Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đức Phật Và Nàng

Chương 4

Tác giả: Chương Xuân Di
Chọn tập

Ngày thứ ba, chúng tôi dựng trại ven một dòng sông đang mùa nước cạn. Mẹ con tiểu hòa thượng đã bắt đầu tụng kinh, họ không ăn tối, tôi dùng bữa cùng với những người khác, vẫn là bánh Tây vực và mì nóng. Tôi ở chung với những thị nữ khác, hòa thượng “quyền quý” được dành riêng một lán trại với chế độ chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, lớp học, tất nhiên là được sắp xếp ở chỗ của hòa thượng.

Vừa bước vào trong lán, tôi bỗng sững lại, Jiba đang cạo đầu cho con trai, những sợi tóc màu hung rơi lả tả trên tấm vải trắng quấn quanh cổ hòa thượng. Hòa thượng mỉm cười với tôi và ra hiệu cho tôi ngồi chờ một lát.

Tôi bắt đầu quan sát Kumalajiba trong thời gian chờ đợi. Vầng trán của cậu không bị nén dẹt như người mẹ. Và thật mừng là các nhà sư sống trong thời đại và khu vực này không có tục lệ đốt hương trên đỉnh đầu, bằng không, bên cạnh đau đớn về thể xác, những vết sẹo đó sẽ phá hoại dung mạo gần như hoàn mỹ của tiểu hòa thượng.

Nghĩ đến những vết sẹo đốt hương, bất giác tôi mỉm cười, đây vốn là “đặc sản” của văn hóa Phật giáo Trung Nguyên.

Thực ra lúc đầu, cũng giống như ở các quốc gia khác, hòa thượng Trung Quốc không đốt hương trên đỉnh đầu. Được biết tục lệ này vốn do Lương Vũ Đế – vị vua cuồng tín đạo Phật thời Nam Bắc triều khởi xướng. Vua Lương từng ba lần quyết tâm xuất gia, nhưng cả ba lần đều “bị” các đại thần “chuộc” về bằng rất nhiều ngân lượng.

Vì muốn nhanh chóng mở rộng diện ảnh hưởng của đạo Phật và tăng số lượng tăng ni Phật tử, nhà vua đã hạ chỉ miễn tội cho tất cả các tử tù, buộc họ xuất gia làm hòa thượng. Nhưng vì lo ngại đám tử tù bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, ngài lệnh “kiểm hình” (khắc chữ trên mặt) Lương Vũ Đế còn ban chỉ dụ đốt hương trên đỉnh đầu các tử tù để dễ dàng nhận dạng trong quá trình truy bắt.

Cá nhân tôi cho rằng, tục lệ đốt hương trên đầu hòa thượng ở Trung Quốc xuất phát từ mục đích của nhà cầm quyền. Các nhà sư không tham gia sản xuất, không nộp thuế, không sinh con cái, nếu số lượng tăng ni quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến năng lực sản xuất. Thêm vào đó, giới luật “không sinh con” của Phật giáo mâu thuẫn sâu sắc với luân thường đạo lý thời xưa “trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội nặng nhất”. Những thảm kịch “hủy diệt đạo Phật” diễn ra trong lịch sử đều có nguyên nhân sâu xa từ yêu cầu duy trì phát triển kinh tế và bảo vệ những luân lí đạo đức vốn có từ lâu đời. Tuy nhiên, sự tồn tại của tôn giáo là không thể thiếu, tôn giáo giúp giai cấp thống trị giữ cho xã hội được ổn định. Vì vậy, các nhà sư buộc phải có thẻ chứng nhận và nhà nước khống chế chặt chẽ số lượng tăng ni. Dấu hiệu nhận biết bên ngoài của nhà sư chính là vết chấm cháy trên đỉnh đầu. Những kẻ cạo trọc đầu giả mạo nhà sư sẽ dễ dàng bị phát hiện. Rất mừng là sau giải phóng, tập tục này đã được xóa bỏ, nhưng tôi nghe nói, một số chùa vẫn duy trì nghi lễ đốt hương này…

– Ngải Tình!

Tôi giật mình ngẩng lên, tiểu hòa thượng mặt mày hớn hở. Vừa cạo đầu xong, trông cậu ta có vẻ sảng khoái và phấn chấn. Tôi ngó nghiêng, Jiba đã ra ngoài lúc nào mà tôi không hay. Vội theo sau tiểu hòa thượng đến bên chiếc bàn dài, tôi bắt đầu buổi học đầu tiên của mình.

Tiểu hòa thượng dạy tôi tiếng Tochari trước. Mặc dù hết sức tận tâm và kiên trì, nhưng vì trình độ tiếng Hán có hạn, chữ Tochari lại khó nhớ, tôi cảm thấy khổ sở hơn cả ngày xưa học tiếng Đức, tôi gắng sức tập trung, mồ hôi lăn đầy trên trán. Một tiếng sau thì tôi mệt đến mức phủ phục xuống bàn học và yêu cầu được nghỉ giải lao. Giờ học tiếng Tochari của tôi đã kết thúc trong rã rời như vậy.

Nghỉ ngơi một lúc thì đến lượt tôi dạy tiểu hòa thượng tiếng Hán. Tôi từng tham gia giảng dạy xóa mù chữ mỗi dịp nghỉ hè, nên tôi rất tự tin với những giờ dạy tiếng Hán sơ cấp. Tiếng Hán nhập môn không quá khó vì đều bắt đầu với việc nhìn tranh học chữ. Vấn đề ở chỗ, thời cổ đại chưa có khái niệm phiên âm, nên rất khó ghi nhớ cách phát âm.

Phương pháp chú âm thời cổ đại gọi là “phiên thiết”, tức là dùng âm của hai chữ khác (được coi là đã biết cách đọc) ghép lại để chú âm cho một chữ Hán mà người đọc chưa biết cách đọc. Thông thường sẽ ghép thanh mẫu (phụ âm đầu) của chữ phía trước với vận mẫu (vần) và thanh điệu (dấu) của chữ phía sau. Ví dụ chữ “tú” có thể đọc thành “tê u sắc”. Phương pháp phiên thiết sử dụng bảng chữ cái riêng gọi là “quảng vận”. Nhưng tôi đâu phải cổ nhân, tôi không đọc được những chữ cái phiên thiết đó, tôi cũng không dám áp dụng phương pháp phiên âm, vốn là phát minh của hai nghìn năm sau, nên tôi đành đọc mẫu rồi yêu cầu hòa thượng mô phỏng theo và học thuộc lòng.

Tôi lôi tập giấy nháp và bút chì ra, vừa vẽ tranh vừa giảng giải. Hòa thượng tỏ ra rất hiếu kỳ với những đồ dùng học tập mới lạ của tôi và không ngừng đặt câu hỏi: loại giấy trắng tinh và chiếc bút chì ngòi cứng này làm thế nào mà có? Tôi đành phải nói dối rằng có một người kỳ lạ đã tặng cho tôi, rằng trên đời này chỉ mình tôi có chúng và tôi cũng không biết chúng được tạo ra bằng cách nào. Sau đó, tôi làm bộ nghiêm khắc, yêu cầu hòa thượng chuyên tâm nghe giảng, không được hỏi gì thêm.

“Nhật nguyệt thủy hỏa thổ, kim mộc nhĩ khẩu thủ”. Để chuẩn bị cho chuyến vượt thời gian này, tôi đã dành ra một năm chuyên tâm luyện tập chữ phồn thể, nhưng cứ nghĩ đến thời nhà Tần sử dụng chữ tiểu triện là tôi lại toát mồ hôi. Tôi chỉ có thể đọc hiểu mà không thể viết được loại chữ này, mong là tôi không làm cho lịch sử bị sai khác đi. Cũng may tiểu hòa thượng sinh sống ở Tây vực xa xôi, cậu ta khó mà đến được Trung Nguyên.

Tiểu hòa thượng từng học tiếng Hán nên vẫn nhớ khá nhiều chữ. Cậu ta rất chăm chỉ, hai mắt dính chặt vào tập giấy tốc ký của tôi và gật gù liên tiếp. Mùi thơm dìu dịu của gỗ đàn hương trên người tiểu hòa thượng tỏa lan trong không gian. Buổi lên lớp đầu tiên của tôi đã kết thúc tốt đẹp trong hương thơm dễ chịu ấy.

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường. Giao tiếp giữa tôi và Kumalajiba trở nên suôn sẻ hơn. Cậu ta bắt chước rất nhanh, chỉ cần tôi cắt nghĩa một lần, cậu ta sẽ không hỏi lại nếu trong bài giảng lần sau của tôi xuất hiện những từ đã học. Ngoài ra, cậu ta còn biết cách sắp xếp lại theo đúng trật tự cú pháp: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ dựa trên quy tắc của ngữ pháp tiếng Hán.

Vào thời đại này, nếu giao tiếp với người Hán, hẳn tôi phải dùng lối nói văn ngôn cổ xưa. Nhưng với tiểu hòa thượng Tây vực, tôi vẫn áp dụng phương thức giao tiếp phổ thông của thế kỷ XXI. Bởi vì hòa thượng là người nước ngoài, nên tôi không lo cậu ta phát hiện ra tôi trò chuyện không đúng quy chuẩn của thời đại. Kumalajiba thích tìm hiểu về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của cư dân vùng Trung Nguyên. Tôi giảng giải cho cậu ta dựa trên những kiến thức đọc được trong sách lịch sử. Càng ngày tôi càng cảm thấy tiểu hòa thượng không những tư chất thông minh, trí nhớ siêu phàm mà cậu ta còn có một khả năng ngôn ngữ thiên bẩm đáng ngưỡng mộ!

Tôi hỏi Kumalajiba vì sao lại dẫn theo quân lính, thực ra mục đích chính của tôi là tìm hiểu thân thế của tiểu hòa thượng. Cậu ta trả lời rằng họ đã đi chu du nhiều nước trong suốt bốn năm qua, mà khoảng cách giữa các quốc gia là những sa mạc mênh mông, không bóng dáng sự sống, thêm nữa, những nơi họ đi qua đều thuộc khu vực không có sự cai quản, thường xuyên bị cướp bóc. Họ không thể không dẫn theo lính tráng để bảo vệ một lượng lớn sách kinh Phật và xá lợi quý báu trên đường đi.

Huyền Trang khi xưa trên đường tây du cũng từng nhiều lần bị cướp bóc. Tôi gật đầu đồng tình và xác nhận tầm quan trọng của đội ngũ vũ trang. Nhưng tôi vẫn chưa tìm hiểu được thân thế của hòa thượng, chỉ biết rằng, bốn năm trước họ dẫn theo đội quân tinh nhuệ này rời khỏi Kucha. Nhưng chắc hẳn hai mẹ con họ có quan hệ với hoàng thất, vì chỉ có hoàng thân quốc thích mới được quân đội của nhà vua đi theo bảo vệ như vậy.

Jiba lặng lẽ theo sau lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, khuôn mặt lúc nào cũng an nhiên, bình thản, thi thoảng bà quay sang trao đổi đôi câu với con trai. Tuy không hiểu bà nói gì, nhưng giọng nói dịu dàng ôn hòa của bà khiến tôi chắc chắn rằng bà không có ý trách móc gì tôi. Lúc nào bà cũng nhã nhặn lịch thiệp. Tôi biết bà rất yêu con, nhưng bà không hề có những cử chỉ thân mật mà một người mẹ thường dành cho con mình, có lẽ vì họ là người xuất gia.

Nhưng đến thời gian tụng kinh thì bà lại hết sức nghiêm khắc, vẻ trang trọng và thành kính hiện trên nét mặt, ánh mắt cúi xuống nghiêm cẩn, cùng con trai lầm rầm tụng niệm. Những lúc thế này, hai người họ như bỏ lại bên ngoài mọi thứ thuộc về thế giới trần ai, một lòng hướng Phật, tiếng kinh kệ vang xa như gõ động tâm linh. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sức lay động lớn lao của tôn giáo. Đứng bên ngoài lán trại lắng nghe mà tôi như mê đi!

Buổi tối tiếp tục lên lớp. Vắt óc mãi mà không nhớ được tiếng nào, tôi đành ngoan ngoãn chìa tay ra trước mặt tiểu hòa thượng.

– Gì vậy?

Tiểu hòa thượng theo tôi học tiếng Hán hiện đại, nên ngôn từ không lấy gì làm văn vẻ.

– Đánh vào lòng bàn tay tôi đi.

Tôi cười vui vẻ.

– Giáo viên người Hán của chúng tôi đều làm như vậy mỗi khi học sinh mắc lỗi. Cậu thấy không, tôi rất có tinh thần tự giác nhé, tôi đã chủ động nhận lỗi.

– Cô mắc lỗi gì?

Đôi mắt màu nâu nhạt sáng lấp lánh như muốn soi tỏ tâm hồn người đối diện.

– Tôi quên hết những chữ cái Tochari, à quên, chữ cái Khâu Từ mà hôm qua cậu dạy rồi.

Tôi làm bộ đau khổ rồi bật cười, sao tôi cứ quen gọi là tiếng Tochari nhỉ?

Tiểu hòa thượng cũng phì cười, nụ cười lấp lánh như sao sáng.

– Tại tôi không biết cách truyền đạt, sao trách cô được!

Hòa thượng chìa tay trái về phía tôi, tay phải cầm tay tôi đập đập vào lòng bàn tay mình. Tuy không mạnh, nhưng những va chạm khẽ khàng thế này cũng khiến tôi có chút tê dại.

– Nên phạt tôi mới phải, nếu ngày mai cô vẫn không thuộc bài, tôi sẽ chịu đòn.

Tôi rút vội tay về, thoáng chút cảm động. Tôi nghiêng đầu, cố gắng tập trung vào những chữ cái trước mặt.

Hôm nay tôi tiếp thu nhanh hơn hôm qua, tiếng Hán của Kumalajiba đã khá lên rất nhiều. Tôi đã học xong toàn bộ bảng chữ cái Tochari. Tôi cẩn thận ghi lại cách phát âm bằng kí hiệu phiên âm bên cạnh mỗi chữ cái cho dễ nhớ. Nhìn thấy những kí hiệu đó, tiểu hòa thượng tỏ ra rất thích thú, thế là tôi lại phải giảng giải về quy tắc ghi phiên âm cho cậu ta nghe. Kumalajiba hết lời khen ngợi phương pháp độc đáo ấy. Nhưng tôi buộc phải yêu cầu cậu không được tiết lộ cho người khác biết, vì nếu không lịch sử rất có thể sẽ thay đổi.

– Nhưng vì sao? Cô là người nghĩ ra à?

Tôi không thừa nhận cũng không thể phủ nhận, chỉ trả lời một cách mơ hồ:

– Người Hán không thích phụ nữ tài giỏi, vì vậy nếu cậu nói cho người khác biết chính tôi đã nghĩ ra phương pháp ghi phiên âm này, tôi sẽ bị xem là yêu quái và sẽ bị hỏa thiêu.

Không thể không bật ra câu chuyện về nữ thần kiểu này.

– Người Hán không nên như vậy.

Trầm tư một lát, tiểu hòa thượng nhìn tôi nghiêm nghị.

– Phàm là con người thì đều như nhau, phụ nữ cũng có thể thông minh như đàn ông vậy.

Sau đó, tiểu hòa thượng giảng giải một thôi một hồi bằng tiếng Tochari, có lẽ vì lượng từ vựng tiếng Hán chưa đủ để cậu có thể diễn đạt những suy nghĩ của mình.

Tôi bật cười. Tinh thần khẳng khái của chàng trai trẻ khiến tôi có cảm giác thật ấm áp. Nhưng, tôi phải tìm cách chuyển chủ đề thôi, cứ tiếp tục thế này, không biết tôi sẽ phải nói dối đến bao giờ.

– Cậu hiểu được như vậy là tốt rồi. Bây giờ, đến lượt tôi dạy cậu. Khổng Tử – nhà giáo dục lớn ở Trung Nguyên thời cổ đại từng nói: Ôn cố nhi tri tân, nghĩa là, luyện tập lại những gì đã học, từ đó phát hiện ra những điều mới mẻ. Vậy nên, bây giờ tôi sẽ kiểm tra những chữ Hán mà hôm qua cậu đã học.

Tôi đặt tập giấy nháp và bút chì trước mặt tiểu hòa thượng.

– Cậu viết đi! Sai một chữ phạt một roi!

Tiểu hòa thượng nhìn tôi mỉm cười, đón lấy tập giấy nháp và chiếc bút chì. Tay cầm bút có chút gượng gạo nhưng vẫn rất ra dáng học trò. Từng nét chữ vuông vắn hiện ra dưới ngòi bút, thật không ngờ, cậu ta nhớ được tất cả những chữ Hán của buổi học hôm qua!

Mất vài phút ngẩn ngơ, miệng há hốc vì ngạc nhiên, tôi mới lấy lại được bộ dạng của một giáo viên, được rồi, để xem, cậu có thoát được tiết mục phạt đòn của tôi không.

– Đọc cho tôi nghe cách phát âm của từng chữ.

Lại nhìn tôi mỉm cười. Hai ba chục chữ tượng hình, cậu ta lần lượt đọc không sót một chữ nào, cằm tôi như sắp tuột xuống. Tuy vẫn pha chút khẩu âm, nhưng về cơ bản không sai một chữ. Hôm qua, tôi không hề dạy cậu ta cách ghi phiên âm kia mà! Không biết chỉ số IQ của “tên” này là bao nhiêu nữa?

“I phục You quá đi”! Nỗi kinh ngạc của tôi chỉ có thể được diễn tả bằng câu ấy. Tất nhiên, tôi chỉ nghĩ thầm trong bụng.

Tôi tiếp tục giờ học, sau khi dạy hết các chữ tượng hình, tôi chuyển sang chữ chuyển chú (là phương pháp dùng hai chữ Hán giải thích cho nhau với điều kiện: chúng phải cùng chung bộ thủ và ý nghĩa thì tương đồng), rồi đến các từ đơn giản. Tôi rầu rĩ nghĩ rằng, cũng là học ngoại ngữ, mà sao trình độ cách xa một trời một vực như vậy! Nếu cứ tiếp tục thế này, có khi tiểu hòa thượng viết được luận bằng tiếng Hán thì tôi vẫn còn đang ở giai đoạn học thuộc từ vựng Tochari cũng nên. Càng hổ thẹn hơn nữa, Kumalajiba đã vận dụng thành thạo nguyên tắc ghi phiên âm để chú âm cho các chữ Hán tôi vừa dạy, tuy không chính xác tuyệt đối, nhưng mười phần thì cũng được tám, chín phần.

Có lẽ, không bao lâu nữa tôi sẽ bị cho nghỉ hưu non thôi!

Chọn tập
Bình luận