Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dứt Tình

Chương 1

Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Ánh trời tà đã hết nhuộm vàng bãi bể. Bên trên dãy núi tím, vàng, xanh, xám mấy màu pha lộn nhau như nét bay miết dài của nhà họa sĩ, mây lồng thành hình vạn vật, cỏ cây. Giữa khoảng vô cùng, đó là một đàn voi… dần dần dồn nhau lên một cái cánh phượng, rồi, sau hết, lại bị gió dãi ra tản mạn thành chỗ này thì eo bể, vịnh, bán đảo, chỗ kia, cù lao, sông, núi – một bức địa đồ!

Bức tranh vân cẩu tuy lạ mắt nhưng không để cho người có đủ thời giờ ngắm nghía, cứ thay đổi hoài, vì từ phía bể, gió đã bắt đầu rít lên. Thoạt đầu, chân trời chỉ thấy chấm đen. Mới một lúc đã không biết bao nhiêu là mây đen ở đâu kéo về, nhanh chóng lạ thường, hình như ở bể đùn lên nặng nề bao phủ, đè ép cả mặt đất. Bể, mới lúc nãy còn lăn tăn sóng gợn, vô nghĩa lý như cô gái buồn tiu nghỉu thì bây giờ có bộ mặt của một bà mẹ chồng hành nàng dâu. Những làn sóng rờn nhau, đuổi nhau vào bờ, làm lùi cả bãi cát, làm những tảng đá như khóc lướt mướt.

Phía kia, tây phương, dãy Núi Đèo, mất mặt trời, mất cả những áng mây lồng, đã hiện nguyên hình đá đen, cỏ xác, hết khoe khoang.

Đám người đương nô đùa dưới nước mặn hoặc đương ung dung dạo chơi trên cát, lúc đó cũng tất tả rủ nhau ra về.

Một vài hạt mưa ném xuống lác đác… vài cơn gió, thế là cả vòm trời là một thác nước dữ dội.

Đồ Sơn giữa mùa hạ, và buổi bão rớt này đã hóa vắng vẻ chẳng khác gì ở cảnh chiều đông.

– Đấy nhé tôi đã biết mà! Nếu tắm hôm nay thì có phải khổ chạy mưa không? Ngồi nhà nghỉ ngơi trò chuyện với nhau thế này vẫn hơn chứ…

Tiết Hằng nói xong lim dim mắt nhìn Yvonne mỉm cười một cách đắc chí, đoạn ngửa cổ kề đầu vào thành chiếc ghế mây.

Hấp tấp Yvonne thêm:

– Phải lắm, chị ạ. Có phải ở nhà ngồi nói chuyện hơn là đi tắm không, me nhỉ?

Đương ngửa cổ uống bia, “me” bỗng cau mặt, đặt mạnh cốc xuống bàn…

– Đồ hỗn láo! Sao mày dám gọi bà ấy là chị? Hở! Ai cho phép mày thế? Bà ấy ngang hàng với tao, nghĩa là với mẹ mày, biết không?

Tức khắc Tiết Hằng ngồi ngay ngắn lên, nghiêm trang trách:

– Ồ ồ! Sao lại thế, bà Năm? Vẫn hay là tôi được cái hân hạnh ngang hàng với bà, nhưng bà bốn mươi mà tôi mới hai nhăm, tôi kém bà những mười lăm tuổi! Tôi chả thích được ngang hàng với bà vì tôi chỉ hơn Yvonne có sáu năm. Tôi mong bà để Yvonne và tôi, coi nhau như chị em, hạng trẻ trung với nhau, chúng tôi phải tự do mới được!

Rồi nàng quay lại, ái ngại nhìn Yvonne, lúc đó mặt cúi gằm. Bà Năm không đáp, lại điềm nhiên tu nốt cốc bia khiến Hằng cứ ngồi chờ, tay gõ cái quạt xuống bàn và đủ thời giờ nhìn bà ta một cách tinh quái.

Đó là một người đàn bà to béo, có tướng đàn ông. Phấn không xóa nhòa những đường răn reo ở mặt. Sáp đáng lẽ phải tăng vẻ tươi cho cặp môi, lại chỉ khiến nó thêm có vẻ khôi hài. Đã thế, lúc nào cũng kèm bên mình một cái ví da nho nhỏ, một cái dù Nhật sặc sỡ và xinh xinh. Những cái tô điểm lặt vặt bé nhỏ đó khiến bà Năm đã to nhớn lại đẫy đà thêm độ mười phần. Trông đến bà rồi so sánh những đồ… phụ tòng, thiên hạ phải tưởng tượng đến một con voi đeo nhạc của miu con!

Mẹ thế nhưng con khác hẳn. Yvonne có trong huyết quản ba phần máu Pháp và bảy phần máu Việt Nam, bộ mặt xinh đẹp một cách ngây thơ; cử chỉ ngôn ngữ rất ôn tồn. Không hỗng hợm, không “đầm” một tí nào cả. Trong nàng, tạo hóa đã dung nạp cái đẹp phương Tây với cái đẹp phương Đông để kết nên cái đẹp hoàn mỹ. Mũi nàng là mũi dọc dừa, không tẹt, cũng không nhọn. Tóc màu hạt dẻ và cặp mắt phơn phớt xanh lúc sáng sớm, đen đen lúc chiều.

Khi bà Năm đẻ Yvonne được vài tháng thì ông chồng, đại tá De. S, phải về nước cầm quân. Chết trận, đại tá cũng đã để lại cho vợ con ở đây một chục nóc nhà. Sẵn tiền cho thuê nhà, lại thêm được tiền tuất quả rất hậu, bà Năm đã… thủ tiết nuôi con. Mấy phen đem bạc vạn góp vốn vào việc khai mỏ, xuất cảng gạo với Đào Quân chồng Tiết Hằng – bà đã thành giàu lớn. Tháng trước, bà mời vợ chồng Đào Quân lên nghỉ tại biệt thự của bà tại Chapa. Nay, Tiết Hằng cũng dùng cái biệt thự của mình tại Đồ Sơn để trả cái nợ lịch thiệp đó.

Trời mưa bão, nhưng vì hiên rộng, cả bọn vẫn ngồi ở hành lang. Tiết Hằng gặng một lần nữa:

– Thế nào, bà Năm? Bà có ưng cho chúng tôi tự do với nhau không, thưa bà?

Nghĩ hồi lâu bà Năm đáp:

– Bà tuy trẻ nhưng cái trẻ của bà là trẻ của người lớn. Nó cũng trẻ nhưng cái trẻ của nó là cái trẻ của trẻ con. Bà dễ dãi quá thế. Nếu Yvonne nó hư là tại bà, tôi chả biết đâu cả!

Nước đã muốn ngập lụt mặt đường. Những cây thông bị gió lay như tuốt cả về một chiều, hiện thành hình những cái roi tiên cầm ngược. Từ những biệt thự chung quanh đó, thỉnh thoảng lại có chiếc xe hơi mui buông kín mít chui ra, chạy hộc tốc về Hải Phòng, bốn bánh phun tóe nước ra hai bên đường đi.

Tiết Hằng để quạt lên mồm, ngáp và hỏi Yvonne:

– Xem hộ xem mấy giờ rồi?

– Sáu giờ năm.

– Bữa cơm chiều, ta ăn vào 8 giờ tối thì vừa vặn. Sáng sớm tôi đã đánh dây thép cho nhà tôi ở cảng ra cho vui. Có lẽ có cả mấy ông bạn ở Hà Nội xuống nữa.

– Thế thì vui lắm nhỉ? Cô rất thích được giao thiệp với nhiều người An Nam!

– Thích vì…? – Yvonne ngẩn ngơ, lúng túng: – Thích vì…

Hằng cười tinh quái và nói luôn:

– Vì thích?

Yvonne cũng cười khanh khách mà rằng:

– Vì thích? Phải rồi, thế lại gọn. Thích vì thích…

Thốt nhiên bà Năm nhăn mặt, đứng lên:

– Ta vào chứ? Trời mưa thế này mà cứ ngồi mãi đấy làm gì?

– Muốn chừng bà say…

Bà Năm bưng một tay lên trán, lắc đầu:

– Không, tôi có say đâu… Gió lạnh quá, tôi chóng mặt một tí.

Hằng vồn vã:

– Mời bà lên phòng nghỉ tạm, 8 giờ tôi xin đánh thức dậy xơi cơm.

Bà mẹ vào rồi, Yvonne xem ra có phần được dễ chịu hơn: mặt nàng nhẹ nhàng khác trước. Nàng kể hết cho Hằng nghe cái lối giáo dục không có phương pháp của mẹ nàng…

– Năm tôi đã 17, me tôi vẫn không quên đánh tôi như đánh đứa trẻ con. Buổi chiều hôm ấy đi học về, ăn cơm xong tôi toan lên phòng riêng học bài thi thì me tôi bắt tôi quét điện thờ để các bà ấy đồng bóng! Tôi còn ngần ngừ chứ cũng chưa phản đối, thì bà ấy đã vội làm một thôi một hồi thế này này: “A, con này mày cậy mày là Tây, mày gan với bà, không muốn bà cúng vái gì nữa chứ?” Thế là me tôi tiện tay cốc luôn vào trán tôi hàng chục cái, trước mặt một đám đông người! Gớm nghĩ rõ bực quá!

Tiết Hằng cả cười, cho rằng bất cứ vào trường hợp nào cái cười cũng vẫn an ủi được người ta. Yvonne thêm:

– Đến ngay bây giờ, tôi đã có vô số những ông danh giá hẳn hoi định lấy tôi rồi mà me tôi cũng vẫn mắng tôi như mắng một đứa trẻ! Lắm lúc lại thêu dệt ra những là: “Cái quân lai chúng nó bạc. Có đứa cầm búa đánh trả lại mẹ, có đứa đuổi mẹ đi ăn mày, mắt tao trông thấy luôn. Tử tế ôn tồn với chúng bay cũng vô ích!”. Chị bảo phải một người mẹ vô lý áp chế đến thế có tức không? Lắm lúc nghĩ giá tôi tìm cách gì lôi phăng bà ấy về Tây thì hay quá. Khốn nỗi, ở bên này như me tôi đã là giàu, nhưng mà về Pháp thì rồi ăn hết vốn, sẽ chết đói mất!

– Chị xem xét cái xã hội Việt Nam này thấy nó hay dở thế nào?

– Tôi có xem xét bao giờ! Tôi sinh trưởng ở đây, việc gì cũng quen mắt quen tai rồi, làm gì còn có con mắt quan sát của một người ngoại quốc mới đến đây.

– Lúc nãy chị bảo thích được giao thiệp với người Nam?

– Vâng, sự đó đối với một người lai là sự thường. Nghĩ đến đồng bào của bố được thì nghĩ đến đồng bào của mẹ cũng được. Có gì là lạ đâu? Tôi còn thích mặc quần áo ta nữa.

Lững thững Yvonne đến gần Hằng. Hằng ngửa cổ, say đắm nhìn lên, rồi đứng dậy khoác lấy vai Yvonne:

– Hôm nào tốt trời, ta sẽ cùng đi chụp ảnh…

– Thế còn gì bằng! Được chụp ảnh chung với Tiết Hằng là người đàn bà xinh đẹp nhất nước Nam!

– Nỡm, cứ chế nhạo mãi…

Hằng đỏ bừng hai má chữa thẹn, nhưng chưa chi Yvonne đã nghiêm nghị mà rằng:

– Thật đó chị ạ. Tôi chưa thấy người đàn bà nào đẹp như chị đâu. Chị hơn người ở chỗ không phấn sáp bao giờ. Chị không phấn sáp bao giờ mà bất cứ bao giờ, bất cứ ở đâu, chị cũng là người đẹp nhất!

Trong phòng khách, đồng hồ từ từ đánh bảy tiếng. Tiết Hằng kéo Yvonne vào, cả hai vừa chạy vừa nhảy, tung tăng như đôi trẻ ngây thơ. Đoạn Hằng ngồi phịch xuống, gọi:

– Bếp! Bếp!

– Dạ.

– Sắp xong chưa?

– Con đương dọn bàn rồi.

– Đúng như lời tôi dặn anh đấy chứ? Có đến nỗi thiếu món nào không?

– Bẩm… không thiếu món nào cả. Tôm tươi, cua, sò, cá song, cá chim, mực tươi, con đã về cảng mua được hết; mấy món đồ hộp với rượu cũng dư dật cả.

Yvonne nói len vào:

– Nhiều đồ bể quá!

Tiết Hằng cười:

– Ở bể thì phải ăn đồ bể chứ… Tôi chả như Yvonne, mời tôi lên núi mà không thết tôi bằng đồ rừng…

– Chị bảo gì?

– Đồ rừng… nghĩa là thịt những giống vật trên rừng… Sao khi ở Chapa không mời tôi những món thịt nai, thịt vượn, thịt rắn, thịt hổ, vân vân… vân vân?

Cả hai cười khanh khách. Vừa lúc đó, bà Năm cũng lững thững từ phòng rửa mặt đi sang. Bà dừng chân ngắm kỹ gian phòng có cái bài trí nên thơ: những đồ gỗ tối tân, mấy bức tranh vẽ sơn to lồng vào khung kim nhũ, mấy bức tượng và chỗ này mấy cái lọ Nhật, góc kia cái đôn, – vừa đưa mắt quan sát vừa gật đầu.

– Bà Hằng hiểu mỹ thuật lắm. Bày sơ sài mà trông đẹp làm sao?

Còi ô tô rúc vang lên, cả bọn nhìn qua cửa chớp. Giữa khoảng đất trời đen kịt, hai đường ánh sáng chói lọi chiếu qua những dây hạt mưa lóng lánh như kim cương, từ cổng biệt thự tiến vào thềm. Một câu nói oang oang như giọng lệnh: “Bonsoir les amies!” rồi hai người phủ áo tơi từ xe nhảy ra. Một người béo lùn với một người cao lênh khênh, cả hai lên đến hành lang thì cái xe hòm cũng vòng cái sân, vào nằm nhà chứa xe nhắm mắt, hết thở hồng hộc.

Nhẹ nhàng, Tiết Hằng đã để tay vào khuy bấm điện khiến cho khi hai người vừa kịp để mũi giày lên tấm thảm thì ở cả tám góc phòng khác, tám chùm bóng điện đều bật sáng quắc lên. Đào Quân bắt tay một lượt, hôn vào trán vợ một cái, đoạn quay lại giới thiệu người cao cao với mọi người:

– Madame de S… Mademoisell Yvonne de S… Je vous présente le Directeur du journal L’Indé Pendance, Monsieur Phan Việt Anh, mon ami.

Đào Quân nói xong đứng nghiêm trang hưởng cái hân hạnh được dịp khoe với bà vợ Tây và cô đầm lai một ông bạn thân của mình làm chủ báo, mà lại một tờ báo viết tiếng Pháp. Những câu khách sáo đã dùng rồi, mọi người ngồi xuống ghế, rồi câu chuyện bằng tiếng Pháp bắt đầu câu có vị giữa Yvonne và Việt Anh.

– Tôi thích đọc tờ báo của ngài chủ trương lắm. Cũng đôi khi báo có giọng công kích một cách quá đáng thật, nhưng cũng lắm khi có những lời bàn rất có lý. Ngài có nhớ một bài xã thuyết đề mục là “Hai thái độ” ký tên Chiêu Quân không?

– Có. Đó là thiên đại luận rất có giá trị của người đọc báo gửi đến tặng chúng tôi. Văn hay, ý sâu sắc lắm mà lại ký hiệu là Chiêu Quân, không rõ người viết ấy là người Pháp hay người Nam, đàn ông hay đàn bà…

– Chiêu Quân là tôi đó!

– A!

Việt Anh rộ một tiếng rồi ngơ ngác nhìn cô đầm lai ẻo lả, đẹp nõn, dịu dàng, một người có văn tài, thi tài sẽ hợp với việc làm thơ, chớ không hợp với việc bàn chính trị. Đối lại, Yvonne cũng chăm chú nhìn chàng, một người đứng tuổi, mặt xương xương mắt đeo kính, tóc để bù, dáng điệu mạnh bạo quá, có cái tinh thần một nhà làm báo… du côn.

– Nếu quả vậy thì hạnh phúc cho tôi biết bao! Mong rằng những lúc thư nhàn, cô nên nghĩ đến độc giả của báo đó.

– Trước kia, chưa biết đến người giám đốc tờ báo mà tôi còn sẵn cảm tình với báo, nữa là bây giờ…

– Tôi xin có lời cảm ơn trước.

Nói xong, Việt Anh chợt sờ lên cổ, rồi ngượng nghịu, nhìn Đào Quân. Quân bô bô:

– Không đeo ca vát rồi! Đáng kiếp lắm! Ai bảo anh cái gì cũng coi thường…?

Tiết Hằng chữa:

– Được, không hề gì. Nội nhà này có mấy người đây thì đã là bà con cả.

Giữa cái phòng khách sáng trưng mà tường hoa, mọi đồ mỹ thuật phô ra cảnh nghìn tía muôn hồng, Hằng với cái áo lam, bà Năm với cái áo đỏ thẫm, Yvonne với cái áo da trời, ba người đều như ba con chim lông cánh khác màu trong một bụi hoa.

– Ồ, quên khuấy đi mất! Thưa các ngài… tôi có làm quà cho bà đầm tôi một con vật rất ngộ, biết làm xiếc và thích trang điểm như một người đàn bà!

– Con gì thế?

– Con khỉ! Một con khỉ thông minh y như người… Ta ra xem đi…

Cả bọn hí hởn theo Đào Quân ra hành lang. Việt Anh và Tiết Hằng ngồi lại. Thấy vợ không theo. Quân quay lại giục thì Hằng cau mày… Mẹ con bà Năm đã bước ra rồi. Quân so vai, mà phải ra theo.

Thấy Việt Anh cứ đăm đăm nhìn mình, Hằng đưa mắt mơ màng ra phía khác. Anh sẽ gọi:

– Hằng!… Em Hằng!

Hằng nguẩy đầu một cái, lườm Anh rồi lại quay đi.

Việt Anh đứng lên thở dài rồi hỏi:

– Hằng có vẻ khó chịu lắm nhỉ? Hay bởi lẽ có mặt tôi tại đây?

– Có lẽ…

– Hằng không bao giờ muốn nhìn mặt tôi nữa chăng?

Hằng gật đầu. Tức khắc Anh đến gần nàng trừng mắt thất thanh mắng:

– Khốn nạn! Đồ khốn nạn!

Hằng cũng đứng lên, lạnh lùng:

– Ô! Ngài nói ai?

Bình luận
720
× sticky