Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hỏa Ngục – Inferno

Chương 35

Tác giả: Dan Brown

Đã có thời, Sảnh Năm trăm là gian phòng rộng nhất thế giới. Nó được xây dựng năm 1494 để làm nơi hội họp cho toàn thể Consiglio Maggiore – Đại hội đồng gồm đúng năm trăm ủy viên của nền Cộng hòa – vì thế thành tên của sảnh. Vài năm sau, theo lệnh của Cosimo I, phòng được cải tạo và mở rộng đáng kể. Cosimo I, nhân vật quyền thế nhất nước Ý, đã chọn Giorgio Vasari làm giám công kiêm kiến trúc sư của dự án.

Để hoàn thành công trình đặc biệt này, Vasari đã cho nâng phần mái cũ và cho ánh sáng tự nhiên tràn vào qua các cửa sổ con rất cao ở cả bốn mặt gian phòng, tạo thành một không gian trang nhã trưng bày những bức tranh, tác phẩm điêu khắc và kiến trúc đẹp nhất của Florence.

Sàn của gian phòng này luôn thu hút ánh mắt của Langdon trước tiên, vì nó như tuyên bố rằng đây không phải là một không gian bình thường. Phần sàn bằng đá son cùng hệ thống đường kẻ ô màu đen tạo cho không gian rộng một nghìn một trăm mười lăm mét vuông này vẻ vững chải, sâu và cân bằng.

Langdon từ từ nhướng mắt nhìn về đầu kia của gian phòng, nơi sáu bức điêu khắc – Những kỳ công của Hercules – xếp hàng dọc theo tường như một toán binh sĩ. Langdon cố ý bỏ qua tác phẩm Hercules và Diomedes vẫn thường xuyên bị chê bai, mô tả những thân hình trần truồng mắc cứng trong một trận đấu vật trông rất quyết liệt, với động tác “bóp dương vật” đầy tính sáng tạo vẫn luôn khiến Langdon phát hãi.

Dễ bắt mắt hơn là tác phẩm Thần Chiến thắng đẹp mê hồn của Michelangelo đứng ở bên trái, choán hết hốc chính giữa của bức tường phía nam. Cao gần ba mét, tác phẩm điêu khắc này dự định dành cho phần mộ của vị giáo hoàng gây nhiều tranh cãi Julius II – được mệnh danh là Đức Thánh Cha Đáng sợ – một nhiệm vụ Langdon luôn thấy rất châm biếm, nếu xét đến quan điểm về tình dục đồng giới của Vatican. Bức tượng mô tả Tommaso dei Cavalieri, chàng thanh niên mà Michelangelo yêu say đắm và cũng là người ông viết tặng hơn ba trăm bài thơ.

“Tôi không thể tin là mình lại chưa bao giờ đến đây!”, Sienna thì thào bên cạnh anh, giọng cô đột nhiên nhẹ nhàng và đầy thành kính. “Nơi này… đẹp quá!”

Langdon gật đầu, nhớ lại lần đầu anh tới thăm khu vực này, nhân một buổi hòa nhạc cổ điển đặc biệt của nghệ sĩ piano lừng danh thế giới Mariele Keymel. Mặc dù đại sảnh này là nơi hội hợp chính trị và thiết triều của ngài Đại Công tước, nhưng giờ đây nó được dành cho các nhạc sĩ, nhà diễn thuyết và những buổi dạ tiệc – từ sử gia nghệ thuật Maurizio Seracini đến dạ tiệc khai trương chỉ có hai màu đen-trắng của Bảo tàng Gucci. Nhiều lúc Langdon tự hỏi Cosimo I sẽ cảm thấy thế nào về chuyện phải chia sẻ đại sảnh riêng vốn rất chân phương của mình với các vị CEO và người mẫu thời trang.

Langdon hướng ánh mắt sang những bức bích họa đồ sộ tô điểm cho các bức tường. Lịch sử kỳ lạ của chúng còn bao gồm kỹ thuật vẽ thử nghiệm bất thành của Leonardo da Vinci, với kết quả là một “kiệt tác tan chảy”. Cũng đã từng có một “cuộc thi tài” nghệ thuật do Piero Soderini và Machiavelli dẫn dắt, sử dụng hai người khổng lồ của thời Phục Hưng – Michelangelo và Leonardo – đấu với nhau, bằng cách ra lệnh cho họ sáng tạo ra những bích họa ở các bức tường đối diện nhau trong cùng một căn phòng.

Tuy nhiên, hôm nay, Langdon quan tâm đến một trong những điểm kỳ quặc mang tính lịch sử khác của căn phòng này.

Cerca trova.

“Cái nào là của Vasari?”, Sienna hỏi, đưa mắt nhìn các bích họa.

“Gần như tất cả”, Langdon đáp, biết rõ việc để cải tạo căn phòng, Vasari cùng các phụ tá đã phải vẽ lại gần như mọi thứ bên trong, từ những bức bích họa nguyên gốc tới ba mươi chín ô trang trí phần trần “treo” nổi tiếng của gian phòng.

“Nhưng bích họa kia”, Langdon nói, chỉ bức bích họa ở bên phải họ, “mới là bức chúng ta muốn xem – Trận Marciano của Vasari”.

Bức tranh mô tả cảnh đối đầu quân sự quả là đồ sộ – dài một trăm sáu mươi lăm mét và cao hơn ba tầng nhà. Nó được khắc họa bằng các gam màu nâu đỏ và xanh lục – một đại cảnh dữ dội với lính, ngựa, giáo mác cùng những lá cờ va đụng nhau trên một sườn đồi ở vùng quê.

“Vasari, Vasari”, Sienna thì thào. “Và thông điệp bí mật của ông ấy được giấu đâu đó trong bức tranh ấy ư?”

Langdon gật đầu trong lúc nheo mắt nhìn lên đỉnh bức bích họa khổng lồ, cố gắng định vị lá cờ trận màu lục đặc biệt, Vasari đã vẽ lên đó thông điệp bí ẩn của ông – CERCA TROVA. “Gần như không thể nhìn thấy từ dưới này mà không dùng ống nhòm”, Langdon nói, chỉ tay lên bức tranh, “nhưng ở khoang giữa trên cùng, ngay phía dưới hai ngôi nhà nông trại trên sườn đồi, có một lá cờ màu xanh lục hơi nghiêng nhỏ xíu và…”

“Tôi nhìn thấy rồi”, Sienna nói, tay chỉ lên góc trên bên phải, rất đúng vị trí. Langdon ao ước có được cặp mắt tinh tường hơn.
Hai người bước lại gần bức bích họa cao ngất, Langdon ngước nhìn vẻ tráng lệ của nó. Cuối cùng, họ đã ở đây. Vấn đề duy nhất lúc này là Langdon không biết chắc tại sao họ lại đến đây. Anh đứng im lặng rất lâu, đăm đăm nhìn những chi tiết trong kiệt tác của Vasari.

Nếu ta thất bại… khi đó tất cả sẽ chết.

Một cánh cửa hé mở phía sau họ, và ông bảo vệ cùng cái máy lau sàn ngó vào, vẻ ngập ngừng. Sienna vẫy tay chào đầy thân thiện. Ông bảo vệ nhìn họ một lát rồi khép cửa lại.

“Chúng ta không có nhiều thời gian đâu, Robert”, Sienna giục. “Anh cần nghĩ xem. Bức tranh có gợi cho anh điều gì không? Bất kỳ ký ức gì không?”

Langdon chăm chú nhìn cảnh chiến trận hỗn loạn phía trên họ. Chỉ có thể nắm bắt được chân lý qua cặp mắt chết chóc.
Langdon từng nghĩ có lẽ trong bức bích họa có một xác chết với ánh mắt vô hồn nhìn về phía một manh mối nào đó trong bức tranh… hoặc thậm chí là một vị trí nào đó trong gian phòng. Tiếc thay, lúc này Langdon thấy rằng có đến hàng chục xác chết trong bức bích họa, và không cái xác nào đáng chú ý cũng như không có cặp mắt người chết nào hướng tới bất kỳ nơi nào đặc biệt.

Chỉ có thể nắm bắt được chân lý qua cặp mắt chết chóc ư?

Anh cố gắng mường tượng các đường kết nối từ xác chết này tới xác chết khác, băn khoăn không biết có thể tạo ra hình thù gì không nhưng chẳng thấy gì cả.

Đầu Langdon lại căng rần rật trong lúc cố lục tung những tầng sâu trí nhớ của mình. Đâu đó, giọng của người phụ nữ tóc bạc vẫn thì thầm: Hãy tìm kiếm và sẽ thấy.

“Tìm cái gì chứ?”, Langdon muốn hét to lên.

Anh cố nhắm mắt lại và từ từ thở ra. Anh xoay vai vài lần và cố gắng giải phóng mình khỏi tất cả những suy nghĩ có ý thức, hy vọng chạm đến bản năng sâu thẳm.

Rất xin lỗi. Vasari.
Cerca trova.

Chỉ có thể nắm bắt được chân lý qua cặp mắt chết chóc.

Bản năng mách bảo, chắc chắn anh đã tìm đúng chỗ. Và dù lúc này không hiểu nổi tại sao, anh vẫn có cảm nhận rõ rệt rằng chẳng mấy chốc mình sẽ thông suốt mọi chuyện.

Đặc vụ Brüder hững hờ nhìn đống quần áo chẽn nhung màu đỏ trong tủ trưng bày trước mắt mình và rủa thầm. Đội SRS của anh ta đã lục soát khắp khu trưng bày phục trang, nhưng không tìm thấy Langdon và Sienna Brooks ở đâu cả.

Giám sát và hỗ trợ phản ứng, anh ta giận dữ nghĩ. Kể từ lúc nào một thằng cha giáo sư đại học lại thoát khỏi tay SRS chứ? Bọn họ biến đi chỗ quái nào rồi!

“Mọi lối ra đều đã phong tỏa”, một người của anh ta khẳng định. “Khả năng duy nhất là bọn họ vẫn còn trong khu vườn.”

Điều này dường như khá hợp lý nhưng Brüder lại có cảm giác rằng Langdon và Sienna Brooks đã tìm được một lối thoát nào đó.

“Cho máy bay bay lại đi”, Brüder quát. “Và lệnh cho giới chức địa phương mở rộng phạm vi tìm kiếm bên ngoài các bức tường.” Mẹ kiếp!

Trong khi người của mình tỏa đi, Brüder vớ lấy điện thoại và gọi cho người có trách nhiệm. “Brüder đây”, anh ta nói. “Tôi e là chúng ta đang gặp phải vấn đề rất nghiêm trọng. Thực tế là rất nhiều vấn đề.”

Bình luận