghèo hèn và nhút nhát. Chà! Đối với người đàn bà nào ái ngại cho tôi thì ngoài tình yêu, trong lòng tôi còn biết ơn họ đến mức tôi sẽ kính yêu họ suốt đời. Về sau, việc quan sát đã mách bảo tôi những sự thật tàn nhẫn. Như vậy, Emile thân mến ạ, tôi có cơ sống một mình mãi mãi. Phụ nữ họ quen thói, không biết vì khuynh hướng tư tưởng nào, chỉ nhìn thấy những khuyết điểm ở một người đàn ông có tài năng, còn ở một kẻ ngu ngốc thì chỉ thấy những ưu điểm; họ có nhiều thiện cảm với những ưu điểm của kẻ ngu ngốc, nó là một lời nịnh nọt vĩnh viễn đối với những khuyết điểm của chính bản thân họ, còn như người đàn ông ưu việt thì không đem lại cho họ những lạc thú đủ đền bù cho những nhược điểm của mình. Tài năng là một bệnh sốt cơn, chẳng có người đàn bà nào lại ưng chỉ chia sẻ những điều khó chịu của nó; hết thảy họ đều muốn tìm thấy ở tình nhân của họ những lý do để làm thỏa mãn tính tự cao của họ; chính là họ yêu bản thân họ trong con người chúng ta! Một người đàn ông nghèo, tự trọng, nghệ sĩ, được phú cho năng lực sáng tạo, phải chăng họ có tính vị kỷ đến khó chịu? Chung quanh họ dường như có cơn lốc những tu tưởng gì đó mà họ bao vây hết thảy, kể cả tình nương của họ cũng phải chuyển động theo. Một người đàn bà quen được xiểm nịnh có thể tin ở tình yêu của người đàn ông như thế chăng? Họ có tìm đến người đó chăng? Người tình lang thế ấy không có thì giờ nhàn rỗi để thả mình bên chiếc đi-văng làm những trò tình cảm vụn vặt mà người đàn bà vốn ưa thích và nó là lẽ thắng của những kẻ giả mạo và vô tình. Thì giờ còn không đủ cho những công trình của họ, họ còn có lúc nào để thu nhỏ mình lại, để tô điểm cho mình? Tôi sẵn sàng hiến cả cuộc đời một lúc, nhưng tôi không thể tự xé lẻ để hạ mình. Nghĩa là trong cung cách một tay trọng mãi làm những việc mà một người đàn bà tầm thường và õng ẹo nhờ cậy, có cái gì là nhỏ nhen mà người nghệ sĩ ghê tởm.

Tình yêu trừu tượng không đủ cho một người đàn ông nghèo mà ưu việt, họ đòi hỏi tất cả mọi sự hy sinh của nó. Những nhân vật nhỏ mọn suốt đời chỉ những thử áo cachemire hay làm chiếc giá áo của thời trang, họ không biết hy sinh mà đòi hỏi tình nhân hy sinh, họ xem tình yêu như cái thú được chỉ huy chứ không phải được tuân theo. Người bạn lòng thật sự bằng xương bằng thịt, sẵn sàng đi theo kẻ mà họ gửi gắm cuộc đời của họ, sức lực, vinh quang, hạnh phúc của họ. Với những đàn ông ưu việt, phải có những phụ nữ phương Đông mà tư tưởng duy nhất là tìm hiểu những nhu cầu của họ; đối với họ điều bất hạnh là ở sự không ăn khớp giữa ước muốn và phương tiện. Bản thân tôi, ngỡ mình là thiên tài, chính tôi lại ưa những tình nương bé nhỏ đó! Nuôi dưỡng ý kiến rất mực trái ngược với những ý kiến tiếp thu được, có cao vọng không thang mà leo lên trời, làm chủ những của cải không được thông dụng, võ trang bằng những kiến thức rộng rãi bộn lên trong trí nhớ mà tôi chưa phân loại được, mà tôi chưa thâu thái; trơ trọi một thân không họ hàng, không bè bạn, một mình ở giữa nơi bãi hoang ghê gớm nhất, một bãi hoang lát gạch, một bãi hoang náo nhiệt, có suy nghĩ sinh động, ở đó mọi vật còn tệ hơn thù địch mà là dửng dưng! Như vậy sự quyết định của tôi là tự nhiên, tuy nó rồ dại, nó bao hàm cái gì như là không thế có được, cái đó mang lại cho tôi can đảm. Dường như là tôi đánh một ván bài với bản thân mình, mà tôi vừa là kẻ đánh vừa là tiền đặt. Kế hoạch của tôi là thế này. Số tiền một nghìn mốt quan đủ cho tôi sống trong ba năm; tôi hẹn cho mình thời gian đó phải viết xong một tác phẩm khả dĩ làm công chúng chú ý đến tôi, đem lại cho tôi tiền của và tiếng tăm. Tôi hớn hở nghĩ rằng tôi sắp sống bằng bánh và sửa như một ẩn sĩ ở Thébaïde[14], đắm mình trong thế giới sách vở và tư tưởng, trong một khu vực không ai vào được, ở giữa cái thành phố Paris rất mực ồn ào này, khu vực cần lao và im lặng, ở đó, như một con nhộng, tôi tự xây cho mình một ngôi mộ để rồi tái sinh rực rỡ và vinh quang. Tôi định liều chết để sống. Thu hẹp cuộc sống lại với những nhu cầu thật sự, với cái tối thiểu cần thiết, tôi thấy mỗi năm chỉ ba trăm sáu mươi lăm quan là đủ cho cuộc sống nghèo nàn của tôi! Quả thật món tiền còm cõi đó đã đủ thỏa mãn cuộc sống của tôi chừng nào tôi muốn tự khép mình vào kỷ luật nhà tu.

– Không thể thế được! Emile kêu lên.

– Tôi đã sống gần ba năm như thế đấy, – Raphaël đáp với một vẻ kiêu hãnh.

– Hãy tính xem!

Anh nói tiếp:

– Ba xu bánh, hai xu sữa, ba xu thịt thà khiến cho tôi khỏi chết đói và giữ cho đầu óc tôi ở tình trạng minh mẫn lạ thường. Tôi đã từng quan sát, cậu biết đấy, việc tiết chế ăn uống có tác dụng kỳ lạ tới trí tưởng tượng. Tôi phải trả ba xu một ngày tiền nhà, mỗi tối tôi thắp mất ba xu dầu, tôi tự dọn lấy buồng, tôi mặc áo sơ mi bằng flanelle để chỉ mất hai xu tiền giặt một ngày, tôi sưởi bằng than đá tính ra mỗi ngày không mất quá hai xu; tôi có đủ quần áo ngoài, quần áo trong, giày tất để dùng trong ba năm, tôi chỉ đóng bộ vào để tới vài lớp học công cộng và tới thư viện. Tất cả những chi tiêu đó gộp lại chỉ mất mười tám xu, tôi còn hai xu để chi những việc bất thường. Tôi không còn nhớ cả thời gian cần cù dài đó tôi có lần nào đi qua cầu Nghệ thuật[15] hay có bao giờ mua nước; cứ buổi sáng tôi đi lấy nước ở máy nước công viên Saint Michel, góc phố Grès. Chà! Tôi chịu đựng cảnh nghèo một cách kiêu hãnh. Một người linh cảm thấy có một tiền đồ tốt đẹp tiến lên trong cuộc sống khổ cực như một kẻ vô tội bị dẫn đi hành hình, họ chẳng hổ thẹn gì. Tôi đã không muốn dự tính khi bị ốm đau, cũng như nàng Aquilina, tôi nghĩ tới nhà thương mà không kinh hãi. Không một lúc nào tôi nghi ngờ sức khỏe của tôi. Vả lại, kẻ nghèo đã nằm xuống là chỉ để mà chết. Tôi tự cắt tóc tôi, cho tới khi một thiên thần của yêu đương và hiền hậu…

Nhưng tôi chẳng muốn nói trước về cái hoàn cảnh mà tôi sắp trải qua. Cậu chỉ nên hiểu rằng, bạn thân mến ạ, thiếu tình nương, tôi sống với một tư tưởng lớn, với một ước mơ, một điều dối mình mà thoạt đầu chúng ta ai cũng tin ít nhiều. Ngày nay, tôi cười bản thân tôi, cái tôi, có lẽ thần thánh và cao siêu, nó không còn nữa. Xã hội, người đời, những lề thói, những phong tục của chúng ta, nhìn sát sạt, đã vạch ra cho tôi thấy điều tin ngây thơ của tôi là nguy hiểm và những công việc làm nhiệt thành của tôi là vô ích. Những việc dự trữ như vậy là vô dụng đối với kẻ tham vọng, hành lý của kẻ chạy theo vận mệnh phải thật là nhẹ nhàng. Điều sai của những con người ưu việt là phung phí những năm trẻ tuổi để làm cho mình xứng đáng với sự ngưỡng mộ. Trong khi họ tích trừ, sức mạnh của họ là khoa học để chịu được dễ dàng sức nặng của một uy quyền lẩn trốn họ; những kẻ cơ mưu, lắm lời mà rỗng ý, chạy đi chạy lại, lung lạc những gã ngu ngốc, và được bọn nửa ngây thơ tin cậy; những người này học tập, những kẻ kia tiến bước; những người này khiêm tốn, những kẻ kia táo bạo; bậc thiên tài kìm lòng kiêu hãnh của họ, kẻ cơ mưu trương nó lên và nhất thiết thành đạt. Những người cầm quyền rất cần phải tin ở thành tích nguyên si, ở tài năng xông xáo, cho nên nhà bác học chân chính thật ngây thơ khi mong đợi những khen thưởng của người đời. Tất nhiên tôi chăng muốn nói dài dòng những sáo ngữ về đức hạnh, lời thánh kinh muôn thuở mà những tài năng không được biết đến thường tụng niệm, tôi chỉ muốn suy diễn ra một cách logic lý do những thành đạt thường có của những kẻ tầm thương.

Chao ôi! Việc học tập hiền hậu như người mẹ, cho nên có lẽ thật là tội lỗi khi đòi hỏi ở nó những phần thưởng nào khác hơn là những niềm vui trong trắng và dịu hiền mà nó dùng để nuôi dưỡng những đứa con của nó. Tôi nhớ lại, đã đôi khi vui vẻ chấm miệng bánh vào sữa, ngồi bên cửa sổ thở khí trời, đưa mắt lượn trên quang cảnh những mái nhà nâu, xám, đỏ bằng đá đen, bằng ngói, phủ rêu vàng hay xanh. Nếu thoạt đầu cảnh đó có vẻ buồn tẻ thì chỉ ít lâu sau tôi khám phá ra những vẻ đẹp kỳ lạ: khi thì vào buổi tối những tia sáng từ những cánh cửa đóng hờ lọt ra, nhuốm màu và làm linh hoạt những bóng đen sâu thẳm của nơi độc đáo này; khi thì ánh sáng mờ nhạt của những chiếc đèn lồng từ dưới hắt lên qua làn sương những ánh vàng nhạt và khẽ làm nổi lên trên các phố những mái nhà chen chúc nhấp nhô như một bể sóng ngưng đọng lại; họa hoằn vài bộ mặt hiện ra giữa cảnh hoang vắng tẻ lặng đó. Giữa những bông hoa của một mảnh vườn cheo leo trên cao nào đó, tôi thoáng nhìn thấy nét mặt gẫy góc và khoằm lại của một bà già đang tưới hoa kim liên, hay trong khung một chiếc cửa trổ trên mái đã mục một thiếu nữ nào đó, tưởng chỉ có một mình, đang trang điểm, tôi chỉ nhìn thấy vầng trán đẹp và làn tóc dài mà một cánh tay trắng xinh đang vén lên. Tôi thường ngắm những ống máng vài thứ cây mau tàn, những cây cỏ tội nghiệp mà một cơn giông sắp tới sẽ cuốn đi! Tôi nghiên cứu giống rêu, những màu sắc của nó mà mưa làm tươi thắm lên, và dưới ánh nắng nó biến thành một làn nhung khô ráo, màu nâu với những óng ánh đổi thay muôn vẻ. Tựu trung, những ấn tượng nên thơ và thoáng qua của ánh ngày, vẻ u sầu của làn sương, những lóng lánh đột ngột của ánh nắng, im lặng và huyền diệu của ban đêm những bí ẩn của bình minh, khói tỏa ở từng ống khói, hết thảy những biến cố của cái thiên nhiên kỳ lạ đó trở nên thân thuộc đối với tôi và khuây khỏa tôi. Tôi yêu nơi tù ngục của tôi, nó là tự nguyện!

Những thảo nguyên của Paris ấy do những mái nhà san bằng hợp thành như một cánh đồng, nhưng nó che phủ những vực sâu có người ở, đi vào tâm hồn tôi và hòa nhịp với tư tưởng tôi. Thật là mệt khi từ những nơi cao xanh mà những trầm tư khoa học lôi cuốn tới, bỗng đột ngột rơi xuống để thấy lại cõi đời. Vì vậy, tôi hoàn toàn hiểu được cách trần trụi của những tu viện. Khi tôi đã quyết ý thực hiện kế hoạch sống mới của tôi, tôi đi tìm nhà ở tại những khu phố vắng nhất ở Paris. Một buổi tối đi từ phố Estrapade, tôi qua phố hàng Cordiers để về nhà tôi. Ở góc phố Cluny, tôi trông thấy một cô gái nhỏ khoảng mười bốn tuổi đang đánh cầu với bạn, những tiếng cười và những trò tinh nghịch của chúng làm vui những người hàng xóm. Trời đẹp, buổi tối ấm áp, tháng Chín chưa qua. Trước cửa mỗi nhà, những người đàn bà ngồi trò chuyện như ở một thị trấn tỉnh nhỏ vào một ngày hội. Thoạt tiên tôi ngắm nghía cô thiếu nữ mà bộ mặt có những nét tuyệt diệu và thân hình có tư thế cho một họa sĩ. Cảnh tượng thật là ngoạn mục. Tôi tìm hiểu nguyên nhân cái cảnh hiền hậu đó ở giữa Paris, tôi để ý thấy đó là một phố cụt và chắc hẳn rất ít người qua lại. Khi nhớ ra J.-J. Rousseau đã từng sống ở nơi đây, tôi tìm thấy khách sạn Saint-Quentin, và cảnh tiều tụy của ngôi nhà khiến tôi hy vọng tìm được một chỗ ở rẻ tiền. Tôi muốn vào xem, khi vào một buồng thấp, tôi thấy những cây đèn bằng đồng cổ kính có cắm nến, xếp hàng có thứ tự trên mỗi khung cửa khum, và tôi ngạc nhiên vì thấy gian phòng sạch sẽ không như thường thấy ở các khách sạn khác. Nó được chải chuốt như một bức tranh sinh hoạt: chiếc giường màu xanh lơ, những dụng cụ, những đồ đạc có cái vẻ đỏm dáng của một cảnh vật ước lệ.

Bà chủ khách sạn, khoảng bốn mươi tuổi, nét mặt biểu lộ những niềm đau khổ, mắt như mờ đi vì khóc, bà đứng dậy bước lại phía tôi; tôi khiêm tốn nói với bà số tiền nhà tôi có thể trả được. Không tỏ vẻ ngạc nhiên, bà tìm trong chùm chìa khóa một chiếc và dẫn tôi tới những gian gác xép, ở đó bà chỉ cho tôi một buồng nhìn ra những mái nhà, những sân nhà bên cạnh, qua cửa sổ nhưng nhà này có cắm những chiếc sào dài phơi đầy quần áo. Không gì kinh khủng hơn gian gác xép đó với những bức tường vàng và bẩn, nó toát ra nỗi khổ cực và kêu gọi nhà bác học của nó. Mái nhà ở chỗ này dốc thoai thoải và những ngói lở cho nhìn thấy trời. Có đủ chỗ kê một chiếc giường, một cái bàn, vài chiếc ghế, và dưới góc mái nhà có thể để chiếc dương cầm của tôi. Không có tiền để bày biện đồ đạc cho cái buồng tương ứng với những xà lim chì ở Venise[16] đó, bà chủ tội nghiệp kia chưa bao giờ cho thuê được gian buồng này. Vừa may là tôi giữ lại được một ít đồ coi như để dùng riêng trong cuộc bán đồ vừa qua, cho nên tôi thỏa thuận ngay với bà chủ, và hôm sau tôi dọn đến ở nhà bà. Tôi sống ở cái nhà mồ cheo leo đó gần ba năm, ngày đêm làm việc không ngừng với bao nhiêu hứng thú đến mức việc học tập đối với tôi dường như là cái vấn đề đẹp nhất, cái giải pháp màu nhiệm nhất của đời người. Sự tĩnh mịch và yên lặng cần thiết cho các nhà bác học có cái gì êm đềm, say sưa như tình yêu vậy. Sự rèn luyện tư tưởng, sự tìm tòi suy nghĩ, những trầm tư mặc tưởng bình thản về khoa học đem lại cho chúng ta những hứng thú không nói xiết, không tả được như tất cả những cái gì thuộc về trí tuệ, mà những hiện tượng không thể thấy được bằng giác quan bên ngoài. Vì vậy chúng ta vẫn thường phải giải thích những bí ẩn của tinh thần bằng nhưng so sánh vật chất. Cái thú bơi trong một hồ nước trong, giữa những tảng đá, những khu rừng và hoa, một mình và có một làn gió ẩm nhẹ mơn trớn, chỉ cho những người ngoài cuộc một hình ảnh mờ nhạt về cái hạnh phúc mà tôi cảm thấy khi tâm hồn tôi tắm trong những ánh sáng không biết của thứ hào quang nào, khi tôi lắng nghe những tiếng ghê gớm và mơ hồ của cảm hứng, khi từ một nguồn xa lạ những hình ảnh lan tràn vào trí não xao xuyến của tôi. Cảm thấy một ý niệm nhô lên trên cánh đồng những trừu tượng của con người như mặt trời mọc buổi sáng, và lên cao như nó, hơn thế nữa, cứ lớn dần như đứa trẻ, tới tuổi thanh xuân, càng ngày càng thêm trai tráng, đó là một niềm vui cao hơn mọi vui thú trần gian khác, hay nói cho đúng đó là một lạc thú thần tiên. Sự học tập nghiên cứu khoác lên mọi vật chung quanh ta một vẻ huyền diệu.

Chiếc bàn mỏng mảnh mà tôi dùng để viết lách, mảnh da cừu phủ trên đó, chiếc dương cầm của tôi, chiếc giường, cái ghế bành, những hình vẽ kỳ quốc trên giấy phủ tường, tất cả những vật đó sống và trở thành những bạn nghèo của tôi, những kẻ hỗ trợ lặng lẽ cho cái tiền đồ của tôi. Đã biết bao nhiêu lần nhìn chúng, tâm hồn tôi chẳng đã cảm thông với chúng đó sao? Thường khi, đưa mắt lượn theo một đường gờ đã xộc xệch đi, tôi bắt gặp những nét phát triển mới, một chứng cớ hiển nhiên về phương pháp của tôi hay những tiếng mà tôi tưởng thích đáng để diễn tả những tư tưởng hầu như không tả được. Cứ ngắm mãi những đồ vật xung quanh, tôi tìm ra ở mỗi vật diện mạo của nó, tính cách của nó; thường khi chúng nói với tôi, nếu như bên trái mái nhà mặt trời chiếu rọi qua cửa sổ nhỏ một ánh đột ngột nào thì chúng đậm màu lên, mờ nhạt đi, óng ánh, ỉu buồn hay rộn vui, luôn luôn làm tôi ngạc nhiên vì những ấn tượng mới. Những biến cố nhỏ của cuộc sống đơn độc đó, vượt ra ngoài những bận tâm của người đời, là sự khuây khỏa cho những kẻ ở tù. Phải chăng tôi đã bị giam hãm vì một tư tưởng, bị cầm tù trong một hệ thống; nhưng được viễn cảnh của một cuộc đời vinh quang nâng đỡ! Mỗi khi vượt được một khó khăn, tôi hôn đôi bàn tay dịu dàng của người đàn bà mắt đẹp, lịch sự và giàu sang, một ngày kia sẽ ve vuốt tóc tôi mà nói với tôi một cách cảm động: Mình đã đau khổ nhiều, anh yêu quý tội nghiệp ạ. Tôi đã định viết hai tác phẩm lớn. Một vở hài kịch trong ít lâu sẽ mang lại cho tôi tiếng tăm, tiền của và sự nhập tịch xã hội thượng lưu, nơi mà tôi muốn trở lại với những uy quyền của bậc thiên tài. Tất cả các anh đã xem thấy trong thiên kiệt tác đó điều sai lầm đầu tiên của một chàng trai vừa ra khỏi nhà trường, một trò ngớ ngẩn của trẻ con. Những lời giễu cợt của các anh đã làm tiêu tan những ảo tưởng phong phú từ đó không ngóc dậy nữa. Chỉ có một mình cậu, Emile thân mến ạ, cậu đã xoa dịu vết thương mà những người khác đã khoét sâu trong lòng tôi! Chỉ có mình cậu là khen ngợi cuốn Luận về ý chí của tôi, tác phẩm dài mà tôi đã phải học ngôn ngữ phương Đông, giải phẫu học, sinh lý học, và để ra phần lớn nhất thời giờ để viết, tác phẩm đó, nếu tôi không lầm, bổ sung cho những công trình của Mesmer, của Lavater, của Gall[17], của Bichat và mở ra một con đường mới cho khoa học loài người. Tới lúc đó thì ngừng lại cuộc sống đẹp đẽ của tôi, cuộc hy sinh hàng ngày, cuộc lao động của con tằm mà đời người không biết và phần thưởng duy nhất có lẽ chính là ở ngay trong lao động. Từ tuổi khôn ngoan đến ngày tôi hoàn thành cuốn luận văn, tôi đã quan sát, học tập viết lách, đọc sách không ngừng, và cuộc đời tôi dường như một cuộc làm bài phạt dài. Vốn tính ủy mị, thích sự an nhàn kiểu phương Đông, say mê về những mơ ước của tôi, ưa khoái lạc, thế mà tôi lại làm việc liên tục, khước từ cả việc thưởng thức những lạc thú của cuộc sống ở Paris. Tính vốn háu ăn thế mà tôi đã tiết độ; vốn ưa đi đây đó cũng như viễn du trên biển cả, thích tham quan nhiều nước, còn thấy cả thú vị như trẻ con ném đá thìa lia trên mặt nước, thế mà tôi thường xuyên ngồi một chỗ, tay cầm bút; tính hay nói chuyện, thế mà tôi tới lặng im nghe những giáo sư ở các lớp công cộng tại Thư viện quốc gia và Viện bảo tàng bác vật; tôi đã ngủ trên chiếc giường tồi trơ trọi của tôi như một tu sĩ dòng Thánh Benoît[18], thế mà phụ nữ là mộng tưởng duy nhất của tôi, một mộng tưởng mà tôi mơn trớn nhưng nó cứ lẩn trốn tôi hoài! Tựu trung cuộc đời của tôi là một mâu thuẫn ác nghiệt, một sự giả trá trường cửu. Vả chăng, cậu hãy xét đoán bọn đàn ông mà xem! Đôi khi những ham muốn tự nhiên của tôi bừng dậy như một đám cháy âm ỉ lâu ngày.

Như qua một thứ ảo ảnh, hay mắc một thứ bệnh tinh thần[19], tuy tôi sống một mình, thiếu những người đàn bà mà tôi thèm muốn, trần trụi hết thảy và trú trong một gian gác xép kiếu nghệ sĩ, thế mà tôi tưởng thấy khắp chung quanh những tình nương kiều diễm! Tôi tưởng như đang rong chơi qua các phố Paris, nằm trên những đệm êm ái của một cỗ xe sang trọng! Tôi như mắc đủ thói hư, chìm đắm trong trụy lạc, muốn đủ thứ, có đủ thời nghĩa là say sưa mà bụng rỗng, như Thánh Antoine trong cơn cám dỗ[20]. May mắn là giấc ngủ rút cục dập tắt những ảo tưởng nung nấu kia đi; ngày hôm sau Khoa học mỉm cười kêu gọi tôi và tôi trung thành với nó. Tôi tưởng tượng những người đàn bà gọi là đức hạnh chắc cũng thường làm mồi cho những cơn quay cuồng vì điên rồ, thèm muốn và dục vọng như vậy, nó trào lên trong người chúng ta, ngoài ý muốn của chúng ta. Những ước mơ như vậy không phải là không quyến rũ: phải chăng nó giống như những câu chuyện buổi tối về mùa đông mà người ta tưởng như lìa nhà sang tận Trung Quốc. Nhưng đức hạnh sẽ ra thế nào trong những cuộc viễn du thú vị đó mà tư tưởng đã vượt hết mọi trở ngại?

Trong mười tháng cấm cố đầu tiên, tôi sống cuộc đời nghèo khổ và cô độc như tôi đã mô tả với cậu: ngay sáng sớm tôi lén đi kiếm thức ăn cả ngày không cho ai trông thấy; tôi dọn buồng, tôi vừa là ông chủ vừa là kẻ hầu, tôi sống kiểu Diogène[21] với lòng kiêu hãnh lạ lùng. Nhưng sau thời gian đó, thời gian mà bà chủ khách sạn và cô gái rình xem cung cách và lề thói của tôi, xem xét con người tôi và hiểu nỗi khổ cực của tôi, có lẽ vì chính bản thân họ cũng rất nghèo khổ, sau thời gian đó giữa họ và tôi có những liên hệ tất nhiên. Pauline, nhân vật kiều diễm mà những duyên dáng ngây thơ và thầm kín đã như lôi kéo tôi tại nơi đó, nàng giúp đỡ tôi nhiều việc mà tôi không từ chối được. Mọi cảnh bất hạnh đều thân thiết với nhau; chúng cùng một ngôn ngữ, cùng một lòng rộng lượng, tính rộng lượng của những ai không có của cải thì lại sẵn có tình cảm; chúng cống hiến bằng thì giờ, bằng con người. Dần dà, Pauline nghiễm nhiên làm chủ ở buồng tôi, nàng muốn phục vụ tôi mà bà mẹ không phản đối. Tôi thấy ngay cả bà mẹ cũng khâu vá quần áo cho tôi và đỏ mặt lên khi bị bắt chợt đang làm cái việc nhân từ đó. Trở thành kẻ được che chở ngoài ý muốn của tôi, tôi nhận sự giúp đỡ của họ. Muốn hiểu mối tình thân mật lạ lùng đó thì phải biết rõ sự lôi cuốn của công việc, tính chuyên quyền của tư tưởng và sự ngại ngùng tự nhiên của người sống bằng tư tưởng đối với những điều vụn vặt của đời sống vật chất. Tôi có thể nào cưỡng lại được sự ân cần tế nhị của Pauline khi nàng khẽ bước bưng lại cho tôi bữa ăn đạm bạc vì thấy tôi đã bảy tám tiếng đồng hồ mà chưa ăn gì. Với duyên dáng của người đàn bà và sự chất phác của tuổi thơ, nàng mỉm cười làm hiệu bảo tôi đừng để ý tới nàng. Đó là Ariel[22] luồn vào nhà tôi như một thiên tinh[23], và đón trước những nhu cầu của tôi.

Một buổi tối, Pauline kể chuyện nàng cho tôi nghe một cách ngây thơ cảm động. Cha nàng xưa là đội trưởng kỵ binh trong đội cận vệ hoàng đế. Ở trận sông Bérésina[24], ông bị người Cosaque[25] bắt làm tù binh. Về sau, khi Napoléon đề nghị trao đổi cho ông về thì các nhà cầm quyền Nga mất công tìm kiếm ông ở Syberia. Theo lời các tù binh khác thì ông đã trốn đi với dự định sang Ấn Độ. Từ đó bà Gaudin, bà chủ khách sạn của tôi, không được tin tức gì của chồng nữa. Những tai biến năm 1814-1815[26] xảy ra. Một mình không nguồn sinh sống và không ai cứu giúp, bà đã quyết định mở một khách sạn có buồng trọ để nuôi con gái. Bà vẫn hy vọng sẽ gặp lại chồng. Nỗi đau buồn ác nghiệt nhất của bà là không cho Pauline được học hành. Pauline của bà là con đỡ đầu của công chúa Borghèse, đáng lẽ được hưởng số phận tốt đẹp như người che chở thuộc hoàng gia đã hứa hẹn. Khi bà Gaudin thổ lộ với tôi niềm đau đớn đắng cay, nó giết hại bà đó, bà nói bằng một giọng chua xót:

– Tôi có thể gán cả mảnh giấy phong ông Gaudin làm nam tước Đế chính, và quyền được hưởng cấp phí Wistchnau[27] của chúng tôi để cho con Pauline được dạy dỗ ở Saint Denis[28]!

Tôi chợt giật mình, và để đền bù lại những sự săn sóc của hai người đàn bà đó, tôi nảy ra ý nhận giúp việc hoàn thành giáo dục cho Pauline. Sự chân thật của hai người đàn bà khi nhận lời tôi đề nghị chẳng khác gì sự ngây thơ của kẻ đề nghị. Như vậy là tôi có những giờ nghỉ ngơi. Cô bé rất có khiếu: cô học dễ dàng đến nỗi chẳng bao lâu vượt cả tôi về món dương cầm. Với thói quen nói to điều suy nghĩ ở bên tôi, nàng biểu lộ bao nhiêu là điều khả ái của một tấm lòng mở ra trước cuộc sống như một đài hoa mở rộng, dần dần đón ánh mặt trời. Nàng chuyên tâm và hứng thú nghe tôi nói, đăm đăm nhìn tôi bằng cặp mắt đen và dịu như nhung dường như mỉm cười. Nàng nhắc lại bài học bằng một giọng êm dịu và mơn trớn, tỏ nỗi vui mừng như trẻ con khi tôi hài lòng vì nàng. Bà mẹ nàng, mỗi ngày thêm lo lắng giữ gìn để tránh mọi nguy hại cho một thiếu nữ đang độ phát triển mọi khả năng mà những duyên dáng của tuổi thơ hứa hẹn, cho nên thấy nàng đóng cửa cả ngày để học tập thì vui mừng.

Nàng chỉ có chiếc dương cầm của tôi để dùng cho nên nàng lợi dụng những lúc tôi đi vắng để luyện tập. Khi về tôi thấy nàng ở buồng tôi, ăn mặc thật nhũn nhặn, nhưng ở mỗi cử động, thân hình mềm mại của nàng và những nét kiều diễm của con người nàng lộ ra dưới lần vải thô. Chân nàng xinh xắn đi đôi giày tồi giống như nhân vật của truyện Da lừa[29]. Nhưng những của báu của nàng, cái quý giá của người thiếu nữ, tất cả cái sắc đẹp phong phú đó đối với tôi cũng là uổng. Tôi tự răn tôi coi Pauline như một em gái, tôi cảm thấy ghê tởm nếu lừa dối sự tin cậy của bà mẹ nàng, tôi ngắm nghía cô gái kiều diễm đó như một bức tranh, như chân dung một tình nương đã chết. Nghĩa là nàng như đứa con của tôi, bức tượng của tôi. Như một Pygmalion[30] mới, tôi muốn biến một cô gái đồng trinh sống và có màu sắc, có tình cảm và biết nói, thành một pho tượng bằng cẩm thạch. Tôi rất nghiêm khắc với nàng, nhưng tôi càng bắt nàng chịu chế độ chuyên chế oai nghiêm của tôi thì nàng lại càng trở nên dịu dàng và thuần phục. Ví bằng tôi được những tình cảm cao thượng khuyến khích trong sự giữ mình và tự kiềm chế thì tôi cũng không thiếu những lý do của viên biện lý. Tôi chẳng thể quan niệm được sự thật thà về tiền bạc mà không có thật thà trong tư tưởng. Lừa dối một người đàn bà hay vỡ nợ bao giờ đối với tôi cũng như nhau mà thôi. Yêu một người con gái hay để người ta yêu mình tạo thành một bản hợp đồng thật sự mà những điều kiện phải được hai bên thỏa thuận. Chúng ta được tùy ý bỏ rơi một người đàn bà đi bán mình, nhưng không thể được đối với một người con gái hiến mình: họ không biết tầm quan trọng của sự hy sinh. Vậy thì tôi có thể lấy Pauline làm vợ, nhưng như thế thì thật điên rồ; phải chăng như vật là đày ải một tâm hồn hiền dịu và trong trắng vào những nỗi khổ cực kinh khủng? Cảnh nghèo của tôi nói cái tiếng nói ích kỷ của nó, và luôn luôn đặt bàn tay sắt của nó giữa con người hiền hậu kia và tôi.

Thêm nữa, tôi hổ thẹn mà thú nhận rằng tôi không quan niệm được tình yêu trong sự khổ cực. Có lẽ đó là một điều suy đốn ở tôi do cái thứ bệnh của người mà chúng ta gọi là Văn minh; như một người đàn bà, cho dù đẹp như Hélène[31] kiều diễm, như Galatée của Homer, không thể có tác dụng gì tới giác quan của tôi, dù họ chỉ rách rưới một chút xíu. Chà! Hoan hô tình yêu trong lụa là, trên cachemire, giữa những kỳ vật của xa hoa tô điểm cho nó một cách kỳ diệu, bởi chưng bản thân nó có lẽ cũng là một thứ xa hoa. Tôi ưa vò nhàu trong cơn thèm muốn của tôi những bộ cánh xinh đẹp, xé nát những bông hoa, đặt bàn tay phá hoại lên những bộ tóc bíu đồ sộ, thanh nhã và sức dầu thơm. Những cặp mắt nồng nàn ẩn sau chiếc mạng đăng-ten, nhìn xuyên qua như ngọn lửa rạch làn khói súng, đối với tôi có những vẻ quyến rũ kỳ thú. Tình yêu theo tôi đòi hỏi những dải lụa làm thang để lặng lẽ leo lên một buổi đêm đông. Còn thú gì bằng mình phủ tuyết mà bước vào một buồng rạng rỡ hương thơm, tường phủ lụa hoa, và gặp ở đó một người đàn bà cũng đang giũ tuyết: là vì còn cái tên nào khác để gọi những làn mousseline[32] mê ly để lộ nét mờ mờ thân hình nàng như một thiên thần ẩn hiện trong mây, mà nàng sẽ trút bỏ? Thêm điều, tôi ưa một niềm hạnh phúc trong lo sợ, một sự yên ổn giữa hiểm nghèo. Sau hết tôi muốn gặp lại cái người đàn bà bí mật ấy, nhưng lộng lẫy, nhưng ở giữa xã hội thượng lưu, nhưng đức hạnh, được mọi người trọng vọng, mình mang đăng-ten, kim cương, ra lệnh cho cả đô thành, và ở địa vị rất cao và rất oai nghiêm đến mức không kẻ nào dám ngỏ lời ước nguyện. Ở giữa nơi cung quyết của nàng, nàng lén đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn phủ nhận hết thảy những nghi thức giả trá kia, cái nhìn vì tôi mà khước từ cả xã hội và người đời! Quả thật đã bao nhiêu lần tôi tự thấy mình nực cười đi yêu vài thước sa hay nhung, những cây nến, một cỗ xe ngựa, một tước vị, những hình mũ miện huy chương do một người thợ kính vẽ sơn hay một người thợ bạc chế tạo, nghĩa là tất cả những cái gì giả tạo và ít tính đàn bà nhất trong người đàn bà, tôi tự chế giễu mình, tôi tự lý luận với mình, nhưng tựu trung là vô ích.

Một người đàn bà quý phái với nụ cười thanh nhã của nàng, phong cách lịch sự và lòng tự trọng của nàng làm tôi say mê, khi nàng dựng lên một hàng rào giữa nàng và xã hội là nàng vuốt ve tất cả những niềm tự phụ của tôi nó là một tình yêu. Được mọi người ghen tị, niềm hạnh phúc của tôi càng thêm đậm đà. Khi nàng không làm những cái mà những người đàn bà khác làm, khi nàng không đi đứng, sinh hoạt như họ, khi nàng mang trên mình chiếc áo khoác mà họ không thể có được, khi nàng hít thở những hương thơm riêng của nàng, thì người tình nương của tôi dường như mới thật là của tôi hơn; nàng càng xa cách thế gian, ngay cả ở trong cái trần tục của tình yêu thì nàng càng thêm diễm lệ trước con mắt tôi. May cho tôi là ở nước Pháp từ hai mươi năm nay không có hoàng hậu, nết không, có lẽ tôi sẽ yêu hoàng hậu! Muốn có phong cách của một công chúa, một người đàn bà phải giàu có. Đối chiếu với ngông cuồng viễn vông đó, Pauline ra thế nào? Nàng có thể bán cho tôi những đêm đáng giá cả cuộc đời, một tình yêu giết người và vận dụng tất cả mọi năng lực của con người được không? Chúng ta chẳng chết được vì những cô gái nghèo hiến mình cho ta! Tôi chưa bao giờ đả phá được những tình cảm đó cũng như những mơ mộng của thi sĩ đó. Tôi đã sinh ra vì thứ tình yêu không thể có được và ngẫu nhiên mà tôi được toại nguyện quá những ước vọng của tôi. Đã bao lần tôi đã chẳng bọc satin những bàn chân xinh xắn của Pauline, trùm lên thân hình mảnh dẻ như cây bạch dương non của nàng một chiếc áo sa, quàng lên ngực nàng một chiếc khăn nhẹ, để nàng giẫm lên những tấm thảm trong khách sạn của nàng và dẫn nàng ra một chiếc xe lịch sự đó sao? Tôi muốn yêu thương nàng như thế đó. Tôi đã gán cho nàng sự kiêu hãnh mà nàng không có, tôi tước bỏ ở nàng mọi nết na của nàng, những duyên dáng ngây thơ của nàng, tính hồn nhiên kỳ thú của nàng, nụ cười chất phác của nàng, để dìm nàng xuống dòng nước đục[33] những thói hư của chúng ta và làm cho trái tim nàng trơ ra, để bôi lên nàng những tội ác của chúng ta, để biến nàng thành con búp bê kỳ quái của những phòng khách của chúng ta, một người đàn bà mỏng mảnh đi ngủ buổi sáng để thức tỉnh lúc chiều tối trong ánh bình minh của những ngọn nến. Tất cả con người nàng là tình cảm, là tươi thắm, tôi lại muốn nàng khô khan và lạnh lùng. Trong những ngày điên rồ cuối cùng của tôi, tôi hồi tưởng đến Pauline như ta nhớ lại những cảnh của thời thơ ấu. Hơn một lần, tôi đã cảm động nhớ đến những giờ phút tuyệt trần: hoặc tôi lại nhìn thấy nàng ngồi khâu vá bên chiếc bàn của tôi, bình dị, lặng yên, trầm mặc trong ánh sáng mờ từ cửa sổ trên mái lọt vào, điểm trên làn tóc đẹp của nàng những ánh bạc nhẹ nhàng; hoặc tôi nghe tiếng cười thơ ngây của nàng, hay bằng cái giọng giàu âm sắc nàng hát những khúc tình ca duyên dáng mà nàng tự soạn lấy dễ dàng. Thường khi nàng cảm kích vì chơi nhạc: bấy giờ mặt nàng giống hệt bộ mặt thanh cao mà Carlo Dolci[34] vẽ để hình dung nước Ý.Cái trí nhớ tai ác của tôi ném người thiếu nữ đó vào giữa cuộc đời phóng đãng của tôi như một niềm ân hận, như một hình ảnh của đức hạnh! Nhưng thôi, hãy trả cô bé tội nghiệp cho số phận của cô! Dù nàng khổ cực đến thế nào, ít ra tôi cũng đã để nàng tránh khỏi một cơn giông tố khủng khiếp khi tôi không lôi kéo nàng vào nơi địa ngục của tôi.

Chú thích:

[1] Nền học nước Pháp có phân biệt hai hệ thống: Hệ thống trường lycées (trung học) và trường collèges (thành chung), hệ thống thứ hai này thường là để cho con nhà nghèo bình dân theo học.

[2] Theo Công giáo ngày thứ sáu kiêng ăn thịt.

[3] Nguyên văn: Cravate de cocher là cravat của tay đánh xe ngựa.

[4] Véry: Hiệu cao lâu có thật ở khu Hoàng cung Paris thời đó.

[5] Mariage de Figaro: Vở hài kịch nổi tiếng của kịch sĩ Pháp Bomacse (Beaumarchais 1732-1799).

[6] Macbeth: Bi kịch của Shakespeare.

[7] Nguyên văn; Cầu khấn và ước nguyện nhiều hơn cả trên chuyến tàu bị bão ba lần (khi tàu thủy bị bão, hành khách thường cầu nguyện).

[8] Cỗ bài xì có quân bài phương Tây là quân vua (rô), nhưng ta quen gọi là quân tây.

[9] Prusse và Bavière là hai miền nước Đức.

[10] De Villèle: Thủ tướng Pháp thời Trùng hưng (l815

-1830), chủ trương quân chủ cực đoan.

[11] Nguyên văn rococo: Phong cách Rococo là nói kiểu trang hoàng trong nhà kỳ quái, dùng nhiều đồ đồng hun.

[12] Marceline: Nhân vật trong hài kịch Đám cưới Figaro của Bomacse. Không biết Figaro là con mình, Marceline yêu Figaro và định lấy Figaro nhưng sau biết sự thật, nàng trở thành người mẹ hiền.

[13] André de Chénier (l762-1794): Nhà thơ Pháp bị tử hình vì có quan hệ với bọn phản cách mạng.

[14] Thébaïde: Một miền ở Bắc Ai Cập, xưa những tu sĩ đạo Thiên chúa ẩn ở những sa mạc miền này.

[15] Hồi đó người đi bộ qua cầu Nghệ thuật phải trả một xu.

[16] Những xà lim tường lát những tấm chì để tăng sức nóng dưới ánh mặt trời, khiến cho người bị giam thêm đau đớn, những xà lim này ở lâu đài viên thủ lĩnh thành Venise xưa.

[17] Mesmer (1734-1815): Người sáng lập ra thuyết từ tính động vật phản khoa học. Lavater (1741-1801): Người sáng lập ra khoa tướng mạo học giả khoa học, đặt quan hệ giữa nét mặt và tính cách con người. Gall (1758-1828): Người sáng lập ra khoa não tướng học giả khoa học.

[18] Saint Benoît: Người sáng lập ra dòng đạo chủ trương một cuộc sống nghiêm ngặt, khổ công nghiên cứu học tập (thế kỷ VI).

[19] Calenture: Một thứ bệnh tinh thần, thủy thủ xứ lạnh đi tới miền nhiệt đới thường hay mắc.

[20] Saint Antoine: Tu sĩ ẩn ở Bắc Ai Cập (thế kỷ III, VI), theo truyền thuyết, đã cưỡng lại nhiều sự cám dỗ.

[21] Diogène: Nhà triết học Hy Lạp (trước công lịch) chủ trương sống theo tự nhiên, ông ngủ trong một chiếc thùng, khinh miệt người đời.

[22] Ariel: Nhân vật kỳ lạ trong kịch Bão táp của Shakepeare, như một vị thần phúc đức.

[23] Theo thần thoại người Celtes và Germains xưa (Đức, Bắc Âu).

[24] Bérésina: Một con sông nước Nga. quân đội Napoléon thất trận ở đó.

[25] Cosaque: Một giống người miền Nam nước Nga giỏi cưỡi ngựa.

[26] Đây nói những thất bại của Napoléon kết thúc bằng trận Waterloo.

[27] Wistchnau: Cấp phí do Napoléon đặt ra để thưởng binh sĩ.

[28] Saint Denis: Trường riêng để dạy dỗ con cái những người được huân chương Bắc đẩu bội tinh do Napoléon đặt ra.

[29] Truyện ngắn của Sacle Perro: Một nàng công chúa giấu cha ăn mặc quần áo người hầu.

[30] Pygmalion: nhà nặn tượng xưa ở đảo Syp yêu pho tượng Galatée của mình, sau thần Venus làm cho pho tượng đó sống thì ông ta lấy làm vợ.

[31] Hélène: Công chúa Hy Lạp nổi tiếng vì sắc đẹp, vợ của vua Menelax, sau bị Paris bắt cóc, do đấy nổ ra cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp và dân thành Troy, cuộc chiến tranh được mô tả trong thiên anh hùng ca Iliad của Homer.

[32] Mousseline: Một thứ vải mỏng nhẹ như voan ở đây

mousseline trắng được ví như tuyết.

[33] Nguyên văn là Styx: Một con sông dưới âm phủ (theo thần thoại).

[34] Carlo Dolci: (1616 – 1686): Họa sĩ Ý.

Bình luận