Huỳnh Đức đứng tựa bao lan, vẩn vơ nhìn xuống đường… Tiết trời nặng nề oi ả một cách chưa từng thấy có. Cây cối đứng im lặng như trong một bức tranh.
Đức kéo một hơi thuốc lá rất dài, đặt ý nghĩ vào làn khói thuốc xanh… Chàng lại nhìn xuống con đường nhựa vắng tanh mà giữa là con đường xe điện hiện ra bằng hai vệt sáng dài bởi ánh đèn hai bên chiếu xuống. Chợt thấy tiếng lịch kịch một chiếc xe bò… Chàng chăm chú nhìn thì thấy một người đàn ông cởi trần trùng trục ngồi trên thổi sáo rất vui vẻ để cho một người đàn bà làm bò thoăn thoắt kéo… Đức bỗng phát lên một câu: “Biết đâu cặp vợ chồng nghèo khổ ấy lại không sung sướng bằng vạn mình!”.
Chàng liền quay vào phòng giấy, vặn quạt, và lấy ra một quyển vở nhỏ, cầm bút định viết… Cầm bút lên, nghĩ ngợi lại đặt bút xuống, để mà thở dài… Sau chàng đứng lên đi đi lại lại trong phòng, cái đầu cúi xuống, cái đầu nặng trĩu những ý nghĩ… Sau cùng, chàng cầm vở, ra nằm xuống ghế.
Quyển vở bìa da, cạnh vàng, chàng muốn nhờ nó mà ghi thêm mọi sự đã xảy ra trong đời chàng bằng vài trang nhật ký nữa. Cho nên chàng phải đọc lại cả những điều đã viết từ xưa.
NGÀY MỒNG 5, THÁNG CHẠP, 1934.
Thế mà nay tôi đã quyết định làm một việc xưa kia chưa hề nghĩ đến. Thật vậy, bây giờ tôi mới hiểu rằng những người viết nhật ký không phải toàn là dở hơi. Tôi, Huỳnh Đức, một người xưa nay ghét nhất những chuyện ngôn tình, mà bây giờ cũng viết nhật ký, vì tình.
Tiếc rằng mình không viết ngay từ khi tưởng là được hưởng hạnh phúc. Đáng lẽ ra, phải viết ngay sau tối tân hôn với Tiết Hằng, người tôi yêu quý nhất đời, người làm cho tôi tưởng rằng cuộc đời vẫn là mới mẻ, mặc dầu đến lần này tôi lấy vợ đã là lần thứ hai.
Hiện giờ tôi không còn nhớ gì đến người vợ trước cả. Tiết Hằng đã xóa hết đoạn đời dĩ vãng nặng nề của tôi. Đáng lẽ ra, tôi phải ghi chép ngay bao nhiêu tính tình, bao mối xúc cảm, ngay sau tối tân hôn hoặc ngay sau khi Hằng bảo tôi rằng có thể kết bạn được với tôi, vì Việt Anh là người nàng không thể lấy được. Buổi tối hôm ấy, tôi thấy tôi sung sướng nhất đời. Vậy mà đến bây giờ mới bắt đầu chép nhật ký! Thật vậy, khi người ta sung sướng thì người ta không muốn ghi nhớ gì cả. Người ta chỉ thấy cần ghi chép tính tình khi người ta muốn than vãn, khi nào người ta nghi ngờ cái sung sướng của người ta mà thôi.
NGÀY 11.
Đã sáu hôm nay tôi mới lại giở đến cuốn nhật ký này. Nếu chép cả thì cứ năm phút lại chép một lần, đương ăn cũng phải chép nhật ký, đương ngồi xe hơi cũng phải chép nhật ký, đương đi thăm mỏ cũng phải chép nhật ký, đương tắm nữa, cũng phải chép nhật ký! Tôi không thể như người khác được. Vả lại tôi sợ nhất những ý nghĩ lo buồn.
Hôm nay tôi không buồn nên mới cầm đến bút. Là vì Tiết Hằng đã lành mạnh hẳn. Tiết Hằng, người tôi đã yêu quý nhất đời, đã làm tôi đau khổ nhất đời vì một mối tình tưởng là vô hy vọng, mà bây giờ đã là vợ tôi hẳn hoi!
Hơn một tháng nay, sau khi lấy Hằng, tôi chỉ gia công mà nâng niu chiều chuộng nàng, săn sóc thuốc thang cho nàng, mà chưa hề hỏi xin nàng một lời ái ân nào cả. Nay mai tôi sẽ hỏi, vì nàng đã được bình yên. Chỉ yêu người ta, được cái quyền yêu người ta, thế đã là hạnh phúc đấy hẳn.
NGÀY 14.
Đã mấy hôm nay, tôi phải ngẫm nghĩ mãi về chữ hạnh phúc ở đời. Xưa kia tôi tưởng rằng say mê ai, lấy được người ấy, thế là hưởng hạnh phúc. Trong tuổi thiếu niên, các bạn tôi vẫn nói với tôi đại khái: “Anh ơi, tôi mà lấy được người ấy thì là tôi “nắm” được hạnh phúc ở đời”. Hồi bấy giờ, lần nào tôi cũng đã gật đầu, mà cho là phải. Nếu hôm nay, ai đến nói như vậy thì tôi sẽ gắt lên rằng: “Anh là đồ ngu dại! Liệu rồi người ta có yêu anh như anh yêu người ta không, mặc dầu khi người ta đã là vợ anh!”.
NGÀY 15.
Cả ngày hôm nay, tôi hối hận, vì đã không viết nhật ký ngay từ khi Tiết Hằng là vợ tôi. Từ lúc bắt đầu tôi thấy tôi lấy được nàng, tôi đã sung sướng. Vậy mà, những ý nghĩ vui vẻ đã qua, tôi lại không chép, để cho đến ngày nay, chỉ phải chép những ý nghĩ băn khoăn, có khi lo buồn.
NGÀY 25.
Dễ thường Hằng không yêu tôi như tôi vẫn tưởng.
Có khi vì không lấy được Việt Anh thì lấy tôi là hơn, lấy tôi để mà thương hại tôi cũng nên. Sự thương hại không phải là ái tình. Mà tại sao tôi lại có những ý nghĩ này? Là vì tôi đã để công trong năm ngày trời săn sóc nàng, luôn luôn nói: “Hằng ơi, tôi yêu quý mình nhất đời”, mà không bao giờ thấy nàng nói cho tôi lấy một câu đại khái rằng “Tôi yêu cậu”. Nàng chỉ đáp lại bằng một nụ cười có vẻ “cho phải phép” mà thôi. Tôi Huỳnh Đức, một người đứng tuổi, cũng không ngu hèn gì mà tôi cứ phải nâng niu một người đàn bà đã thuộc quyền sở hữu của mình, để mà mong một ngày kia người ta sẽ thốt ra những câu ân ái tha thiết với mình, mà cái “Ngày kia” ấy chưa biết bao giờ mới đến… đã bao lần tôi muốn hỏi Hằng rằng nàng yêu quý tôi như thế nào, vậy mà cứ định hỏi thì lại thôi. Nếu vợ tôi quả thực yêu quý tôi thì rồi cũng có khi tự nhiên phải nói… Ái tình không phải là sự kêu xin mà có được. Nếu tôi hỏi, vợ tôi phải gượng đáp là có yêu tôi thì còn quý hóa nỗi gì?
NGÀY 28.
Không, Tiết Hằng là một người đức phụ, là một người vợ gương mẫu, không có điều gì trái đạo cả. Thế thì tôi oán giận thế nào được vợ tôi?
NGÀY 4 THÁNG GIÊNG 1935.
Cái thái độ của nàng vẫn thế thôi, không thay đổi gì cả. Nàng chỉ là một người vợ hiền! Tôi, tôi muốn Hằng thà là một người vợ có tính xấu, nhưng mà yêu tôi.
NGÀY 10.
Tôi có nên cứ coi Hằng như một người nhân tình không? Các nhà văn hào đều nói rằng ái tình là một món mỹ thuật, người nào muốn đắc thắng trong tình trường, ít ra cũng phải có tư cách một nghệ sĩ. Hay là tôi đã vụng dại trong cuộc đi chinh phục lòng yêu của Hằng? Dễ thường vì mình sốt sắng, si tình quá, khúm núm quá, nên người ta coi rẻ mình cũng nên. Ở đời này, nhiều khi có lắm việc không còn luận lý học nào cắt nghĩa nổi. Anh chồng kia, tư cách rất đáng bỉ, lại được vợ yêu chiều. Chị vợ nọ, chỉ làm hại và lừa dối chồng, mà được chồng kính nể cũng nên. Mình cứ tưởng hết cách bày tỏ lòng yêu của mình ra thì một ngày kia, không sớm thì chầy, sẽ được đáp lại, có khi mình lầm. Có lẽ tôi cứ lãnh đạm mà giữ địa vị một người chồng, nghĩa là một người mà vợ có bổn phận phải yêu, thì Hằng mới yêu tôi cũng nên…
NGÀY 20.
Tôi đã dùng cái chính sách ấy trong mười hôm mà không ăn thua gì cả. Săn sóc hay lãnh đạm, Hằng cũng vậy mà thôi.
Nàng đã lấy tư cách một người vợ đối với chồng thôi thì nàng còn phải phàn nàn gì!
Không, tôi chỉ được coi là một người chồng chứ không phải được hưởng lòng yêu của một người nhân tình, nghĩa là của một kẻ trong khi yêu mình vẫn không quên bắt bẻ mình, Hằng chỉ là vợ tôi, hết chuyện!
NGÀY 22.
Người ta khi đã yêu một lần, thì lần sau không bao giờ có thể yêu như lần thứ nhất được. Vậy tôi có cần phải ghen với Hằng về đoạn đời trước của Hằng không? Tôi có cần đả động đến Đào Quân và Việt Anh, nhất là Việt Anh, không? Tôi phải suy nghĩ lắm mới được.
NGÀY 29.
Trời ơi, tôi đã tưởng là sung sướng về ái tình! Tôi đã lầm mà sự nhận ra cái lầm ấy có thể giết chết mất bao nhiêu sức sống trong lòng tôi. Hằng không phải là yêu tôi, chính ra bằng lòng lấy tôi là vì bổn phận! Mà tôi cứ phải nghĩ rằng có một người vợ đẹp, có nết, thế chưa đủ làm cho tôi sung sướng, cứ phải khao khát ái tình! Thật vậy, ái tình là một việc, mà hôn sự là một việc khác.
NGÀY 4 THÁNG HAI.
Hôm nay, chúng tôi đã cãi nhau. Lần đầu tôi chạm đến lòng tự ái của Hằng và lần đầu, Hằng đã gắt tôi, giận tôi đã đả động đến Đào Quân, và Việt Anh.
Điều nên nhớ: có yêu thì mới giận. Tôi cũng sung sướng rồi.
NGÀY 5.
Dù sao đi nữa, từ khi tôi kết bạn với Tiết Hằng rồi thì cuộc đời tôi cũng thấy đỡ quạnh hiu. Dễ thường tôi không nên còn phàn nàn gì mới phải. Tôi đã lấy được một người đàn bà mà tôi kính mến và quả thật cũng là đáng kính mến hơn nhất trong tất cả các người đàn bà. Tôi cũng nên nhũn nhặn, đừng hy vọng rằng người đàn bà ấy đem tấm chăn ái tình ra trao tặng cho tôi. Nếu ai hỏi vợ tôi không yêu tôi chăng, thì tôi không biết nên đáp thế nào cả. Bảo là được yêu cũng chẳng phải, mà bảo là bị ghét cũng không xuôi tai. Phải là chồng Tiết Hằng mới thấy như thế. Hình như nàng cũng đã cố sức tìm mọi cách cho tôi vui lòng. Chính ra, Hằng là đáng phàn nàn hơn tôi, vậy mà hình như nàng lại muốn phàn nàn cho tôi. Nàng đã hết sức giấu kín bao nhiêu nỗi khổ tâm của nàng. Tôi không thể nào hiểu rằng vì những lẽ gì mà nàng vẫn âm thầm đau khổ. Như thế đã đủ khốn nạn cho tôi chưa!
NGÀY 8.
Có lẽ tôi sắp hiểu rõ sự thực. Vì các cuộc sống chung với Hằng mấy tháng nay đã khiến tôi phải nghĩ lại cái ngày mà Hằng bảo muốn lấy tôi. Tôi ngu dại quá, vì mãi đến bây giờ mới nghĩ đến cử chỉ của Hằng hồi ấy.
Chao ôi! Buổi tối hôm ấy, tại bệnh viện St. Paul, có ai trông thấy Hằng run sợ nép vào ngực tôi mà thở hồng hộc, mà khóc rưng rức, thì mới rõ một người đàn bà trong lúc khốn khổ, không tự chủ, tự mình cũng không dám tin mình. Nàng đã hấp tấp nói: “Anh Đức, anh lấy tôi đi!” vội vàng mà ai oán cũng như nàng kêu: “Ai cứu tôi với!” vậy. Lúc đó, tôi choáng váng, tê mê cả người, cảm động hết sức, mặc dầu chưa rõ căn nguyên. Tôi đã tìm mọi cách để hỏi han nàng, dỗ dành cho nàng nói để biết sự thực… Thì, Hằng đã nhìn tôi một cách như kêu van mà rằng: “Xin đừng bắt tôi cung khai gì cả, xin đừng hỏi han gì tôi nữa! Anh chỉ nên mau mau cứu vớt tôi mà thôi, phải, anh mau cứu vớt tôi!”. Cho khỏi những tai họa tày đình gì? Lúc ấy nào tôi có hiểu! Và ngay bây giờ nữa, nào tôi đã hiểu! Tôi chỉ nhớ rằng buổi tối hôm ấy, Hằng đã có cái thần thái hãi hùng kinh sợ của một con chim gáy vừa tránh khỏi đạn mà bay vào nấp được trong một bụi tre rậm rạp, là tôi. Thật vậy, nàng đã có cái tâm thần bàng hoàng của một người vừa thoát chết, nhưng mà vẫn phải sợ hãi vì vẫn còn có thể bị chết được nếu không giơ tay cầu cứu về phía tôi… Chính là Hằng đã muốn cho việc bách niên phải thành ngay lập tức. Người ngoài, nếu có biết tất cũng thấy rằng nàng vội vàng lấy tôi để tránh khỏi một sự nguy hiểm gì, lấy ngay tôi cho xong chuyện đi, cho không thể nào gỡ lại, cứu chữa lại được nữa, hình như chính nàng, nàng cũng sợ là không lấy nhau ngay thì rồi nàng lại đổi ý, lại sai lời chăng. “Anh mau cứu tôi!” những lời nói run sợ một cách đáng lạ lùng kia, ngay bây giờ, ngồi viết những dòng này, tôi thấy như bên tai vẫn còn văng vẳng!…
NGÀY 9.
Hôm nay, trong một cuộc hội họp, tình cờ chung quanh tôi, người ta đã nói đến Việt Anh. Máu tôi lúc ấy sôi lên, làm cho tôi chỉ muốn uống rõ nhiều rượu mà không thể nào ăn được những mỹ vị khác nữa. Tôi còn sống ngày nào thì tôi còn phải căm hờn Việt Anh ngày ấy, vì chính hắn đã làm khổ Tiết Hằng. Than ôi, tôi yêu quý Hằng đến nỗi rằng giá Hằng lấy hắn mà hưởng hạnh phúc ở đời thì tôi cũng xin vâng, tôi cũng sẵn lòng hy sinh…
Tôi, tôi muốn quên tôi đi mà sống bằng cái hạnh phúc của người mà tôi yêu quý! Tại sao hai người đã đính hôn với nhau rồi mà việc đến nỗi ngang trở? Việt Anh hối hôn hay là Tiết Hằng đã hối hôn? Mà sao Việt Anh lại bỏ nàng mà ra đi biệt tăm hơi như thế? Tôi không biết một tí nào cả… Tôi muốn biết lắm mà không sao được, Hằng chẳng bao giờ buồn kể lể gì với tôi…
NGÀY 10.
Nhưng tôi cần phải ghi rằng dù không biết về những đoạn đời trước của Hằng thì tôi cũng tin rằng không bao giờ Hằng đã là người yêu của Việt Anh, trước cũng như sự khi Đào Quân rủi ro thiệt mạng, về điều đó nàng đã thề với tôi, mà tôi cũng đã tin, phải, tôi, tôi cũng đã tin! Việt Anh là người bạn của Quân… Sau khi Quân chết, đã hỏi nàng… Thấy người cũng khá, nàng đã nhận lời… ấy đầu đuôi hình như chỉ có thế. Sau khi dò la thăm hỏi những người biết Việt Anh thì tôi rõ rằng khi định kết bạn với Hằng, Việt Anh vẫn không thôi dan díu với một vài ả giang hồ. Tôi đoán rằng việc ấy khiến Hằng lấy làm bất bình nên nàng mới trái ước cùng Anh. Có lẽ nàng đã yêu quý Việt Anh cũng nên song vì phải gìn giữ, vì phải tự trọng. Hằng đã bỏ Việt Anh và thuận lấy tôi. Cái câu: “Anh mau cứu vớt lấy tôi” chắc cũng không có nghĩa gì khác.
NGÀY 11.
Mai, tôi phải đi Hòn Gay đến năm hôm mới về được. Mà vợ tôi, ngay hôm nay, cũng đã về cùng nhạc phụ tôi.
NGÀY 17.
Hôm nay tôi đã về quê đón vợ tôi ra. Nhạc phụ tôi xem ý vui vẻ lắm. Tất nhiên Hằng đã khéo léo giữ gìn lắm, vì nhạc phụ tôi sung sướng bao nhiêu thì chắc vợ tôi âm thầm đau khổ bấy nhiêu. Tôi cũng vậy.
NGÀY 18.
Tự nhiên, hôm nay tôi nói với Hằng: “Mình ơi, tôi là một người bạn của mình, để giữ trọn một cái nghĩa cả đối với mình, một người cùng mình đi trong đời và cái địa vị tôi – Trời ơi! Tôi đã hiểu rõ – chỉ là làm thế nào cho Hằng thấy rằng cuộc đời là dễ chịu, là có thể sống được, là cũng không hoàn toàn đáng buồn, là… nói tóm lại, thì tôi không làm cho Hằng phải bực mình, có phải thế không?”. Hằng đáp rằng: “Xin cảm tạ anh”. Tôi hỏi cảm tạ vì lẽ gì, thì Hằng lại nói: “Cảm tạ vì anh đã cứu sống được tôi. Bây giờ ta cũng nên nhắc lại chuyện cũ… Tôi, Tiết Hằng khốn nạn này, đương sắp chết, đương bị đắm đuối, thì nhờ có anh giơ tay ra cứu; và anh đã cứu khỏi chết một người đàn bà. Anh Đức ơi, suýt nữa thì tôi chết… chết!… Nay tôi sống… tôi như người vừa khỏi một bệnh nặng, bây giờ tôi gần khỏi hẳn, vì nhờ có anh là một ông thầy thuốc giỏi”.
Nói rồi, nàng cúi đầu cảm động một lúc khá lâu. Sau chúng tôi lại hỏi nhau và đáp nhau, nghĩa là giữ miếng nhau, thế này:
– Tôi cam đoan là thầy thuốc sẽ đem hết lương tâm và tài nghệ ra chạy chữa cho mình. Nhưng mà mình nên biết giúp đỡ thầy thuốc trong cái cuộc khó khăn ấy. Mình phải kể lể hết cho thầy thuốc nghe… Nếu thầy thuốc không hiểu rõ được căn bệnh…
– Không, Hằng đã khỏi hẳn rồi. Bây giờ Hằng đã như người ăn lại bữa…
– Nếu Hằng khỏi rồi thì vì lẽ gì lại cứ phải giấu giếm tôi? Mình ơi, nói rõ cho tôi nghe đi… Bảo cho tôi rõ là ai đã gây ra cuộc tơ duyên lỡ dở giữa mình và Việt Anh…
– Tôi không muốn nói, mà nếu có muốn, cũng không thể nói được. Vả lại mình cứ nhắc lại chuyện cũ làm gì? Thôi đừng hỏi nữa, để cho tôi quên đi, quên mọi sự đi, để hoàn toàn yêu mình.
– Tôi tưởng những lời lẽ ấy cũng làm tôi sung sướng được trong một phút.
NGÀY 24
Hôm nay tôi nhận được thư của Việt Anh! Mà Việt Anh muốn vợ chồng tôi tiếp anh ta trong năm phút. Tôi nên đáp thế nào? Có lẽ tiếp hắn là phải. Trước mặt hắn, vợ tôi có những cử chỉ bình tĩnh hoặc rối loạn thế nào là tôi đủ khám phá nổi những ý nghĩ bí mật kia. Tôi cứ việc trả lời Việt Anh mà không báo cho Hằng biết mới được. Nếu cho vợ tôi biết, chắc vợ tôi chẳng bằng lòng nào…
Đọc lại cuốn nhật ký mới viết có đến đấy, Huỳnh Đức lại ngồi lên, mặt bần thần và li bì như ngái ngủ. Chàng thở dài rồi rón rén sang bên buồng Hằng. Bóng điện xanh lồng trong tua xanh chiếu ra làn ánh sáng mát mẻ dễ chịu. Thấy vợ như đã yên nghỉ, Đức rón rén đến bên giường, để tay vào trán Hằng thì vừa lúc nàng chợt thức giấc, dụi mắt và ngơ ngác nhìn quanh…
– Mình chưa ngủ kia à?
– Có, tôi đã ngủ được một lúc… Chợt thức dậy nên sang đây xem em có cần dùng gì…
– Không, tôi ngủ đây. Mình cũng ngủ đi.
– Mình có nóng không?
– Không.
– Tôi vặn quạt nhè nhẹ để mình nghỉ nhé?
– Thôi… Tôi mệt lắm, mình đừng hỏi nữa.
Rồi Hằng cựa mình, quay mặt vào tường. Đức đứng lại nhìn nàng một lúc rồi quay ra, khẽ khép cửa phòng lại. Chàng cầm cuốn nhật ký ra ngồi bàn giấy, lấy bút viết:
NGÀY 25.
Thôi, thế là xong. Sau một ngày nghĩ ngợi, tôi đã đáp thư cho Việt Anh, hẹn hắn mai cứ đến. Tôi đã kết bạn với Tiết Hằng được mấy tháng trời rồi. Trong mấy tháng, cuộc đời sống chung kể cũng là bình tĩnh, vì chưa có một cuộc phong ba nào đến làm gợn mặt bể tình, dù là cái tình vợ chồng của chúng tôi. Vậy mà tôi đã táo tợn nhận lời cùng Việt Anh! Ngày mai tôi sẽ khỏi bị cái khổ là không hiểu biết gì cả. Tôi sẽ biết và tôi lo sau khi biết, sẽ phải đau khổ! Từ mai trở đi, Huỳnh Đức là người khôn ngoan hay là kẻ ngu dại, thì Huỳnh Đức sẽ rõ. Nếu biết mà đau khổ, thà biết. Còn hơn như thế này. Chỉ còn một ngày nữa. Tôi cố kiên tâm…