Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dứt Tình

Chương 11

Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Trước cái khổ chung của ba người, ngày, giờ cứ thản nhiên qua… Quả đất quay tuy chậm mà chậm nhanh, vì chưa chi… Phải, hình như người ta mới kịp nhìn đi rồi ngoảnh lại một cái thôi, thì chưa chi mùa đông đã lại đến.

Tháng một, hình như sẵn những lúc không ai để ý cứ mỗi hôm một thêm nhuộm tím da trời. Lá ổi bắt đầu vàng, lá bàng ngả màu cánh kiến, mà lá hồng thì thêm to, thêm đẹp, cứ chờ buổi sáng để hứng được những giọt sương lạnh đọng lại như thủy ngân. Đó là mùa mà dân quê cùng đi ngủ một lúc với mặt trời, lại cái mùa ổ rơm chăn bông, lại cái mùa đêm nay chưa để cho sáng mai có những con đường đọng bùn và lầy lội.

Buổi chiều hôm ấy, trong căn nhà xây theo kiểu biệt thự ở con đường Quán Thánh, bên cạnh lò sưởi, ngoài vợ chồng Huỳnh Đức lại còn có mặt một người nữa là Yvonne. Bên ngoài lác đác mưa… Trong gian phòng ấm cúng, cả ba đương chuyện trò. Đức đã đưa ra những sổ sách cho Yvonne xem, và cả hai đều được bằng lòng, vì những công việc ngoài mỏ đều có lợi, mặc dầu kinh tế khủng hoảng. Riêng Hằng vẫn ít nói ít cười cứ nhìn vào đám khói ở mấy chén nước trà như muốn kiểm soát lại cái dĩ vãng nó đã đi xa lắc xa lơ…

Chợt Đức lên xin lỗi là có việc cần phải xuống phòng giấy. Trước lò sưởi, còn có hai người đàn bà. Yvonne ngắm nghía Hằng một lúc lâu rồi hỏi nàng:

– Tôi tưởng dạo này chị không có điều gì trong lòng thì phải…

Hằng uể oải đáp như trong khi dở thức dở ngủ:

– Tôi có điều gì buồn nữa đâu!

Con chó Nhật rất xinh xắn lúc đó len lén vào nằm dài trước lò sưởi. Dần dần một cách không cho ai nghĩ đến sự uể oải đến úp lấy cả hai người đàn bà… Tiếng lách tách củi nổ, cái giọng âm thầm của con họa mi khẽ hót ngoài hành lang, tiếng một chiếc xe hơi văng vẳng đằng xa, ngần ấy tiếng động mà người ta thấy trong khi người ta không để tai nghe, làm cho sự im lặng có một giá trị khó tả. Mà, giữ nhịp cho những tiếng động ấy, là những cái tí tách trong một chiếc đồng hồ lớn, để dựng đứng như một cái tủ ở một góc phòng. Hằng vẫn mãi nhìn những ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi.

Nàng thấy cái lò sưởi cũng giống với cuộc đời con người ta. Miệng lò là sân khấu mà ngọn lửa là những vai trò trong tấn bi kịch. Ngọn lửa trước to, sau nhỏ dần, và sau cùng thì bao giờ cũng chỉ là một nắm gio tàn khói lạnh, là hình ảnh đích xác về cái cứu cánh cuộc đời con người ta!

Cặp mắt đầy những vẻ hối hận, Yvonne nhìn Hằng một lúc lâu rồi lại hỏi:

– Chị Hằng ơi, thật ra thì chị có sung sướng hay không?

Hằng, như chợt tỉnh giấc mê, cười khanh khách mà rằng:

– Bảo vì lẽ gì mà tôi lại không sung sướng?

– Tôi tưởng chị cũng đã khuây khỏa dần dần. Chị cũng nên cố quên đi.

– Không quên mà được à, Yvonne? Trong khi đau khổ, người ta cứ tưởng người ta chết mất, vì người ta không quên được. Chính ra dần dần rồi người ta cũng quên… Nếu không có sự quên, làm gì còn có được loài người trên mặt đất này!

– Thật đấy, ít lâu nay, tôi thấy chị đã khá lắm. Chỉ có anh ấy là già đi, xấu đi…

Hằng ngậm ngùi cắt nghĩa:

– Nhà tôi lúc nào cũng lo sợ về tôi, về sức khỏe của tôi… săn sóc tôi y như một người mẹ săn sóc đến sự ấm lạnh của đứa con mới đẻ vậy. Thật thế, chính vì tôi mà anh ấy quên ăn bỏ ngủ, vì vợ mà quên cả cái sức khỏe của mình. Có khi đương đêm, chợt tỉnh dậy, tôi thấy chồng rón rén đến bên giường tôi nằm, để lại cái gối, đắp lại một nếp chăn. Thật là người đáng kính phục một cách lạ! Tôi không hề tưởng tượng được rằng trong đời này lại có người yêu tôi đến như thế, lại có người kiên tâm như thế. Mỗi ngày, mỗi phút, anh ấy đều phải chiến đấu, không lúc nào nghỉ, chiến đấu để chinh phục lòng yêu của tôi, một người đã là vợ anh ấy rồi. Phải được trông thấy anh ấy kiên tâm ra sao thì mới tin lời tôi nói là thật được.

– Một người chồng mà yêu quý vợ như quý nhân tình thì cũng là người chồng đáng yêu.

– Chính thế. Cho nên bây giờ, tôi ao ước có một mụn con, một đứa con bất cứ giai hay là gái, con của chúng tôi. Có một đứa con cũng như là có sự an ủi rất cần thiết những khi đau đớn về phần hồn, cũng như là có một cái nghĩa cho sự sống. Xưa kia, Đào Quân không bao giờ nghĩ đến sự sinh con đẻ cái, và cả tôi nữa, hồi ấy cũng chưa hề nghĩ đến đường con cái. Hồi ấy, tôi có nhiều tư tưởng rồ dại trong óc tôi… Bây giờ thì tâm tính tôi đổi hẳn… Bây giờ tôi thấy sự trống trải của một cuộc đời vô nghĩa lý rồi. Tôi nay cũng như một con tàu đã dày dạn gió sương, đã vượt trùng dương, nay đến ngày cập bến vậy. Tôi đã giật mình nghĩ đến những buổi chiều đông lạnh lùng, cái già cái yếu nó đến ngày mai! Cho nên tôi rất nóng ruột có con. Một đứa con cho vui vẻ cửa nhà, cho vợ chồng phải yêu quý nhau, cho cuộc đời có thêm một bổn phận để gánh vác, thêm một mục đích để theo đuổi…

Yvonne cầm tay Hằng nói một cách cảm động:

– Yvonne sung sướng lắm chị ạ. Nếu chị đau khổ thì Yvonne lấy làm buồn rầu lắm. Chị có muốn biết hành tung của Việt Anh độ này ra sao không?

– Không.

– Độ này người ta không thấy mặt Việt Anh trong cái xã hội thượng lưu nữa. Có người thấy Việt Anh ở hàng tuần lễ tại xóm ả đào, lại có người thấy Việt Anh đi hút thuốc phiện với lũ gái nhảy trong những ngõ hẻm tối tăm…

Hằng buồn rầu mà rằng:

– Thế à?

Thế rồi là sự im lặng. Hằng và Yvonne, trong một lúc lâu, không ai nói gì cả. Vừa lúc đó, Đức cũng quay lên… thì Yvonne đứng dậy:

– Thôi, tôi xin phép vợ chồng ông bà…

– Kìa, sao lại vội thế?

Hằng cũng ngạc nhiên hỏi:

– Yvonne có việc bận gì à?

– Không. Nhưng mà tôi đi đã lâu, sợ về me tôi gắt.

Hằng vội bảo chồng:

– Thế mình cầm xe đưa chị ấy về tận nhà.

– Thôi, không phải phiền thế, để tôi đi xe tay.

– Trời mưa mà phố vắng, chả sẵn xe đâu. Mà đi xe tay thì ướt hết mất!

Yvonne vừa bước ra vừa khanh khách cười mà rằng:

– Thế thì tôi lại cướp mất anh ấy của chị trong mười phút ngồi tri kỷ với nhau trước lò sưởi.

Hằng cũng cười:

– Cũng chả sao!

Đức cùng Yvonne xuống nhà dưới. Khi tiếng máy xe hơi đã xa hẳn. Hằng đứng lên bật đèn, vì ngoài đường đèn cũng đã sáng choang. Nàng thấy khó chịu trong mình, như nhức đầu chóng mặt. Nàng gọi bằng chuông điện thì con Nguyên chạy lên.

– Nhà có gì là của chua không?

– Bẩm có chanh, nhưng mà để lâu lắm rồi, sợ ủng.

– Hay mày lấy vào cái đĩa cho tao mấy quả dưa chuột ngâm giấm lên đây nhé.

– Vâng.

Một lát, con Nguyên lên thưa rằng:

– Bẩm có một ông xưng danh là Việt Anh muốn nói với bà một câu chuyện can hệ lắm.

Hằng nghĩ một lúc rồi bảo:

– Mày xuống bảo hôm nay tao mệt, không tiếp ai.

– Vâng.

Con ở vừa tất tả chạy đi thì Hằng lại gọi:

– Nguyên! Nguyên!

– Dạ!

– Bà bảo gì nữa ạ?

– Mày mời ông ấy lên phòng trên này, tao chờ.

Nói thế rồi, nàng ngồi xuống nghĩ ngợi băn khoăn. Nàng sắp làm một điều càn rỡ… nàng sắp tự quyết lấy điều sinh tử gì cho mình và cho ai… Hằng bất giác lại hối hận, song đã muộn mất rồi.

Đến đây, đứa ở đã dẫn Việt Anh vào ngồi ngay xuống. Chàng đội mũ dạ đen, đi giày đen, khoác một cái áo tơi trắng đã ngả màu vàng, trên cái áo tơi có những nốt lấm tấm nước mưa. Hai cặp mắt chàng quắc lên như mắt người điên, giọng nói của chàng nghe ghê như giọng nói của người hấp hối.

– Hằng! Tôi xin lỗi mình.

– Kính chào anh.

– Phải, tôi đã có lỗi lắm. Đáng lẽ, tôi không còn được bước chân vào nhà này…

– Nếu anh đến chơi vào lúc chồng tôi có nhà thì phải hơn.

– Khốn nỗi những điều tôi muốn nói thì lại không thể nói trước mặt Đức được. Tôi đã phải đứng chờ mãi ở đầu phố cho anh ấy đánh xe với Yvonne ra đi. Không nên để Đức biết là tôi có vào đây… Còn đối với bọn gia nhân thì, sau khi tôi đi rồi, Hằng chỉ việc dặn chúng là có một người em họ đến xin tiền, không được nói cho ông chủ biết thế là đủ… Vả lại…

Việt Anh nói đến đó thì nghẹn lời, mình mẩy run lên, Hằng phải nói:

– Chết chửa! Anh làm sao thế?

– Không, không hề gì… Đứng chờ mãi ngoài đường nên hơi lạnh, nhưng không hề gì.

– Anh xơi một chén trà nóng nhé? Anh ngồi xuống ghế mà sưởi đi, để tôi bảo nó pha.

Việt Anh lắc đầu:

– Thôi, tôi không ngồi lâu. Và Hằng cũng không sợ tôi nói dài dòng… Hằng ơi, tôi sắp đi xa đây, cho nên tôi lại từ biệt Hằng…

– Thế anh định đi đâu?

– Xa lắm. Đi khỏi xứ sở, khỏi đất nước này… Nhưng mà Hằng không cần biết rõ, vô ích.

Nói đến đây. Anh đưa mắt nhìn khắp gian phòng, rồi đặt mũ xuống ghế, vịn hai tay vào thành ghế như nhọc mệt lắm, Hằng tần ngần hỏi:

– Thế anh đi xa thế để làm những việc gì?

– À, tôi làm công cho một thương đoàn của người Hoa Kiều một việc khá to tát. Nhưng mà việc can hệ chỉ là xa cái đất này, để tìm sự quên.

– Thật đấy, anh cũng nên đi xa…

– Có phải thế không? Đi là phải lắm chứ!

– Vì đất Hà thành chỉ làm hại anh mà thôi. Trông anh bây giờ thảm hại quá. Tôi cũng không lấy gì làm lạ, vì nhiều người vẫn nói đến cái đời vô trật tự của anh trong mấy tháng nay… Họ nói anh ngày nay đã ngã hẳn xuống một đống bùn… tửu, sắc, yên, đổ, thôi thì đủ cả! Phải không? Trời ơi! Mặt mũi anh tiều tụy đến thế kia kìa! Việt Anh! Đêm hôm qua anh ngủ ở tiệm thuốc phiện nào? Tôi thật không ngờ một người có học thức như anh, có chí khí như anh, mà bây giờ mất nhân cách đến như thế?

Việt Anh so vai đáp bằng giọng oán hận:

– Thôi đi, Hằng không cần sỉ nhục tôi đến như thế nữa. Tôi tưởng tôi đến thế này, không có gì là khó hiểu. Nếu tôi ngày nay hóa ra bê tha, đê tiện, là vì tôi giao thiệp với cái đám xấu xa… Sự đau khổ, sự túng kiết, cái nghèo đói… Nếu tôi đến nỗi mất nhân cách như Hằng vừa nói là bởi vì tôi… tôi đã yêu một người đàn bà.

Nói xong, Anh ngồi bịch xuống ghế, đăm đăm nhìn lửa đỏ trong lò sưởi. Hằng cũng oán hận mà rằng:

– Người đàn bà ấy cũng đã yêu anh… Nếu anh không biết cách làm cho người đàn bà ấy về tay anh thì là tại ai, tưởng anh đã biết. Mà nếu không lấy được người đàn bà ấy nữa thì anh cũng phải làm thế nào cho xứng đáng lòng yêu của người ta thì hơn… Ngày nay, anh đã lăn lóc khắp mọi chỗ của bọn đãng tử! Việt Anh! Như thế là xứng lòng yêu của Tiết Hằng đấy à?

Việt Anh đứng lên, lại gần nàng, khẽ gọi:

– Hằng ơi… Hằng!

Nàng đứng lánh ra, cau mày:

– Gớm, anh sặc lên những mùi thuốc phiện! Anh đã nghiện chưa?

– Chưa nghiện nhưng thỉnh thoảng vẫn hút. Ồ, thuốc phiện làm cho người ta khuây khỏa lắm, Hằng biết sao được.

– Rõ, khốn nạn chưa!

– Hằng ơi, trước khi ra đi, trước khi từ biệt, mình, tôi muốn hỏi mình một điều. Chắc Hằng còn nhớ hôm chúng ta cãi nhau ở bệnh viện St. Paul, sau khi Hằng nhận được lá thư của Yvonne.

Hằng giật mình lên, vội hỏi:

– Lá thư nào của Yvonne?

– Lá thư chữ đánh máy, tố cáo tôi có trách nhiệm…

– Trời ơi! Yvonne là kẻ có cái tà tâm ấy à?

– Chứ gì!

– Thôi đi, anh đừng đổ oan cho người ta…

– Không, không, không. Việt Anh không bao giờ nói nhảm. Vả lại Yvonne đã thú thật với tôi rồi… Hằng nên biết rằng năm sáu tháng trước đây không mấy tối là Yvonne không đi lùng các cao lâu, các nhà khiêu vũ, các tiệm thuốc phiện, để tìm tôi… Nó yêu tôi, con bé đáng thương ấy! Mà vì nó yêu tôi quá nên nó mới làm cái việc càn rỡ để… hại tôi… Thôi, tôi cũng chẳng oán trách gì nó…

– Sao hai người không lấy nhau đi?

Việt Anh bất bình lắm, cau mày:

– Tôi, tôi không muốn lòng người dễ quên, dễ yêu thế được. Vả lại, chắc gì mà nó đã bằng lòng… Nhưng mà thôi, mặc chuyện ấy đấy, cho tôi nói nốt đã: tại bệnh viện bữa ấy, nếu tôi đã thú tội cùng Hằng, đã nói rõ sự thực, liệu Hằng có tha thứ không?

– Sao lại không? Tôi tưởng anh đã dìm chết mất Quân chứ có phải chỉ ngờ anh không cứu Quân đâu.

– Ấy thế mà tôi, tôi lại cho rằng vì có Đức cũng muốn lấy mình nên mình kiếm chuyện duỗi tôi ra.

– Nghĩa là anh đã là một kẻ ngu dại.

– Phải lắm. Hơn nữa lúc ấy lòng tự ái của tôi đã bị thương nặng… Tôi căm tức rằng đến Hằng mà cũng lại nghĩ tôi đã hại chồng của Hằng. Tôi đã ghen Hằng lắm, giận Hằng lắm, cho nên tôi đã không cắt nghĩa rõ, đã không thú tội!

Hằng ứa nước mắt kể lể:

– Thành ra tôi cứ tin rằng anh đã ám hại Quân, mà không biết anh đã dùng những cách gì! Lúc ấy tôi vẫn yêu anh lắm. Nhưng tôi sợ nếu lấy anh thì là đồng phạm với anh… Một người đàn bà cùng nhân tình âm mưu ám hại chồng là một con quái vật… Vậy mà tôi vẫn yêu anh một cách xót xa… Cho nên muốn khỏi mang tội với trời, tôi đã nghĩ không còn cách gì hơn là vội vàng nhận lời với Đức.

Việt Anh đứng ngây ngất như bị thương nặng trên đỉnh đầu.

– Trời ơi, vậy nếu tôi đã thú thật thì Hằng cũng đã lấy tôi đó ư?

Hằng rền rĩ mà rằng:

– Chứ gì nữa!

Anh buông xuôi hai tay xuống, thở dài:

– Lòng kiêu ngạo!… Trời ơi, lòng kiêu ngạo của tôi đã hại cả một đời tôi! Tôi đã muốn có Hằng, vậy mà tôi đã đánh mất hết cả!

Hằng quay về phía lò sưởi chất mấy thanh củi và bảo:

– Thôi, sự đã rồi! Mình đi đi, đừng làm khổ tôi nữa.

Nhưng mà Anh bàng hoàng tỉnh giấc mộng, như điên như dại, hấp tấp mà rằng:

– À! Nhưng mà bây giờ thì tôi lại không thể nào rời bỏ cái đất này mà đi được nữa! Không, tôi không đi! Những lời Hằng vừa nói thật như là ngọn đuốc cho con đường đời u ám của tôi, thật như một liều thuốc bổ cho cái thân thể ốm yếu của tôi! Từ hôm ở bệnh viện St. Paul đến nay chỉ mới là một năm thôi. Cái tình của mình với tôi đã đến thế thì trong một năm chưa phai nhạt được! Lúc ấy Hằng yêu tôi thì bây giờ Hằng cũng còn yêu tôi!

– Nhưng hiện giờ… tôi là người đã có chồng!

– Nhưng mà không yêu chồng! Mình không yêu Đức…

– Anh làm thế nào anh biết?

– Tôi biết! Nếu mình yêu Đức, mình lại bằng lòng tiếp tôi thế này hay sao? Mình lại phải khóc vì tôi hay sao? Những giọt lệ chưa khô đấy kia… Tiết Hằng!

Hằng đứng lên rầu rĩ mà rằng:

– Anh nên đi đi!

– Không! Những cơn giận dữ của mình, những giọt lệ lã chã của mình đã đủ nói rõ là mình yêu tôi!… Hằng ơi, Hằng nhớ lại những ngày ta còn đi học với nhau… Những lời mình thề thốt với tôi… Mình đã lừa dối tôi mà kết duyên với một người khác!

– Thôi đi, anh im đi!

– Không! Trời sinh ra Hằng để mà yêu tôi, Hằng vẫn đau khổ vì là vợ một người không phải là tôi, cũng như tôi, tôi đương khô héo cả tâm can bởi không được là bạn trăm năm của Hằng!

Hằng chạy ra hẳn một góc phòng, cách xa Anh. Chàng lại gần nằn nì:

– Này, Hằng ơi, những điều đau khổ của ta chưa phải là đã hết phương cứu chữa… Nếu Hằng thương xót tôi thì Hằng rất còn có thể cứu vớt được tôi… Mình có muốn cho tôi lại được như xưa, lại là người có can đảm, có chí khí, một người xứng đáng hay không? Xin cứu tôi khỏi chết!

Hằng run sợ, thất thanh hỏi:

– Nhưng mà tôi làm gì được?

– Đi trốn! Ta cùng nhau đi trốn! Tôi vẫn biết Hằng không ưa gì sự phản trắc… nhưng mà… dư luận thì cần gì?

– Đó không phải là việc của dư luận mà là của bổn phận.

Việt Anh nhìn vào tận mặt nàng mà rằng:

– Bổn phận của người ta là: yêu! Liệu hồn! Rồi thì mình sẽ sống một cuộc đời vô vị, rỗng tuếch! Tôi đã nói là tôi đi xa… sang Tân Gia Ba làm ăn… Mình có muốn cùng đi không? Hạnh phúc ở bờ biển bên kia… đã như giơ tay sẵn đón chúng ta… Việt Anh và Tiết Hằng ở nơi đất khách quê người thì sẽ cùng sung sướng! Hằng nghĩ thế nào? Hở?

Tiết Hằng bưng mắt khóc mà rằng:

– Mình làm tôi khốn khổ quá đi mất. Nếu mình muốn hy sinh tính mệnh vì mình thì tôi cũng hy sinh ngay, vì tôi thấy tôi có trách nhiệm lớn trong cái đau khổ của mình. Nhưng mà mình lại muốn bắt tôi phải hèn hạ, phải phản trắc!

– Tôi chỉ muốn bắt mình có can đảm!

– Không, chính thế là hèn hạ đó, mình ạ. Mình muốn gì? Muốn tôi chết ư? Không! Mình lại hứa hạnh phúc cho tôi! Trời ơi, tôi còn biết nghĩ ra làm sao nữa!

Việt Anh đi đi lại lại, nghiêm giọng nói:

– Không, tôi không bắt ép Hằng. Tôi để cho Hằng có toàn quyền quyết định cuộc đời của Hằng, cuộc đời của tôi. Thật đấy, chỉ một mình Hằng gánh lấy cái trách nhiệm ấy. Mà tôi không muốn Hằng đi theo tôi vì thương hại tôi đâu. Không! Nếu Hằng không đi, thì Hằng không phải lo ngại gì cả, không phải hối hận gì cả… Tôi đi ngày mai, hoặc ngày kia, trong lòng chứa chan hy vọng sẽ quên được, sẽ khỏi đau khổ, vì người yêu quý nay đã tha thứ cho tôi rồi. Đấy Hằng xem, tôi có cố ý làm cho ai phải thương xót tôi đâu!… Nếu tôi ra đi một thân một mình, đi biệt tăm biệt tích, thì đó là do ý muốn của Hằng… Thế là xong chuyện, thế là hay lắm… Vì Hằng sẽ không bao giờ, không bao giờ còn nghe thấy ai nói đến Việt Anh này nữa? Thật đấy, không bao giờ Hằng còn phải nghe chuyện đến tôi nữa!

Hằng hãi hùng vội hỏi:

– Mình muốn nói gì thế?

Việt Anh cười cho nàng yên tâm và thêm:

– Chỉ có thế! Hằng quyết định đi thôi. Tôi ở đây lâu rồi, chắc Đức cũng sắp về. Tôi sẽ xuống đứng dưới đường kia mà chờ mình… Tôi sẽ đứng nấp vào một chỗ nào đó để đợi mình… Nếu Hằng còn yêu tôi, dám hy sinh danh tiết vì người yêu, thì mình sẽ lẻn ra đi, tôi xin chờ mình, chờ mình… mãi mãi đến đêm khuya! Từ dưới đường, tôi sẽ nhìn lên cái cửa sổ phòng này, nếu đèn còn sáng, cửa còn mở, thì tôi còn chờ Hằng mãi mãi! Thật thế, tuy mưa, tuy rét, tôi cũng đứng chờ đợi được, vì bây giờ tôi đã có can đảm lắm. Mình muốn ra đi cùng tôi thì mình chỉ cần gói ghém một ít quần áo vẫn dùng thôi. Tôi đã có đủ tiền hai xuất tàu…

Hằng ấp úng mà rằng:

– Tôi tưởng là nếu…

Nhưng Việt Anh ngắt lời nàng:

– Thôi, tôi phải xuống đây. Nếu mình đã suy nghĩ kỹ quyết ở lại… thì mình chỉ có việc đứng lên ra đóng cửa sổ lại! Nếu tôi thấy đèn tắt cửa đóng thì tôi đi… Trời ơi. Nếu vậy thì ác quá nhỉ? Thôi, hoặc là chốc nữa, hoặc là không bao giờ ta thấy mặt nhau nữa… Tôi chờ Hằng đấy… Hằng ngẫm nghĩ đi… quyết định đi… Tôi van Hằng!

Nói xong, Anh nhanh nhẹn cầm mũ ra khỏi phòng, xuống một lúc lâu, Hằng ngồi bưng đầu ngẫm nghĩ… rồi Hằng đứng lên, ra cửa sổ nhìn xuống đường… Trời rả rích mưa… Gió thổi ào ào, mặt đường nhựa đầy những ánh sáng đèn điện. Lá rụng phủ lác đác khắp mặt đường. Một lát, nàng quay vào gọi con Nguyên và bảo:

– Đem cho tao cái va ly con vào đây.

– Bẩm con đã lấy dưa ngâm dấm…

– Thôi, đem cho tao cái va ly…

Vừa lúc đó chợt thấy tiếng còi xe hơi gọi mở cổng. Hằng thấy mồ hôi toát ra đầm đìa khắp mình. Nàng thấy chóng mặt như muốn ngã lăn xuống đất… Vừa lúc đó, Đức uể oải bước lên… Chàng hỏi:

– Mợ chưa đi nghỉ kia à?

Hằng bảo con Nguyên:

– Thôi cho mày xuống dưới nhà.

Đức lại hỏi:

– Từ lúc tôi đi đến giờ, Hằng vẫn ngồi yên một chỗ?

Hằng gật đầu. Đức nhìn vợ một lúc rồi quay ra:

– Thôi, tôi để mình đi nghỉ.

Hằng nhìn theo chồng, bâng khuâng hồi lâu chợt khẽ gọi:

– Mình ơi mình…

Đức quay vào, vồn vã:

– Mình cần giúp gì?

– Không… Vừa rồi, lúc mình đi vắng, nhà có khách…

– Thế à!

– Tôi vừa tiếp Việt Anh một lúc lâu…

Đức gật gù một hồi, khoan khoái mà rằng:

– Tôi biết đã lâu rồi… cảm tạ Hằng đã nói thật cho tôi rõ. Tôi chờ Hằng có nói rồi tôi mới nói… Lúc đánh xe ra, tôi thấy Việt Anh nấp sau một gốc cây… Lúc về, tôi lại thấy Việt Anh đi về mạn trên, chợt trông thấy xe tôi, thì lại vội nấp sau một gốc cây!

– Bất đắc dĩ mà tôi phải tiếp…

– Hằng tiếp anh ấy là phải lắm chứ! Tôi có dám phàn nàn gì! Tôi chắc mình đã khuyên bảo anh ta được nhiều điều hay… Hiện giờ thì Việt Anh là người rất hỏng.

– Việt Anh chỉ là người đáng phàn nàn.

– Ơ hay… thì chính tôi, tôi cũng vẫn ái ngại cho anh ta. Mà vì thế cho nên đáng lẽ vào bàn giấy làm việc thì tôi lên qua phòng này… Tôi không biết mình với Việt Anh đã chuyện trò với nhau những gì, song riêng tôi, tôi cũng có một chuyện muốn nói đấy, mình ạ.

– Gì vậy?

– Cái tự do của Hằng!… Cứ để tôi ôn tồn nói cho có đầu có đuôi… Hằng nên biết rằng hiện giờ, Huỳnh Đức là một thằng chồng đã chán nản lắm, đã nhọc mệt lắm. Thật đấy. Hôm nay thì tôi xin cất bỏ cái mặt nạ của tôi ra… Mình vẫn thấy tôi cười nói, bông đùa… chính ra, ấy chỉ là đóng kịch. Vì rằng tôi đã định chiếm lòng yêu của Hằng, cố làm cho Hằng phải quên đau… Tôi đã phải làm ra cái vẻ sung sướng mãi mà thật ra, tôi đau khổ lắm! Tôi đã phải chiến đấu mãi, nhưng nay, tôi ngã lòng mất rồi! Tôi không thể được nữa… Tôi tưởng Hằng đã yêu tôi, đã hoàn toàn về tay tôi… Chao ôi! Tôi nhầm! Bây giờ tôi mới biết là tôi mơ ước hão! Mình vẫn còn yêu Việt Anh…

– Tôi đã làm gì cho chồng tôi…

– Khoan, Hằng cứ để tôi nói nốt… Bao giờ mình cũng yêu Việt Anh! Cuộc đời của mình chỉ có thể sung sướng nếu mình cùng sống chung một cuộc đời với Việt Anh! Tôi biết rõ mình lắm rồi. Tôi đã ngẫm nghĩ chán chê ra rồi. Bây giờ đã đến lúc tôi quyết định!

Đến đây, Đức chững chạc ngồi xuống ghế. Hằng cũng nghiêm nét mặt mà thản nhiên rằng:

– Tôi rất vui lòng nghe.

Đức quả quyết tiếp:

– Tôi bây giờ không dám nghĩ đến tôi nữa. Tôi phải quên tôi đi mà nghĩ đến Hằng!… Mình lấy hai đời chồng rồi… Cuộc nhân duyên thứ nhất phải âm thầm đau khổ thì cuộc nhân duyên thứ nhì không lẽ lại cũng thế được. Chính ra Hằng cũng đáng hưởng hạnh phúc ở đời… vì ái tình! Trời ơi! Tôi yêu Hằng quá, không thể để Hằng cứ đau khổ như thế mãi được! Hằng là vợ tôi thì tôi có lợi hơn gì đâu? Tôi chỉ khổ hơn xưa thôi! Tôi được mọi người mách rằng Việt Anh sắp rời xứ sở ra đi… Hằng có muốn cùng đi với người yêu chăng?

Nàng giương to cặp mắt nhìn chồng, ngạc nhiên hết sức, Đức cũng đăm đăm nhìn nàng rồi nói tiếp:

– Không, chả có gì lạ đâu. Tôi cũng chỉ là một người như mọi người! Bắt chả được thì tha đi, lại được cái tiếng làm phúc nữa. Hằng chỉ cần gật đầu một cái là tôi xin chịu nhận hết mọi điều lầm lỗi của một người chồng không ra gì, để Hằng có thể được tự do. Tôi xin dằn lòng ký một chữ. Nếu mình yêu Việt Anh thì tôi khuyên mình nên cùng ra đi với anh ấy! Cùng sống chung một cuộc đời với mình, Việt Anh chẳng bao lâu lại trở nên một người giỏi giang, hữu ích và anh hùng nữa. Rồi thể nào hai người cũng sẽ sung sướng cả hai…

– Trời ơi! Anh Đức!

– Thật đấy. Mà Hằng không cần nghĩ đến tôi đâu. Tôi có nhiều việc lắm, tôi sẽ quên đi. Tôi chỉ xin có một điều là: khi Hằng sung sướng rồi thì đôi khi cũng nên chợt nghĩ đến tôi là một người bạn tốt nhất đời của Hằng, chỉ có thể lòng yêu Hằng bằng cách nhường Hằng cho kẻ khác!

Nói rồi Đức đứng lên quay ra phía khác để giấu hai dòng lệ đã sắp tuôn rơi…

Hằng thổn thức nói:

– Mình nói thật đấy à?

– Tôi lại dám nói đùa như thế à?

Hằng gục đầu xuống bàn, khóc mà nói:

– Đức ơi, thế thì tôi xấu hổ lắm, tôi không dám nhìn mình nữa! Thật vậy, lúc nãy Hằng đã tính bỏ hết cả danh tiết, bỏ chồng mà đi theo giai! Nhưng may sao cho Hằng là nay Đức đã nói đến những lời tha thiết đến thế, cảm động đến thế. Cái lòng quân tử vô cùng của mình đã ngăn ngừa được sự sa ngã rất tai hại của vợ mình là tôi. Lúc nãy tôi đã định trốn đi, mà bây giờ thì tôi lại không thể nào bỏ mình mà đi được nữa!… Tôi chưa yêu mình nhưng mà tôi phải nhớ ơn mình… Từ giờ trở đi, mình không những là người chồng đáng quý nhất đời, quân tử nhất đời, mà lại còn là ân nhân của tôi!

Hằng vẫn nói nhưng vẫn gục mặt xuống bàn. Đức đến ngồi cạnh nàng, nâng niu đỡ nàng lên, thất thanh hỏi:

– Thật không, em Hằng?

Hằng ngẩng đầu lên, vén lại mấy mảng tóc rũ xuống trán và gáy rồi đăm đăm nhìn ngọn lửa đỏ trong lò sưởi nói tiếp:

– Thật đấy anh Đức ạ. Từ nay trở đi, Tiết Hằng có bổn phận phải hầu hạ dưới gối anh… Đạo trời đã muốn như vậy. Hằng có muốn cưỡng cũng không nổi… Thật đấy, từ nay trở đi, thì có một sức mạnh thiêng liêng huyền bí trói buộc tôi gần mình… trời ơi!

Đức xanh mặt vì Hằng đương nói bỗng ôm bụng nhăn nhó. Chàng luống cuống hỏi:

– Chết nỗi mình làm sao?

Nhưng Hằng xua tay rồi lại bình tĩnh nói tiếp:

– Không, tôi hơi chóng mặt và thấy lợm giọng một chút… Mình ạ, ít lâu nay tôi còn bán tín bán nghi, nhưng bây giờ thì tôi đã đến lúc dám cả quyết báo tin cho mình biết là dễ thường tôi đã bắt đầu… tôi đã bắt đầu có thai… Thật thế trong mình tôi hình như có sự chuyển động, sự thay đổi… Trời ơi, nếu sẽ là con giai thì sướng quá nhỉ?

Đức ôm chặt vợ vào lòng, áp mặt mình vào mặt vợ. Hằng hỏi:

– Mình khóc đấy à?

Đức thổn thức đáp:

– Thật thế, khóc vì sung sướng. Trời ơi ta sẽ quý hóa nó biết bao nhiêu… Nó sẽ là cái nghĩa sống cho chúng ta, đó Hằng!

– Tôi thấy lạnh lắm mình ạ. Mình đi kiếm những cái gì cần dùng cho tôi đi.

Đức buông vợ ra, hấp tấp xuống nhà dưới.

Hằng gượng đứng lên, lần ra đến cửa sổ, nhìn xuống đường. Gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn… Mặt đường nhựa ngập lụt, đầy lá rụng. Tại một gốc cây nọ thấp thoáng như có bóng một người mặc áo tơi.

Hằng thổn thức khép cửa…

HẾT

Bình luận