Đầu đường Nguyễn Du có một quán Cà phê không hiểu vì sao rất đông khách. Nghe đồn cà phê ở đây rất rẻ. Tôi lọt vào quán này phần vì tò mò, phần vì ham rẻ. Chọn một chỗ khuất trong góc tôi cũng gọi cho mình một tách cà phê.
– Chú dùng số mấy? – Cô nhân viên, tuổi trạc con gái tôi, nở một nụ cười thân thiện.
Tôi thực sự lúng túng. Tại sao cà phê lại có số nhỉ? Số mấy là tốt cho tôi, chịu, chẳng biết đằng nào mà lần tôi đành nói:
– Cho chú một đen đá, nhiều đường một chút! Chú có thói quen ngửi hương vị cà phê chứ không nghiện.
– Vậy chú dùng số 3 nhé? – Tôi chẳng biết số 3 là thế nào nên cũng đành ừ ào cho xong.
Xung quanh tôi, bàn nào cũng có người. Những gương mặt chập chờn, ẩn hiện trong ánh đèn mờ mờ. Khác hẳn quán bia, khách ở đây không ồn ào. Họ suy tư và thực dụng hơn. Tay của họ âm thầm bận rộn trong bóng tối. Đúng là thời buổi tân tiến, họ hôn nhau một cách tự nhiên. Tôi cúi đầu nhìn xuống và cảm nhận được má mình đang nóng lên…
Tự nhiên câu chuyện của hai người đằng sau lọt vào tai tôi. Họ đang nói chuyện văn chương. Tôi rất tò mò muốn quay đầu lại nhìn xem họ là ai, nhưng lại thôi vì không muốn cắt ngang mạch chuyện của họ. Bỗng người đàn ông có cái giọng trầm đục nói:
– Thời nay chỗ nào cũng ô nhiễm, cái gì cũng ô nhiễm, văn chương cũng vậy. Mùi của nó làm tôi không chịu được.
– Cậu ăn nói linh tinh gì thế! Ở đây có nhiều người, cậu phải nói năng cho cẩn thận.
– Tớ ghét nhất cái gì cậu biết không, đó là sự thiếu trung thực. Bàn về văn học thì đã có các nhà phê bình, mình chỉ là cái anh chân đất, mắt toét thì nói chuyện theo cách nghĩ của anh chân đất, mắt toét. Thấy hay thì bảo hay, thấy dở thì nói dở, thế cũng không được sao. Còn hơn khối kẻ ra vẻ ta đây, toàn nói theo cách nói, cách nghĩ của người khác.
Mùi của văn chương ư? Thật là một cách nghĩ lạ lùng mà tôi chưa bao giờ được nghe qua. Tuy chưa rõ hay dở thế nào nhưng tôi cũng muốn nghe cho biết. Đây cũng là một cái duyên.
– Cậu thì có nghĩ được gì đâu, cùng lắm là nói theo cái mũi của cậu.
– Đừng châm chọc, rồi cậu sẽ ngửi thấy ngay thôi. Này nhé…văn ông Nguyễn Tuân toàn mùi thực phẩm. Không phải thế sao. Suy cho cùng ông ta không phải nhà văn của dân lao động. Những sơn hào hải vị mà ông ta tả chỉ có tác dụng hành hạ cái dạ dày lép kẹp của bọn mình…
– Cậu toàn suy diễn lung tung. Truyện của ông ta có liên quan gì tới cái dạ dày?
– Quá liên quan chứ lại không à! Trong thời buổi khó khăn, ăn còn không xong thì làm gì có thì giờ ngồi vẽ ra lắm thứ nhiêu khê. Xưa thì thắt lưng buộc bụng, hạt gạo dễ phải sẻ làm tư ấy chứ. Nay mọi thứ có vẻ sẵn, nhưng cái quan trọng nhất là tiền thì lại không có. Mà đã không có thì phải đi kiếm. Càng kiếm càng không thấy…
– Khe khẽ một chút, cái giọng bất mãn của cậu bô bô chỗ đông người là không có lợi đâu…
– Cậu thì hơi một tý là đã sợ phát run lên. Loại yếu hèn như cậu thì chả được tích sự gì. Còn nhỏ sợ bố mẹ, đến trường sợ thày giáo. Lớn lên đi làm thì sợ thủ trưởng. Trong nhà sợ vợ, ra đường sợ công an. Sao mà lắm cái sợ thế? Cậu có còn là con người không?!
– Sợ, vẫn biết là không nên, nhưng tớ có lý do của tớ. Nói thật với cậu, tớ chỉ muốn được yên ổn.
Câu chuyện của họ có vẻ rời xa văn chương mà nghiêng về cá tính riêng. Tôi định gọi tính tiền ra về chợt cái giọng trầm đục vang lên níu kéo tôi nán lại.
– Mà thôi, đấy là việc của cậu… tiếp chuyện ban nãy. Văn chương bây giờ không chỉ có mùi thực phẩm mà còn có mùi của ái tình, mùi rơm rạ, mùi phân bò, thậm chí mùi của xác chết…
Tôi giật mình kinh hãi. Nhẽ đâu thế! Đã lâu tôi không còn thói quen sáng đọc báo, tối nghe đài…
– Cậu nói nghe ghê chết đi được. Thế cũng đòi…
– Nói có sách, mách có chứng. Không nói gì đến truyện trinh thám, truyện hình sự trên “An ninh Thế giới”, ngay Nguyễn Huy Thiệp, hầu như truyện nào của ông ta cũng có người chết. Dù là chết tự nhiên hay cố tình do nhà văn sắp đặt cũng thế thôi, nó làm tôi…
– Thôi đi ông ơi! Văn của ông Thiệp chả thô ráp, ngồn ngộn chất bình dân của chúng mình là gì…
– Bình dân cái con khỉ! Rặt một trò bịp bợm. Ông ta đánh vào bản chất hiếu kỳ, ưa cảm giác mạnh của số đông. Cũng vì hiếu kỳ, thích trò mới lạ nên người ta mới ngộ nhận…
Tôi lặng lẽ rời khỏi quán trong khi hai người đàn ông vẫn còn ngồi đấu khẩu. Tâm trạng của tôi thật khó tả. Tôi thực sự bị sốc. Thời buổi hiện nay mọi cái đều có thể. Từ cái ăn, cái mặc đến sự giao tiếp, và cả những mối quan hệ nhằng nhịt đều đã thay đổi. Mọi chuẩn mực bị xâm hại, nếu không muốn nói nó đã được viết lại cho những người hôm nay. Văn chương chả lẽ cũng thay đổi luôn sao?
Trước mặt tôi bày la liệt sách, truyện. Cũ có, mới có, nhưng tuyệt nhiên tôi chả ngửi thấy mùi gì cả. Có lẽ cái mũi của tôi sinh ra không phải để thưởng ngoạn văn chương. Mùi của văn chương! Hay thật! Tôi phân vân tự hỏi, nếu có thì mùi vị của nó thế nào nhỉ?!
Hà nội, Tết Quý Mùi 2003