Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhật Ký Mang Thai Tuổi 17

Chương 47: Hạnh phúc khi có con

Tác giả: Võ Anh Thơ
Chọn tập

Ngày 12 tháng 4

Nhờ ở nhà Chan Chan một thời gian cộng thêm việc phải đi đổ rác lúc sáng mà giờ tôi có thói quen dậy sớm. Sáng nay đang lom khom gom mấy cái lá khô, mẹ ngạc nhiên thấy tôi đi ra.

“Trời, chuyện lạ. Min Min mà rời giường khi chưa sáu giờ rưỡi.”

“Con gái mẹ khác rồi. Tại mẹ không biết thôi.” – Tôi hếch mặt lên, tự hào.

“Ghê chưa. Đúng là về làm dâu rồi có khác. Người xưa hay bảo con gái dù tệ cách mấy mà khi lấy chồng thì sẽ giỏi giang ra hết. Quả chẳng sai.”

“Không giỏi sao được ạ. Mấy người mẹ chồng khó khăn quá mà, bắt làm đủ thứ chuyện.”

“Con nhỏ này, ăn nói cái kiểu gì không. Sau này hai thằng em mày cưới vợ thì tao cũng lên chức mẹ chồng thôi. Mày bảo thế là quơ đũa cả nắm con ạ.”

Tôi bật cười trước dáng vẻ hậm hực của mẹ: “Rồi, là con sai thưa mẫu thân.”

“Chuyển qua chơi cách xưng hô cổ trang sao? Vậy giờ tiểu nữ giúp mẫu thân quét sân đi nào.”

“Cung kính không bằng tuân mệnh.”

Hai mẹ con cùng cười khanh khách. Rồi tôi cầm lấy chổi bắt đầu quét sân. Hồi trước mỗi lần mẹ bảo tôi quét lá là tôi đã than lên than xuống. Giờ tôi thấy cái sân này nhỏ xíu, quơ chổi qua lại vài nhác là xong. So với sân nhà Chan Chan thì nó chả thấm vào đâu. Chưa đầy mười phút, tôi đã xử lý sạch sẽ rác lẫn lá khô. Mẹ nhìn tôi gật gù, ra điều hài lòng lắm.

“Chị Diễm, quét sân à?” – Giọng sang sảng của một người phụ nữ vang vang.

Mẹ tôi ngừng lại đồng thời đứng thẳng người dậy quay qua nhìn:

“Ủa, chị Hoà. Đi đâu thế?”

“Tôi đi chợ. Hôm nay nhà có giỗ.” – Dì Hoà thấy tôi – “Con gái lớn của chị?”

“Vâng, con Min Min nhà tôi đó.”

Theo phép lịch sự, tôi cúi đầu chào. Khi ngước lên thì tôi bắt gặp cái nhìn kỳ lạ của dì Hoà.

“Nghe nói, con gái chị có thai phải không?”

Tôi và mẹ không hẹn mà cùng kinh ngạc. Đơn giản bởi vì chuyện tôi mang thai lối xóm vẫn chưa hay biết gì cả. Như hiểu thái độ của hai mẹ con tôi nên dì Hoà nọ nói luôn:

“Con trai tôi học cùng trường với con gái chị. Nó bảo trường đồn ầm ĩ rồi.”

“Cháu mới kể chị nghe à?”

“Phải, từ chiều hôm qua. Mà không chỉ mỗi tôi, vài người xung quanh cũng biết việc này mà.”

Tôi nghe xong mà thấy đầu choáng váng. Chuyện tồi tệ gì vậy nè? Bây giờ không chỉ bạn bè thầy cô trong trường biết mà hàng xóm cũng đã “nhận được” tin này hả trời? Vài người quanh đây đã phát hiện ra vậy thì chỉ một, hai ngày sau thôi là cả khu sẽ đồn ầm ĩ lên cho xem.

“Sao con gái chị lại mang bầu vậy? Có biết cha đứa bé là ai chưa? Con gái giờ lơ là tí là dính ngay. Quan hệ không chịu phòng tránh. Càng khổ hơn khi nó chửa hoang…”

“Cám ơn chị quan tâm.” – Mẹ tôi thình lình cắt ngang – “Nhưng chuyện con gái tôi không cần người ngoài phải lo vào. Gia đình tự biết cách giải quyết.”

Tôi nhận ra vẻ mất hứng trên gương mặt dì Hoà nọ. Rất nhanh, dì ta liền bảo:

“Ừm… Tôi chỉ thắc mắc thôi chứ cũng chả hơi sức đâu mà lo chuyện nhà người ta. Chào chị.”

Nhìn nhìn hai mẹ con tôi với ánh mắt soi mói xong thì dì Hoà quay phắt bỏ đi. Tôi không ưa nổi cái bà đánh phấn dày cuộm điệu đà đó. Nhìn chướng mắt quá thể, hệt bà dì Mập.

“Đúng là rỗi hơi. Thôi, mình vào nhà đi con.”

Tôi chậm rãi đi theo mẹ vào trong nhà nhưng đầu óc cứ nghĩ miên man không ngừng. Chính xác là tôi bắt đầu lo sợ khi tưởng tượng cái cảnh, cả khu phố này rồi cũng sẽ giống hệt trường Q: mang tôi ra làm đề tài bàn tán. Ngoài xã hội, kiểu dị nghị còn dã man tàn canh hơn nhiều.

… Tôi với hai thằng em trai đi siêu thị mua mua đồ cho mẹ chuẩn bị bữa trưa. Thật xui xẻo khi tôi vô tình đi ngang qua chỗ thực phẩm tươi sống. Tức là thịt, cá, mực vân vân đủ thứ những con vật nửa sống nửa chết và không ngừng quẫy đuôi. Vừa nghe thấy cái mùi tanh tanh đó là tôi cảm giác buồn nôn. Do siêu thị đông người chen lấn nên tôi phải đứng chờ trước giang hàng cá mấy phút. Và hậu quả là tôi đã không nhịn được mà oẹ lên một tiếng. Tất nhiên, chẳng cần nói cũng biết là những người xung quanh đồng loạt nhìn vào tôi chằm chằm hệt như vừa trông thấy sinh vật lạ. Tôi bắt đầu nghe âm thanh xì xầm.

Thú thật, các bà các chị các cô quá rành về biểu hiện này rồi. Kiểu nôn có một không hai như vậy thì ngoài có mang ra còn là “bệnh” gì nhỉ? Hình như đau bao tử. Nhưng tôi dám cá họ chẳng đời nào nghĩ đến chứng bệnh trong sáng đó đâu. Thiên hạ thường liên tưởng đến những vấn đề được coi là nhạy cảm hơn. Vì vậy khá dễ hiểu khi họ cứ hướng ánh mắt hiếu kỳ và nói chuyện to nhỏ về tôi. Thậm chí, lúc ở quầy thanh toán chị thu ngân cũng chốc chốc lại nhìn lên khi thấy tôi vuốt vuốt ngực. Tôi không muốn phải làm vậy để người ta nhìn nhưng vì cơn buồn nôn cứ dợn ở cổ thật khó chịu. Đúng lúc một đám nhóc choai choai chạy ù vào trong siêu thị. Chúng cười nói ầm ĩ mặc bảo vệ lên tiếng nhắc nhở. Chợt có một thằng khi đi ngang qua chỗ tôi thì ngừng lại rồi bảo:

“Ê, cái chị này ở gần nhà tao nè! Nghe nói mang bầu đi học đó tụi mày.”

Tuyên bố xong câu chấn động giữa bàn dân thiên hạ thì nó cười lớn. Còn tôi, ban đầu là ngơ ngác tiếp đến thì ngượng chín mặt. Ban nãy âm thanh bàn tán vốn đã có giờ càng nhiều và rõ hơn. Tôi ngại đến mức chẳng dám nhìn mọi người xung quanh. Tiếng cười của thằng nhóc nọ càng khiến tôi thêm sượng và giận. Tôi muốn đấm nó phù mỏ dễ sợ luôn.

“Mày nói thiệt không đó?”

“Ghê ta, mặt cũng xinh mà mất zin rồi hả?”

“Mang bầu đến trường bộ định làm học sinh vượt khó học giỏi à? Ha ha ha.”

Đám mất dạy đó vừa nói vừa cười nham nhở. Nếu lúc ấy ai đưa tôi khẩu súng hay con dao thì hẳn là tôi đã phát điên và giết hết lũ mọi rợ vô giáo dục này rồi. Nhưng chẳng hiểu sao tôi kiềm chế được vì vậy thay vì nói gì đó tôi lại im lặng không phản ứng. Riêng hai thằng em tôi không nhịn nổi nên liền gắt lên: “Tụi mày còn nói nữa là coi chừng tao nha!”

“Sao? Kiếm chuyện hả? Nó bồ mày chắc!” – Một tên trong đám làm dữ.

“Bồ cái đầu mày! Chị tao đó thằng khốn!” – Thằng Hoàng sửng cồ.

“Mày nói ai khốn? Chị mày có chửa thì tao nói có chửa, mắc cái chứng gì?”

Trông tình hình có vẻ nghiêm trọng, tức thì hai bảo vệ đi đến ngăn. Tôi cũng nhanh chóng kéo thằng Hoàng với thằng Vinh rời khỏi quầy thanh toán. Tôi không muốn vì tôi mà chúng đánh nhau. Vả lại, những người xung quanh sẽ có thêm thứ để bàn. Con chị thì mang thai sớm, còn hai thằng em thuộc dạng dân lưu manh. Tôi không nghĩ là cha mẹ sẽ thích điều này đâu. Đã ra đến cửa siêu thị rồi mà tôi còn nghe văng vẳng đám khốn nạn kia la làng hai từ “có bầu” nữa. Thiệt là ứa gan! Mấy tên này nên chết quách đi cho rồi, sống chỉ tổ chật đất và báo đời.Về đến nhà, tôi cứ nghe sau lưng tiếng thằng Hoàng lải nhải suốt vụ việc ban nãy:

“Chị cản em chi, để em đánh chúng một trận cho chừa cái tội ăn nói bậy bạ!”

“Đúng đó!” – Thằng Vinh hăng máu hưởng ứng theo.

“Hai đứa im xem nào. Đánh lộn thì hay lắm à? Nghe dặn đây, cấm nói cha mẹ biết chuyện xảy ra trong siêu thị. Đứa nào hé miệng là chị đánh chết.”

Dặn dò xong tôi đẩy cửa bước vào nhà. Hai thằng em theo sau không ngừng lầm bầm tức tối. Vừa vào trong là tôi nghe giọng một người đàn ông vang lên, hướng phát ra từ phòng khách:

“Vậy là con anh chị mới mười bảy tuổi đã mang thai?”

“Vâng, nhưng đó chỉ là sự cố đáng tiếc chứ không phải cháu quan hệ yêu đương nhăng nhít.”

“Cháu vẫn còn đang đi học hay sao?”

“Sáng nay vợ chồng tôi đến trường làm thủ tục bảo lưu học bạ cho cháu. Nó sẽ nghỉ học.”

“À, đáng tiếc nhỉ.”

Tôi còn chưa rõ ai đang nói chuyện với cha mình về thì cùng lúc, ba người từ trong phòng khách bước ra. Bấy giờ tôi mới biết hoá ra là chú tổ trưởng tổ dân phố. Chẳng ngờ chuyện tôi mang thai lại lan truyền đến tận đó. Từ một đồn mười, từ mười đồn lên trăm. Không khéo một tuần thôi là chắc phường quận huyện gì cũng đều biết cho xem. Thấy ba chúng tôi, cha giục:

“Chào chú đi mấy đứa. Tổ trưởng tổ dân phố, chú Lợi đấy.”

Tôi và hai thằng em cúi đầu chào. Chú Lợi cũng chào lại cho lịch sự. Và khi nhìn qua tôi thì ổng lắc đầu, khẽ tặc lưỡi. Khi bóng khách đã rời khỏi nhà, thằng Vinh liền hỏi: “Tổ trưởng tổ dân phố đến đây chi ạ?”

“Hỏi thăm về chuyện chị con chứ gì. Mà mấy đứa đi siêu thị gì lâu vậy?”

Mẹ đề cập trúng ngay vấn đề bức bối nên thằng Hoàng nổi sung nói ngay:

“Nãy tụi con gặp phải đám mất dạy. Chúng hò hét việc chị Min Min có bầu.”

“Thật hả? Rồi sao?” – Mẹ sốt sắng.

“Con định cho chúng nó một trận rồi nhưng bị chị Min Min kéo đi. Mấy người xung quanh bàn tàn quá chừng. Chúng nó là dân xóm trên nè.”

“Em nó kể đúng không vậy con?”

Tôi nhìn mẹ, gật đầu gượng gạo. Bà không nói gì thêm chỉ lắc nhẹ vai tôi. Còn bên cạnh, cha hậm hực:

“Mốt, chỉ cha cái đám mất dạy đó, cha đánh chúng một trận cho chừa.”

Trông vẻ hứng khởi của hai thằng em, tôi giấu tiếng thở dài. Giờ tôi chẳng muốn trả đũa ai cả chỉ thấy chuyện này càng lúc càng rắc rối và phiền não.

… Chiều chiều mát trời tôi ra ngoài sân đi dạo cho khoay khoả thì bất chợt thấy cha ngồi trên ghế bố ngoài hiên nhà và đang coi gì đó. Chốc chốc ông lại cười một mình. Tôi liền đến gần, hoá ra ông xem cuốn album cũ lúc trước. Nghe tiếng bước chân, cha mau chóng quay qua.

“Dậy rồi hả?”

“Con không ngủ được, tiết trời cứ nóng bức làm sao.” – Tôi ngồi xuống bên cạnh – “Cha xem lại hình chụp ngày xưa ạ? Mấy cái này cũng lâu lắm rồi.”

“Ừ, từ hồi con lên lớp tám là nhà ta đâu còn chụp hình nữa. Ban nãy soạn mấy giấy tờ nhà rồi tình cờ thấy cuốn album nên cha lấy ra xem lại. Có vài hình chụp con, thằng Hoàng thằng Vinh còn nhỏ xíu nhìn thấy mắc cười. Chà, chưa chi mà thời gian qua nhanh thật. Đứa nào đứa nấy lớn phổng hết rồi. Còn cha với mẹ bây thì lại sắp già đi.”

Thấy cha vừa cười cười vừa lắc đầu vẻ như đang hồi tưởng lại quá khứ thì lòng tôi bỗng dưng buồn lạ lùng. Để rồi rất nhanh tôi chợt hỏi:

“Có phải cha thất vọng về con gái lắm không?”

Ngừng hành động lật từng trang hình, cha đưa mắt nhìn tôi kiểu như chưa hiểu lắm về câu hỏi.

“Là con lớn trong gia đình. Không xinh đẹp, không giỏi giang. Đã vậy giờ còn mang thai lúc đang tuổi đi học khiến cha mẹ bị người ta dị nghị đủ thứ.” – Tôi tự nhận xét về bản thân.

Tôi nghe rõ âm thanh thở dài nặng nề từ cha và tiếp theo ông từ tốn chỉ vào một tấm hình, nói:

“Đây là hình chụp lúc con mới sinh được vài tuần. Con nặng hơn ba ký mấy luôn. Hồi mang thai, mẹ con ốm nghén dữ lắm. Ăn ngủ cũng khó. Ấy vậy bả vẫn háo hức mong chờ ngày con chào đời. Bả thích con gái, lúc đi siêu âm nghe bác sĩ bảo là công chúa thì mừng quýnh. Cha thì trai gái đều thích nhưng vì đây con đầu lòng nên hồi hộp chờ đợi lắm. Khi mẹ con lâm bồn thì cha đang ở công ty. Vừa nghe báo là cha xin nghỉ rồi chạy một quãng đường dài ngút đến tận bệnh viện. Nghe cô y tá nói mẹ tròn con vuông là cha mừng muốn khóc. Vừa tỉnh dậy thì mẹ đòi đi gặp con ngay. Bả còn nghĩ sẵn mấy cái tên hay hay để đặt cho con nữa chứ.”

Tôi bất động khi nghe cha kể về quá trình ra đời của mình. Dường như, tôi rất được cha mẹ mong mỏi chào đón ở thế giới này. Dù vẫn còn nằm trong bụng nhưng họ đã yêu thương tôi nhiều vô cùng. Tôi thấy sóng mũi mình cay cay. Đơn giản, chỉ là hạnh phúc.

“Con người sinh ra đều có số. Nhất là cha mẹ, vợ chồng, con cái hay công việc đều là duyên phận. Cái đó mình không thể lựa chọn. Dù thế, ông trời vẫn cho chúng ta thương yêu lẫn nhau. Giống như cha mẹ đã yêu con ngay từ khi con chỉ mới hình thành trong bụng mẹ. Ai mà không mong con mình giỏi giang nhưng quan trọng hơn hết vẫn mong nó khoẻ mạnh nên người. Chỉ cần con có đủ hai điều đó là cha mẹ vui lắm rồi, chẳng muốn gì hơn.”

“Nhưng con lại mang thai…”

Cha cắt ngang lời tôi bằng chất giọng thật dịu dàng nhỏ nhẹ:

“Đó không phải lỗi của con, chỉ là do sự cố. Nói gì thì nói, cuộc đời mỗi người đều được sắp đặt sẵn muốn tránh cũng không được. Cứ xem như số con phải như vậy và chưa kể cái duyên của con với cậu Chan Chan nữa.”

“Duyên ạ?” – Tôi ngán ngẩm – “Chắc duyên ấy cũng sắp đứt rồi.”

Tôi không ngờ cha lại tinh ý phát hiện ra trong câu nói lấp lửng kia một điều nào đó mơ hồ.

“Hình như con với Chan Chan xảy ra chuyện gì phải không? Hôm qua, cha thấy hai đứa gặp nhau mà không giống mấy lần trước. Lại có rắc rối gì sao?”

Nghe cha hỏi mà tôi thêm nản. Kể từ buổi chiều Chan Chan bỏ mặc để tôi dầm mưa về nhà là mối quan hệ của cả hai đã thay đổi. Và cho đến tận bây giờ thì vẻ như tình hình càng tệ đi.

“Con không biết nữa. Có vẻ chỉ mỗi con là mang tình cảm với Chan Chan.”

Tự dưng tôi thấy cha cau mày hệt kiểu điều tôi vừa nói là không đúng. Tôi dò hỏi: “Con nói sai gì sao?”

“Ừm, theo cha thì không hẳn thế. Cha thấy Chan Chan cũng rất thương con.”

“Gì ạ? Thương ư?”

“Cái hôm cha mẹ đến nhà Chan Chan thăm con, lúc dùng bữa trưa cha nhớ rõ Chan Chan có nói con đang mang thai nên không được ăn đồ chiên mà phải ăn thịt bò để tốt cho sức khoẻ. Con trai tính hay vô tâm chứ không như con gái. Chỉ khi yêu thương một ai nhiều thì nó mới có thể quan tâm người đó từng chút như vậy.”

Tôi đảo mắt nghĩ ngợi về điều cha nói. Mà bây giờ tôi mới phát hiện một điều: Từ đó đến nay, hầu như Chan Chan đều lo lắng cho tôi đủ mọi chuyện, kể cả trong việc ăn uống. Còn tôi tuy luôn nghĩ bản thân thích tên cool boy nhiều hơn nhưng vẻ như tôi chưa lần nào để ý cậu ta thích gì, làm gì. Tính tôi vốn hời hợt và vô tư. Bất giác, trong lòng xuất hiện cảm xúc là lạ.

“Ông ơi, Min Min! Cả hai vào tắm rửa rồi còn ăn cơm!” – Mẹ tôi gọi lớn.

“Gần năm giờ rồi cơ à. Thôi cha con mình vào nhà kẻo bả lại la um sùm.”

Tôi gật đầu. Lúc đứng dậy toan quay lưng đi thì tôi nghe cha gọi. Ông nhìn tôi mỉm cười:

“Min Min, dù thế nào đi nữa hãy nhớ rằng: Cha mẹ hạnh phúc khi có con.”

Sự xúc động dâng trào trong lồng ngực khiến tôi ôm chầm lấy cha. Tôi thật sự vui khi nghe thế. Tưởng chừng mọi nỗi buồn chất chứa đều tan biến.

“Khi có con rồi thì con sẽ hiểu tấm lòng của cha mẹ. Và con nhất định cảm thấy hạnh phúc vô bờ khi đứa trẻ trong bụng mình được sinh ra.”

Nằm lặng thinh trong vòng tay to lớn rắn chắc của ông, tôi gật đầu liên tục. Đây là buổi chiều kỳ diệu nhất đối với tôi. Cái khoảnh khắc tôi biết rằng mình luôn được yêu thương… Dõi theo bóng dáng lặng lẽ của cha đi vào nhà xong tôi chậm rãi chuyển hướng nhìn xuống bụng mình. Đứa trẻ ấy đang không ngừng lớn lên trong bụng tôi. Qua từng ngày từng ngày.

“Sẽ cùng chờ đợi…”

Tôi nói thật khẽ và lại thấy hoàng hôn trải mình lên mọi thứ. Cái màu ráng chiều đó khiến người ta dễ dàng cảm thấy bình yên. Lát sau, tôi mau chóng quay lưng đi vào nhà để lại phía sau khung cảnh buổi chiều buồn man mác.

Chọn tập
Bình luận