Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)

Chương 10: Cá hấp hối 2

Tác giả: Honoré de Balzac

Họ bước thong thả xuống cầu thang; rồi, gắn chặt với nhau, cùng đi một bước, cùng run rẩy mang nặng niềm hạnh phúc chung, siết lấy nhau như đôi chim cu, họ đi tới quảng trường Xorbon, ở đó xe của Pauline đang chờ.

– Em muốn đến nhà anh, – nàng kêu lên. – Em muốn nhìn buồng ngủ của anh, phòng làm việc của anh, và ngồi vào chiếc bàn anh vẫn làm việc: Cứ như trước kia ấy, – nàng đỏ mặt nói thêm. – Joseph, – nàng bảo một người hầu, – tôi đến phố Varen rồi mới về nhà. Đã ba giờ mười lăm rồi, bốn giờ tôi phải về đến nhà, anh Georges cho ngựa chạy mau lên.

Và chỉ một thoáng đôi tình nhân đã tới lầu của Valentin.

– Chao! Được ngắm những cái này em sung sướng biết mấy. – Pauline vừa thốt lên vừa vò nhàu diềm màn bằng lụa căng trên giường Raphaël. – Khi nào em ngủ, em sẽ tưởng tượng như nằm chỗ kia. Em hình dung đầu yêu mến của anh đặt trên chiếc gối này. Này, anh Raphaël, khi bày đồ đạc nhà của anh, anh không hỏi ý kiến ai đấy chứ?

– Chẳng hỏi ai cả.

– Thật không? Không phải một người đàn bà đã…

– Pauline!

– Chao! Tôi cảm thấy ghen tuông quỷ quái. Anh thật có mỹ quan. Ngày mai em muốn có một chiếc giường giống như của anh.

Raphaël say sưa sung sướng ôm lấy Pauline.

– Chao! Còn cha tôi, cha tôi? – Nàng nói.

– Bây giờ anh dẫn em về, vì anh muốn xa em càng ít càng hay, – Valentin kêu lên.

– Anh dễ thương quá, em không dám đề nghị với anh…

– Em chẳng là cuộc sống của anh sao?

Thật là nhạt nhẽo nếu cứ ghi đầy đủ hết những trò chuyện yêu đương dễ mến ấy mà chỉ có giọng nói, vẻ nhìn, một cử chỉ khôn tả là có giá trị mà thôi. Valentin dẫn Pauline đến tận nhà, và trở về lòng tràn đầy vui sướng như con người có thể cảm thấy và mong được ở trần gian này. Khi anh ngồi xuống chiếc ghế bành, bên cạnh lửa, nghĩ đến sự thực hiện, đột ngột và hoàn toàn mọi ước vọng của anh, thì một ý nghĩ giá lạnh xuyên qua lòng anh như một mũi dao găm xuyên qua ngực anh nhìn miếng Da lừa, nó đã co lại một ít. Anh văng ra cái lời rủa tục tằn tiếng Pháp, mà chẳng phải giả dối gượng nhẹ như nữ linh mục xứ Andouillettes[1], ngả đầu ra ghế và ngồi ngay đờ, mắt dán vào một chiếc móc màn mà chẳng nhìn thấy nó.

– Trời già! – anh thét lên, – Sao hết thảy mọi ước nguyện của tôi, hết thảy? Pauline tội nghiệp! Anh lấy một chiếc com pa, đo xem cả buổi sớm đã làm mất của anh bao nhiêu tuổi đời. Ta không còn sống đến hai tháng nữa, anh nói. – Mồ hôi lạnh toát ra, anh bỗng tuân theo một cơn điên cuồng khó tả, nắm lấy miếng Da lừa mà kêu lên: – Ta ngu xuẩn quá! Anh bước ra ngoài, chạy qua các khu vườn và quăng tấm bùa xuống một đáy giếng. – Mặc xác, – anh nói. – Xéo cho hết những điều ngu ngốc ấy!

Thế là Raphaël để mình trôi theo hạnh phúc yêu đương và sống thắm thiết với Pauline, nàng không quan niệm được sự từ chối trong tình yêu. Ngày cưới của họ, bị hoãn lại vì những trở ngại chẳng hay gì mà kể lại, định vào đầu tháng Ba. Họ thử thách nhau, không nghi ngờ bản thân mình, và hạnh phúc đã bày ra tất cả sức mạnh niềm yêu thương của họ, chưa bao giờ hai tâm hồn, hai tính cách lại hòa hợp với nhau hoàn toàn vì tình đến như họ, càng tìm hiểu nhau họ càng yêu nhau hơn, cả hai bên cùng tế nhị, cùng e lệ, cùng khoái trá, niềm khoái trá êm ái bậc nhất, của những thiên thần, bầu trời không vẩn chút mây; kế tiếp nhau ý muốn của người này làm quy chế cho người kia. Cả hai cùng giàu có, không một sở thích nào mà họ không làm toại nguyện được, và như thế chẳng còn sở thích nữa. Nàng có một nhãn quan cao nhã, tinh thần thẩm mỹ, một tâm hồn thơ thật sự; coi khinh những chuyện tiền nong vụn vặt, một nụ cười của tình lang đối với nàng dường như đẹp hơn hết thảy những ngọc trai Ormus[2], mousseline hay hoa tươi là những đồ trang điểm sang nhất của nàng. Vả chăng Pauline và Raphaël lẩn tránh xã hội thượng lưu, cảnh sống tĩnh mịch đối với họ đẹp biết mấy, phong phú biết mấy! Bọn nhàn rỗi đúng tối nào cũng thấy cặp vợ chồng ngoại lệ đó ở rạp Ý Đại Lợi hay Viện Ca Kịch. Nếu ban đầu có những lời gièm pha làm vui các phòng khách, thì chẳng bao lâu bao nhiêu biến cố như thác lũ đổ xuống Paris[3] làm người ta quên mất cặp tình nhân ngây thơ; sau hết, cũng là một thứ thác từ đối với những kẻ câu nệ, cuộc hôn nhân của họ đã được loan báo, mà ngẫu nhiên những người hầu hạ của họ lại kín tiếng; như vậy chẳng có điều gì quá dữ làm ngăn trở hạnh phúc của họ.

Vào khoảng cuối tháng Hai, thời kỳ mà những ngày khá đẹp trời làm tưởng như đã sang mùa xuân hớn hở, một buổi sáng, Pauline và Raphaël cùng ngồi ăn trong một nhà kính nhỏ, một thứ phòng khách đầy hoa và bước thẳng ra vườn. Mặt trời dịu và mờ mùa đông, với những tia nắng tắt ngẵng qua những cây nhỏ hiếm hoi, làm thời tiết lúc ấy giờ ấm lên. Con mắt vui vui vì những tương phản rõ rệt của các vòm lá khác nhau, vì màu sắc của những cụm hoa, vì tất cả huyền ảo của ánh sáng và bóng tối Khi toàn thể Paris còn ngồi sưởi trước lò buồn thiu thì cặp vợ chồng trẻ vui cười giữa những ô hoa sơn trà, đinh hương, thạch thảo. Đầu họ hớn hở nhô lên trên những dàn hoa thủy tiên, linh lan và hồng xứ Bengan. Trong gian nhà kính thú vị và sang trọng đó dưới đất trải một chiếc chiếu châu Phi nhuộm màu như một tấm thảm. Những vách căng vải chéo go xanh lá cây không hề có một vết ẩm. Đồ đạc bằng gỗ bề ngoài tưởng thô lậu, nhưng lần vỏ cây đánh nhẵn sạch bóng. Một con mèo ngửi thấy mùi sữa lên ngồi chồm chỗm trên bàn và để cho Pauline lấy cà phê bôi lem luốc; nàng giỡn với nó, để nó hít hít hơi kem mà không cho ăn, luyện cho nó tính kiên nhẫn và kéo dài cuộc vật lộn; nàng phá ra cười mỗi khi nó nhăn nhó, và nói đủ mọi lời bông đùa để ngăn không cho Raphaël đọc báo, anh phải rời bỏ tờ báo đến mười lần rồi. Trong cái cảnh sớm mai đó tràn ngập một niềm hạnh phúc, khó tả như tất cả cái gì tự nhiên và thật, Raphaël vẫn giả vờ xem báo và ngắm trộm Pauline đùa với mèo, Pauline của anh khoác một chiếc áo choàng dài không che kín hết người nàng, Pauline của anh tóc rối bời và để thò ra một bàn chân nhỏ trắng với đường gân xanh trong một chiếc giày êm bằng nhung đen. Yêu kiều khi để lộ thân, tuyệt diệu như những nhân vật kỳ dị của Westhall[4], nàng dường như vừa là thiếu nữ vừa là người vợ; có lẽ thiếu nữ nhiều hơn, nàng hưởng một niềm hạnh phúc thuần khiết: và mới biết những lạc thú đầu tiên của tình yêu. Đang lúc mải mê trong cơn mơ mộng êm đềm, Raphaël quên mất tờ báo, Pauline cầm lấy vò thành một nắm tròn, ném ra vườn, lập tức con mèo chạy theo chính trị là cái xưa nay bao giờ cũng vẫn xoay quanh bản thân nó.

Khi Raphaël lơ đãng vì cảnh tượng trẻ thơ ấy, muốn tiếp tục đọc và giơ tay với tờ báo đã biến mất, thì những tiếng cười thật thà, vui nhộn nổ ran, tự nó tái diễn như những tiếng chim hót.

– Em ghen với tờ báo đấy, – nàng vừa nói vừa lau những giọt nước mắt chảy ra vì cái cười thơ ngây. Phải chăng là một sự phản bội, – nàng đột nhiên trở thành người vợ và nói tiếp, – khi ở trước mặt em mà lại đọc những lời tuyên bố của nước Nga, và ưa thích văn chương của hoàng đế Nicolas[5] hơn là những lời nói, những vẻ nhìn của tình yêu?

– Anh chẳng đọc, thiên thần yêu quý của anh, anh nhìn em đấy chứ.

Vừa lúc đó, bước chân nặng của người làm vườn đi giày đóng đế sắt lạo sạo trên lối đi rải cát vàng tới gần nhà kính.

– Thưa hầu tước, xin tha lỗi cho tôi đã quấy rối ông và bà, nhưng tôi mang đến cho ông một vật kỳ dị mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Khi nãy, trộm phép ông, tôi kéo một thùng nước giếng thì lấy lên được cái cây biển lạ lùng này. Nó đây! Chắc hẳn phải quen nước lắm, là vì nó chẳng ướt, mà cũng chẳng ẩm. Khô như gỗ vậy, mà chẳng nhờn chút nào. Hầu tước tất nhiên học thức hơn tôi, tôi nghĩ phải đưa nó cho ông, và hẳn là ông quan tâm đến nó.

Rồi người làm vườn đưa cho Raphaël miếng Da lừa tàn khốc, nó rộng không quá sáu phân vuông[6].

– Cám ơn bác Vanie, – Raphaël nói. – Cái vật này kỳ dị thật.

– Anh yêu quý, anh làm sao vậy? Anh tái đi! – Pauline kêu lên. Thôi bác cứ đi, bác Vanie ạ.

– Giọng nói anh làm em hãi quá. – Cô gái nói tiếp – nó khác đi thế nào ấy. Anh làm sao? Anh thấy người thế nào? Anh đau ở đâu? Anh đau rồi. Gọi thầy thuốc – nàng thét lên – bác Jonathas giúp tôi với!

– Pauline của anh, em im đi. – Raphaël lấy lại bình tĩnh đáp. Chúng ta đi ra thôi… Gần anh một bông hoa có mùi làm anh khó chịu. Có lẽ tại cái hoa mã tiền đó chăng?

Pauline xô đến cái cây vô tội đó, nắm thân nó, ném ra ngoài vườn.

– Chao ôi! Anh yêu quý – nàng vừa la vừa ôm lấy Raphaël siết mạnh như tình yêu của họ, và lả lơi đỏm dáng đưa làn môi thắm đến cho anh hôn, – trông thấy anh tái mặt đi, em thấy rằng em sẽ không sống lâu hơn anh, tính mệnh của anh là tính mệnh của em, Raphaël của em ạ, anh đặt tay lên lưng em xem. Em còn thấy rùng mình, em ớn lạnh. Môi anh nóng bỏng. Thế còn tay anh?… nó giá lạnh, – nàng nói thêm.

– Em điên! – Raphaël kêu.

– Tại sao anh lại rỏ nước mắt? – Nàng nói – Để em uống nó đi.

– Chao! Pauline, Pauline, em yêu anh quá lắm.

– Anh có chuyện gì lạ xảy ra thế anh, anh Raphaël? Anh nói thật đi, rồi em cũng sẽ biết điều bí mật của anh. Anh đưa em cái này, – Nàng vừa nói và cầm miếng Da lừa.

– Mày là đao phủ của tao. – Chàng trai thét lên và nhìn tấm bùa một cách kinh khủng.

– Giọng anh khác đi quá! – Pauline đáp và để rơi cái vật tượng trưng số mệnh tai ác.

– Em có yêu anh không? – Anh lại nói.

– Có chứ, em yêu anh, còn phải hỏi ư?

– Thế thì, em để cho anh yên, em đi đi!

Cô bé tội nghiệp đi ra.

– Sao? – Raphaël la lên khi chỉ còn một mình – ở một thế kỷ ánh sáng mà chúng ta đã biết kim cương là những tinh thể của chất carbon, trong một thời đại mà mọi cái đều được giải thích, mà cảnh sát đưa một Chúa cứu thế mới ra tòa và đệ trình những phép màu của hắn lên Viện Hàn lâm khoa học, ở thời buổi mà chúng ta chỉ còn tin ở chữ ký của những quản lý văn khế, có lẽ nào ta! Ta lại tin ở một thứ Mané, Thekel, Pharès ấy[7]. Không, đã có Trời. Ta không nghĩ rằng Đấng tối cao có thể vui lòng mà hành hạ một nhân vật lương thiện. Hãy đi tìm các nhà bác học. Chẳng mấy lúc anh tới giữa khu Chợ rượu, nơi tập hợp các loại thùng rộng lớn, và khu Kho Salpêtrière, chủng viện to lớn của bệnh say, trước mặt một cái đầm nhỏ ở đó nô giỡn những con vịt đặc biệt vì thuộc những giống hiếm hoi, và màu lông óng ánh của chúng giống những kính màu ở nhà thờ, lấp loáng dưới ánh mặt trời. Tất cả giống vịt trên thế giới đều có ở đây, chúng kêu, chúng mò, lúc nhúc và họp thành một thứ nghị viện vịt miễn cưỡng tập hợp, nhưng may là không hiến chương cũng như cương lĩnh chính trị và sống mà không gặp kẻ đi săn, dưới con mắt những nhà tự nhiên học họ hững hờ nhìn chúng.

– Ông Lavrille kia kìa, – một người giữ khóa bảo Raphaël khi anh hỏi gặp bậc đại sư của khoa động vật học đó.

Hầu tước trông thấy một người bé nhỏ đang mê say trong những trầm tư khoa học gì đó trước hình dáng hai con vịt. Nhà bác học ấy, giữa hai lứa tuổi, có bộ mặt hiền hậu, càng dịu dàng vì một thái độ ân cần, nhưng trong toàn thân ông ngư trị một sự chuyên tâm khoa học; ông luôn luôn gãi đầu nên bộ tóc giả của ông bị hếch lên một cách lạ kiểu, để lộ ra một đường tóc bạc nói lên sự cuồng nhiệt của những phát minh nó, giống như mọi dục vọng, tách rời chúng ta ra khỏi sư vật thế gian này mạnh mẽ đến mức chúng ta mất cả ý thức về cái bản ngã. Raphaël là nhà khoa học và nghiên cứu nên khâm phục nhà tự nhiên học đó mà những đêm thức là dành cho sự mở rộng kiến thức con người, mà những sai lầm cũng phục vụ cho vinh quang của nước Pháp; nhưng một tình nương trẻ chắc là sẽ cười vì giữa chiếc quần cộc và chiếc gi-lê kẻ sọc thiếu sự ăn khớp với nhau, cái kẽ hở đó vả chăng được che đi kín đáo bằng một chiếc sơ mi mà ông đã làm nhàu quá sức vì ông luôn luôn hết cúi xuống lại ngẩng lên theo sự quan sát động vật sinh thành học của ông…

Sau mấy lời chào hỏi đầu tiên, Raphaël thấy cần phải ngỏ với ông Lavrille một lời chúc tụng nhạt nhẽo về đàn vịt của ông.

– Chà! Chúng tôi thì giàu vịt lắm, – nhà tự nhiên học nói. – Vả chăng cái giống này, mà chắc ông cũng biết là giống đẻ nhiều nhất trong loại du cầm. Nó bắt đầu từ con thiên nga và cuối cùng là vịt zinzin, gồm một trăm ba mươi bảy chủng cá vật rất khác nhau, có tên của chúng tập tục, quê hương, diện mạo của chúng và giữa chứng chẳng có gì giống nhau cũng như giữa một người da trắng và một người da đen. Sự thật, ông ạ, khi chúng ta ăn một con vịt, thường là chúng ta không ngờ tầm quan trọng… – ông ngừng lời khi thấy một con vịt nhỏ xinh đẹp leo lên bờ dốc đầm. – ông trông đằng kia con thiên nga đeo cravat, con vật bé bỏng tội nghiệp của xứ Canada, tận nơi xa xôi tới để trình bày với chúng ta bộ lông nâu và xám, chiếc cravat nhỏ màu đen. Ông xem nó gãi, kìa. Đây là con ngỗng lông tơ nổi tiếng hay vịt Âyđơ, mà nhung mao của nó dùng làm mền đắp cho những tình nương trẻ của chúng ta ngủ; nó đẹp không? Ai chẳng tán thưởng cái bụng nhỏ xíu màu trắng hồng kia, cái mỏ màu lục kia? Ông ạ, ông ta nói tiếp, – tôi vừa được chứng kiến một cuộc giao cấu mà từ trước tôi vẫn thất vọng. Cuộc hôn phối diễn ra khá mỹ mãn, và tôi đang sốt ruột chờ kết quả. Tôi tự hào tạo ra được chủng vịt thứ một trăm ba mươi tám mà có lẽ nó sẽ mang tên tôi. Cặp vợ chồng mới đây này, – ông vừa nói vừa chỉ hai con vịt. Một đằng là một con ngỗng cười (anas albifrons), đằng kia là con vịt huýt sáo gộc (anas ruffina de Buffon). Đã lâu tôi cứ lưỡng lự, giữa con vịt huýt sáo, con vịt bạch mi và con vịt trời mỏ rộng (anas clypeata), ấy kìa; đây là con vịt trời, con quái ác to xác đó màu nâu đen, cổ ánh lục nhạt và lấp loáng đến là đỏm. Được cái, ông ạ, con vịt huýt sáo lại có mào, thế là ông đã hiểu tôi không do dự nữa. Ở đây chúng ta chỉ còn thiếu con vịt biến chủng chóp đen. Các ngài ấy đồng thanh cho rằng con vịt ấy là thừa bên cạnh con le mỏ cong, nhưng mà tôi, – ông làm một cử chỉ tuyệt vời nó mô tả cả lòng khiêm tốn lẫn tính tự hào của các nhà bác học; tự hào rất bướng bỉnh, khiêm tốn rất tự mãn. – Tôi không nghĩ như thế, – ông nói thêm. – Đấy ông xem, ông bạn thân mến, ở đây chúng tôi không ngồi chơi đâu. Hiện nay tôi đang làm một chuyên đề về giống vịt. Nhưng thôi tôi xin tiếp ông.

Khi đi về phía một ngôi nhà khá xinh ở phố Buffon, Raphaël đưa miếng Da lừa cho ông Lavrille tham cứu.

– Tôi biết cái sản phẩm này, – nhà bác học nói sau khi soi kính hiển vi lên tấm bùa – nó đã dùng để căng một hộp gì đó. Da lừa cổ lắm rồi! Bây giờ thợ làm hộp ưa da cá đuối hơn. Chắc ông cũng biết, da cá đuối là xác lột của con Raja sephen, một con cá ở Hồng hải…

– Nhưng, thưa ông, cái vật này, vì ông đã có nhã ý…

– Vật này, – nhà bác học ngắt lời nói tiếp, – là chuyện khác, giữa cá đuối và lừa, ông ạ, có cả sự khác nhau từ đại dương đến lục địa, từ con cá đến con vật bốn chân. Nhưng da cá cứng hơn da con vật ở trên đất. Vật này, – ông vừa nói vừa chỉ tấm bùa, – chắc ông đã biết, là một trong những sản phẩm kỳ lạ nhất trong vật học.

– Kìa – Raphaël thốt lên.

– Thưa ông, – nhà bác học đáp và ngồi lọt mình vào ghế bành, – vật này là một miếng da lừa.

– Tôi đã biết, chàng trai nói.

– Ở bên Ba Tư, – nhà tự nhiên học nói tiếp, – có một giống lừa rất hiếm, con dã lư của người xưa, equus asinue, người Tartar gọi là con koulan. Nhà bác học Palax[8] đã nghiên cứu nó, và đã trả nó cho khoa học. Quả thật, con vật đó từ lâu đã bị xem như quái dị, ông cũng biết, nó nổi danh trong Kinh thánh; Moïse đã cấm không để nó giao cấu với những con đồng chủng của nó, nhưng con dã lư còn nổi tiếng hơn vì những lạm dụng mà nó phải chịu, và những nhà tiên tri trong Kinh thánh thường nói đến, Palax, mà chắc ông cũng biết, có nói trong tác phẩm Act Petrov, quyển II của ông rằng những lạm dụng kỳ khôi đó còn được lưu hành một cách thành kính ở dân Ba Tư và dân Nôgai, như một phương thuốc thần hiệu để chữa bệnh đau thận và thống phong dây thần kinh hông. Những người Paris tội nghiệp chúng ta chẳng ngờ đến chuyện đó. Viện Bác vật không có con dã lư. Chà con vật mới oai phong làm sao – Nhà bác học nói tiếp. – Bao nhiêu là chuyện huyền bí về nó: mắt nó có một thứ màng phản xạ mà người phương Đông cho là nó có phép làm mê hoặc, do nó thanh nhã hơn và bóng hơn da những con ngựa đẹp nhất của chúng ta, nó có những đường vằn ít nhiều hung hung, và rất giống da ngựa vằn. Lông nó có cái gì mềm mại, óng ánh, sờ vào nhờn nhờn, mắt nó nhìn cũng đúng và cũng chính xác như mắt người, nó to hơn một chút những con lừa nuôi đẹp nhất của chúng ta, can đảm lạ thường. Nếu ngẫu nhiên bất thần bị đánh, với một ưu thế đặc biệt nó chống lại những con vật hung dữ nhất; còn như sức chạy nhanh của nó thì chỉ có thể so sánh với chim bay; một con dã lư, ông ạ, nếu chạy thi thì ăn đứt những ngựa thấp hay Ba Tư ưu tú nhất. Theo như cụ thân sinh ra bác sĩ Niêbuya[9] tận tâm mà chúng ta thương tiếc vì cụ mới mất gần đây, thì con số trung bình bước đi bình thường của những con vật kỳ diệu ấy là bảy nghìn bước đều đặn một giờ. Những con lừa thoái hóa của chúng ta không thể cho một ý niệm gì về con lừa độc lập và kiêu hãnh đó. Tư thế của nó lanh lẹ, hoạt bát, nó có vẻ thông minh, tinh khôn, một diện mạo thanh nhã, những cử động rất đỏm dáng! Đó là chúa động vật ở phương Đông. Những người Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư còn mê tín cho nó có một nguồn gốc huyền bí, và tên của Salomon xen vào những chuyện mà những người kể chuyện Tây Tạng và Tartar thuật lại về những võ công gán cho những con vật cao quý đó.

Sau hết, một con dã lư mà thuần phục được thì đáng giá không biết bao nhiêu là tiền: khi nó ở trên núi thì hầu như không tài nào bắt được nó, vì nó nhảy như con mang, và trông tưởng nó bay như chim. Câu chuyện hoang đường về ngựa có cánh, con Pégase[10] của chúng ta, chắc đã xuất xứ từ những nước này, ở đó những mục đồng thường được trông thấy con dã lư nhảy từ núi đá này sang núi đá khác. Những con lừa để cưỡi, gây được ở Ba Tư bằng cách ghép một con la cái với một con dã lư thuần phục, được vẽ bằng màu đỏ, theo một truyền thống lâu đời. Cái tục ấy có lẽ đã đẻ ra câu phương ngôn: dữ như một con lừa đỏ. Ở một thời đại mà khoa bác vật học rất bị sao lãng ở nước Pháp, tôi chắc một nhà du lịch đã đem về một con vật kỳ lạ đó nó chống lại dữ dội tình trạng câu thúc. – Vì thế có câu ngạn ngữ kia! Miếng da ông đưa tôi, – nhà bác học nói tiếp, – là da một con dã lư. Có nhiều ý kiến về lai lịch cái tên… Có người cho rằng chữ Chagri[11] là một chữ Thổ, người khác lại nói Chagri là tên thành phố ở đó người ta đã cho cái di hài động vật đó qua một sự biến chế hóa học mà Palax đã mô tả khá đầy đủ, sự biến chế làm cho nó nổi cái đặc biệt mà chúng ta hâm mộ; ông Martơlen đã viết thư cho tôi bảo Chagri là một con suối.

– Thưa ông, tôi xin cảm ơn ông đã cho tôi tất cả những điều chỉ dẫn có cung cấp một tài liệu tuyệt diệu cho một Dom Calmet[12] nào đó, nếu dòng Thánh Benoit còn tồn tại; nhưng tôi có hân hạnh được lưu ý ông rằng cái mảnh da này trước đây rộng bằng… cả bản đồ kia, – Raphaël vừa nói vừa chỉ cho Lavrille một tập bản đồ để mở; – và từ ba tháng nay nó cứ dần dần co lại.

– Vâng, – nhà bác học nói, – tôi hiểu. Thưa ông, tất cả di hài những con vật tổ chức từ cổ sơ đều phải chịu sự suy tàn tự nhiên, dễ hiểu, do sự tác động dần dần của không khí. Ngay kim loại cũng co giãn một cách rõ rệt, vì những kỹ sư đã quan sát thấy một khoảng cách khá lớn giữa những tảng đá to trước kia được những thanh sắt ghép lại. Khoa học thật mênh mông, đời người lại quá ngắn. Vì vậy chúng tôi không có cái xa vọng hiểu biết tất cả mọi hiện tượng của tự nhiên.

– Thưa ông, – Raphaël hầu như thẹn thùng nói tiếp, – xin ông tha lỗi cho tôi hỏi ông điều này, ông có thật chắc chắn rằng miếng da lừa này tuân theo quy luật thông thường của động vật học, nó có thể giãn ra được không?

– Ồ! Tất nhiên! À, quái thật, – ông Lavrille vừa nói vừa kéo cho căng tấm bùa ra. – Nhưng mà, thưa ông – ông lại nói, – ông nên đến gặp ông Planchette, giáo sư cơ học nổi tiếng, chắc ông ấy tìm được cách tác động đến miếng da này, làm cho nó mềm đi, làm cho nó giãn ra.

– Chao! Thưa ông, ông cứu sống tôi đấy.

Raphaël chào nhà Tự nhiên học và chạy tới nhà Planchette, để mặc ông Lavrille phúc hậu giữa phòng ông đầy bàn thủy tinh và cây ép khô. Qua cuộc thăm đó, anh mang theo được mà không biết cả khoa học loài người: một tập chuyên danh! Con người phúc hậu đó giống như Sancho Panca kể cho Don Quichotte nghe chuyện về dê, anh ta vui đùa đếm và đánh số những con vật. Gần kề miệng lỗ, anh mới biết được, gần như một phân số nhỏ những con số vô ngần của đàn súc vật lớn mà Thượng đế ném khắp biển đời mênh mông, nhằm một mục đích không ai biết. Raphaël hài lòng.

– Ta sẽ kìm cương con lừa của ta, – anh la lên. – Trước anh, Stern đã từng nói: “Hãy gìn giữ con lừa của chúng ta nếu chúng ta muốn sống”. Nhưng con vật mới ngông cuồng làm sao?

Planchette là một người cao lớn khô khan, một nhà thơ chính cống mải mê trong một cuộc trầm tư vĩnh cửu, chuyên tâm nhìn mãi vào một cái vực không đáy, sự vận động! Người tầm thường cho những trí tuệ siêu việt đó là điên rồ, những kẻ không được người ta hiểu đó sống vô tình kỳ lạ đối với giàu sang và xã hội người đời, cả ngày ngồi hút một điếu xì-gà đã tắt, hay vào một phòng khách mà không cài khuy quần áo đúng chỗ. Một ngày kia sau khi đã bao nhiêu lâu đo lường chân không, hay chất đống những X dưới những Aa-gG, họ đã phân tích một quy luật tự nhiên nào đó và phân giải nguyên lý đơn giản nhất; bỗng chốc quần chúng khâm phục một chiếc máy mới hay chiếc xe chở đồ nào đó mà cấu trúc giản dị làm chúng ta ngạc nhiên và bỡ ngỡ! Nhà bác học khiêm tốn mỉm cười nói với những người hâm mộ ông: – Thì tôi đã sáng tạo cái gì? Không có cái gì. Con người không sáng chế ra một động lực, họ điều khiển nó và trong khoa học là bắt chước tự nhiên.

Raphaël chợt bắt gặp nhà cơ học đứng hai chân ngay đờ, như một người chết treo rơi thẳng đứng dưới một giá treo cổ. Planchette ngắm một hòn bi bằng mã não lăn trên một nhật quỹ, chờ cho nó ngừng lại ở đó. Con người tội nghiệp ấy đã chẳng được tặng huy chương cũng như được trợ cấp vì ông không biết tô màu những con tính của ông; sung sướng vì sống chờ đợi một phát minh, ông chẳng nghĩ gì tới danh vọng cũng như người đời, và cả bản thân ông, ông sống trong khoa học và vì khoa học.

– Cái đó không thể định nghĩa được, – ông kêu lên, – À kìa, ông – ông nói khi bắt gặp Raphaël, – tôi xin hầu ông. Bà cụ thế nào? Hãy đi thăm vợ tôi.

– Đáng lẽ ta cũng có thể sống như thế này! – Raphaël nghĩ thầm, anh kéo nhà bác học ra khỏi cơn mơ màng khi hỏi ông phương pháp tác động tới tấm bùa mà anh đưa ông ta xem. – Thưa ông, dù ông cười tôi là ngờ nghệch, – hầu tước nói để chấm dứt, – tôi không giấu giếm ông điều gì. Miếng da này theo tôi dường như có một sức đề kháng mà không gì có thể khắc phục được.

– Thưa ông, – ông nói, – người đời bao giờ cũng đối xử với khoa học một cách tùy tiện, mọi người đều nói với chúng tôi giống như một cái gã kỳ quái nọ sau nhật thực đã dẫn các bà đến ông Lalande[13] và bảo ông: “Xin ông làm ơn cho tái diễn”, ông muốn gây một tác động gì? Cơ học có mục đích áp dụng những quy luật của sự vận đòng hay làm cho chúng thành vô hiệu. Còn như bản thân sự vận động thì chúng tôi phải nhún mình mà tuyên bố với ông rằng chúng tôi bất lực không định nghĩa nó được. Đã xác định như thế, chúng tôi nhận thấy một số hiện tượng chi phối tác động của những vật chắc và những vật lỏng. Khi tái hiện những nguyên nhân sinh ra những hiện tượng đó, chúng ta có thể vận chuyển những vật thể, truyền cho chúng một sức ới động theo những tỷ lệ về tốc lực nhất định, lao chúng đi, phân chia chúng một cách đơn nhất hay vô hạn, bằng cách đập vỡ chúng hay tán vụn chúng, rồi xoáy vặn chúng, làm chúng quay, biến cải chúng, ép dẹp chúng, làm chúng nở ra, giãn ra. Khoa học đó, thưa ông, đặt cơ sở trên một sự kiện duy nhất. Ông hãy xem hòn bi này, – ông nói tiếp. – Nó ở đây, trên mặt đá này. Bây giờ nó ở chỗ kia. Cái việc rất tự nhiên về vật chất và rất kỳ lạ về tinh thần đó, ông gọi tên nó là gì? Vận động, di chuyển, đổi chỗ? Biết bao nhiêu tự phụ che giấu dưới những từ ngữ ấy! Một cái tên, phải chăng đấy là một giải pháp? Thế mà đó là tất cả khoa học. Những máy móc của chúng ta sử dụng hay phân giải cái việc đó, cái sự kiện đó. Hiện tượng nhẹ nhàng ấy áp dụng vào những khối nặng nề làm nổ cả Paris: chúng ta có thể dùng lực mà tăng vận tốc và dùng vận tốc mà tăng lực. Vậy lực và vận tốc là cái gì? Khoa học chúng ta bất lực không nói được điều đó, cũng như không sáng tạo ra được một vận động. Một vận động mặc dù nó thế nào, là một quyền lực to lớn, thế mà con người không sáng chế ra quyền lực. Quyền lực là đơn nhất, cũng như vận động, nó chính là bản chất của quyền lực. Tất thảy đều là vận động. Tư tưởng là một vận động. Tự nhiên thiết lập trên sự vận động. Cái chết là một vận động mà chúng ta biết ít về cứu cánh của nó. Nếu Thượng đế là vĩnh cửu, ông hãy tin rằng người luôn luôn vận động: Thượng đế là vận động, có lẽ. Vì đó mà vận động không giải thích được cũng như người: cũng như người nó sâu xa, không giới hạn, không hiểu được, không sờ mó được. Đã ai sờ mó, hiểu, do vận động bao giờ? Chúng ta cảm thấy tác động của nó mà không trông thấy nó. Chúng ta cũng có thể phủ nhận nó như chúng ta phủ nhận Thượng đế. Nó ở đâu? Nó không ở đâu? Nó từ đâu tới? Nguyên lý của nó ở đâu? Tận cùng của nó ở đâu? Nó bao bọc chúng ta, thúc ép chúng ta và thoát khỏi chúng ta. Nó hiển nhiên như một sự kiện, tối tăm như một trừu tượng, vừa là kết quả vừa là nguyên nhân. Nó cũng như chúng ta cần có không gian mà không gian là cái gì? Chỉ có vận động làm cho chúng ta thấy nó, không có vận động, nó chỉ còn là một từ rỗng nghĩa. Vấn đề nan giải, giống như chân không, giống như sáng tạo, như vô tận, vận động làm cho tư duy con người bối rối, và tất cả cái gì con người có thể quan niệm được, đó là họ không bao giờ quan mềm được nó. Giữa mỗi điểm mà hòn bi này lần lượt chiếm lĩnh trong không gian – nhà bác học nói tiếp, – là một vực thẳm đối với lý trí con người, một vực thẳm mà Pascal[14] đã rơi vào. Muốn tác động tới một thực thể nào chưa biết, mà ông muốn bắt phục tùng một lực chưa biết, trước hết chúng ta phải nghiên cứu thực thể đó; theo bản chất nó, hoặc nó tan vỡ vì va chạm, hoặc nó cưỡng lại được; nếu nó bị phân chia mà ý muốn của chúng ta không phải là chia cắt nó, thì chúng ta sẽ không đạt được mục đích chỉ định. ông muốn ép đẹp nó ư? Cần phải truyền một vật động ngang bằng vào hết thảy mọi phần của thực thể để giảm đều quãng cách giữa những phần đó. Ông muốn căng rộng nó ư? Chúng ta phải cố truyền cho mỗi phần tử một sức dị tâm ngang bằng; không tuân theo đúng quy luật đó: chúng ta sẽ gây ra những sự gián đoạn. Thưa ông, vận động có vô vàn dạng thức, vô số cách liên hợp. Ông định lưu ý tới tác động nào?

– Thưa ông, – Raphaël sốt ruột nói, – tôi muốn có một sức ép nào đó khá mạnh để căng rộng miếng da này ra vô hạn…

– Thực thể là hữu hạn, – nhà toán học đáp, – thì không thể căng ra vô hạn được, nhưng sức ép tất nhiên làm tăng bề rộng của nó mà bề dày thì giảm đi; nó sẽ mỏng ra cho tới khi nào vật chất thiếu hụt…

– Ông cứ làm cho được kết quả đó, ông ạ, – Raphaël la lên, – ông sẽ có bạc triệu.

– Tôi sẽ đánh cắp tiền của ông mất, – giáo sư đáp với vẻ phớt lạnh của người Hà Lan. – Tôi sẽ chứng minh bằng vài lời sự tồn tại của một chiếc máy có thể nghiến nát cả Thượng đế như một con ruồi. Nó biến một con người thành một mảnh giấy thấm, một người đi bốt, mang đinh thúc ngựa, đeo cravat, đội mũ, đeo đồ vàng, đồ trang sức, tất cả…

– Máy kinh khủng quá nhỉ?

– Người Trung Quốc họ không ném con xuống nước thì phải sử dụng chúng như thế, – nhà bác học nói tiếp mà chẳng nghĩ tới sự tôn trọng con cái của mọi người.

Mải mê với ý kiến của mình, Planchette lấy một cái chậu trồng hoa rỗng không hở đáy có lỗ và mang đặt trên mặt đá chiếc nhật khuê[15] rồi ông ra góc vườn kiếm một ít đất thó. Raphaël say mê như một đứa trẻ nghe vú nuôi kể chuyện lạ kỳ. Sau khi để đất thó lên mặt đá, Planchette rút trong túi ra một con dao quặm nhỏ, cắt hai cành hương mộc, và vừa khoét rỗng ra vừa huýt sáo như không có Raphaël ở đó.

– Đó là những yếu tố của chiếc máy, – ông nói.

Ông nặn một cái cùi tay bằng đất thó để gắn một cái ống hương mộc vào đáy chậu hoa, làm thế nào cho lỗ ống bằng lỗ ở chậu. Trông tất cả giống như một chiếc tẩu hút thuốc lớn. Ông rải lên mặt đá một nền đất thó làm theo hình một chiếc xẻng, đặt chậu hoa lên phần rộng nhất, và cắm ống hương mộc dọc theo phần hình dung cán xẻng. Cuối cùng ông gắn một nắm đất thó vào đầu ống hương mộc và cắm vào đó ống hương mộc kia, đứng thẳng, bằng cách làm một cùi tay đất thó khác để nối nó với ống nằm ngang, như thế không khí, hay chất lỏng nhất định nào đó ở xung quanh có thể lưu chuyển trong cái máy đột xuất đó, và chạy từ miệng ống đứng qua ống trung gian tới cái chậu hoa to rỗng không.

– Thưa ông, cái máy này, – ông nói với Raphaël nghiêm chỉnh như một viện sĩ hàn lâm viện đọc diễn văn ngày được tiếp nhận, – là một trong những danh nghĩa đẹp nhất để chúng ta khâm phục Pascal vĩ đại.

– Tôi không hiểu.

Nhà bác học mỉm cười, ông ra tháo ở một cây ăn quả một cái chai nhỏ mà dược sĩ của ông đã cho vào đó một thuốc nước bắt kiến; ông đập vỡ đáy chai làm thành một chiếc phễu, gắn nó cẩn thận vào đầu ống hương mộc mà ông đã cắm đứng vào đất thó, đối diện với cái chậu hoa nó như một thùng chứa lớn; rồi ông lấy một chiếc thùng tưới đổ nước vào đó cho tới khi nước đều tới miệng cả ở trong chậu lớn lẫn ở trong ống hương mộc. Raphaël nhớ tới miếng Da lừa của mình.

– Thưa ông: – nhà cơ học nói. – cho tới nay nước vẫn được coi như một vật không co ép được, ông không nên quên nguyên lý cơ bản đó, tuy nhiên nó có co, nhưng rất ít đến mức chúng ta phải coi như khả năng co của nó là bằng không. Ông hãy nhìn bề mặt của nước khi tới ngang miệng cái chậu hoa.

– Vâng.

– Thế thì! Giả thử bề mặt đó to gấp một nghìn lần cái bề mặt miệng lỗ ống hương mộc chỗ tôi đã đổ nước vào. Đây này tôi bỏ cái phễu đi.

– Đồng ý.

– Thế thì! Thưa ông, nếu bằng cách nào đó tôi đổ thêm nước vào miệng cái ống nhỏ để tăng khối lượng của nước, chất lỏng bắt buộc phải chảy xuống, và sẽ dâng lên trong cái chậu hoa làm thùng chứa cho tới khi mặt nước ngang nhau ở cả hai bên…

– Cái đó hiển nhiên rồi – Raphaël thốt lên.

– Nhưng có điều khác – nhà bác học nói tiếp – là nếu cái cột nước nhỏ đổ thêm vào trong chiếc ống dựng đứng có một sức ngang với trọng lượng một livrơ[16] chẳng hạn do tác động của nó truyền đầy đủ vào khối nước và tới phản ứng trên khắp mặt nước trong chậu hoa, thì ở đó có một nghìn cột nước đều muốn dâng lên như bị đẩy bởi một sức ngang bằng với sức làm nước chảy xuống trong chiếc ống đứng, chúng nhất thiết tạo lên ở đây, – Planchette nói và chỉ cho Raphaël miệng chậu hoa – một lực to gấp một nghìn lần cái lực đẩy vào ở kia – Và nhà bác học lấy ngón tay chỉ cho hầu tước cái ống cắm đứng vào đất thó.

– Cái đó thì rất đơn giản, – Raphaël nói.

Planchette mỉm cười.

– Nói một cách khác, – ông nói tiếp với cái logic bền bỉ tự nhiên ở các nhà toán học, – muốn đẩy nước khỏi tràn vào cần phải có ở mỗi phần của bề mặt lớn một sức mạnh ngang với sức mạnh tác động trong cái ống đứng; nhưng trừ cái điều khác là nếu cột nước ở đó cao một piê[17] thì hàng nghìn cột nước nhỏ trên bề mặt lớn chỉ tăng lên một mức rất thấp. Bây giờ – Planchette vừa nói vừa búng móng tay về phía những ống của ông, – hãy thay cái máy nhỏ thô kệch này, bằng những ống kim loại với một sức mạnh và một kích thước thích đáng nếu ông phủ lên trên mặt nước của cái thùng chứa lớn một tấm kim loại chuyển động và ông đối lập với nó một tấm kim loại khác mà sức chịu đựng và sức bền vững vượt được mọi thử thách; thêm nữa, nếu ông cho tôi cái quyền lực tăng thêm mãi nước qua cái ống đứng nhỏ vào khối nước thì vật gì đặt vào giữa hai tấm kim loại cũng phải nhượng bộ cái áp lực to lớn vô cùng dồn ép nó. Phương tiện tăng thường xuyên qua cái ống nhỏ đối với cơ học là một việc trẻ con, cũng như cách truyền sức mạnh của khối nước vào tấm kim loại. Chỉ cần có hai ống thụt và vài chiếc nắp hơi là đủ, ông bạn thân mến ạ, bây giờ ông hãy quan niệm, – ông vừa nói vừa nắm lấy cánh tay Valentin – chẳng có một vật chất nào đặt vào giữa hai kháng lực vô hạn đó mà chẳng phải căng giãn ra.

– Sao? Tác giả Những bức thư tỉnh nhỏ[18] đã phát minh ra ư?

– Chỉ có ông ấy thôi, ông ạ. Cơ học không có gì giản dị hơn cũng như đẹp đẽ hơn. Cái nguyên lý ngược lại, sức bành trướng của nước, đã dẫn tới sự sáng chế ra máy hơi nước. Nhưng nước chỉ bành trướng tới một mức độ nào đó, còn như tính không nén được của nó, vì là một lực coi như thuộc âm cực nên nhất thiết là vô tận.

– Nếu miếng da này căng ra được, – Raphaël nói, – tôi hứa với ông sẽ dựng một bức tượng đồ sộ cho Blaise Pascal, sẽ sáng lập một giải thưởng mười vạn quan cho vấn đề cơ học nào hay nhất được giải quyết trong mỗi thời kỳ là mười năm, sẽ cấp tiền hồi môn cho các cô chị em họ, các cô cháu họ của ông, sau hết sẽ xây một bệnh viện chuyên chữa cho các nhà toán học hóa điên hay nghèo khổ.

– Cái đó sẽ rất có ích – Planchette nói. – Thưa ông – ông nói tiếp với sự bình thản của một người sống trong địa hạt trí tuệ hoàn toàn, – ngày mai chúng ta sẽ tới nhà Spieghalter. Nhà cơ học xuất sắc đó vừa chế tạo, theo phương án của tôi, một chiếc máy tinh xảo, nó khiến cho một chú bé con có thể bỏ vào mũ hàng nghìn bó cỏ.

– Thôi, xin chào ông, để đến mai.

– Chào ông.

– Hãy đề cao cơ học! – Raphaël kêu lên – Phải chăng đó là môn đẹp nhất trong các khoa học? Ông kia với những dã lư, những phân loại, những con vịt, những chủng loại và những bầu thủy tinh chứa những quái vật của ông ta, bất quá chỉ có tài ghi điểm ở một bàn bi-a công cộng.

Ngày hôm sau, Raphaël hớn hở đến tìm Planchette, và hai người cùng tới phố Khỏe, cái tên báo điềm tốt lành. Ở nhà Spieghalter, một tòa nhà mênh mông, chàng trai thấy vô số lò lửa đỏ rực, gầm vang. Thật là một cơn mưa lửa, một trận lụt đanh, một đại dương ống thụt, vít, đòn bẩy, xà ngang, giũa, ê-cu, một bể gang, gỗ, nắp hơi và thanh thép. Mạt sắt làm tắc họng. Sắt thấm trong khí hậu, những con người bị phủ trong sắt, tất cả sặc sụa hơi sắt, sắt có sức sống, nó được tổ chức, nó chảy lỏng, đi lại, tư duy và thay đổi theo mọi hình thái, tuân theo mọi sở cầu. Qua tiếng rú của những bễ thổi lửa, những điệu lên cao của búa, những tiếng rít của máy tiện làm sắt gầm gừ, Raphaël bước tới một gian phòng lớn, sạch và thoáng, ở đó anh được ngắm thỏa thích cái máy ép to lớn mà Planchette đã nói. Anh thưởng ngắm những tấm gang dày và những tấm sắt đôi ghép với nhau do một bộ phận trung tâm rất kiên cố.

– Nếu ông quay cái tay quay kia bảy lần thật nhanh, – Spieghalter vừa nói với anh vừa chỉ một chiếc cán bằng sắt bóng nhẵn, – ông sẽ làm cho một tấm thép bắn ra hàng nghìn tia nó đâm vào chân ông như những mũi kim.

– Ghê quá! – Raphaël thốt lên.

Planchette tự tay mình đút miếng Da lừa vào giữa hai tấm kim loại của cái máy ép chúa tể, và rất yên trí vì tin tưởng vào khoa học, ông quay mạnh cái tay quay.

– Tất cả nằm xuống, chết bây giờ, – Spieghalter thét lên như sấm và tự mình cũng nằm rạp xuống đất.

Một tiếng rít kinh hồn vang lên trong khắp các xưởng. Nước trong máy phá vỡ gang, vọt ra với một sức mạnh vô hạn và may mắn nó phun vào một lò rèn cũ, lật đổ, đảo lộn, xoáy đi như một cây nước xoắn lấy một ngôi nhà và cuốn theo đi.

– Chao! – Planchette thản nhiên nói, – miếng da còn nguyên vẹn như con mắt tôi! Spieghalter tiên sinh ơi, trong gang của ngài có lẫn một cọng rơm, hay trong ống của ngài có kẽ hở gì đó.

– Không, không phải, tôi biết rõ gang của tôi lắm. Ông đây nên mang cái vật của ông về, quỷ sứ ẩn trong đó. Nhà bác học người Đức nắm lấy một chiếc búa tạ, ném miếng da lên đe, với tất cả sức mạnh của cơn giận dữ quai xuống tấm bùa một nhát búa ghê gớm chưa hề bao giờ thấy gầm lên trong xưởng.

– Nó chẳng hiện ra đâu, – Planchette kêu lên và mân mê miếng da.

Công nhân chạy tới. Viên đốc công cầm lấy miếng da đút nó vào một lò than đá. Mọi người quây tròn quanh đó, sốt ruột chờ một chiếc bễ đồ sộ thổi lửa. Raphaël, Spieghalter, Planchette đứng giữa đám đông người nhọ nhem và chăm chú đó. Trông thấy tất cả những con mắt trắng dã ấy, những cái đầu phủ bụi sắt ấy, những quần áo nhọ nhem và bóng nhẫy ấy, những bộ ngực lông lá ấy Raphaël tưởng như lạc vào thế giới u minh và quái đản của những ca khúc Đức. Viên đốc công để miếng da trong lò mười phút rồi lấy kìm gắp ra.

– Trả tôi miếng da, – Raphaël nói.

Viên đốc công giỡn đùa đưa miếng da cho Raphaël. Hầu tước mân mê dễ dàng trong tay miếng da vẫn nguội và mềm. Một tiếng thét kinh khủng vang lên, công nhân chạy trốn, chỉ còn Valentin và Planchette ở lại trong xưởng vắng tanh.

– Quyết nhiên trong vật này có cái gì ma quái, Raphaël thất vọng thốt lên, – vậy thì không một quyền lực con người nào có thể cho tôi sống thêm một ngày nữa.

– Thưa ông tôi đã lầm, – nhà toán học vẻ hối hận đáp, – đáng lẽ chúng ta phải cho miếng da kỳ quái này vào máy dát. Không biết mắt tôi để đâu mà lại đề nghị ông cho nó vào máy ép.

– Chính tôi đã đề nghị thế. – Raphaël đáp.

Nhà bác học thở phào như kẻ phạm tội được mười hai viên hội thẩm tha bổng. Tuy nhiên, quan tâm tới vấn đề lạ lùng do miếng da đặt ra cho ông, ông suy nghĩ một lát rồi nói. – Phải dùng những chất phản ứng mà xử lý cái chất liệu kỳ lạ này. Ta hãy tới Japhet, có lẽ hóa học đắc lực hơn cơ học.

Valentin cho ngựa phóng nước đại, hy vọng gặp nhà hóa học nổi tiếng Japhet ở phòng thí nghiệm.

– Ấy chà! ông bạn già, – Planchette nói khi nhìn thấy Japhet đang ngồi trong ghế bành ngắm một chất lắng, – hóa học giờ ra sao?

– Nó đang ngủ. Chẳng có gì mới lạ. Tuy nhiên Viện hàn lâm đã thừa nhận sự tồn tại của chất salicine. Những salicine, asparagine, vauqueline, digitaline[19] không phải là những phát hiện.

– Không thể sáng chế ra vật thể – Raphaël nói. – dường như các ngài đành phải sáng chế ra những tên vậy.

– Chà, cái đó thế mà đúng đấy, chàng trai ạ.

– Này, – giáo sư Planchette bảo nhà hóa học, – ông thử phân tích cái chất này xem có thể rút ra một nguyên tố nào không, tôi gọi trước nó là diaboline[20] là vì chúng tôi vừa làm nổ mất một chiếc máy ép thủy lực chỉ vì định ép nó.

– Đưa xem, xem nào, – nhà hóa học mừng rỡ kêu lên, – có lẽ nó là một nguyên tố mới cũng nên.

– Thưa ông, – Raphaël nói, – đây chỉ là một miếng da lừa.

– Ông nói sao? – Nhà hóa học trứ danh nghiêm chỉnh nói.

– Tôi không nói đùa đâu, – hầu tước đáp và đưa cho ông miếng Da lừa.

Nam tước Japhet áp miếng da vào đầu lưỡi đầy gân của ông rất sành nếm những chất muối, chất toan, chất kiềm, chất hơi, và sau mấy lần thử, ông nói: – Chẳng có vị gì cả, Thôi ta hãy thử cho nó uống một ít axit phtoric xem sao. Xử lý bằng cái nguyên tố đó nó vốn giải thể rất nhạy những cơ cấu động vật, miếng da không suy chuyển gì cả.

– Không phải da lừa, – nhà hóa học kêu lên. – Chúng ta hãy xử lý cái vật lạ bí ẩn này như một khoáng vật và trị thẳng tay bằng cách cho nó vào một nồi nấu đun không chảy ở đó vừa hay tôi đã bỏ bồ tạt đỏ vào rồi.

Japhet đi ra và chẳng mấy lúc đã quay lại.

– Thưa ông, – ông bảo Raphaël, – ông cho tôi một mảnh cái chất lạ lùng này, nó kỳ dị lắm

– Một mảnh? – Raphaël la lên, – bằng một sợi tóc cũng không được… Vả lại ông cứ thí nghiệm đi, – anh nói, vẻ vừa buồn rầu vừa giễu cợt.

Nhà bác học làm gẫy cả một lưỡi dao cạo vì muốn cắt miếng da, ông lại thử dùng tia điện mạnh để hủy hoại nó, rồi ông xử lý nó bằng pin Volta[21], rút cục mọi sấm sét của khoa học đều thất bại trước tấm bùa ghê gớm. Đã bảy giờ tối Planchette, Japhet và Raphaël, không nhận ra thì giờ đi mau, chờ kết quả. một cuộc thí nghiệm cuối cùng. Miếng da lừa vẫn trơ trơ sau một đụng độ kinh khủng do tác động của một liều clôruya đạm khá lớn.

– Ta nguy rồi – Raphaël la lên. – Trời ở trong cái này đây. Ta chết đến nơi.

Anh bỏ đi để hai nhà bác học tưng hửng.

– Chúng ta chớ kể lại câu chuyện này ở Viện hàn lâm, các bạn đồng viện sẽ nhạo chúng ta, – Planchette nói với nhà hóa học sau một hồi lâu nhìn nhau mà chẳng dám nói với nhau điều gì.

Họ như những người Thiên chúa ra khỏi mồ mà chẳng tìm thấy một Đức Chúa trên trời. Khoa học ư? Bất lực? A xít ư? Nước lã? Bồ tạt đỏ ư? Nhục nhã? Pin Volta và sấm sét ư? Trò trẻ con!

– Một chiếc máy ép bằng thủy lực mà tan tành như một chiếc bánh đa[22]? – Planchette nói thêm.

– Tôi tin có quỷ sứ, – nam tước Japhet nói, sau một lúc im lặng.

– Tôi thì tin có trời, – Planchette đáp.

Cả hai người đều đóng vai trò của họ. Đối với một nhà cơ học, vũ trụ là một bộ máy cần có một người thợ; đối với hóa học, cái sự nghiệp của ma quái phân giải tất thảy; vạn vật là một làn hơi có vận động.

– Chúng ta không thể phủ nhận được sự kiện – nhà hóa học lại nói.

– Chà! Để an ủi chúng ta, các Ngài đảng viên Chính lý[23] đã sáng tạo ra cái định lý mơ hồ này: ngu xuẩn như một sự kiện.

– Cái định lý của bác, – nhà hóa học đáp, – đối với tôi, tôi xem nó như là một sự kiện tạo nên một cách ngu xuẩn.

Họ phá ra cười, và đi ăn như những kẻ chỉ nhìn thấy một hiện tượng trong một phép màu.

Khi về nhà, Valentin âm thầm điên dại; anh chẳng tin vào cái gì hết, ý nghĩ rối tung trong đầu óc, quay cuồng và chập chờn như ở những người đứng trước một việc nan giải. Anh đã sẵn lòng tin ở một khuyết điểm kín đáo nào đó trong chiếc máy của Spieghalter, sự bất lực của khoa học và của lửa không làm cho anh ngạc nhiên. nhưng miếng da mềm mại khi anh mân mó nó, miếng da bền bỉ khi nó bị tất cả những thủ đoạn phá hoại mà con người có được tấn công nó, những cái ấy làm anh hoảng sợ. Cái sự kiện hiển nhiên đó làm anh choáng váng.

– Ta điên mất, – anh nghĩ thầm. – Từ sáng nay ta chưa ăn uống gì cả thế mà ta không thấy đói thấy khát: trong ngực ta cảm thấy một lò lửa thiêu đốt ta. Anh lại đặt miếng Da lừa vào cái khung mà trước đây anh đã đặt nó, và sau khi tô một vạch đỏ theo đường chu vi hiên tại của tấm bùa, anh ngồi vào ghế bành. – Đã tám giờ rồi – anh kêu lên, – Ngày hôm nay qua đi như một giấc mộng. Anh tì khuỷu xuống tay ghế, ngả đầu vào bàn tay trái, và triền miên với những suy nghĩ buồn thảm, những tư tưởng giày vò mà những kẻ bị kết án tử hình mang cái bí mật đi theo… – Chao! Pauline, anh kêu lên, – em bé tội nghiệp! Có những vực thẳm mà tình yêu chẳng thể vượt qua, mặc dầu đôi cánh nó thật là khỏe. Lúc đó anh nghe thấy rất rõ một tiếng thở dài nghẹn ngào, và nhờ cái đặc tính thắm thiết nhất của tình yêu, anh nhận ra hơi thở của Pauline của anh. – Chà! – Anh nghĩ thầm, – điều phán quyết của ta là đây. Nếu nàng tới, ta muốn chết ở trong tay nàng. Một tiếng cười vang lên rất thật thà, rất vui vẻ làm anh quay đầu về phía giường nằm, anh thấy qua vải màn trong mờ mặt Pauline tươi cười như một đứa trẻ sung sướng làm được một việc tinh ranh; làn tóc đẹp của nàng xõa xuống vai thành bao nhiêu vòng uốn; trông nàng giống như một đóa hoa hồng xứ Bengan giữa một đám hồng bạch.

– Em đã dỗ dành bác Jonathas, – nàng nói. – Giường này chẳng thuộc về em là vợ anh sao? Anh thương mến, đừng mắng em, em chỉ muốn ngủ bên anh, bắt chợt anh. Anh tha thứ cho em cái điên rồ này. Nàng nhảy ra ngoài giường như con mèo cái, kiều diễm trong những làn mousseline, và ngồi vào lòng Raphaël : – Anh nói cái vực thẳm gì vậy, anh yêu dấu? – Nàng hỏi và để lộ trên trán một nét băn khoăn.

– Của cái chết.

– Anh làm em đau khổ, – nàng đáp. – Có một số ý kiến mà bọn đàn bà khốn khổ chúng em không dám nghĩ tới, nó giết chúng em. Phải chăng đó là sức mạnh của tình yêu hay là thiếu can đảm? Em chẳng biết. Em không sợ chết, – nàng cười nói tiếp. – Chết với anh, buổi sáng mai, cùng nhau chết, trong cái hôn cuối cùng, đó là một hạnh phúc. Em tưởng như em còn sống hơn trăm năm nữa. Tuổi đời đáng kể gì nếu trong một đêm, trong một tiếng đồng hồ, chúng ta đã tận hưởng cả cuộc đời yên vui và ân ái?

– Em có lý, trời mượn cái miệng xinh đẹp của em để nói đó. Cho anh hôn nó, và chúng ta sẽ chết, – Raphaël nói.

– Vậy thì chúng ta sẽ chết, – nàng cười đáp.

Vào khoảng chín giờ sáng, ánh ngày lọt qua các khe cửa chớp; nhạt đi vì những diềm mousseline, nó vẫn đủ sáng để nhận ra những màu sắc phong phú của những tấm thảm và những đồ đạc óng mượt trong căn phòng đôi tình nhân nằm ngủ. Một số đồ thếp vàng lóng lánh. Một tia nắng ngừng lại trên một chiếc mền bằng nhung mao mềm mại mà những nô rỡn ái ân đã hất xuống đất. Treo trên một đài gương lớn, chiếc áo dài của Pauline nổi lên như một hiện hình mung lung. Đôi giày xinh xắn để cách xa giường. Một con họa mi đến đậu trên bệ cửa sổ, những tiếng hót liên hồi của nó, tiếng cánh nó bỗng xòa ra đập để bay đi làm Raphaël tỉnh dậy… – Nếu mà chết, – anh nói để kết thúc niềm suy nghĩ bắt đầu từ trong giấc mơ – thì cơ cấu của ta, cả cái bộ máy bằng xương bằng thịt này do ý chí ta vận dụng, và nó tạo ta thành một cá thể con người phải có một vết thương rõ ràng. Các thầy thuốc phải biết những triệu chứng của sinh lực bị hủy hoại, và phải cho ta biết rằng ta khỏe hay ốm.

Chú thích:

[1] Abbesse des Andouillettes: Nhân vật trong tiểu thuyết Tristram Shandy của Sterne, khi nữ linh mục chửi rủa, bà chỉ nói nửa chừng cho đỡ tội.

[2] Ormus: Một hòn đảo trên vịnh Ba Tư, ở đó người ta mò ngọc trai.

[3] Đây là nói những cuộc đấu tranh dân chủ sau cách mạng tháng Bảy dưới thời Louis-Philip.

[4] Westhall (1765 -1836): Họa sĩ Anh nổi tiếng về tranh minh họa các tác phẩm của Sêchxpia và Milton.

[5] Đây ý nói lời kêu gọi người Ba Lan của Nga hoảng Nicôlas I sau cuộc đàn áp tàn nhẫn của ‘hắn đối với cuộc khởi nghĩa của dân Ba Lan năm 1830.

[6] Nguyên văn six pouces carrés, là nói theo một đơn vị đo lường cũ.

[7] Mané, Thekel, Pharès: Theo truyền thuyết Kinh thánh, những chữ này nghĩa là “tính toán, cân đủ, phân chia” do một bàn tay vô hình ghi lên tường buồng tiệc của vua Babylon cuối cùng là Banthazar, và nó báo tin ông ta sắp bị hủy diệt không tránh được.

[8] Pallas (1741-1811): Nhà vật lý học và tự nhiên học Đức

[9] Niébuhr (1733-1815) Nhà du lịch Đức, một người đầu tiên nghiên cứu bán đảo Ai Cập.

[10] Pégase: Con ngựa có cánh trong thần thoại Hy Lạp, nó đã vào núi Héhcon và làm chảy ra dòng suối Hippocren, nguồn cảm hứng của các nhà thơ.

[11] Tiếng pháp Chagrin là con lừa, đây là bàn về nguồn gốc của chữ “chagrin”.

[12] Dom Calmet (1672-1757): Nhà bác học và là tu sĩ dòng Thánh Benoit (Saint Benoit).

[13] Lalande (1732-1807): Nhà thiên văn học Pháp, đặc biệt, nghiên cứu hành tinh Mercure (Sao Thủy).

[14] Pascal (1623-1662): Nhà triết học, bác học và nhà văn Pháp, ông đã tìm ra quy luật co giãn trong chất lỏng, nguyên lý vận dụng máy ép bằng thủy lực.

[15] Đồng hồ theo bóng mặt trời.

[16] Livrơ: Đơn vị trọng lượng xưa.

[17] Pied: Thước đo ngày xưa dài chừng hơn ba tấc.

[18] Les lettres provinciales – Pascal.

[19] Đây là tên một số vị thuốc: salicine, asparagine, vauqueline, digitaline.

[20] Planchette bắt chước những tên thuốc ở trên đặt ra một tên mới, diaboline rút ở chữ diable là quỷ sứ mà ra.

[21] Pile voltaique: Pin điện do Alessandro Volta chế.

[22] Nguyên văn là mouillelte: Một thứ bánh nhúng vào xúp để ăn.

[23] Doctrinaire: Đảng viên Đảng Chính lý thời Trùng hưng ở Pháp

Bình luận