– Chú gì ơi, chú nhìn cái gì thế mà hôm nào tôi cũng thấy chú đứng ngắm không chớp mắt?
Nó giật mình quay lại nhìn bà cụ lưng còng gập, hai tay đặt trên đầu gậy run run.
– Cụ hỏi cháu à?
– Ừ, phải đấy!
– Cháu cũng không biết cháu nhìn gì, cháu đang nghĩ cụ ạ.
– Ôi dào, nghĩ thì nghĩ ở đâu chả được, việc gì cứ phải ra đứng đây để nghĩ. Mà này, tôi hỏi khí không phải, chú nghĩ gì mà hôm nào cũng phải nghĩ thế?!
– Tài thật đấy, tiên sư cái thằng Tầu… Ấy chết, xin lỗi cụ, cháu chửi cái thằng… – Nó đưa tay chỉ cái tháp rùa đứng trơ trọi giữa hồ – dám đặt mả bố nó ở đấy… cháu nghĩ ra rồi, vừa nghĩ ra đấy, cụ bảo có tài không?
Bà cụ nhìn nó giây lâu, khe khẽ lắc đầu.
– Thôi, tôi không làm phiền chú nữa, chú nghĩ đi nhé!
Nhìn theo bóng bà cụ xa dần, từng bước, từng bước đung đưa nhẹ bẫng cùng cây gậy, nó vén miệng cười ngây ngô…
* * *
Không biết nó mắc bệnh cả nghĩ từ bao giờ. Đêm nào cũng lọ mọ. Mà nào có gì to tát đâu, toàn những chuyện vụn vặt. Ví như cái chuyện mấy con sư tử đá ngồi chồm bỗm hai bên cửa chùa. Hay như chuyện cái bánh chưng được làm từ vài tấn gạo để được ghi vào sách Guiness… Ngoài những lúc đăm chiêu, nó thường lẩm bẩm như đĩ khấn tiên sư: “Tài thật, hay thật, ngộ thật…”
Hay quá đi chứ, xét về một phương diện nào đó thì những phát minh đó chỉ có thiên tài mới nghĩ ra được. Nó chăm nghĩ mà đã nghĩ được cái gì tương tự đâu. Vậy không tài thì là gì.
Hôm nọ nó bươn bả chạy ra đầu hồ, khi nghe loáng thoáng có tượng rùa vàng ở bên hồ Hoàn Kiếm. Chết nỗi chưa kịp nghe người ta nói xong nó đã phóng đi. Ấy là người ta mới định thôi chứ đã làm đâu mà xem, khổ vậy.
Nó nghiện xem mặt trời lặn. Chả hiểu cái mặt trời lù rù, đỏ kệch có cái gì hấp dẫn mà phải ngắm cơ chứ. Nhiều khi công việc không dứt ra được, mặt trời không đợi được đã chìm xuống bên kia đường chân trời.
– Tiếc thật, mà thậm vô lý…
Thay vì lẩm bẩm nó nói to thành tiếng. Nhiều người đi đường ngoái nhìn chả hiểu nó nói vậy là có ý gì. Nếu mà tính tiếc thì nhiều cái tiếc lắm, mà tính vô lý thì cũng nhiều cái vô lý lắm. Này nhé, ví như hôm nọ nó nghe người ta bảo ở Hưng Yên có cái làng nghề chuyên làm đó, nổi tiếng khắp nước, vậy mà khi đến nơi, lục tung cả làng lên cũng bói không ra một cái đó nào. Hoá ra cứ nghe tin đồn thì chỉ có nước đổ thóc giống ra mà ăn chứ chả chơi. Chả đáng tin. Đấy, cái vụ ca sĩ lệ rơi gì đấy, cứ um ti trên đài trên báo, nổi như cồn, nhiều kẻ rỗi hơi “like” mà có biết hát đâu. Nghe như đấm vào tai.
Có lần đang mải ngắm mặt trời lặn, có người đến vỗ vào vai làm nó giật bắn cả mình.
– Ông chả lạc quan cách mạng gì cả. Sao không ngắm bình minh mà lại đi ngắm hoàng hôn làm gì?!
– Khỉ gió cái nhà ông này, làm người ta giật hết cả mình, chỉ được cái phá đám. Bình minh đẹp sao ông không đi mà ngắm, rủ tôi làm gì! Mà tôi nói thật nhé, khi tôi mở mắt thì mặt trời đã trên đỉnh đầu rồi. Có muốn cũng chả ngắm được. Thế chả ngắm hoàng hôn thì là gì.
Người nọ xua tay ra chừng xin lỗi vì đã làm phiền nó. Tưởng lượn luôn ai dè còn muốn bắt chuyện. Rõ khổ, muốn được yên để suy nghĩ, để nhâm nhi cái mình thích sao mà khó thế…
– Tôi kể ông nghe chuyện này nhé!
– Chuyện gì tôi cũng không thích nghe. Trong đầu tôi đầy chuyện hay ho.
– Chả là tôi nhìn ông thấy giống cái truyện tôi xem hồi xưa, chỉ có điều ông không khóc thôi.
– Rõ vớ vẩn, việc gì tôi phải khóc?
– Chả là nếu ông khóc thì sẽ giống cái ông trong truyện trăm phần trăm…
– Hàm hồ, nhảm nhí, làm gì có cái gì trăm phần trăm.
– Chả là… Chả là.
– Thôi đi, cứ chả là mãi sốt ruột. Vậy ông nói đi, tôi giống cái gì?
– Ông không giống cái gì mà giống một nhà sư trong truyện!
– Bậy nào, ông thấy trên đầu tôi có lơ thơ vài sợi tóc định xỏ xiên đấy phỏng?!
Thấy mắt nó vằn lên vẻ tức giận ông ta xua tay.
– Ấy, đừng thế chứ, tôi không có ý đó, chả là… Chả là…. Mà thôi, đúng là vớ vẩn thật, đúng như ông nói. Có lẽ mai tôi cầm sách ra ông tự đọc thì hơn. Có kể ông cũng không hiểu đâu.
– Rõ khỉ, ông nghĩ tôi không đọc sách vì không có sách à? Nhà tôi đầy sách việc gì tôi phải đọc sách của ông?!
– Chả là…. Rõ khổ, tôi cũng không có ý ấy… Biết nói thế nào nhỉ… Mà thôi, đến mai ông khắc biết. Tôi đi đây!
– Kể ra ông cũng còn biết điều đấy!
Nó hậm hực nói với theo khi người đàn ông đã rồ ga, trong chớp mắt mất hút vào dòng người và xe tấp nập trên phố…
* * *
Tưởng gì, hoá ra nó trách oan người tốt. Chỉ có điều, ông ấy chả biết chọn thời điểm thích hợp. Mẹ kiếp, mọi chuyện trở nên phức tạp, khó giải quyết chung qui lại cũng chính tại vì chọn thời điểm không thích hợp. Cũng không trách người khác được. Họ có phải là mình đâu mà biết lúc nào thì thích hợp. Có duyên gặp nhau cũng phải tu vài kiếp chứ không à…
… Bữa nọ đang đi trên đường, người khách bỗng gặp một nhà sư già nhìn hoàng hôn khóc nức nở. Có vẻ giống, giống lắm, ngộ thật… Ông khách hỏi nhà sư sao lại khóc. Nhà sư buồn bã đáp: Ôi, hoàng hôn mới đẹp làm sao, nghĩ mãi mà không có cách nào níu giữ được, tôi không nhẫn tâm nhìn nó biến mất nên khóc. Ông khách thở dài nói: Đã biết là không có cách gì níu giữ được thì tiếc phỏng có ích lợi gì!… Nhà sư đột nhiên thức ngộ…
Ngộ thật, tài thật mà cũng hay thật! Sao trước nay mình không đọc truyện này nhỉ?! Hoàng hôn mất đi, mai lại có hoàng hôn khác. Không hoàng hôn nào giống hoàng hôn nào. Đó chính là sự hấp dẫn, là lý do để chiều nào mình cũng phải ra đây để ngắm.
Thế cũng mới biết, không có cái gì đúng cả, cũng như không có cái gì sai cả, chỉ là chưa thích hợp, chưa ngộ thôi.
Trên môi nó hiện ra một nụ cười xem ra còn ngây ngô, cổ quái hơn bất cứ nụ cười nào nó từng có…
4/2017