Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)

Chương 4: Tấm bùa 4

Tác giả: Honoré de Balzac

Ngắm những phòng khách lúc này thì chẳng khác gì nhìn thấy trước cảnh Pandémonium của Milton[1]. Những ánh xanh lơ của rượu pha[2] nhuốm một màu kinh khủng lên mặt những ai còn có thể uống được. Những cuộc khiêu vũ điên cuồng, do một nhiệt tình man rợ kích động, gây nên những tiếng cười và tiếng la ó nổ lên như tiếng pháo hoa. Gian hậu phòng và phòng khách nhỏ, la liệt những người chết và người hấp hối, bày ra hình ảnh một bãi chiến trường. Không khí nồng nặc hơi rượu, hành lạc và lời nói. Say sưa, ân ái, cuồng nhiệt, quên khuấy cuộc đời, những cái đó nằm trong tim, hiện trên mặt, ghi trên thảm, biểu thị trong sự hỗn loạn, và phủ lên mọi con mắt những tấm màn nhẹ làm cho trông thấy trong không khí làn hơi say người. Như trong những vệt sáng do một tia nắng vạch ra, một làn bụi óng ánh xao xuyến, qua đó chờn vờn những hình thái biến hóa lạ kiểu nhất, những xung đột thô kệch nhất. Đây đó, từng nhóm những bộ mặt quyện lấy nhau hỗn hợp với những đồ đá hoa trắng, những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp trang trí các gian phòng. Tuy đôi bạn còn giữ được một thứ tỉnh táo đại khái trong ý nghĩ và trong cơ thể, một run rẩy cuối cùng không đủ để giả đò cuộc sống, họ không thể nhận ra được cái gì là thực trong những điều tưởng tượng lạ kỳ, cái gì là có thế có trong những bức tranh dị thường luôn giễu qua trước con mắt mệt mỏi của họ. Bầu trời ngột ngạt trong những cơn mê của chúng ta, vẻ dịu dàng nồng thắm của những bộ mặt trong ảo ảnh của chúng ta, nhất là cái gì như là cái nhanh nhẹn bị xiềng xích, nghĩa là những hiện tượng lạ lùng nhất của giấc ngủ, tấn công họ mạnh mẽ đến mức họ lẫn lộn những trò trác táng đó với những diễn biến của một cơn mê sảng trong đó có vận động mà không ồn ào, có tiếng la thét mà tai không nghe thấy gì. Lúc đó gã hầu buồng tin cẩn khó khăn lắm mới kéo được ông chủ ra phòng đợi và rỉ vào tai:

– Thưa ông, tất cả hàng xóm đều ra cửa sổ và la phiền vì sự ồn ào.

– Nếu họ sợ ồn ào thì sao họ lại không thể lấy rơm mà bịt cửa lại? – Taillefer thét lên.

Bỗng Raphaël phá ra cười, cái cười trái tiết đến khôi hài khiến cho bạn anh phải hỏi vì đâu mà có một niềm vui tàn bạo như vậy.

– Cậu khó mà hiểu mình được, – anh đáp. – Trước hết phải thú thực với cậu rằng các cậu đã gặp tôi ở đường bờ sông Voltaire giữa lúc tôi sắp sửa gieo mình xuống sông Seine, và chắc hẳn cậu muốn biết tại sao tôi định tự tử. Song nếu tôi nói thêm rằng, vì một sự ngẫu nhiên hầu như kỳ lạ, bao nhiêu hoang tàn thơ mộng nhất của thế giới vật chất vừa được thâu tóm trước mắt tôi bằng một sự diễn tả tượng trưng cái lẽ phải của con người; còn lúc này đây thì những mảnh tàn của bao nhiêu tài sản tinh thần của chúng ta đã thô bạo tàn phá bên bàn tiệc, kết thúc ở hai cô gái này, hình ảnh sắc nét và độc đáo của điên cuồng; và sự bàng quan thâm căn của chúng ta đối với người và vật đã dùng làm bước chuyển tiếp giữa những bức tranh đậm màu của hai hệ thống sinh tồn rất đỗi trái ngược nhau, nếu tôi nói thêm như vậy thì phỏng cậu có hiểu gì hơn không? Nếu cậu không say, có lẽ cậu sẽ xem thấy ở đó một bản khái luận về triết học.

– Nếu cậu không giẫm cả hai chân lên nàng Aquilina kiều diễm này mà tiếng ngáy có cái gì giống như tiếng gào thét của một cơn giông sắp nổ, – Emile nói, chính anh cũng đang nghịch quấn vào rồi lại xổ ra mớ tóc của Euphrasie, mà chẳng ý thức gì về cái trò chơi vô tội đó, – cậu sẽ hổ thẹn vì say sưa của ba hoa. Hai cái hệ thống của cậu có thể nhập vào một lời và thu lại một tư tưởng. Cuộc sống giản dị và máy móc dẫn tới thứ khôn ngoan rồ dại nào đó vì nó bóp ngạt trí tuệ chúng ta bằng lao động; còn như cuộc sống trong cái rỗng tuếch của những trừu tượng hay trong vực sâu của thế giới tinh thần thì dẫn tới thứ khôn ngoan điên cuồng nào đó. Nói tóm lại, giết hết tình cảm để được sống già, hay chết yểu vì nhận lấy sự giày vò của dục vọng, đó là phán nghị của chúng ta. Thêm nửa nghị án đó chống chọi với những tính chất mà gã nhạo báng tàn nhẫn đã phú cho chúng ta, nhờ gã đó mà chúng ta làm chủ nhân của muôn vật.

– Khỉ lắm! – Raphaël la lên để ngắt lời. – Nếu cậu cứ tiếp tục tóm tắt như vậy cậu sẽ viết nên bao nhiêu cuốn sách đấy! Nếu định trình bày hai ý đó cho thích đáng thì tôi sẽ bảo cậu rằng con người làm hư hỏng mình bằng sự vận dung lý trí và tinh luyện mình bằng sự dốt nát. Như thế là kết án mọi xã hội đấy. Nhưng dù chúng ta sống với kẻ khôn ngoan hay chúng ta chết với bọn điên rồ, phải chăng sớm muộn kết quả cũng thế mà thôi? Bởi vậy cho nên bậc vĩ nhân trừu tượng hóa cái tinh hoa[3] xưa đã từng diễn đạt hai hệ thống đó bằng hai tiếng: Carymary, Carymara [4]

– Cậu làm tôi nghi ngờ uy quyền của Thượng đế, bởi vì cái ngu của cậu to hơn là quyền hành của Người. – Emile đáp. – Rabelais thân yêu của chúng ta đã giải quyết có triết lý đó bằng một tiếng ngắn gọn hơn là Carymary, Carymara: đó là có lẽ, từ đó mà Montaigne đã rút ra lời Ta biết gì đây?[5] Thế mà những tiếng cuối cùng của khoa học luân lý này cũng chỉ là lời thốt ra của Pyrrhon[6] đứng giữa điều thiện và điều ác, như con lừa của Buridan[7] đứng giữa hai đấu thóc. Nhưng thôi, hãy gác lại cuộc bàn cãi trường cửu đó, ngày nay nó đã kết thúc bằng có và không. Vậy thì cậu nhảy xuống sông Seine để định lý cuộc thí nghiệm gì? Cậu có ghen với chiếc máy thuỷ lực ở cầu Đức bà không?

– Chà! Ví bằng cậu biết rõ cuộc đời mình.

– A ha! – Emile kêu lên, – tôi đã không nghĩ rằng cậu tầm thường đến thế, lời nói đó sáo lắm rồi. Cầu lại không hiểu rằng bọn chúng ta đều tự phụ là đau khổ hơn mọi ngươi hay sao?

– Chà! – Raphaël kêu lên…

– Mà cậu chà một cách đến là khôi hài! Thôi nghe đây, một bệnh về tâm hồn hay về thể xác bắt buộc cậu mỗi buổi sáng phải vận dụng gân cốt mà ghìm những con ngựa sẽ phanh thây cậu vào buổi chiều, như Damiens[8] đã làm xưa kia đó chăng? Cậu đã phải ăn thịt sống con chó của cậu, không muối, trong gác xép của cậu đó chăng? Lũ con cậu đã lần nào kêu đói chăng? Cậu đã bán mớ tóc của tình nương cậu để đánh bạc chăng? Cậu đã lần nào phải đi thanh toán ở một nơi trú ngụ giả một hối phiếu giả, viết tên một ông chủ giả, với mối lo đến chậm quá chăng? Thôi, tôi nghe đây. Nếu cậu trầm mình vì một người đàn bà, vì một chứng thư chối nợ, hay vì ưu phiền, thì tôi từ cậu. Thú thật đi, đừng nói dối; tôi chẳng yêu cầu cậu viết hồi ký lịch sử. Nhất là hãy nói ngắn gọn như cơn say cho phép cậu, tôi khó tính như một bạn đọc, và sẵn sàng ngủ như một phụ nữ đọc kinh chiều.

– Đồ ngốc đáng thương! – Raphaël nói. – Từ thuở nào đau thương không còn theo tỷ lệ thuận với nhuệ cảm? Khi nào chúng ta đạt tới trình độ khoa học cho phép chúng ta tạo nên một khoa cách vật học về những trái tim, định danh chúng, phân loại chúng thành chủng, thành phân chủng, thành tộc, thành loại tôm cá, thành loại thạch hóa, thành loại thằn lằn, thành loại vi sinh vật, thành… cái gì nữa? Lúc bấy giờ, bạn hiền ạ, sẽ chứng minh cái điều là có những trái tim thắm thiết, những trái tim mềm yếu, như những bông hoa, và như hoa chúng tan nát chỉ vì những xúc phạm nhẹ nhàng mà một số tim sắt đá không cảm thấy được.

– Ồ! Thôi xin, miễn cho mình lời tựa của cậu, – Emile nửa đùa nửa thương hại, và nắm lấy tay Raphaël.

Chú thích:

[1] Le Pandémonium de Milton: Pandémonium là nơi ở của ma quỷ, trong thơ của thi sĩ Anh Milton (thế kỷ XVII).

[2] Punch: Tiếng Anh, nghĩa là rượu pha.

[3] Đây nói nhà văn Pháp F. Rabelais trong tác phẩm Gargantua và Pantagruel (Quyển V) nói đến vương quốc của chúa Tinh hoa (Quintes-sence).

[4] Carymary Carymara: Tiếng kêu vô nghĩa của người Paris khi Gargantua tới Paris (Quyển I).

[5] Montaigne (1533 -1592): Nhà văn Pháp kiêm triết gia, biểu thị lòng hoài nghi của ông bằng câu: “Ta biết gì đây?” trong tập Tùy bút (Essais).

[6] Pyrrhon: Triết gia hoài nghi chủ nghĩa Hy Lạp, trước công lịch.

[7] Buridan: Nhà lý luận kinh viện Pháp thế kỷ XIV: Để phủ nhận tự do của ý chí, ông viện thí dụ con lừa lưỡng lự đến chết đói trước hai đống thóc vì không biết đi đến đống nào. Con lừa của Buridan, chỉ người không kiên quyết, do dự.

[8] Damiens: Người Pháp, thế kỷ XVIII, đã đâm vua Louis XV một nhát dao sau đó bị phanh thây.

Bình luận