Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đức Phật Và Nàng

Chương 52: End

Tác giả: Chương Xuân Di
Chọn tập

Lữ Quang dâng hương, lễ phật, rồi đưa mắt quan sát đại diện. Theo lệnh của ông ta, tất cả sư sãi trong chùa đều đã được tập hợp đông đủ, cả một biển người đứng chen nhau trong đại điện, ngay cả các ngóc ngách cũng đã chật kín. Ông ta gật đầu tỏ ý hài lòng, gọi Pusyseda tới.

Tôi trùm khăn che mặt đứng sang một bên cùng đám đông gia quyến. Có người muốn bắt chuyện nhưng tôi vờ như không hiểu tiếng Tochari ậm ừ đáp lễ. Rajiva ở vị trí dẫn đầu, vầng trán tuy thoáng tiều tụy, nhưng vẻ mặt vẫn điềm tĩnh, tự tại.

Lữ Quang đằng hắng vài tiếng, đại điện lập tức yên lặng.

– Ta phụng mệnh Thiên Vương Đại Tần, chinh phạt vua Khâu Từ – Bạch Thuần tàn bạo, cũng là thuận theo ý muốn dân. Lữ Quang ta được trời giúp sức, lại nhờ uy danh của Thiên Vương, đã dẹp tan quân giặc. Thiên Vương Đại Tần phong cho ta làm Tần kị thường thị, tướng quân An Tây, Hiệu úy Tây vực, giao cho ta trọng trách thống nhất Tây vực. Vì muốn cảm tạ ơn vua, hôm nay, ta đến chùa Cakra này dâng hương lễ phật, cầu cho Khâu Từ quanh năm được mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Cầu chúc Thiên Vương thiên thu vạn tuế!

Lữ Quang ngừng lại, quay sang nói với Pusyseda:

– Xin quốc sư hãy chuyển dịch những lời của ta sang tiếng Tochari.

Pusyseda y lệnh.

Lữ Quang tiếp tục cất giọng oang oang:

– Ta vào thành đã được gần hai tháng. Đến nay Khâu Từ đã yên ổn trở lại, thực là điều may mắn! Tân vương Bạch Chấn không quản gian khổ, ngày đêm nhọc lòng, công lao to lớn.

Ông ta hướng về Bạch Chấn, khiêm cung một cách giả tạo, Bạch Chấn vội vã đáp lễ.

– Đến Khâu Từ, ta còn nhận được một vinh dự lớn lao. Đó là được nghe vị hòa thượng danh chấn Tây vực, thông tự, từ bi – pháp sư Kumarajiva giảng kinh thuyết pháp, ta như kẻ mê muội được ngài vén mây đen cho thấy ánh sáng mặt trời. Ta bội phần cảm phục, muốn tỏ lòng biết ơn, thế nhưng pháp sư kiên quyết không nhận bạc vàng, không màng quan tước, khiến ta vô cùng khó nghĩ.

Lữ Quang ngừng lại, cho Pusyseda dịch hết, mới tiếp tục:

– Danh tiếng của pháp sư lan truyền khắp nơi, tuổi ngài còn trẻ mà đã đạt đến trình độ tu hành thật đáng nể trọng. Ta thành tâm muốn trợ giúp công việc truyền đạo của ngài, nên đã dâng mỹ nữ tặng ngài. Pháp sư quả nhiên là bậc cao nhân, ngài không thấy điều đó có gì đáng ngại, đã hoan hỉ đón nhận.

Vẻ mặt Pysyseda hoàn toàn biến sắc, cậu ta quắc mắt, ném cái nhìn giận dữ về phía Lữ Quang. Những người nghe hiểu tiếng Hán trong đám đông sư tăng đã chụm đầu lại bàn tán xôn xao. Tôi liếc nhìn Rajiva, mắt chàng khép hờ, nét mặt bình thản. Vẫn là phong thái trầm tĩnh, điềm nhiên, thoát tục ấy, nổi bật giữa muôn người. Thái độ ấy của chàng như muốn tuyên bố rằng, dù Lữ Quang có nói gì, chàng cũng sẽ ứng đối bằng sự bình tĩnh và ôn hòa.

– Những lời vừa rồi của Lữ tướng quân có nhiều chỗ không đúng.

Pusyseda gằn giọng giận dữ:

– Pháp sư phá giới là do tướng quân ép buộc. Ngài đã ép pháp sư uống rượu và giam pháp sư trong mật thất.

Lữ Quang nhếch miệng cười, nheo mắt nhìn Rajava với tất cả vẻ ngang ngược:

– Thế nhưng một tháng trời ngài đã cùng mỹ nữ tận hưởng vinh hoa phú quý trong cung, không hề bước chân ra khỏi cửa. Đó là ý nguyện của pháp sư, đâu phải do ta ép buộc.

– Đó là vì tướng quân giam lỏng…

– Pusyseda!

Rajava lên tiếng ngắt lời Pusyseda, tuy nét mặt chàng thoáng chút nhợt nhạt, nhưng giọng nói vẫn điềm đạm, từ tốn:

– Ta đã phá giới, đó là sự thật không cần che giấu.

Chàng quay lại đối diện với tất cả mọi người, đôi mắt trong suốt nhìn khắp lượt chúng tăng, những tiếng ồn ào lập tức biến mất, đại điện trở nên yên ắng lạ thường. Ai nấy đều ngước nhìn chàng với vẻ nghi hoặc. Rajiva mệt mỏi khép mắt, nỗi bi ai dâng lên khi chàng chậm rãi cất tiếng bằng ngôn ngữ Tochari:

– Sự thật là ta đã phá tửu giới và sắc giới.

Đại điện bỗng chốc trở nên ồn ào, náo loạn, ái nấy đều nhìn chàng bằng ánh mắt khó tin xen lẫn nỗi kinh ngạc và cả sự thất vọng. Có người cao giọng bức xúc:

– Thưa thầy, vì sao lại có chuyện như vậy?

Có người bật khóc rưng rức. Bị kích động quá mức, một hòa thượng trẻ tuổi đã chỉ thẳng tay vào Rajiva, gào lên:

– Uổng công ta tôn ông làm thầy! Bậc cao tăng như ông lại gây ra những chuyện như vậy, chốn Phật môn sao có thể chấp nhận người như ông!

Từ lâu, đại pháp sư danh tiếng lẫy lừng Tây vực – Kumarajiva đã trở thành người cha tinh thần của các nhà sư trẻ này. Giờ đây, hình tượng cao quý, thánh khiết ấy đã nhuốm một vết nhơ chẳng thể tẩy xóa được, thần tượng trong lòng họ bỗng chốc sụp đổ. Tôi có thể thấu hiểu nỗi bàng hoàng và tâm trạng khó chấp nhận sự thực này của họ, nhưng, họ đâu biết, phải thừa nhận điều ấy trước mặt chúng tăng như vậy, Rajiva đã phải gắng gượng và chịu đựng nhường nào! Tôi đau đớn nhìn chàng, nhưng nét mặt bình thản của chàng không hề biến đổi. Tôi cảm nhận được ánh mắt chàng lướt nhẹ về phía mình, chàng khẽ chạm vào cánh tay trái, mảnh vải hiện ra dưới lớp áo cà sa.

Chàng đang an ủi tôi! Chiếc khăn Atala quấn trên cánh tay trái của chàng là cách chàng muốn truyền tin đến tôi, khích lệ tôi. Tôi khẽ gật đầu, lặng lẽ đưa cánh tay lên vờ vuốt nhẹ mái tóc, để lộ chuỗi hạt mã não dưới tay áo. Chàng nhận được tín hiệu từ phía tôi, khóe miệng dường như thấp thoáng một nụ cười, nhưng đã khép lại rất nhanh.

– Pháp sư dũng cảm thừa nhận, thật đáng khen ngợi!

Lữ Quang vỗ tay bôm bốp, cười ha hả nhìn đám đông, vẻ hài lòng.

– Ta vốn định đưa cô gái ngày đêm quấn quýt bên pháp sư suốt một tháng trời đến chầu lễ Phật cúng, nhưng không biết pháp sư làm cách nào khiến cô gái bỏ trốn mất dạng.

Đây chắc chắn là âm mưu của Lữ Quang, ông ta muốn Rajiva không thể ngẩng đầu trước các hòa thượng. Rajiva địa vị cao quý ngày nào, giờ đây sẽ chẳng thể thuyết phục được ai tin theo. Tôi giận run người, ông ta còn muốn lợi dụng tôi làm bằng chứng để vạch tội phá giới của Rajiva! Nếu không bỏ trốn, lúc này có thể tôi sẽ bị bêu ra trước đám đông, điều đó sẽ khiến Rajiva đau đớn biết bao! Phải chăng linh cảm được việc này sẽ xảy ra, nên Rajiva mới kiên quyết ép tôi ra đi, thậm chí bằng cả những lời tuyệt tình lạnh lùng nhất ấy. Còn tôi, chỉ nghĩ đến những tổn thương cá nhân và xúc cảm hẹp hòi của phụ nữ, mà không biết rằng nỗi dằn vặt, lo lắng chất chứa trong lòng chàng còn nặng nề hơn tôi gấp bội.

Rajiva đã đúng, chàng không thể bỏ trốn! không phải vì tôi và chàng chẳng thể nào thay đổi được lịch sử, mà quan trọng hơn là vì, Lữ Quang rất muốn Rajiva bỏ trốn. Nếu thế, ông ta sẽ có cớ để phá hoại danh dự của chàng một cách triệt để, khiến chàng không còn chốn dung thân trên cõi đời này nữa. Tôi không muốn phải chứng kiến cảnh Rajiva bị hạ nhục, nhưng tôi chỉ biết suy xét sự việc bằng cách nghĩ của con người hiện đại. Trong trường hợp cấp bách, tôi vẫn còn công cụ để tự bảo vệ, mặc áo chống phóng xạ, khởi động đồng hồ vượt thời gian, chỉ trong tích tắc là có thể bình an trở về thế kỉ XXI tươi đẹp của tôi. Nhưng còn chàng thì sao? Chàng không thể xa rời thời đại của mình, nhưng chàng sẽ phải tồn tại ra sao giữa đám đông đang lăm le những mũi nhọn chỉ trích về phía chàng? Tôi chưa từng nghĩ tới điều này. Tôi luôn cho rằng mình nhiều tri thức hơn con người thời cổ đại, nhưng sự thực tôi đã đánh giá bản thân quá cao. Những tri thức đó không phải do tôi sáng tạo ra mà do thời đại trang bị cho tôi. Khi phải đối diện với thực tế khó khăn, tối vẫn chỉ là một cô gái suy nghĩ còn nông cạn.

Tôi ngước nhìn chàng, đứng giữa hàng trăm con người, chàng vẫn lẻ loi, đơn độc. Lòng bỗng ngậm ngùi, chua xót: Xin lỗi Rajiva! Em sẽ không nông nổi, không ích kỉ như trước đây nữa. Em sẽ thay đổi lối suy nghĩ hẹp hòi của con người hiện đại trong em, sẽ đứng trên lập trường của chàng để nhận định và đánh giá sự việc. Tình yêu của chàng giúp em trưởng thành hơn, bao dung và thấu hiểu hơn. Cảm ơn chàng!

Các nhà sư hiểu tiếng Hán đang quay sang người bên cạnh thì thào, có lẽ là đang dịch cho người kia hiểu lời Lữ Quang vừa nói. Nỗi giận dữ của Pusyseda đã bùng phát thành một chuỗi dài những âm thanh sang sảng, rõ ràng từng tiếng một, không phải ngôn ngữ Tochara mà là tiếng Phạn. Chúng tăng bỗng nhiên trở nên thảng thốt, bàng hoàng, những tiếng bàn tán lại rộn lên không ngớt. Không khí nặng nề, bi phẫn lúc trước dần tan biến. Vẻ điềm tĩnh của Rajiva vẫn không hề thay đổi, nhưng ánh mắt chàng lặng lẽ đưa sang phía Pusyseda một chút cảm kích xen lẫn một chút trách móc.

– Quốc sư đang nói gì vậy? Sao không nói bằng tiếng Hán để ta cùng nghe.

Khẩu khí của Lữ Quang cho thấy ông ta không hề vui vẻ gì.

– Tôi phụng mệnh tướng quân, giúp ngài phiên dịch thôi mà.

Pusyseda thản nhiên nghiêng mình trước Lữ Quang:

– Nhân tiện, cũng cho các vị hòa thượng ở đây được biết, cô gái ấy có thân phận cao quý ra sao. Đó chính là tiên nữ do Phật tổ cử đến để cứu pháp sư khỏi kiếp nạn vừa qua.

Lữ Quang sa sầm mặt mày, cười hiểm ác:

– Không ngờ quốc sư lại suy nghĩ nông cạn như vậy! Vì muốn bảo vệ anh trai mình, dám bịa đặt những chuyện hoang đường như thế giữa chốn cửa Phật. Khi quốc sư đưa cô gái đến gặp ta, sao ngài không cho ta biết về xuất thân của cô ta?

– Cô gái ấy đột nhiên xuất hiện, khi đó, một giọng nói chợt vang lên bên tai tôi, nói rằng hãy mau đưa cô gái này đến cứu pháp sư. Tôi nào dám đoán bừa chỉ ý Phật tổ. Nhưng, nếu tướng quân cho rằng tôi dựng chuyện, thì…

Pusyseda đưa mắt đảo quanh một lượt đám đông phía trước, rồi mới quay lại nhìn Lữ Quang, ánh mắt sắc lạnh, không chút sợ sệt:

– Xin tướng quân giải thích, vì sao một cô gái chân yếu tay mềm, không một tấc sắt trong tay lại có thể đột nhiên biến mất giữa chốn hoàng cung vốn được canh giữ cẩn mật như vậy?

– Chuyện này…

Lữ Quang cứng họng, không biết nói gì, đành quay lại trừng mắt trút giận lên Lữ Soạn, khiến hắn sợ hãi cúi đầu.

Tiếng bàn tán ngày càng trở nên náo động trong đại điện khiến Lữ Quang nổi giận, điều đó cho thấy, những lời của Pusyseda đã phát huy hiệu quả. Đôi mắt tà dâm gian xảo của Lữ Quang đảo liên hồi, ông ta ngẩng đầu, hẳn là lại vừa nghĩ ra một âm mưu mới, ông ta cười nhạt:

– Pháp sư phá giới tức là vẫn còn lưu luyến hồng trần. Nếu vậy, hãy để ta giúp pháp sư sắp xếp việc hôn sự. Ý ngài thế nào?

Các hòa thượng hiểu tiếng Hán thảng thốt gật đầu, tiếp theo đó lại là những lời bàn tán rầm rộ.

– Vì sao tướng quân nhất thiết phải gây khó dễ cho ta? Chuyện này tuyệt đối không thể được!

Giọng nói sắc lạnh của Rajiva cho thấy chàng chẳng thể nhẫn nhịn thêm nữa.

– Pháp sư không nên khiêm tốn. Cha của ngài, cũng hoàn tục, thành thân, sinh hạ ngài và quốc sư đấy thôi!

Lữ Quang suy nghĩ một lát, gật gù nói tiếp:

– Thế này đi, thân phụ ngài cưới công chúa Khâu Từ, pháp sư cũng là bậc danh sư đức cao vọng trọng, ta sẽ không khiên pháp sư phải chịu thiệt thòi.

Lữ Quang quay sang đức vua Bạch Chấn, nãy giờ chẳng dám ho he một tiếng, hỏi:

– Chẳng hay nhà vua có vị còn vị công chúa nào chưa thành thân không?

– Ta…

Bị bất nhờ với câu hỏi đột ngột của Lữ Quang, Bạch Chấn ấp úng đáp:

– Các vị công chúa của ta đều đã thành thân.

Ánh mắt mờ đục của nhà vua có ý né tránh, phải gắng gượng lắm mới thốt lên lời khuyên can:

– Xin tướng quân đừng o ép pháp sư nữa.

– Hả? Nghe nói vẫn còn một vị công chúa kia mà, tên là Aksayamati, lẽ nào đức vua không muốn gả cô ấy cho pháp sư?

Lữ Quang cất tiếng cười nham hiểm, đưa mắt quét nhanh một lượt đám mỹ nữ Khâu Từ của ông ta:

– Nếu thế, ta đành chọn trong đám thị nữ một người bất kì để gả cho Pháp sư vậy!

Pusyseda mặt mày biến sắc, cúi xuống nhỏ to với Bạch Chấn, sau đó quay sang cao giọng với Lữ Quang:

– Lữ tướng quân nhắc tôi mới nhớ, đức vua của chúng tôi vẫn còn một cô công chúa chưa gả chồng, tên gọi Akieyemoti.

– Thế thì tốt quá!

Lữ Quang cất tiếng cười hoan hỉ hỏi:

– Vậy công chúa đang ở đâu?

Bạch Chấn hoảng sợ, định đứng lên phân bua, nhưng Pusyseda đã kịp giữ lại và ra hiệu cho nhà vua không nên lo lắng, rồi quay sang đáp lời Lữ Quang:

– Công chúa đang ở thành Khâu Từ.

– Vậy hãy mau đi đón, hôm nay đi ngày mai về. Tốt lắm, ngày kia, ta đích thân tổ chức một hôn lễ thật long trọng cho pháp sư tại chùa Cakra này.

Lữ Quang đưa mắt quan sát khắp lượt chúng tăng, cười đắc ý:

– Trước nay chưa từng có chuyện hôn lễ được cử hành trong đền chùa, đúng không? Pháp sư là người đầu tiên phá lệ. Hôm đó, các nhà sư hãy đến tham gia hôm lễ của sư phụ các vị, hôn lễ phải tổ chức thật náo nhiệt mới được!

– Xin thứ lỗi, tôi không thể theo ý Lữ tướng quân.

Rajiva mặt mày tái xanh, hai tay chắp lại, gắng gượng kìm nén nỗi tức giận:

– Tôi xuất gia từ nhỏ, đã nguyện cả đời phụng sự Đức Phật, không thể đắc tội với công chúa.

– Pháp sư sai rồi!

Lữ Quang cười thâm độc:

– Tình yêu nam nữ là niềm vui lớn nhất trong đời. Phụ thân ngài có thể hoàn tục lấy vợ, pháp sư cũng có thể học theo cha, việc gì phải lần nữa khước từ như thế?

– Xin tướng quân đừng nhọc lòng, tôi quyết không chấp nhận chuyện này. Nếu tướng quân vẫn cố ép buộc, kể từ hôm nay tôi sẽ bắt đầu tuyệt thực, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Bất chấp nộ khí hiểm hiện trên gương mặt của Lữ Quang, Rajiva dõng dạc tuyên bố quyết tâm của mình, sau đó hướng về chúng tăng, truyền đạt lại một lượt bằng tiếng Tochari rồi ngồi xuống, nhắm mắt tụng kinh trong tư thế thiền.

Tất cả các nhà sư đều tỏ ra bất bình, họ đồng loạt ngồi xuống thiền định, khắp trong và ngoài điện lúc này đã không còn dù chỉ một chỗ trống. Một lát sau, tiếng tụng niệm lan dần và lớn dần, bắt đầu từ Rajiva truyền đến khắp đại điện rộng lớn. Tiếng tụng niệm càng lúc càng đều đặn, nhịp nhàng và vang rộng, khiến Lữ Quang gần như mất hết thể diện.

Lữ Quang trừng mắt nhìn Rajiva dầy hằn học, tia nhìn hung hiểm. Tôi lặng lẽ lên chốt chiếc súng gây mê giấu trong tay áo, khoảng cách vừa đủ để thuốc phát huy tác dụng. Nếu ông ta gây bất lợi cho Rajiva, tôi sẽ hạ gục ông ta rồi tính tiếp.

Gương mặt Lữ Soạn trở nên bí hiểm, hắn thì thầm vào tai cha vài câu gì đó. Lữ Quang gật đầu. Lữ Soạn hô một tiếng, vài tên thuộc hạ lập tức rời khỏi vị trí. Tôi đang băn khoăn không biết Lữ Quang có âm mưu gì, thì thấy ông ta cười mỉa, nói với Rajiva đang miệt mài tụng niệm:

– Pháp sư nhất quyết không thuận theo ý của ta, vậy đừng trách ta vô tình.

Đang chuẩn bị rút súng gây mê, chợt nghe thấy những tiếng đổ vỡ ầm ầm phía sau. Quay lại, tôi thấy Lữ Soạn và bọn thuộc hạ đang ra sức đập phá bức tượng Phật tuyệt đẹp trên đại điện. Tượng Phật bị xê dịch khỏi bệ đỡ, đổ rầm rầm xuống đất, những mảnh vỡ vương vãi trên nền gạch.

– Phật tổ!

Các sư tăng gào khóc thảm thiết, những cánh tay bất lực chìa về phía tượng Phật, họ phủ phục trên mặt đất, tiếng khóc than vang đông đại điện.

– Lữ tướng quân, phá hủy tượng Phật sẽ bị quả báo, tạo nghiệt sẽ bị đẩy xuống địa ngục! Xin tướng quân suy xét!

Rajiva ra sức kìm chế giọng nói đã có phần run rẩy, bão tố xoay vần trên gương mặt chàng.

– Thế ư?

Lữ Quang nghếch mặt lên tỏ vẻ khinh miệt, giọng đầy mỉa mai:

– Ta chẳng tin gì mấy thứ chuyện nghiệp báo. Nếu quả thật Đức Phật của các người hiển linh, hãy giáng tội xuống cho ta xem thử.

Đức vua Bạch Chấn mặt mày tái nhợt vì sợ hãi, cất giọng run rẩy, khuyên can:

– Lữ tướng quân, đây là nơi cửa Phật, xin ngài hãy ngừng tay!

– Đừng khuyên can ta, nhà vua đi mà khuyên can cháu của ngài ấy. Chỉ cần pháp sư gật đầu, ta sẽ lập tức ngừng tay.

Lữ Quang ra hiệu cho Lữ Soạn, để hắn cùng mấy đứa cháu khác cùa Lữ Quang là Lữ Long, Lữ Siêu tiếp tục khiêu khích, chúng hả hê nhảy từ hương án này sang hương án khác. Một bức tượng Phật A Di Đà và Phật Dược Sư nữa đã bị kéo đổ, những đám bụi đất bay mù mịt khắp đại điện. Lữ Quang xấc xược cười giữa tiếng kêu khóc thảm thiết của các sư tăng:

– Ta muốn xem xem, ta phá tượng Phật, các người dám làm gì được ta!

Rajiva kìm nén sự phẫn nộ, cất giọng sang sảng nói với chúng tăng bằng tiếng Phạn, tiếng khóc tắt dần. Các nhà sư tiếp tục ngồi thiền tụng kinh. Làn sóng tụng niệm ngày một dâng cao mạnh mẽ, vang động đến mọi ngóc ngách trong đại điện. Âm thanh tụng niệm ấy quả là có sức mạnh an ủi tâm linh rất lớn, đó là cách riêng của người nhà Phật để chống lại cái ác và thể hiện lòng kiên trì. Đó cũng như một cách tuyên bố với Lữ Quang: Ông ta có thể phá hủy tượng Phật nhưng không thể phá hủy tinh thần nhà Phật.

– Được lắm, cứ tụng kinh đi, để ta xem các người chống cự được đến khi nào!

Bị kích động, Lữ Quang gào lên:

– Bay đâu, phá hủy phiến đã ngọc có dấu chân Phật tổ cho ta!

Gương mặt Rajiva vẫn điềm nhiên bất biến, vẻ kiên định trong ánh mắt cho thấy, không có gì có thể lay động được ý chí của chàng. Chàng chậm rãi, dõng dạc cất lên từng tiếng một:

– Lữ tướng quân, tượng Phật bị hủy có thể xây đắp lại, ngọc thạch bị hủy có thể tiếp tục tìm kiếm. Thậm chí, nếu ngài dỡ bỏ cả chùa Cakra, tôi sẽ đi nhặt từng viên gạch, xếp từng viên ngói mang về dựng lại chùa. Lòng hướng Phật của tôi vững như bàn thạch, không gì có thể lay chuyển được.

– Ngươi đúng là tên hòa thượng cứng đầu!

Lữ Quang nổi trận lôi đình:

– Ngươi có thể xây lại chùa, nhưng liệu ngươi có thể khiến người chết sống lại được không?

Lữ Quang đưa tay túm một hòa thượng đứng gần y nhất, sau đó vung tay ra sau rút kiếm, kề vào cổ vị hòa thượng đang run lên bần bật.

– Hôm nay ta sẽ đấu với ngươi đến cùng. Nếu ngươi không chịu thành thân, cứ nửa canh giờ ta sẽ giết một hòa thượng. Để xem số hòa thượng trong chùa này nhiều đến mức nào.

– Ngài…

Rajiva bật dậy, ánh mắt nổi song, hai nắm tay run lên, tôi chưa từng thấy chàng tức giận như vậy bao giờ:

– Tính mạng con người là thứ quý giá nhất trên đời. Ngài phạm tội sát nhân, sẽ bị đày xuống địa ngục Vô Gián vĩnh viễn, chẳng thể đầu thai làm người!

Lữ Quang nhổ nước bọt lên bức tượng Phật đã nứt vỡ:

– Tính mạng con người là cái thá gì! không được đầu thai thì đã sao! Ta đã giết không biết bao nhiêu người, thêm mất tên đầu trọc có xá gì!

– Lữ Quang, ngài ức hiếp người Khâu Từ chúng tôi quá đáng!

Pusyseda ánh mắt rục lửa, thanh gươm dài đã được rút ra, chực xông tới, nhưng đã bị con cả của Lữ Quang là Lữ Thiệu và thủ hạ đắc lực của ông ta là Đỗ Tiến chặn lại. Tất cả bọn họ dều đã rút kiếm khỏi bao, tình thế vô cùng căng thẳng.

– Pusyseda, bỏ kiếm xuống!

Đó là Bạch Chấn, vị vua nhu nhược, lúc này đang run rẩy, sợ hãi, giọng nói không còn được liền mạch. Nhà vua quay sang Lữ Quang, nghẹn ngào:

– Lữ tướng quân, xin đừng làm vậy!

Lữ Quang vẫn giữ chặt vị hòa thượng kia, xoay người lại nói với Rajiva:

– Pháp sư mau quyết định đi, sự kiên nhẫn của ta có hạn. Ta sẽ đếm đến ba, một, hai, …

– Khoan đã!

Lữ Quang ngừng tay lại, cả đại điện bỗng nhiên im phăng phắc, không khí căng như dây đàn. Mọi ánh mắt đổ dồn vào chàng. Khóe môi chàng rung động, đôi mắt ngấn nước hướng về phía tôi, ánh mắt ai oán ấy muốn truyền đi ngàn vạn lợi. Không gian như lắng đọng, thời gian quên trôi chảy, chỉ còn lại tôi và chàng, bất động, nhìn sâu vào mắt nhau…

Cánh tay tôi đã đặt vào nút gạt, nhưng không sao cử động nổi. Việc tôi có thể làm chỉ là khiên Lữ Quang bất tỉnh một ngày. Sau khi ông ta tỉnh lại thì sao? Lại thêm nhiều sự đày đọa, sỉ nhục nữa? Thậm chí có thể là chiến tranh. Tay chân của ông ta đông đảo là thế, chỉ quật ngã một mình Lữ Quang cũng đâu có ích gì. Tôi không thể ích kỉ, khiến Khâu Từ xảy ra chiến tranh được. Nước mắt lã chã, mắt tôi không rời mắt chàng, tôi khẽ gật đầu.

Chàng quay đầu lại, khóe môi càng thêm run rẩy. Chàng ngước mắt lên trời hít một hơi thật sâu, rồi cất giọng thê lương:

– Ta chấp thuận.

– Thầy ơi!

Tất cả các sư tăng đều sụp xuống quỳ lạy, tiếng khóc thương thảm thiết vang động cả chùa Cakra.

Chàng lại đưa mắt nhìn về phía tôi, nỗi bi thương chẳng thể hóa giải nổi dâng lên trong mắt. Tôi lặng lẽ gạt nước mắt, gượng gạo nở nụ cười ngây ngô với chàng. Tuy trùm khăn che mặt nhưng tôi chắc chắn chàng sẽ nhận ra. Ánh mắt tôi vẫn chẳng thể rời khỏi chàng, thêm một lần nữa thôi, để hình ảnh chàng khắc sâu trong tâm trí tôi, từng nét một, không bao giờ phai nhòa. Vậy là tôi sẽ phải ra đi. Bánh xe số phận mới thật nghiệt ngã làm sao, những vòng quay vô tình vẫn thản nhiên xoay vần. Rốt cuộc em vẫn chỉ là một lữ khách đi qua cuộc đời chàng. Nhưng, Rajiva ơi, chàng đã lựa chọn đúng. Lịch sử cuộc đời chàng từ nay không còn cần đến em nữa. Vì vậy, em sẽ ra đi…

Chọn tập
Bình luận