Vật nằm trong bàn tay Langdon nặng hơn hẳn so với kích thước của nó. Thon và trơn láng, cái hình trụ bằng kim loại nhẵn thín ấy dài khoảng mười lăm phân và tròn cả hai đầu, giống như một quả ngư lôi thu nhỏ
“Trước khi mạnh tay cầm vào thứ đó”, Sienna lên tiếng, “có lẽ anh cần nhìn mặt bên kia đã”. Cô mỉm cười với anh nhưng khá căng thẳng. “Anh nói anh là giáo sư về các biểu tượng phải không?”
Langdon chăm chú nhìn cái ống trụ, xoay nó trong lòng bàn tay cho tới khi một biểu tượng màu đỏ tươi hiện rõ bên hông ống.
Cơ thể anh ngay lập tức cứng đờ.
Khi còn là sinh viên ngành biểu tượng học, Langdon đã biết rằng một số hình ảnh ghê gớm có sức mạnh gieo rắc nỗi sợ hãi ngay lập tức vào tâm trí con người… nhưng cái biểu tượng trước mắt anh thì khỏi phải nói. Phản ứng của anh hoàn toàn mang tính bản năng và ngay tức thì, anh đặt cái ống lên bàn rồi ngồi phịch xuống ghế.
Sienna gật đầu. “Vâng, phản ứng của tôi cũng y như vậy.” Dấu hiệu trên ống là một biểu tượng ba nhánh đơn giản.
Biểu tượng khét tiếng này, như Langdon từng đọc được, do Dow Chemical nghĩ ra vào những năm 1960, để thay thế cho chuỗi đồ họa cảnh báo được sử dụng không mấy hiệu quả trước đó. Như tất cả những biểu tượng thành công khác, biểu tượng này đơn giản, đặc trưng và dễ tạo. Khéo léo khơi gợi mối liên hệ với mọi thứ, từ cặp càng cua đến những phi tiêu của ninja, biểu tượng “nguy hiểm sinh học” hiện đại này trở thành một nhãn hiệu toàn cầu truyền tải ý nghĩa nguy hiểm trong mọi ngôn ngữ.
“Cái ống nhỏ xíu này là một ống tuýp sinh học”, Sienna nói. “Nó dùng để mang những chất nguy hiểm. Chúng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy chúng trong lĩnh vực y khoa. Bên trong là một lớp bọt bao bọc lấy ống chất mẫu để có thể mang đi an toàn. Trong trường hợp này…” Cô chỉ vào biểu tượng nguy hiểm sinh học. “Tôi đoán là một tác nhân hóa học chết người… hoặc có thể là một… loại virus?”, cô ngừng lại. “Các mẫu Ebola [9] đầu tiên được mang về từ châu Phi qua một cái ống y hệt như thế.”
(9) Ebola là loại virus gây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng.
Đây không phải toàn bộ những gì Langdon muốn nghe. “Nhưng nó làm cái quái gì trong áo khoác của tôi chứ! Tôi là một giáo sư lịch sử nghệ thuật mà, tại sao tôi lại mang cái thứ này?”
Hình ảnh những xác người quằn quại lại lóe lên trong trí anh… và lơ lửng phía trên cái mặt nạ dịch hạch.
Rất xin lỗi… Rất xin lỗi!
“Cho dù thứ này từ đâu đến”, Sienna nói, “nó cũng là một vật có độ bền cao. Titan lót chì. Gần như không thể xuyên thủng, thậm chí bằng phóng xạ. Tôi đoán là vấn đề cấp chính phủ.” Cô chỉ vào ô màu đen cỡ bằng con tem ngay bên cạnh biểu tượng nguy hiểm sinh học. “Xác nhận bằng dấu tay. Bảo đảm an ninh trong trường hợp bị thất lạc hoặc đánh cắp. Những ống như thế này chỉ một người đặc biệt mới mở được.”
Mặc dù Langdon cảm giác đầu óc mình lúc này đang làm việc với tốc độ bình thường nhưng anh vẫn thấy như thể đang phải cố hết sức. Mình đang mang theo một ống tuýp niêm phong bằng vân tay.
“Khi tôi phát hiện cái ống này trong áo khoác của anh, tôi muốn cho riêng bác sĩ Marconi xem, nhưng tôi không có cơ hội làm vậy lúc anh chưa tỉnh lại. Tôi đã định thử đặt ngón tay anh lên cái ô kia trong lúc anh đang bất tỉnh, nhưng tôi lại không rõ thứ gì trong ống, và…”
“Ngón tay TÔI ư?”, Langdon lắc đầu. “Làm sao có chuyện thứ này được lập trình để tôi là người mở nó chứ. Tôi có biết gì về hóa sinh đâu. Tôi chưa từng có thứ gì như thế này cả.”
“Anh chắc chứ?”
Langdon rất chắc chắn. Anh vươn tay và đặt ngón cái của mình vào ô vuông. Chẳng có gì xảy ra cả. “Thấy chưa? Tôi đã nói…”
Cái ống titan phát ra tiếng kêu rất to, và Langdon giật tay về như phải bỏng. Khốn nạn. Anh đăm đăm nhìn cái ống như thể nó sắp tự mở toang và bắt đầu xì ra một thứ khí độc chết người. Sau ba giây, nó lại phát ra tiếng động, rõ ràng đang tự khóa lại.
Không nói gì, Langdon quay sang nhìn Sienna.
Cô bác sĩ trẻ thở hắt ra, trông bệch bạc. “Chà, rõ ràng chính anh là người được chỉ định mang nó đi rồi.”
Với Langdon, toàn bộ tấn kịch này thật phi lý. “Không thể như thế. Trước hết, làm cách nào tôi tha được mẩu kim loại này qua chốt an ninh sân bay chứ?”
“Có lẽ anh bay bằng máy bay riêng? Hoặc có lẽ người ta giao cho anh khi anh đến Ý?” “Sienna, tôi cần gọi cho lãnh sự. Ngay bây giờ.”
“Anh không nghĩ chúng ta cần mở nó ra trước đã à?”
Trong đời mình, Langdon từng có một số hành động hấp tấp, nhưng mở một vật chứa chất độc ngay trong bếp của người phụ nữ này không phải là một trong những hành động như thế. “Tôi sẽ bàn giao thứ này cho giới chức trách. Ngay bây giờ!”
Sienna mím chặt môi, suy tính về mọi khả năng. “Được rồi, nhưng ngay khi thực hiện cuộc gọi đó, anh phải tự giải quyết. Tôi không can dự vào. Đương nhiên anh không thể gặp họ ở đây. Hoàn cảnh di trú của tôi ở Ý rất… phức tạp.”
Langdon nhìn vào mắt Sienna. “Tất cả những gì tôi biết, Sienna, là cô đã cứu mạng tôi. Tôi sẽ giải quyết chuyện này đúng như ý muốn của cô.”
Cô gật đầu cảm ơn và bước lại phía cửa sổ, chăm chú nhìn xuống con phố phía dưới. “Được rồi, chúng ta cần làm như thế này nhé!”
Sienna nhanh nhẹn vạch ra một kế hoạch. Nó rất đơn giản, khôn khéo và an toàn.
Langdon đợi cô bật chế độ chặn hiển thị người gọi trong điện thoại di động và bấm số. Các ngón tay của cô thanh mảnh nhưng di chuyển rất có chủ định.
“Thông tin thuê bao phải không?”, Sienna nói bằng tiếng Ý không thể chê vào đâu. “Xin cho tôi số máy của Lãnh sự quán Hoa kỳ tại Firenze được không?”
Cô đợi và sau đó nhanh nhẹn viết ra một số điện thoại. “Rất cảm ơn”, cô đáp và ngắt máy.
Sienna chìa số điện thoại cho Langdon cùng với điện thoại của cô. “Anh nói đi. Anh nhớ phải nói gì chưa?”
“Trí nhớ của tôi tốt mà”, anh mỉm cười nói trong lúc bấm số máy ghi trên mẩu giấy. Đường dây bắt đầu đổ chuông.
Chẳng thấy gì cả.
Anh chuyển sang chế độ loa ngoài và đặt điện thoại lên bàn để Sienna cũng có thể nghe được. Đáp lời là một tin nhắn đã ghi âm sẵn, cung cấp thông tin chung về các dịch vụ lãnh sự và giờ làm việc, tức là phải sau 8 giờ 30 phút sáng.
Langdon nhìn đồng hộ trên bàn. Mới chỉ có sáu giờ sáng.
“Nếu đây là tình huống khẩn cấp”, đoạn ghi âm tự động nói, “quý vị có thể gọi tới số 7-7 để báo với nhân viên trực đêm”.
Langdon lập tức bấm số máy lẻ. Đường dây lại đổ chuông.
“Lãnh sự quán Hoa Kỳ xin nghe”, một giọng nói mệt mỏi trả lời bằng tiếng Ý. “Tôi là nhân viên trực đây.”
“Anh nói được tiếng Anh chứ?”, Langdon hỏi bằng tiếng Ý.
“Đương nhiên”, người đàn ông bên kia đáp lại bằng tiếng Anh Mỹ. Giọng anh ta có vẻ khó chịu vì bị đánh thức. “Tôi giúp gì được anh?”
“Tôi là công dân Mỹ đang có mặt ở Florence và tôi bị tấn công. Tên tôi là Robert Langdon.” “Xin cho biết số hộ chiếu”, người đàn ông ngáp nghe rõ mồn một.
“Tôi bị mất hộ chiếu. Tôi nghĩ nó bị đánh cắp. Tôi bị bắn vào đầu. Tôi ở trong bệnh viện. Tôi cần giúp đỡ.”
Nhân viên trực đột nhiên tỉnh ngủ hẳn. “Thưa ông! Ông vừa nói ông bị bắn phải không? Xin ông nói lại họ tên đầy đủ được không?”
“Robert Langdon.”
Có tiếng sột soạt trên đường dây và sau đó Langdon nghe rõ tiếng ngón tay của người đàn ông gõ lách cách trên bàn phím. Tiếng máy tính kêu “ping”. Tạm dừng. Rồi lại nghe tiếng ngón tay trên bàn phím. Lại một tiếng “ping”. Tiếp đến là ba tiếng “ping” chói lói.
Tạm dừng lâu hơn.
“Thưa ông?”, người đán ông lên tiếng. “Tên ông là Robert Langdon phải không?” “Vâng, đúng vậy. Và tôi đang gặp rắc rối.”
“Được rồi, thưa ông, tên ông được đánh dấu lưu ý, và tôi được chỉ dẫn lập tức nối máy cho ông với chánh văn phòng của Tổng lãnh sự.” Người đàn ông ngừng lại, như thể chính anh ta cũng không tin nổi. “Xin hãy giữ máy!”
“Đợi đã! Anh có thể cho tôi biết…” Đường dây lại đổ chuông.
Bốn lần đổ chuông và máy được nối.
“Collins nghe đây”, một giọng cộc cằn vang lên.
Langdon hít một hơi thật sâu và cố gắng nói thật bình tĩnh và rõ ràng. “Thưa ngài Collins, tên tôi là Robert Langdon. Tôi là một công dân Mỹ đang có mặt tại Florence. Tôi bị bắn. Tôi cần giúp đỡ. Tôi muốn được tới Lãnh sự quán Hoa Kỳ ngay lập tức. Ngài có thể giúp tôi không?”
Không chút do dự, giọng nói bên kia đáp lại. “Ơn Chúa là anh vẫn còn sống, anh Langdon. Chúng tôi đang tìm kiếm anh.”