Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mảng tường trước cửa nhà tôi bị tán những cây bằng lăng che khuất ánh đèn nên hơi tối. Tôi không nhớ rõ từ khi nào một ông già rách rưới, bẩn thỉu lại dùng nó làm nơi trú ngụ. Chỉ đến hôm nay, khi ông ta không còn ngồi đây nữa tôi mới chợt nhận ra sự thiếu vắng, trống trải. Kể cũng lạ. Có những thứ tồn tại ngay bên ta mà ta không hề để ý tới, chỉ đến khi chúng mất đi ta mới thấy sự góp mặt của chúng. Dòng đời vẫn vậy. Đến rồi đi, sinh ra rồi biến mất mà không một lời báo trước.

 

Ông già ấy không phải họ hàng thân thích, nhưng đêm nay tôi không làm sao gọi giấc ngủ đến được. Đúng, tôi đang nghĩ đến ông. Ông sinh ra ở đâu? Ông có bà con thân thuộc gì không? Và ông bao nhiêu tuổi? Hàng loạt câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn hiện ra trong đầu mà tôi không tìm thấy câu trả lời.

 

Mùi hoa bằng lăng thoang thoảng bay vào phòng gây cho tôi một cảm giác dễ chịu. Tựa lưng vào cửa sổ, nhìn xuống đường, tôi lặng lẽ hút thuốc.

 

Hình như đôi ba lần tôi có nghe người ta bàn tán về ông. Họ cho rằng ông già bị điên, liệu có đúng như vậy không nhỉ. Tôi đã định bụng hôm nào thuận tiện sẽ hỏi thẳng ông. Ôi! không, tôi chúa ghét cái chữ hôm nào, bởi nó có nghĩa là không bao giờ. Có biết bao nhiêu dự định sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực cũng bởi những người chủ của chúng còn phải đợi cái hôm nào ấy. Nghĩ đến đây, trong lòng tôi dâng lên một nỗi buồn man mác. Ngày ấy, nếu tôi không do dự mà nói toạc ra những suy nghĩ trong lòng mình thì đâu đến nỗi. Giờ thì giữa chúng tôi chỉ còn lại kỷ niệm đẹp đẽ thời học trò.

 

Mà ông già đi đâu nhỉ? Tôi trằn trọc suốt đêm. Giấc ngủ cứ chập chờn trên mi mắt… Tôi tỉnh dậy khi vệt nắng lọt qua khe cửa rọi thẳng vào mặt. Hôm nay tôi lại dậy muộn. Khỉ thật.

 

Suốt cả buổi sáng, và ngay cả buổi chiều tôi cũng không thể nào tập trung vào công việc được. Tệ thật. Tôi thong thả bước đi trên con đê mát lạnh hơi nước từ sông cái thổi vào. Dường như cho đến tận bây giờ tôi mới thực sự tỉnh ngủ. Xa xa, dưới mép nước, những con thuyền chụm đầu mơ mộng trong ánh hoàng hôn. Cuộc sống như chùng hẳn lại sau một ngày đầy hối hả, tất bật. Dưới rặng tre, đôi trai gái đang hôn nhau, bình thản, không vội vã. Thi thoảng tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng cười ròn tan của lũ trẻ mục đồng. Tôi thoáng tiếc nuối giây phút hiếm hoi này khi không mang theo bên mình chiếc máy ảnh.

 

Trong cuộc đời cầm máy của mình tôi đã nắm bắt được bao nhiêu phần trăm cơ hội? Quá ít. Nhưng những khoảnh khắc để tuột khỏi tay thì lại quá nhiều. Cũng như, tôi đã có quá nhiều cơ hội để nói chuyện với ông già mà không nói được. Cái gì ngăn cản tôi? Địa vị chăng? Thành kiến, hay ngại dư luận xã hội? Thật lòng mà nói tôi cũng không biết.

 

Quái lạ, ngọn đèn phố nhà tôi hôm nay có vẻ tối hơn mọi khi. Tôi mạnh dạn bước sang bên kia đường hỏi thăm chị bán cháo đêm về ông già.

 

– Anh hỏi tôi mới nói, ông ta bị thần kinh thật đấy anh ạ! – Chị đảo mắt nhìn quanh khắp dãy phố, rồi tiếp – Tôi bán cháo gà thật đấy nhưng làm gì có lông, có cánh mà cho ông ấy.Thấy vẻ mặt khó hiểu của tôi chị ta tiếp:

 

– Ôi dào, điên thì điên thế thôi nhưng ông ta khôn ra phết! Nghe đâu ông ta cũng từng đậu tiến sĩ, tiến xiếc gì cơ đấy. Rõ khổ, chữ nghĩa nhiều mà làm gì, chỉ tổ loạn óc…

 

– Thế chị biết ông ta người ở đâu không? Sao ông ta không về đây nữa?

 

– Có trời mới biết, nghe đâu như có người hứa cho ông ta lông cánh, thế là ông ta đi theo luôn.

 

– Xin lỗi! Tôi hơi tò mò. Chị có biết ông ta cần lông cánh để làm gì không?

 

Câu hỏi của tôi dường như buộc chị phải thận trọng. Mãi sau tôi mới thấy chị ta khe khẽ thở dài. Chị biết rõ điều tôi hỏi. Không thể lại để đến “hôm nào”, tôi vội ngồi xuống chiếc ghế bé tí tẹo như đồ chơi của trẻ con.

 

– Chị cho xin một bát, tôi không ăn được da đâu, với lại, chị cho thêm nhiều hành một chút!

 

– Có ngay! Nhìn mặt anh tôi cũng đoán được là anh không ăn da.

 

– !?

 

– Chả cứ gì da đâu, ngay cả cháo của tôi cũng vì tò mò mà anh ăn thôi…Trí thức các anh đúng là… sạch ruột.

 

Tôi không hề tự ái. Trong những câu thẳng ruột ngựa của chị cũng có một phần đạo lý. Không thèm để ý đến vẻ mặt ngây thộn của tôi, chị đi luôn vào câu hỏi ban nãy.

 

– Ông ta muốn bay như chim, thế mới hâm… con người chứ có phải thánh thần đâu mà muốn bay là bay được. Anh nghe xong chớ kể với ai nhé, kẻo phải tội. Nếu tôi không nhầm thì ông ấy đã mắc cái bệnh này hơn năm chục năm rồi cơ đấy. Theo anh, ông ta có điên thật không? Có lúc tôi thấy ông ấy tỉnh táo ra phết. Nói năng đâu ra đấy, sặc mùi chữ nghĩa…

 

Mặc dù tôi không biết cái mùi chữ nghĩa nó thế nào, nhưng nghe cách nói của chị thì hình như không ổn lắm. Thế mới biết vốn liếng chữ nghĩa của tôi mấy chục năm cũng chẳng ăn thua gì so với những người mải miết kiếm sống bên vỉa hè như chị. Thật là thảm hại. Ngôn từ mà họ sử dụng mới sống động làm sao.

 

– Này, anh có nghe tôi nói nữa không đấy? – Câu hỏi của chị làm tôi giật mình, suýt nữa gạt đổ lọ ớt bột để bên cạnh. – Chữ nghĩa của tôi chỉ có một dúm, nhưng gà vịt qua tay tôi giết mổ không hàng triệu, thì cũng hàng vạn. Dân Triều Khúc ngày nào mà chẳng đáo qua nhà tôi mấy bận thu nhặt lông, cánh. Tôi chẳng thấy đứa nào bay đi đâu hết. Lâu lắm cũng chỉ cách vài hôm là lại nhăn nhở ở trước cổng nhà tôi. Chả cứ chúng nó. Đến như gà, vịt, ngan, ngỗng đầy sân, đầy vườn mà tôi có thấy chúng bay bao giờ. Anh thử nói xem, nếu có lông, có cánh thì ông ta có thể bay như chim được không?

 

Có chuyện thế sao? Tôi bước vội qua đường leo lên phòng mình sau khi trả tiền bát cháo đang ăn dở. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến chuyện con đà điểu tập bay. Thật là hài hước. Chim bay được vì giống, vì nòi chứ đâu phải vì lông, cánh. Cũng như lũ gà vịt trong sân vườn nhà chị bán cháo kia… Mãi mãi, chúng vẫn chỉ là gà vịt thôi.

 

Hoa bằng lăng đêm nay dường như không tỏa hương vào phòng tôi nữa, thay vào đó là mùi lông gà, lông vịt. Tôi bâng khuâng tự hỏi. Có đủ lông cánh liệu ông già có bay được không nhỉ?

 

Chuyện này tôi không dám chắc. Người mắc chứng bệnh tâm thần đâu phải chỉ có một. Ông già bay đi mất…còn tôi, ngay cả trong giấc mơ cũng chưa kịp chụp ông bức ảnh nào…

 

Hà Nội, mùa Hè 1985

Bình luận